Saturday 15 December 2012

GHI CHÉP VỀ CAMPUCHIA (1975-1991) – 4 (Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN tại Campuchia)




Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN tại Campuchia
Posted by vietsuky on 05/12/2012

(Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3)


2.3 Giai đoạn từ 1986 đến cuối 1989

a) Bối cảnh quốc tế:
Quan hệ Mỹ-Xô phát triển với cường độ cao, trong 6 năm 1986 – 1990 có tới 7 cuộc gặp cấp cao đi tới một loạt các thoả thuận về giảm chạy đua vũ trang, thực hiện Hiệp ước INF, hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực (vấn đề Afghanistan, vấn đề CPC, bán đảo Triều Tiên), mở rộng quan hệ song phương.

Trước tình hình đó, từ 1989 TQ đã bỏ qua các trở ngại, kể cả vấn đề CPC để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Liên Xô. Cuộc gặp cấp cao Xô-Trung tháng 5/1989 đã bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Liên Xô và TQ, và đã Cơ bản hoàn chỉnh cục diện quan hệ từng đôi một giữa 3 nước lớn. Từ sau sự kiện Thiên An Môn, quan hệ giữa TQ với Mỹ và phương Tây giảm xuống mức thấp nhất kể từ 1979, đặt TQ vào thế khó khăn. TQ cần nhanh chóng khôi phục quan hệ với Mỹ và phương Tây để tiếp tục tranh thủ vốn và kỹ thuật cho 4 hiện đại, đồng thời cải thiện thế chiến lược trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Đối với các nước láng. giềng, TQ cũng gác lại các vấn đề gây cấn, đi vào cải thiện quan hệ với Ấn Độ, Mông Cổ, VN…. trên Cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.

Đầu năm 1988, đàm phán về vấn đề CPC cũng được đẩy mạnh với một loạt các diễn đàn thương lượng: JIM (Jakarta Informal Meeting)-1 (7/1988), JIM-2 (2/1989), Hun Sen-Sihanouk (1981- 1989), Việt-Trung (l-5/1989), Hội nghị Paris (8/1989) và việc VN đơn phương rút Bộ tư lệnh quân đội và một nửa số quân về nước tháng 5/1988 và đơn phương rút hết quân khỏi CPC (9/1989) đã làm dư luận quan tâm hơn về nguy Cơ diệt chủng trở lại CPC.
Nội dung đấu tranh chính trong thời gian này là vấn đề phân chia quyền lực trong thời gian quá độ, vấn đề tranh giành vai trò giữa các bên trong việc đi đến giải pháp và vai trò Liên hợp quốc trong một giải pháp. Về phía chúng ta, chúng ta vừa đòi giữ nguyên trạng chính quyền, quân đội trong thời kỳ quá độ và dùng vấn đề diệt chủng để làm còn bài mặc cả về việc giữ nguyên trạng.

Mỹ từ ủng hộ ASEAN là chính, từ 6/1989 đã chuyển sang chủ động thúc đẩy giải pháp cho vấn đề CPC (James Baker đưa 3 mục tiêu giải pháp tại Brunei), đồng thời tính đến quan hệ với VN, Đông Dương “sau CPC”. Tư tưởng chỉ đạo trong chính sách của Mỹ là tìm cách hạn chế tối đưa vị trí của Khmer Đỏ và Nhà nước CPC nhưng chấp nhận sự tồn tại của cả 2 lực lượng này để đối trọng lẫn nhau, đồng thời cố đề cao vai trò Sihanouk và Son San nhằm tác động vào tình hình CPC. Sự chuyển biến đó của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Liên Xô đang gặp nhiều khó khăn ở Đông Âu và trong nước, phải tập trung giải quyết vấn đề trong nước, giảm dần cam kết và buộc phải từng bước rút khỏi các vấn đề khu vực, kể cả VN và Đông Dương. Trong tình hình mới Mỹ có yêu cầu hạn chế vai trò của Liên Xô, ngăn chặn ảnh hưởng của TQ ở khu vực để bảo vệ lợi ích của Mỹ; vấn đề CPC đã chín muồi cho một giải pháp chính trị, nhiều nước tham gia vào giải pháp đòi hỏi Mỹ phải chủ động nắm vấn đề để có vai trò.

