Monday, 17 December 2012

HẠT ƯƠM HƯ [4/9] – (truyện dài Vũ Đình Kh.)




12:01:am 05/12/12

Chương 10

Buổi sáng, từ chín giờ, Xã trưởng Bé chở ông Năm chủ tiệm hình “Bóng Tối”; cùng lão Tôn, chủ tiệm may Tôn Tẩn, chuyên may áo veston, có nguồn gốc xuất phát từ Paris – nhưng chưa hề thấy ai đặt may – từ dưới ngã ba Cải lộ tuyến, ngay cây Dầu đôi, dẫn đầu đoàn quân xa của lính Bắc Việt, đợt thứ hai.
Đợt này, quân đội Bắc Việt xuôi về Nam hàng trăm, đến hàng ngàn những chiếc xe Môlôtôva của Nga, lẫn GMC của quân đội Mỹ bỏ lại. Có nhiều chiếc, kéo cả pháo phòng không phía sau xe; cùng hàng chục ngàn bộ đội chủ lực chính quy, áo quần còn nguỵ trang cây lá đeo đầy người. Họ xuôi từ hai phía. Một hướng từ Nha Trang đi lên, hướng khác từ bên kia sông Cái, Đại Điền Đông tràn vô. Họ nhập lại một thành đoàn quân, ngay cây Dầu đôi to lớn, tàn xum xuê có trên vài trăm tuổi.
Họ bắt đầu xuôi Nam,theo chỉ dẫn của lão Tôn trên cái loa vang rền.
Nhóm du kích nằm vùng bên kia Đại Điền Đông nhìn đoàn quân xa vẫy tay reo hò.
Tuấn nhìn thấy thầy Sinh, vai đeo miếng vải đỏ dẫn đầu đoàn quân.
Hồi Tiểu học, Tuấn có học qua ông ở lớp Năm. Ông nổi tiếng dữ đòn với học trò. Quỳ sơ mít là hình phạt nhẹ nhất của ông! Kế đến, là nằm trên con ghế ngựa dài, ông khệnh vào mông những tên học trò đáng trừng trị, bằng cây thước bảng dài hơn thước tây và rất dày. Hình phạt nặng nhất mà ông ít khi xử dụng, đó là bắt học sinh chụm năm đầu ngón tay lại, đưa lên để ông dùng cây thước bảng to lớn, quất mạnh xuống. Khó có tên học trò lì lợm nào chịu nổi qua ba thước, mà không xỉu! Sau, phụ huynh học sinh phàn nàn đòi kiện, thầy Sinh mới bỏ qua hình phạt cực kỳ độc ác đó.
Nhiều người cho rằng, đánh học sinh kiểu này dễ bị trụy tim. Không một đứa học trò nào, sau khi học qua ông rồi lên bậc Trung học, nếu có gặp ông ngoài đường, chúng quay lưng và không bao giờ chào.Thậm chí có đứa còn nhổ một bãi nước bọt trước mặt ông như khiêu khích, khinh thường rối bỏ đi.Sau đó, ông bị đuổi ra khỏi nghành Giáo dục, trở về quê nhà bên Đại Điền Trung, sinh sống bằng nghề nông.
- Những con chuột bắt đầu rời hang ổ, khoe ra hình hài gớm ghiếc! – Tuấn nhìn ông hằn học. Khuôn mặt rỗ, hai mắt “đá” nhau, như chữi lộn là một biểu hiện không mấy tốt trong tướng số! Anh nghĩ.
Đến ngã ba A Ùi, hai đoàn tẻ nhau đi mỗi hướng. Du kích địa phương, quẹo vào chợ Thành, rồi vào phố, lên thẳng Chi khu Diên Khánh.Quân bộ đội chủ lực trực hướng Cam Ranh thẳng tiến.
Xã trưởng Bé nằm vùng cầm lái, cái miệng lão Tôn không ngừng kêu gọi sự trợ giúp của dân chúng, trên con Quốc lộ 1.
Dân chúng đổ xô ra đường, tay cầm cờ Mặt trận quơ quơ, la hét đến điên khùng. Người ta bắt đầu tiếp tế mọi thứ.
Một rừng cờ, nửa đỏ, nửa xanh tung lên ngợp trời, cùng tiếng la hét dậy vang!
Người ta bắt đầu tràn ra cả lề đường, trèo lên những chiếc xe jeep lùn (của quân đội VNCH bỏ lại) ôm hôn thắm thiết mấy gã sĩ quan Bắc Việt. Đoàn quân xa vẫn chạy, nhưng rất chậm vì người người tuôn ra đầy con Quốc lộ 1.
Ông Năm tiệm hình “Bóng Tối” phải bước xuống chiếc xe jeep, dọn đường cho đoàn quân, nhưng không xuễ.
Đến trưa, xe bắt đầu kẹt cứng, dừng tại chỗ.
&
Khi lão Tôn ngồi trên chiếc xe jeep dẫn đường, do lão Xã trưởng nằm vùng cầm lái, đến xã Suối Hiệp, một cảnh tang thương đến rợn người! Những chiếc xe tăng hai hôm trước, cùng những chiếc GMC của Mỹ, nằm cháy xém đen dọc hai bên đường. Những xác chết của đôi bên nằm rãi rác nhiều nơi, trãi dài suốt đoạn đường đi.
Cam Ranh tử thủ, và nơi đây đã là đoạn đường giao tranh khốc liệt diễn ra.
Qua đoạn đường quẹo cua vào xã Suối Tiên, nơi có ngôi mộ của người Pháp – Bác sỹ Yersin – một đoàn quân hổn hợp, cũng xe jeep và xe nhà binh của chế độ VNCH bỏ lại khi di tản, nhập dòng. Đó là đám du kích hoặc nằm vùng, lẫn bộ đội chính quy miền Bắc chỉ huy, được bổ sung khi cuộc chiến mỗi lúc nóng bỏng hơn. Sau đó, là những chiếc xe tăng, vơi đi con số của hai hôm trước, do lão Tôn dẫn đường.
Thì ra, họ vẫn còn kẹt nơi đây! Lão Tôn nghĩ: Có lẽ đoàn xe tăng bị chận đánh ở xã Suối Hiệp, sau khi lão và ông Xã trưởng Bé chỉ đường đi tiếp vào miền Nam.
Lại kẹt cứng!
Lão Xã trưởng Bé phải quay đầu xe, chạy ngược về phía đoàn quân xa đang tiến quân hơn cây số, để điều chỉnh hướng đi. Khi đoàn quân ô hợp từ xã Suối Tiên đi qua hết con đường rẽ phải vào Nam, lão Xã trưởng mới rú ga lao chiếc xe jeep đi tiên phong, dò tình hình.
Cái miệng lão Tôn thật tài!
Xe chạy tới xã Thủy Triều, thuộc địa phận thị xã Cam Ranh.
Xe chạy bon bon, lướt gió, mà cái miệng của lão Tôn vẫn oang oang như thường.
Lại Mặt trận giải phóng miền Nam, Cách mạng thành công, đuổi đế quốc Mỹ, Ngụy… đang tiếp quản Sài Gòn! Lão dùng từ “tiếp quản” trơn tru, làm lão Xã trưởng hỏi.
- Tiếp quản là gì, ông Tôn?
- Trời đất! Ông theo Cách mạng bao lâu mà không hiểu nghĩa “tiếp quản”!?
Vừa khi ấy, một chiếc F.5 hay A.37 gì đó, từ Cam Ranh cất cánh bay lên. Phi trường Cam Ranh cách xã Thủy Triều vài cây số đường chim bay. Nên khi chiếc chiến đấu cơ vừa cất cánh, chưa kịp độ bình phi, thấy bên dưới là một đoàn quân xa Bắc Việt đang di chuyển vào Nam, nó chúi đầu xuống, thả một loạt bom phủ đầu, rồi cất cánh lên, chao đảo.
Lão Tôn hoảng hồn, mặt tím ngắt, khi nhìn thấy mấy cục sắt đen thui, rót ra từ cái bụng to ngoàm của chiếc chiến đấu cơ. Lão… đái ra quần! Lão nhớ thật nhanh, như một cuộn film quay lại, đầy tang thương cho chính gia đình lão.
