Ngô Nhân Dụng
Friday,
December 14, 2012 3:57:56 PM
Người Mỹ thường khuyên nhau không nên chứng kiến người khác đang
làm hai công việc. Thứ nhất là không nên coi cảnh người ta đang nhồi xúc xích
trong xưởng thịt; coi rồi có thể suốt đời không muốn ăn xúc xích nữa.
Thứ
hai là đừng theo dõi cảnh đại biểu Quốc Hội đang làm luật. Vì sẽ thấy họ tranh
cãi, giằng co, đả kích nhau nặng lời; rồi thấy họ ngồi xuống kì kèo mặc cả với
nhau từng chữ, từng câu, từng con số. Khác với món xúc xích, khi các đạo luật
được biểu quyết xong rồi, dù thích hay không dân cũng phải nuốt.
Trong
mấy tháng nay, Hành pháp và Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị một mẻ xúc xích mới; một
đạo luật về ngân sách. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang tấn công lẫn nhau, ai
cũng lớn tiếng để thuyết phục dân chúng Mỹ nghe ý kiến của mình. Nước Mỹ đang
đứng “Trên bờ vực thẳm tài chánh công,” (Fiscal Cliff); vì nếu ngày 31 tháng 12
năm 2012 Quốc hội và Hành pháp không đi tới một thỏa hiệp thì tất cả mọi người
bị tăng thuế trong khi chính phủ phải cắt hầu hết các món chi tiêu. Bên nào
cũng nghĩ rằng thế nào đối phương cũng phải nhượng bộ để thỏa hiệp với mình,
nếu không chính bên kia sẽ phải chịu trách nhiệm đẩy kinh tế cả nước xuống vực.
Ðiều
bất đồng ý kiến chính là chuyện tăng thuế và giảm chi; để ngân sách tiến tới
cân bằng, sau hơn mười năm khiếm hụt vì thuế thu thì ít mà chi tiêu thì nhiều.
Bên Dân Chủ lập chủ trương phải giữ suất thuế thấp hiện nay cho mọi người (98%
dân đóng thuế) nhưng nên tăng thuế những người giầu (lợi tức từ 250,000 đô la
một năm hay nhiều hơn), buộc họ trở lại đóng thuế như trước đạo luật cắt giảm
của Tổng Thống Bush năm 2001. Bên Cộng Hòa muốn giữ nguyên cả đạo luật đó, đề
nghị chỉ bỏ các lỗ hổng trong luật thuế để thu được nhiều hơn. Về khoản chi thì
hai bên đồng ý phải giảm chi tiêu nhưng mỗi bên muốn giảm những khoản khác
nhau.
Từ
nay cho tới ngày đó, dân chúng Mỹ sẽ được chứng kiến các đại biểu Quốc hội và
ông tổng thống làm xúc xích. Màn đầu trong hoạt cảnh này đã diễn ra trong cả
tháng qua; các nhà chính trị dùng diễn đàn truyền thông, báo chí để chứng tỏ
mình cứng rắn, bảo vệ lập trường đến cùng; tố cáo đối thủ ngoan cố, thiếu thiện
chí thỏa hiệp. Màn thứ hai sẽ bắt đầu khi họ ngưng nói, hoặc bớt nói. Họ bắt
đầu mặc cả kín với nhau; và không cho công chúng biết chi tiết bên nào nhường
bước nào để được nhượng bộ lại cái gì. Không còn ai tuyên bố lớn tiếng trước
nhà báo nữa; để chứng tỏ bên mình muốn bàn chuyện “đứng đắn” chứ không phải chỉ
“làm chính trị.” Nếu cuộc mặc cả thành công, trước ngày 31 tháng 12 dân Mỹ sẽ
biết họ không bị rơi vào vực thẳm tài chánh công chi! Nếu không, màn thứ ba sẽ
diễn ra, mỗi bên sẽ đổ tội bên kia gây ra đổ vỡ!
