Wednesday, 26 December 2012

NHIẾP ẢNH GIA VIỆT LƯU GIỮ KHOẢNH KHẮC HẠNH PHÚC CỦA THẾ GIỚI (Hồng Hoa - VOA)




Hồng Hoa  -  VOA
25.12.2012

Bài viết về chị Jenny Hạnh được đăng trên một tờ báo của Ý.

Trong chương trình Câu chuyện phụ nữ tuần trước, chúng ta đã được biết đến và làm quen với Jenny Hạnh, nhiếp ảnh gia trẻ người Việt chu du khắp thế giới với niềm đam mê lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc trong đám cưới của các cặp đôi và những giây phút đẹp của những em bé. Trong phần hai câu chuyện về Jenny Hạnh tuần này, chúng ta sẽ cùng nghe chị chia sẻ nhiều hơn về công việc của chị và những trải nghiệm mà chị có được qua những tấm hình.

Khi đam mê một điều gì đó, những khó khăn thường được dễ vượt qua hơn nhưng không phải là không có. Tuy chụp ảnh cưới đúng là đam mê lớn nhất của mình, nhưng Jenny Hạnh không phủ nhận một điều, ngay cả khi đã trở thành một nữ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chị vẫn đối mặt với một số khó khăn.

“Cái thứ nhất là mình là phụ nữ. Mình thì cũng bé, nên là nhiều khi hai tay hai máy cộng thêm hai ống kính rất là nặng, có khi cũng đến 8-10 kg máy ảnh. Bởi vì ở Hà Nội, mùa cưới là mùa lạnh. Lúc mình làm việc thì mình không bao giờ cảm thấy mệt bởi vì mình hầu như quên hết cái mệt. Nếu như thời tiết không thuận lợi thì mình về chắc chắn là vừa chụp xong là hầu như mình bị đuối sức, nhiều hôm bị ốm hoặc là mình sẽ nằm một ngày, hoặc là bị mỏi, đau hết rã rời hai tay.”

Và một sự cố mà chị đã gặp cũng lại liên quan tới sức khỏe và thời tiết.

Chị Jenny Hạnh chụp cùng một nhà báo tại buổi triển lãm cá nhân của chị ở Olbia có tên là "So far so close," trưng bày ảnh Châu Á và ảnh hòn đảo Sardinia, Ý

x
http://gdb.voanews.eu/04BE0B2F-8DE2-4E4F-BE91-F28357A59B37_w640_s.jpg
Chị Jenny Hạnh chụp cùng một nhà báo tại buổi triển lãm cá nhân của chị ở Olbia có tên là "So far so close," trưng bày ảnh Châu Á và ảnh hòn đảo Sardinia, Ý
​​​​“Hôm đấy trời rất lạnh. Ở Hà Nội thời tiết lúc đấy là 8-10 độ C là đã rất lạnh rồi, nhưng vì cô dâu chú rể bận và mình cũng bận nên không thể tìm được một khoảng thời gian khác nên đành phải đi chụp vào cái ngày lạnh nhất. Và hôm đấy thì mình làm việc hăng say quá, mình quên cả ăn. Lúc đấy bọn mình chụp ở sân golf Tam Đảo, ở trên đấy là ngày thứ Hai, không hề có nhà hàng gì mở cửa, và bọn mình mang đồ ăn đi không đầy đủ. Mình thì bị huyết áp thấp, hôm đấy mình chụp xong vừa đóng máy thì lăn ra ngất luôn. Không hẳn là ngất mà đại khái là mình xỉu đi và không nói được gì nữa. Mọi người thì rất sợ. Nhưng đến lúc mọi người cho mình vào nhà hàng ăn uống thì mình lại tỉnh như sáo và nói chuyện bình thường.”

Sức khỏe và thời tiết không phải là khó khăn duy nhất. Làm cách nào để cô dâu chú rể thoải mái và có thể tự nhiên trước ống kính của chị có vẻ là khó khăn lớn hơn.

