December 24, 2012 6:37 PM
“Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác” của HT
Thích Như Điển và Trần Trung Đạo
(Hồi ký về thời gian hai tác giả sống tại chùa Viên Giác, Hội An)
(Hồi ký về thời gian hai tác giả sống tại chùa Viên Giác, Hội An)
Lời ngỏ trong phần của Trần Trung Đạo
Tháng trước đứng nhìn những người dân
Ấn sùng đạo tắm gội trên sông Hằng để xóa đi những vết trần tục hôm qua và làm
trong sạch đời sống mới hôm nay, tôi chợt nghĩ, nếu được như vậy thì có lẽ rất
nhiều người trong đó có tôi sẽ đến sông Hằng mỗi năm để làm mới cuộc đời mình.
Thật ra không dễ dàng như thế. Quá
khứ vẫn còn trong tâm tưởng. Vui buồn, vinh nhục, đúng sai, thăng trầm đã đóng
lại thành những ngăn có thứ tự, có tên gọi trong ký ức. Đây là thầy cô cũ, đó
là bạn bè xưa, bên kia là chia ly, bên này là hạnh ngộ. Thời gian như lớp sương
phủ mỗi ngày một dày thêm trong trí nhớ, nhưng một ngày trời quang mây tạnh, ký
ức lại trở về, mang niềm vui đến nhưng cũng có khi hành hạ mình.
Không biết là duyên hay nghiệp, nhưng
đời tôi gắn liền với những ngôi chùa. Chùa Ba Phong ở làng Mã Châu, chùa Viên
Giác ở Hội An, chùa Phổ Hiền ở Ngã Tư Bảy Hiền. Ngay thành phố Boston tôi đang
sống, trước nhà tôi bây giờ cũng là một thiền viện.
Tôi dọn về đây đã 11 năm. Không bao
lâu sau khi ổn định chỗ ở, ngày nọ nhìn ra đường, một tu sĩ Phật Giáo còn khá
trẻ đang đứng ngắm căn nhà đang treo bảng bán.Vợ tôi nhìn tôi “Anh đến đâu là
có chùa theo đó.” Thật vậy, vài tháng sau, căn nhà của
người láng giềng bên kia đường trở thành ngôi thiền viện. Thiền viện Bồ Đề như
tên chùa được khắc vào viên đá trước cổng ra vào. Ngoại trừ những ngày lễ lớn
ghé qua thăm và chúc sức khỏe các thầy, tôi ít khi đến chùa và cũng không nhớ
hết pháp hiệu các thầy. Những buổi sáng mùa thu trời không mưa, tôi ngồi nghe
tiếng chổi vọng qua từ ngôi chùa nhỏ bên kia đường. Các thầy trong thiền viện
thức dậy rất sớm. Thay vì dùng chiếc máy thổi lá như nhiều người ở xứ này, các
thầy vẫn quét lá bằng chổi như những ngày còn ở Việt Nam. Thật lạ, giữa thị
trấn sầm uất của phía nam thành phố Boston lại có một khoảng đất nhỏ mang trọn
vẹn một khung cảnh, một nếp sống Việt Nam. Thiền viện với mái ngói cong, với
tiếng chuông ngân dài hòa trong tiếng lá rơi xào xạc buối sáng cuối thu. Một
không khí êm dịu khó có thể tìm đâu trong thành phố kỹ nghệ này.
Tiểng chổi của các thầy vang vọng
trong tâm hồn tôi một âm thanh quen thuộc, nhắc nhở tôi về một ngôi chùa ở Hội
An, chùa Viên Giác. Vâng, cũng ngôi chùa nhỏ, cũng quét lá trong sân chùa vào
mỗi sáng. Nhất là những sáng mùa thu, lá rụng đầy.
