Monday 17 December 2012

HẠT ƯƠM HƯ [8/9] - (truyện dài Vũ Đình Kh.)




12:05:am 11/12/12

Chương 21

Ngày 2 tháng tư, là ngày Nha Trang bỏ ngõ để quân đội Bắc Việt tràn vào chiếm lấy.
Tuấn rời khỏi quân trường Nha Trang đúng ngày này, hai năm sau đó. Sự trùng hợp đến lạ lùng!
Khi những chiếc xe nhà binh đun đầu chạy vào cái cổng lớn của quân trường, có từng toán tân binh, giờ đã trở thành công an thực thụ chờ sẳn. Họ bây giờ chính là cánh tay phải của đảng, là quân đội nòng cốt nhất của CSVN. Sáu tháng quân trường, họ được dạy để trở thành một thứ người máy đễ bề sai bảo, trí trá trong não bộ của tình đồng chí thắm thiết, vẻ ngoài là luôn luôn xây dựng cho nhau, bằng những đòn: Phê và tự phê. Rốt cuộc anh nào cũng “Phê” khi biết mình là công an vũ trang, một sắc lính người dân nào cũng sợ sệt, kiêng dè!
Mỗi toán cở 30 người được gọi từng tên trèo lên xe với cái ba lô con cóc sau lưng. Tuấn bước lên chiếc xe đầu tiên, ngồi ngay ngắn ở hàng ghế cuốì. Anh nhìn xuống sân quân trường không một quyến luyến, nơi đó hàng ngày: sáng, trưa, chiều… thao tác những bài học quân sự, học võ thuật cùng đồng đội.
Nơi đây… anh được dạy cách bắt và giết người dân nhanh nhất. Cũng nơi đây, anh được dạy cách hãm hại đồng đội tinh tế nhất bằng những phê và tự phê; và cũng ở nơi đây, anh được dạy làm một con két, nói những điều mà khi phát biểu, anh biết chắc nó hoàn toàn phản cảm và vô cùng tệ hại, nhưng vẫn nói một cách trơn tru giáo điều.
Tuấn chợt nhiên, nhớ bài thơ anh từng được đọc.
“Giết, giết nữa bàn tay không phút nghĩ
Cho ruộng đồng xanh tươi…”
Đó là câu thơ của một (văn nô) Bộ Trưởng Văn Hóa thời VNDCCH ở miền Bắc, sau này được áp dụng vào học đường cho cả nước VN hai miền Nam Bắc. Nó có đúng không, trong một dân tộc lễ nghĩa có thừa, từ bốn ngàn năm văn hiến?
Mà giết ai đây, cho ruộng đồng xanh tươi, khi nông dân chiếm đa số gần 80 % trong một đất nước còn lạc hậu về nông nghiệp, sau thời thực dân Pháp?
- Các đồng chí nên nhớ: Ai chống lại đảng ta, người đó là kẻ thù của… nhân dân ta! – Đồng chí chính trị viên đại đội đã từng giáo huấn… lộn sòng như thế với bọn tân binh miền Nam.
- Cũng đúng! Bởi vì, đảng từ dân mà ra, nên phải vì nhân dân. Mọi thứ đều có từ nhân dân mà ra, ngoài Ngân hàng Nhà nước!
319 tân binh khi trình diện làm người công an, nay còn đúng 299 tên.20 tên đã bị loại bỏ, vài tháng sau khóa học, vì nhiều lý do.Một anh nhớ vợ, con thường khóc hằng đêm, bị đuổi về. Vài anh vô kỷ luật bị chuyển qua quân đội nhân dân, số còn lại bị truy tầm lý lịch có dính líu đến tôn giáo hoặc có bà con xa là Ngụy quyân Sài Gòn. Họ đã khai man, bị đuổi ra khỏi ngành công an, cũng bị chuyễn qua quân đội. Với người CS, họ sẽ truy lùng tận gốc bản kê khai lý lịch ba đời. Cánh tay phải của đảng không bao giờ chứa chấp những thành phần tôn giáo nào cả. Đó là chủ trương lớn của đảng CSVN!
Xe từ từ chuyển bánh.Giã từ Nha Trang.
Tuấn không biết sẽ đi về đâu. Đó là bí mật quân sự!
Xe trực chỉ chạy về hướng Diên Khánh, nơi Tuấn được sinh ra. Tới ngã ba A Ùi, xe rẽ ngoặc trực thẳng hướng con quốc lộ 1 đường vào miền Nam. Thằng sinh viên, hích hông Tuấn nói.
- Có lẽ mình vào Cam Ranh, mày ạ.
- Sao ông biết?
- Cam Ranh là thị xã cuối cùng của tỉnh Phú Khánh.
Tuấn nhìn vu vơ hai bên đường. Anh mang một tâm trạng hoang mang không biết mình sẽ đi về đâu. Đến cây số 9, thuộc thị xã Cam Ranh chiếc xe ngừng lại. Một A trưởng của trường huấn luyện công an bước xuống, đọc quân lệnh gọi tên 6 công an tân binh xuống xe. Họ lầm lũi đi vào một con đường đất ra hướng biển.
Xe tiếp tục chạy.
- Như vậy, họ chia quân ra từng toán trú đóng các đảo, mày ạ.
- Ừm…
- Chắc tao với mày, cùng về một đồn quá!
- Sao biết? – Tuấn nói bâng quơ.
- Mà nè, mày nhớ những gì tụi mình bàn trước kia nhé!
- Ừm…
Xe lại ngừng.A Thắng bước xuống.
Thằng sinh viên được gọi tên đợt này, khi xe ghé Thủy Triều. Nó nhìn Tuấn rơm rớm nước mắt, ôm vai Tuấn thật chặt, nói nho nhỏ.
- Vậy là hỏng! Chúc mày bình yên.
- Ông cũng vậy! Ráng mà thực hành những gì bọn mình ôm ấp.Thôi ông đi.
- Lầy… lầy… đồng chí Tuấn. Xuống cho mình hỏi cái lầy chút nhé.
Tuấn nhảy xuống xe. A Thắng nói.
- Thôi, đồng chí an tâm công tác nhé. Đồng chí sẽ về Bình Ba, Cam Ranh.Trước khi từ giã đồng chí, tớ muốn đồng chí cho tớ một lời khuyên nhé.
- Sao ạ?
- Nhờ đồng chí, xem tướng số cho tớ một quẻ!
Mẹ kiếp. Thằng CS mà cũng tin vào tướng số và trời đất! Vậy thằng cha này, cũng chưa “Hư’ đến nỗi như mấy thằng CS thứ thiệt.Số là, trong quân trường những lúc rãnh rỗi, Tuấn thường mang cuốn Bói tướng ra xem.Bọn tân binh kháo nhau.
- Đồng chí Tuấn nói “in” như phóc!
- Báo cáo đồng chí. Tôi chỉ võ vẽ vài đường!
- Chậc! Đồng chí cứ coi giùm lần cuối, trước khi chia tay nhé.
Tuấn ngần ngừ.
- Vậy… đồng chí… đứng nghiêm cho tôi coi nhé! Nhưng trước khi, tôi coi “quẻ” này, tôi khuyên đồng chí, hãy sống thành thật với đồng đội mình.
- Đồng chí thông cảm! Đó là chủ trương của đảng ta. Đồng chí cũng biết, thanh niên miền Nam, có lý lịch ba đời như cậu, không dây dưa với bọn Ngụy, chúng tôi rất khó tìm…
Tuấn kéo tay A Thắng, khuất sau hông xe, nói.
- Tôi biết. Nào, đồng chí đứng yên tôi nhìn nhé.- Tuấn vờnghiêm nghị nhìn mặt Thắng nói, và tiếp.
- Đồng chí… hình như có một vết “ruồi” khá to và kín nơi vùng hậu môn?
- Giời ôi! Sao đồng chí tinh tướng thế nhỉ?
- Này, đồng thử rờ lại hậu môn, coi có đúng không?
A Thắng lấm lét nhìn quanh, thọc tay vào sau lưng quần, mò, gật gật đầu.
Thật ra, trong quân trường, những thằng lính thường soi mói nhau, khi tắm tập thể nơi bể bơi, nên biết nhau rất rõ…
- Lên xe đồng chí ơi!
Tuấn leo lên xe. A Thắng hỏi với theo.
- Vậy, đời tớ sẽ thế nào?
- Đồng chí còn một “ruồi” kín nữa!
- Ở đâu, sao tớ chả biết!?
- Trong lỗ mũi của đồng chí!
Gã Thắng hoảng hốt, đưa ngón tay vừa rờ hậu môn, thọc vào mũi tìm!
- Tớ không có!
Xe bắt đầu lăn bánh.
- Như vậy, đời đồng chí tiêu tùng rồi!
- Thế nà, thế lào, đồng chí Tuấn?
- Như ngón tay… có mùi của đồng chí!!!

