Monday 17 December 2012

HẠT ƯƠM HƯ [9/9] - (truyện dài Vũ Đình Kh.)







Chương 24

Buổi sáng, sau khi gặm mấy cái đầu cá luộc chấm với muối mặn chát, Tuấn dắt năm con bò vào sâu trong những lùm cây trên đảo đá có cỏ mọc lưa thưa nơi đầu làng Bình Ba, cho chúng kiếm cỏ ăn.
Khi xưa, không biết người Pháp đến Bình Ba trước dân làng chài hay sau, mà chọn nơi trú đóng cho quân đội Hải quân đầu dãy đảo chỉ toàn là đá.Những người lính Hải quân VNCH kế tiếp trú đóng, đã đào những tảng đá lên, gieo trồng một vài thứ hoa và cây cối nay đã trở thành những cây cổ thụ.Những loại cây không tên và không trái tỏa mát cả khoảng trời gần cái cảng sâu hun hút; nơi ấy, hàng đêm những con cú có bộ lông xù và đôi mắt to, trú ngụ kêu rúc đến ai oán.
Những bụi bông giấy đỏ vàng, những cánh hoa trúc đào đỏ biếc cũng làm không gian trên ốc đảo bớt khô khan.Cuộc sống của những người lính nơi biên đảo xa xôi, cách xa phố thị cũng vơi đi phần nào nổi cô đơn trống vắng, khi nhìn những đóa hoa nở rực vào những tháng hè. Còn những mùa đông u ám trôi qua như thế nào, Tuấn chưa hình dung nổi khi anh chưa kinh qua trên cái đảo vắng vẻ và quạnh hiu này.
Dân làng chài Bình Ba cũng sinh hoạt về đêm như những công an biên phòng. Đêm đêm, những chiếc xuồng con con, những cái thúng chai tròn tròn trôi dật dề trên sóng nước câu mực và đánh bắt những loại hải sản nhỏ trong lòng vịnh Cam Ranh. Những chiếc tàu lớn đi ra biển xa ngoài trùng khơi dậy sóng, bị kiểm soát gắt gao khi ra khơi, bằng những công an biên phòng được gửi kèm đi theo kiểm soát…
Tuấn thả những con bò cho chúng tự tìm cỏ ăn như thường lệ. Nhìn những chú bò ốm đói trơ mảnh xương sườn, anh cảm khái cho kiếp súc vật. Giữa con người và con vật, trong một chế độ đang tự hủy hoại, bằng một chính sách tự cô lập để sinh tồn, chung quanh một thế giới đang mở dần lớn ra theo nhịp độ ánh sáng văn minh. Họ đang giương cao ngọn cờ cách mạng bách chiến bách thắng vẫn còn âm vang của thời đánh Pháp và Mỹ, sao thật thảm thương!
Cái ăn cho con người và con vật, sau chiến tranh là một bài toán nan giải cho một chính sách không cởi mở và ép dân đến đường cùng. Hay đó là một chính sách đang được thực thi theo chủ trương của người CS?
Nhiều người đã cho rằng như vậy.
Con người khi đói, thì sự phản kháng sẽ kém phần mãnh liệt, vì chỉ nghĩ đến cái ăn, sao cho no bụng, từng ngày nối tiếp nhau. Khi sự chịu đựng không còn nữa, người người chỉ nghĩ đến con đường vượt thoát ra khỏi một đất nước đã sinh ra mình. Đến cái cột đèn vô tri, vô giác còn muốn ra đi, huống chi con người! Người ta đồn thế.
Trăm, ngàn năm sau, miệng bia để lại vẫn là sự não nề thê lương cho một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến…
Ngoài xa kia đường ranh lãnh hải của biển, có là: “bên kia biên giới… là nhà”, mà sao nó hấp dẫn đến đổi, mọi con dân Việt Nam sẵn sàng đem cái mạng của họ ra thử thách với trùng khơi? Người ta vẫn đi, ùn ùn đi… dù hằng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn những xác chết trôi dạt trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của họ, mà Tuấn đã từng chứng kiến và ghê tởm nơi lòng vịnh Cam Ranh sâu ghê gớm này.
Những thây người mặt mũi, tay chân loang lỗ, vữa ra vì bị cá rỉa, không cho anh cơ hội nhìn, để xác định đâu là thằng Chổng, hoặc giữa đàn ông và đàn bà khi chết đuối, như anh từng biết khi còn ở Diên Khánh thời chiến tranh.
Phóng tầm nhìn ra đại dương xa tít, mù thẳm một màu xanh đen của sóng nước, Tuấn cảm nhận, giá trị của con người sao nhỏ nhoi đến thảm hại với đất trời và đại dương bao la. Tại sao, con người lạnh lùng và tàn bạo đến hợm hỉnh chừng ấy, khi đã nhìn thấy Trời, Biển đã ngàn năm kinh qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử hưng vong, qua nhiều triều đại thịnh suy, để lấy đó làm bài học trị quốc.
Tuấn đi lên một mỏm đá khô và nóng. Anh dựng súng trên vách đá, ngồi xuống nhìn ra đại dương xanh đen, mù khơi và vĩ đại không có dấu chấm của điểm chân trời. Nơi đó là đâu.Bốn phương tám hướng như trong kinh nhà Phật dạy?
Biển sâu lắm. Nó rộng lớn vô cùng tận. Nhưng lòng dạ (nhỏ bé) của con người cũng sâu không kém gì biển. – Nó mênh mông, vô thủy, vô biên… không thể đo, đếm, dù nhỏ hơn biển.
Tuấn ngồi xuống trên mỏm đá xù xì. Anh khoan thai xếp hai chân bắt chéo nhau kiểu kiết bán già, hai tay đặt lên hai bắp vế chân. Anh nhìn về phía chân trời của biển, nơi đó, ánh hồng quang đã bắt đầu lên từ từ, rừng rực đỏ, như một cái thúng nhỏ, rồi dần dần lớn. Một vòng tròn lan dần, lan dần màu đỏ óng ánh trôi lênh đênh trên sóng nước dập dềnh.
Tuấn hít thật sâu không khí thấm đẫm tươi mát của biển, vừa bừng mở của một buổi sáng nơi ốc đảo xa xôi, vào buồng phổi, đưa xuống tích tụ nơi đơn điền. Tuấn hít, thở… bằng những động tác đối nghịch thường hằng của con người.
Bụng anh phình to ra khi hít không khí vào. Anh giữ không khí thanh thoát, tươi mát của buổi sáng ấy, nơi đơn điền trong vài giây, như thưởng thức một món ăn ngon thú vị…
Và, Tuấn từ từ thở ra. Bụng anh thóp vô thật sâu, đẫy trượt điển lên, qua hai lỗ mũi, đưa thanh điển tung lên não bộ, và giữ lại nơi đó. Anh đưa hai ngón tay cái, bịt chặt hai lỗ tai, hai ngón tay trỏ bấm vào hai sợi gân trên hai màng tang và thở ra hít vào thật sâu. Cứ thế, Tuấn ngồi sâu cả giờ, như đã… một mình trên ốc đảo, mỗi sáng sớm, khi dẫn năm con bò cho chúng kiếm cỏ ăn, từ khi về trú đóng làm kiếp lính thú nơi cái đồn hoang vắng này.
Ôi, một lắng dịu tinh thần! Anh làm một vài động tác của thiền mà khi còn trẻ anh chẳng bao giờ tin, vì lý trí chưa đủ khôn để hiểu về đời và đạo. Cũng có thể, khi chưa cùng mạt tận, nó chưa hẳn là niềm tin!
Mọi thứ đều tịnh lắng đến trong sáng.
Cỏi ta bà ngũ trượt trong anh, dần dần biến mất, ở đó là sự thanh thản của tâm hồn, không còn những ý niệm tranh chấp và hận thù.
Có thật không, khi dòng sống với những tranh chấp cuồn cuộn trôi như thác đổ, cuốn lấp mọi thứ, như rác rưởi cuộc đời, một nơi mà quyền con người bị đánh mất bởi một chủ nghĩa ngoại lai?
Tuấn nhớ lại tất cả…

*

Buổi trưa hôm sau – ngày, Hưng bị bắt về đồn, sau hai tuần phép vô kỷ luật, như ông thiếu tá trưởng đồn thông báo. Tuấn đang lom khom dắt đàn bò xuống những ghềnh đá cao giữa đảo, thì nghe một loạt súng chát chúa vang lên. Tuấn bỏ đàn bò, ôm súng chạy nhanh về đồn.
Dưới sân cement to lớn của căn lầu, tân binh Hưng ôm cây trung liên RPD, bắn liên tục mấy phát nữa. Hắn gào to:
- Đồng chí thiếu tá trưởng đồn đâu, hả hả, ra… trình diện! Không, tôi bắn chết mẹ đồng chí và cả cái đồn chết tiệt này. Ra, ra đây…
Bọn lính đứng im thin thít sau cánh cửa, dõi mắt nhìn phòng ông thiếu tá đóng chặt, chờ đợi.
- Thằng Hưng điên thật rồi! – Tuấn nghĩ thế. Anh biết, tánh khí Hưng từ khi còn ở quân trường.
- Đ.m… Tôi đếm đến ba tiếng, mà không mở cửa, tôi vào đấy nhé, thiếu tá!
- Một… hai…
Cánh cửa đôi bung ra. Gã Quang, đi ra trước với cây P.38 đeo bên hông.
- Mày bỏ súng xuống. Không, tao bắn! – Hưng ghì cây RPD vào bụng ra lệnh.
Gã Quang riu ríu bỏ cây P.38 xuống bực thềm. Sau gã, là ông thiếu tá trưởng đồn, bước ra mặt tái mét.
Giọng lão run run.
- Từ từ, đồng chí nì. Có gì chúng ta bàn thảo lại, đâu lại hoàn đó.
- Từ từ… cái con buồi! Ông là lính, tôi cũng là lính.Ông là người, tôi cũng là người.Là người, ông cũng biết thấm khi đói no. Tôi cũng vậy! Tôi và ông cùng có tiêu chuẩn mức độ ăn uống, do nhà nước cấp phát khi thi hành phận sự người lính. Tại sao, ông bỏ đói tôi?
- Ôi giời! Cậu đang bị án phạt, mà lại đòi hưởng quy chế nhà nước à?
- Điều lệ đâu, cho tôi coi! Mẹ, ông nên biết, tôi đã từng thấy nhiều tân binh bị giam vì kỷ luật khi còn ở quân trường, họ vẫn có tiêu chuẩn ăn. Tôi nói cho ông biết: thằng lính miền Nam, nó khác thằng lính ở miền Bắc đấy nhá. Nó dám làm và dám chịu, khi chính bản thân nó tự thấy mình không sai. Không như, những thằng lính Bắc, chỉ hùa theo đám đông, vì bị nhồi sọ quá lâu. Hơn nữa, tôi cũng nói cho ông biết: những thằng lính bị đì ra cái ốc đảo này, coi như đời đi đoong như ông thôi. Phải không?Đây là đảo kỷ luật đám lính bất tuân sự lệnh của quân đội mới bị đì ra đây.Ở đây, thằng nào… lỳ, thằng đó làm cha, làm chúa đảo.Tôi biết, ông hiện là chúa đảo. Ông thu tóm mọi nguồn khai thác thủy sản để thủ lợi riêng cho phe cánh. Bọn miền Bắc các ông, coi bọn lính miền Nam chúng tôi, như một thứ tôi tớ để phục vụ các ông. Ông cho bọn lính trên đảo này, ăn những gì… ông nghĩ tôi không biết, vì mới về à?
- Đồng chí bớt nóng mà nì!
- Nóng, nóng… cái đầu buồi! Lương lính bốn đồng một tháng, chưa đủ ê chề hay sao, mà ông còn ăn trên xương máu chúng tôi. Ông trả một ngày ăn cho tôi không, hả hả… – Hưng dí cây trung liên vào ngực lão trưởng đồn. Gã Quang định che người bảo vệ ông thiếu tá, Hưng thúc cái đầu ruồi của súng vào bụng gã.
- Mày có tin tao bắn mày không, Quang? Tao đã nhịn mày trên đoạn đường hơn trăm cây số về đây rồi nhé. Lui ra, thằng chó!
Chưa bao giờ, Tuấn thấy Hưng liều mạng đến mức độ này.Anh, Hưng và thằng sinh viên từng bị kỷ luật nhiều lần, nhưng chưa bao giờ Tuấn thấy Hưng giận dữ đến liều lĩnh như thế. Đây là thế một mất một còn với Hưng.
Làm sao Hưng biết rõ mọi sinh hoạt trên đảo đá khi về đây mới hơn một ngày? Và ai, đã mở cái cọng dây kẽm cứng cáp bên ngoài “container”, để Hưng thoát ra?
- Ai???
Đó là một dấu hỏi cho cả Tuấn, lão thiếu tá và đám lính bị kỷ luật bị đì ra đảo! Mọi người nhìn nhau đặt dấu hỏi.Bọn lính miền Nam, nhìn nhau hả hê.Lão thiếu tá bảo nhỏ.
- Thôi, đồng chí vào đây. Tôi xin kiểm điểm sai sót. Chúng ta bàn lại chuyện nhẻ!
Hưng lưỡng lự giây lát, rồi bước vào phòng bộ chỉ huy. Nữa giờ sau, hắn đi ra bình thản như chưa hề xẩy ra chuyện gì!
Sau đó, Hưng được phân công về đội tàu tuần duyên, chuyên kiểm soát trên biển để bắt những đám người vượt biên. Một công tác, chẳng một anh công an miền Nam nào được vinh dự đi cùng thủ trưởng!