Mới đó mà đã hơn 40 năm rồi. Bốn mươi
năm mà như mới hôm qua. Cậu bé trong tâm hồn tôi cũng chẳng lớn hơn chút nào từ
những mùa thu cũ. Ngày đó, năm giờ sáng, khi phần đông người trong chùa còn
ngủ, cậu bé thức dậy bắt đầu công việc mỗi ngày của mình. Cậu bé phải quét lá
sớm để bảy giờ thì đi bộ đến trường. Sân chùa rộng, nhiều khi vừa quét xong
nhìn lại phía đầu sân bên kia, lá rơi đầy như trước, lại phải quét thêm lần
nữa, nếu không thầy trụ trì thức dậy sẽ trách vì nghĩ là cậu bé chưa quét. Cậu
bé đó chẳng ai khác mà chính là tôi.
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn.
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn.
Ngày đó, nhiều buổi sáng khi quét lá
xong, trời còn sớm tôi ngồi trên bệ đá trước giảng đường học bài. Nhìn những
chiếc lá đang nhẹ nhàng rơi xuống, tôi nghĩ về mình và những đứa bé cùng cảnh
ngộ. Số phận của chúng cũng mang nỗi cô đơn sâu thẳm và mong manh như chiếc lá
đang rơi.
Thế hệ tôi là thế hệ của những chiếc
lá bị cuốn đi trong mùa bão lửa. Lá rơi trên đường phố Đà Nẵng. Lá rơi dọc bến
xe đò Hùng Vương. Lá rơi vào những hố rác hôi thối ở Hòa Cầm. Lá rơi bên ngoài
các căn cứ lính Mỹ. Mỗi sáng, bên ngoài các hãng kem, hàng trăm chiếc lá tuổi
mười hai, mười ba sắp hàng chờ nhận kem đi bán. “Trường học”, “mái ấm gia
đình”, “tình thương cha mẹ”, “một bữa cơm ngon”, hình như lâu lắm rồi không ai
nhắc với chúng những chữ gần như xa lạ đó nữa. Cuộc hành trình chúng tôi đi
không có bóng mát. Những bàn chân nhỏ nhoi trên con đường Việt Nam đầy hố đạn.
Tôi thường nghĩ, nếu không có chùa
Viên Giác, nếu không có tiếng chuông chùa nhẹ đưa, không có lời kinh khuya ru
tuổi thơ nhiều mất mát, cuộc đời tôi, như hàng triệu chiếc lá chiến tranh khác
lang thang khắp ba miền đất nước, không biết giờ này về đâu. Cám ơn Đức Phật và
những lời dạy của ngài. Tình thương, bao dung và tha thứ như những giọt nước
mát rót vào tâm hồn cháy bỏng của tôi thời thơ ấu.
Năm năm sau, vào một buổi sáng mùa
thu, tôi đã trở thành một thanh niên 18 tuổi. Hôm đó là ngày tôi lạy Phật ra
đi. Lá chưa rơi nhiều nhưng tiếng xào xạc hòa trong cơn gió lớn như cùng tấu
lên khúc nhạc tiễn đưa tôi. Tạm biệt chiếc đại hồng chung và những tiếng ngân
dài, tạm biệt chiếc giường gỗ và bầy rệp đỏ, tạm biệt chiếc mùng ngăn muổi
nhiều chỗ vá. Không giọt nước mắt nào nhỏ xuống trong giờ chia tay người đi kẻ
ở. Tôi tự tay mở cánh cửa sắt nhỏ ngăn hai thế giới và ra đi âm thầm như ngày
mới đến chùa.
Nhiều khi ngồi nhớ lại mình và những
đứa bé bất hạnh thời chiến tranh, tôi tự hỏi, những chiếc lá vàng trên hè phố
Đà Nẵng, trên bến xe đò Nam Lộc, trong hố rác Hòa Cầm ngày xưa đã bay về đâu.
Thời gian âm thầm trôi như dòng sông
bất tận. Bỗng dưng tôi thấy thương mình trong thời ở chùa Viên Giác hơn bao
giờ. Bỗng dưng tôi thèm được về bên sân chùa cũ ngồi dưới ánh trăng thu để lắng
nghe tiếng lá ru như tiếng mẹ vỗ về. Bỗng dưng tôi thèm được hát, bài hát của
một thời hoa niên đầy nước mắt.