*

Xe bắt đầu vào thị xã Cam Ranh, rẽ ngoặt vào phi trường.
Tuấn thẩn thờ nhìn phi đạo một thời nổi tiếng trước kia, buồn vơ vẫn.
Đây là phi trường quân sự của Mỹ để lại sau 1975. Nay, nó, không còn là cái phi trường đúng nghĩa theo tiếng gọi. Đường phi đạo bị bới tung lên và cháy xém rất nhiều nơi lỗ chổ. Những chiếc xe nhà binh và dân sự bị cháy đen sau cuộc tháo chạy tả tơi, vẫn còn nằm đó trơ gan cùng tuế nguyệt. Hai năm trôi qua, mà những cái nón sắt, áo chống đạn vẫn còn rơi vãi không dọn dẹp – vẫn còn ở đó.Những hố sâu của đạn pháo kích đầy nước bẩn tích tụ. Những vĩ sắt trên phi đạo, lớp bị gỡ mất, lớp nằm chổng chơ còn sót lại, có lẽ do chính quyền không kiểm soát nỗi nạn hôi của của người dân đói nghèo, sau chiến tranh.
Hai năm, sau vãn hồi hòa bình, bộ đội chính qui Bắc Việt chủ trương: vào, vơ, vét, về… và xây nhà tù, trại cải tạo nhanh hơn thu dọn chiến tranh tàn phá để lại! Họ lo thu tóm tài nguyên của miền Nam, mà không nghĩ đến thu dọn một chiến trường, tình máu mủ da vàng chém giết nhau vì ngoại bang sai khiến, như một nỗi nhục nhả gà nhà bôi mặt Mẹ đá nhau.
Kết thúc chiến tranh, sẽ phải là lòng vị tha của kẻ chiến thắng, nhất là cùng một dân tộc có ngàn đời đấu tranh vì ngoại xâm. Kết thúc chiến tranh, bằng: Vào, vơ, vét, về… đó là kết thúc của một lũ cướp, đói nghèo bị ngoại bang sai khiến, đã trở thành một lũ lưu manh, không còn tình tự dân tộc.
Một bọn cướp có môn bài!

*

Quân cảng Cam Ranh thuộc hạng sâu và có tiềm lực địa chính trị nhất thế giới cùng vịnh Subic của Phi Luật Tân.
Trời nắng chói chang như đổ lửa vào tháng tư. Gió vẫn thổi tung tóc và nắng vẫn hốc cả người. 14 tân binh công an được bỏ xuống ngay cầu tàu của quân cảng.
- Các đồng chí, đứng chờ nơi đây. Không lâu sẽ có tàu của ta, từ đảo Bình Ba vào đón. Chúc các đồng chí công tác tốt, học tập tốt! – Gã A trưởng nói, rồi lên xe nhà binh trở về Nha Trang.
- Tôi đói lắm rồi các đồng chí ạ!
Tuấn nhìn quanh. A, thì ra “thằng tham ăn” cũng về đây! Còn lại, những khuôn mặt lạ hoắc, anh chưa nhìn thấy, hoặc có nhìn cũng như bao khuôn mặt của trên 300 tân binh. Có một tên mặt quen quen, nhưng ngù ngờ, làm anh nuôi, nấu ăn nhà bếp cho lính, khác A, Tuấn không nhớ tên.
Cả bọn đứng chờ nôn nóng.Chợt “thằng tham ăn” la lớn.
- Ô. Cái vòi con gì kìa!?
Cách hơn trăm thước, một vật thể tròn tròn từ từ nhô lên khỏi mặt biển. Một vùng rộng lớn chợt sủi lên bọt biển trắng phèo. Một cái cù lao nhỏ giữa biển nhô lên có hình chữ nhật, đen thui với cái cờ búa liềm đỏ thắm. Nhiều cái đầu tóc vàng chóe, áo rằn ri thủy quân lục chiến như thời VNCH, chun ra khỏi cái khung sắt nhìn quanh. Bọn tân binh trố mắt, há mồm nhìn. Chúng quan sát một lúc, rồi chun mình vào thân tàu, đóng nắp. Chiếc tàu ngầm, lẳng lặng chìm xuống.
Tuấn thật tình không tin vào đôi mắt mình! Quân đội Liên Xô đã nằm và ếm trên dãi đất và biển VN này đã bao lâu?Sao họ tự tại và thênh thang như chỗ không người?
Tuấn tê tái cả người.
- Đất nước tôi đó!
Hết Trung cộng, giờ đến Nga cộng ngự trị trên đất nước này (Sau này, vượt thoát khỏi đất nước, Tuấn đọc nhiều bài báo, viết: Liên Sô vào VN đầu thập niên 1980, là hoàn toàn sai!).
- Mẹ cha cái bọn chính quyền CS lưu manh!!!
Tiếng máy tàu nổ… ình ình từ xa vọng lại, do gió đưa từ biển thổi ngược vào, mỗi lúc một lớn hơn. Một chấm đen, rồi một nắm tay và dần dần hình thành một con tàu có vũ trang tác chiến bằng cây đại liên cắm trước mũi tàu.
Con tàu lượn một vòng tròn, như biểu diễn thân vóc to lớn để kiềm hãm sức lao và tạo sóng khi cập sát cầu tàu. Nó từ từ cặp bến an toàn.
Gã công an vũ trang, chức danh trung sĩ bước lên be tàu nhảy xuống cầu tàu quân cảng nhìn nhanh trên tờ giấy.
- 14 đồng chí à. Thiếu một đồng chí, lẽ ra phải 15!
- Báo cáo đồng chí, chỉ 14 thôi ạ!
Cả bọn nhốn nháo nhìn quanh, rà soát.Mẹ kiếp. Rõ ràng, ban nãy 14 thằng mà!
- Như vậy, có một đồng chí đào ngũ. Các đồng chí xuống tàu, nhận nhiệm vụ mới!
Ai đã đào ngũ?

