26-12-2012
Tờ
Quân đội nhân dân mới đăng bài “Không thể chấp nhận quan điểm Quốc gia hóa quân
đội” của Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình. Bác Bình viết bài
này để phê phán quan điểm “quốc gia hóa quân đội”, vốn đề nghị, quân đội phải
trung lập, “phi chính trị hóa”, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng
CSVN.
Trong
bài, bác Bình nêu ra một số dẫn chứng để minh họa cho quan điểm của bác rồi kết
luận: “phải đặc biệt coi trọng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với quân đội”.
Đọc
xong, tôi muốn thưa lại với bác vài điều:
1/
Bác
có học hàm Phó Giáo sư, lại có học vị Tiến sĩ cho nên theo tôi, khi viết lách,
bác cần phải nghiêm cẩn, trung thực, lập luận phải chặt chẽ, hợp lý. Có như thế
mới giữ được thể diện cho chính bác và cho giới mang học hàm “giáo sư”, “phó
giáo sư”, có học vị “tiến sĩ”, “cử nhân” được đào tạo từ các học viện, trường,
chương trình chính trị. Tôi không hiểu hệ thống học viện, trường, chương trình
chính trị đào tạo thế nào mà các cựu học viên cứ mở miệng ra nói, hoặc cầm bút
lên viết là bị dân chửi té tát.
Hình
như hệ thống học viện, trường, chương trình chính trị không dạy dỗ bác và các
đồng môn của bác về phương pháp nghiên cứu, kỹ năng viết lách, phát biểu trước
đám đông, thành ra các bác thường “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, dân
Nam bộ vẫn gọi là… “tệ hơn vợ thằng Đậu”.
Để
bảo vệ quan điểm, “quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng,
phải bảo vệ các lợi ích của Đảng” – vốn chẳng giống ai so với phần lớn các quốc
gia đang tồn tại dưới gầm trời này, bác dẫn chuyện tỷ phú Erick Prince và công
ty Blackwater Worldwide do ông ta sáng lập như một bằng chứng về chuyện quân
đội nào cũng do “các ông trùm tư bản điều khiển và bảo vệ thể chế chính trị của
xã hội tư bản”.
Tôi
đã tra cứu rất kỹ và chưa tìm thấy tài liệu nào có nội dung giống như bác viết,
rằng công ty Blackwater Worldwide của Erick Prince là một “đội quân đánh thuê”,
“quân số hàng trăm ngàn, có cả máy bay, tàu chiến và vũ khí hạng nặng, được coi
là lực lượng thiện chiến ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và có khả năng lật đổ nhiều
chính phủ trên thế giới”.
Theo
Wikipedia thì Erick Prince thành lập Blackwater Worldwide sau khi xảy ra vụ
diệt chủng ở Rwanda. Công ty này chỉ có chừng 1.000 nhân viên và là một trong
ba công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ an ninh cho các cơ sở ngoại
giao của Mỹ, ở bên ngoài nước Mỹ, như một giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí. Sở
dĩ Blackwater Worldwide được chú ý, vì có vài thông tin cho rằng, nó có can dự
vào kế hoạch chống khủng bố của CIA, mà ở Mỹ không phải ai cũng tán thành điều
đó. Năm 2010, Erick Prince đã bán Blackwater Worldwide, đi làm cố vấn cho
chương trình đào tạo chống cướp biển ở vịnh Aden.
Điều
này cho thấy, tuy là một “Phó Giáo sư”, “Tiến sĩ” nhưng bác viết lách rất cẩu
thả và rất khinh độc giả. Dân gian gọi kiểu viết lách, phát biểu này là “nói
lấy được, viết lấy được” - loại hành vi vốn được xem là đặc trưng của hạng “vai
u, thịt bắp”, “thiểu năng về trí tuệ”. Có người bỗ bã hơn thì huỵch toẹt: “Đầu
óc ngu si, tứ chi phát triển” – thành ngữ này có thể là rất đúng với bác nhưng
tôi không dùng vì nó không… nhã!
Không
chỉ viết lách cẩu thả, khinh rẻ độc giả, lối viết lách của bác còn miệt thị cả
đối tượng mà bác muốn bảo vệ. Tôi tự hỏi không biết tại sao, bác lại muốn biến
công ty Blackwater Worldwide của Erick Prince thành “đội quân đánh thuê”, rồi
dùng nó như một trong các dẫn chứng để bảo vệ quan điểm, quân đội phải được đặt
dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và phải bảo vệ Đảng, không thể chấp nhận
quan điểm “quốc gia hóa quân đội”?