Trước những khó khăn ngày càng lớn ở trong nước, Liên Xô từng bước giảm cam kết với VN, CPC và muốn thúc đẩy giải quyết nốt vấn đề khu vực còn tồn tại là vấn đề CPC, dùng vấn đề này để dàn xếp với Mỹ và TQ. Liên Xô theo đuổi lập trường về một giải pháp thỏa hiệp, vẫn ủng hộ VN, CPC nhưng chú ý đến lợi ích của tất cả các bên liên quan và coi trọng vai trò và lợi ích của TQ.

TQ đứng trước những khó khăn nội bộ gay gắt, mà đỉnh cao là sự kiện Thiên An Môn 6/1989 làm giảm sút nghiêm trọng quan hệ TQ với Mỹ và phương Tây. TQ lo ngại quan hệ giữa các nước Đông-nam Á với VN chuyển theo hướng không có lợi cho TQ; Mỹ và phương Tây lại lên án Khmer Đỏ; xu hướng đối thoại phát triển. TQ đặc biệt lo ngại thế 2 cực Mỹ-Xô giải quyết các vấn đề thế giới. Trong vấn đề CPC, tình thế trở nên bất lợi hơn đối với TQ. Các diễn đàn khu vực (JIM) và giữa các bên CPC, nhất là giữa Hun Sen-Sihanouk đang phát triển; VN đã rút hết quân khỏi CPC. TQ có thể mất khả năng kiểm soát vấn đề CPC như trước. TQ thấy cần đi vào giải pháp chính trị về CPC và sử dụng giải pháp chính trị về CPC phục vụ lợi ích của TQ khai thông quan hệ với Liên Xô, khôi phục quan hệ với phương Tây nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật phục vụ cho 4 hiện đại và phá thế 2 cực Mỹ-Xô, khẳng định vai trò cường quốc của TQ. Vì vậy, một mặt TQ cản phá đối thoại Hun Sen-Sihanouk, diễn đàn khu vực, gây sự kiện Trường Sa, sự kiện biên giới Lào-Thái. Mặt khác, dùng vấn đề CPC để mặc cả với Liên Xô và Mỹ. Từ 2/1989, TQ bỏ qua vấn đề CPC đi vào cấp cao với Liên Xô và từ 3/1989 đi vào thảo luận trong khuôn khổ các nước lớn ở LHQ theo hướng giảm cam kết với Khmer Đỏ, cùng Mỹ và phương Tây sử dụng lực lượng trung gian (Sihanouk-Son San) và tìm cách gạt bỏ hoặc hạn chế tối đưa vị trí của Nhà nước CPC nhằm tạo thế để TQ hàn gắn quan hệ với phương Tây vì lợi ích 4 hiện đại hóa. Đối với ta, TQ luôn đặt giá cao: tháng 10/1982 TQ chỉ đặt điều kiện VN rút quân, thậm chí chỉ cần có lịch rút quân rõ ràng và rút đợt đầu thì TQ sẽ tiến hành đàm phán để bình thường hóa quan hệ Việt-Trung. Nhưng tháng 6/1988, sau khi ta rút 1/2 số quân và đặc biệt sau Tuyên bố 5/4/1989 về việc đơn phương rút hết quân vào 9/1989, TQ lại đặt điều kiện là VN phải giải quyết hậu quả của việc đưa quân xâm lược CPC, không phải rút là hết trách nhiệm, đòi lập Chính phủ liên hiệp 4 bên do Sihanouk đứng đầu, lập quân đội 4 bên ngang nhau. Trong 2 vòng đàm phán Việt-Trung (tháng 1 và 5/1989), TQ một mực đòi ta phải giải quyết vấn đề nội bộ CPC “hậu quả của VN xâm lược CPC” rồi mới bàn việc cải thiện quan hệ 2 nước và tháng 6/1990 đưa kế hoạch 5 bước nhằm thâu tóm việc giải quyết vấn đề CPC. TQ chỉ chấp nhận đàm phán với ta sau khi tất cả các đối tượng đã chuyển động, VN đã rút quân từng bước và trong đàm phán với ta, TQ từ đầu chí cuối giữ một lập trường rất cứng rắn, không thay đổi – tôi muốn nhấn mạnh không thay đổi - là ta phải giải quyết vấn đề CPC như điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ hai nước, VN phải rút hết quân khỏi CPC và phải chấp nhận một giải pháp chính trị về CPC theo ý muốn của TQ.