"Có một điểm là vì văn hóa của người Việt Nam mình là không tự nhiên khi thể hiện tình yêu công khai ra ngoài. Bởi vì mình hướng tới cái tự nhiên, mình không thích cô dâu chú rể nhìn thẳng vào máy của mình. Mình nói với các bạn ấy là coi như quên mình đi, như thế thì b ức ảnh mới tự nhiên được vì mình chỉ muốn các bạn chú ý đến nhau thôi, đừng có chú ý đến mình. Mình muốn họ tự nhiên nhưng mà họ lại không tự nhiên. Nhưng được cái là tính mình thì hay làm trò, những lúc mình nói những câu buồn cười thì bắt đầu cô dâu chú rể cười rất sảng khoái thì mình chộp ngay lại những khoảnh khắc đấy.”

Nhưng nếu đem khó khăn so sánh với những điều mà nhận lại được khi chọn nghệ thuật làm con đường sự nghiệp của mình thì không bất ngờ khi Jenny Hạnh đam mê nhiếp ảnh đến vậy.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Không những được cùng cảm nhận niềm vui, hạnh phúc với những cặp uyên ương, mà trong những chuyến đi chụp hình cho những khách hàng ở khắp mọi nơi, chị Jenny Hạnh cũng đã trải nghiệm và tích lũy được thêm rất nhiều sàng khôn. Có những sàng khôn chứa đầy những kinh nghiệm phải làm gì, cần mang gì trước những chuyến chụp hình xa. Và có những sàng khôn chỉ đơn thuần là những nét văn hóa độc đáo mà không phải ai cũng may mắn được học.

Trong số những quốc gia Châu Á và Châu Âu mà chị đã đặt chân tới, thì phong tục đám cưới truyền thống của một người bạn Ấn Độ của chị gây ấn tượng mạnh nhất đối với chị.

Bức ảnh cô dâu người Ấn chị chụp trong đám cưới Ấn mà chị có dịp tham dự ở Singapore

x
http://gdb.voanews.eu/07B29DFC-A7F0-4E47-861B-3B3C78BC5D0D_w640_r1_s.jpg
Bức ảnh cô dâu người Ấn chị chụp trong đám cưới Ấn mà chị có dịp tham dự ở Singapore
​​"Thực ra thì mình chưa đến Ấn Độ nhưng lại có cơ hội dự một đám cưới truyền thống Ấn Độ ở Singapore. Thực sự mình thấy rất ấn tượng với văn hóa Ấn Độ. Họ rất là màu sắc. Khi mà mình đi đám cưới Ấn Độ đó thì mình đã ở Ý rồi và mình đã tìm thấy là người Ý và người Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Nhưng mà khi thấy người Ấn Độ thì mình thấy người Ấn Độ và người Ý còn tương đồng hơn về sự mến khách. Họ cực kì thân thiện, hòa đồng, và vui vẻ. Cuộc sống của họ có sự tận hưởng, hưởng thụ hơn là căng thẳng. (5:36) Mình nghĩ là khó có nền văn hóa nào ở Châu Á mà lại có sự đặc trưng như là người Ấn Độ, bởi vì cái gì của họ cũng mạnh mẽ và toát lên ngay. Ví dụ như từ quần áo, rồi từ món ăn có gia vị rất là mạnh."

Và dĩ nhiên, điều gây ấn tượng cho nhiếp ảnh gia chuyên về ảnh cưới này nhất chính là phong tục đám cưới của người Ấn Độ.