*

Buổi sáng chúa nhật được nghỉ, Tuấn thả vội những con bò cho chúng đi ăn cỏ. Anh trở vội về đồn đi loanh quanh dọc bờ cầu cảng.Đã ba tuần trôi qua, khi anh đặt chân đến ốc đảo này. Điều Tuấn chú ý nhất, là hai con tàu khá lớn của đồn công an đậu nơi bến cảng. Nhiệm vụ của Tuấn trực thuộc bộ hậu cần, nên anh chưa có cơ hội bước xuống con tàu từ khi về đồn.Tuấn ao ước được bước lên chiếc tàu lần nữa, (sau từ lần đầu tiên được chở về đây). Anh mong ước, khát khao đến nóng chảy cả tâm can sẽ được cầm bánh lái của con tàu, cho một ngày nào đó, trên một hải trình xa xôi. Tuấn bước xuống bến tàu, nhìn những người đàn bà và đám con nít đang ngồi câu mực vào buổi sáng sớm. Anh chăm chú nhìn và thấy là lạ. Lần đầu trong đời, anh thấy một lối câu ngược ngạo! Móc câu không mồi, bốn cái ngạnh sắt cạnh cong cong, được nhử nhử sau đuôi con mực. Những thằng bé, lấy cái dầm bơi đập phía trước những cái vòi đang tua tủa của mực, chúng bơi ngược về sau bằng bộ vi mềm mại. Những con mực phun ra một thứ nước màu mực đen như hăm dọa “đối phương”. Thế là chúng mắc bẫy, bị móc dính vào lưỡi câu nhiều ngạnh. Thì ra loài mực bơi ngược, không như những loài sinh sống dưới biển cả!
Tuấn đang ngạc nhiên, thích thú thì nghe tiếng gọi.
- Tuấn ơi! Lên đây mình nhờ chút. – Thăng đứng sau tay lái của chiếc tàu hai “lốc” đại, đang nổ máy vẫy tay gọi.
Tuấn lần bước, lập cập níu thành tàu leo lên. Thăng nói.
- Hôm nay, chúa nhật nghỉ. Mày đi với tao về Nha Trang chơi?
- Tôi có được quyền đi à?
- Dĩ nhiên. Chúa nhật được nghỉ mà. Nhưng tao, đang đi công tác đây, có bồi dưỡng. Nếu cu cậu thích, về nhốt mấy con bò rồi ta đi.

*

Lần đầu tiên trong đời, Tuấn được cầm bánh lái con tàu, vượt trùng khơi dậy sóng, sau mươi phút Thăng dạy anh cách điều khiển con tàu. Và cũng là lần đầu tiên, Tuấn biết thế nào là bán đảo Cam Ranh, nó to lớn và quan trọng đến dường nào trong thời chiến tranh leo thang Nam Bắc, qua người Mỹ trú đóng. Vị thế của vịnh Cam Ranh quan trọng không những rất sâu, mà nó chỉ có một con đường độc nhất vào lòng vịnh, với hai bên là những những ốc đảo rãi rác chăng kín lối vào, tạo thành một cái Cổng để tàu bè đi vào. Như một cái cổng (hoặc cửa) dĩ nhiên, hai bên là hai cây cột khổng lồ. Đó là hai Cửa Lớn và Cửa Nhỏ. Cửa Lớn nằm phía bên kia Ba Ngòi kéo dài ra, nay Hải quân CSVN trú đóng. Cửa Nhỏ nằm ngay làng Bình Ba, nay do Công an biên phòng cùng quân đội Nhân dân canh gác.
Việt Nam nằm dọc bờ Thái Bình Dương, vì thế, tỉnh thành nào cũng kề cận biển và vô cùng đẹp nhờ thiên nhiên ưu đãi.Vịnh Cam Ranh cũng thế. Nó như một cái lòng chảo được vây tròn, kín kẽ bao bọc ngoài đường biên, từ Thái Bình dương đi vào cái cổng vĩ đại có hai Cửa Lớn và Cửa nhỏ. Dường như, sự ưu đãi của thiên nhiên, cũng có cái giá phải trả của nó: Cam Ranh là con bài mà mọi quốc gia trên thế giới đều chú ý đến, trên thương trường lẫn chính trị, nếu muốn thâm nhập vào lãnh thổ của các nước Á châu Thái Bình Dương.
Đây là sự may mắn hay đại họa cho một dân tộc nhược tiểu ở Đông Nam Á, như VN?
Tuấn rú ga xăng, lượn một vòng tròn lớn từ Cửa Nhỏ qua Cửa Lớn, để nhìn cho rõ hơn vùng biển đảo của Tổ Quốc, trên đầu những ngọn sóng bập bềnh bao la.
- Về thôi Tuấn ơi! – Thăng gọi.
Tuấn giảm ga xăng, trực chỉ Bình Ba.
Trong ca-bin tàu cơ man nào là: đồ ăn, quân dụng và cả đôi lợn do Tỉnh đội cung cấp, để mừng ngày chiến thắng 30 tháng 4 sắp tới.
Nhìn những thức ăn khô và đôi lợn khao thưởng cho ngày 30/04, Tuấn chợt cảm khái vô vàn. Bao nhiêu người vui và bao nhiêu người đau khổ cùng tận, trong ngày lịch sử này?Dân tộc VN, hình thành từ thời sơ khai, cổ đại đã là nổi buồn day dứt. Vừa mới thành hình từ trứng, năm mươi đứa con lên núi và năm mươi đứa con xuống biển, chia lìa Cha, Mẹ đã là điềm báo không lành cho thế hệ nối tiếp!
- Anh Thăng này.Anh nghĩ gì về ngày 30 tháng Tư?
- Cậu hỏi gì. 30 tháng Tư ư?
- Ừ. 30 tháng Tư!
- Lúc đó, mình vui. Đất nước hòa bình, chấm dứt chiến tranh.Ông già mình làm Xã trưởng, bảo mình đi vào quân đội bảo vệ Tổ quốc, mình đồng ý ngay. Nhưng khi tham gia vào một guồng máy, mang nhiều bí mật tính quốc gia, mình dần thấy, những cái xấu xa lộ dần…
- Ví dụ… anh Thăng?
- Lẽ ra, đây là một cơ hội lớn cho dân tộc này hòa giải, sau hòa bình với những mâu thuẫn chiến tranh và ý thức hệ. Nhưng, họ đã làm ngược lại…
- Tôi cũng nghĩ như anh. Nhưng, bây giờ, tất cả, đã muộn… khi họ đã giam nhốt, hàng trăm ngàn quân, cán, chính… VNCH, trong đó có những người thân của chúng ta.
- Ừ…
- Anh có bao giờ nghĩ, người CS… chúng ta, sau này, sẽ nghĩ lại điều này, để hòa hợp, hòa giải dân tộc?
- Không bao giờ Tuấn ơi!
- Vì sao?
- Ở tuổi cậu, chắc cũng còn nhớ? Hiệp định Paris người CS cũng đã đưa ra ra Hòa hợp, Hòa giải dân tộc… rồi cũng chính họ, phỉ báng những gì họ cam kết sau đó không lâu, thì làm sao tin!
- Tôi cũng biết điều đó hồi còn rất trẻ, nhờ, đọc báo cho ông Cậu nghe mỗi buổi trưa khi sửa ảnh.
Tuấn kể lại thời thơ ấu của anh cho Thăng nghe.Anh kể luôn về câu chuyện của một ông Cậu khác khi đi tập kết đất Bắc về, vỡ mộng.Thăng đứng, im lìm nghe.Anh chợt nói.
- Mày dám vượt biên, Tuấn?
Tuấn nghe lạnh toàn thân.Anh ú ớ.
- Anh nói gì kỳ vậy, Thăng?
- CÓ DÁM VƯỢT BIÊN KHÔNG!?
Có lẽ, lúc này, mặt Tuấn tái mét. Anh nhìn Thăng đăm đăm, dò dẫm.
- Ông định gài tôi à, ông Thăng? Ông nên nhớ rằng: những thằng lính, như tôi với ông; nói thật, đéo mẹ… là những thằng từng bị kỷ luật trong quân trường hoặc ở đại đội là hết thuốc chữa, mới bị đưa về cái đồn hẻo lánh này. Trời nước mênh mông này, chỉ hai thằng mình, ai sống, ai chết… chưa biết chắc là ai nhá!
- Tao nói thật mà! – Thăng đưa tay trái đặt lên vai Tuấn. Anh hất tay Thăng, nói.
- Đừng đùa nữa!
- Tao nói thật mà, Tuấn. Tao coi mày như một thằng em trai! – Thăng nghiêm nghị nói.
- Nếu anh nói vậy, bây giờ, chúng ta đi ngay. Này nhé, trên con tàu này… xăng, nhớt, đồ ăn, thức uống, ngay cả lợn heo… đầy ắp trong khoang, không thiếu thứ gì cho một cuộc hải trình nhiều ngày.Anh nghĩ sao?
- Chưa đúng thời điểm, Tuấn à. Nói thật với cậu, tớ đang bắt đường dây với một người có địa vị trong làng chài Bình Ba, để đi.
- Dân làm sao mà tin công an, để cùng đi vượt biên. Anh lừa tôi chắc?
- Mày nên nhớ: tao đã trú đóng ở cái làng Bình Ba này gần hai năm. Mọi người đều hiểu tao; và, mọi thứ trong cái làng này, tao đều thấu đáo tất cả.
- Ai?
- Mày muốn biết?
- Điều đó dĩ nhiên!
- Bà Năm Chùa là đầu mối của sự việc.Mày hãy tin tao đi. Bà ấy coi tao như con cháu trong nhà, như mày đã từng thấy, tao dẫn mày lần trước gặp bà ấy. Tao có ý định muốn thử mày đấy.
- Bà ấy tu hành, vượt biên làm gì?
- Bà Năm Chùa không đi, nhưng giới thiệu tao qua một người khác.
- Ai?
- Gia đình bà Bảy Hòa! Bà ấy hứa sẽ cho tao một số tiền khi ra ngoại quốc để sinh sống trong những ngày đầu ở trại tị nạn, trước khi đi định cư ở quốc gia thứ ba.Tao đã đồng ý canh bạc cuộc đời này.
Tuấn choáng ngộp với thông tin trên.Anh cũng từng đến thăm gia đình bà Bảy Hòa.Đó là một gia đình giàu có nhất ở làng Bình Ba này, như lời nói của ông thiếu tá trưởng đồn từng cảnh báo lính. Bà có hai người con trai cỡ tuổi Tuấn, và bốn cô con gái nhỏ tuổi hơn. Anh con trai lớn tên Thanh, là một cầu thủ bóng đá trong làng, thường viết thư mời đám lính: quân đội nhân dân và công an biên phòng tranh tài cao thấp hàng tuần.
- Tôi đi cùng anh! – Tuấn gật đầu chắc nịch. Cả hai bắt chặt tay nhau.

