Friday 7 December 2012

KHI GÃ KHỔNG LỒ NGÃ XUỐNG (Andreas Lorenz)




Andreas Lorenz

Phan Ba  dịch
Tháng Mười Hai 3, 2012

Về những rủi ro và tác dụng phụ của lần bùng nổ ở Châu Á

Xe phun nước rút lui về cho đến tận cuối phố, với họ là cảnh sát và binh lính. Xe buýt nhỏ với nhà báo chạy tới. Chính quyền địa phương muốn cho chúng tôi thấy những gì mà người Uyghur quá khích đã gây ra trong những ngày trước đó. Ví dụ như họ đã đốt cháy một salon ôtô lớn trong khu phố này.

Thế nhưng cuộc họp báo đã thất bại. Khi chúng tôi nói chuyện với người dân Uyghur trong những con đường phụ, có nhiều người phụ nữ la hét và khóc lóc nhanh nhóng bao quanh lấy chúng tôi, yêu cầu thông tin về số phận của những người chồng, con trai và anh em của họ. Họ đã bị những đội bắt người mang đi trong những đêm trước đó. “Đến trẻ em cũng bị họ mang đi.”

Những người phụ nữ lợi dụng sự có mặt của camera nước ngoài và tụ tập lại trên con đường chính. Cảnh sát sờ vào súng, quân lính đu đưa gậy đánh người, mấy chiếc xe phun nước lại lăn đến. Cuối cùng, người ta thành công trong việc chận đứng bùng nổ, những người phụ nữ đi về nhà.

Trong tháng 7 năm 2009, thống trị trên đường phố của Ürümqi, thủ phủ của vùng Tân Cương nơi sinh sống của người Uyghur và những nhóm dân Muslim khác ở rìa Tây của Trung Quốc, là tình trạng khẩn cấp. Quân lính của “Cảnh sát Nhân dân Vũ trang”, một lực lượng của quân đội, khóa chặt cả khu phố, đóng chốt trên các ngã tư và trong các con đường hẻm. Tối tối, các chính ủy đọc những bài bình luận từ báo Đảng cho những người mang quân phục nghe. Đường dây điện thoại ra nước ngoài bị cắt đứt, tin nhắn bị chận lại, chỉ được phép vào Intenet nhiều tháng sau đó.

Lần nổi dậy bắt đầu vào ngày 5 tháng 7 sau một cuộc biểu tình của sinh viên người Uyghur, cuộc biểu tình mà đã chấm dứt một cách đẫm máu. Một đám người xuất hiện bất thình lình và tấn công người Hán. Cuối cùng, cơ quan nhà nước đếm được 197 người chết, nhiều cửa hàng và nhà bị đốt cháy. Sau đó, người Hán kéo đi tấn công người Uyghur.

Nguyên nhân của cuộc chống đối là một sự kiện cách đấy hàng nghìn kilômét về phía Đông Nam. Ở đấy, hai công nhân người Uyghur đã bị người Hán đánh chết trong một nhà máy. Các sinh viên biểu tình yêu cầu cung cấp thông tin chính xác hơn, quyền lực nhà nước phản ứng mạnh với những vụ giết người ở Ürümqi. Hàng trăm người bị bắt giam, vài người bị tuyên án tử hình, thay đổi quan chức cấp cao. Nguyên nhân thật sự của tấn bi kịch, như chúng tôi tìm thấy qua trao đổi với người Uyghur, rõ ràng không phải là những người quá khích, đấu tranh cho một “Đông Turkestan” độc lập với Trung Quốc. Mà chính là vì lòng căm phẫn đã vỡ đập, lòng căm phẫn trước sự giám hộ của Trung Quốc và trước sự tham nhũng – cũng như nỗi lo ngại bị bỏ lại trong lúc Trung Quốc vươn lên.