Những hình vẽ từ bột màu, một hoạt động trong lễ Tẩy rửa quá khứ

x
http://gdb.voanews.eu/705F146C-6FC7-4EBD-87F2-02A9E67F3507_w640_r1_s.jpg
Những hình vẽ từ bột màu, một hoạt động trong lễ Tẩy rửa quá khứ
​​"Đám cưới bình thường của họ là phải từ năm ngày trở lên. Thực ra mình chỉ chụp ảnh với họ có hai ngày thôi bởi vì mình không có thời gian ở với cả hai bên nhà cô dâu chú rể và họ có nhiều lễ khác nhau.Văn hóa của họ rất khác mình. Cô dâu đi lấy chồng thì lại tốn kém hơn nhà đằng trai. Nhà gái phải mời nhà trai một bữa tiệc rất lớn. Khách mời của nhà trai 200 người thì nhà gái sẽ phải trả tiền cho bữa tiệc đấy. Nhà gái cũng phải mua hết quần áo tặng cho nhà trai. Đặc biệt có một lễ mình thấy rất thú vị đó là, thực ra dịch sang Tiếng Việt thì nghe cũng hơi buồn cười, đó là lễ 'Tẩy rửa quá khứ.' Coi như là sau lễ đấy thì quên hết quá khứ đi. Trước đây có gì xấu xa hay người yêu thì quên hết đi và từ bây giờ bắt đầu lại cuộc sống mới. Và ở bên nhà cô dâu thì cũng thế.”

Hiểu biết thêm về các nền văn hóa không chỉ đơn giản là để tích lũy thêm kiến thức hay giúp cho bản thân mình trở nên uyên bác hơn. Theo chị Jenny Hạnh, những chuyến đi này chính là lúc chị học thêm được rất nhiều về nghệ thuật nhiếp ảnh. Từ lúc có những quan niệm ban đầu về nhiếp ảnh qua những cuộc thi trên báo, giờ đây tuy không hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ, chị lại có một cái nhìn thuần túy và đơn giản hơn về nhiếp ảnh.

"Khi mình nhìn một bức ảnh đoạt giải, nó là một mầm cây. Trong đầu mình nghĩ rằng, họ là những nhà nhiếp ảnh, để chụp ra một bức ảnh đẹp, thì bạn phải gửi gắm vào bức ảnh một thông điệp nào đó, chứ không phải là ảnh chỉ để nói lên là tấm ảnh đó đẹp. Lúc đầu thì mình nghĩ thế. Bây giờ thì mình vẫn nghĩ thế, nhưng mà mình nghĩ khái niệm về nhiếp ảnh rộng hơn. Bời vì khi mà mình nghĩ như thế thì mình thấy nhiếp ảnh là một cái gì đó cao siêu, rất là khó. Khi bạn sáng tác mà bạn cứ phải nghĩ cái này tôi muốn nói cái gì, tôi muốn thể hiện cái gì, nhưng nhiều khi bạn chỉ thấy nó đẹp thôi mà bạn không biết nó sẽ nói cái gì. Mình nghĩ rằng quan trọng nhất là việc bạn chụp lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống thôi, đấy cũng là một ý nghĩa của nhiếp ảnh rồi."

Xin cám ơn chị Jenny Hạnh đã dành thời gian chia sẻ với VOA Việt ngữ những suy nghĩ, tâm sự rất chân thành và quý báu. Xin chúc cho chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, và sẽ luôn thành công trọng sự nghiệp, giúp mọi người lưu giữ được thật nhiều những giây phút đẹp trong cuộc sống.


Hồng Hoa  -  VOA
18.12.2012

Nhiếp ảnh gia Jenny Hạnh

Hình ảnh người phụ nữ Việt xưa thường được mô tả qua những câu chuyện, những câu ca dao, hay những câu hò, điệu lý. Có những nhân vật được mô tả cụ thể hơn qua rất nhiều những bức tranh nổi tiếng như Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn hay Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Rồi tới khi thế giới có những bước tiến đột phá trong công nghệ khi những chiếc máy ảnh đầu tiên ra đời, thì vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt lại tiếp tục được ghi lại và lưu giữ nhiều hơn qua những tấm ảnh đen trắng.