Việc
thỏa hiệp không dễ dàng. Phía Dân Chủ do Tổng thống Barack Obama lãnh đạo;
nhưng bên cạnh ông còn có hai lãnh tụ đảng ở hai viện. Ông Obama sẽ không phải
ra tranh cử nữa, nhưng các đại biểu khác đều biết chính họ đang bị các cử tri
theo dõi, nếu “lập trường nghiêng ngả” thì hai năm nữa có thể bị cử tri của
mình bỏ rơi. Bên Cộng Hòa có Chủ tịch Hạ viện John Boehner đứng đầu; nhưng ông
cũng không thể một mình quyết định. Vì trong đảng ông cũng nhiều người không
đồng ý. Năm ngoái, ông Boehner đã có lúc bước gần tới một thỏa hiệp với Tòa
Bạch Ốc, nhưng phút chót phải bỏ, vì bị rất nhiều người phản đối. Họ chống tăng
thuế, chống vay nợ; vì phần lớn là các đại biểu mới đắc cử năm 2010, nhờ phong
trào Tea Party hỗ trợ. Nếu như năm ngoái ông Boehner cứ tiến tới, cứ thỏa hiệp
với ông Obama thì bên Cộng Hòa đã đạt được nhiều điều mà năm nay họ phải cố
gắng đòi hỏi lại. Sau cuộc bầu cử tháng trước, vị thế của Tổng thống Obama mạnh
hơn.
Năm
ngoái, Tổng thống Obama mới bị thấm đòn vì đảng Dân Chủ thất bại lớn trong cuộc
bỏ phiếu bầu Quốc hội năm 2010; cho nên ông đưa ra đề nghị tăng số thu của
chính phủ thêm 1,200 tỷ đô la trong 10 năm, bằng cách lấp các lỗ hổng mà không
cần tăng suất thuế. Năm nay, ông Obama “tăng giá,” đề nghị số thu phải thêm
1,600 tỷ đô la. Năm nay, ông Boehner lúc đầu chỉ đồng ý tăng số thu lên 800 tỷ
thôi, con số ông đã đưa ra năm ngoái. Tất nhiên, bên Dân Chủ kêu con số 800 tỷ
thấp quá, không đủ lấp vào khoảng khiếm hụt ngân sách. Trong cuộc tranh cử vừa
qua, ông Obama nhấn mạnh phải tăng suất thuế của người giầu trong khi giữ
nguyên suất thuế cho những người lợi tức từ 250,000 đô la trở xuống. Bên Cộng
Hòa cũng phải công nhận đa số dân Mỹ ủng hộ chủ trương này; nếu chống găng quá
họ sẽ bị mang tiếng là chỉ bênh vực quyền lợi của người giầu.
Ðầu
tuần này, có dấu hiệu hai bên cùng bước vào màn thứ hai. Hai ông Obama và
Boehner đã gặp riêng nhau vào hôm Chủ Nhật. Dấu hiệu lạc quan nhất là cả hai
đồng ý không tiết lộ các chi tiết trong các cuộc trao đổi đó. Các nhà quan sát
thấy hai phía có thể bắt đầu tìm cách thỏa hiệp. Ông Boehner vẫn từ chối không
chịu tăng suất thuế nhà giầu. Ông có thể thỏa mãn, nếu bãi bỏ các lỗ hổng miễn
trừ sẽ đủ để gia tăng số thu. Ông Obama đòi tăng thuế nhà giầu, ông cũng sẽ
được toại nguyện nếu việc lấp các lỗ hổng sẽ khiến người giầu phải đóng thuế
nhiều hơn người nghèo. Dân biểu Eric Cantor năm ngoái đòi nếu muốn lấp các lỗ
hổng thuế khóa thì phải cắt một số chi tiêu lớn tương đương; năm nay ông không
đặt điều kiện đó nữa.
Năm
ngoái, ông Boehner không được tự do hành động; vì lo bị các đồng viện Cộng Hòa
chống đối. Trong một tháng qua, ông Boehner đã củng cố vị thế của mình được
vững hơn; cho nên cũng dám thỏa hiệp nhiều hơn; biết rằng những đại biểu Cộng
Hòa khó chống lại ông sau khi đảng mất một số ghế nghị sĩ và dân biểu trong kỳ
bỏ phiếu tháng trước.