Những sự kiện đã xảy ra ở Ürümqi cho thấy cuộc sống bên trong của Trung Quốc đôi lúc phức tạp cho đến đâu, các căng thẳng chính trị và xã hội có thể bùng nổ nhanh cho đến đâu. Ở khắp nơi trong Ấn Độ và Đông Nam Á, tôi đã đặt ra một câu hỏi cho các chính khách cũng như nhà khoa học: Điều gì có thể ngăn cản sự vươn lên của châu Á? Câu trả lời bao giờ cũng rõ ràng và giống nhau: Bất bình đẳng xã hội quá lớn trên châu lục và sự bất ổn định trong Trung Quốc.

Tân Cương chỉ là một trong những vùng đang sôi sục của Trung Quốc. Một năm trước đó, 2008, các nhà sư đã phản đối trên đường phố của Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Cả ở đây, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực chống lại người Hán và những người nhập cư khác. Nhà sư và người dân trong những khu dân cư Tây Tạng của các tỉnh lân cận tỏ tình đoàn kết. Các nhà sư Tây tạng mà chúng tôi đã có thể nói chuyện với họ luôn luôn nhắc lại những lời ta thán về những quan chức can thiệp quá sâu vào trong các tu viện. Các thầy tu bị ép buộc phải quy phục về mặt chính trị. ĐCS muốn có tiếng nói cuối cùng, ngay cả khi phải tìm thấy Phật sống, tức lần đầu thai của những nhà sư đặc biệt linh thiêng. Cái mà người Tây Tạng đặc biệt oán giận chính phủ trung ương Bắc Kinh: họ từ chối không cho người đứng đầu về tôn giáo của họ, Đạt Lai Lạt Ma, trở về Tây Tạng.

Ở rìa của nước Cộng hòa Nhân dân không yên ổn, ở nội địa cũng không yên ổn. ĐCS ngày càng hay phải đối phó với những người dân không còn để cho người ta dễ dàng dọa nạt mình như trước đây nữa. Họ thường phản đối cán bộ tham nhũng, chống tịch thu đất không công bằng, chống lại những nhà máy phun ra chất độc. Lúc đấy có xe cảnh sát bốc cháy và cả trụ sở ủy ban nhân dân nữa, và đôi lúc nó trở nên dữ dội đến mức quân đội bắn vào người biểu tình. Trong năm 2008, cơ quan nhà nước đếm được trên 120.000 “vụ việc đông người”.

Đình công, biểu tình và phản đối thuộc vào trong cuộc sống bình thường của nhiều nước. Ở Trung Quốc, nơi lãnh đạo của nó thề thốt “ổn định” và “hài hòa”, chúng luôn luôn ẩn dấu mầm mống của một cuộc khủng hoảng chính trị. Và qua đó có một câu hỏi được đặt ra: Liệu đất nước này đến một lúc nào đó có bị sa lầy trong lúc đang muốn tiến tới hay không.

Doom hay Boom?

Cho tới nay, không một nước nào trên thế giới đạt được tỷ lệ tăng trưởng chín, mười, mười một phần trăm qua nhiều năm như thế. Cả ở Trung Quốc rồi cũng sẽ không tiếp tục được như thế. Ngân hàng Phát triển châu Á tiên đoán sẽ có một giai đoạn kém tăng trưởng, nếu như Bắc Kinh cứ tiếp tục chính sách của họ, đầu tư quá nhiều vào nhà máy và thiết bị thay vì nhiều hơn vào giáo dục và nghiên cứu. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình chỉ khoảng 5,5% trong thời gian từ 2010 đến 2030, so với 9,4% từ 1981 đến 2007. Lời cảnh báo đấy cũng dành cho các quốc gia châu Á còn lại.[1]