*

Chiều nay, đội bóng thanh niên Bình Ba đá thật tệ, không như thường hằng, rất xông xáo và thường hạ đám quân nhân rất sớm ở hiệp đầu. Tỉ số 4-1 do công an biên phòng dẫn đâu là điều lạ!
Khi trái bóng, từ góc phạt trái vừa tung lên cao, bắn vào khung thành, mọi cái đầu đều ngước cao chờ một cú đánh đầu tuyệt diệu… thì một tràng kẻng từ đầu đảo nơi công an biên phòng trú đóng, nổi lên liên tục, báo động giục giã.
Lệnh hành quân!
Đám công an, vơ vội áo quần, giầy dép, khoát vào người có thể khoát. Vừa chạy về đồn, vừa cò cò, nhảy nhảy như những con khỉ làm xiếc, mặc vội áo quần vào. Trên con đường lởm chởm đá, Tuấn lò cò một chân, xỏ đôi giầy, khoát một cái quần, lò cò tiếp, chập choạng chạy về đồn.
Lão thiếu tá trưởng đồn, mặt đỏ gay, giận dữ nói.
- Tôi đã cảnh báo các đồng chí rồi mà nì! Con mụ Bảy Hòa là thứ phản động, phản quốc từ lâu. Không trước, sau, con mụ ấy cũng vượt biên mà nì!
Lão nhìn Tuấn chòng chọc, đôi mắt tóe lửa.
- Đồng chí Tuấn. Con mụ Bảy Hòa đã vượt biên rồi, đồng chí biết chưa nhỉ? Bây giờ đồng chí, có còn cải lời đồng chí thiếu úy không nhỉ?
- Báo cáo đồng chí…
- Báo cáo cái gì nữa mà nì! Tụi hắn đi rùii…
- Báo cáo đồng chí! Làm sao “tụi hắn” đi được, khi hai đứa con trai của bà Bảy Hòa còn đá bóng với chúng tôi?
- Cậu nói thật à. Vậy chúng đâu?
- Báo cáo. Ngoài sân bóng đá!
- Hai thằng ấy vẫn còn ngoài sân bóng, đồng chí thủ trưởng ạ! – Huy, thiếu úy bên bộ hậu cần minh xác.
Lão thiếu tá hằn học nhìn xói vào Tuấn.
Tuấn nhìn Huy. Anh nhớ, mới cách đây mấy hôm, khi Huy phân công Tuấn đi vào làng “thị sát” dân vào những đêm về sáng. Anh mệt mỏi đến chán chường. Trước kia, sống trong một xã hội tự do, mạnh ai nấy sống, ngoại trừ đừng tham gia chính trị, mọi công dân của VNCH, muốn đi đâu, muốn làm gì, chính quyền hiện tại không theo dõi sát sao như bây giờ.
Khi thiếu úy Huy, cắt gác Tuấn vào làng Bình Ba hằng đêm. Ban đầu anh tuân lệnh, nhưng sau đó, anh thấy mình thật vô lý, khi kiểm soát từng hành động, sự sinh hoạt của người dân hằng đêm.Cách đây hai hôm, anh chống đối lệnh bằng cách ra cầu tàu ngồi ngắm sao, rồi ngủ quên luôn. Đến khi, Huy đá vào mông Tuấn, gằn giọng ra quân lệnh.
- Tại sao đồng chí không vào làng kiểm soát sinh hoạt dân tình, mà ra cầu tàu ngồi ngủ? Đồng chí đứng lên!
Bị đá vào mông một phát khá đau, Tuấn nổi cộc.
- Báo cáo đồng chí. Người dân, có cuộc sống riêng của họ, tại sao ta phải theo dõi hằng đêm. Tôi cảm thấy mệt mỏi quá lắm rồi.
- Bọn chúng là một lũ phản động, lúc nào cũng muốn vượt biên!
- Tôi không thấy chúng vượt biên; mà hằng đêm, tôi thấy chúng làm tình dữ tợn hơn, vì cái đảo này cúp điện liên miên! Tôi thủ dâm bằng tay quá nhiều rồi, đồng chí ạ.
- Đồng chí phải tranh thủ sinh hoạt cùng họ, dân vận với họ. Đó là trách nhiệm mà đảng đã giao phó cho chúng ta!
- Báo cáo đồng chí. Từ bây giờ, tôi không muốn thủ dâm… bằng miệng, khi đi vào làng dân vận dân chúng.Chắc đồng chí cũng từng thủ dâm nhiều lần, hằng đêm khi đi tuần, nhìn thấy họ làm tình ở mỗi hộ dân???
- Đồng chí giễu cợt cấp trên à?
- Tôi không giễu cợt đồng chí, mà là sự thật! Đồng chí đã từng thủ dâm khi đi trinh sát hằng đêm. Có không?
- Vô kỷ luật. Đồng chí thật vô kỷ luật! – Gã thiếu úy định sấn tới, nắm cổ áo Tuấn. Anh nói.
- Đ.m. Ông bước tới một bước nữa, tôi bắn thật đấy! – Tuấn chĩa cây A.K về phía Huy.
Gã Huy khựng người, đội cái mũ poncho lên đầu cun cút đi về đồn.
Tuấn bị viết 10 tờ kiểm điểm.Lão thiếu tá bắt đầu gờm đám lính miền Nam. Những bữa cơm có thoải mái hơn đôi chút, nhất là từ khi hằng mấy chục ký cá phơi khô của lão, bị ai đó ném xuống biển, trước đồn công an…
- Đồng chí Huy dẫn mươi đồng chí vào làng Bình Ba phong tỏa hết mọi ngõ ngách cho tôi. Nghe rõ!? Hãy canh gác nhà mụ Bảy Hòa thật chặt chẽ. Đồng chí Thăng, Tuấn cùng năm đồng chí khác hãy đi tuần tra các dãy đảo nhỏ trong lòng vịnh Cam Ranh, tìm cho ra mụ Bảy Hòa đang núp đâu đó trong các hốc đảo, chờ hai thằng con trai của mụ lấy thuyền bơi ra rồi cùng đi. Năm đồng chí này (lão chỉ điểm từng tên) canh cho kỷ cầu cảng, không cho một ai nổ máy rời tàu. Các đồng chí còn lại, theo tôi qua hướng Cửa Lớn. Rõ!!!
Thăng xuống tàu nổ máy. Con tàu lao vút về phía sau vịnh Cam Ranh, nơi đó có hàng trăm mỏm đảo to, nhỏ nằm chen chúc nhau trong lòng vịnh, để tàu thuyền có thể núp vào đó tránh bão. Tuấn lần xuống ca-bin hỏi Thăng.
- Anh định tìm bà bảy Hòa thật à?
- Cậu đừng lo. Tôi chỉ loanh quanh quanh lòng vịnh.Bà ấy đã không tin mình, đành chịu.Cứ để bà ấy đi.Tôi chỉ không hiểu, tại sao bà ấy bỏ lại hai đứa con trai không thương sót.
Quả thật, Tuấn cũng không hiểu nỗi!
Thăng cho tàu chạy nhiều vòng, đến khi trời xuống thấp dần, anh lái tàu về bến cảng báo cáo.
Qua hôm sau, công an biên phòng phát giác, cả hai đứa con trai của bà Bảy Hòa cũng biến mất tiêu! Sau đó, họ phát hiện trên một bãi biển vắng, ở hiện trường, còn vứt lại hai bình hơi dùng để lặn của dân chài, hai đôi giầy bơi và kính chống nước còn mới tinh nguyên được chôn vùi sơ sài dưới cát.
Lão thiếu tá trưởng đồn điên lên thật sự.
- Thì ra, trong cái đồn công an biên phòng này, bọn phản động tay trong phản đảng, vẫn còn tồn tại! Chúng là ai?
Lão càng sợ đám lính miền Nam!