- Cuốc, xẻng, dây kẽm gai, đạn a-ka… lão đã thấy nhiều, như vợ của lão đã bị giết trong nhà thương vì là Y tá, nhưng còn giữ được cái xác. Dù hôi thối! Nhưng đây là hàng loạt bom đang trút xuống trên đầu lão.Khó toàn thây, nói chi một xác chết hôi thối, được tìm lại sau tàn phá bởi bom đạn.
Lão Tôn biết, đã cùng đường. Lão đưa cái loa vào tai Xã trưởng Bé, hét lên.
- Lao xe xuống ruộng, lao xuống ruộng nhanh… ông Bé!
Chiếc jeep phóng mạnh, chồm lên, lao xuống ruộng.
Những tiếng nổ “ình ình” chói tai, đến đặc điếc, ù lên, kêu o o trong màn nhỉ của lão Tôn. Lão nằm im, nghe ngóng.Lão thấy âm ấm nơi đáy quần. Tưởng bị thương, lão đưa tay lần xuống, rờ. Thì ra, lão đã đái ra quần, lúc nào không hay!
Mọi thứ đều câm nín, trong một “sát na” của loạt bom nổ. Sau đó, là những tiếng “ầm ì” từ núi rừng trên dãy Trường Sơn, vọng lại, ngân dài, ngân dài…
Lão Tôn nằm im, mặt dập xuống ruộng, tai nghe ngóng. Cái mũi “ó đâm” hít, thở, liên tục.
- Dường như còn có mùi máu?
Lão hé mắt nhìn, không dám động đậy thân hình.Đó là kinh nghiệm, cho lão còn sống đến ngày hôm nay trong chiến tranh. Bên cạnh lão Tôn, ông Xã trưởng nằm vùng, mặt úp vào đất, nữa cái xương sọ, bị tiện đứt, như một vết chém thẳng, ngọt sớt, mắt mở trừng trừng. Lão Tôn hốt hoảng, mắt lấm liếc nhìn quanh.Lão bật người chạy.Lão chạy điên cuồng như trong mộng mị.Lão chạy tọt vào ruộng mía, nơi nhà máy đường Suối Hiệp đầu tư, núp.Lão ngước nhìn bầu trời quang đãng.
Khi chiếc chiến đấu cơ vừa gượng lại bình phi, hàng loạt pháo phòng không, sau đuôi những chiếc Môlôtôva, bắn tới tắp hàng loạt đạn.
Lão nhìn thấy thật rõ, chiếc chiến đấu cơ, tuôn khói, chúc đầu đâm xuống.
Một cánh dù màu cam bung ra, treo lơ lửng trên bầu trời đầy nắng.
Một tiếng nổ kinh hoàng, làn khói đen tỏa mù mịt bầu trời, nóng bỏng đến chết người.
&
Cái nóng đầu hè hắt xuống như như đun bởi củi lửa. Những bộ đội trẻ, mặt vắt ra sữa, ngồi chịu trận trong lòng những chiếc xe Môtôlôva hoặc GMC. Mặt họ đỏ gay, mồ hôi tươm đầy, ướt cả áo. Nhưng họ vẫn chịu đựng, ngồi cứng ngắt trong lòng xe, tay ôm súng, hoang mang. Quả thật, kỷ luật quân đội đến thế là cùng!
Tuấn đứng bên đường nhìn họ, không thù oán mảy may. Dù rằng, anh biết chế độ miền Bắc Cộng sản là một chế độ thối tha, qua những tờ báo, tiểu thuyết, hàng ngày đọc. Anh thương cảm họ hơn! Cũng như, anh thương cảm những người lính VNCH, sinh ra trong chiến tranh và bị hệ lụy bởi chiến tranh.
Cả hai phía, những người trai của đất nước, đã bị kéo vào chiến tranh. Một cuộc chiến ý thức hệ, do Cộng sản quốc tế giựt dây, qua một lãnh tụ “rước Voi về dầy mả Tổ”! Ở họ, cũng là lòng yêu nước vô bờ bến. Cũng chỉ biết xả thân: Chết cho một Việt Nam yêu dấu! Chỉ tiếc rằng: Họ chết cho một cái bánh vẽ rất lớn, mà họ không hề hay biết!
Tuấn biết rằng: Miền Nam, tự do về vấn đề báo chí và truyền thông, ngay cả biểu tình chống chính phủ đòi hỏi quyền cơ bản làm người, mà Liên Hiệp Quốc đưa ra cho mọi quốc gia, ký kết theo một trào lưu tiến bộ của nhân loại. Hiện tượng: Sư, Sãi xuống đường, đem bàn thờ ra chống đối chính quyền Đệ nhất, nhị Cộng Hòa, đòi hỏi cởi mở tôn giáo, hoặc Nhà báo ăn mày đòi tự do báo chí; Tuấn đã từng đọc qua trên các báo Sài Gòn.
Có lẽ, cuộc đời Tuấn được sắp xếp?
Mồ côi cha, từ năm tám tuổi, Tuấn “ở đậu” nhà Cậu, là ông Năm, tiệm hình “Bóng Tối”. Nói “ở đậu” cho bóng bẫy, chứ ở đợ, đúng hơn! Mười tuổi, Tuấn bắt đầu học rữa ảnh, và mười hai tuổi, anh bắt đầu ôm máy ảnh đi chụp lang thang. Những chiều, sau ngủ trưa, Tuấn thường ngồi đọc báo cho ông Năm, đang ngồi dạy anh làm ảnh trên vỉa hè, đường đi nhờ ánh nắng. Nhiều đứa trẻ ở tuổi này, chẳng đứa nào biết tình hình chính trị thời đó như Tuấn. Anh chắc chắn thế! Tuy nhiên, như bao đứa trẻ khác, Tuấn cũng ham chơi, và cũng bị những trận đòn, đến chết người.Những sợi dây điện của Mỹ du nhập vào Việt Nam, đã hằn vết trên lưng Tuấn, bởi người Cậu (mà sau này anh kể lại cho vợ, con nghe, đều khóc!).
Dường như, chiến tranh nó thiêu đốt mọi nhân ái con người. Nhưng Tuấn, được đọc và biết được nhiều thứ của tuổi đang ham chơi, hơn những đứa trẻ khác.
Tuổi mười bảy, Tuấn càng may mắn đi nhiều về vùng nông thôn để chụp ảnh. Anh hiểu thế nào là cuộc chiến tranh tương tàn. Nó vô cùng phi lí, đến mẫn cảm, cho hai phía thanh niên thời chiến!
- Tôi bảo vệ miền Nam của tôi. Xin Anh đừng xâm phạm, vì đã ký trên cái gọi là Hiệp Định Paris!
- Tôi đã ký. Nhưng Đế quốc Mỹ, vẫn còn hiện diện ở miền Nam, chúng tôi phải đánh!
Đó là lời ngụy biện của chính quyền miền Bắc! – Tuấn nghĩ thế! Vì thế, những thanh niên ăn cái bánh vẽ to tướng, không tưởng, lao vào cái chết như những con thiêu thân!
Họ còn trẻ.Rất trẻ… như Tuấn.Ăn chưa no, lo chưa tới, với tuổi đang lớn, để hình thành một thanh niên vào đời.
Rất tiếc. Họ như những trái còn rất xanh, bị dấm dúi, ủ trong những cái khạp, hòm rương, cho chin tới ngoài dự kiến, nhưng không bao giờ… chín rủ ra, như thiên nhiên! Nó chin dấm! Nó tàn héo, sượng sùng giữa chừng, đen đến khiếp…
Guồng máy chiến tranh là một cái gì đó, tồi bại nhất trong lịch sử loài người!
Thế nhưng, loài người cứ bám theo như một loài đỉa: không mặt, mũi, tay chân, hình hài… để hút máu nhân loại.
Tại sao???
&