Giáo sư kinh tế người Mỹ Michael Pettis giảng dạy sinh viên Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh về chính sách tài chính và giúp đỡ mầm non nhạc Rock Trung Quốc trong quán “D-22″ của ông ấy. Ông cũng nhìn tương lai của Trung Quốc một cách hoài nghi nhiều hơn: “Có một câu chuyện dài về những nền kinh tế lớn, ít nhiều đều được lập kế hoạch tập trung, rất không cân bằng, do đầu tư thúc đẩy với những tỷ lệ tăng trưởng rất cao qua nhiều thập niên, những nền kinh tế mà đã tạo ra tất cả các tiên đoán cuồng dại đủ mọi loại về sự tăng trưởng trong tương lai”, ông ấy nói. Và trong mọi trường hợp, như ở Brazil, Nhật hay Liên bang Xô viết, thì “những kỳ vọng ấy không hề được thỏa mãn, đến gần đúng cũng không”, ông ấy nói với tôi.

Stephen Roach có cùng nỗi nghi ngại đấy, giáo sư tại Đại học Yale và là sếp châu Á của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley. Vào một buổi chiều của tháng 3 năm 2011, ông đứng trên bục diễn thuyết của một sảnh lễ hội trong Grand Hyatt Hotel Bắc Kinh và kêu gọi đảo ngược chính sách kinh tế Trung Quốc trước giới doanh nhân châu Âu: “Chiếc hàng không mẫu hạm phải đổi hướng đi của nó, và nó phải làm điều đấy ngay tức khắc!”

Ông ấy có ý nói Trung Quốc với “chiếc hàng không mẫu hạm”. Cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, Vương Quốc Ở Giữa đã để cho nền kinh tế dựa quá nhiều trên xuất khẩu – một con đường rủi ro, như chuyên gia người Mỹ nhận thấy. Vì thế giới đã trở nên “khó chịu hơn” cho Trung Quốc: châu Âu mắc nợ nhiều, USA cũng thế, giá dầu tăng và trong thời gian dài tới đây nước Nhật sẽ không hồi phục lại sau thảm họa thiên nhiên và nguyên tử khổng lồ – tất cả đều là những yếu tố dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc không còn được mua nhiều như trước đây nữa. Tức là Trung Quốc phải chuyển đổi nền kinh tế của mình càng nhanh càng tốt, Roach suy ra: xuất khẩu ít hơn, tiêu thụ ở trong nước nhiều hơn là câu khẩu hiệu của ông ấy. Thế nhưng người Trung Quốc lại thích tiết kiệm hơn. Vì họ cần tiền để dàng cho tuổi già, cho đào tạo con cái của họ và cho hóa đơn thanh toán của bác sĩ. Bảo hiểm xã hội của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu.

Roach cũng suy nghĩ như thế cho toàn bộ châu lục. Giấc mơ về thế kỷ châu Á chỉ thuần túy là lãng mạn. Các chính phủ châu Á, chuyên gia tài chính nói, tuy đã học được từ những lỗi lầm của cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng 1997/1998: dự trữ ngoại tệ mới được gom góp lại; cán cân vãng lai, tức là cán cân của tất cả các thanh toán của một nước ra nước ngoài và vào trong nước, lại là con số cộng; con số nợ ngắn hạn từ nước ngoài được giảm xuống. Qua đó, trong tương lai châu Á có thể chống lại những kẻ đầu cơ tốt hơn.

Tuy vậy, Roach vẫn còn nhìn thấy một mối nguy hiểm lớn. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Điều đấy làm cho châu Á dễ bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng ở đâu đấy trên thế giới. Nếu một ngày nào đấy người Mỹ và người Âu mua ít hơn vì cuộc sống của chính họ không còn sung túc nữa thì đấy là một tai họa cho châu Á. Chỉ khi châu Á thành công trong việc xoay sự tăng trưởng của nó từ xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước thì rủi ro này mới được làm giảm đi, Roach nói: “Một đường xoắn ốc đi xuống xuất hiện, và dường như châu Á không hề chuẩn bị trước đến mức đáng ngại.”[2]

Doom hay boom? Suy tàn hay thăng tiến? Đối với Trung Quốc, tất cả các kịch bản này đều quá bi quan, Jonathan Anderson của ngân hàng Thụy Sĩ UBS đáp trả. Để cho Trung Quốc thất bại, phải cần nhiều hơn là chỉ những con số tăng trưởng thấp, mà phải là “rối loạn lớn hay một cuộc khủng hoảng trầm trọng làm triệt tiêu tăng trưởng qua một khoảng thời gian dài – và cuộc khủng hoảng này phải đến ngay trong thời gian sắp tới đây”.[3]

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.

