Saturday 15 December 2012

TƯƠNG LAI CỦA NỀN KINH TẾ MỸ VỚI SỰ CAN THIỆP TÍCH CỰC CỦA FED (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
Thursday, December 13, 2012 7:18:03 PM

Hôm Thứ Tư, sau cuộc họp trong hai ngày của Federal Open Market Committee (FOMC), hội đồng hoạch định chính sách trong hệ thống ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ (Fed) đã đề ra những biện pháp nhằm thúc đẩy sự hồi phục và phát triển kinh tế trong vòng ba năm sắp tới.

Lần đầu tiên vấn đề tạo lập thêm công việc làm được Fed coi là một mục tiêu quan trọng, khác với từ xưa đến nay đối phó với lạm phát là chức năng chính yếu của hệ thống ngân hàng trung ương.

Bản tuyên bố do Fed đưa ra hôm 12 tháng 12, 2012, nhận định:Thông tin mà FOMC nhận được từ kỳ họp tháng 10 cho thấy hoạt đông kinh tế và thất nghiệp tiếp tục cải thiện ở mức độ trung bình trong những tháng gần đây. Mặc dầu mức thất nghiệp đã phần nào hạ xuống từ mùa Hè, nhưng vẫn còn cao. Chi dụng của các gia đình tiếp tục gia tăng và lãnh vực địa ốc có thêm những dấu hiệu tiến bộ. Tuy nhiên đầu tư vào doanh vụ cố định tăng trưởng chậm lại. Lạm phát được duy trì ở dưới mức FOMC ấn định, ngoại trừ một vài biến chuyển nhỏ phần lớn phản ánh sự bất mãn về giá năng lượng và lạm phát dài hạn được tiên liệu là ổn định.”

Từ nhận định ấy, Fed cho rằng cần có chính sách tài chính thích ứng trong một thời gian đủ để tiếp tục gia tăng việc làm, ổn định giá sinh hoạt và nền kinh tế hồi phục vững mạnh. Fed loan báo sẽ “tiếp tục giữ lãi suất thấp ở mức gần tới số không, từ 0 đến 0.25%, chừng nào mức thất nghiệp còn cao hơn 6.5% và tỷ lệ lạm phát trung hạn 2.2% chưa vượt quá 2.5%.”

Mức thất nghiệp từ tháng 11 đến nay là 7.7%, và chưa khi nào xuống dưới 6.5% kể từ tháng 9 năm 2008. Ðể giảm bớt thất nghiệp, Fed tiếp tục chương trình bơm tiền vào thị trường tài chính, mỗi tháng mua lại trái phiếu dài hạn, $45 tỷ trái phiếu ngân khố và trái phiếu có thế chấp bảo đảm, đồng thời bán ra những chứng khoán ngắn hạn.

Trong số 12 thành viên FOMC - gồm 7 thống đốc mà ông Ben Bernanke là chủ tịch, và 5 trong 12 giám đốc ngân hàng Fed địa phương - chỉ có chủ tịch ngân hàng Fed ở Richmond, ông Jeffrey M. Lacker, biểu quyết chống chính sách mới. Theo ông, chính sách này không có hiệu quả và có thể hạn chế khả năng kiểm soát lạm phát của Fed.

Nhưng sự thay đổi chính sách mới là do vì Fed được Quốc Hội trao phó hai chức năng: kiểm soát lạm phát và giảm thất nghiệp. Lạm phát vẫn ở mức tốt đẹp và theo tính toán của Fed, từ nay đến 2015 giá cả sinh hoạt gia tăng chỉ dưới hay bằng 2%.