Ông Năm, chủ tiệm hình “Bóng Tối”, trở lại hiện trường đang tắc nghẽn giao thông, bằng mấy “két” bia Budweizer, chất dưới chân, trên chiếc vespa của Ý. Không biết, ai ai của cái xứ VN này có còn những lon bia Budweizer, thời trước 1975, chứ ông Năm còn rất nhiều! Thời trao đổi, bán buôn với người Triều Tiên, ông có mọi thứ hàng Quân tiếp vụ, cả đô la xanh quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh tiêu xài, ông có hàng đống. Ông không uống bia, nhưng vẫn giữ, theo thói quen người Việt dành đó, để đãi khách quý.
Ông bê đến chiếc xe jeep lùn, đang tắt máy chờ đợi, nói.
- Chào đồng chí! Tôi là người đại diện của Mặt Trận miền Nam, xin biếu đồng chí uống giải khát!
- Cái lầy là cái gì?
- Bia của tụi Mỹ, uống khoái lắm!
- Bia, sao lại trong non? Phải là ve chứ! Giống quả lựu đạn chầy, giựt bằng dây thế! Ừ. Để tớ thử nhé. Thứ này, ngoài ấy hiếm lắm đấy!
Ông Năm mở lon bia, kêu “bịp”.
- Ga (s) nhiều quá nhỉ!
Ông Năm nhìn cầu vai gã sĩ quan, hỏi.
- Ông anh cấp bậc gì vậy?
- Đại tá, quân đội nhân dân! – Gã hớp ngụm bia, nói. Tiếp.
- Ối dà.Bia lày nặng đấy! – Gã xuýt xoa.
Ông Năm “Bóng Tối” rút ra tấm ảnh, dí sát vào mặt gã Đại Tá, hỏi.
- Đồng chí, biết ông này?
- Úi nao! Đây nà đồng chí Bộ Trưởng, bên Ngoại Giao! Sao ông có?
- Ổng này, là anh rể họ tôi!
- Hả…?
Gã Sĩ quan, phun ngụm bia, lỏ mắt nhìn ông Năm.
- Đồng chí, có biết ông này?
Gã Đại tá nhìn kỷ, lắc đầu.
- Tôi chưa thấy ông lày! Lày… ông Bộ Trưởng Ngoại giao, là anh rể ông, thật à?
- Còn bà này? – Ông Năm không trả lời, chìa tấm ảnh khác.
- Hình như không quen!
Ông Năm đưa tấm ảnh sát mặt gã Đại tá, nhắc.
- Ông nhìn kỹ lần nữa, xem sao!
Lần này, gã Đại tá thốt lên.
- Tôi biết bà lày! Một du kích quân. 16 tuổi, đã hạ sát tên Xã trưởng Ngụy ác ôn ở Bình Định, được đưa ra Bắc, là chiến sĩ thi đua ba Miền!
- Nó, là em gái họ tôi!
- Ông… Không, không… Đồng chí đùa chắc!
- Tôi, đại diện Mặt trận giải phóng miền Nam, tôi không đùa, như ông nghĩ.
Ông Năm lại đưa tấm ảnh lúc trước, gã Đại tá không nhận ra ai là người trong ảnh. Ông Năm nhấn mạnh.
- Đại úy Trường Sơn, người điều khiển chuyến đi trên con tàu X, mang súng đạn tiếp tế của Nga, Tầu từ miền Bắc vào Phan Rang thành công. Tôi có đi thăm ông ấy, năm 1963.Sau bị lộ, phải đi đường bộ trở về miền Bắc thành công.
- A. Tôi nhớ rồi! Đúng nà Đại úy Trường Sơn. Bức ảnh quá cũ, tôi không nhận ra. Đồng chí nà gì của ông ấy.
- Ông ấy là anh ruột tôi! Tôi thứ năm, ông ấy thứ hai, trong gia đình.
- Tôi báo cáo đồng chí một tin không mấy vui. Khi trở lại miền Bắc, sau chiến công oai hùng ấy, đồng chí Trường Sơn đã được Đảng và Nhà nước ta thuyên chuyển qua bên bộ phận Hậu Cần. Tức bên Anh Nuôi, no cho bộ đội.
- Hậu Cần, Anh Nuôi là gì vậy, đồng chí?
- Nà… nà… no bên quân nhu. Như tiếp tế áo quần, thực phẩm và mọi thứ cho chiến tranh.
Ông Năm “Bóng Tối” mặt buồn so, tiu nghỉu!
Ông cứ nghĩ, anh ông sẽ có mặt trong đoàn quân đầu tiên, bước trên con Quốc lộ 1 Diên Khánh như ông ta từng hứa, với người em ở lại nằm vùng, chờ đợi ngày khải hoàn.
Ông Năm “Bóng Tối” thất vọng, hoàn toàn thất vọng. Ông bỏ đi không nói một lời nào!
&
Những kỷ niệm trên 20 năm, lần lượt, trở lại nơi ông Năm ”Bóng Tối”…
Năm ấy, ông 15 tuổi, nhưng to lớn dềnh dàng, như một chàng thanh niên trưởng thành. Anh của ông, Đại úy Trường Sơn sau này, còn cao to hơn ông, lúc đó tên là Hai Sơn.
Thời đó, bọn Tây gạch mặt Ma Rốc, thường nhũng nhiễu dân lành ở những vùng quê. Chúng từ Nha Trang, đem quân kéo lên Diên Khánh, hãm hiếp đàn bà, con gái. Dư âm của Tướng Trịnh Phong để lại, luôn là nỗi khiếp đảm còn sót đọng. Vài tuần, bọn Pháp cứ kéo lên hành hạ dân chúng, dù dũng tướng Trịnh Phong đã bị tiêu diệt từ lâu!
Ngay cây Dầu đôi, có trên vài trăm tuổi, nơi đó, có một cái miếu thờ Ngài. Lên hơn chút nữa, ngay cầu Ông Cạn, là Đền thờ của Chí sĩ yêu nước, Trần Quý Cáp, đã bị chặt đầu nơi đây.
Đất Khánh Hòa: Cọp đầy rừng, Trăn vắt mình đeo cây, thòng xuống như cái võng, rồi tát nước, bắt cá ăn, không là một truyền thuyết.
Mẹ Tuấn, em kế ông Trường Sơn, năm ấy 16 tuổi, chạy không kịp với người cha là Xã trưởng, kiêm thầy thuốc Bắc, cùng một đàn em còn nhỏ dại. Bà bị chúng hiếp.
Nỗi ám ảnh đó, luôn thù hận, đeo trên vai Hai Sơn. Ông thề rằng, sẽ đánh bọn Pháp gạch mặt đến giọt máu cuối cùng. Ông quyết định “lên núi”, chống Thực dân Pháp. Ông cùng bạn bè rút lên núi Đồng Bò, chờ đợi thời cơ.
Trước khi đi, Hai Sơn vỗ vai em, nói.
- Quá lắm. Quá lắm rồi, Năm! Tao phải đi, Năm! Mày ở lại chăm sóc Cậu, Mợ, cùng con Ba đang điên điên, khùng khùng. Bao nhiêu năm trở về, tụi tao đéo biết! Phải diệt thằng Pháp, dành độc lập!
Thỉnh thoảng, Hai Sơn vẫn về đêm khuya, qua ngã Vườn Trầu, từ trên núi Đồng Bò đi xuống, nhận tiếp tế từ gia đình. Rồi sau đó biệt tin!
Năm 1954, đất nước chia đôi qua vĩ tuyến 17 ô nhục! Gia đình ông Năm “Bóng Tối”, nghe thoang thoáng, đám chống Pháp ở miền Trung và Nam, tập kết ra Bắc trên những chiếc tàu Ba-Lan của Liên Hiệp quốc, sau Hiệp định Geneve.
Năm 1963, qua tin mật báo giao liên, ông Năm được biết, anh ông, bây giờ là Đại úy Trường Sơn, sẽ lái tàu chở vũ khí tiếp vận cho chiến truờng miền Nam, qua đường thủy vào mùa mưa.
Bến đổ là ở một làng nào đó ở Lương Sơn. Nhưng con tàu lại lạc đến Phan Rang, trong cơn mưa bão. Qua giao liên báo lại, ông Năm đã gặp lại người anh, sau gần 20 năm xa cách.
Họ gặp nhau chốc lát, và mất liên lạc từ đó.