Trải qua một quá trình phát triển dài, khi lúc trước người phụ nữ Việt Nam là nhân vật chính trong những tác phẩm nghệ thuật lưu giữ vẻ đẹp, thì nay có nhiều người phụ nữ trở thành chính những người đi tìm kiếm những vẻ đẹp khác và lưu giữ chúng lại. Jenny Hạnh là một người phụ nữ Việt hiện đại như vậy. VOA ban Việt ngữ đã có buổi trò chuyện với chị Jenny Hạnh và trong phần một ngày hôm nay, chị đã chia sẻ về cơ duyên của chị với nhiếp ảnh và những khó khăn ban đầu khi chị mới vào nghề.

Ảnh cưới là đam mê số một của chị Jenny Hạnh
x
http://gdb.voanews.eu/BD8016CC-C4FF-4C85-AB97-D386349CAA58_w640_r1_s.jpg
Ảnh cưới là đam mê số một của chị Jenny Hạnh
​​Mc dù hin ti Jenny Hnh đang sinh sng hnh phúc vi gia đình nh ca mình Ý, nhưng ch li là một nhiếp ảnh gia trẻ có tiếng về chụp ảnh cưới không những chỉ ở Châu Âu mà còn ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt hơn, chị có một xuất phát điểm khác với nhiều người.

Tuy dành hết bốn năm đại học và đã tốt nghiệp với tấm bằng sư phạm chuyên ngành Văn, nhưng Jenny Hạnh nói chị luôn cảm thấy thích làm công việc cần sự dịch chuyển liên tục, đòi hỏi nhiều cảm hứng, và luôn mang lại sự mới mẻ, do vậy, chị cảm thấy rằng công việc giảng dạy không phải là điều chị muốn mà những chuyến du lịch và những giây phút chụp ảnh mới đem lại những điều đó cho chị. Chị nói thêm rằng niềm đam mê với nhiếp ảnh đã có từ rất lâu, nhưng vì không có điều kiện nên đã tạm gác lại điều đó. Nhưng sau đó, dường như chính nhiếp ảnh đã không muốn bỏ qua chị.

“Cái passion với nhiếp ảnh đã là lâu rồi nhưng mình không có điều kiện, đến khi trước chuyến đi Châu Âu một mình đầu tiên, có một em vô tình biết mình trên blog thôi, hai chị em chưa bao giờ gặp nhau. Mình thấy em ấy cũng chụp ảnh nên nhắn tin hỏi em ấy là chị muốn mua một cái máy ảnh nhưng chị không biết mua cái nào hợp lý để mang đi Châu Âu, và sau đó em ấy nói là thôi chị tiết kiệm tiền đấy mà đi Châu Âu, còn máy em cho chị mượn. Mình rất ngạc nhiên vì em ấy không biết mình là ai mà em ấy tin tưởng dám cho mình mượn một cái máy ảnh chuyên nghiệp, so với giá hồi đấy thì cũng khá là đắt.”

Mặc dù kiên quyết chỉ nhờ cậu em chưa gặp bao giờ tư vấn chọn máy nhưng có lẽ, nhiếp ảnh là một sợi dây vô hình gắn kết tất cả những tâm hồn đam mê nhiếp ảnh lại với nhau, cho nên anh chàng tốt bụng và có phần hơi “nhẹ dạ” ấy vẫn quyết định cho Jenny Hạnh mượn máy và dạy cách dùng trong một ngày.

“Hôm đấy buổi tối em đến đưa máy cho mình. Mình cũng rất ngạc nhiên vì em ấy đến đưa máy cho mình cùng với túi máy ảnh rất cẩn thận. Em ấy ngồi chỉ cho mình một tiếng trong quán cà phê. Nhưng vì sáng hôm sau mình bay sớm mà lúc đấy rất là muộn cho nên mình không nghe được cái gì vào tai hết. Đến khi đi chụp thì mình hoàn toàn để chế độ tự động. Tuy rằng bộ ảnh Châu Âu đó hoàn toàn được chụp tự động nhưng mình rất thích vì nó là những cảm xúc đầu tiên. Đó vẫn là bộ ảnh ưa thích của mình cho tới bây giờ. Sau đó mình quyết tâm đi sâu vào ngành này.”