Tuy nhiên theo ước tính của Fed thì với những điều kiện tốt đẹp nhất, mức thất nghiệp 6.5% cũng chỉ có thể đạt tới vào cuối năm 2015 và như vậy tại sao Fed không có chiến dịch kích thích kinh tế khác. Trong buổi họp báo, Chủ Tịch Bernanke tỏ lộ cho thấy rằng Fed đã đi đến chỗ gần hết khả năng trợ giúp cho tình trạng thất nghiệp. Ông nói: “Nếu chúng tôi có chiếc đũa thần để vung lên và làm cho mức thất nghiệp xuống tới 5%, chắc chắn chúng tôi đã làm. Nhưng có những kiềm chế về động lực của nền kinh tế, trong năng lực của những biện pháp và phải cân nhắc tính toán hơn thiệt liên quan với việc mở rộng quá mức bảng quân bình kế toán tài chính (balance sheet) của chúng tôi.”

Do đó ông Bernanke cũng cảnh giác là sự chuyển hướng chính sách không có hiệu quả tức thời vì Fed tin rằng mục tiêu sẽ chỉ đạt tới không trước giữa năm 2015. Ông giải thích thêm rằng đặt mục tiêu 6.5% về thất nghiệp vì theo các phân tích, sự kích thích vượt quá mức ấy sẽ kiến cho lạm phát lên cao.

Từ tháng 9, Fed đã loan báo sẽ gia tăng quản lý chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp lên tới $40 tỷ mỗi tháng. Bây giờ Fed loan báo sẽ kéo dài vô hạn định chương trình mua lại chứng khoán dài hạn, và không phải trả bằng tiền bán chứng khoán ngắn hạn mà bằng tín dụng ở các ngân hàng, có nghĩa là tạo ra thêm tiền. Tuy nhiên Fed không gia tăng số lượng mua là do không muốn đưa quá nhiều tiền ra thị trường như ông Bernanke đã giải thích về những kiếm chế của các động lực trong nền kinh tế.

Fed dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2013 sẽ từ 2.3% đến 3%, thấp hơn chút ít so với dự đoán cũ 2.5% đến 3%. Nhưng dự đoán này vẫn còn phải dựa vào một điểm lạc quan là hy vọng Quốc Hội và Tổng Thống Obama sẽ đạt được thỏa hiệp để tránh tăng thuế và cắt giảm ngân sách $800 tỷ một cách tự động theo đạo luật năm 2011, cái được gọi là Bờ vực Ngân sách (Fiscal Cliff).

Bộ Lao Ðộng hôm Thứ Năm cho biết con số người mới xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm bớt 29,000 còn 343,000 và là thấp nhất kể từ đầu tháng 10.

Một báo cáo khác cho biết chi tiêu của giới tiêu thụ tăng lên trong tháng 11 mặc dầu có nhiều lo lắng là các chính trị gia ở Washington không đạt đến thỏa thuận để tránh phải áp dụng chính sách khắc khổ, sự kiện có thể đưa trở lại tình trạng kinh tế suy thoái.

Cải thiện chậm chạp nhưng đều đặn ở thị trường nhân dụng giúp cho mức tiêu thụ gia tăng và kinh tế phát triển trong quý 3 trong khi đầu tư vào kinh doanh giảm sút. Tuy nhiên trong quý 4, tăng trưởng dự đoán sẽ chậm lại vì các công ty xí nghiệp dè dặt trước bờ vực ngân sách đến gần. GDP sẽ chỉ tăng 1.2% trong ba tháng cuối năm theo thăm dò qua các chuyên gia kinh tế của thông tấn xã Reuters, so với 2.7% ở quý 3. Nhưng mức tiêu thụ có thể vẫn gia tăng vì là mùa lễ cuối năm và đồng thời do giá nhiên liệu xuống, doanh thu của các cây xăng giảm 4% và dân chúng có thêm tiền để chi tiêu cho những thứ khác.

Như vậy hy vọng với đường lối dứt khoát hơn của Fed, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tiến triển và hồi phục mạnh mẽ. Yếu tố còn lại nằm ở chính trị, và dù tình hình đến nay hãy còn có vẻ rất gai góc, hành pháp và Quốc Hội cuối cùng chắc chắn phải tìm được điều kiện thỏa hiệp để vượt khỏi “Fiscal Cliff.”



Đọc thêm :












No comments:

Post a Comment

View My Stats