Tôi sẽ về. Dù bay bao xa, một ngày,
chiếc lá cũng sẽ trở về chùa Viên Giác như sư phụ tôi dặn dò trong lần cuối gặp
nhau năm 1981. Sư phụ tôi đã viên tịch, cây đa già thân yêu của tôi cũng đã
chết nhưng tinh thần Viên Giác vẫn còn sống trong từng hơi thở, từng đoạn văn,
từng bài thơ tôi viết hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này.
Những người thân của tôi một thời
dưới mái chùa Viên Giác ở hải ngoại không có ai ngoài Hòa Thượng Thích Như
Điển.
Nhớ lại, cách đây ba năm, một buổi chiều
rất nhớ Hội An, tôi chợt nảy ra một ý kiến viết chung với Hòa Thượng Như Điển
một tác phẩm. Thầy viết rất nhiều sách và tôi cũng viết khá nhiều thể loại
nhưng chưa có dịp viết chung một tác phẩm để kỷ niệm. Một lần gặp nhau ở
Chicago trong dịp tham dự lễ khánh thành Chùa Trúc Lâm do Thượng Tọa Thích Hạnh
Tuấn trụ trì, tôi bạch với hòa thượng ý định đó. Thầy rất vui, đồng ý và đón
nhận ý kiến với thái độ có vẻ còn nhiệt tình hơn cả tôi.
Trong nghi lễ Phật Giáo, Hòa thượng
Thích Như Điển là một bậc tôn túc cao của hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh và một
trong những vị lãnh đạo giáo hội, nhưng trong chỗ riêng tư thầy cho phép tôi
vẫn xem thầy như người anh lớn như những ngày tôi còn nhỏ ở Hội An. Mỗi lần
điện thoại thăm nhau, thầy vẫn một giọng nhỏ nhẹ như ngày nào hoàn toàn khác
với cá tính ồn ào sôi nổi của tôi.
Chúng tôi đã sống với nhau một thời
gian, tuy không dài nhưng đầy kỷ niệm. Mấy chục năm qua nhưng những năm tháng
đó sẽ không bao giờ quên khi trí nhớ tôi còn làm việc. Thầy nghiêm khắc nhưng
rất thương yêu và hy sinh cho các thế hệ sau. Niềm vui của thầy là sự thành
công của huynh đệ cùng tông môn, của các đệ tử thầy kỳ vọng. Tính của thầy nói
là làm, khác với tính của tôi chuyện này cứ xen vào chuyện khác.
Sau mấy chục năm xa cách, chúng tôi
gặp nhau lại lần đầu tại đại học Harvard, nơi Thượng tọa Hạnh Tuấn đang theo
học bậc Cao Học Phật Học. Thời gian trôi qua. Thầy không còn là “Chú Điển” và
tôi cũng không là “thằng Nhơn quét lá” như xưa. Những sợi tóc ngã màu trên mái
tóc tôi và nhiều nếp nhăn trên vầng trán của thầy. Nhưng quá khứ vẫn còn nguyên
vẹn. Quá khứ của một ngôi chùa mang nhiều duyên và nghiệp vẫn sống âm thầm
trong ký ức chúng tôi. Cuộc đời chỉ là một sân ga trong hành trình sa số kiếp
của mỗi con người. Đúng hay sai phân tích cho cùng chỉ là những phán xét chủ
quan, giới hạn trong đời sống này. Còn bao nhiêu đời sống khác, còn bao nhiêu
điều chúng ta chưa biết hết, chưa hiểu hết.
Như đã hứa với nhau, chúng tôi sẽ
viết về thời chúng tôi còn xách nước, quét lá đa, làm tương chao ở chùa Viên
Giác. Nếu một người cầm bút mà không viết về nơi mình lớn lên thì còn viết về
nơi nào khác nữa.
Hai tháng sau, trong thời gian hoằng
dương Phật pháp ở Úc, thầy viết xong phần thầy nhưng tôi thì chưa.