*
[1] “ADB warns on China’s long-term growth”, Financial Times, 28/10/2010
[2] Stephen Roach: “The Next Asia”, John Wiley & Sons, Hoboken, 2009
[3] Xem thảo luận “The Color of China” by Minxin Pei and Jonathan Anderson, 3/9/2009, http://www.nationalinterest.org/Article.aspx?id=20953



Andreas Lorenz

Phan Ba  dịch
Tháng Mười Hai 5, 2012

Tăng trưởng đắt giá

Chính người Trung Quốc nghĩ gì? Chính khách Bắc Kinh cũng nhận biết được những rủi ro đấy và thận trọng trong những phát biểu của mình nhiều hơn là những người khách nước ngoài nào đó, những người đến trong cảng hàng không hiện đại và bước vào những khách sạn hạng nhất. Nền kinh tế ốm đau, “không ổn định, không cân bằng, không được điều phối và không bền vững”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo năm 2007 trong bản báo cáo của ông ấy trước Quốc Hội.

Sếp của China Construction Bank to lớn thuộc nhà nước, Guo Shuqing, cũng yêu cầu hãy cẩn trọng trước những thành công lớn lao: “Trong khi chúng ta xây dựng không ngưng nghỉ nhà máy, đường xá, nhà ở, chúng ta lại giập sập chúng với cùng một sự sốt sắng. Và theo những phương pháp thống kê của chúng ta thì tất cả những hoạt động đấy đều được tính vào trong tổng sản phẩm nội địa”, ông ấy viết trong China Daily.[1] Và tiếp tục: “Tăng trưởng kinh tế của chúng ta có hiệu quả thấp.”

Đồng thời, ông ấy phàn nàn về sự phung phí: đầu tư vào hạ tầng cơ sở cao cực kỳ, cho tới mức nhiều đường cao tốc và đường sắt cho tàu cao tốc được xây cùng một lúc, và là theo cùng một hướng”.

Đặc biệt là có nhiều người bị bỏ lại. Những ai đi qua nội thành Bắc Kinh với những tòa nhà hành chính bằng kính, với trung tâm truyền hình mới có những góc cạnh táo bạo và những con đường rộng rãi của nó, nhìn thấy một thành phố lớn hiện đại, một thành phố mà không cần phải ngần ngại khi so sánh với những đô thị lớn khác. Nhưng những ai đi ra ngoài thủ đô chỉ một vài kilômét thôi, những người đấy lạc vào một thế giới khác. Ở đấy có những chiếc xe ba bánh cổ lỗ chạy lạch cạch trên những con đường xấu, người dân có ít tiền, họ mặc quần áo đơn giản, sống trong những căn nhà đơn giản.

1,34 tỉ người Trung Quốc tiêu thụ chỉ bằng khoảng chừng gần 66 triệu người Pháp.[2] Một nông dân trong tỉnh Quý Châu ở miền Tây Nam thu nhập cả một năm số tiền mà một gia đình khá giả ở Bắc Kinh chi ra trong một giờ đồng hồ duy nhất ở trong một nhà hàng: tròn 200 euro. Hệ số Gini, mô tả sự bất bình đẳng trong người dân (ở 0 thì mọi người đều như nhau, tại 1 là bất bình đẳng cực cao), nằm ở 0,47 năm 2008, cùng một trị với USA. Hơn 60% các thu nhập được che dấu, tức những thu nhập có được bằng một cách ít nhiều đều bất hợp pháp, thuộc vào 10% người dân giàu có – thường là cán bộ ĐCS và gia đình của họ.[3]

Nếu lấy sự phân bố tổng sản phẩm nội địa trên đầu người làm thước đo thì Trung Quốc ở hàng 106 trên thế giới, sau Columbia và ngay trước El Salvador.