*

Gần mười công an biên phòng đổ bộ lên một hòn đảo nhỏ – Tuấn không biết tên – nằm trong lòng vịnh Cam Ranh như nhiều đảo nhỏ khác, không tên, cùng ông trung tá trưởng đồn và hai chiếc tàu. Tháng tư trời nóng đổ lửa, cát hừng hực, tỏa hơi nóng thấy từ xa.Hai chiếc tàu, chạy sát vào bờ bãi, bọn lính cởi giầy nhảy vội xuống, lội vào bờ. Hai chiếc tàu cũng vội lùi ra, cách bờ khoảng năm mươi mét, để tránh bị sóng đập vỡ mạng tàu.
Bàn chân trần đầu tiên của Tuấn vừa đặt trên bãi cát vàng óng, anh vội rụt lại ngay.Sức nóng của cát thật vô cùng khủng khiếp.Anh nhìn đồng đội xung quanh, cũng thấy họ vội rút chân lại khi vừa đặt xuống.Lão trưởng đồn hét to.
- Chạy. Chạy thật nhanh mà nì!
Cả bọn cắm đầu chạy băng băng, theo lão thiếu tá, đến một khu vườn trồng toàn cây khoai mì. Cát bỏng rát dưới chân.Tuấn hình dung, như đang chạy trên một cái chảo nóng to lớn giữa đất trời. Anh nhìn hai bàn chân đỏ rần; và ngạc nhiên nhìn những hàng mì thẳng lối đang vươn cao sức sống, đang đến thời kỳ thu hoạch. Hưng nói.
- Mẹ nó! Tao cũng dân vùng biển, mà chưa thấy nơi nào cát nóng như ở đây!
Bọn lính suýt xoa những bàn chân đã chai cứng thao trường, luôn miệng chửi tục.Một mụ nạ dòng bước ra, ỏng ẹo.
- Thiếu tá mới tới. Em chờ mấy hổm rày! Đấy, thiếu tá cứ nhổ nữa mảnh vườn khoai, cho em chục ký cá khô là em vui rồi.
Thì ra là mụ nhân tình của lão thiếu tá.Giữa mụ và lão thiếu tá thường có những trao đổi buôn bán những hàng quân tiếp vụ.Bọn lính biết được, nhưng không dám hó hé.Thi thoảng, mụ ghé đồn công an; và lão thiếu cũng thường ghé qua đảo và ngủ qua đêm. Bọn lính đồn rằng, mụ là nhân tình của lão thiếu tá có vợ còn ở ngoài miền Bắc.
Lính bẻ những lá khoai mì, lót chân đứng cho đỡ nóng, mang giày vào.Cả bọn ùa vào vườn, nhổ từng góc khoai.Khoai mì trồng trong cát, củ dài nhưng cũng dễ dàng nhổ cả bụi lên.
Hai tên lính từ ngoài nơi tàu đậu, chèo hai cái thúng chai tấp vào bờ.Họ chất hàng đống khoai mì vào đấy. Tuấn và Hưng bám vào cái thúng chai vừa bơi vừa đẫy cái thúng về hướng nơi tàu đậu. Sóng từ ngoài xa, đánh vào từng nhịp hung bạo. Khó khăn lắm, họ mới ra giữa dòng nơi tàu đậu. Tuấn vừa bơi, vừa đẫy cái thúng chai, bề ngang hai thước, nói nhỏ vào tai Hưng.
- Kỳ này, tụi mình ăn khoai mì mút chỉ rồi ông ơi!
- Điệu này chắc tao đào ngũ quá Tuấn ơi! Lính gì mà khổ như chó.Ăncòn thua chó nữa!
- Mấy hôm trước, lão thiếu tá gọi ông vào văn phòng, chả nói cái gì vậy?
- Thì đại khái chả sợ tao nổ bậy. Chả hứa, sẽ dễ dãi với tao hơn và trả trước cho tao một tháng lương 4 đồng bạc! Mẹ nó! Lương lính 4 đồng mua chỉ được mấy gói thuốc lá Vàm cỏ.Chán mớ đời.Mày thấy đó, bây giờ hết đầu cá, có lẽ là đến gặm khoai mì thôi.
Tuấn đập vào tay Hưng nói.
- Nè, ông tính đào ngũ thiệt hả?
- Chắc vậy quá Tuấn ơi. Mày cũng thấy đó, tụi mình đi đến đâu ai ai cũng ghét, cũng khinh ra mặt. Họ còn gọi bọn mình là thứ Bò xanh, tụi công an nhân dân là thứ Bò vàng. Có nhục không? Ban đêm thì đi rình mò, moi móc từng hộ gia đình, ban ngày gặp họ thì má má, chị chị… tao thấy sao nhục cho cái đảng thổ phỉ này quá. Nhiệm vụ của chúng ta là giữ biển đảo, bảo vệ tổ quốc, chứ đâu có thể làm mấy cái trò bại hoại thế này, của một thằng lính đóng nơi đầu tổ quốc.Chúng bảo mình phải trung với đảng. Mình có là đảng viên đâu mà trung với hiếu với chúng! Cái chế độ này nó mị quân, cán, chính và cả dân… để duy trì sự độc tôn cai trị lâu dài.
Đây không phải là lần đầu Hưng tâm sự cùng Tuấn. Cả hai thường nói về chủ đề này từ khi còn ở quân trường, khi gác những ca về sáng. Người dân miền Nam, đã từng có cuộc sống tự do về mọi mặt, nên khi chính quyền CS vào, họ liền biết ngay, họ đã mất những gì đã có trước kia, nên sự phản kháng phải có, không như người dân miền Bắc, vì vị thế của lịch sử sau gần 100 năm bị đô hộ bởi người Pháp và Nhật không lâu. Tuấn suy nghĩ đắn đo, rồi nói.
- Hưng nè. Nhân danh tình bạn từ thuở còn ở quân trường như bóng với hình, tôi nói điều này, chỉ xin ông giữ kín, nếu ông không muốn…
- Chuyện gì quan trọng vậy, Tuấn?
- Tôi sẽ vượt biên!
- Hả!? – Hưng trợn tròng đôi đồng tử trắng dã.
- Mày nói thật chứ?
Tuấn nhè nhẹ gật đầu.Đoạn anh kể vắn tắt câu chuyện giữa anh và Thăng đã bàn.Hưng bơi bằng hai chân, nắm đôi vai Tuấn thật chặt, nói.
- Tao cám ơn mày Tuấn ơi! Cho tao đi với. Tao không muốn ăn khoai mì và thủ dâm hàng đêm…
Cả hai cùng cười.Tuấn nói.
- Ừ. Nhìn đống khoai mì, tôi ớn đến cuống họng luôn. Nè Hưng, ông không muốn ăn khoai mì dài dài, phải không? Tôi có cách!
- Cách gì cha nội?
- Tụi mìn lợi dụng lúc mấy con sóng tràn vào bờ, úp luôn thúng khoai xuống lòng biển là xong chớ gì. Cùng lắm là kiểm điểm, ông ạ.
- Ừ, mày nói chí lí!
Thế là hai đứa, chờ con sóng từ ngoài xa tràn vào bờ. Nương theo lợn sóng, Tuấn ghì chặt cái thúng chai xuống, đầu bên kia Hưng hất tung lên. Thế là chìm lỉm.Cả hai vờ la toáng lên.
-Thúng bị sóng đánh nhồi, chìm rồi, các đồng chí ơi. Tới giúp chúng tớ với!
Làm sao mà giúp, khi mà cái vịnh Cam Ranh sâu hun hút này.Lão thiếu tá từ bờ nhìn ra, đạp chân than trời.
Cả hai cười thích chí.

*

Việt Nam, Cam Ranh, cuối tháng Tư, năm 1977.
Anh Quỳnh kính;
Đã lâu lắm, dường như, gần đúng hai năm, anh em chúng ta chưa hề liên lạc nhau bằng thư từ như trước kia, 1975. Tại sao có chuyện kỳ lạ như vậy, vì đó là thói quen của anh em chúng ta?Và vì sao, lại là sau thời điểm 1975, tháng tư?Chắc anh bận công tác và em cũng bận cho những suy nghĩ của em, sau một cuộc đổi đời. Mỗi suy nghĩ có giá trị riêng tư của nó, khi chúng ta đứng ở một góc độ nào đó để nhìn. Dĩ nhiên, kẻ chiến thắng, sẽ có cái nhìn phiến diện hơn những kẻ mất mát, để hoàn thiện những gì kẻ chiến thắng đang với tới. Anh bận là phải. Em không là kẻ thất trận, hơn nữa em là kẻ được mọi ân sủng cuộc đời do anh và các chú, bác, cô, cậu… đem lại, nếu em thức thời.
Anh là một Luật gia – nghĩa là một trí thức. Không hiểu, anh nhìn cuộc thế xoay vần ra sao, mà vẫn tự tại với chức quyền, khi đã nhìn thấy hằng triệu người bị bỏ tù và đầy đi kinh tế mới trong vòng lao lý? Không như những lá thư, anh từng gửi cho em trước 75, bao điều anh mơ ước cho một xã hội công bằng và tự do.
Tự do gì, khi một công dân rời khỏi nhà mình phải báo cáo tổ, phường, xã? Tự do gì, khi họp mặt ba người trở lên sẽ bị bắt và tù tội? Tự do gì, khi mà tư tưởng con người, bị xới lên bằng những phê và tự phê? Và cái quan trọng nhất: Đó là Tổ Quốc! Tự do gì, khi mà bọn Trung Quốc – kẻ thù muôn đời của dân tộc VN – bảo gì phải làm theo họ!? Và; công bằng gì, khi anh là đoàn, đảng viên thì nhu yếu phẩm lại rất khác nhau với người dân? Công bằng gì, khi nhà người dân đang ở, bị đuổi ra khỏi nhà đưa lên núi rừng sinh sống với loài súc vật hạ đẳng?
Còn nhiều thứ lắm lắm!
Sáu tháng quân trường được huấn luyện thành một công an vũ trang, em biết thân phận bọt bèo của mình, chỉ là những hình nhân bị lợi dụng. Nếu không muốn tiến thân, bằng những hình thức không phản lại dân tộc, em sẽ chỉ là một thằng lính quèn muôn đời.
Bởi chỉ vì, em đã nhìn ra cả dân tộc này thật bất hạnh, khi chủ nghĩa CS ngoại lai nhập vào VN.
Nếu muốn là một cán bộ xuất sắc như anh, hoặc nếu muốn là một quân nhân xuất sắc như em, chúng ta chỉ cần tiêm một liều thuốc vào cơ thể mình, thì sẽ thành công ngay.
Đó là liều Máu Lạnh!!!
Tạo hóa sinh ra con người trong một quần thể, gọi là gia đình. Đó là tình máu mủ ruột thịt, anh em yêu thương nhau cho đến chết.Nhưng tạo hóa cũng sinh ra, một cái gọi là Tổ Quốc. Người An Nam chúng ta, theo Ông, Bà; Tổ tiên trên hết. Vì trong Tổ tiên chúng ta gộp lại, còn có nhân dân (còn gọi là quần chúng). Em không thể, chích những liều thuốc phản bội vào cơ thể mình, những lời Tổ tiên đã răn dạy!
Vì thế, em phải ra đi.
Anh đừng nghĩ rằng, đi khỏi cái đất nước đã sinh ra mình, để trốn thoát đói nghèo sau chiến tranh, là một hạnh phúc!
Anh đã lầm!
Một công dân, lìa bỏ cội nguồn, đó là một nỗi nhục nhã nhất của một con người còn biết tự trọng về Tổ quốc mình.
Lẽ ra, lá thư này, em viết thật dài cho anh, trước khi từ biệt quê Cha, đất Tổ. Nhưng em biết… một giọt nước đang nhễu xuống nhiều, rất nhiều, những cánh lá môn.
Thật buồn, cho anh, cho em, và cho cả dân tộc này…
Nhưng điều em vui nhất, là trước khi rời khỏi đất nước này, em không nhìn thấy ngày: 30 tháng tư vào năm thứ ba, người ta tổ chức rầm rộ, tung hô, ăn mừng… khi gần mười triệu con dân Việt Nam đã nằm xuống mọi miền đất nước từ năm 1930!
Chúc anh…
Lịch sử sẽ trả lời tất cả! Như đã trả lời:
Có một Nguyễn Ánh. Cõng rắn cắn gà nhà!

