Saturday 1 December 2012

GIẢI HÒA BÌNH KHỔNG TỬ (Huỳnh Văn Úc)




Huỳnh Văn Úc
01/12/2012

Khổng Tử (551-479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học có ảnh hưởng đối với đời sống văn hóa các nước Đông Á. Triết học của ông nhấn mạnh sự tu dưỡng đạo đức “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, các đức tính “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Các tác phẩm ông để lại cho đời như Luận Ngữ, Ngũ Kinh được truyền tụng như là giáo lý của một tôn giáo-Khổng giáo. Người đời sau tôn ông là “Vạn thế Sư biểu”- Bậc thầy của muôn đời. Tư Mã Thiên đã nói về Khổng Tử như sau: “Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển nhưng chết đi là hết. Khổng Tử là một người áo vải nhưng các học giả cũng như thiên tử, vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi ông là bậc Chí Thánh vậy”.

Năm 2010 Giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động vì nhân quyền đang bị cầm tù là Lưu Hiểu Ba khiến nhà cầm quyền Trung Quốc tức giận. Dường như để giải tỏa sự tức giận này các học giả của trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã khởi xướng Giải Hòa bình Khổng Tử. Một độc giả đã bày tỏ ý kiến của mình trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo: “ Chúng ta cần có Giải Hòa bình Khổng Tử để cho thế giới biết nhận thức của chúng ta về hòa bình và nhân quyền. Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc thì văn hóa Trung Quốc cần phải được truyền bá trên khắp thế giới”.

Giải Hòa bình Khổng Tử năm 2010 được trao cho cựu Phó Tổng thống Đài Loan Liên Chiến. Ông này tuyên bố rằng không hề hay biết về giải thưởng được trao và không có mặt trong lễ trao giải hồi tháng 12/2010. Người lên nhận giải (dĩ nhiên được coi là thay mặt cho ông Liên Chiến) là một bé gái sáu tuổi, được trao một bó 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD). Giải Hòa bình Khổng Tử năm 2011 được trao cho Vladimir Putin. Trong buổi lễ trao giải người ta thấy hai sinh viên người Nga đang học ở Trung Quốc theo một chương trình trao đổi văn hóa lên nhận giải thay. Giải thưởng lần này không phải là nhân dân tệ mà là một pho tượng Khổng Tử mạ vàng. Hàng loạt bình luận của người dân gửi đến giới truyền thông Nga cho đó là một việc làm nhảm nhí và vô giá trị. Và Giải Hòa bình Khổng Tử 2012 Trung Quốc định trao cho ai? Ngày 9/9/2012 nhà tổ chức giải đã loan báo danh sách các ứng cử viên cho Giải Hòa bình Khổng Tử năm 2012. Đó là cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, Tổng thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates.

Dưới chính thể Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không phải lúc nào Khổng Tử cũng được coi là bậc Chí Thánh. Trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Mao Trạch Đông đã tập hợp đông đảo Hồng vệ binh ngay trước đền thờ Khổng Tử để phê Lâm (Lâm Bưu), phê Khổng. Pho tượng phủ sơn của Khổng Tử bị đâm thủng mắt, khoét thủng tim. Tấm bia ghi dòng chữ “ Người Thầy của mọi thời đại” bị đập nát thành trăm mảnh. Hơn 100.000 cuốn sách trước tác của Khổng Tử bị thiêu hủy.

Năm 2007 Nhà xuất bản Nhân Dân ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) in quyển sách của tác giả Lý Linh có tựa đề “ Ngã độc Luận Ngữ” –Tôi đọc Luận Ngữ. Tác giả viết: “Sách của tôi là thành quả những ý tưởng của riêng tôi về Khổng Tử. Tôi không lặp lại những gì người khác đã nói. Sau khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng Tử lên bệ thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Don Quixote. Trong cuốn sách này, tôi muốn giải thích cho độc giả rằng Khổng Tử thực ra không phải là một vị thánh. Khổng Tử mà các hoàng đế tôn sùng từ triều đại này qua triều đại khác không phải là Khổng Tử thật, mà là một Khổng Tử nhân tạo. Khổng Tử thật không phải là thánh, cũng chẳng phải vua, cũng không là nội thánh ngoại vương gì cả. Khổng Tử chỉ là người, một người xuất thân bình dân, luôn tin rằng kẻ sĩ đã định ra chuẩn mực mà mọi người nên noi theo để đối nhân xử thế; một người yêu chuộng những gì cổ xưa, học hành chăm chỉ, không nản chí; một người thầy tận tụy, không mệt mỏi truyền đạt văn hóa người xưa và khích lệ học trò học tập kinh sách cũ; một người không có chức, cũng không có quyền – chỉ có học vấn về đạo đức – nhưng dám can ngăn kẻ cầm quyền; một người đi tứ xứ du thuyết, lao tâm thay cho kẻ cai trị, liều mình khuyến dụ người cải tà quy chính; một người nhiệt tình, ước mơ khôi phục đường lối nhà Chu để thiên hạ thái bình; một người luôn bị giằng xé, hoang mang, nay đây mai đó, giống hành trạng của một con chó vô chủ, lang bạt, không có nhà để về. Đó là Khổng Tử thật.”

Tôi thành thật xin lỗi độc giả vì cái tội đại bất kính đã trích lời của nhà văn Lý Linh dám ví Khổng Tử với chàng hiệp sĩ Tây Ban Nha cuồng si hài hước Don Quixote và với con chó vô chủ lang bạt không nhà.

Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy's Blog


-----------------------------------

XEM THÊM :








No comments:

Post a Comment

View My Stats