*

Chương 11

Những gì mọi công dân mong đợi, cũng như không mong đợi, nó đã đến. Và đến – không lành – như một dự báo!
Trước ngày 30 tháng tư hai hôm, ngay bến xe Diên Khánh, gần rạp hát Tân Tiến, nơi gã Bảy Rắn thỉnh thoảng biểu diễn màn nhào ra con Quốc lộ 1, nằm xuống đường, miệng trào bọt mép trắng sủi, chận xe nhà binh, đãxảy ra một sự kiện ghê tởm. Mới sáng sớm, đất còn dậy mùi ngai ngái của bùn non, đất đá… vừa sực lên từ những cánh đồng lúa và cỏở ngoài ngoại ô, bởi bình minh vừa thức giấc sau cơn ngủ dài qua đêm. Lão Tôn cùng giáo Sinh, tay đeo băng đỏ, khí thế đằng đằng, dẫn mười mấy tên du kích xã, xông vào cửa Đền của giáo phái đạo Cao Đài. Lão Tôn dùng cây gậy “thị oai”, gõ gõ cái cổng sắt đang khóa kín, nghe loảng xoảng, gai người.
Ông Từ giữ Đền, nghe tiếng động ló đầu nhìn ra, hoảng sợ.Ông ở trần, nhìn dáo dác quanh nhà.Dường như, ông đang tìm kiếm cái gì đó, nên vô cùng lúng túng và hoảng loạn.
Giáo Sinh không chờ được nữa, nôn nóng cầm cái búa to kình, bắt đầu đập ổ khóa. Tiếng đập “ầm ầm” vào cánh cửa sắt giữa sáng tinh sương, đánh thức mọi cư dân chung quanh, hốt hoảng giật mình choàng thức. Chiến tranh đang là ma, quỷ như đe dọa mọi người. Họ cứ tưởng, đó là những tiếng pháo đạn bắt đầu “mọc-chê” đâu đó bắn vào, của sự chém giết chiến tranh đang thành hình. Gần cả tháng, trong chờ đợi sợ hãi, họ ép mình, sẳn sàng chờ đón mọi tai ương trút xuống cuộc đời. Một phút trôi qua, họ mới định thần trở lại và biết đó không là thứ tiếng
động của bom đạn, họ bắt đầu tràn ra lề đường nhìn dò dẫm.
Mấy ông tài xế xe lam thì khác. Họ đang ngồi lim dim, ngủ gục chờ khách, trước đầu xe, giật mình choàng thức, dụi mắt nhìn. Họ bỏ xe chạy ra, ngơ ngác nhìn.
Đây là cái Đền duy nhất của đạo Cao Đài ở Diên Khánh.Nó được xây từ thời thực dân Pháp.Họ đạo Cao Đài không đông lắm, nhưng dân chúng vẫn kính trọng đạo lẫn nhau.Ở miền Nam, về lãnh vực tôn giáo, mạnh ai nấy thờ cúng đạo mình và vẫn qua lại thăm hỏi nhau rất thân tình.
Chẳng hạn, ông Năm chủ tiệm hình “Bóng Tối” tuy theo đạo Vô Vi, nhưng qua lại vô cùng thân thiết, với ông Từ giữ Đền tên Tâm. Họ thường đàm về Đời và Đạo rất tương đắc.Dân trong phố Thành và ngoài ngoại ô, cũng vậy.Tuy khác đạo, nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn gửi biếu quà bánh, cây trái trong vườn để cúng Đền.
Mấy ông tài xế xe lam rất bất bình. Họ định xông vào Đền che chở cho ông Từ, nhưng thấy bọn du kích xã lăm le mấy cây a-ka, làm họ chùn xuống. Họ được ông Từ, cho đậu xe miễn phí ngang hông Đền từ bao đời nay, nên rất kính mến ông Từ Tâm.
- Đứng ra xa.Đền đang bị phong tỏa. Ai lại gần, bắn ngay! Lão Tôn quơ quơ cây gậy “thị oai” hách dịch, nói.
Mọi người lùi lại nhìn lão Tôn và giáo Sinh căm tức. Ngôi Đền mà bao năm họ sùng kính. Tuy khác đạo, nhưng cửa Đền luôn mở rộng, đón khách thập phương lỡ bước… mấy ông tài xế xe lam, hoặc mấy bà đi buôn bán ở chợ, thường ghé vào sáng sớm, buổi trưa uống ly trà nóng, lạnh do ông Từ Tâm tùy hỉ rót ban.
- Nhìn gì mà nhìn. Không thấy lạ à?Thờ gì không thờ, đi thờ chỉ một con mắt. Đạo quái đản! – Giáo Sinh gầm tiếp, hầm hầm đi vào, khi cái khóa bị đập bung ra.
- Tại sao, tôi gõ cổng ầm ầm, mà không mở cổng, ông Tâm. Ông muốn chống đối chính quyền quân quản?
Ông Từ đứng trên bực thềm cao, giọng run run.
- Tôi chưa kịp mở, vì còn mặc quần áo, tìm xâu chìa khóa, thưa cán bộ. – Ông Từ Tâm run run đi xuống bực thềm, cài cái nút áo cuối cùng, chưa kịp bỏ áo vào quần như cái tánh của ông hàng ngày.
- Ông đừng ngụy biện. Một mắt như các ông là chúa láo toét!
- Còng ngay ông Tâm cho tôi. – Lão Tôn phụ họa.
- Nhưng tôi làm gì để các ông bắt, thưa cán bộ?
- Tôi ra lệnh bắt! – Giáo Sinh nói.
- Lệnh bắt đâu? – Ông Từ Tâm bắt đầu phản kháng.
- Lệnh trong tay tôi, ông nghe chưa! Tôi là lệnh, là luật của chính quyền quân quản này. Còng. Các đồng chí nghe rõ!!!
Họ còng tayông Từ Tâm, bằng cái còng số 8, do quân đội Mỹ để lại.
Lão Tôn giơ gậy, chọc vào mắt ông Thiên ở trên cao, ra lệnh:
- Phá Đền!
Bọn du kích, lúc bấy giờ là lũ thanh niên ít học, trốn hoặc bị bắt lên núi, cùng đám thanh niên du côn trong quận, thức thời theo cộng sản, tha hồ lập công. Chúng lao vào Đền như những con thú hai chân, đập phá điên cuồng. Nơi bệ thờ, chúng nạy những tấm ván, đem ra ngoài lấp kín mọi cánh cửa lớn nhỏ, bằng một thứ đinh lớn đem theo. Chúng niêm phong Đền lại bằng hai tờ giấy đỏ choét, chéo ngang.
Ông Từ Tâm đứng nhìn ngôi Đền bị tàn phá, trong chốc lát đã tan hoang.Ông khóc ròng, chân dậm đùng đùng, uất ức. Ông giật tay gã du kích, định lao đầu vào cánh cổng sắt tự tử, nhưng không được, vì cái còng dính chung tay gã du kích. Gã du kích bực mình vì đau khi cái còng nghiến chặt cổ tay, gã thốc báng súng a-ka vào bụng ông Từ Tâm cật lực, làm ông ngã té qụy xuống lòng đường, máu mũi chảy ra.
Vừa khi ấy, ông Năm tiệm hình “Bóng Tối”, nghe tin chạy tới.
- Các đồng chí làm gì vậy? Ông Tôn, sao ông đánh ông ông Từ, mặt mày đầy máu me?
Ông Năm tiệm hình “Bóng Tối”, tuy theo đạo Vô vi, nhưng cũng bất bình sự vi phạm và trấn áp tôn giáo, trước mặt dân chúng, do lão Tôn và giáo Sinh cầm đầu. Lão Tôn ngước nhìn ông Thiên, khinh khỉnh.
- Mọi thứ tôn giáo, thánh thần… cần phải triệt để triệt tiêu. Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ mọi công dân!
- Tôi cùng làm chính quyền với ông, sao tôi không nghe ai nói gì cả. Ông bắt ông Tâm có lệnh của Huyện đội không?
- Ông Năm. Bây chừ tôi nói cho ông biết! Ông là người của Cách mạng, mà còn mê tín dị đoan. Tại sao ông theo đạo Vô vi. Đạo gì, mà có tên lạ vậy? Tôi khuyến cáo ông, đây là việc của chính quyền cách mạng quân quản tạm thời, ông không nên nhúng tay vào. Ông nên nhớ, tôn giáo sẽ không có đất sống, dưới chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa!
- Ông bảo sao? Ông hù dọa tôi ấy à, ông Tôn?
- Tôi không hù dọa ông, đó là chính sách của đảng!
Ông Năm tiệm hình “Bóng Tối”, mặt tím tái, đưa tay chỉ vào mặt lão Tôn, hét lên.
- Tôi nói cho mọi người đứng đây, được biết. Ông Tôn không phải là người của cách mạng, và chính ông đã giết chết ông Xã trưởng Bé để bịt miệng, nhầm dấu kín về nhân thân của cá nhân ông, chứ ông Bé không chết vì bom như ông ta kể!
Lão Tôn điên lồng lộng, kết hợp cùng giáo Sinh đưa ra kỷ luật tại chỗ.
- Chúng tôi: Đại diện Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, tuyên bố: ông Phan Năm, chủ tiệm hình “Bóng Tối” bị đuổi ra khỏi Uỷ ban Quân quản, vì theo đạo Vô vi, chống lại chính quyền đang thi hành bản án!

&
Cũng như nhiều người, Tuấn bàng hoàng, khi điềm báo…
Như điềm báo thời mạt vận đã tới, khi ngôi Đền Cao Đài, duy nhất và là tôn giáo đầu tiên ở Thành bị phá nát.
Hai ngày sau, miền Nam đã rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Đa số người dân miềm Nam vui mừng nhiều hơn là đau khổ.Cũng có thể, dân trí người dân ở những vùng nông thôn thấp cũng có, nhưng cái lý lẽ chính đáng nhất, là mọi người đã sợ chiến tranh tàn phá và chết chóc quá nhiều.
Buổi sáng hôm ấy, buổi sáng của định mệnh ngày 30/04/1975 miền Nam đang chết, Tuấn ngồi bần thần trên căn gác xép. Anh khóc như một đứa trẻ. Một “Trại Đầm Đùn”, một tác phẩm nói về chế độ lao tù của CSVN ở miền Bắc, Tuấn từng đọc qua, cứ ám ảnh anh mãi.
- Có chăng, nhiều “Trại Đầm Đùn” sau thời chiến tranh?
Tuấn hoang mang cao độ. Dù là một thanh niên 17 tuổi, nhưng Tuấn hiểu rõ thời cuộc như một người lớn trưởng thành, nhờ đọc qua sách báo thời còn rất trẻ. Anh hy vọng rằng: Cuộc Cải cách ruộng đất và Nhân Văn Giai Phẩm sẽ không lập lại trên quê hương này, khi hòa bình vừa vãn hồi. Bao nhiêu triệu sinh linh đã chết, đủ để cho một thiểu số người Việt Nam, nắm vận mạng tổ quốc và dân tộc, thấm thía cái giá của độc lập xứ sở, quê hương.
Một Cải cách ruộng đất, là một sai lầm tai hại và tồi tệ, mà chính Hồ Chí Minh từng tuyên bố, chả nhẽ sẽ lập lại sau hòa bình và thống nhất đất nước? Một Thụy An, Nhà văn nữ miền Bắc, đã tự đâm vào một con mắt của mình – như một sự trừng phạt chính bản thân – khi nhìn ra, độc lập, tự do… của VNDCCH, chỉ là một cái bánh vẽ to tướng, trong phong trào “diệt khẩu văn chương” qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm!
- Anh Tuấn ơi.Có anh Đại dưới nhà, cần gặp anh.
Tuấn lau vội nước mắt, chạy ào xuống cầu thang, ra lề đường ôm thằng Đại. Anh nén khóc, rít lên trong kẽ răng:
- “Thằng” Dương Văn Minh đầu hàng bọn Cộng rồi! Mày nghe tin này chưa?
- Tao nghe rồi, nên mới ra đây. Ông già tao, kêu mày vào Vườn Trầu.
Tuấn nhìn thằng Đại, ngồi trên chiếc xe hon-da của ba nó thường dùng, đi lên Chi khu Cảnh sát hàng ngày làm việc. Nhìn cái bao bố to cộm cột sau lưng yên xe, Tuấn hỏi.
- Cái gì đây, Đại?
- Đừng hỏi. Vào đó khắc biết!
Tuấn trèo lên ngồi sau yên xe, ôm lấy cái bao bố to cộm trước bụng. Đại nôn nóng, rú ga. Chiếc hon-da lao vút.