Tôi quá nhiều việc phải làm và việc
nào cũng có thời hạn phải hoàn thành, trong gia đình, đời sống, sáng tác, cộng
đồng và xã hội. Nhưng lý do chính, những năm tháng tôi ở chùa Viên Giác là
những năm tháng buồn nhất đời mình. Tôi viết được ba chương thì dừng lại. Thầy
Như Điển nhắc nhở nhiều lần nhưng tôi không viết tiếp được. Viết về những ngày
buồn chẳng khác nào gặm nhấm nỗi đau lần nữa. Thuở tuổi mười ba vô tư, trong
trắng, chuyện buồn như nắng và mưa, đến và đi nhiều khi không để lại một nhiều
băn khoăn, thao thức trong tâm hồn. Bây giờ thì khác, viết lại thời khốn khó,
buồn nhiều hơn vui, không phải dễ dàng. Đại sư Chagdud Tulku từng giảng “sống
phải biết buông xả như người đang bơi giữa sông dù gì đi nữa cũng phải tiếp tục
bơi”. Biết thế, nhưng không phải nghĩ đúng rồi sẽ luôn làm đúng.
Hành trang giúp cho ta có nhiều phương tiện để hoàn thành một chuyến đi nhưng
chính hành trang đôi khi cũng là một gánh nặng làm chậm bước đi của mình.
Tuy nhiên, vì đã có duyên với nhau
nên trước hay sau gì cũng đến cùng điểm hẹn. Hôm nay, sau nhiều lần được thầy
nhắc nhở, tôi cũng viết xong phần mình. Đây không hẳn là một hồi ký đúng với
thứ tự thời gian các biến cố xảy ra theo từng năm, từng tháng và cũng không
phải là tất cả, mà chỉ là những suy nghĩ còn nhớ được từ những ngày còn nhỏ ở
Xuyên Châu, Duy Xuyên, cho đến Vĩnh Điện và cuối cùng là Hội An.
Nhiều chương vừa hoàn tất nhưng một
số chương đã viết xong khá lâu, một số chương được chọn từ những bài viết riêng
đã lưu hành trên mạng lưới internet và cũng có thể trùng lập trong vài tác
phẩm. Dù mới hay cũ vẫn là của tôi, cùng dòng mực và cùng những giọt nước mắt
đọng lại sau một hành trình bi tráng.
Mời quý vị đọc và xem đây như món quà
tinh thần gởi đến độc giả nhân mùa Vu Lan năm nay.
Trần Trung Đạo
Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác
Tác giả Thích Như Điển và Trần Trung Đạo
Bìa của Họa Sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp
Ruột giấy láng và hình màu
Trình bày Quảng Pháp Trần Minh Triết
Coi sóc chính tả Nhà văn Lương Thư Trung
Xuất bản Viên Giác xuất bản lần thứ nhất 2012
Giá $10.00 (trong nước Mỹ xin gởi thêm $4.00 cước phí bưu điện)
Tất cả số thu do Trần Trung Đạo phát hành sách sẽ chuyển qua các chương trình từ thiện của chùa Viên Giác Hội An.
Check hay money order: Phung Tran 774 Granite Street Braintree, MA 02184 Email: TranTrungDao@aol.com
Paypal: Xin vào trang http://www.trantrungdao.com mục Quán Sách để đóng góp qua Paypal.
Tác giả Thích Như Điển và Trần Trung Đạo
Bìa của Họa Sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp
Ruột giấy láng và hình màu
Trình bày Quảng Pháp Trần Minh Triết
Coi sóc chính tả Nhà văn Lương Thư Trung
Xuất bản Viên Giác xuất bản lần thứ nhất 2012
Giá $10.00 (trong nước Mỹ xin gởi thêm $4.00 cước phí bưu điện)
Tất cả số thu do Trần Trung Đạo phát hành sách sẽ chuyển qua các chương trình từ thiện của chùa Viên Giác Hội An.
Check hay money order: Phung Tran 774 Granite Street Braintree, MA 02184 Email: TranTrungDao@aol.com
Paypal: Xin vào trang http://www.trantrungdao.com mục Quán Sách để đóng góp qua Paypal.
No comments:
Post a Comment