Năm
ngoái, khi bàn về dự luật ngân sách, lãnh tụ Cộng Hòa ở Hạ Viện Eric Cantor và
Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Paul Ryan đều chống lại các thỏa hiệp của ông
Boehner, nhất định không chịu tăng thu mà đòi chỉ giảm chi thôi. Năm nay cả hai
ông này đã dịu giọng; tuy vẫn không chịu tăng suất thuế các người giầu phải trả
nhưng đồng ý số thu có thể tăng lên theo cách khác, là giảm bớt những khoản
miễn trừ khi khai thuế, áp dụng cho người giầu cũng như giới trung lưu.
Các
dân biểu Cộng Hòa cứng rắn nhất cũng thay đổi, sau khi đối diện với thực tế là
dù chiếm đa số tại Hạ viện, quyền hành của họ có giới hạn. Sau hai năm họ đã
biểu quyết nhiều dự luận rất bảo thủ, theo chủ trương của Tea Party; nhưng khi
đưa lên Thượng viện thì các dự luật đó không bao giờ được ngó tới. Một năm
trước đây, các dân biểu bảo thủ đều chống lại việc triển hạn việc cắt giảm thuế
an sinh xã hội mà những người đi làm phải đóng cho quỹ hưu bổng, mặc dù các
người lãnh đạo của họ trong Hạ viện đã đồng ý. Lúc đó, dư luận bên ngoài đã nổi
lên công kích thái độ quá cứng rắn này; sau cùng họ phải nhượng bộ. Năm ngoái,
sau khi ông Boehner đã thỏa hiệp với Tòa Bạch Ốc để nâng cao mức trần của nợ
công, vẫn có 66 dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống vì áp lực của Tea Party. Một
số dân biểu này mới thất cử, người ta thấy thái độ cứng rắn không được lợi gì
cả.
Dân
biểu bảo thủ Southerland, tiểu bang Florida, mới bước vào chính trị lần đầu khi
ra tranh cử năm 2010 và thắng lớn. Gia đình ông giầu có sau ba đời kinh doanh
với các tang nghi quán. Từ khi lên làm dân biểu, ông vẫn công khai xung đột với
giới lãnh đạo đảng trong Hạ viện; khiến họ phải dựa vào ông mỗi khi muốn giải
hòa với các dân biểu bảo thủ khác. Vào đầu năm 2012, ông Southerland được cử
đứng đầu việc thương thảo với các nghị sĩ Dân Chủ trên Thượng viện về một dự
luật về xây dựng thêm xa lộ. Ông Southerland đã tiến tới thỏa hiệp, rồi phải
đóng vai thuyết phục các đại biểu bảo thủ khác đồng ý với mình. Sau đó, ông
được trao cho phụ trách các vấn đề giao thông, vận tải! Ông Southerland thú
nhận: “Chúng tôi tới Washington với ý định thay đổi thế giới theo cách nhìn của
mình. Bây giờ biết là không thể bắt thế giới thay đổi nhanh theo tốc độ mà
chúng tôi muốn.”
Chủ
tịch Hạ viện John Boehner đã kiên nhẫn chờ các đồng viện của ông trong đảng
Cộng Hòa thay đổi thái độ. Nhưng có lúc ông cũng dùng “biện pháp mạnh.” Ðầu
tháng 12 vừa rồi, ban lãnh đạo đảng trong Hạ viện đã buộc ba dân biểu bảo thủ
ra khỏi mấy ủy ban “ngon” nhất mà họ đang được dự. Họ là những người hay bỏ
phiếu chống lại các người lãnh đạo đảng trong Hạ viện. Mất chỗ ngồi trong các
ủy ban tức là mất quyền biểu quyết về các dự luật thuộc phạm vi của ủy ban,
trước khi đưa ra diễn đàn Hạ viện. Mất chỗ ngồi ở đó thì cũng không còn cơ hội
giành lấy những quyền lợi cho cử tri thuộc đơn vị của mình; tức là mất cơ hội
“kiếm điểm” với dân để vận động tranh cử kỳ tới! Việc giới lãnh đạo “đuổi” các
dân biểu ra khỏi các ủy ban ít khi xẩy ra, ông Boehner chứng tỏ ông dám có hành
động kỷ luật để thống nhất lập trường trong đảng!