*
Bọn Tuấn bốn thằng, kéo vô nhà từ đường của thằng Đại trong Vườn Trầu, nhờ mấy đứa em của Đại phân tán ra đi gọi từng đứa về.
Thằng Tấn và thằng Khiêm ở bên kia Đại Điền Đông, là bạn rất thân của Tuấn và Đại. Hằng đêm, bên kia Đại Điền Đông, Tây… thanh niên khi đến tuổi trưởng thành, thường qua Thành ngủ vì sợ bị bắt lên núi như đã trình bày. Họ lại cùng học chung một lớp, nên càng thân nhau. Ông bố thằng Đại, là Trung sĩ nhất Cảnh sát, thương lũ học trò như con của ông. Làm Cảnh sát, ông biết hoàn cảnh của đất nước thời chiến tranh, ông càng thương bọn thanh niên cũng đã bắt đầu biết sợ cộng sản. Ông coi chúng như con cháu trong nhà. Có những cuối tuần, ông đãi
chúng những bữa ăn hoan hỉ và vui vẻ. Hơn nữa, là một Cảnh sát tâm lý chiến, ông lại càng muốn phát huy nghề nghiệp mình, nên lúc nào ông cũng khuyên răn cái đám thanh niên ưa bùng phát nhiều tính dị căn cuộc đời, nhất là những đứa sống trong vùng: ngày Quốc gia, đêm Cộng sản thao túng mọi điều.
Ông trung sĩ nhất cảnh sát, đưa tay vẫy khi bốn thằng thanh niên bước vào vườn. Cuối tháng tư, ngoài kia như đổ lửa, nhưng ở đây gió thật mát, dù đã gần trưa.
- Ngồi xuống, các con. Ta có điều muốn nói!
Họ ngồi vòng tròn, xếp bằng đôi chân, im lìm dưới những tán lá vú sữa trắng và tím bao cả bầu trời chói chang trên cao. Ông trung sĩ, đưa mắt ra hiệu, thằng Đại lấy từ trong cái bao bố một can rượu nếp than 4 lít. Nó đưa răng cắn cái nắp đóng bằng lá chuối khô, kêu cái “bụp” nho nhỏ. Nó trịnh trọng rót vào mấy cái chén nhỏ, rồi ngồi xuống kính cẩn như một tín đồ cao đạo.
Bọn trẻ ngơ ngác nhìn nhau. Chú Tám, bố thằng Đại nâng ly, bảo.
- Uống nào!
- Chúng cháu, không dám uống ạ. Chúng cháu, chưa bao giờ uống!
- Vậy, bây giờ uống nhé!
- Bố, Mẹ chúng cháu biết được, đánh chết mất ạ. – Thằng Tấn lí nhí.
Chú Tám đập cái “bộp” vào đùi, nói.
- Nước đã mất, Nhà đã tan đàn xẻ nghé, cái thân tụi bây còn giữ được không? Hả… hả…
Nói xong, chú Tám ôm mặt khóc rưng rức.Bốn thằng thanh niên mới lớn, ngơ ngác nhìn nhau.Chú Tám chỉ mặt từng đứa, nói trong nước mắt.
-Tụi bây có biết lý do vì sao, tao để cho thằng Đại sống ngoài phố Thành với một tủ sách đồ sộ, cùng những con vật nuôi làm cảnh? Để làm gì?Nó không là lợi nhuận để tụi nó sinh sống. Mà tao muốn rằng, thằng Đại cùng lũ thanh niên chúng mày trong phố, phải hiểu thế nào là nhân sinh cuộc sống. Sống phải biết thương yêu đồng bào mình và ngay cả loài côn trùng, chứ làm sao thằng Đại nó sống nổi với những cuốn sách cho thuê với vài con cá lia thia, bảy màu…
Chú tợp ngụm rượu, tiếp.
- Tội ác đang dần leo thang, khi Việt cộng khủng bố khắp mọi nẻo đường đất nước. Thanh niên bọn bây, nếu không hiểu cộng sản là gì, rất dễ dàng theo. Chúng tuyên truyền rất giỏi! Những thành phố lớn, thanh niên không hiểu cộng sản nhiều – đã đành – vì bọn chúng còn có cả một hậu phương vững mạnh che chở. Ở những thành phố nhỏ, lại cận kề nông thôn, luôn bị rập rình chủ nghĩa cộng sản, còn bị bắt bớ lên núi, nên tao mới cho thằng Đại, mở ra cái tiệm thuê sách này, để mở mang đầu óc tụi bây. Tao vui, khi biết bốn đứa mày, là những thằng mọt sách, đọc không tốn tiền, trong tiệm sách của tao!
Thì ra là vậy! Tuấn cầm chén rượu nhỏ, dâng hai tay.
- Con kính chú Tám một ly rượu đầu đời!
- Cháu cũng uống, như một… – Thằng Khiêm ú ớ. Thằng Tấn cũng vậy, nó lắp bắp…
- Như gì? – Chú Tám hỏi rán tới.
- Cháu không biết nói làm sao…
- Như một tri kỷ! Nghen cháu. Ha… ha…
Năm tên đàn ông, vừa già, vừa trẻ, nâng chén, uống rượu nếp than, nhìn nhau rồi khóc ngất lên. Họ uống say, đến nỗi không tưởng tượng được, là trưa hôm sau, bị bà mẹ thằng Đại tạt những xô nước lạnh vào những bụi chuối sau vườn. Đó là lần đầu tiên, bọn thanh niên biết uống rượu và biết thế nào là mất đi một chính quyền Tự do, Dân chủ còn non trẻ vừa mới thành hình bị bóp chết, bởi một sắp sếp ổn định toàn cầu của chính quyền Mỹ!
Tuấn lan mán nhớ nhất, lúc đã say, đầu óc quay cuồng, anh nhìn thấy: Ông bố cảnh sát của thằng Đại, khi cơn say ngất trời, ôm bốn thằng thanh niên, vừa mới lớn, khóc rống lên.
- Chúng mày phải sống cho ra hình hài con người Việt Nam. Tụi nó đã thắng rồi! Cả cái Đông Dương này sẽ bị phủ đỏ bởi làn sóng CS! Tao chấp nhận tù tội vì làm một người lính VNCH cho một miền Nam tự do, no ấm! VNCH muôn năm!
- Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!
Năm cánh tay dơ lên và bật khóc.
Họ tiếp tục uống.Uống cho đến khi, đi không nổi, mỗi đứa lủi vào những bụi chuối ngủ mê mệt.

8
Diên Khánh trở lại sinh hoạt bình thường.
Học sinh trở lại nhà trường, sau hai tuần của biến cố.Tuấn hình dung, có lẽ lớp học sẽ vơi đi nhiều người bạn, sau cuộc di tản khủng khiếp ở mọi miền đất nước, vì ai ai cũng có thân nhân là những người lính VNCH.Nhưng, không thiếu một khuôn mặt nào ở lớp 11c ban toán.
- Xếp ngay vào hàng, các bạn!
Thằng “Ban bò” vẫn như ngày nào, miệng ngậm cái còi thổi toe toe, bắt xếp hai hàng dọc trước khi vào lớp. Bọn học sinh nghịch ngợm đến mấy đi chăng nữa, khi nghe tiếng thổi còi của nó, phải vào hàng ngay! Thằng này mà ra tay, đố thằng học trò nào dám chống. Ban không hung dữ, cộc cằn; có thể nói, hắn hiền, nhưng rất quy tắc. Thằng học trò nào không tuân lệnh, Ban chỉ đi đến, nắm hai vai gã học trò đó nhấc bổng lên, khiêng, đặt vào hàng đầu, với lời đe dọa.
- Bạn nào lạng quạng, tôi ném vào lớp học ngay!
Chả thằng nào ngu, chống Ban, bởi chúng đã từng nhìn thấy, trong khu vườn nhà Ban bên Đại Điền Đông, khi mà cả bọn được Ban mời thăm vườn cây trái rộng lớn. Hôm đó, hai con bò đen, vàng chọi nhau xé nát một mảnh vườn chuối ngoài rẫy, giữa lúc bọn học trò vui vẻ bên vườn xoài mít. Thằng Ban đã chạy ra, hai tay nắm mỗi cái sừng của bò, quặt ngược chúng lên té chỏng gọng, đá vào đít mỗi con một phát thật lực. Chúng hoảng sợ chạy đi.Bọn học trò, chừng ấy, mới biết Ban là Hạng Võ ở Việt Nam. Ban có thể múa võ, đi quyền đến khi nào các bạn chán mới thôi.
Ban hiền như cục đất. Hắn chỉ dọa, nhưng tên học sinh nào cũng luôn tôn trọng. Ai cũng biết, Ban có vợ và một đứa con trai, nhưng trong khai sinh, gã mới… 17 tuổi với hàm râu quai nón của Hạng Võ!
- Hôm nay, đội nào trực lớp quét dọn, a? Ban hỏi, nhìn vào lớp, tiếp.
- Úi chao! Bàn ghế chỏng gọng, rác rưới khắp nơi.Đội nào trực. Nói nghe nàào!!!
- Hé… hé… Thằng Ban đầu bò, quên mất là, nó đã nghỉ học gần ba tháng, ở nhà ôm con dzợ phẻ re. Hớ hớ!!! Sướng cu ba tháng, đã hông Ban?
Ban ngớ ra, chợt nhớ ba tháng không đến trường. Hắn than lên.
- Ôi chiến tranh sao dài, mà lại ngắn ngũn trong 3 tháng!
- Vậy, đội nào tình nguyện? – Hắn tiếp.
- Không có tình nguyện! – Bọn học trò la ré lên.
- Bắt đầu làm lại, bồi thường chiến tranh! Hé… hé… – Một thằng nào đó cuối hàng, rú lên.
- Tại sao phải từ 1, mà không là cuối? Cuối đội mới công bằng! Ba tháng trước đang dỡ chừng nay bắt làm lại; có phải hai lần?
- Đúng. Đội 5 là đội cuối, phải bắt đầu! – Nhiều tiếng lao xao.
- Đúng! Đội 5 bắt đầu. Ai, là đội trưởng đội 5, giơ tay lên! – Ban nhìn quanh.
- Thằng Ban lú rồi! Mày là trưởng lớp, ngồi cuối dãy, đầu bàn, nên mày là đội cuối cùng. He… he… thằng Ban có mêdzợ qué, nên lú lẫn!
- Cái bánh “bỉm” hại nó! He… he…
- Ban! Cái bánh “bỉm” hình thể nó thế nào? – Thằng Đại, cười rú lên.
- Nó, như cái bản mặt Cảnh sát thằng cha Ngụy của mày! – Ban nói nhưng không nhìn một ai, vì hắn biết tiếng cười rất quen thuộc này.
Thằng Đại tím tái cả mặt. Hắn im re!
Ngoài bốn đứa, Ban là một trong những khuôn mặt khá thân trong phố Thành.
Thằng Ban, là dân bên kia Đại Điền. Năm lên lớp Đệ ngũ, hắn không dám ngủ đêm ở quê. Ban có người chú ở Thành, nên đêm nào cũng qua đây ngủ vì sợ Việt cộng bắt lên núi. Thi thoảng, Ban, Tuấn cùng hai thằng bạn nữa thường kéo nhau về Vườn Trầu nhà thằng Đại chơi: học bài chung, làm thơ, sáng tác nhạc… nên rất thân nhau. Ban cũng biết, ba thằng Đại làm cảnh sát ở Chi khu Diên Khánh với cấp bậc Trung sĩ nhất.
Lúc tan hàng, ông cũng chạy vào Cam Ranh như mọi người lính khác, để tử thủ. Nhưng đến Suối Tiên bị đám du kích, lẫn bộ đội chính quy, tràn ra đánh, cắt đôi đoàn quân di tản, ông phải chạy trở về ngay hôm đó trên chiếc xe jeep, bỏ trong Vườn Trầu.
Nhà thằng Đại giầu lắm. Ba nó có ba căn nhà ở phố Thành của nội, ngoại để lại. Hai căn kia để Cô, Dì nó buôn bán hàng tạp hóa và tiệm bánh Trung thu. Nó chiếm một căn, với mấy đứa em trai. Gia đình ông Thuận Thanh có 10 cô con gái, thì gia đình nó có 10 thằng con trai. Năm thằng lớn, sinh năm một, sống ở phố, năm thằng còn lại sống với bà mẹ Công chúa giàu sang, có kẻ hầu trong vườn cây ăn trái lớn ở Vườn Trầu, mà đa số là trồng cây vú sửa. Như đã nói, Vườn Trầu là đất mất an ninh về đêm, nên Ba nó bắt nó ra Thành sinh sống và đi học, vì sợ mấy ông du kích trên núi xuống bắt đi.
Mỗi mùa vú sửa ra trái, đến gần cuối mùa thu hoạch, nhìn năm anh em nhà nó dẫn bạn về hái ăn, Tuấn xón cả tâm can. Bọn học sinh vừa tìm kiếm những trái vừa chín tới ăn, vừa đạp những nhánh vú sửa gãy gập xuống, chờ. Hai ba hôm sau, những trái vú sửa chín dấm ấy, được bọn học trò nghịch ngợm kéo cả cành xuống ăn tiếp.
Đại là con mọt sách trên mọi con mọt sách. Nhìn tủ sách cho thuê của nó không thua gì thư viện nhà trường, ai cũng nể nó. Tuấn, may mắn được đọc tủ sách của nó, cộng tủ sách gia đình ông Năm, đó là nền tảng căn bản để vào đời của anh.
- Thằng Ban bò, sao kỳ vậy?
Tuấn bỏ nhỏ tai Đại. Hắn đứng im re. Cái cảnh ông bố hắn, đang nhấp nhỏm từng ngày, trong vườn cây ăn trái thênh thang ở Vườn Trầu, làm Đại lo ra.
- Dường như thằng Ban đã thay đổi? Đôi mắt là biểu hiện cho một linh hồn trong sáng! – Đại rên rỉ.