Kiểu
tư duy – lựa chọn dẫn chứng này nếu không cố ý thì cũng là vô tình đánh đồng,
biến quân đội nhân dân Việt Nam thành một “đội quân đánh thuê” do Đảng điều
khiển và chỉ biết bảo vệ lợi ích của Đảng. May mắn cho thiên hạ là bác chỉ học
“chính trị” và kiếm cơm bằng công việc “lý luận”, bác mà “nhất định” học luật
và “kiên quyết” làm luật sư thì thân chủ của bác, tội lẽ ra được hưởng án treo,
nghe bác cãi xong, Tòa không tuyên “chung thân”, chắc cũng phán “tử hình” –
cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội!
Cũng
với lối tư duy, dẫn chứng “lộn ngược” này, bác lôi Lenin và Liên Xô ra xài. Bác
bảo, Lenin từng nói: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo
quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của
giai cấp tư sản..., bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào
chính trị phản động”. Bác nhận định: “Quân đội Liên Xô còn 3,9 triệu quân
thường trực, được trang bị rất hiện đại, vượt xa các nước cả về lực lượng chiến
đấu thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng do bị biến chất về
chính trị nên mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN”.
Tình
cảm, niềm tin của nhân dân Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết và nhân
dân các quốc gia từng có “Nhà nước xã hội chủ nghĩa” đối với Lenin ra sao, hẳn
là bác biết, chúng tôi cũng biết. Biết rồi, còn dẫn tư tưởng của ông ta ra để
biện bạch làm gì, nhằm thuyết phục ai hở bác? Nếu bác vẫn còn sùng bái ông ta
thì đó là quyền của bác, tôi không dám chỉ trích. Tuy nhiên, phê phán Mikhail
Gorbachev (Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô), Yevgeny
Shaposhnikov (Bộ trưởng Quốc phòng cuối cùng của Liên Xô), về chuyện họ thực
thi “phi đảng hóa quân đội” thì không ổn. Họ là công dân Liên Xô, được ca ngợi
vì đã hành xử theo nguyện vọng của nhân dân Liên Xô. Gorbachev và Shaposhnikov
không thể hành xử như bác muốn, dùng “3,9 triệu quân thường trực, được trang bị
rất hiện đại, vượt xa các nước cả về lực lượng chiến đấu thông thường và lực
lượng hạt nhân chiến lược” để “chiến đấu” với nhân dân của họ, “bảo vệ Tổ quốc
XHCN”. Phê phán như vậy là “can thiệp vào công việc nội bộ của chính quyền và
nhân dân Liên Xô” đấy bác ạ!
Chưa
kể, dẫn chuyện Liên Xô để cổ súy “phải đặc biệt coi trọng giữ vững và tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội”, xem nó “có ý nghĩa quyết định đối
với sức mạnh chiến đấu của quân đội, liên quan trực tiếp đến sự sống còn của
chế độ XHCN” - khác gì bác đang vun bồi, xiển dương cho ý tưởng dùng quân đội
bắn vào dân để bảo vệ Đảng! Thật ra, kiểu nghĩ như bác không cá biệt, song tôi
không quen bảo người khác phải nghĩ thế này, hành xử thế kia, thành ra, tôi chỉ
đề nghị bác tham khảo lịch sử, tra cứu tài liệu, coi số phận của những kẻ từng
nghĩ, từng làm như vậy sau đó thế nào. Đáng ngẫm lắm bác ạ!
2.
Bác
Bình!
Tôi
đã từng hân hạnh được tiếp xúc với một số vị mang học hàm “giáo sư”, “phó giáo
sư”, có học vị “tiến sĩ”, “cử nhân” được đào tạo từ các học viện, trường, chương
trình chính trị, nên không lạ gì chuyện sở học của họ chỉ khoanh tròn, gói gọn
trong phạm vi “chủ nghĩa Mác - Lê nin” đã được “tóm tắt” (tôi muốn nhấn mạnh
hai chữ “tóm tắt”) và “Lịch sử Đảng CSVN”. Bởi bác cũng xuất thân từ giới này,
nên tôi tin bác không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên do các bác sùng bái Lenin,
tôi mạo muội dùng một câu, mà người ta vẫn bảo là của ông ta để góp ý với các
bác. Đó là: “Học, học nữa, học mãi”.
Đọc
bài của bác, tôi có cảm giác sự kính trọng mà bác dành cho Lenin thật ra không
cao, nên bác chưa bận tâm và chẳng muốn thực hành một trong những lời khuyên
hết sức phổ biến, được cho là của Lenin về chuyện học. Tôi mạo muội đưa ra nhận
xét như vậy vì bài viết của bác có vài chỗ cho thấy, ngay cả những sự kiện liên
quan đến “Lịch sử Đảng CSVN” – vốn là “chuyên môn sâu” của bác – bác cũng… sai.