*

Bọn tân binh nhảy xuống tàu, reo hò inh ỏi. Chúng quăng ba lô rãi rác, hăm hở nhìn sóng biển chập chùng, bao la trời nước.Tuấn vào ca-bin ngồi im lìm, vai vẫn đeo cái ba lô con cóc. Con tàu rú mạnh lao về phía trước, chẻ ngọn sóng bạc đầu, cất cao mũi lao tới.
Biển trùng khơi một màu xanh xậm rùng rợn của độ sâu nước biển. Tuấn ngồi im, nhìn đám lính vơ tay chộp những con cá chuồn chuồn, bay ngược sóng nước vượt qua mũi tàu, rớt vung vãi trên nền tàu.
Cộc… cộc…
Mấy tiếng gõ vào cửa kính làm Tuấn giật mình. Anh quay người lại, thấy gã trung sĩ đưa tay ngoắc anh ra, miệng cười mỉm như thử lòng. Tuấn mở cửa ca-bin bước ra sau quầy lái.
- Chào cậu tân binh! Lính mới, từ học sinh vào quân trường, phải không? – Tuấn nhìn anh, gật đầu.
- Vâng. Đang học dỡ chừng cuối năm trung học. Chào đồng chí trung sĩ ạ!
- Đừng có gọi tôi là… đồng chí, đồng rận gì cả. Tôi ghét nhất cái danh từ bịp bợm này! Cứ gọi tôi là Thăng, hay anh Thăng, dù gì tôi cũng hơn cậu vài tuổi, cho thân mật nhé.
- Vâng. Chào anh Thăng. Tôi là Tuấn. Binh nhất Vũ Tuấn!
- Nhìn cậu, tôi nhớ tới thằng em kế, cũng đang học năm cuối trung học, không biết giờ ra sao. Hai năm rồi, chưa trở về quê ở Lương Sơn, mãi bận đời lính.Mà nè. Tôi ghét nhất là thằng nào gọi tôi là đồng chí, là trung sĩ! Tuấn nhớ nghe.
- Sao vậy anh Thăng?
- Cậu vào lính sáu tháng, mà chưa học được tình đồng chí thắm thiết của quân đội công an vũ trang của ta à?
Tuấn đứng im, nhìn bâng quơ, suy nghĩ… dò tìm phản ứng trên khuôn mặt Thăng. Với khuôn mặt đều đặn hơi tròn, không góc cạnh khắc khổ, cộng mái tóc xoăn quắn tự nhiên, Tuấn thấy an lòng người đối diện. Những người có mái tóc xoăn quắn, họ thường khôn và trí trá.Nhưng ở Thăng, Tuấn không đọc thấy sự trí trá, nhất là ở đôi đồng tử hiền từ này. Anh bắt đầu thân thiện, xiết chặt tay Thăng.
- Cám ơn anh Thăng!
- Cám ơn gì vậy Tuấn?
- Sự cảnh tỉnh của tình đồng chí công an vũ trang của chúng ta!
- Ha… ha…
Cả hai ôm nhau cười vang, giữa sóng nước cuộc đời, tìm nhau.

*

Khi chiếc tàu hai “lốc đại” cập bến, cũng vừa lúc tiếng kẻng đánh vang lên. Lính từ trong đồn tuôn ra, xếp hành hai trình diện.
Từ dưới tàu nhìn lên, Tuấn nhìn thấy ba tòa nhà cao lớn, hai tầng có ban công nơi hàng hiên trên cao. Mỗi căn cách nhau khoảng trăm mét. Đây là những căn lầu của Hải quân VNCH, do Pháp xây để lại, nay quân đội CSVN chiếm đóng. Căn lầu đầu tiên ngoài mé biển nhìn ra đại dương xanh đen, đã bị phá sập gần như hoàn toàn, chỉ còn trơ lại vài phòng cuối dẫy. Sau này, Tuấn được biết, khi Hải quân VNCH di tản đã cố tình phá đi trước khi rời một căn cứ quan trọng, không muốn quân bắc Việt chiếm đóng. Nhưng có lẽ vì quá vội vàng, họ chưa phá toàn bộ hai căn còn lại. Căn chính giữa, công an vũ trang chiếm đóng, gần 60 chục mạng. Căn kế tiếp, quân đội nhân dân VN, với một quân số rất đông. Điều đặc biệt, dù đóng trên một ốc đảo gọi là Bình Ba, nhưng dưới bến cảng họ không bao giờ có một chiếc tàu nào để viện trợ, tiếp tế. Mọi giao thông đi lại trên biển đều do công an vũ trang thu xếp.
Chế độ CS là một chế độ kỳ dị và khó hiểu nhất trên thế giới này.Họ chia ra để trị một cách láu lĩnh và tàn ác. Công an vũ trang và công an áo vàng, nếu gặp nhau trên đường phố, thế nào cũng choảng, đánh nhau. Quân đội nhân dân thì ghét công an vũ trang ra mặt, vì họ từ tầng lớp nhân dân bị bắt lính đi bộ đội. Họ ghét công an vũ trang và công an áo vàng, vì bọn này được nhiều ân sủng từ chính quyền vì có thân nhân theo Cộng và có một lý lịch trong sạch. Đã có hàng bao nhiêu vụ, Tuấn đã chứng kiến họ đánh nhau khi còn học trong quân trường Nha Trang.Họ kéo từng tiểu đội, trung đội tới tận bản doanh khiêu chiến nhau.
Tuấn bám vào từng vách tàu, rón rén trèo ra vất vả.Anh chưa từng bao giờ đi tàu nên còn bỡ ngỡ, khi nhảy xuống cầu tàu, xém té. Tuấn lúp xúp chạy từ dưới con dốc nhỏ lai lãi đầy sạn, chạy vào hàng điểm danh. Trên con đường anh đang chạy, là những vốc gạo trắng nuốt đổ tung, trãi khắp cùng các thứ đồ ăn khô.
- Cái gì đã xảy ra? – Tuấn tự hỏi.
- Báo cáo đồng chí thủ trưởng. Chỉ có 14 tân binh, thiếu một đồng chí ạ. – Thăng đứng im báo cáo, không giơ tay chào ngang trán trước khi trình báo.
- Mẹ. Quân đội gì mà kỳ vậy!? Trình báo gì mà không chào theo quân cách của một quân nhân? – Tuấn nghĩ thế.
Ông Thiếu tá, vẫy tay, khệnh khạng, giọng trọ trẹ Hà Tĩnh.
- Báo cáo…
- Điểm tên từng đồng chí cho tôi mà nì!
Ông lom khom nhìn từng thằng lính mới ra trường, như đe dọa.Tới bên Tuấn, thấy anh có cái túi mìn claymor là lạ, ông dừng lại.
- Cái gì đấy nhỉ?
- Thưa, thủ trưởng…
- Phải là… Báo cáo… mà nì nhé! Tên đồng chí?
- Báo cáo thủ trưởng, tôi tên Vũ Tuấn. Đây chỉ là một cái túi cá nhân thôi ạ.
Ông chụp lấy săm soi hàng chữ “Không có gì quý hơn độc lập và tự do”, do thằng Đại viết khi tặng Tuấn, hỏi.
- Ố, ồ… Thứ chữ gì đây?
- Báo cáo… thủ trưởng… – Tuấn chợt ngưng ngang. Một thiếu tá trưởng đồn công an, có đáng để anh trả lời cho một kẻ ngu dốt, không hiểu tiếng Anh và tiếng Mỹ, là thứ tiếng gì trên thế giới, và lại nghên ngang hỏi anh, một cách ngu xuẩn… của kẻ gọi là lãnh đạo trên 50 mạng người!
- Tôi đang hỏi… mà nì!
- Báo cáo đồng chí thiếu tá thủ trưởng. Đồng chí Tuấn biết viết tiếng Anh đấy ạ! – “Thằng tham ăn”, hả hê chỏ miệng vào.
- Tiếng Anh là tiếng gì nào?Ông nhìn “thằng tham ăn”, gật gật đầu.
- Báo cáo đồng chí thiếu tá… trưởng đồn. Tiếng Anh là tiếng của bọn đế quốc Mỹ đấy ạ. – “Thằng tham ăn” đế thêm vào
- Ôi, chu choa. Hỉ… hỉ.Đồng chí “ấy” biết nói và viết cả tiếng Anh của bọn đế quốc Mỹ nữa à? – Ông thiếu tá dí sát mặt nhìn vào hàng chữ, một mắt nheo nheo (ông có đôi mắt không đều). Ông nhìn “thằng tham ăn”, hỏi.
- Vậy đồng chí “ấy” viết gì rứa?
- Báo cáo đồng chí thủ trưởng. Tôi nghe phong phanh, tân binh nói rằng, đồng chí Vũ Tuấn viết: “Không có gì quý hơn đối lập và do dự” ạ!
Tuấn muốn chồm lên bóp cái miệng và cái cổ “thằng tham ăn” cho đến chết mới hả dạ.Nhưng nhìn cặp mắt, sắt như dao của một trùm thiếu tá công an, lại là lé đôi, anh ẩn nhẩn nhịn.
- Tao đã tới đây rồi. Tới cái đồn công an này như mong muốn. Đã bỏ cả tuổi thanh xuân, mạng sống, gia đình, người thân… thì vào đây, tao phải biết tao là ai? – Tuấn nuốt nước bọt, kềm giọng.
- Báo cáo thủ trưởng. Đồng chí Tòng nói sai rồi ạ. Đây là câu nói lịch sử của bác Hồ: “Không có gì quí hơn độc lập và tự do”, ạ.
- Không có cãi mà nì! Trung sĩ Quang mô nì?
- Báo cáo thủ trưởng có mặt! – Một gã cao to như con báo rừng, khệnh khạng bước ra khỏi hàng, trình diện.
- Bên hậu cần (anh nuôi), còn có chỗ nào trống cho đồng chí Vũ Tuấn của chúng ta không nhẻ?
- Báo cáo thủ trưởng không ạ. Nhưng thưa đồng chí thủ trưởng: bốn con bò ở ban hậu cần, chưa có người thường trực chăm sóc ạ.
- Vậy đồng chí Quang, hãy điều đồng chí Vũ Tuấn chăm sóc bốn con bò ấy nhẻ.
- Báo cáo thủ trưởng. Khi còn ở quân trường, tôi ở bên truyền tin ạ. – Tuấn nói, như than van.
- Ôi dào. Sao đồng chí tân binh không báo trước.Được rồi.Đồng chí kiêm cả hai nhiệm vụ nhẻ. Tan hàng!
- Rõ…
Đó là ngày đầu tiên nhận nhiệm sở mới của một công an vũ trang, Vũ Tuấn!