Trong giai đoạn này, các nước ASEAN, nhất là Thái Lan, có bước phát triển nhanh về kinh tế, từ đó có nhu cầu bảo đảm ổn định để phát triển, đồng thời đối phó khả năng Xô-Trung, Việt-Trung bình thường hóa quan hệ, dàn xếp giải pháp CPC không có lợi cho họ. Thủ tướng Thái Chatichai lên cầm quyền tháng 8/1988 đã đưa ra chính sách biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường, lập Bán đảo Vàng, bao gồm 3 nước Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện, lấy Thái Lan làm trung tâm để lập một khu vực kinh tế và thị trường của tư bản Thái Lan. Theo hướng đó, Thái Lan cải thiện quan hệ với Lào, VN và có quan hệ trên thực tế với Nhà nước CPC. Với cương vị là nước lớn, Indonesia đại diện cho ASEAN đưa ra dàn xếp giải pháp với VN, Đông Dương, đưa tới các diễn đàn JIM.

Pháp ra sức làm trung gian dàn xếp các cuộc gặp Hun Sen-Sihanouk ở Paris (12/1987, 1 và 11/1988, 7/1989) và từ tháng 4/1989 đưa ra vấn đề họp hội nghị quốc tế về CPC ở Paris để nắm vai trò ở Đông-nam Á.

b) Diễn biến của cuộc đấu tranh:
Có thể chia thành 2 thời đoạn: 1986 đến tháng 5/1988 khi có Nghị quyết 13 Bộ Chính Trị và từ 5/1988 đến đầu 1990.

* Thời đoạn 1986 – 1988: Thời kỳ bắt đầu đàm phán nhưng chỉ mang tính chất thăm dò.
Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị ngày 8/7/1986 nêu vấn đề cần đạt giải pháp chính trị về vấn đề CPC và đi vào bình thường hóa quan hệ với TQ. Tuy nhiên việc triển khai Nghị quyết 32 có những khó khăn do phải chuẩn bị Đại hội VI. Tại Đại hội VI (12/1986) ta đã sửa lời nói đầu của Điều lệ Đảng nói về TQ, không còn coi Trung.Quốc là kẻ thù. Dịp Đại hội VI, ba TBT VN, Lào, CPC trao đổi ý kiến và nhất trí cần đi vào bình thường hóa quan hệ với TQ. Các đ/c Lào tỏ phấn khởi và chủ trương bình thường hóa.với TQ, đ/c Kaysone [Phomvihan] còn nói: chúng ta có mục tiêu chung như đàn sếu bay cùng một hướng nhưng có thể có con bay trước, có con bay sau, ý nói là để Lào bình thường hóa quan hệ với TQ trước rồi Lào thúc đẩy TQ bình thường hóa quan hệ với VN.
Sau Đại hội Đảng VI, ngày 7/3/1987, BCT họp xem xét đề án đấu tranh ngoại giao do Bộ Ngoại giao trình, nhận định TQ có hai mặt: vừa tồn tại nhân tố XHCN, vừa có chính sách bá quyền. Đánh giá về chiến lược TQ đối với Đông Dương, BCT nêu 3 khả năng: một là tiếp tục đối đầu, hai là cùng tồn tại hòa bình; ba là đi vào hợp tác hữu nghị. Trên tinh thần đó, ta chủ trương tấn công ngoại giao trên 2 mũi: đề nghị TQ-VN đàm phán bí mật tạo khuôn khổ cho giải pháp CPC, mặt khác CPC ra tuyên bố về chính sách hoà hợp dân tộc. Ta chủ trương làm với TQ là quan trọng đồng thời thúc đẩy các diễn đàn khác.