Yu Yongding, nhà kinh tế học và trước đây là một quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương, cũng bi quan. Ông ấy còn có chỗ trong cơ quan tiếng Anh của ĐCS China Daily cho các tiên đoán của mình – một dấu hiệu cho thấy ông ấy đã đánh trúng cảm nghĩ của nhiều người đồng chí của ông ấy. Tương lai của nền kinh tế Trung Quốc bị đe dọa bởi căng thẳng xã hội đang tăng lên, ô nhiễm môi trường, phục vụ công cộng thấp, phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư quá nhiều ví dụ như trong bất động sản. Yu: “Tăng trưởng nhanh của Trung Quốc đã được mua với giá cực kỳ đắt. Các thế hệ tương lai của chúng ta sẽ phải trả giá thật sự.”[4]

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn thiếu sức cải mới và sáng tạo. Và không có khả năng phát minh, tạo ra cái mới thì ngay một gã khổng lồ cũng đứng trên đôi chân bằng đất sét. “Và khi gã khổng lồ ngã xuống thì sẽ có nhiều người không trốn thoát được”, Yu nói. “Một liên minh tội lỗi của những người giàu và những người có quyền lực” hưởng lợi từ lần tăng trưởng này, một hệ thống của “những kẻ liếm gót giày” và của “sự cay độc” đã thành hình, vì thế mà cải cách chính trị là cần thiết hơn bao giờ hết. “Nếu Trung Quốc không thành công trong việc giải quyết các vấn đề cơ cấu của nó thì tăng trưởng sẽ không bền vững”, nhà kinh tế học cảnh báo.

Phù hợp với lời phát biểu của ông ấy là tin tức, rằng hiện đã có nhiều tỉ phú ngồi trong Quốc Hội. 70 người giàu nhất của 2987 đại biểu sở hữu tổng cộng 52,6 tỉ euro.[5]

Già sớm hơn giàu

Thế vẫn chưa đủ. Trung Quốc đứng trước một vấn đề về nhân khẩu học. Ngược với Ấn Độ, nó có nguy cơ già đi trước khi nó giàu lên. Giữa thế kỷ này, tùy theo ước lượng, từ 350 đến 400 triệu người sẽ trên 60 tuổi. Đấy là một phần ba của tổng dân số. Trong một vài thành phố, người già còn có thể chiếm nửa số dân cư.[6] Điều này có trước hết là hai nguyên nhân: thứ nhất, người dân Trung Quốc sống lâu hơn. Cho tới giữa thế kỷ, trung bình phụ nữ có thể sống đến 81 tuổi, đàn ông đến 76, cái là một sự tiến bộ văn minh to lớn. Khi ĐCS tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 1949, người Trung Quốc nhiều lắm là thọ đến 45 hay 42 tuổi. Thứ hai là gia đình Trung Quốc ngày càng sinh ít con hơn. Phụ nữ Trung Quốc sinh trung bình chỉ 1,5 đứa con. Lỗi là do chính sách một con. Ai có nhiều hơn một con có thể bị trừng phạt nặng hay bị bắt buộc phải triệt sản và phá thai. Quy định tuy đã được nới lỏng. Vợ chồng trong thành phố lớn, những người tự mình là con một. bây giờ được phép có hai con, và ở nông thôn thì hai hay cả ba con vẫn còn được cho phép, nếu đứa con đầu là con gái hay bị tật nguyền. Thế nhưng cho tới nay giới lãnh đạo vẫn không nghĩ đến việc hủy bỏ những quy định này, tròn 500.000 quan chức chỉ có công việc là giám sát để cho chúng được giữ đúng.