*

Có những buổi chiều, trời ráng đỏ ánh nắng cuối cùng trên cao và tím tái nơi chân trời đang thành hình, sự buồn bả sắp chụp xuống nơi ốc đảo với trên dưới ngàn dân sống trong làng Bình Ba, quanh năm bằng nghề đánh cá, câu tôm, mực… làm Tuấn thoái lòng, tê tái cả tâm can. Anh chưa hề nghĩ rằng: cuộc đời này, sẽ có một ngày, anh ngồi trên lưng những con bò, trên một ốc đảo, nghêu nghao giữa sóng biếc trùng khơi, đầy bọt biển, – chất – thi – vị – của- cuộc – đời – cay đắng này, như nước mắt của đại dương xanh đen bị vây hãm, bởi đất đai chỉ chiếm 1/3 của quả địa cầu nhỏ hẹp!
Tuấn nhìn ra khơi, nơi sóng gió trùng trùng trong một dãi đất nhỏ hẹp, nhớ lại tất cảaw

*
*

Chương 22

Ngày đầu tiên về cái đồn công an vũ trang (còn gọi là biên phòng) trên một ốc đảo hoang vắng, giữa sóng nước trùng khơi, Tuấn ngửi thấy một không khí trầm lạ đến lạnh lùng. Bọn lính cũ và mới nhìn nhau như dò xét từng hành động, đi đứng của nhau.
Bữa cơm đầu tiên trên đảo là món đầu cá thu kho mặn và cũng đầu cá thu nấu canh bí đỏ. Đó là một bữa tiệc lớn trong đời lính của bọn tân binh như Tuấn, sau 6 tháng quân trường đói rét, thiếu ăn đến thảm thương. Nó ngon tuyệt. Những miếng bí đỏ đến ngọt ngào tận chân răng. Nhưng chỉ đến tuần sau, Tuấn nhìn thấy những cái đầu cá đủ mọi loại đã ớn đến tận óc. Sau này, Tuấn biết, số cá này được thu thuế của người dân làng chài đảo Bình Ba, do công an vũ trang chủ quản. Lão thiếu tá trưởng đồn đã lấy số cá thu thuế hàng ngày này, làm chiến lợi phẩm cho chính lão và một số sĩ quan miền Bắc, đem thân cá phơi khô rồi chia chác cho nhau gửi về đất Bắc. Dĩ nhiên, bọn lính thừa hưởng những cái đầu, cái đuôi, cái mang cá… còn thừa lại cho những bữa ăn nhàm chán đến khốn khổ! Sáng, trưa, chiều… cá cá cá, bí đỏ, bột mì, mì sợi, cùng hai chén cơm, cho xong đời lính. Thủ trưởng và sĩ quan, dĩ nhiên ăn cơm đại táo, có anh nuôi phục vụ ân cần.
Buổi chiều đầu tiên, sau cuộc họp, Tuấn về phòng nằm miên man suy nghĩ.
Chẳng lẽ, đời anh sẽ nằm mãi trên cái ốc đảo hoang vắng này, không lối thoát ra? Anh đã quyết hy sinh đời học trò của mình, để đi tìm một chân trời mới đầy tự do, nhân bản hơn. Anh không muốn là Hạt Ươm Hư trên một đất nước đã hòa bình mà sự thù hận còn tràn đầy có chủ mưu rõ ràng của những kẻ nắm vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Chợt anh nghe tiếng quát và tiếng khóc từ xa vọng lại bởi gió đưa về.Tuấn ngồi bật dậy, nhìn ra ngoài, thấy trời đang thấp dần. Lính đang tụ tập ở tầng lầu trên trong phòng giải trí. Tuấn bước ra khỏi phòng, ngóng tai nghe. Đúng là có tiếng quát từ xa vọng lại đâu đây. Tuấn đi ra hành lang ngó dáo dác. Anh nhìn ra tòa nhà đầu tiên, thấy có ánh đèn lù mù, lấp lánh. Tò mò, Tuấn lần theo con lộ đá nhấp nhô. Anh nghe những tiếng quát lớn hơn. Tuấn khum người đi lần theo tiếng quát, anh đi lẩn trong những lùm cây um tùm trong buổi chiều trời chạng vạng. Tiếng quát, càng lúc càng lớn hơn, thôi thúc óc tò mò.Anh bò toài trên đá, nhè nhẹ trườn người.
Trong tòa nhà hoang phế, đổ nát sau chiến tranh, còn soát lại cái nền nhà cement, đập vào mắt anh, là những con người ngồi tụm nhau một chỗ, đôi mắt hãi hung, nhìn ông thiếu tá trưởng đồn, truy vấn. Trên cả trăm con người, ăn mặc nheo nhóc, dơ bẫn đang ngồi bệt dưới thềm cement ôm nhau sợ sệt. Nồi niêu, xoong chảo đổ tung tóe, cùng với gạo trắng, thực phẩm vươn vãi khắp nơi. Một mùi khai nồng, đến lợm giọng khi nơi đây chứa hơn trăm con người bị nhốt chung một chỗ, có lính canh.
Tuấn chợt hiểu! Thì ra, đây là những con người VN đang trốn chạy khỏi cái đất nước đã sinh ra mình, để tìm một cuộc sống khác, không có nhà tù, trại cải tạo, trả thù và đói khổ vừa thành hình sau chiến tranh.
Chỉ hai năm, người dân miền Nam đã nhìn ra chế độ tồi tệ này; không như miền Bắc, phải hằng trên hai chục năm họ mới nhìn ra! Vì sao? Tuấn nghĩ: người CS đã quáng mắt trước một miền Nam trù phú, giàu có, nên lòng tham dấy mạnh, mà quên đi chính sách “tầm thực” dần dần cai tri dân, như miền Bắc trước kia. Giờ đây, ở miền Nam, sau khi thống nhất đất nước, không còn kẽ thù để ứng phó, họ rãnh tay hơn, cướp công khai: vào – vê – vét – về… mặc nhân dân ta thán bị đánh đập, bắt bớ một cách tùy tiện.
Trước mặt lão thiếu tá, là cái nón cối lật ngữa, trong đó có những lượng vàng lá và đô-la Mỹ, gần như đầy ắp.Lão gằn giọng trước một ông trung niên, áo quần tả tơi.
- Những lượng vàng, do dân vượt biên nộp để đi, mày để chỗ mô, khai cho mau, tao tha!
- Thưa ông cán bộ. Con đã khai hết rồi ạ.
- Thằng này láo nhễ. Không có cãi mà nì! Trên trăm người vượt biên, mà chỉ có ngần này tiền và vàng nhễ. Chúng mày tưởng tao không biết bọn miền Nam giàu có đến mức nào nhễ?Tao đánh cho lòi hết vàng và đô la ra nhé. Bọn chúng mày, là lũ vô quốc gia, vô tổ quốc, vô gia đình, chỉ biết bám chân bọn đế quốc Mỹ, thằng sen đầm quốc tế. Chúng mày, là bọn ăn canh thừa cơm cặn, phản bội dân tộc, tổ quốc bỏ quê hương xứ sở. để đi theo chúng!
Lão tát người đàn ông, là chủ tàu – người tổ chức vượt biên, té chúi.
- Phản quốc nì. Phản quốc cầu vinh nì.Đồng chí Quang đâu? Tra tấn tụi này, cho lòi vàng ra nhễ!
Tên Quang to lớn dềnh dàng như con báo, sáng nay Tuấn từng gặp, bước ra từ một ngóc ngách nào đó, trong tòa nhà đổ nát. Gã nhìn người đàn ông, lớn tuổi, mà gã có thể gọi bằng cha ở ngoài đời, không chớp mắt, đe dọa.
- Đến giờ phút này, mà mày không khai ra hết à?Này nhé.Mỗi một đầu người, chúng mày lấy ít nhất là 2, 3 cây vàng. Sao có chừng ni? Nói tao nghe thử! – Gã đập đập cái nón cối xuống nền.
- Thưa cán bộ. Bọn con nghèo, chỉ gom tiền nhau, mua dầu mà đi, làm gì có vàng mà nộp nữa ạ!
- Thằng láo nì! Thằng láo nì! Mày còn chối hỉ? – Cái giọng Quảng Nam của gã vang lên the thé. Gã bắt đầu nổi điên.Gã rút đôi dép “lốp” dày cợm, vả tận lực vào mặt ông chủ tàu liên tục. Máu đổ ra, rồi từng chiếc răng rớt lộp cộp xuống nền cement. Người đàn ông, đổ cả người xuống nằm bất động trên vũng máu.Một ông khác bị kéo ra khỏi hàng, tra tấn tiếp.