*
*

Kết

Đêm.
Những vì sao lung linh trên nền trời cao đen thăm thẳm. Căn lầu lớn hai tầng, cũng là đồn Công an vũ trang tọa lạc trên một con dốc nhỏ, gần như im lìm. Tầng trên cuối dãy căn lầu, qua khung cửa hẹp, hắt ra một gam màu, vàng leo loét. Thứ leo loét của bóng đèn yếu điện. Ở đó, thi thoảng vọng xuống tiếng gõ lạch cạch của con cờ di động lẫn tiếng cười nhẹ, nhưng hả hê. Còn lại, hầu như tất cả chìm lặng trong màn đêm. Căn lầu kế bên là của Quân đội nhân dân, cũng thế. Đây là hai căn cứ chiến lược tại đảo Bình Ba, Cam Ranh của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trú đóng trước 1975.
Tuấn ngồi tầng dưới ngay bậc tam cấp cuối cùng. Anh xem đồng hồ. 1 giờ 25 sáng.
Tuấn cố kéo dài ca trực, cho tới khi khởi hành – chuyến ra khơi. Thăng đã chia ca gác cho lính. Đến 2 giờ của Hưng và 3 giờ của chính Thăng. Nếu không có gì thay đổi, Tuấn sẽ ngồi canh chừng cho hai bạn làm việc dưới tàu. Đêm nay, ông thiếu tá trưởng đồn dẫn gã Quang sang làng bên công tác. Tuy nhiên, một phiền hà khác, ông thượng úy phó đồn mới trở về, sau hai tháng nghỉ phép ngoài Bắc…
Sau bữa cơm chiều, Thăng thông báo, đêm nay phải cấp tốc ra đi. Mọi kế hoạch coi như dở dang. Hải bàn, hải đồ vẫn còn nằm trong rương hòm cá nhân của anh hậu cần giữ kho quân vụ, không lấy cắp được.
Câu chuyện xẩy ra đêm hôm trước.
Trong tuần lễ trước khi đi, Tuấn vào làng mua một tút thuốc lá và một lố hộp quẹt. Lúc bước ra cửa hàng mậu dịch, Tuấn đụng đầu ông thiếu tá. Ông nhìn chăm chăm vào tay Tuấn, hỏi:
- Đồng chí làm gì mua lắm thuốc thế?
- Thưa đồng chí, gia đình vừa gửi tiền cho.
Ông chỉ hỏi rồi đi vào cửa hàng. Nhưng kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề công an, ông thiếu tá già đã đánh hơi điều khác lạ.
Sau phiên gác nửa đêm về sáng, Tuấn vào giường, súng dựng sát cái “hòm” (*) cá nhân theo bắt buộc, phòng khi có lệnh tập trung khẩn cấp.
Chợp mắt không lâu, Tuấn giật mình choàng dậy, sau một hồi kẻng báo động liên tục. Phản xạ tự nhiên đầu tiên của thằng lính, anh quơ tay lấy súng trước khi xỏ đôi giầy vào chân. Cây súng đã mất tự bao giờ! Anh bàng hoàng, nhìn quanh quất thật nhanh dưới ánh đèn lù mù từ ngoài hành lang chiếu hắt vào, trong lúc kẻng báo động hối thúc hơn. Biết có tìm cũng vô ích, Tuấn xỏ giày, vai ba lô, khoác áo thật lẹ, chạy ra sân tập trung. Bộ đội đã có mặt, Tuấn lúp xúp vào hàng. Ông thiếu tá hầm hầm:
- Trễ thế cơ à? Súng của đồng chí đâu?
- Báo cáo đồng chí. Tôi đang ngủ, choàng dậy tìm súng, không còn thấy ở đó nữa.
- Súng đạn phải luôn luôn bên mình như con, mà nì. Làm thế nào đồng chí để mất súng? Đồng chí nào trực ca, sau đồng chí Tuấn?
Gã Quang bước ra khỏi hàng, báo cáo. Ông thiếu tá ra quân lệnh:
- Trói đồng chí Tuấn lại cho tôi tính việc.
Gã Quang thọc tay vào túi quần lấy sợi dây dù. Gã bẽ quặt hai hai tay Tuấn ra sau, nghiến răng trói. Tuấn rên nho nhỏ. Thật dã man! Mới ban nãy còn đồng chí, đồng rận khi ký tên giao ban, nay nó trở mặt nhanh cun cút, chẳng khác chi… lũ việt cộng!
Đám bộ đội yên lặng, người ái ngại cho Tuấn, đứa coi như chẳng thấy gì trong đêm tối. Không khí nặng nề. Đám lính chờ ông trưởng đồn xử việc nước. Thăng thấy bất nhẫn đứng ra:
- Tôi có một điều muốn báo cáo đồng chí thủ trưởng và các đồng chí có mặt đêm nay. Sự việc thế này. Sau khi gác ca lúc 2 giờ sáng, đồng chí Tuấn vào ngủ, súng mới bị mất. Nghĩa là trách nhiệm này do người kế tiếp canh gác không được nghiêm ngặt, mới xẫy ra chuyện. Tại sao trói đồng chí Tuấn? Như vậy bất công, vì chúng ta chưa xử cho minh bạch.
Gã Quang:
- Tôi canh gác rất nghiêm ngặt!
Thăng trầm giọng:
- Đồng chí canh gác nghiêm ngặt, sao lại xẫy ra trình trạng mất súng đáng nghi ngờ? Đó là điều thậm vô lý. Hoặc trong khi gác, đồng chí không cảnh giác cao, để làm mất súng. Súng mất được, vậy địch vào đồn thì sao?
Gã Quang ú ớ:
- Hay là đồng chí Tuấn lấy súng bán?
Đám bộ đội nhốn nháo xì xầm. Thăng giận dữ, ngẩng cao mặt nói lớn trong đêm:
- Mọi người đã nghe đồng chí Quang vừa phát biểu? Nếu đồng chí Tuấn, có ý định bán súng cho ai đó, vậy kẻ mua súng – chính là kẻ phá hoại, là địch. Như vậy, có nghĩa, địch vào đồn công an mua súng lúc ba giờ sáng! Vậy ai thông đồng với địch trước? Ai đã gác cho đồng chí Tuấn bán súng sau phiên trực có “giao ban” hẳn hoi? Thăng ngừng nói, nhìn mọi người, tiếp:
- Nếu đồng chí Tuấn không bán súng cho địch, thì chỉ còn vấn đề là mất súng. Mà nếu mất súng, sau ca trực có “giao ban” hẳn hoi, như vậy mọi trách nhiệm do đồng chí Quang gánh lấy, chứ không phải đồng chí Tuấn. Đồng chí Quang đã ký vào sổ “trực ban” lúc ba giờ sáng, phải không?
Ông thiếu tá tự nãy giờ nhìn Thăng căm căm. Bấy giờ, ông lên tiếng:
- Thôi, không cãi nữa mà nì! Thả đồng chí Tuấn ra. Tôi sẽ điện về cho trung đoàn Tỉnh giải quyết việc mất súng này. Tan hang. Rõ!
Quang đứng cạnh Tuấn, tức tối bỏ đi. Thăng bước tới cởi trói cho bạn, nói khẽ:
- Chuẩn bị đi là vừa! Ổng gửi về Tỉnh là hết đường chạy.
Sáng hôm sau, Tuấn lấy ba lô bỏ mọi thứ cần thiết cho chuyến ra khơi. Anh khám phá, tút thuốc lá Vàm Cỏ và lố hộp diêm không cánh mà bay. Tuấn cho Thăng hay, hắn bảo:
- Đó là một chứng cớ khó thoát tội! Thôi, đi càng sớm càng tốt.
Tiếng lê bước xé toẹt cái đêm ác nghiệt vừa trôi qua, Tuấn giật mình đứng dậy như sợ ai đó đọc được ý nghĩ trong đầu. Thăng đi tới:
- Chuẩn bị tinh thần chưa Tuấn? Giờ hành động sắp bắt đầu! Mọi sự trên này trông vào cậu đó. Bây giờ, tôi và Hưng xuống sang dầu từ chiếc tàu lớn qua chiếc nhỏ. Canh gác cẩn thận!
- Sao không lấy dầu từ ‘phuy’ có phải dễ dàng hơn?
- Ống bơm dầu để ở trong kho hậu cần. Vả, trên nguyên tắc, bình dầu trong tàu không bao giờ được bơm hơn nửa. Thời giờ gấp quá làm sao lo cho kịp. Để chậm, tụi nó giải cậu về Tỉnh, là hết hy vọng.
- Liệu nhiêu đó dầu, có đủ chạy không?
- Dư sức qua biển. Máy mới không uống dầu bao nhiêu. – Thăng mỉm cười tự tin.
Tuấn móc gói thuốc mời bạn. Thăng lấy điếu thuốc mồi lửa, quay gót. Chợt Thăng quay lại:
- Này Tuấn! Phải coi chừng ông thiếu úy Huy ‘đù’ đó nghen. Mấy ổng còn đánh cờ ở trển. Có gì báo động lập tức.
Thăng xuống tàu. Một bóng đen lướt nhanh từ góc phòng tuần biển sát bên phòng chỉ huy đồn. Đó là Hưng.
Biết rằng thời gian rất hạn hẹp trong đêm nay, Tuấn vào phòng lấy những lá thư đã viết trưa nay. Anh bước xuống ngồi ở bực thềm, lấy lá thư viết cho anh Quyền đọc lướt nhanh lần nữa, dưới ánh đèn tù mù.
Từ dưới dốc, Thăng hối hả bước, người ngả về trước lấy thăng bằng. Hắn bước lẹ trên con dốc nhỏ khá cao và đầy sạn nhỏ. Tuấn hỏi bạn lên có việc gì, Thăng bảo lấy vài thứ cá nhân cần thiết đem theo và bảo bạn:
- Tụi mình đi quá bất ngờ, nên thực phẩm chưa kịp mua dự trữ, đành phải lấy củ mì lát phơi khô, đem theo. Cậu lấy ba lô đựng mì càng nhiều càng tốt, phải nhanh gọn, coi chừng tụi nó thấy. Trong vòng một tiếng nữa tụi mình sẽ khởi hành, cái gì muốn đem theo, cậu mang xuống hết để đâu đó, tới chừng đi là có liền.
Nói dứt, Thăng quày quả đi về phòng. Nhiệm vụ của Thăng là hằng đêm, thỉnh thoảng đi dạo vài vòng kiểm soát bộ đội canh gác. Vì thế, Thăng đi nửa đêm chẳng ai buồn hỏi. Tuấn ậm ừ và bắt đầu run. Khi chưa làm, anh thấy cái gì cũng dễ, nhưng khi đụng vào mới biết khó!
Thăng đi khá lâu, Tuấn mới lấy lại bình tĩnh. Anh lên lầu, vào giường cá nhân lấy mọi thứ, từ cái gương nhỏ để trên “hòm” rương, cây viết, hình ảnh thời học sinh, chứng chỉ học bạ mà Tuấn lấy từ nhà trường.. Nay nghe Thăng nói vậy, Tuấn bỏ tất cả quần áo ra, chỉ nhét vài thứ cần thiết, để lấy chỗ đựng mì lát, rồi trở về ngồi gác. Tuấn nhìn dáo dác, đi tới căn phòng nhỏ bỏ trống, dùng để chứa những thứ lỉnh kỉnh trong đồn và chứa củ mì lát. Anh bốc thật vội, bỏ mì vào gần nửa cái ba lô; chợt nghe tiếng chân đi xuống thang lầu, đầu dãy hành lang. Tiếng trở mình của phiến gỗ mục rệu rạo giữa đêm đen thanh tịnh, Tuấn nghe như một tràng súng nổ thật gần. Tim anh đập càng tợn hơn. Tuấn ném ba lô vào một góc khuất nhất, vờ nhìn quanh. Vừa khi ấy, thiếu úy ‘đù’ Huy bước tới bậc cửa. Tuấn đi ra, kềm hãm trái tim đang đập mỗi lúc một hỗn loạn khi thấy Huy đứng đó, trùng trục độc nhất cái quần cộc.
- Đồng chí làm gì thế?
- Lũ chuột vào đây quấy quá, tôi xua chúng.
Huy im lặng, bỏ đi. Tuấn càng hãi. Anh kéo dài thời gian.
- Đã gần hai giờ sáng, sao đồng chí chưa ngủ? Đồng chí Linh đâu?
Linh là người Nam, rất khoái đánh cờ với Huy. Cả hai tuy không hợp nhau, nhưng những lúc buồn thường kêu nhau ơi ới.
- Hắn ngủ rồi. – Và Huy than. – Trời càng về khuya, càng nóng tợn. Khiếp thật cái xứ miền Nam các anh, dù gần biển! Tớ xuống giếng tắm cho mát trước khi đánh một giấc thật ngon.
Tay chân Tuấn chợt lạnh ngắt. Một luồng nhân điển, chạy suốt từ hai chân lên ngang sống lưng và dội lên đầu, hừng hực lửa. Cái giếng nhỏ, nhưng lắm nước nằm giữa con dốc từ đây xuống bến tàu không quá trăm thước.
Huy ra giếng tắm. Ôi, sao kinh khiếp thế! Đến bấy giờ, dường như sự sợ hãi, nơi Tuấn, không còn nữa. Anh phải giết Huy. Ý nghĩ ấy lởn vởn trong đầu, nhưng Tuấn còn chùn. Tuấn lần tay bật lưỡi lê. Tay run run, tim đập liên tục, hai thái dương giựt giựt như muốn xô anh ngã xuống bất cứ lúc nào. Đâm Huy một dao là xong chuyện chớ gì! Nghĩ thì dễ, có làm được không? Giết người? Ghê gớm quá! Trời ơi! Tôi sắp giết người? Lần đầu tiên Tuấn có ý nghĩ giết người. Tiếng thét ai oán khi con người bị đâm lén sau lưng, sau ót hay bất cứ nơi nào… Nó như thế nào? Tuấn chưa từng nghe, nhưng biết có lẽ tiếng thét ấy chắc khủng khiếp lắm! Có thể là, giống như tiếng thét của con lợn bị thọc dao vào cổ, anh từng thấy và ghê tởm của thời thơ ấu? Có thể lắm! Người và lợn tuy hai giống khác nhau, nhưng tiếng thét ai oán, tuyệt vọng chắc là như nhau? Tuấn chợt nhớ cái chết của Bảy Rắn, người cùng xóm, cách đây hai năm ngày mới giải phóng. Tiếng thở ặc ặc, đau đớn trong cổ họng ông, cùng cánh tay như bắt chuồn chuồn lúc sắp chết. Nhưng đó là một cái chết ngọt và nhanh bằng súng! Còn con người chết bằng dao? Tuấn chưa từng nghe… Anh đắn đo, chưa xác quyết bằng hành động.