Và khi có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về nhiếp ảnh, Jenny Hạnh thấy rằng muốn chụp ảnh chuyên nghiệp thì không thể lúc nào cũng để chế độ tự động được. Chị tự mình mày mò những kỹ năng cơ bản từ trên những trang diễn đàn trên mạng, học hỏi những kinh nghiệm truyền lại từ những thành viên khác. Tuy nhiên vì những kinh nghiệm này chỉ dừng lại ở mức độ rất cơ bản, mặt khác, tài liệu nhiếp ảnh ở Việt Nam còn sơ sài, chị buộc phải kiên trì lên mạng và săn lùng những tài liệu của nước ngoài.

“Sau đó thì mình có tìm ra được một người mình rất thích cách lý giải, viết sách của ông ấy, người Mỹ. Khi mình sang Singapore thì trong cửa hàng của họ thấy có bán sách của ông ấy, và mình mua. Lúc đó cũng khá là đắt cho một cuốn sách của ông. Mình mua một quyển về photoshop, một quyển về ánh sáng, một quyển về kĩ thuật trong nhiếp ảnh. Hầu như là mình tự học qua sách của ông nhiều nhất và đó là người thày online của mình. Lúc đầu thì như thế còn sau đó thì mình học qua Youtube nữa.”
x
http://gdb.voanews.eu/10817D22-B4E7-460F-87ED-78196C45F60F_w640_s.jpg
​​Tri qua quãng thi gian ba tháng t tìm hiu nhng lý thuyết cơ bn v nhiếp nh và photoshop, Jenny Hnh đã gần chạm tay tới ước mơ đơn giản của mình là được đi khắp nơi và lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc sống. Trước khi chọn cho mình con đường chụp ảnh cưới và trẻ nhỏ, giúp tất cả các cô dâu chú rể trên khắp thế giới và những gia đình có em nhỏ có thể lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ và hạnh phúc trong cuộc đời, Jenny Hạnh cũng có thử tìm đến với những thể loại chụp ảnh khác nhau.

“Hồi đầu thì mình rất thích ảnh macro hoa lá, cỏ cây, nhưng đến bây giờ thì mình nhận ra là đam mê lớn nhất của mình là ảnh trẻ con, sau đó là đến ảnh cưới, và sau đó là đến ảnh khỏa thân nghệ thuật.”

Mặc dù hiện tại đã là một nhiếp ảnh có tiếng ở Hà Nội về chụp ảnh cưới và chụp ảnh trẻ nhỏ, nhưng Jenny Hạnh cũng không ngại tiết lộ một chi tiết thú vị về hợp đồng nhận chụp ảnh cưới đầu tiên của mình.

“Khi mà mình nhận hợp đồng đầu tiên, trong cái lúc làm ảnh cho hợp đồng đầu tiên thì đầu tiên là mình còn không biết làm album hay layout như thế nào.”

Trong khi thực hiện những bức ảnh đó thì Jenny Hạnh buộc phải vừa làm vừa tự mày mò thêm. Kết quả là mặc dù là album đầu tiên nhưng cô dâu chú rể và tất cả họ hàng đều rất thích và đều khen.

May mắn được cảm nhận và chia sẻ niềm hạnh phúc của cô dâu, chú rể trong khi chỉ mới thực hiện album ảnh đầu tay, có lẽ cái duyên của Jenny Hạnh với nhiếp ảnh cũng là khá lớn. Tuy nhiên, là một người phụ nữ làm một công việc luôn phải di chuyển khắp nơi với lỉnh kỉnh máy móc nặng nề, thậm chí còn to hơn cả người, Jenny Hạnh cũng trải qua không ít vất vả. Để có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống của một người phụ nữ Á Châu nhỏ bé làm một công việc tuy đậm chất nghệ thuật nhưng không kém phần nặng nhọc dành cho đàn ông, xin mời quý vị cùng quay trở lại và đón nghe phần kế tiếp trong câu chuyện về Jenny Hạnh tuần sau.





No comments:

Post a Comment

View My Stats