- Bây giờ đến thằng ni! Tao đánh đến khi nào bọn mi phải khai ra, vàng giấu ở mô, hè.Mày liệu cái thần hồn hỉ. Muốn còn răng ăn cơm mô?
- Thưa cán bộ, con không biết gì. Con chỉ đi ké thôi ạ.
- Tao bất biết. Chúng mày cùng xuồng, đi chung nhau thì phải biết thằng chủ tàu nó giấu vàng ở mô.Khai không hỉ?
Người đàn ông, mắt thất thần nhìn tên Quang cầm đôi dép lốp cao su to cợm trong tay, run lập cập.
- Con thật không biết ạ.
“Bốp. Bốp!”
- Không biết nì. Không biết nì…
Gã Quang, quật đôi dép râu xối xả vào mặt người đàn ông đi vượt biên. Máu đổ và những cái răng rớt ra.
Tuấn nhắm mắt lại, không muốn nhìn cảnh đánh người vô cùng dã man của tên lính từng được gọi là lo cho dân và vì dân! Là một thiếu niên bước vào đời khi còn rất trẻ vì mồ côi cha, Tuấn chỉ khóc một lần khi rời bà Mẹ điên để đi ở đợ người thân.Từ đó, anh sống một cuộc đời gần như tự lập.Có khóc, anh khóc vào những đêm khuya cho số phận hẩm hiu của mình, trong một đất nước chiến tranh và tàn phá nhân phẩm con người.Anh nhìn cuộc đời này, như nhìn chính anh, nó tàn nhẫn dường nào; nhưng anh chưa hề khóc trước mặt mọi người. Anh chỉ khóc, khi nhìn những đứa trẻ lai Mỹ, lớn lên trong một trại mồ côi do chính quyền VNCH lập nên, bị CSVN pháo kích và tàn sát. Anh chỉ khóc, cho cái ngày Nha Trang, Diên Khánh của anh, rơi vào tay quân Bắc Việt; và bây giờ anh khóc cho thân phận bèo bọt của những thuyền nhân VN bị bắt trong cuộc vượt thoát, trốn ra khỏi một đất nước có Quỷ và Người sống chung nhau, cướp bốc nhau và hành hạ nhau!
- Ta là Quỷ hay là Người? – Tuấn tự hỏi chính anh!
Dĩ nhiên, giờ này Tuấn đang là một con Quỷ, khoác bộ cánh áo công an của… nhân dân! Nhưng anh biết, anh là… một con Quỷ biết khóc cho thân phận người.
Ôi thân phận con người VN sau hòa bình lập lại, sao mà não nề!
Người ta nhân danh một chính quyền do dân và vì dân, tra khảo tội nhân bằng những chiếc dép lốp, cắt ra từ bánh xe cao su, vả vào mặt người dân rụng từng chiếc răng, mà mặt tỉnh bơ đến lạnh lùng. Những cây vàng 999 đã làm mờ mắt tình đồng chủng máu đỏ, da vàng.
Hèn chi, cả ngày hôm nay khi nhập lên cái ốc đảo nhỏ bé này, Tuấn thấy cái không khí nó lạnh tanh mang mùi hôi hám. Đã bao nhiêu chuyến vượt biên bị bắt sau hai năm đất nước hòa bình?Chắc rất nhiều.Và lão thiếu tá trưởng đồn, đã cướp vàng của dân chừng ấy chưa đủ thấm lòng tham?Nhìn những người đàn bà và những đứa trẻ mắt hoang dại vì sợ, Tuấn nhói lòng lên.Anh không muốn nhìn sự dã man giữa người và người, còn thua loài thú vật, đành rút lui trong im lặng.
Quê hương, đất nước… ta đó, người ơi. Chỉ là một bọn người xảo ngôn, máu lạnh hơn loài quỷ dữ!!!
Anh quay người định đi về “láng”. Một bóng người, đứng trước mặt Tuấn sừng sững, làm anh rụng rời tâm can!

*
- Cậu ra đây làm gì? Chúng nó mà biết được, là khổ thân cho cậu đó, biết không! Chúng là lũ cướp biển tân thời, đang có mặt trên khắp địa đầu lãnh hải của đất nước ta đấy.
- Ôi, anh Thăng ơi. Anh làm tôi hết hồn.
- Suỵt, nói nho nhỏ thôi. Đi ra khỏi đây mau, chúng mà biết được…
Thăng kéo tay Tuấn đi nhanh về căn lầu. Cả hai chạy chập choạng, trên con đường đá nhấp nhô, bóng tối đang bắt đầu chụp xuống.Khi đến cái giếng con con của đồn, Thăng thở phào ngồi dựa vào vách giếng, nói.
- Sao cậu dại thế, thằng lính. Tò mò làm chi, khi vừa mới về cái đồn này.Tôi coi cậu như em, có gì thắc mắc gặp tôi mà hỏi, chứ đừng có đi quanh quẩn ở đây. Thằng Quang, là thằng tối nguy hiểm nhất trong cái đồn này. Mày nhớ nhé. – Thăng đổi giọng. Nó sẽ làm bất cứ cái gì, mà lão thiếu tá sai bảo. Nó là một thằng thiên lôi và là cánh tay phải đắc lực của lão trưởng đồn. Lão bảo gì nó cũng dám làm, như một thằng đầy tớ trung thành.
- Tại sao bọn chúng có quyền đánh người và ăn cướp đến tự tiện như vậy?
- Bởi, chúng là chúa đảo. Chúng ăn cướp từ địa phương, rồi chia chác lên đến trung ương, mà ít người biết, vì không nằm trong chăn, nên không biết có rận.
- Anh Thăng. Anh tin tôi đến dường nào mà nói những điều không nên nói, khi chúng mình chưa hiểu nhau nhiều?
- Trong ánh mắt mày. Thằng khờ ạ! Tao nghĩ, nếu mày còn ở lâu trong ngành công an này, rồi cũng có ngày bóc lịch mau thôi cậu nhóc ạ. Là công an vũ trang, mày phải biết giấu cái ánh mắt và lời nói của mình. Tao đây, đã hai năm lính, từ tháng tư 75, vì ông già là xã đội trưởng sau hòa bình. Tao cứ nghĩ, con cái đảng viên, là rường cột của đất nước nên tha hồ phát biểu, để đến nỗi sau khóa học hạ sĩ quan hàng hải ở Vũng Tàu, chúng “đì” tao ra cái đảo “khỉ ho cò gáy” chết tiệt này.
- Anh đi từ đầu tháng tư 75 à?
- Đúng. Ông già tao, bắt tao đi, để động viên đám thanh niên trong làng. Ban đầu tao cũng nghĩ: quê hương đất nước thanh bình rồi, thì làm thằng công an vũ trang canh giữ biển đảo cho tổ quốc là điều đương nhiên của một công dân yêu nước. Nhưng hai năm trong ngành công an, tao đã nhìn ra cái chính quyền này nó thối tha đến dường nào. Đây là chính quyền ăn cướp đúng nghĩa nhất! Mày thấy đó, mới hai năm mà dân chúng không thể sống dưới chế độ, xã hội này.Người ta phải tìm trong cái chết để sống, để thoát đi khỏi đất nước này. Đã biết bao con tàu bị bắt ở cái đồn công an Bình Ba này. Chiếc này mới bị bắt hôm qua, trên cả trăm mạng người già trẻ.Rồi mày sẽ thấy, chỉ vài ngày nữa họ như những thân tàn ma dại.Thằng Quang nó đánh đến khi nào khai ra vàng mới chịu thôi.Sau đó, trả về Cam Ranh nhốt.Chúng giữ vàng chia chác cho nhau.Thế là ỉm mọi đàng.Chỉ có bọn lính mình hẩm hiu giữ đảo cho chúng làm giàu trên xương máu nhân dân miền Nam.Với cái đà này, dân chúng ngày sẽ càng vượt biên nhiều hơn. Tao nói thiệt, tao cũng…
Thăng ngưng ngang.
- Sao anh Thăng?
- Thôi, không có gì. Đi ngủ sớm, tối còn trực ca đêm. Này Tuấn, nhớ đừng nói cho ai biết vụ này nghen.