Ở Bộ Ngoại giao, để triển khai đấu tranh cho một giải pháp chính trị về CPC, đã tiến hành thành lập CP.87. Đ/c Trần Quang Cơ được phân công chỉ đạo trực tiếp bộ phận này. Thường trực gồm có các đ/c Đặng Nghiêm Hoành, Nguyễn Thương, Nguyễn Phượng Vũ, Trần Xuân Mận, Bùi Văn Thanh và Vụ trưởng một số Vụ trong Bộ; giúp việc có các đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Trường, Nguyễn Duy Hưng, Hồ Xuân Sơn…

Sau cuộc họp 7/3/1987 của BCT, đ/c Lê Đức Thọ đã sang thăm và làm việc với Lào (từ 9-16/3/1987) và cuối tháng 4 cùng với đ/c Lê Đức Anh sang CPC, trong đoàn có các đ/c Trần Quang Cơ, Trần Xuân Mận. Tiếp theo đó đã tiến hành họp 2 BCT Việt-Lào (9-10/5/1987) và BCT VN-CPC (12-13/5/1987) để triển khai việc thúc đẩy giải pháp chính trị về CPC và quan hệ với TQ.

Đến thời đoạn này, có thể nói rằng vấn đề CPC đang đi vào giải quyết, đàm phán đã mở ra nhưng mỗi bên đều giữ giá cao, chưa thật sự muốn giải quyết vấn đề. VN có yêu cầu bức bách là giải quyết vấn đề CPC, bình thường hóa quan hệ với TQ, phá thế bị bao vây cô lập để tập trung khắc phục khủng hoảng kinh tế-xã hội trong nước. Trong khi đó, ta có khó khăn trong việc thuyết phục CPC đi vào đánh và đàm để tiến tới giải pháp chính trị và việc gợi ý về một Giải pháp Đỏ cũng không làm vừa lòng lãnh đạo CPC. Ý đồ nhất quán của lãnh đạo CPC là muốn ăn cả bằng một giải pháp quân sự, coi cả Khmer Đỏ và cả Sihanouk đều là đối thủ nguy hiểm, chỉ miễn cưỡng tán thành giải pháp chính trị khi ta góp ý kiến. Nội bộ CPC có rất nhiều tâm tư, lo ngại khi đi vào giải pháp; khi bàn chuẩn bị đi vào giải pháp 4/1987, Ney Pena, Uỷ viên BCT nói lâu nay CPC làm được một số việc nhưng với điều kiện có VN bên cạnh, nay quân VN định rút hết không biết sẽ thế nào. Hun Sen nói: Chúng nó về thì chúng nó sẽ làm thịt những người tích cực trước hết là chúng ta. Còn Bou Thong và Chia Soth nói chúng nó sẽ mua chuộc cán bộ với giá rẻ lắm, chỉ cần vài “chỉ” cũng đánh ngã được khối người. Còn về bạn Lào cũng không ít tâm tư, ngày 20/9/1987, Đại sứ Nguyễn Xuân từ Lào về nói với anh em phụ trách Vụ Châu Á 2: ý Lào là VN nên rút bài học đừng lập lại sai lầm cũ ở Genève 1954 về CPC; giải pháp phải bảo đảm chắc chắn thành quả cách mạng CPC; cần tranh thủ Sihanouk để phân hoá hàng ngũ đối phương, nên xem lại chuyên gia VN ở CPC có áp đặt và thiếu tôn trọng CPC không ? Tuy nhiên, theo sự gợi ý của ta, ngày 30/6/1987, BCT CPC ra nghị quyết về đấu tranh ngoại giao, CHND CPC ra tuyên bố về chính sách hoà hợp dân tộc (27/8/1987), ra tuyên bố 5 điểm về lập trường về một giải pháp chính trị cho vấn đề CPC (8/10/1987) và thành lập nhóm B.1 như CP.87 của ta để chuẩn bị đi vào giải pháp chính trị.

