02:59:am
01/12/12
Việc
gì phải cuốn gói bỏ đi khỏi một nước được xem là sắp trở thành nền kinh tế lớn
nhất thế giới để đến một nước đang lao đao bờ vực sụp đổ khỏi vị trí cường quốc
số một như Mỹ? Thế nhưng chuyện nực cười đầy mỉa mai này lại đang xảy ra với
nhiều người Trung Quốc. Một lần nữa, thử đặt câu hỏi là vì sao?
Ván bài có ít nhiều
cơ hội
Viết
trên Forbes (28/10/2012), cây bút Gordon Chang cho biết, tổ chức Global
Financial Integrity ước lượng rằng, từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã mất
3,79 ngàn tỉ USD bởi các vụ tuồn tiền ra nước ngoài bất hợp pháp. Trong 2 năm
qua, 1,05 ngàn tỉ USD đã bị thất thoát; và theo Wall Street Journal, chỉ trong
12 tháng (tính đến tháng 9/2012), khoảng 225 tỉ USD đã “vượt biên” khỏi Trung
Quốc.
Tình
trạng này đang làm thiệt hại đáng kể dự trữ ngoại tệ quốc gia Trung Quốc. Một
trong những nguyên nhân trực tiếp khiến kinh tế Trung Quốc bất ngờ bị “thoái
vốn” là do hiện tượng ngày càng có nhiều người giàu Trung Quốc bỏ ra nước
ngoài. Theo báo cáo mới nhất của “Hồ Nhuận bách phú” (Hurun Report), Hoa lục
hiện có hơn một triệu “thiên vạn phú ông” với tài sản hơn 10 triệu tệ (1,6
triệu USD).
Tuy
nhiên, bản báo cáo công bố ngày 31/7/2012 trên cũng cho biết, hơn 16% trong
nhóm “thiên vạn phú ông” đã di cư ra nước ngoài hoặc đang nộp hồ sơ di trú,
trong khi 44% người khác có ý định tương tự trong tương lai gần. 1/3 tài sản
người giàu Trung Quốc hiện cũng ở nước ngoài. Theo The Economist (4/8/2012),
niềm tin chính đang bị mất ở Trung Quốc. Hiện chỉ có chừng 28% người giàu còn
bày tỏ hy vọng cho hai năm tới, giảm từ 54% so với năm 2011.
Victor
Shih thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết, 1% các hộ gia đình giàu nhất
Trung Quốc đang sở hữu 2-5 ngàn tỉ USD tài sản (bất động sản, vốn lưu động).
Cho nên, nếu họ “manh động”, dự trữ ngoại tệ Trung Quốc chắc chắn ảnh hưởng,
chưa kể những tác động kéo theo đối với hệ thống tài chính quốc gia và sự vận
hành của cỗ máy kinh tế…
Ngoài
ra, có đến 85% người giàu đang lên kế hoạch cho con ra nước ngoài du học. Theo
CNN, trong niên khóa 2009-2010, Trung Quốc đã qua mặt Canada, Ấn Độ và Hàn Quốc
để trở thành nước có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ; và tiếp tục tăng 23% (lên
đến hơn 723.000 du học sinh) tại Mỹ trong niên khóa 2010-2011. Từ năm 1999 đến
nay, số du học sinh Trung Quốc đứng thứ hai tại Đại học Harvard (chỉ thua
Canada). Điều này cho thấy thêm rằng, hệ thống giáo dục Trung Quốc chưa bao giờ
là niềm tự hào đối với chính công dân nước họ.
Cuộc
tháo chạy khỏi Trung Quốc thật ra đã hình thành từ nhiều năm và bắt đầu bùng nổ
vài năm gần đây. Làn sóng di cư đang hướng đến Canada, Anh, Australia và đặc
biệt Mỹ. Chỉ riêng tại Mỹ, 65% đơn xin di trú diện đầu tư trong năm tài khóa
2011 đều đến từ Trung Quốc (Wall Street Journal 11/5/2012). Theo chương trình
này, người đứng đơn và thân nhân trực tiếp được phép thường trú tại Mỹ nếu họ
đầu tư ít nhất một triệu USD vào Mỹ và thuê mướn được 10 công nhân làm việc
trong 2 năm.