*
Cuộc sống ở đảo thật quạnh quẻ, đìu hiu. Đây là một đảo đá nằm chơi vơi trong lòng vịnh Cam Ranh, trong hàng trăm đảo đá khác. Cũng may, đảo này có lập làng vì tương đối lớn với số cư dân trên dưới ngàn người, đa số sống về chài lưới. Buôn bán thì tuyệt không có gì cả, ngoài một cửa hàng mậu dịch mới lập ra sau này. Dân chúng trên đảo muốn mua thứ gì, đều phải vô thị xã Cam Ranh, có công an đi kèm kiểm soát.
Trong làng có một ngôi chùa cổ, có hai vị ni cô, một già, một trẻ trông nom nhang khói.
Khi Tuấn về đảo Bình Ba, ni cô trẻ đã hoàn tục trước đó không lâu, vì bị dò xét đến trắng trợn của gã Quang. Gã bảo, tôn giáo là thuốc phiện cần phải dẹp đi.Cứ cuối tuần, gã đi loanh hoanh quanh chùa, như cấm cửa các phật tử muốn đến cúng chùa.Riết dần, ngôi chùa lạnh lẽo khói hương. Chỉ cò đám công an vũ trang thường bám quanh chùa… dân vận vị ni cô già.
Một cuối tuần được nghỉ, Thăng kéo Tuấn vào làng, anh nói.
- Vào cho biết chỗ này!
Hai đứa đi loanh hoanh, dọc bờ biển rồi vào làng, đến trước ngôi chùa.Thăng chỏ miệng gọi.
- Bà ơi. Con, Thăng đây.
Vị ni cô già, ra mở cổng và trao gáo dừa đựng nước như thường lệ cho Thăng, nhìn Tuấn nhỏ nhẹ, hỏi.
- Con là lính mới à?
- Thưa, Sư bà, vâng ạ!
- Mô phật. Đừng gọi tôi là Sư bà nữa.Hãy gọi tôi là bà Năm giữ chùa.
- Sao vậy ạ?
- Đó là ý muốn của ông trưởng đồn. Còn Thăng, con ra làm sao rồi? À, hai con ăn gì chưa? Bà có cặp bánh tráng nướng, để trong kệ với đòn bánh tét chay.Để bà lấy nhé.
Thăng bước vào chùa, nằm trên chiếc võng đong đưa, một cách tự nhiên. Anh nói.
- Bà ạ. Tuần tới, con về Nha Trang công tác, bà gửi mua gì không ạ?
- Cũng như lần trước. Con mua cho bà hương, ít bánh trái để bà cúng chùa nhé.
Vị Sư già cầm đòn bánh tét, hai cái bánh tráng nướng, đã nhúng nước cùng chén tương bằm ớt đặt xuống võng, cười móm mém.
Tuấn ngạc nhiên, nhìn vị Sư già và Thăng đối đáp, như tình mẹ con. Anh không tin ở con mắt mình! Một tên hạ sĩ quan cộng sản như Thăng, lại ăn nói điềm đạm với vị sư già như anh chưa từng thấy ở xã hội này trong hai năm qua. Lý do gì, Thăng dẫn Tuấn vào đây như một tình cờ có chủ kiến?
Một thắc mắc lớn trong anh!