Khi Huy bước chân xuống bậc tam cấp đầu tiên, rồi bậc thứ hai, thứ ba… Tuấn ngẩn ngơ và trách mình sao chẳng ra tay. Ta sợ chăng? Hay Ta vẫn là Ta? Cái Ta của bản thể thánh thiện trong suốt như tờ giấy trắng của một thời thơ ấu, nơi đất địa Diên Khánh hiền hòa, dù rằng anh đã được huấn luyện thành một tên công an cộng sản khát máu!. Mà suốt cuộc chiến tranh, cả đất nước tan hoang, nhưng Tuấn chưa từng thấy ở quê anh?
Chợt Huy bước ngược trở lại. Tuấn hoảng hốt theo phản xạ tự nhiên.
Anh lùi người lại, bấm ngón tay trỏ xiết cò. Anh biết, anh xiết mạnh lắm! Đạn AK mà nổ gần thế này, nó ghim nát bấy thân thể Huy! Tuấn chờ cái thân thể kia đổ ập xuống, như anh đã từng thấy dạo nào. Tuấn chờ, và anh ngơ ngác…
- Ôi chao! Cái chốt an toàn, “nó” đóng mẹ mất rồi! – Tuấn vừa mừng, vừa sợ.
Huy ngạc nhiên, nhìn Tuấn:
- Cậu làm sao thế?
Tuấn đứng im, kềm thân thể đang run. Huy cười cười:
- Tớ đãng trí thật! Đi tắm mà lại không lấy cái gàu.
Đúng là thằng cha này ‘đù’ thiệt, chớ không phải như lời bộ đội giễu gã chơi cho vui miệng lúc buồn. Thủ dâm cho lắm vào! Làm ông xém bắn bậy. Sợ dái muốn chạy lên tới cổ. Một ý nghĩ thoáng trong Tuấn. Anh vui vì biết mình chưa giết người! Ừ, giết người cũng dễ lắm chớ! Cứ run, cứ hoảng hốt tột độ và cũng có lẽ cứ tàn bạo… Và, tất cả chỉ còn là: nhắm mắt và bóp cò! Là làm xong hành động ác độc chưa muốn làm ấy.
Khi Huy bước vào trong căn phòng nhỏ bỏ trống lấy gàu nước, Tuấn nhặt hòn đá để sẵn bậc tam cấp, ném xuống bến tàu như lời Thăng dặn trước. Một tiếng ‘Kẻng!’ va chạm vào sắt thép kêu khá lớn. Vừa khi ấy, Huy bước ra tay cầm cái gàu, nhìn thấy Tuấn vừa buông tay, gã ngạc nhiên:
- Cậu ném gì?
- Cú! Con cú lớn trên cành cây. Tôi ném cho nó bay khuất mắt.
Như trả lời hành động của Tuấn, một tiếng cú rúc trong đêm lảnh lót đến rợn người. Ở cái đảo cô độc này lắm cú mèo. Huy lặng thinh, không vòng vo như tánh của anh, xách gàu đi xuống giếng. Tuấn lại mất bình tĩnh. Anh lại mở chốt an toàn, ghìm súng định bóp cò! Cái ám ảnh giết người hiện lại nơi anh! Không giết hắn, lỡ xảy ra chuyện? Vậy giết? Vậy không? Từng câu hỏi cứ chạy ngược xoáy trong đầu Tuấn như điện xẹt. Lần này, súng đã mở khóa rồi. Bấm cái cò một cái là xong! Phải! Dí cây súng sau lưng Huy, nhắm mắt lại và bóp cò. Tuấn nhắm mắt… Một ý nghĩ choàng thức ở anh! Phải! Cái tiếng vang lớn vừa rồi có lẽ Thăng, Hưng đã nghe? Anh lại thôi, chần chừ. Tuấn loay hoay như còng tìm lỗ. Anh nhìn đăm đăm cái lưng trắng hếu của Huy xa dần trong bóng đêm, thầm khấn vái trời đất, định liệu.
Tiếng Huy khúc khắc ho, tiếng nước xối vang rõ mồn một trong đêm, khiến Tuấn ướt đẫm cả vạt lưng áo.
Giữa lúc tinh thần Tuấn như sắp nổ tung, Hưng lù lù dẫn xác đi lên. Hắn đi ngang nhiên như không có việc gì xảy ra, lại hút thuốc. Thằng cha này lì thiệt! Tuấn lầm bầm. Khi Hưng đến nơi, Tuấn ngửi mùi dầu thô, toát ra từ thân thể hắn.
- Ông không thấy cha Huy đang tắm ở dưới giếng, còn đi lên? Lại nữa, tôi đã báo động bọn ông. Ông ẩu thấy mẹ, cha Thăng cũng vậy! Người ông toát ra toàn mùi dầu thô, không chừng cha Huy ngửi được thì chết mẹ ba đứa.
Hưng đưa cánh tay áo lên mũi:
- Vậy à? Bị té một cú đau thấy ông bà ông vải. Mày không nghe cổ nhân nói: chỗ nào nguy hiểm nhất, chỗ đó an toàn nhất, sao?
- Lúc này ông còn bỡn cợt, tôi hổng biết nói sao.
Hưng nghiêm mặt:
- Nếu cha Huy hô hoán, mày bắn ngay, rồi chạy xuống tàu, tính sau.
Tuấn gật đầu, ngón trỏ đặt luôn vào cơ bẩm không rời. Nghĩ sao, anh lại khóa cái khóa an toàn. Hưng hỏi Tuấn đã lấy mì lát chưa, anh gật đầu ngu ngơ. Hắn bảo:
- Bấy nhiêu đó đủ rồi. Chờ khi cha thiếu úy ‘đù’ đi ngủ, rồi chuẩn bị xuống tàu ra khơi. Chúc may mắn.
Tuấn hối Hưng đi cho lẹ, vì mùi dầu thô mỗi lúc mỗi nặng, thoang thoảng trong gió.
Huy đi lên, thắc mắc hỏi Hưng vừa đi đâu về, vẽ lơ là. Đoạn anh nói:
- Thôi, tớ đi ngủ.
Đêm nay, lần đầu tiên và cũng là lần cuối Huy lúc nào cũng cậu tớ. Không đồng chí này, đồng chí nọ như mọi ngày. Anh vừa thắng bàn cờ? Hay vừa nhận được thư gia đình, người yêu? Con người đôi lúc dễ yêu đến lạ lùng! Đôi lúc, cũng muốn giết chết họ đi cho thật lẹ? Tuấn không muốn suy nghĩ vẩn vơ nữa, anh chỉ ngạc nhiên, mùi dầu thô còn thoảng trong khí trời, Huy không ngửi thấy?
Huy bị ngạt mũi? Hay: Trời, Phật, Thánh, Thần; linh thiêng phù hộ?
Thật tào lao, khi một thằng cộng sản, còn biết nghĩ đến sức mạnh siêu linh của Thần quyền!? Tuấn mỉm cười tự diễu mình.
Trong bóng đêm đồng lõa, Hưng đi nhanh xuống bến tàu, tay trái cầm cây phóng lựu B41, tay kia xách cây trung liên RPD. Trên vai, trên ngực, cổ Hưng, loòng thoòng những dây đạn.
Hưng mang súng đạn xuống bến tàu thật nhanh và trở ngược lại dãy lầu cũng thật lẹ. Lúc này, mới tỏ rõ sức chịu đựng và cái mạnh mẽ của con người hắn. Lần trở xuống, Hưng lấy hai cây AK.47, một cây CKC và thùng đạn trung liên RPD còn lại trên giá súng của phòng tuần biển. Tuấn hỏi, khi bạn đi ngang.
- Ông lấy chi nhiều vậy?
- Để lại, nhỡ tụi nó và tụi Hải quân bên kia đảo rượt theo làm sao chống. Có chết phen này bắn cũng đã tay!
Dãy lầu kế bên, hai bộ đội trực đêm của Quân đội nhân dân nhìn sang hờ hững. Công an vũ trang đi tuần lặng lẽ trong đêm tối là chuyện thường xảy ra. Hưng bảo:
- Tao xuống tàu cất súng, rồi lên ngay. Tụi nó ngủ hết rồi, khi tao trở lên gác thế mày vài mươi phút, mày mang cái ‘can’ đi lấy nước là vừa, nhớ mang theo súng.
Hưng xuống rồi trở lên ngay. Tuấn nhìn đồng hồ dạ quang. 2giờ30 sáng. Hưng ngồi gác canh chừng, đốt thuốc hút. Tuấn đi xuống dốc quẹo phải đến bể chứa nước. Anh dìm cái ‘can’ xuống bể nước, chọc giận đám muỗi đảo bay lên như đàn ong vỡ tổ đập cánh kêu vù vù, chích vào mặt, vào tay. Tuấn quơ tay vuốt mặt, tay anh nhớp nháp. Biết giết muỗi cũng vô ích, Tuấn đè cả hai tay xuống cái ‘can’, nước tràn vào cái lỗ nhỏ kêu ọc ạch, ọc ạch trong đêm tối. Vài phút trôi qua… Nó dài thăm thẳm! Anh nhấc tay vuốt mồ hôi, lẩm bẩm.
- Đầy rồi!
Đó cũng là tràng đại liên trong đời, mà mãi sau này nghĩ lại, Tuấn biết, anh như cảm nhận đã được bắn lần đầu tiên trong đời làm người lính thú trong tám tháng!
Giữa một ý nghĩ giết người mà anh vừa trải qua, và hành động vọc cái “can” nhựa, với những tiếng ọc ạch một khoảng ngắn thời gian, nhưng như bất tận. Hai sự việc: giữa cảm nhận và ý nghĩ, đều gợi nơi anh sự hoảng hốt tột cùng, như một điều gì đó khủng khiếp lắm trong đời người!
Tuấn xách ‘can’ đi phăng phăng xuống bến tàu. Đến giữa dốc, anh mới hay “can” nước vừa lấy chưa tới một phần tư góc. Nó nhẹ hẫng! Thăng đứng trong cabin nôn nóng:
- Mọi việc hoàn tất?
- Vâng, tốt đẹp! – Tuấn dấu cái “can” nước ngang hông, dù trời tối.
- Hưng đâu, sao chưa thấy xuống?
- Tôi đây.
Hưng vừa trờn tới, nhảy xuống tàu. Hắn nhìn Tuấn:
- Mày giúp tao việc này?
- Gì đó?
Hắn ngập ngừng:
- Mày lên gọi thằng Đông dùm tao, rồi mình dông.
- Đông nào?
Tuấn thảng thốt. Anh chợt nhớ, Đông cũng là một tân binh cùng khóa, không thân lắm. Đông phụ bếp anh nuôi, hiền lành, ít nói. Tuần trước, hắn được đồn cho về phép cuối tuần, hắn đi luôn một tuần bạt mạng, trở về sáng nay bị ông thiếu tá phạt quân kỷ và viết mấy tờ kiểm điểm. Hắn cay lắm!
Hưng thúc dục:
- Giúp tao được không, Tuấn? Gấp lắm rồi!
Thăng:
- Ông gọi nó đi hồi nào? Không báo cho tôi một tiếng biết trước, để tôi sắp xếp. Liệu thằng Đông có đáng tin?
- Tôi đã hứa với nó. Thấy nó hiền, lại cùng quê, tôi tội nghiệp nó quá.
- Tội nghiệp nó! Rồi ai tội nghiệp tụi mình đây? Giờ này còn lên trển đâu có được. Nhỡ thằng Tuấn xẫy ra chuyện gì, thì cả ba đứa cùng vào tù ngồi bốc lịch mãn đời? Tao không chấp nhận việc này!
Hưng ỉ ôi:
- Coi như tao van xin tụi mày vậy. Làm người đã hứa phải làm, có chết cũng làm. Vả lại, tụi mày đâu có biết, thằng Đông trước kia nó mở “cô-nét” cho tao trốn ra, khi bị nhốt!
- A, thì ra tên Đông này, nhìn thấy lù khù mà cũng dữ, hén. Đúng là lù khù, ôm cái lu mà chạy!
- Tuấn thầm nghĩ.
Thăng nhất quyết không đồng ý. Tuấn nhìn Hưng:
- Nếu vậy, ông lên kêu nó đi, tụi tôi chờ.
Hưng chỉ vào bộ quân phục ướt sũng dầu. Hắn nhăn nhó:
- Với bộ đồ này mà vô đó, ông phó đồn ngửi mùi ngay. Bởi vậy, tao mới năn nỉ nhờ tụi mày. Dù sao, cũng bạn bè, mày giúp tao vụ này nghen Tuấn.
Tuấn nhìn Thăng, thấy bạn chẳng ý kiến. Anh biết Thăng ngần ngừ, nên gật đầu quyết định:
- Được, tôi đi. Nếu hai ông nghe tiếng súng là lộ rồi, phải dọt ngay, đừng chờ tôi chi nữa.
Tuấn nhảy xuống tàu, dợm quay người, dặn:
- Nếu nghe tiếng súng, dộng cho tôi vài trái B.41 vào, cho tôi yên lòng ra đi. Nhớ nhé!
Cả ba nhìn nhau im lặng, một thoáng. Thằng này sao đêm nay nói gở thế? Hưng và Thăng cùng nghĩ như vậy khi Tuấn bước đi.
Tuấn đi lên lòng thanh thản lạ lùng. Dường như, cái sợ của con người ở một mức nào đó sẽ bão hòa? Bây giờ, nếu có cơ hội bóp cò, bắn một tràng tiểu liên AK.47, vào một người nào đó, có lẽ anh sẽ thản nhiên!
Lên con dốc, Tuấn quẹo trái tới đầu dẫy lầu, đi vòng cửa sau, bước nhẹ vào phòng Đông. Tuấn lẩm bẩm, chửi thề:
- Mẹ! Số thằng này sướng cha thiên hạ. Vượt biên mà cũng có người lo cho. Kiếp trước, chắc cha này tu mấy đời chớ chơi. Thôi, dậy vượt biên cha!
Tuấn vạch mùng, thò tay lay vai gọi Đông. Hắn trở mình ú ớ, lại ngủ vùi. Tuấn lay Đông lần nữa, lần này anh gọi tên hắn, mắt nhìn chừng ông phó đồn đang nằm ngủ bên kia giường sát vách, dù căn phòng tối om om. Đông trở mình ú ớ:
- Ai?
- Tới giờ rồi! Dậy đi, cha.
- Đi đâu? Mà ai đây? – Đông ngơ ngác
- Ông nói khẽ chứ. Tuấn đây. Thằng Hưng nhờ tôi vào gọi ông đi, ông không nhớ? – Tuấn giận điên người, muốn vả cho hắn một bạt tai. Đông vỡ lẽ, hắn tỉnh ngủ đôi chút, nhưng vẫn còn ngơ ngác:
- Thằng Hưng, nó nói đùa chơi mà.
- Đù, con mẹ tui! Tụi tui đang đợi ông ở dưới tàu. Có đi hay không?
Bỗng một tiếng ‘xạch’ lên đạn của loại súng ngắn, bên kia giường khoảng vài thước, của ông phó đồn:
- Ai?
Đông tự nãy giờ cứ cà khịa, làm Tuấn lo quắng. Cái sợ hãi tưởng đâu đã mất, nay kéo về dữ tợn hơn. Tuấn đáp bừa, dù mới hơn ba giờ sáng:
- Báo cáo đồng chí. Tôi “trực ban”, thèm thuốc vào xin. Cũng gần tới giờ sửa soạn nấu cơm sáng cho bộ đội, tôi đánh thức đồng chí anh nuôi.