*
Đọc những sách báo ở miền Nam tự do, Tuấn biết: Trong cách tổ chức guồng máy chính quyền, có lẽ không một tổ chức chính trị nào hoàn hảo bằng người Cộng sản.
Đó là tuyên truyền!
Đi đến đâu, họ cài cắm đến đó, dù có bị giết chết, hoặc cơ sở tan hoang, họ vẫn làm.Chưa chắc họ hiểu biết, hoặc thông suốt, vì thường khi ở núi rừng hoặc sống chui rút nhiều hơn ngoài đời.Cái máu “cướp” của họ là tiêu chí đầu tiên. Cán bộ chết, sẽ có người khác thay thế!
Trong giáo dục cũng vậy.Suốt ba tháng trong trận chiến cuối, từ Bắc vào Nam, họ cài cắm những nơi đã từng đi qua.Giữa tháng 5, 1975, trường Trung học Diên Khánh đã có 5 giáo viên từ ngoài Bắc vào chiếm đóng.
Ông Hiệu trưởng: một gã nhà quê nói ngọng, l thành n và ngược lại. Chính trị viên học đường là một gã vô cùng khó hiểu đến quái dị: Gã luôn đeo kính đen dù vào trong lớp học, và bên hông cái đài nho nhỏ, bật, tắc tùy thích mỗi khi hứng.
Và một cô giáo dạy toán cấp ba, 21 tuổi, với cái quần vải đen nhăn nhúm, áo vải màu xanh của lính đến thảm hại, ngực chùn thẳng xuống như đeo yếm đào, của thế hệ trước.
Không hiểu bằng cách nào, lão Tôn bây giờ là Giám thị trường trung học Diên Khánh.

*
Thằng Ban ở đội 5, cắm cúi dọn lớp học sau ba tháng nghỉ học vì chiến tranh đến hồi kết thúc.Ở đội 5 có 5 nam và 5 nữ. Ban toán, thường rất ít nữ sinh. Nhưng đã là nữ sinh ban toán, thì khỏi chê! Các cô luôn vượt qua các bạn nam sinh, gần như dẫn đầu, ngoại trừ Tuấn. Thằng Ban vừa dọn, quét, vừa rên.
- Mẹ. Có năm bà Công chúa cũng như không! Chỉ bọn con trai là thiệt thân.
Đám con trai học sinh nghe vậy cười khoái chí vỗ tay. Thằng Ban ngừng tay quét dọn, lõ mắt nhìn ra hăm dọa.
- Cười. Cười gì? Muốn tôi ném, như ném bò!
- Ném đi, ném đi! Ném thằng nào có tên Ban bò trước nhất! He he…
Ban bò uất ức đi vào lớp.
- A ha. Các bạn nhìn kìa. Bên A1, có hai tiểu thư áo dài…
- Ê, thằng kia! Giờ này, con nào dám áo dài?
Quả thật, chỉ sau một trận “cuồng phong” rất ngắn, lớp lớp “ngoài kia” tràn vào với mũ tai bèo và áo bộ đội xanh dành cho mọi tầng lớp, không hơn hai tháng, mọi áo dài cổ truyền Việt Nam, dường như mất biến vĩnh viễn không một lời chay tịnh, bái đưa vĩnh biệt. Đàn bà, quần lãnh đen hoặc xám xỉnh, nhăn nhúm xuất hiện ngày càng phổ thông hơn. Cái áo dài mất biến trên những thân hình thuôn thả của các giáo sư trẻ kính mến trước kia.
Mọi thứ đều đảo ngược. Trong sân trường ngày ấy, không còn là: nam sinh, áo trắng quần xanh, nữ sinh áo quần dài trắng. Giờ là mọi thứ màu hổn độn, đập vào mắt mọi người.Một thứ vô trật tự, cố ý, làm bung xung lên. Thậm chí không còn một chiếc xe máy nào, đậu ở nơi dành riêng cho các giáo sư lúc trước. Chỉ xe đạp, sau hai tháng cách mạng thành công!
Điều đó cho biết rằng: Người dân miền Nam, rất nhạy bén với thời cuộc!

*

Chương 12

Ông Năm chủ tiệm hình “Bóng Tối” bước ra khỏi tiệm ăn A Ùi (nay là ngân hàng Nhà nước), mặt tím tái vì tức giận. Ông lầm bầm.
- Một chính quyền khốn nạn. Một bọn cướp ngày!
Từ khi thấy lão Tôn và giáo Sinh hành xử như một thứ côn đồ không luật pháp, ông bắt đầu bất mãn, không sinh hoạt gì cả.Ông đóng cửa tu tại gia, mặc lão Tôn hoành hành bá đạo qua cái mác chủ nghĩa CS, ông vừa nhìn ra (sau gần hai thập niên làm việc lén lút cho họ!). Tùy tiện hành sự bắt người trái phép, đập phá chùa chiền của các tôn giáo, là một nhà nước vô cùng nguy hiểm, theo như ông nghĩ.
Bây giờ đến lượt ông!
Sau hai tháng “giải phóng” miền Nam, cửa tiệm ăn của ông A Ùi vẫn đóng cửa im ỉm. Không một ai trong phố biết ông hiện giờ ở đâu và ra đi từ lúc nào! Lão Tôn càng nôn nóng hơn.Lão muốn biết bên trong có gì thay đổi, hay còn lại những gì?Lão Tôn bấy giờ là Xã trưởng xã Diên Toàn, kiêm Giám thị trường Trung học Diên Khánh.Lão đề nghị lên Huyện ủy cho tịch biên cửa hàng ông A Ùi.Trên Huyện đồng ý. Lão Tôn dẫn mười mấy tên du kích đầu trâu mặt ngựa, đập cửa xông vào. Tiệm ông A Ùi vẫn y nguyên, như những ngày thường mở cửa trước kia. Bà vợ điên của ông cũng biến mất một cách lạ lùng. Trên căn lầu, chỉ còn lại những sợi dây xích rỉ sét.
Sát vách tiệm A Ùi là ngân hàng Nông Thôn Diên Khánh trước 75, lão Tôn cho người đập vách, cơi rộng ra, sát nhập thành một; và Ngân Hàng Nhà Nước ra đời ở đây. Lần đầu tiên, sau hơn hai tháng “giải phóng”, ông Năm mới nghe được cái gọi là “danh từ”: Nhà nước. Chứ không còn là của Nhân dân, như từng nghe và thắc mắc!
- Ha! Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tòa án nhân dân, và nhiều thứ nữa cũng của… nhân dân! Công an làm sao là của nhân dân, khi mà ai cũng sợ hãi sau hai tháng “giải phóng”, khi mà người dân bắt đầu thù hằn gọi bọn chúng là Bò Vàng, Bò Xanh? Quân đội làm sao là của nhân dân, khi đó chính là tập họp của một số người làm việc dưới sự chỉ thị của đảng?Nhất là tòa án, dùng để xử kiện, khép tội nhân dân cho có án, lại là của nhân dân?Sao kỳ vậy? Thật là một lối ru ngũ tinh vi của người cộng sản. – Ông Năm lẩm bẩm.
Mới đây thôi, hai tháng trước thời còn mồ mả chính quyền VNCH, ông Năm “Bóng Tối” còn làm ăn, giao dịch với những tiệm hình trong nước, và buôn bán với người Nhật qua tiệm hình, ông phải gửi tiền vô Ngân hàng để tiện giao lưu. Đồng đôla của quân đội Mỹ, ông có rất nhiều, nhưng không bao giờ gửi vào Ngân hàng, chỉ gửi tiền đồng VN. Vậy mà hồi nãy, rút ra họ không cho…
- Thưa cô. Tôi muốn lấy hai triệu!
- Bác nói gì ạ? Hai triệu cơ à. – Một giọng Bắc nhỏ nhẹ.
- Dạ. Hai triệu.
Lúc bấy giờ hai triệu lớn lắm, khi chưa đổi tiền.Cô gái mắt mở to, nhìn ông.
- Gia đình bác có người qui tiên?
Ông Năm nỗi sùng.
- Cô nói gì lạ vậy!?Tôi bỏ tiền vào, thì tôi cũng có quyền lấy ra bất cứ lúc nào muốn, dù thay đổi chính quyền.Mọi thứ vẫn còn đó qua con số. Hồi trước, tôi lấy có ai thắc mắc! – Ông dí cuốn sổ ngân hàng vào mặt cô gái, nói.
- Cháu biết. Nhưng theo qui định mới của chính quyền “ta”, vì vừa mới giải phóng cho giai cấp nông nô, số tiền được rút ra phải có lý do chính đáng, như gia đình “ta” có tang chế hoặc tai nạn ngặt nghèo!
- Tôi cần tiền, nên phải lấy ra!
- Thưa bác. Đó là quy định ạ!
- Qui định gì kỳ cục vậy?
- Như vậy không đúng chủ trương của nhà nước, bác ạ! Phải có người thân qua đời hoặc tai nạn gì đó, ngân hàng Nhà nước mới cho rút. Bác cũng thông cảm, đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, cần xây dựng lại…
- Như vậy, tôi phải mong thân nhân chết bất đắc kỳ tử, mới rút được tiền ra? Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là ngân hàng Nhà nước!
- Bác bảo sao ạ? Bác thông cảm nhé. Đây là chính sách của Nhà nước “ta” ạ!
Ông Năm muốn chữi thề! Nhưng nghĩ lại, là nhà tu hành đành thôi, ấm ức ra về.Ông lập lại lần nữa.
- Đồ quân cướp ngày, ngân hàng Nhà nước VN!

*
Đi ngang qua chợ Thành, ông Năm loáng thoáng nghe tiếng loa, giọng quen quen. Ông đứng lại, dỏng tai nghe. Bên kia đường là ngôi Đình cũ kỹ trên trăm năm, một giọng eo éo như đàn bà.
- À. Lão Tôn. Con thằng lằn từng đeo trên cột đình là mụ Bốn Cao!
- Các anh là tàn dư của Mỹ Ngụy để lại, nhưng các anh chỉ là những hạ sĩ quan và binh lính. Chính quyền cách mạng lâm thời, theo chính sách khoan hồng của đảng, tập trung các anh hôm nay, và cho học tập cải tạo 3 ngày, để biết rõ đường lối chủ trương lãnh đạo sang suốt của đảng. Sau đó, các anh được về đoàn tụ với gia đình. Và, sau đó nữa, các sĩ quan quân đội, được học tập mười ngày, rồi cũng về với nhân dân, trở thành công dân đích thực của nước VNDCCH! Ba ngày đó, các anh học tập ngay mái Đình này… Chính sách của đảng rất khoan hồng
và độ lượng, đối với bọn Ngụy quyền thua trận là các anh. Nghe rõ!
Mọi cái miệng nhép lên, rên ri rỉ.
- Rõòo…
- Đúng là thằng Tôn.Cái miệng “Tôn lò”của nó đáng ghê thiệt. Hèn chi, giáo Sinh – như cặp rắn song sinh cùng lão Tôn, tôn hắn là “đồng chí đại ca”!
Ông Năm không nhịn được, rên lên, khi biết rằng ông anh của ông, vì một chuyến thất lạc trên biển, do thời tiết gây nên, bị thuyên chuyễn làm một gã anh nuôi, hậu cần gì đó, khó ngóc đầu lên.
Ông đi qua hàng người lố nhố, trên 50 mạng người xếp hàng dọc, nhìn vào.Ông thấy chú Tám ba thằng Đại, trong số ấy.Chú Tám cũng nhìn thấy ông Năm tiệm hình “Bóng Tối” đang đứng nhìn. Chú nheo mắt làm hiệu, ông Năm bước đến gần, hỏi.
- Mọi người làm gì ở đây?
Chú Tám nói.
- Anh Năm, cứu em!
Ông Năm và chú Tám là đôi bạn thân từ hồi Pháp thuộc, nên rất thân nhau, như Tuấn và thằng Đại bây giờ.Ông lớn hơn chú Tám vài tuổi.
- Lão Tôn bắt tập trung, học cải tạo ba ngày, không biết có thật không?
- Ba ngày thì ba ngày. Thôi, chú ráng lên còn về với vợ con. Chứ lão Tôn và giáo Sinh là “song Tỵ hữu hành hung” ở phố Thành bây giờ. Đừng chọc lão giận mà nguy đến bản thân. Chú hãy nhìn cái gương của tui bây giờ mà hành xử!
Ông nhìn quanh, lắc đầu như ngầm bảo.
- Thân tôi lo chưa xong, nói gì đến chú!
Chú Tám không hiểu ý, nói huỵch toạt.
- Hồi trước, em biết anh là VC nằm vùng, nhưng không báo cáo!
- Bởi vậy, tôi với chú, bây giờ mình giống nhau, ôm nạn vào mình! Đừng trách móc thằng Mỹ và thế giới tự do! Hãy xem lại chính mình đã làm gì! Một thằng làcảnh sát, không tố cáo bạn bè mình là cộng sản; một thằng dân, nuôi và tiếp tế cán bộ CS nằm vùng, chỉ vì lợi nhuận cá nhân do ngoại bang đem đến! Bản thân tôi cũng như chú, nhưng tôi đang ngoài vòng kềm tỏa, làm sao giúp chú! Nên nhớ: lão Tôn, mặt chuột, tai dơi, mắt lé liêng là loại người nguy hiểm.
- Đồng chí… ông Năm! Mời ông ra khỏi nơi đây.Đây không thuộc trách nhiệm ông.- Lão Tôn quơ gậy nói như hét vào loa.
Ông Năm chủ tiệm hình “Bóng Tối”, nhổ bãi nước bọt đi thẳng về nhà, miệng lầm bầm.
- Cách mạng mà có những loại người như mày, đất nước này cũng đến hồi mạt vận!