*

Chương 23

Buổi trưa, trời đứng gió.
Tuấn ngồi trên lan can hành lang, nhìn những ngọn trúc đào, cánh lá nhỏ như lá tre và dày, đang trổ hoa đỏ chóe. Một màu đỏ đang khoe màu trên ốc đảo chơi vơi trong lòng vịnh Cam Ranh, thật ảm đạm làm sao! Nắng vàng rựng, tỏa ra sức nóng, làm không một người lính nào có thể ngủ được giữa buổi trưa hè gần cuối tháng tư. Bọn lính cởi trần trùng trục, phân chia hai nhóm Nam, Bắc ngồi đấu láo và đánh cờ cho qua buổi trưa hanh nóng. Ở nơi hoang vắng này, công an vũ trang không có việc gì để làm. Tăng gia sản xuất cũng không được, vì đây là một đảo đá, không có đất đai trồng trọt. Họ chỉ ăn bám vào dân và dựa dân để sống, bằng cách thu thuế những mùa đi biển của làng chài.
Chỉ có ban đêm là công an bắt đầu làm việc. Họ chia nhau tỏa ra đi khắp làng Bình Ba, rình rập cuộc sống về đêm của người dân.Trong tâm thức của người CSVN, không dường như, mà, chắc chắn, người dân là một cái gì đó, họ không bao giờ tin tưởng. Người CS thường rêu rao: Quân với dân như cá với nước! Đó là một điều bố láo vô cùng trầm trọng! Cũng như, họ thường nói: Mọi tài sản, đất đai là của nhân dân, nhưng do nhà nước quản lý và đảng lảnh đạo, quyết định. Về đêm, họ trở thành những con cú đi lang thang, nhỏng nhảnh hai tên một nhóm xộc khắp xóm làng, ném đôi mắt cú vọ vào tận ngóc ngách đời sống riêng tư của người dân. Họ xét soi, nghe lén từng hành động lời nói để báo cáo lên cấp trên lập công trạng. Họ tương phản những gì mà hàng ngày người dân thường thấy họ vào làng dân vận, dân trí, làm quen thật thân thương. Họ gọi những người đàn bà lớn tuổi bằng Mẹ một cách ngọt ngào trơn tru. Như trong làng Bình Ba này, có gia đình bà Bảy Hòa là một ngư dân có của ăn của để, giàu nhất làng. Bà là tâm điểm, mà lão thiếu tá trưởng đồn luôn để mắt tới. Lão thường cảnh báo bọn lính.
- Vợ chồng con mụ Bảy Hòa là tư sản đấy nhá các đồng chí. Con mụ này, trước sau gì cũng chạy theo liếm đít bọn sen đầm đế quốc Mỹ ăn bơ thừa. Các đồng chí hãy luôn cảnh giác và đề phòng con mụ này thật chặt chẽ nhễ. Mụ có tàu lớn, thế nào cũng vượt biên mà thôi.Các đồng chí nì, phải bám chặt mụ.
Gã trung sĩ Quang là kẻ sốt sắng nhất trong vấn đề này.Đêm nào, gã cũng đi mấy vòng, quanh nhà bà Bảy Hòa rình rập, nghe lén, thì đêm ấy gã ngủ mới yên giấc. Thậm chí, gã mang mùng mền, súng đạn xuống một trong hai chiếc tàu của công an vũ trang, neo ở cầu tàu ngủ hàng đêm để tiện theo dõi. Nhưng ngày lên, khi gặp bà Bảy Hòa trong làng, hoặc ngoài cầu tàu, gã gọi Mẹ Bảy ngọt sớt! Lính chả ai ưa thói nịnh bợ của gã, nhưng gờm gã ra mặt…
Tiếng máy tàu nổ “xình xịch” đang dần cập cái bến cảng sâu hun hút ngoài kia không xa lắm hơn trăm thước. Gã Quang cùng đi vào với anh lính.Tiếng kẻng báo động chợt đánh lên từng hồi một. Đây là báo hiệu tập trung cả đồn công an. Nếu là kẻng dồn dập, công an phải trình diện với đấy đủ súng ống quân trang, chỉnh tề.
Tuấn vào hàng, sau khi khoát vội áo quần.
- Ô, kìa. Thằng tân binh Hưng, từ đâu chui ra, sau hai tuần vắng mặt, nay đi cùng gã Quang? – Tuấn nhìn Hưng thắc mắc. Anh giơ tay chào Hưng, cười. Hưng tháo cái ba lô con cóc, ném cho Tuấn rồi đứng im nhìn ông thiếu tá trưởng đồn. Lại không chào theo quân kỷ như mọi loại quân đội trên thế giới. Cả hai lỏ đôi mắt ra nhìn nhau.
- Nghiêm! Đồng chí tên chi?
- Báo cáo đồng chí trưởng đồn, tôi, Trần Hưng trình diện ạ!
- Đồng chí không phải trình diện, mà, đồng chí bị bắt về tội đào ngũ hơn hai tuần! Tôi đã cử đồng chí Quang về xã nhà đồng chí, bắt đồng chívề đồn.Nhớ nhé.
- Báo cáo đồng chí trưởng đồn. Tôi có được thưởng hai tuần, sau sáu tháng quân trường học tập, như những gì ông đại đội trưởng đồn 301 hứa, nếu tôi là một tân binh xuất sắc trong suốt khóa học sáu tháng. Tôi đã đạt tiêu chuẩn ấy, nhưng khi khóa học kết thúc, ông đại đội trưởng làm như… không nhớ mà lờ đi. Vì thế… tôi tự được thưởng phép ạ!
- Không có cãi mà nì! Đồng chí đi phép vô nguyên tắc như thế, mà còn cãi chầy nhễ!
- Báo cáo đồng chí! Quân lệnh đã nói ra, trước cả 300 tân binh đồng chí, lại là đùa sao ạ?
- Không có cãi mà nì!!! Nhốt đồng chí Hưng vào “cô-nét” đồng, cho tôi.
“Cô-nétttt…”
Lão thiếu tá gào to đến đỏ mặt. Gã Quang, chỉa ngang hông Hưng cây P.38 dẫn ra cái container gần mé giếng, mở cửa bằng sợi dây kẽm to, đẩy Hưng vào.
- Tôi phản đối! – Hưng gào to. Gã Quang đóng mạnh cánh cửa container bằng sắt, nghe một cái “rầm”, rồi móc sợi dây kẽm, khóa lại.Hưng đá cánh cửa ầm ầm.Lão thiếu tá nói.
- Nhốt hắn 48 giờ cho tôi mà nì! Không cho ăn, uống gì cả.Quân lịnh.Nghe chửa?!
Trời nóng bức, đến oi ả. Tuấn nghĩ đến cái lò bánh mì, thầm lo lo cho Hưng.
Thì ra câu chuyện là thế! Ngày còn học trong quân trường, bộ chỉ huy đại đội có ra thông cáo: Trong suốt 6 tháng quân trường, tân binh nào học giỏi về võ thuật và bắn giỏi nhất đại đội, sẽ được thưởng hai tuần phép trước khi về nơi công tác mới. Trong quân trường, Hưng có tiếng giỏi võ, hắn đánh ngã và thắng tất cả mọi tân binh. Ngày thi bắn hai loại súng AK. 47, và CKC, sáu viên đạn của Hưng đều ghim điểm hồng tâm của bảng bắn ở cự ly 150 mét. Đến ngày ra trường, không nghe thông báo gì ở ban chỉ huy đại đội, khen thưởng; Hưng đã tự động… thưởng mình bằng cách đi phép hai tuần trước khi về nhận nhiệm sở mới.
Cu cậu cũng liều và lỳ thật! – Tuấn nghĩ.

*
Trong quân trường, Tuấn và Hưng có nhiều kỷ niệm của thời tân binh.Tuấn ở A.6, Hưng ở A.7. Hai A lại cùng ở chung một “láng”, vì thế những ca trực về đêm, cả hai A cùng cử tân binh cùng nhau trực. Tuấn thường trực cùng Hưng rất nhiều lần, nên dần thân nhau đến tin tưởng. Tuấn nhớ, có một đêm trực khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng, hai đứa đói quá, vì thiếu ăn triền miên của tuổi đang lớn. Hưng ôm cái bụng đang sôi ọt ẹt, nhăn mặt rên.
- Đói quá, Tuấn ơi. Có gì ăn không mày?
- Có!
- Đâu nào?
Tuấn chỉ đám rau xanh, ngang hông đồn, (đại đội bắt lính trồng bất cứ thứ cây cỏ gì có thể ăn chống đói, trồng quanh khung huấn luyện, cũng như cả miền Nam này, cuốc đất trước sân nhà trồng khoai lang, mì và nuôi heo, gà… trong nhà) nói.
- Cứt của tui nè. Ông ăn hông?
- Đ.M. thằng xỏ lá!
- Tại ông không chịu ăn thôi, chứ cả 300 thằng tân binh trong quân trường này ngày nào, không ăn cứt… của chính mình, ông nhỉ. Này nhé, mảnh đất trồng rau sau các láng, quanh đồn… ngày nào mà tân binh chẳng múc cứt của chính mình tưới lên rau cải, để cải thiện thức ăn hàng ngày. Nếu có cứt, mà ăn được tui cũng ăn, chứ chẳng từ!
- Mà quả thật, bây giờ nhớ lại, tui vẫn còn rùng mình. Những cây cải, trái cà, củ khoai… được tưới lên bằng phân người còn hừng hực nóng hổi khi vừa phóng uế! Chế độ ưu việt, nướng trên cả triệu thanh niên miền Bắc, suốt dãy Trường Sơn; bây giờ đói nghèo đến thê thảm, miếng ăn không có, phải trộn với cứt mà ăn và nợ đầy đầu! Cái nợ to đùng này, ai phải trả đây, mày nhỉ?Mẹ kiếp nó.Tao, mày, nhân dân cả hai miền đất nước, biết trả đến bao giờ mới xong?
- Mẹ kiếp, thuộc bài dữ há. Nè. Có cái này ông dám ăn không? – Tuấn hỏi nhỏ.
- Đừng đùa nha. Tao cho một báng A.K vào bụng thật đấy!
- Hồi chiều, tui thấy dưới nhà hậu cần, có nhốt mấy con gà nhỏ bằng nắm tay trong lồng tre. Tui nghĩ, mấy thằng “anh Nuôi” nuôi gà, để “cải thiện” đời sống. Dám bắt ăn không?
- Hừm… Tụi nó cũng như tụi mình! Đói cũng phải “cải thiện” chứ!
- Mẹ. Bọn “anh Nuôi” này, cũng biết ém tiền lính khi đi chợ chớ.
- Ừ nhỉ!
- Vậy thịt nhé!
- Ừ, thịt!
- Dám không?
- Hừ. Hỏi ngu. Đói bỏ mẹ. Sao không dám!
Tuấn đi về phía hồ bơi tập thể, móc một dúm bùn thật to, đưa cho Hưng.
- Mẹ. Ăn bùn à? Đừng đùa nữa Tuấn.
- Ông canh gác cho kỷ. Tôi đi bắt gà đây. Có gì báo động cho biết!
- Bằng cách nào?
- Mẹ. Chỉ được cái to con, mạnh bạo hơn người. Ho, hay khạc nhổ cho to lên là báo động đó cha!
- Ờ, hén… mày thông minh.
- Ăn cứt riết rồi mới nghĩ đến ngu sách chôm chỉa này đó cha nội. Tui cũng đói lắm rùi.
Tuấn vòng qua bể bơi tập thể, len lén nhập vào khu hậu cần, nơi nấu ăn tập thể cho lính. Nơi đây, lúc nào cái bếp Hoàng Cầm cũng luôn giữ lửa. Tuấn nâng hai con gà bé tẻo, bẻ quặt cổ ra sau, im lìm rút về bót gác. Anh lấy bùn, trét hai con gà bé tí, chạy trở lại nhà bếp, vùi hai cục đất vào lửa đỏ.
Đêm ấy, cả hai có một bữa ăn chống đói. Mặc hậu quả ngày hôm sao, ai lãnh trách nhiệm.
Đói quá chính quyền ơi!!!