Ngày 29/7/1987, gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Ngoại trưởng Indonesia Moctar tại thành phố Hồ Chí Minh thoả thuận sẽ tổ chức tiệc rượu (coctail party) để bàn về vấn đề Đông-nam Á và vấn đề CPC.

Ngày 2/12/1987, Hun Sen gặp Sihanouk lần đầu tại Fère-en-tardenois, ngoại ô Paris ký được Thông cáo chung về một giải pháp chính trị cho vấn đề CPC. Lần thứ 2, Hun Sen-Sihanouk lại gặp nhau ngày 20/1/1988 tại Saint- German-en-Lay (Paris). Tuy nhiên các cuộc gặp gỡ này còn mang nặng tính chất thăm dò, ý kiến khác nhau vẫn về xử lý Khmer Đỏ, về lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế (IPKF) và sự tồn tại của Chính phủ CPC.

- Tháng 12/1987, BCT ta ra quyết định số 35 và 36 về đổi mới quan hệ với Đảng Lào và Đảng CPC, quyết định giải tán Ban lãnh đạo Tổng Đoàn chuyên gia ở CPC, cố vấn cao cấp bên cạnh Đảng Lào và Ban công tác miền Tây. Quyết định rút chuyên gia ở CPC, Lào; quan hệ Đảng sẽ tiến hành trực tiếp qua đại diện 2 BCT, quan hệ Nhà nước thông qua 2 Đại sứ.

Ngày 5/1/1988, đ/c Lê Đức Anh đại diện BCT VN sang CPC bí mật làm việc với BCT Đảng CPC về đổi mới quan hệ, quyết định: thôi tổ chức chuyên gia cấp cao bên cạnh Trung ương Đảng và Nhà nước CPC và đổi mới quan hệ theo tinh thần quyết định 35, 36 sẽ rút hết chuyên gia trong năm 1988 và giúp CPC đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang CPC để rút 5 vạn quân CPC trong năm 1988.

Ngày 3/6/1988, đ/c Lê Đức Anh một lần nữa sang CPC làm việc với BCT Đảng CPC và thoả thuận đến tháng 1/1989 sẽ từng đợt rút hết chuyên gia dân sự ở CPC và lấy ngày 28/6/1988 làm mốc kết thúc giai đoạn Đảng VN giúp CPC xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước và đoàn thể quần chúng ở CPC và tháng 6/1988 cũng chấm dứt hoạt động của Đoàn chuyên gia quân sự VN. Tháng 7/1988, Đoàn chuyên gia đối ngoại bên cạnh Bộ Ngoại giao CPC cũng chấm dứt hoạt động.

Với TQ, ngày 20/5/1987, Bộ Ngoại giao kiến nghị với BCT cần sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp đoạn nói về TQ nhưng việc triển khai thực hiện có khó khăn mãi đến ngày 28/6/1988, Quốc hội mới có Nghị quyết thông qua việc này. Ngày 26/6/1987, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch gặp Đại sứ TQ chuyển Message Oral của đ/c Phạm Văn Đồng đề nghị hai nước đàm phán bí mật. Ngày 22/8/1987, Ngoại trưởng TQ Ngô Học Khiêm nói chưa trả lời Message đó vì không muốn chấp nhận sự việc đã rồi ở CPC.

Ngày 14/3/1988, TQ tấn công ta ở Trường Sa. Ta ra tuyên bố bảo vệ chủ quyền ta, không ai ủng hộ kể cả Lào và Liên Xô mặc dù lúc này đang có cuộc họp tư vấn ba nước Đông Dương với Liên Xô ở Phnom Penh và ta đã trực tiếp vận động Liên Xô, mãi đến khi ta đề nghị thương lượng, Liên Xô mới ủng hộ.

Cũng giai đoạn này bắt đầu xuất hiện ý kiến về Giải pháp Đỏ, nhưng việc thực hiện gặp khó khăn.