Trong
vài trường hợp, do thời gian chờ trung bình hai năm để được cấp visa EB5 định
cư thường trú Mỹ, nhiều dịch vụ “cò” đã ra đời; đồng thời một số người cũng
được tư vấn đến những nơi dễ hơn chẳng hạn đảo St. Kitts ở Caribbean hoặc thậm
chí Bulgaria hay nước Đông Âu nào đó rồi từ đó tìm cách thâm nhập vào sâu châu
Âu. Với dân giàu xổi Trung Quốc, một triệu USD là khoản tiền không phải quá sức
để có được tấm vé “vượt biên chính thức” mang cả gia đình ra nước ngoài. Nó bộc
lộ một sự thật mỉa mai rằng, Trung Quốc vẫn là nơi chưa mang lại giấc mơ ngay
cả đối với chính công dân mình!
Hiện
tượng ra đi không chỉ xảy ra đối với người giàu mà cả với giới trí thức. Một
phóng sự mới đây trên New York Times (31/10/2012) đã cho thấy việc này. Ở tuổi
30, Trần Quát đã đạt được nhiều thành công mà nhiều người Trung Quốc mơ ước: có
một căn hộ riêng và một nghề lương cao tại công ty đa quốc gia. Nhưng vào giữa
tháng 10/2012, cô Trần đã xách valy đáp chuyến bay nửa đêm đến Australia để bắt
đầu cuộc sống mới, làm lại từ đầu, chấp nhận rủi ro.
Như
hàng trăm ngàn người khác cô Trần cũng mất niềm tin khi sống ở đất nước mình,
nơi môi trường ngày càng kinh khủng, tham nhũng ngày càng lộng hành và người
dân thấp cổ bé họng ngày càng bị đẩy xuống tận cùng của hố đen xã hội, nơi mà
một bộ phận công nhân và nông dân đang chua chát oằn mình biến thành những nấc
thang cho công cuộc phát triển trong khi một bộ phận thiểu số bòn rút cạn kiệt
sinh lực quốc gia lại nhẫn tâm đánh cướp tất cả những gì có thể cướp và thậm
chí cả tự do.
“Dân trung lưu ở Trung Quốc không cảm thấy an toàn cho tương lai và đặc biệt cho tương lai con cái” – nhận xét của Tào Thông, giáo sư Đại học Nottingham – “Họ cũng không nghĩ tình trạng chính trị (Trung Quốc) là ổn định”. Sự kiện Bạc Hy Lai đã để lại nhiều dư chấn chưa tan. “Sẽ tiếp tục có nhiều bất ổn và rủi ro, thậm chí ở cấp cao nhất, thậm chí ở cấp Bạc Hy Lai” – nhận định của Lương Tại, chuyên gia di trú thuộc Đại học Albany – “Người dân (Trung Quốc) đang tự hỏi rồi điều gì sẽ xảy ra trong hai ba năm tới trước mắt”…
Sự
giũ áo ra đi của Trần Quát là sự tiếp bước theo chân 508.000 người Trung Quốc
đã từ bỏ quê hương đến 34 quốc gia thuộc Tổ chức phát triển hợp tác kinh tế
(OECD) vào năm 2010 (tăng 45% so với năm 2000); là sự tiếp bước theo chân
87.000 người Trung Quốc đến định cư tại Mỹ năm 2011 (so với 70.000 năm trước
đó). Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện có đến 800.000 người Trung Quốc đang
làm việc tại nước ngoài gấp 13 lần năm 1990. Họ chấp nhận làm mọi việc, từ chạy
bàn, lái taxi đến bốc vác, với tâm lý chẳng thà “khổ” ở Mỹ hoặc Anh còn “sướng”
hơn ở Trung Quốc nhiều lần! “Tất cả cho thấy hiện tượng trên được thúc đẩy bởi
nỗi sợ mất mát tại Trung Quốc” – theo Hạng Bưu, nhà nhân khẩu học Đại học
Oxford – “Ra nước ngoài trở thành một ván bài có thể mang lại ít nhiều cơ hội”.
Vấn
đề “vượt biên chính thức”, chứ không phải “chảy máu chất xám”, đang trở thành
chủ đề được bàn cãi căng thẳng trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Phương Trúc Lan, giáo sư Đại học Nhân Dân, gần đây đã viết trên tờ Diễn Đàn
Nhân Dân rằng, nhiều người dân Trung Quốc đang “bỏ phiếu bằng đôi chân”, ám chỉ
sự bày tỏ mất niềm tin bằng thái độ giũ áo ra đi…
Còn ai tháo chạy
nữa?
“Tháo
chạy khẩn cấp” là từ chính xác để nói về bọn này: đám quan tham từng vét sạch
két sắt nhà nước rồi cao chạy xa bay. Theo bản tin China News ngày 6/6/2012,
thống kê chính thức từ Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết có
tổng cộng 18.487 viên chức Trung Quốc đang trốn tại nước ngoài bởi dính vào
tham nhũng và biển thủ ngân khố từ năm 2000-2011.