Để
cổ súy cho quan điểm “quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và phải
bảo vệ lợi ích của Đảng”, bác tuyên bố quan điểm đó là truyền thống mà Quân đội
Nhân dân Việt Nam phải giữ, kèm theo dẫn chứng: “Tháng 5-1946, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã ký một số sắc lệnh quan trọng như Sắc lệnh số 71/SL, Sắc lệnh số 47/SL,
Sắc lệnh số 60/SL”.
Tôi
chỉ mới tra cứu sơ sơ đã thấy, ba sắc lệnh mà bác trưng dẫn, chỉ có một được ký
vào tháng 5 năm 1946. Hai sắc lệnh còn lại, một được ký trước đó hai tháng, một
được ký sau đó một năm và cả ba không có điều, khoản nào đề cập đến chuyện
“quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và phải bảo vệ lợi ích của
Đảng”. Cụ thể: Sắc lệnh số 71/SL ngày 22 tháng 3 năm 1946, quy định chi tiết về
biên chế và cấp số của Đại đoàn Quân đội Quốc gia Việt Nam. Sắc lệnh số 47/SL
ngày 1 tháng 5 năm 1947, qui định về việc tổ chức Bộ Tổng chỉ huy. Sắc lệnh số
60/SL ngày 6 tháng 5 năm 1946, đổi tên Uỷ ban Kháng chiến toàn quốc thành Quân
sự Uỷ viên hội.
Dẫn
chứng mà sai tới mức như vậy thì… hết ý. À! Mà đây là sai sót hay cố tình bóp
méo vậy bác?
Tuy
nhiên, điểm quan trọng nhất mà tôi muốn thảo luận với bác và nghe bác giải
thích thêm đó là:
a/
Trong Hiến pháp 1946, Điều 1 khẳng định như vầy: “Nước Việt Nam là một nước dân
chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam,
không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Sau
Hiến pháp 1946, trong Hiến pháp 1959, ngoài việc khẳng định Việt Nam là một
nước dân chủ cộng hòa, Điều 8 của bản Hiến pháp này còn ghi: “Lực lượng vũ
trang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ
thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an
ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động hoà bình của
nhân dân”.
Theo
các Hiến pháp đã dẫn thì rõ ràng, những tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân
Việt Nam (Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”, “Quân đội Quốc gia Việt
Nam”, kể cả Quân đội Nhân dân Việt Nam sau 1954) đâu có chiến đấu vì lợi ích
của Đảng?
Đả
kích quan điểm “Quân đội chỉ trung thành với Hiến pháp” như bác vừa viết thì
hóa ra Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 là giấy lộn à bác?
Nếu
thật sự các bác xem Hiến pháp chỉ như một mớ giấy lộn thì các bác còn tổ chức
trưng cầu ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành làm chi?
b/
Cho dù bác thừa nhận, trong quá khứ, “Quân đội nhân dân Việt Nam” đã từng là
“Quân đội Quốc gia Việt Nam” - một tổ chức bao gồm thành viên của nhiều đảng
phái và người không đảng phái, cùng chiến đấu cho độc lập của tổ quốc và tự do
của dân tộc, tuy nhiên, để biện bạch cho quan điểm: “Quân đội bao giờ cũng là
công cụ bạo lực của một giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị”, đả phá đề nghị
“quốc gia hóa” quân đội, bác giải thích sự khác biệt giữa các bản Hiến pháp
ngày xưa và thực tế hiện nay như vầy: “Điều này thể hiện sâu sắc bản lĩnh và
trí tuệ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kiên định nguyên tắc chiến lược,
vừa mềm dẻo về sách lược để lãnh đạo dân tộc vượt qua hiểm nguy, giành thắng
lợi vẻ vang”.
Khen
như thế còn độc địa, nham hiểm hơn là chửi đó bác!
Cứ
như bác viết thì chẳng lẽ “Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh” dùng Hiến pháp để
bịp mọi người? Lúc chưa nắm chặt được chính quyền thì bảo rằng, Việt Nam sẽ là
một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân
dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn
giáo. Lực lượng vũ trang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là của nhân dân, có
nhiệm vụ bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ
toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động
hoà bình của nhân dân. Còn khi đã trở thành tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo
toàn diện thì trở mặt, khẳng định: “Quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực
của một giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị”!
Có
thể khi đào tạo các bác, hệ thống các học viện, trường, chương trình chính trị
khen việc dẫn dụ người khác làm theo ý mình để trục lợi, bất kể luân thường,
đạo lý là “bản lĩnh”, trí tuệ”, “vừa kiên định nguyên tắc chiến lược, vừa mềm
dẻo về sách lược” để “giành thắng lợi vẻ vang” nhưng thiên hạ không khen thế
đâu bác Bình ạ! Họ gọi đó là “tráo trở”, “bịp bợm”, “lừa đảo”, “lưu manh”.
Lenin
đã nhắc rồi, phải “học, học nữa” may ra mới gạt được vài người bác Bình ạ!
No comments:
Post a Comment