- Cuối tháng 4/1987, khi đ/c Lê Đức thọ và Lê Đức Anh sang CPC làm việc với lãnh đạo CPC bàn về giải pháp chính trị kể cả Giải pháp Đỏ, CPC không đón tiếp và chiêu đãi; hai đ/c lãnh đạo ăn, ở tại Bộ Tư lệnh 719. Dịp này Sứ quán tổ chức chiêu đãi, nhiều lãnh đạo CPC như Chea Sim, Sai Phuthong lấy cớ “mệt”, ”đau bụng” để từ chối lời mời.

Ngày 22/12/1987, ta và CPC tán thành gợi ý của Liên Xô là Liên Xô gửi Message Oral cho Ngoại trưởng TQ đề nghị Liên Xô và TQ góp phần dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa CHND CPC và Khmer Đỏ, nếu TQ đồng ý, Liên Xô sẵn sàng tiếp xúc 2 nước ở cấp Ngoại trưởng. TQ đã không đáp ứng đề nghị đó.

- Ngày 30/7/1988, Hun Sen nói với đoàn ngoại giao ở Phnom Penh: Bọn Khmer Đỏ là thú chứ không phải là người, chúng không thay đổi bản chất, nhân dân CPC không chấp nhận chúng. Chúng tôi rất hiểu Khmer Đỏ, mong các đ/c hiểu cho, bọn này không chơi được, nếu chỉ CPC không thôi thì không chấp nhận chúng. Nay ta muốn giải pháp nên cần có TQ, do đó mà chấp nhận chúng về chính trị. Riêng CPC không có TQ cũng giải quyết được… nhưng CPC liên quan đến xung quanh. VN cần bình thương hoá quan hệ với TQ.

Ngày 19/9/1988 Hun Sen nói tại Hội nghị tài chính ám chỉ chuyên gia ta là “cộng sản tả khuynh”, là “người điên”.
Ngày 12/10/1988, trao đổi với anh Ngô Điền, sau khi phê phán Liên Xô nhượng bộ TQ, ép CPC thoả hiệp với TQ, Khmer Đỏ đánh đồng “tội phạm và nạn nhân”, và không tôn trọng các nước bạn, Hun Sen nói: “VN cũng có đ/c nói phải nhượng cái gì để giữ thể diện cho Bắc Kinh. Năm 1987, tôi cũng đã tính đến Giải pháp Đỏ, bọn Khmer Đỏ, trừ bọn đầu sỏ, có thể tham gia, xin lỗi với nhân dân rồi hoà hợp dân tộc. Nay tôi đã suy nghĩ nhiều, tiếp xúc với dân ở nhiều nơi, trực tiếp gặp bọn Khieu Samphan, tôi nhận thức rõ dứt khoát không chơi với bọn này được, phải giải tán lực lượng của chúng…”

- Ngày 7/1/1989, Hun Sen xuất bản quyển sách “CPC – con đường 10 năm” dành một đoạn dài nói về Giải pháp Đỏ, phê phán những suy nghĩ về Giải pháp Đỏ, cho quan điểm đó là “sai lầm và nguy hiểm”, là “điều phi lý và trái đạo đức khi đánh đồng bọn tội phạm Pol Pot với nạn nhân của bọn tội phạm” rồi kết luận “Giải pháp Đỏ là con đường nguy hiểm rất lớn cho nhân dân CPC, nó không thể nào hình thành được, bởi vì chúng ta không “Đỏ” như kiểu người ta hiểu là có thể hòa đồng vào với cái “Đỏ” của Pol Pot được”.

* Thời đoạn 1988 đến đầu 1990: Giai đoạn đàm phán đi vào nội dung thực chất.
Nghị quyết 13 BCT ngày 20/5/1988 chủ trương giải quyết vấn đề CPC trước năm 1990 và phấn đấu bình thường hóa quan hệ với TQ. Nghị quyết BCT nói rõ: “Phấn đấu bình thường hóa quan hệ với TQ là một quá trình đấu tranh gay go, phức tạp, đòi hỏi có thời gian. