Tô Nam
Sinh viên Đại học Cornell, Hoa Kỳ
Cập nhật: 10:16 GMT - thứ ba, 4 tháng 12, 2012
Gần một thế kỉ
trước, thế hệ những người mà nay đã tóc bạc da mồi thường nói về niềm tin như
một thứ sức mạnh tinh thần vô giá để giúp họ vượt qua mọi khó khăn thử thách
khi phải đối mặt với chiến tranh, ngục tù, và thậm chí là cả cái chết. Đó là
niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một đất nước Việt Nam độc lập, thống
nhất, tự do, và một xã hội công bằng, dân chủ, bác ái.
Niềm tin đẹp đẽ
đó dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc, sự khao khát tự do sau nhiều thập niên bị đàn áp, và hơn hết, đó là niềm tin của lý trí vì
những đòi hỏi đó là những quyền căn bản của con người, mà không sớm thì muộn
cũng nhất định sẽ phải được đáp ứng. Sức mạnh của niềm tin tạo nên lý tưởng như
một mục tiêu cụ thể để hiện thực hoá những giấc mơ, hoài bão mà thực tại không
cho phép.
Lý tưởng Cộng sản
với bản chất đẹp đẽ nhất của nó là tạo ra một xã hội công bằng không phân biệt
giai cấp, tự do không đàn áp, do vậy là một niềm tin có cơ sở khi mà cả dân tộc
ta bị từ chối những quyền cơ bản ấy. Những người tin vào chủ nghĩa Cộng sản
những năm 30 của thế kỉ trước hẳn là có một tâm hồn đẹp với những khát khao
chân chính.
Khủng hoảng niềm
tin và lý tưởng
Ngày nay, khi
hỏi thế hệ trẻ Việt Nam tin vào điều gì, có lẽ sẽ khó có thể tìm được một câu
trả lời đồng thanh thỏa đáng như của những thế hệ trước. Thế hệ trẻ ngày nay ít
còn tin vào những gì vẫn được rao giảng về một thiên đường xã hội chủ nghĩa và
cũng ít tin vào bất cứ điều gì khác.
Sự khủng hoảng
về niềm tin dẫn đến sự hụt hẫng về lý tưởng. Sự hụt hẫng về lý tưởng dẫn đến
thiếu sót trong mục đích sống. Càng ngày người ta càng thấy nhiều hơn giới trẻ
sa lầy vào những cuộc vui quên ngày tháng. Không có “giấc mơ Mỹ” tôn vinh giá
trị của lao động chân chính và cần mẫn với lý tưởng là sự giàu sang của bản
thân, người Việt trẻ dường như đang sống để hưởng thụ nhiều hơn.
Khi mà sự giàu
sang vẫn được nhìn với ánh mắt phản cảm và ngờ vực, vốn dĩ là hệ quả của hơn
nửa thế kỉ đề cao giá trị của giai cấp vô sản và thực tại tham nhũng tràn lan;
và khi mà con đường học tập và lao động chân chính không phải là cách duy nhất
để làm giàu mà còn có nhiều cách khác đỡ tốn công sức hơn, cũng là dễ hiểu nếu
như giới trẻ tự cho mình thái độ hài lòng với cuộc sống. Âu đó cũng là cách để
giới trẻ sống trung thực ít nhất là với chính bản thân mình.
Tuy nhiên, sự
khủng hoảng niềm tin và lý tưởng không hẳn là xấu vì bản chất con người là
không thể khiến bản thân tin vào những điều họ vốn đã không tin mà không có lý
do gì thuyết phục. Một con người với đầy đủ sức mạnh tư duy và lý trí sẽ luôn
luôn tìm những chứng cứ để củng cố niềm tin của chính mình, và từ bỏ nó khi
những gì diễn ra trong thực tế không giống như trong hình dung của họ.
Tôi có một người
bạn sinh ra trong một gia đình quan chức cao cấp, được kết nạp Đảng Cộng sản
năm 18 tuổi và là đảng viên trẻ tuổi nhất ở ngôi trường trung học danh tiếng
nhất Thủ đô. Anh học giỏi và đi du học đại học ở Hoa Kỳ nơi anh tiếp tục thu
nhận những kiến thức mới về chính trị, kinh tế, và xã hội. Một buổi đêm mùa hè
2 năm trước tôi ngủ nhờ nhà anh ở New York và hỏi anh về niềm tin Cộng Sản, anh
tâm sự rằng ở nhà bị ảnh hưởng tin một kiểu và sang đây (Mỹ) bị ảnh hưởng kiểu
khác tin kiểu khác.
Tôi nghĩ anh tin
vào điều gì không quan trọng bằng việc anh đã dũng cảm đối mặt với bản thân và
sức mạnh lý trí. Anh không ngần ngại đặt câu hỏi với chính niềm tin và lương
tâm của mình để tìm ra chân lý thay vì bấu víu vào những niềm tin mù quáng.
Nhìn về tương
lai
Một niềm tin mù quáng là khi con người chối bỏ thực tế và
cố gắng níu giữ lấy những gì mong manh nhất còn sót lại của một giấc mơ không
có thật. Trong triết
học, những niềm tin không lý trí như thế được gọi là niềm tin vô đạo đức, khi
mà con người không có trách nhiệm với chính bản thân mình để có thể rũ bỏ những
ảo tưởng và quay trở về với thực tế.
Nếu như hiện
thực xã hội là hệ quả của những niềm tin và lý tưởng trong lịch sử thì tương
lai sẽ được định đoạt bởi hôm nay. Khi mà thực tế không giống như những gì
trong sách giáo khoa, sẽ là vô đạo đức khi những niềm tin truyền thống không bị
lay chuyển. Những người vẫn hàng ngày rao giảng những niềm tin
vô đạo đức đó và làm lú mờ con mắt lý trí của những nạn nhân cả tin sẽ là đáng
trách hơn cả, vì chính họ đã và đang góp phần huỷ hoại tương lai.
Thay vì áp đặt
và kỳ vọng, cũng như cố gắng giáo dục cho lớp trẻ một niềm tin mù quáng, có lẽ
sẽ là tốt hơn cả nếu để cho họ “lạc lối” để rồi tự do khám phá lý tưởng riêng
của mình. Và có lẽ cũng đã đến lúc những người đang ngày ngày rao giảng niềm
tin kia dừng lại một phút để ngẫm nghĩ xem niềm tin và lý tưởng Cộng sản của
mình một thời nay có còn là chân thật nữa hay không?
Bài viết phản
ánh quan điểm riêng của tác giả, sinh viên Đại học Cornell, chuyên ngành Triết
Học - Chính Trị - Kinh Tế.
No comments:
Post a Comment