Ông phó đồn, bỏ súng xuống, tiếp tục giấc ngủ. Cha này chắc còn mệt sau mấy ngày ngồi tàu từ Bắc vào đây? Cũng may cho Hưng, vào là dính ngay, chứ chẳng giỡn chơi. Tuấn lẩm bẩm, thở phào nhẹ nhõm.
Đông đã tỉnh ngủ, nhìn Tuấn, suy nghĩ. Tuấn nóng ruột:
- Quyết định lẹ đi cha. Tụi này không còn thời gian nữa.
Đông chậm chạp, hắn run run:
- Được rồi! Chờ tui một chút. Tui đi lấy cây súng, vài thứ mà hồi sáng má tui cho, bắt đem theo ăn dọc đường.
Tuấn dở khóc dở cười, cái tánh vụn vặt của gã nhà quê:
- Trời đất! Giờ này mà ông còn lấy mấy cái thứ ấy làm gì nữa?
- Ông chờ tui chút. Tui lẹ lắm.
- Lẹ cái con mẹ! Ông làm tui muốn ngất luôn đây cha. Thiệt cơ khổ! Bắt mấy ông này đi lính chi vậy không biết?
Tuấn lẩm bẩm. Anh đâu ngờ, gói xôi vò khá lớn của Đông đã cứu sống cả bốn trên con đường vượt thoát khi thức ăn bị sóng đánh nhồi, rớt xuống biển. Tuấn thầm thì dặn Đông vài điều rồi trở ra. Ông phó đồn vẫn ngủ mê mệt.
Đi dọc hành lang sau, Tuấn suy nghĩ, buộc đầu óc làm việc thật nhanh, xem còn thiếu sót? Chợt nhớ tới mấy lá thư, anh rón rén bước lên cầu thang vào phòng truyền tin. Nơi đây quá quen thuộc, Tuấn lần bước trong bóng tối tránh va chạm bàn ghế. Trực giác hiện hữu trong đầu Tuấn rất nhanh; từng góc xó, nơi nào có gì, để gì anh nhớ phong phóc vì hàng ngày thường lên đây quay máy điện gửi về trung đoàn. Khi quen dần bóng tối, Tuấn tới cạnh giường Thạnh – hạ sĩ truyền tin, người cùng quê Tuấn, đi trước một khóa, bỏ những lá thư vào hòm rương Thạnh. Thạnh ngủ mê mệt. Bộ đội lúc nào chả ngủ mê mệt? Sáng năm giờ đã thức dậy tập võ thuật, tối, chẳng lúc nào tự kiểm và tự phê; đêm hôm khuya khoắt còn trực ban. Tuấn tin rằng, Thạnh sẽ gửi những lá thư về gia đình khi về phép.
Tuấn đứng im trong bóng tối. Nhìn hai chiếc máy truyền tin, mắt anh chợt sáng lên. Tuấn giật đứt những sợi giây điện. Thế là xong!
- Thạnh ạ, xin lỗi nhé. Chúc bạn ở lại may mắn.
Vừa dợm bước, Tuấn dừng lại moi móc mọi túi áo quần. Tất cả tiền bạc còn lại, đồng hồ và cây bút Paker, anh nhẹ nhàng kéo cái ngăn con bỏ tất cả vào đó. Thấy bọc túi nhái thuốc lá, Tuấn lấy và đi ra.
&
Đông xuống tự lúc nào, ánh mắt ngơ ngác như không tin sự việc đang xẩy ra. Hắn ngồi co ro trong góc cabin nhìn bâng quơ. Đến giờ phút này, hắn vẫn ôm cây súng CKC bên mình, lấy từ trên đồn xuống, vai đeo tay nải khá to, mà sau này Tuấn biết đó là những thức ăn của một bà mẹ quê thương con, gói cho hắn ăn khi đi đường. Cây súng của Đông, nổi tiếng sạch sẽ nhất đồn, không một vết bụi dầu, báng gỗ sáng ngời màu nung đỏ, một loại gỗ khá đặc biệt của Tiệp Khắc. Đông quí cây súng là phải! Ngoài những giờ lui cui dưới bếp phụ giúp anh nuôi; còn bao thời giờ hắn dồn cho việc lau súng và nâng niu nó. Đi đâu hắn cũng kè kè bên hông, ngay cả những lúc ở nhà bếp, cây súng dựng sát bên.
Cả ba nôn nóng chờ Tuấn. Họ thở phào nhẹ nhõm, khi Tuấn bước xuống tàu.
- Tưởng ông bị lộ rồi. Làm gì trên ấy mà lâu dữ vậy? – Thăng nói.
Tuấn nhìn Đông cười:
- Tôi lên phòng truyền tin cắt giây điện. Nếu không, thằng Thạnh khi biết được, nó điện qua Hải quân chặn đầu thì bỏ mẹ. Công dã tràng xe cát biển đông cả tháng không nói làm chi. Cái thân tù tội mới sợ.
- Có chuyện như vậy mà tụi mình cũng quên. Quẩn thật! – Thăng mỉm cười hài lòng, ra lệnh:
- Nhổ neo!
- Nổ máy chưa? – Hưng mở dây neo, hỏi.
- Nổ máy sao được! Khác gì ‘lạy ông con ở bụi này’! – Thăng la khẽ.
Hưng ngơ ngác, ừ hử. Căn lầu sát bến tàu không quá trăm thước. Cái điều oái ăm, cả bọn không nghĩ tới.
- Tôi có ý kiến thế này. Tụi mình thay phiên nhau, bỏ neo vô cái thúng chai bơi ra xa. Một đứa ôm neo lặn xuống biển, ba đứa còn lại ra sức kéo sợi dây thừng, vài bận là khá xa đồn.
Cả bọn theo phương pháp của Thăng. Đông lúc này vẫn còn sợ, ngồi thu lu một góc cabin không rời, tay hắn lăm lăm cây súng ngó dáo dác vào đồn, dù chẳng thấy gì ngoài cái bóng đêm đen. Hưng, Thăng tự nguyện thay phiên ôm neo lặn trước. Con tàu đã ra khỏi đồn gần năm chục thước, rồi trăm thước. Hưng vừa ngoi lên khỏi mặt biển. Hắn trèo vào cái thúng “chai” lớn vừa vuốt mặt, vừa thở, vừa nói:
- Tới phiên thằngTuấn. Nhảy xuống, mày!
Tuấn cuống cuồng:
- Lạy trời! Sao lại là tôi? Trên đời này tôi sợ nhất mấy con Nhum! Trông nó đen đúa, tua tủa như quả cầu gai, dễ sợ quá. Ông giúp tôi việc này đi, ông ơi!
Đang mệt phờ người, Hưng bật cười:
- Đ. m! Lính c. gì, lại đi sợ ba cái thứ vớ vẩn. Cái tiếng lì ở trong quân trường của mày đâu, mà đi sợ cái ‘đĩ’ Nhum? Đồ hèn!
Chửi xong, Hưng ôm neo chèo thúng đi. Thăng đang lạnh run, cũng cười khục khặc. Thời gian lê thật chậm. Con tàu nhích từng chút nặng nề. Thăng, Hưng thay phiên nhau lặn mấy lượt nữa, con tàu được kéo ra xa cái đồn sâu quái ác hơn cả nửa cây số đường.
Thăng mở máy, để ga nhỏ. Chờ máy nóng dăm phút, Thăng quay mũi tàu rẽ sóng hướng cửa Lớn. Con tàu lướt im trong bóng đêm.
- Chiếc tàu còn lại, ông tính chưa? – Tuấn hỏi.
Hưng cười mãn nguyện:
- Tao đục lủng rồi. Vài giờ sau nó sẽ chìm xuống cái cảng sâu này.
Cửa Lớn sừng sững dưới ánh sao lờ mờ. Từ xa, Tuấn phóng tầm nhìn, thấy giống cái cổng lớn cổ xưa hùng vĩ, được đóng cứng trên mặt đại dương xanh đen. Vài chiếc ghe nhỏ, sống nghề đăng tôm, lênh đênh trên sóng nước mênh mông soi những ánh đèn leo loét tìm kiếm, trông não nùng.
Tàu nổ máy lớn hơn, rống mạnh lao vút tới, chẻ dọc ngọn sóng bạc đầu, đập ầm ầm.
Con tàu lướt sóng lao băng băng.
Qua bên kia dọi đất bán đảo Cam Ranh, đồn Hải quân nghe tiếng máy tàu, bật đèn chớp nhá, chớp nhá làm ám hiệu dò dẫm ghe vượt biên. Thăng bật đèn đáp lại trong tiếng cười thống khoái:
- Đúng là phe ta phải không mấy ông bạn? Công an vũ trang đang vượt biên nè mấy cha, được chưa? Tắt cha cái đèn chớp đi.
Bên Hải quân tắt đèn. Thăng nhá thêm mấy cái nữa mới chịu thôi. Anh rú ga, như dục dã con tàu ra khơi khoe sóng nước.
Mặt trời như một đóm lửa tròn lớn, từ từ nhú lên, đâm toạc mặt biển cong vòng, tỏa ánh hào quang dật dờ trên sóng nước chập chùng… chập chùng đến lóa mắt.
Trời sáng tỏ. Con tàu lướt sóng vượt trùng dương, bỏ Việt Nam trong lòng vịnh Cam Ranh, khi Cửa Lớn khuất dần tầm mắt, chỉ còn một lỏm lờ mờ xanh.
Cả bốn vẫn tỉnh táo, dù cân não bị chùng xuống thật thấp qua một đêm căng thẳng. Bốn gã thanh niên, mỗi người nhìn sóng biển theo đuổi những ý nghĩ mông lung.
Tuấn nhìn về hướng mặt trời. Anh trông chờ một cánh nhạn lẻ loi trên nền trời trống vắng.
Khát vọng tự do, Tuấn đã đạt được. Và anh được gì? Một tâm hồn trống vắng. Đó là nỗi buồn!? Nỗi buồn của một con thú mất Mẹ, tru lên những tiếng thảm thiết, nghe ai oán vô cùng. Buồn gấp trăm ngàn lần cái ngày anh rời bỏ mái trường ra đi làm người lính thú. Buồn, như chưa bao giờ anh đã từng buồn trong những đêm gác về sáng.
Tự hỏi mình, sinh ra trên cõi này để làm gì, trước một quê hương tan tác, sau thời chiến tranh chấm dứt? Tự hỏi, có quê hương nào mà lòng thù hận người đồng chủng lâu da diết như dân tộc Việt Nam? Tự hỏi, Ta là Ai? Anh là Ai? Mà mỗi một lần, suốt cả một chiều dọc lịch sử, khi một trang sử vừa được lật qua, kẻ chiến thắng, muốn vẽ vời lên đó những gì họ muốn, bằng sự ngụy tín mà không ai dám phản kháng. Tự hỏi, trong chiến tranh Pháp-Việt -Mỹ, cả hai miền Nam Bắc có bao con người Việt Nam trốn lánh ra ngoại quốc tìm sinh kế, ngoài những chí sĩ yêu nước tìm đường cứu quốc?
Tự dưng, Tuấn thấy cay xè đôi mắt và chợt biết: anh đã khóc tự bao giờ!
Ôi quê hương! Trước mắt mà tưởng như đã nghìn trùng xa cách! Quê hương ta còn đó, mà ta đang lạc mãi tận phương trời nào? Tuấn len lén nhìn các bạn. Họ cũng cùng tâm trạng như anh. Cả bốn đều ngoảnh mặt mỗi hướng, che lấp giây phút thiêng liêng nhất, trước khi rời xa tổ quốc. Lần cuối!
Thăng đưa tay lau vội nước mắt. Anh rú ga xăng. Con tàu lao tới, cắt nước, đập liên tục trên đại dương xanh thẳm, mênh mông.
- Ngừng! Ngừng tàu! – Tuấn khóc nức lên.
- Chuyện gì? – Thăng hỏi.
- Xin ông tắt máy tàu. Tôi muốn nhìn lại quê hương lần cuối.
Thăng giảm ga, tắt máy. Con tàu chồng chềnh trên sóng nước, như tâm trạng của bốn gã thanh niên.
Biển vẫn cong như một vòng cung bất tuyệt tận, xa típ tắp tận chân trời. Mà nơi ấy, màu đỏ của khoảng nước bao la mỗi lúc đỏ đậm đặc hơn.
Như một người đang đi hai chân về phía trước, mà quay mặt nhìn lại sau lưng, Tuấn bước ngược về phía đuôi tàu.
Nơi đó là quê hương anh!
Nơi đó, đã chất chứa tất cả những kỷ niệm của một thời đã qua. Có tuổi thơ. Có tuổi trẻ và tình yêu. Có những ôm ấp lớn và não nề. Có tình thương bát ngát như một cánh đồng cỏ mượt một màu xanh; cùng lòng hận thù sâu hun hút như một đại dương đen không đáy.
Bây giờ, nó chỉ còn là một bóng dáng xưa mờ ảo, cuối đường!
Giã từ tất cả!
Đông bắt đầu khóc hù hụ. Hắn quỳ gối, mặt ngước nhìn về quê hương. Hắn thét lên, tiếng thét của một con thú.
- Tôi không đi… Tao không đi nữa! Hãy trả tao về! Hưng ơi! Mày rủ tao đi làm gì? Dù gì, đó cũng là quê hương ta.
- Một quê hương, không định nghĩa đúng cho một con người, sống làm gì?
- Làm phận một con kiến, tao cũng cam chịu mà! Trời ơiii… Hu hu…
“Đoành! Đoành! Đoành!”
- Thằng nào, muốn làm một con kiến, hãy bước qua xác tao! Đây là ba phát súng, để giã từ quê hương; và, cũng là ba phát súng ân huệ cho những kẻ không muốn làm người!
“Đoành! Đoành! Đoành!”…
- Mẹ ơi! – Đông vái bốn phương, tám hướng và vẫn khóc.
Con tàu quay hướng và lướt sóng.
Nó thản nhiên và lạnh lùng vượt trùng dương, như một thớ gỗ chắc.
Về phía trước.
Ở đó, mặt trời đã bừng sáng và đang lên cao. Lên cao…
Họ đang đi về hướng mặt trời.
Nơi ấy, là những xứ sở xa lạ đối với họ, để gieo trồng lại những Hạt Ươm Hư đã bị chính quê hương họ ruồng bỏ, vào ngày đen tối nhất lịch sử của dân tộc Việt Nam kiêu hung có bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Ngày Ba mươi, tháng Tư, năm 1975.
- Ôi, Quê Hương!
© Vũ Đình Kh.
Vancouver, Canada. Khởi thảo và hoàn tất: tháng 2/1988. Viết lại 2012.
© Đàn Chim Việt
(*) Một loại “hòm” giống như cái rương bằng gỗ đựng đồ cá nhân của bộ đội.