“Cuộc khủng hoảng nhân khẩu tới đây sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến Trung Quốc trong thế kỷ 21″, Feng Wang nói, giám đốc của trung tâm khoa học Brookings-Tsinghua. Chẳng bao lâu nữa, số người chết sẽ vượt con số trẻ em được sinh ra đời. Năm 2025, theo tính toán của Wang, con số người Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh điểm của nó là 1,4 tỉ người – và rồi sẽ đi xuống dốc. Hậu quả: Trung Quốc phải chi tiền nhiều hơn cho người già – và trong nhà máy sẽ có ít công nhân trẻ và rẻ tiền đứng cạnh những cỗ máy và băng chuyền hơn. Tiền lương tăng lên, và hàng hóa đắt hơn. “Biến đổi về nhân khẩu của Trung Quốc sẽ có những hậu quả rộng khắp cho nền kinh tế thế giới, cái phụ thuộc vào Trung Quốc như là nhà máy của thế giới trong hai thập niên vừa qua và lâu hơn thế”, Feng nói.[7]
Đạo quân người già không chỉ là một hiện tượng riêng của Trung Quốc, cả châu Á sẽ già đi. Một trong những nguyên nhân tại sao nền kinh tế Nhật Bản không còn tăng trưởng đầy ấn tượng như ngày xưa nữa là độ tuổi cao của người Nhật. Nhưng: Trung Quốc không chuẩn bị tốt. Trong năm 2010, chỉ tròn 270 triệu người Trung Quốc là đã ký kết một bảo hiểm về hưu sơ đẳng. Đó là 35% của số người đang lao động, ít hơn phân nửa của con số 80% thông thường trong các quốc gia công nghiệp.

Chăm sóc y tế tồi và đắt tiền, thiếu nhà dưỡng lão. Cuối năm 2010, chỉ có 8,6 giường cho một nghìn người già – khác với trong những nước công nghiệp có trung bình từ 50 đến 70 giường cho một nghìn người già trong các nhà dưỡng lão. Đặc biệt ở làng mạc, nhiều người già phải tự lo cho mình.[8]

Cadmium trong lúa

Nhân khẩu chỉ là một trong nhiều chỗ yếu của Trung Quốc. Người Trung Quốc đã trả giá đắt cho lần bùng nổ của những năm đầu – và họ vẫn đang làm như thế. Đã từ lâu, những thiệt hại môi trường lại ngốn mất một phần lớn của tăng trưởng. Chuyên gia dự tính chúng ở khoảng 900 tỉ nhân dân tệ năm 2008 (thời đấy tròn 1003 tỉ euro), đó là 3% của tổng sản phẩm nội địa.

Năm 2010 và 2011, người Trung Quốc đọc được trên báo của họ những tin tức khủng khiếp về thực phẩm có hại cho sức khỏe, sữa bị pha chế, ngũ cốc bị nhiễm độc. Ít nhất là 10% của thu hoạch lúa chứa những lượng không cho phép của kim loại nặng, trong số đó là cadmium.[9] Với những kế hoạch trồng cây khổng lồ, chính quyền cố gắng chận sa mạc lại, đặc biệt là ở miền Bắc. Ai từ Cảng hàng không Lanzhou, thủ phủ của tỉnh Cam Túc, đi vào thành phố đều thấy cây mới trên sườn dốc, bên cạnh đó là những tấm bảng quảng cáo của các công ty và cơ quan đã phải hiến tặng chúng.