*
Mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường trong một xã hội mới vừa thành hình. Dân chúng có vẽ hài lòng cuộc sống trước mắt. Chiến tranh chấm dứt, đồng nghĩa với hòa bình mà họ hằng mong đợi trên quê hương VN chịu nhiều tai họa đau thương, giữa người đồng chủng giết nhau bằng súng đạn ngoại bang. Cảnh chết chóc hàng ngày vì đạn bom pháo nổ, phải chui xuống hầm không còn, cảnh di tản dân chúng nơi xẩy ra chiến tranh không còn thấy nữa, những cái chết tập thể sẽ lùi dần vào quên lãng của trí ức…? Trước hết, họ phải sống, tranh đấu sống để xây
dựng lại những gì đã mất mát trong chiến tranh tàn khốc. Với họ, đó là ước mơ lớn nhất, dù sự mất mát vừa trải qua vô cùng bi thảm và đớn đau…
Như thường lệ, mỗi sáng sớm, Tuấn ngồi retouch những tấm film trước khi đến trường. Anh vừa làm, vừa miêm man suy nghĩ. Cũng có thể, những ước mơ của người dân tầm thường là điều đến tầm tay với của họ. Ở họ, hầu hết 80% dân nông thôn trên đất nước sống về nông nghiệp này, hoàn toàn thuộc về họ; và họ có quyền mơ ước. Còn những người lính chế độ VNCH thì sao? Tuấn không một mảy may tin tưởng. Kinh qua những kinh nghiệm đi nhiều nơi, thấy nhiều việc… qua những tàn sát tập thể. Đọc những hồi ký, truyện, và nhất là cuốn film “Chúng tôi muốn sống”, thuật lại những ngày Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, rồi vượt biển vào Nam, do chú Tám, ba thằng Đại, cùng Bộ Chiêu hồi trình chiếu dưới Đình, Tuấn không tin tưởng lắm.
Trước nhất, ngày tập trung hạ sĩ quan và binh lính ở Đình, trước chợ Thành.Đúng ba ngày, mọi binh sĩ đều trở về quê quán, làng xã quanh vùng sinh sống như một công dân bình thường.Chỉ duy nhất, hai ông trung sĩ cảnh sát, là ba thằng Đại cùng một ông trung sĩ bên Bộ Chiêu hồi biệt tích, không biết họ bị đưa đi đâu.
Học tập ba ngày.Đúng ba ngày trở về, như lời cách mạng hứa.“Đúng hẹn lại lên”, những ông Sĩ quan “hân hoan” trình diện cho 10 ngày, đều biệt tích hôm sau.Cái Đình vắng tanh. Không loa, không tuyên truyền phủ dụ; và lão Tôn cùng giáo Sinh mất tiêu!
- Thằng “Chài Cộng sản” buông một tấm lưới thật tuyệt diệu!
- Rầm… rầm… Mở cửa… mở cửa, Đại.Nếu không, tụi tao đập cửa vào.
Tuấn giật thót người vì tiếng động chát chúa và tiếng người réo gọi như một bọn cướp. Anh đưa cán bút, vạch kẻ hở nhìn ra. Bên kia đường, đối mặt xeo xéo là nhà thằng Đại, bọn du kích bốn đứa cùng chiếc xe ba gác, mà mụ Bốn Cao ăn cắp của ông A Ùi, không biết thế nào lại lọt vào tay chúng. Chúng đập rầm rầm, nhưng không có tiếng trả lời. Những cái búa tạ bắt đầu đập “ình ình” vào những thanh gỗ cứng như sắt, rồi cũng vỡ ra. Bọn du kích ùa vào như một lũ Sa tăng, hừng hừng tà khí.
Bụp… bụp…
Mấy chục cái hồ cá cảnh, chúng đập từng cái, thống khoái như như một lũ rồ. Những con cá Tai tượng, cá Chép… to bằng bàn tay nằm giẫy giẫy trên nền cement, rồi tuôn ra lề đường. Chúng đạp lên cá vừa đi, vừa đập phá mọi thứ. Một thằng chúc đầu xe “ba gác” xuống, tông thẳng vào nhà thằng Đại, la to.
- Tiêu hủy văn hóa đồi trụy của bọn Ngụy quyền Sài gòn, các đồng chí ta ơi!
Những kệ sách đổ ập xuống trong lòng chiếc “ba gác”, thoáng chốc đã đầy. Chúng lui xe ra lề đường, trút những cuốn sách xuống, và lại đi vào. Cứ thế tiếp diễn. Khi những kệ sách trống không, và chiếc “ba gác” đã đầy ắp, một thằng leo lên ngồi, một thằng khác từ phía sau tiếp lực, đẩy chiếc xe đi về hướng trường Trung học Diên Khánh. Mấy thằng còn lại bắt đầu dồn lại những cuốn sách ướt, khô, cao ngút như một Kim tự tháp nhỏ gọn, chúng châm lửa đốt! Khói đen ngộp trời.Chúng tưới thêm dầu lửa, ngọn lửa bắt đầu bùng cháy nhanh hơn.
Những con cá to bằng bàn tay, trên vỉa hè và lòng đường, chúng giẫy giẫy và từ từ cong lên như những cánh cung không cần sợi dây căng cứng!
- Một mùi thơm của Cách mạng đang đem đến!
Tuấn đưa cán bút, khép tấm gỗ. Anh mở khóa, dắt chiếc xe đạp “đòn dông”, đạp nhanh lên trường.

*
Vừa tới cổng trường, Tuấn đã nhìn thấy, những cuốn sách và báo đang được bọn học trò bê ra từ thư viện nhà trường đổ hàng đống trước phòng, dưới bực thềm của ban Giám Hiệu nhà trường. Lão Tôn với cây gậy, quơ quơ, hò hét hối thúc học sinh.
- Nào, mau lên các em, rồi chúng ta phải đốt cho nhanh cái thứ sách đồi trụy của bọn Ngụy quyền Sài gòn này!
Tuấn dựng xe vào cổng, chạy thốc vào thư viện nhà trường. Nơi đây, anh từng làm tự nguyện viên quản thủ thư viện, vì tánh mê sách. Cả một thời tuổi trẻ của Tuấn ngoài việc vác máy ảnh đi chụp hình, phải nói sách là món ăn tinh thần anh mê đắm đuối. Bây giờ, những cuốn sách mà anh trân quí, sẽ bị hủy hoại trong chốc lát làm anh đau lòng. Thằng Ban bò, tay đeo băng đỏ, vừa hối bọn học sinh mang sách vất đi, vừa đi theo chúng kiểm soát chặt chẻ. Sau tháng Tư, những con Chuột bắt đầu ló ra, khoe hình hài… một lũ ăn cơm Quốc gia thờ ma CS, trong đó có gia đình Tuấn, Ban bò và rất nhiều nữa… Họ chính là những nhân tố quyết định vận mệnh đất nước, cho một chính quyền tự do non trẻ ở miền Nam vừa mới thành hình.
- Ban! Ai bảo mày làm việc này, hả, hả?
Ban bò lần đầu tiên thấy Tuấn cộc cằn đến nghiêm trọng. Hắn ngớ người ra.
- Không có mày tao phải làm! Dù sao, tao cũng là Đoàn viên, đoàn thanh niên cs Hồ Chí Minh, lại là đoàn phó.
Tuấn lặng im, vì Ban nói đúng!
Tuấn được lão Tôn, bấy giờ là Giám thị trường, chỉ định và kết nạp vào đoàn thanh niên cs, vì có nhiều thân nhân hoạt động cs từ thời kháng chiến chống Pháp và sau này của hai chính quyền Đệ Nhất, Nhị. Vì thế, mọi sinh hoạt của học sinh đều qua sự giải quyết của Tuấn, ngoài ông Hiệu trưởng, lão Tôn và ông chính trị viên học đường. Mấy anh lớp 12, cũng phải e dè và sợ Tuấn. Tuấn dịu giọng.
- Mày đi ra ngoài kiểm soát các bạn mang sách ra. Tao ở trong này.
Thằng Ban bò lầm lủi, đi ra, không hầm hè đe dọa vui đùa như trước.Lần đầu tiên trong đời, Tuấn thấy sức mạnh của một tập thể cầm quyền. Nó mạnh đến dễ sợ!!! Sức mạnh ấy, không là vai u, thịt bắp, mà là một sự gắn bó hữu cơ đến vô lý: – Tập thể của những người có quyền hành – dù lớn, nhỏ đến cở nào trong sinh hoạt đảng, đoàn! Đó là chìa khóa “vạn năng” để ngoi mình trong chế độ cs.
Tuấn nhìn quanh căn phòng. Sách và báo, ngổn ngang đến não lòng! Ôi, những cuốn sách cho anh vào đời, giờ thế này sao?Anh đi lòng vòng, muốn khóc. Trong góc cuối căn phòng, dành riêng cho những loại sách nghiên cứu và ngoại ngữ, Tuấn thấy hai cuốn Tự điển 1, 2, bản Pháp Việt, Việt Pháp: Larouse. Anh mừng muốn rú lên.Lúc bấy giờ, những cuốn Tự điển loại này rất hiếm ở miền Nam, nhất là ở những thành phố nhỏ như Diên Khánh. Tuấn học sinh ngữ Anh và Pháp từ người chị là giáo viên sinh ngữ Anh, lúc vào hệ trung học, nhưng nghe và nói, anh hoàn toàn mù tịt! Bà chị Tuấn, mỗi khi nói chuyện với ông anh Luật sư của Tuấn, họ đều nói bằng tiếng Pháp, dùng những từ khó hiểu hơn. Tuấn thắc mắc, anh chị đều nói.
- Mày còn nhỏ, không nên hiểu và nghe!
Tuấn vô cùng ấm ức! Bây giờ nó nằm đây! Làm quản thủ thư viện bao năm, nhưng Tuấn chưa bao giờ tìm thấy. Đủ hiểu, thư viện của một trường trung học tỉnh lẻ, nó lớn đến dường nào!
Chờ bọn học sinh ra khỏi thư viện, Tuấn chộp hai cuốn Tự điển vào nách. Anh ngó quanh tìm chỗ giấu. Không một chỗ nào khả dĩ giấu được. Tuấn trèo lên bậc cửa sổ phòng, nhìn quanh. Bên kia là hành chánh quận Diên Khánh, sau lưng là trại Pháo binh… Anh nhìn ông Thiên trên cao, hét.
- Chỗ nào đâây, hả… Trời!?
Trên đầu Tuấn là tấm bửng cement, che mưa nắng cánh cửa sổ trong phòng. Anh bám đôi tay, hít thật mạnh, đưa cả thân người lên cao, bỏ hai cuốn Tự điển vào đó. Tuấn vừa nhảy xuống, thằng Ban bò bước vào.
- Ông làm gì vậy?
Lần đầu tiên, thằng Ban gọi Tuấn bằng ông! Tuấn đáp.
- Tao, đang đái vào cái Chi khu Diên Khánh của bọn Ngụy quyền!

(Còn Tiếp)

© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats