Friday 7 December 2012

VỤ LUẬT GIA MAGNITSKI : NGA TRẢ ĐŨA MỸ (Đức Tâm - RFI)




Đức Tâm – RFI
Thứ sáu 07 Tháng Mười Hai 2012

Ngày hôm nay, 07/12/2012, hãng thông tấn Interfax đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov liên quan đến các biện pháp trả đũa của Matxcơva sau khi Quốc hội lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt những người bị cáo buộc liên quan đến cái chết của luật gia chống tham nhũng Magnitski.

Sergueï Magnitski, luật gia làm việc cho quỹ đầu tư Hermitage, đã không được chăm sóc bệnh tình trong tù.   AFP/Hermitage Capital

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: « Trong cuộc gặp với bà Hillary Clinton tại Dublin (vào tối hôm qua, thứ Năm, 06/12), tôi đã khẳng định rằng chúng tôi sẽ cấm nhập cảnh vào Nga những người Mỹ vi phạm Nhân quyền ».

Luật gia Serguei Magnitski đã bị bắt và qua đời trong tù năm 2009, sau khi ông tố cáo nhiều quan chức Nga trốn thuế, biển thủ công quỹ Nhà nước.

Chính quyền Nga đã có phản ứng mạnh mẽ như trên sau khi Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày hôm qua, đã thông qua một phần bổ sung vào luật bình thường hóa quan hệ thương mại giữa hai nước. Văn bản bổ sung có tên gọi là « danh sách Magnitski ». Các quan chức Nga nằm trong danh sách này bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và tài sản của họ tại Hoa Kỳ bị phong tỏa.

Sau cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ John McCain cho biết : « Chúng tôi gửi một tín hiệu tới ông Vladimir Putin và hàng ngũ quan chức Nga mắc chứng bệnh ăn cắp, để nói với họ rằng kiểu vi phạm nhân quyền như vậy sẽ không được tha thứ ».

Trước đó, Matxcơva đã cảnh báo là việc Thượng viện Mỹ thông qua luật này « sẽ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến tương lai quan hệ hợp tác song phương ».

Luật bình thường hóa quan hệ thương mại Nga-Mỹ, trong đó có thêm « danh sách Magnitski » còn phải được tổng thống Barack Obama ký và công bố. Ngày hôm qua, nguyên thủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ những người tranh đấu cho một tương lai tự do dân chủ tại nước Nga, quảng bá, thúc đẩy một Nhà nước pháp quyền và tôn trọng nhân quyền trên thế giới.

Các dân biểu và Thượng nghị sĩ Mỹ rất quan tâm và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến cuộc đấu tranh của luật gia Nga Serguei Magnitski, qua đời ở tuổi 37, sau một năm bị giam cầm, hành hạ trong tù và không được chăm sóc sức khỏe. Đối với các nước phương Tây, cái chết của luật gia Magnitski là một ví dụ điển hình về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Nga.

Serguei Magnitski, nguyên là luật sư chuyên về thuế khóa, làm tư vấn cho quỹ đầu tư Heritage Capital. Ông đã bị bắt sau khi tố cáo các quan chức bộ Nội vụ Nga gian lận thuế khóa trên quy mô lớn.

Tháng Tám vừa qua, Nga đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO. Các nước thành viên tổ chức này cam kết thực hiện tự do trao đổi mậu dịch. Do vậy, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ phải bỏ phiếu một dự luật bình thường hóa quan hệ thương mại với Nga, bãi bỏ áp dụng tu chính án Jackson-Vanik, vốn có hiệu lực từ năm 1974, nghiêm cấm các quan hệ thương mại ưu đãi với những nước vi phạm nhân quyền.

Ngày 16/11 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này sau khi bổ sung « danh sách Magnitski », trừng phạt những quan chức Nga vi phạm nhân quyền.