Bọn
tội phạm này (trong đó có những tên cộm cán như Cao Sơn, Dương Tú Châu, Tưởng
Cơ Phương, Trình Tam Xương) đã mang theo hơn 157 tỉ USD. Vụ việc trở thành nóng
bỏng đến mức một hội thảo liên ngành với chuyên đề về nạn viên chức tham nhũng
trốn ra nước ngoài đã được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 23/5/2012.
Năm 2011, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra báo cáo cho biết có 18.000 viên chức đã trốn ra nước ngoài từ 1995-2008 với số tài sản thất thoát lên đến 125,7 tỉ USD. Trong thực tế, theo Lý Thành Ngạn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liêm chính Chính phủ thuộc Đại học Bắc Kinh, số viên chức đào tẩu có thể lên đến 10.000 với tài sản thất thoát lên đến hơn 150 tỉ USD. Từ năm 2011, Bắc Kinh đã bắt đầu theo dõi tài khoản cũng như nơi ở của thân nhân viên chức.
Theo
China Economic Weekly, việc giám sát này đã giúp chặn được trung bình 50 viên
chức trốn khỏi Trung Quốc mỗi ngày! Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối
cao Trung Quốc Tào Kiến Minh, với sự giúp đỡ của giới tư pháp nước ngoài, Trung
Quốc đã bắt được 1.631 tội phạm đào tẩu và thu hồi được 1,2 tỉ USD.
Trong
số bọn “tội phạm kinh tế” đào tẩu, bọn quan tham hám gái là đáng chú ý hơn cả.
Trong vụ “ăn đường sắt” chấn động Trung Quốc, lực lượng chống tham nhũng đã
phát hiện một trong những kỹ sư chính của Bộ Đường sắt Trung Quốc, Trương Thự
Quang, có một biệt thự cực sang (5 phòng ngủ, 5 toilet) theo phong cách Địa
Trung Hải tại Los Angeles, trị giá 840.000 USD, khi lương của hắn chỉ có 365
USD/tháng! Hẳn nhiên ngôi biệt thự tại Mỹ là nơi được thiết kế để Trương “hạ
cánh” một khi đánh hơi thấy tai họa sắp chụp xuống đầu – một thủ đoạn quen
thuộc của giới “lỏa quan”.
Năm
2010, một viên chức viễn thông tại Tứ Xuyên, tên Lý Hướng Đông, bỗng nhiên ly
dị vợ và tống “mụ ấy” sang Canada. Thế rồi, ngày nọ, chỉ một ngày trước khi có
lệnh bắt chính thức tội biển thủ 60 triệu USD, “Lý tiên sinh”, liệu việc như
thần, đã nhanh chóng chuồn mất dạng sang Canada.
Tương
tự, Dương Tương Hồng, Bí thư một quận tại Ôn Châu, khi đánh hơi thấy “có động”,
đã “tiên hạ thủ” bằng cách gấp rút tổ chức lễ cưới cho con gái tại Paris để lấy
cớ đi Pháp. Có điều, khi “tẩu vi” (và không trở lại), “Dương đại nhân” đã ôm
theo 12 triệu USD tiền hối lộ từ giới trùm bất động sản! Cần chú ý rằng, ở một
nơi mà luật chỉ cho phép công dân mang không hơn 50.000 USD ra nước ngoài mỗi
năm như Trung Quốc, những vụ tuồn hàng triệu đôla như nói trên đã cho thấy rằng
hẳn phải có các đường dây “dịch vụ” tinh vi chắc chắn như thế nào từ những tên
quan tham nhũng khác.
Nó
cho thấy thêm rằng lỗ hổng luật pháp Trung Quốc lớn như thế nào, cho thấy một
hiện tượng “ăn xổi ở thì” lan rộng như thế nào, không chỉ ngoài xã hội mà cả
trong giới chính quyền, với tâm lý vơ vét thật đậm rồi chuồn. Cho đến nay,
Trung Quốc vẫn chưa có giải pháp đồng bộ trong việc ngăn chặn giới chức tham
nhũng trốn ra nước ngoài. Tháng 1/2012, chính quyền Quảng Đông tuyên bố viên
chức nào có thân nhân di cư nước ngoài sẽ không được thăng chức. Đó hoàn toàn
là một biện pháp chữa cháy tạm thời.
Nguyễn Cao Trí (petrotimes.vn)
No comments:
Post a Comment