Diện tích trồng trọt nông nghiệp của Trung Quốc teo dần, đất nước này ngày càng phải mua thực phẩm từ nước ngoài nhiều hơn. Nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã chiếm một phần ba của toàn bộ mua bán thế giới về loại này. “Trong hàng nghìn năm của nền văn minh Trung Quốc, xung đột giữa con người và thiên nhiên chưa từng bao giờ trầm trọng như ngày hôm nay”, Bộ trưởng Bộ Môi trường Châu Sanh Hiền cảnh báo đầu năm 2011. Khai thác một cách tàn phá và giảm thiểu dự trữ cũng như ô nhiễm sinh thái đã có “những hậu quả trầm trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia”.[10]

Không chỉ có Trung Quốc là như thế. Ô nhiễm môi trường là một vấn đề của toàn châu Á. Không khí của nó không tốt cho sức khỏe. Có lỗi ở đây không chỉ là khí thải của những nhà máy điện dùng than và ô tô; chỉ riêng ở Bắc Kinh, tròn 750.000 xe mới đã được cấp phép lưu hành trong năm 2010. Ở nông thôn, nông dân đốt rơm, cây cối và bụi rậm, để làm phân bón hay lấy diện tích để trồng trọt. Trên Borneo, nơi doanh nghiệp đốt rừng có hệ thống để làm đồn điền, nhiều diện tích đất rộng lớn đã cháy trong năm 1997, khói dầy đặc phủ trên những vùng rộng lớn của Đông Nam Á. Máy bay không thể cất cánh và hạ cánh, con người thở khó khăn.

Trong những vùng nào đó của châu Á, ánh sáng Mặt trời ít khi xuyên qua được lớp khói sương. Phần lớn các nhà máy điện Trung Quốc đốt than và qua đó dẫn hàng tấn cácbon điôxít vào bầu khí quyển. Ngay bây giờ, thu hoạch lúa đã giảm đi vì không còn đủ ánh sáng xuyên qua lớp mây và mây ngày càng lớn hơn. Thời tiết thay đổi: có nhiều bão đi qua châu lục hơn là thông thường.[11] “Sự hình thành mây nâu trong khí quyển hẳn sẽ khiến cho giá thực phẩm càng tăng thêm nữa và là một thách thức cho sự sống còn của những người yếu đuối nhất”, chương trình môi trường LHQ cảnh báo.[12] Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước lượng con số những người châu Á chết hàng năm vì hậu quả của ô nhiễm môi trường còn đến 530.000. Gần như trong thành phố nào của châu Á cũng có hạt bụi nhỏ, ôxít nitơ hay điôxít lưu huỳnh lơ lững trong không khí nhiều hơn là WHO cho rằng có thể chấp nhận được.[13]

Các con sông của châu Á bẩn hơn là những con sông khác trên thế giới, 469 triệu người châu Á không có nước sạch, ở Trung Quốc là tròn 360 triệu người. Ở Indonesia, gần một nửa người dân phải dựa vào nước mà họ chỉ có thể hứng được ở gần những nơi đầy rác. Trong thủ đô Jakarta, trên 80% nguồn nước bị nhiễm bẩn. Gần hai tỷ người châu Á không có nhà xí hợp vệ sinh và cơ hội để tắm rửa.

Con sông Dương Tử dài tròn 6300 kilômét là sông chết trên nhiều đoạn dài. Thái Hồ ở phía Đông Trung Quốc, cung cấp nước uống cho hai triệu người, đã bị nước thải của càc nhà máy phá hủy, một lớp rêu xanh dầy phủ lên trên nhiều phần lớn của nó trong năm 2007. Nếu Trung Quốc không thành công trong việc làm sạch nước của nó, vào khoảng năm 2020 sẽ có tròn 30 triệu người tỵ nạn, Ngân hàng Thế giới tiên đoán. Cả trong những nơi khác của châu Á, con người sẽ đi tìm nước sạch, hậu quả sẽ “có ảnh hưởng to lớn đến an ninh trong toàn khu vực”, một nghiên cứu của Asia Society cảnh báo.[14]

Thảm họa lũ lụt dữ dội như thảm họa năm 2010 ở Pakistan hay đẩy con người vào cảnh cơ cực – nhưng nhìn chung thì châu Á thiếu nước. Những siêu thành phố của châu Á sẽ cần thêm tròn 40% nước cho tới năm 2020 so với cho tới nay. Ở Trung Quốc, nước đã thiếu hụt cho đến mức sản xuất bị đe dọa ở nhiều nơi.