-------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 16:47 GMT - thứ sáu, 7 tháng 12, 2012

Thượng viện Mỹ thông qua luật mang tên luật sư nhân quyền Nga để trừng phạt quan chức Nga bị coi là vi phạm nhân quyền.
Luật mang tên ông Sergei Magnitsky, người bị chết trong đồn công an Nga hồi 2009, đã được thông qua hôm 6/12/2012 và sẽ buộc Chính quyền của Tổng thống Barack Obama có biện pháp với quan chức Nga.
Nếu ai trong số họ bị coi là vi phạm quyền con người thì sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tài sản riêng của họ nếu có tại Hoa Kỳ cũng bị phong tỏa.
Theo BBC Tiếng Nga tại London, sự kiện này đang gây ra cuộc tranh luận trên mạng tại Nga và người ta cũng hỏi đây có phải là cách giới lập pháp Mỹ muốn dùng để nhắm vào quan chức những nước khác nữa trong tương lai.

Vụ án Magnitsky
Sau khi phát hiện ra một vụ lừa đảo cấp nhà nước trị giá chừng 200 triệu USD liên quan đến các quan chức thuế Nga, bản thân ông Magnitsky bị bắt “vì trốn thuế”.
Giới vận động tại Nga và ở nước ngoài, chẳng hạn như ông Bill Bowder, người cùng làm việc với ông Sergei Magnitsky trong công ty Hermitage Capital Management (HCM) nói vị luật sư trẻ “đã bị công an tra tấn”.
Nhà chức trách Nga thì nói ông Magnitsky “chết vì trụy tim và hậu quả của viêm tụy”.
Giới y tế đến nhà tù để khám nghiệm xác ông Magnitsky cho hay ông chết “ít nhất là một giờ trước thời gian quan chức trại giam thông báo”.
Chỉ hai giờ trước khi ông qua đời, nhân chứng trong tù còn nói rằng thấy ông Magnitsky “đi lại bình thường”.
Hồi tháng 7/2011, cuộc điều tra theo yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền do Tổng thống khi đó, ông Dmitry Medvedev ra lệnh thực hiện, đã quy tội cho hai quan chức an ninh và cảnh sát Nga, Oleg Silchenko và Ivan Prokopenko về “lờ là trách nhiệm” dẫn tới cái chết của nạn nhân.
Vụ án Magnitsky, luật sư chống tham nhũng qua đời hồi tháng 11/2009 khi mới 37 tuổi, trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống tham nhũng và lạm quyền ở Nga.

Jackson - Vanik và tự do đi lại
Luật Magnitsky nhắc lại quy định trong tu chính án Jackson – Vanik từ 1974 để buộc chính quyền Mỹ phải có biện pháp trừng phạt quan chức Nga “vi phạm nhân quyền”.
Tu chính án Jackson–Vanik hồi đó được thông qua, mang tên hai dân biểu Mỹ, buộc bên hành pháp ràng buộc tự do thương mại với Liên Xô và nhiều nước Đông Âu cộng sản với yêu cầu tôn trọng nhân quyền, gồm quyền tự do xuất nhập cảnh.
Cụ thể, luật này chống lại thói cưỡng ép lấy tiền của công dân Liên Xô gốc Do Thái, điều mà Moscow thường làm, để đổi lại quyền cho họ di dân sang các nước Phương Tây.
Nhưng luật Jackson – Vanik không nêu cụ thể sắc dân nào được hưởng sự bảo trợ này của Hoa Kỳ nên trở thành luật chung áp dụng với mọi công dân Liên Xô, yêu cầu chính quyền tôn trọng tự do đi lại của dân.
Trước khi chủ nghĩa cộng sản tan rã, điều từng được gọi là “thuế di dân” khá phổ biến thời cộng sản ở Đông Âu, điều tương tự như các vụ ‘thu vàng bán bãi’ ở Việt Nam để cho đi vượt biên sau 1975.
Việt Nam và Trung Quốc từng bị ràng buộc bởi luật Jackson - Vanik vì không cho công dân của họ tự do xuất nhập cảnh.
Lần đầu tiên, Tổng thống Clinton đã đưa ra điều khoản miễn áp dụng (waiver) với quy định của luật Jackson – Vanik liên quan tới Việt Nam năm 1989.
Sau đó, ông làm tiếp vào các năm 1999 và 2000. Còn Tổng thống George W Bush ký văn bản tương tự năm 2001.
Chỉ đến khi Washington và Hà Nội ký hiệp định mậu dịch song phương 2001 thì vấn đề này mới không được nói đến.





No comments:

Post a Comment

View My Stats