Vì
thế từ nay ông Boehner có thể đứng ra thương thuyết với Tòa Bạch Ốc; biết rằng
khi đưa ra bỏ phiếu thì dù có một số dân biểu Cộng Hòa phản đối, họ cũng không
chiếm đa số. Trong tuần này có tin ông Boehner chấp nhận tăng số thu lên 1,200
tỷ đô la; một bước nhượng bộ lớn. Sau cùng, hai bên Hành pháp và Hạ viện có thể
sẽ cắt đôi giữa hai con số 1,600 của Tổng thống Obama và 1,200 của đảng Cộng
Hòa trong Hạ viện.
Nhưng
việc thỏa hiệp vẫn không dễ dàng. Vì điều khó khăn nhất là khi bàn đến chi
tiết, hai bên vẫn còn là họ phải đồng ý thu thêm những khoản thuế nào và khi
cắt những khoản chi thì trong dân chúng ai sẽ phải hy sinh.
Thí
dụ, hai bên đã đồng ý sẽ lấp các lỗ hổng trừ thuế để tăng số thu, nhưng không
bất đồng trong chi tiết. Nếu bãi bỏ hết việc trừ thuế trên tiền lãi trả khi vay
nợ mua nhà, thì người giầu cũng như nghèo đều phải đóng thêm thuế. Nhưng cũng
có thể định giới hạn, chỉ áp dụng khoản miễn trừ này cho món tiền lãi từ 35,000
hoặc 50,000 đô la trở xuống thôi, thì chỉ có những người có nhà lớn, vay nợ
nhiều mới chịu ảnh hưởng, họ sẽ phải đóng thêm thuế.
Về
việc cắt chi cũng vậy; hai bên đã đồng ý phải giảm bớt chi tiêu trong các
chương trình hưu bổng, Social Security và y tế, Medicare, Medical; nhưng mỗi
bên muốn cắt theo một lối. Về quỹ hưu bổng, năm ngoái Tổng thống Obama không
chịu để tỷ lệ tăng tiền hưu liễm thấp hơn tỷ lệ lạm phát mỗi năm. Năm nay ông
tỏ ý chấp nhận. Về y tế, ông Obama muốn giảm chi phí bằng cách cắt bớt khoản
tiền trả cho các bệnh viện và trả giá thuốc thấp hơn, không muốn giảm số dịch
vụ cung cấp cho những người được hưởng Medicare. Bên Cộng Hòa chú trọng cắt bớt
chi phí trong chương trình Medicaid (MediCal ở California). Các công ty dược
phẩm và bệnh viện sẽ phản đối nếu mức lời bị giảm. Các bệnh viện sẽ chứng minh
rằng nếu lợi nhuận sút kém thì họ sẽ phải giảm bớt nhân viên, bỏ bớt nhiều dịch
vụ y tế đắt tiền, tức là sau cùng các bệnh nhân cũng vẫn phải chịu thiệt thòi.
Nước
Mỹ đã trải qua hơn 10 năm thu quá ít, tiêu quá nhiều. Muốn tránh không rơi
xuống vực thẳm tài chánh thì thế nào cũng có một số người chịu thiệt; người
thiệt nhiều hơn, người ít hơn, không người này thì người khác. Nhóm nào cũng
muốn bảo vệ quyền lợi của mình. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ phải lo bảo vệ
quyền lợi các cử tri đã ủng hộ họ. Dù thỏa hiệp theo cách nào, các nhà chiến
tranh cũng không thể quên nếu không có lá phiếu của dân Mỹ thì họ chẳng được
ngồi đó mà tranh luận, mặc cả với nhau. Họ vừa thảo luận, vừa nghĩ đến cuộc
tranh cử sắp tới. Món xúc xích mà họ sản xuất ra sẽ phải chứa đủ thứ mùi vị của
các ý kiến và lập trường dị biệt trong ba trăm triệu dân Mỹ.
Đọc
thêm :
No comments:
Post a Comment