*
Một đêm, vào khoảng hai giờ sáng, đang gác, Hưng nói.
- Đêm nào cũng gác như thế này, tao hổng an tâm chút nào.
- Sao vậy?
- Tao nghe phong phanh, ngoài Vạn Giã, gần nơi tao ở, có ông thiếu tá ngụy bị bắt cùng gần chục ông khác, vì nổi dậy chống chính quyền cách mạng, bị bắt và bị xử tử hôm tao về phép ở Dốc Ké gần Đại Lãnh. Mẹ, tụi mình gác vào ban đêm, mà súng thì mấy ông ở bộ chỉ huy không phát cho một viên đạn, thì làm sao chống quân thù, nếu họ tấn công ta ở đây. Cầm cây AK.47 như cầm khúc cũi, không hơn kém.
- Tui cũng nghĩ hoài về vấn đề này, nhưng biết giải quyết làm sao?
- Chả lẽ, cứ cầm khúc củi mà dọa dân sao? Tao nghĩ, mấy thằng Bắc kỳ, chắc chưa tin tụi miền Nam chúng mình lắm đâu, mày ạ. Có lính nào gác về đêm để bảo vệ đồng đội mình đang ngủ, mà súng lại không có đạn! Chế độ gì kỳ vậy! Mạng chúng mình chắc mạng… chó à?
- Cũng đành chịu thua số mạng thôi, ông ạ.
- Không được. Tao không chịu thua đâu.Tao có cách rồi.
- Sao?
- Phải đi tìm đạn phòng thân mày ạ.
- Ở đâu mà có?
- Tụi Bò vàng, gác ở mấy cái bót nhỏ quanh thành phố Nha Trang.
- Ý, không được đâu! Tụi nó có súng và có đạn thật. Mình cũng có súng mà không có đạn, làm sao cướp được?
- Nó có súng và mình cũng có súng, phải không?
- Ờ, ờ… nhưng…
- Nhưng cái gì… Tụi nó làm sao biết mình có súng nhưng không có đạn!
- Ờ nhỉ.
Bọn tân binh, dù có nhiều thành phần lý lịch khác nhau: con ông cháu cha, gia đình liệt sĩ cách mạng, hoặc lý lịch trong sạch ba đời… cũng gờm nhau; đấu trí, phê bình nhau để tiến thân… nhưng an toàn mạng sống cho những đêm về sáng canh gác mà súng không được phát đạn để tự bảo vệ mình là điều vô lý. Vì thế, họ thông đồng cho nhau, chia nhau gác và canh chừng nhau, cho đồng đội đi cướp đạn để tự bảo vệ mình.
Một hôm, Hưng rủ Tuấn đi tìm đạn quanh thành phố Nha Trang. Hai giờ sáng hôm đó, hai đứa đi từ quân trường, bọc qua đường Hai Chùa, đi thẳng xuống đường Độc Lập sát mé biển (nay đổi tên Trần Phú), nơi trước kia có những snack bar sầm uất buôn bán, giờ vắng teo như chùa bà đanh. Hai thằng vác hai “khúc củi” trên vai đi nháo nhác, dọc con lộ biển, mắt lấm léc.
- Mẹ. Trời về khuya không một bóng người, thì làm gì có công an? – Tuấn rên lên.
- Có!
- Chỗ nào? – Tuấn háo hức.
- Tao và mày. He he…
Tuấn định thúc báng súng vào hông Hưng, nhưng chợt thấy một cái bóng người núp lun lúp trong một bụi dương, nhìn ra phía bờ biển. Anh dí đầu súng vào hông Hưng, đưa mắt ra hiệu. Cả hai, dừng lại vừa nôn nao lẫn hồi hộp.
- Thằng cha này làm gì, lấp ló nữa đêm về sáng ở đây nhỉ? – Tuấn nói và nhìn xuống hướng biển, thấy ba bốn người, đang núp sau những đụn cát nhân tạo. Anh nói.
- Thằng cha này định vượt biên đó Hưng.
Hưng ra dấu cùng Tuấn đi đến bụi dương.Khi chỉ còn cách hơn thước, Hưng ra lệnh.
- Lên đạn, đồng chí. Coi chừng quân địch!
“Xoạch”. – Tuấn kéo cơ bẩm cây AK.
Gã đàn ông giật mình xoay người lại, lắp bắp.
- Chào hai đồng chí. Tôi đang theo dõi đám người vượt biên.
- Đứng yên.Đứng yên, không nói… kẻo tôi bắn. Giọng Tuấn run run. Hưng kéo cái cầu vai áo công an, có cái ngôi sao, chức vụ binh D của Tuấn, nói.
- Không nên đứng gần địch, đồng chí. Này anh kia, làm gì ở đây trong đêm khuya thế này?
- Hai đồng chí là ai, ở đơn vị nào, mà lại đi tuần ở đây không báo trước? Tôi là thiếu úy công an nhân dân, đang theo dỏi đám vượt biên dưới kia…
Gã thiếu úy công an mặc cái poncho che mưa đen thùi lùi, vén áo lộ ra khẩu AK bá xếp đeo xệ bên hông và cây P.38 trước ngực,như báo cáo lý lịch của mình.
- Tui đéo biết, anh là công an hay không. Tui chỉ biết, công an không đi một mình khi đi trinh sát, hoặc bắt vượt biên! Cho coi giấy tờ!
Gã thiếu úy công an, rút cái thẻ ra trình. Dưới những ngọn đèn lù mù, Tuấn nhìn thấy một tấm ảnh mờ, có cái hình ngôi sao của bộ công an chính giữa thẻ. Anh nói nhỏ vào tai Hưng.
- Thứ thiệt đó ông!
- Tịch thu hai cây súng cho tôi, đồng chí. Anh kia, nhúc nhích, tôi bắn!
- Nhưng tôi đang quá trình công tác cơ mà!
- Anh công tác, định “ăn mãnh” một mình à?
Tuấn lấy hai cây súng, sau lời hăm dọa.
- Nhúc nhích, tao bắn!
Cả hai đi nhanh như chạy về quân trường.Chạy một khoảng, gần tới quân trường, Hưng đứng lại thở phào nói.
- Mẹ. Sao mày ngu vậy, Tuấn? Súng không có đạn, mà mày dí sát cái nòng súng vào ngực nó, lỡ nó giật lại bắn vào tụi mình sao đỡ nổi!?
- Ông cũng ngu không kém gì tôi! Ông từng nói: trong súng có đạn hay không, làm sao chúng nó biết được?!
Quả thật, tuổi trẻ có nhiều cái ngu mà họ không thể hiểu nổi khi chưa… già!

(Còn tiếp)

© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats