Saturday 1 December 2012

LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU VIỆT NAM BỎ TRỐN : LỢI ÍT, HẠI NHIỀU (Trương Ban Mai - ABC Radio Australia)




Trương Ban Mai
Cập nhật lúc 30 November 2012, 13:29 AEST

Cơ hội xuất khẩu lao động của nhiều người Việt Nam ngày càng thu hẹp khi các thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đang cắt giảm chỉ tiêu tuyển dụng lao động Việt Nam do tỷ lệ bỏ trốn quá cao (từ 30%-50%).

Cơ hội đổi đời
Trong khoảng mười năm trở lại đây, đi xuất khẩu lao động được xem là con đường đổi đời khả dĩ nhất của nhiều người, đặc biệt là thanh niên nông thôn, tỉnh lẻ. Chưa kể đến một số ít người có thâm niên và tay nghề cao với mức lương ‘khủng’ từ 2,500 USD đến 4,000 USD/tháng, lao động phổ thông cũng đạt mức lương khoảng 1,000 USD/tháng, gấp 6 lần lương công nhân trong nước.
Ai cũng biết đi lao động nơi xứ người vất vả không thua kém gì trong nước, thậm chí còn có phần khó khăn hơn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản. Tuy nhiên, giá trị lao động quy ra tiền Việt Nam quá cao nên nhiều thanh niên đã chọn con đường này.
Chính vì thế, hằng năm có khoảng 90,000 người Việt Nam ở khắp các địa phương đi hợp tác lao động ở nước ngoài, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có 400,000 lao động xuất khẩu đang làm việc ở 101 quốc gia, đóng góp đáng kể vào tổng số 10 tỷ USD kiều hối dự kiến trong năm 2012.

Cứ 2 lao động có 1 người bỏ trốn
Tháng 10/2012, hơn 12,000 người Việt Nam đã hoàn thành kỳ thi tiếng Hàn vô cùng bàng hoàng trước thông tin đất nước củ sâm tạm ngưng chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS). Tuy nhiên, đây là một hậu quả không sớm thì muộn và đã được cảnh báo trong nhiều năm qua. Có thời điểm, tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc lên đến 57%, nghĩa là cứ 2 người thì có ít nhất 1 người bỏ trốn.
Theo danh sách do Bộ Lao động Hàn Quốc cung cấp, hiện có gần 23,000 người Việt Nam lao động bất hợp pháp tại nước này. Tại Đài Loan, con số này cũng lên đến 15,000 người. Các địa phương dẫn đầu về số lao động bỏ trốn là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Hải Dương.

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết hiện nay Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động trung thành và những người về nước đúng hạn chứ không tuyển thêm lao động mới.

Tại Nhật Bản - đất nước tiếp nhận khá nhiều người lao động Việt Nam dưới dạng tu nghiệp sinh, tình trạng cũng không sáng sủa hơn. Theo ông Masumi Higuma, Trưởng đại diện Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản tại Việt Nam, một số công ty Nhật không còn mặn mà với tu nghiệp sinh Việt Nam cũng vì tình trạng bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp.

Nguyên nhân vì đâu?
Nguyên nhân bỏ trốn được xác định một phần do mức thu nhập hấp dẫn so với trong nước, một phần do chi phí ban đầu quá cao.
Theo ông Jung Jin Young - trưởng đại diện cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết chi phí cho các thủ tục để đi lao động ở nước này chỉ tốn khoảng 710 USD. Thế nhưng, trên thực tế, con số này đã đội lên từ 7 đến 10 lần!

Để giành được một suất đi nước ngoài, người lao động phải chi từ 5,000 USD đến 7,000 USD. Anh TMH. (sinh năm 1983), một thanh niên đang lao động tại Hàn Quốc cho biết: “Công nhân Việt Nam bỏ trốn khi hết hợp đồng đã trở thành chuyện bình thường. Hầu như ai cũng cố tìm mọi cách để ở lại thêm càng lâu càng tốt nhằm kiếm thêm chút vốn”.

Tương tự, Ủy ban Lao động Đài Loan cho biết người Việt Nam sang Đài Loan làm việc phải chi khoảng 5.600-6.000 USD cho các thủ tục ban đầu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị thu đến 6.500 - 7.000 USD/người. Khoảng chênh lệch này chủ yếu chảy vào túi những người làm trung gian, cò mồi.

Bài toán chưa có lời giải
Lao động bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trong nhiều năm qua nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục. Những biện pháp mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đưa ra mới dừng lại ở việc tuyên truyền nhằm kêu gọi người dân tự nguyện chấp hành luật lệ lao động tại nước bạn.
Gần đây, có đề xuất cho rằng người lao động phải đóng một khoản thế chân và chỉ được rút ra khi về nước. Đề xuất này không được ủng hộ do làm đội chi phí ban đầu, càng khiến người lao động muốn kéo dài thời gian làm việc ở nước ngoài.


Bài liên quan:







No comments:

Post a Comment

View My Stats