Tình trạng nên nóc nhà của thế giới có thể sẽ còn trở nên nguy kịch nhiều hơn nữa: vì khí hậu ấm nóng lên nên các con sông băng tan chảy. Không hoàn toàn loại trừ khả năng là những con sông lớn như Ganges, Indus, Brahmaputra, Salween hay Mekong trong tương lai sẽ suy thoái thành những lạch nước nhỏ. Nhưng những con sông đấy là mạch sống của Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Bangladesh, Myanmar, Pakistan, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, nơi tròn một nửa loài người sinh sống.

Người Ấn hiện đang hết sức lo ngại về kế hoạch của Bắc Kinh, bơm nước từ Brahmaputra (ở Tây Tạng có tên là Yarlung Tsangpo) lên Hoàng Hà trong dự án đổi dòng Bắc Nam của họ, dòng sông mà về phần mình cung cấp nước cho một phần lớn của miền Bắc. Do người dân và nhà máy rút đi những lượng nước khổng lồ, Hoàng Hà vào cuối những năm 90 đã không ra được đến biển nhiều ngày trong một năm. “Nước là vũ khí”, Brahma Chellaney, giáo sư về nghiên cứu chiến lược ở New Delhi, gọi kế hoạch này như thế: “Việc chuyển dòng khổng lồ này đồng nghĩa với tuyên bố một cuộc chiến tranh nước chống lại Ấn Độ và Bangladesh”.[15]

Tranh cãi biên giới, thiếu nước, môi trường dơ bẩn: tất cả những điều đấy tạo bất ổn và bất an ở châu Á. Nỗi lo sợ lớn là các mâu thuẫn trong vùng có thể tăng cao. Vì thế mà các quân đội của châu lục hiện đại hóa và tăng cường vũ trang. Đi đầu hết thảy là Trung Quốc, như chương kế tiếp trình bày.

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.

*

[1] Guo Shuqing: “Fertile Ground”, China Daily, 22/01/2010
[2] John Lee: “The End of the Charm Offensive”, Foreign Affairs, 14/10/2010
[3] Gilboy, Heginbotham: “China’s Dilemma”, Foreign Affairs, 14/10/2010
[4] Yu Yongding: “A different road forward”, China Daily, 23/12/2010
[5] “Wen Jiabao sees Billionaires in Congress as Wealth Gap Widens”, Blommberg, 04/03/2011
[6] Robert S. England: “Aging China. The Democratic Challenge to China’s Economic Prospects”, Center for Strategic and International Studies, Washington, 2005.
[7] Feng Wang: “China’s Population Destiny: The Looming Crisis”, Brookings, September 2010, http://brookings.edu/articles/2010/09_china_population _wang.aspx
[8] Wang Haitao: “China wird alt, bevor es wohlhabend wird”, China Research Center on Aging, September 2009, tại http://www.de-cn.net/dis/dem/de4961565.htm
[9] Gong Jing “Heavy metals taining China’s rice bowls”, Caixin Online 14/02/2011
[10] Jacobs: “China issues warning on climate and Growth”, New York Times, 28/02/2011
[11] BBC 06/03/2007 http://news.bbc.co.uk/2/hi/6421303.stm
[12] “3 km Thick Cloud of Pollution hangs over Asia”, The Telegraph, 13.11.2008
[13] Reuters 23/11/2010 http://news.bbc.co.uk/2/hi/6421303.stm
[14] “Asia’s Next Challenge: Securing the Region’s Water Future. A report by the Leadership Group on Water Security in Asia. Asia Society, April 2009, http://asiasociety.org/files/pdf/WaterSecurityReport.pdf
[15] Brahma Chellaney. “China-India Clash Over Chinese Claims to Tibetan Water”, The Asia-Pacific-Journal-Japan Focus, 03/07/2007, http://www.japanfocus.org/-Brahma-Chellaney/2458






No comments:

Post a Comment

View My Stats