*
*

Lời cuối sách

Tác giả Vũ Đình Kh.

Tôi lao vào nghiệp dĩ văn chương, sau mười năm ổn định cuộc sống xứ người. Truyện đầu tiên, tôi viết là truyện dài Bóng Dáng Xưa, sau đó là truyện dài Hạt Ươm Hư. Kế đến là những truyện ngắn, tôi gom lại in thành sách, có tên Dốc Ké. Sau đó, viết rai rai những truyện ngắn khác đến năm 2000 thì dừng lại vì một lý do tế nhị, không muốn nêu ra.
Đó là thời gian sung mãn nhất của người cầm viết tuổi gần 30. Tôi vô cùng hối tiếc, nhưng không còn chọn lựa.
Mãi hơn 10 năm sau, ông bạn văn của tôi, – Nhà thơ Lê Tạo, cũng là Nhà Phê Bình Văn Học, Đoàn Nhã Văn, bắt được liên lạc, năm 2011. Ông buộc tôi (lẽ ra là… yêu cầu, hoặc mời tôi viết trên mạng blog, của ông) viết lại hai truyện dài đó.
Tôi đắn đo, thử viết lại sau 10 năm ngừng viết. Có lúc hưng phấn viết, lại có lúc nghĩ lại: tại sao mình bẻ bút không viết, khi bị bạn bè văn chương hãm hại mình, chỉ vì những đồng tiền nhơ bẩn, lại biếng viết.
Ông bạn tôi – Lê Tạo, Đoàn Nhã Văn – quen nhau trên 20 năm, nhưng chưa hề gặp nhau, dù, chúng tôi có thể đi máy bay trong2,3 giờ đồng hồ để gặp nhau.
Tôi viết xong một chương, tuấn tới chưa thấy gửi, ông hỏi: Chương kế đâu?
Thế là, tôi cứ mãi miết…
Trang viết đã xong, truyện dài đã xong, tôi gọp hai truyện thành một.
Ông cười hè hè, rất cà chớn.
- Tôi không hối bài, ông đếch xong truyện dài này!
Biết nói gì, khi tình bạn trên 20 năm, không biết mặt, chỉ điện thoại: A- lô, trên tầng cây số ngàn!
- Ông khỏe không, Kh.?
- Cám ơn, Lê Tạo, Đoàn Nhã Văn, đã đì tôi gần nữa năm!
Có những Bạn Văn đã từng gặp mặt, nhưng vẫn hãm hại nhau, vì một chút lợi danh nào đó.
Có phải đây là hạnh phúc hoặc nghịch chướng của người Cầm Bút.
Cám ơn Lê Tạo, Đoàn Nhã Văn.

Vũ Đình Kh.








No comments:

Post a Comment

View My Stats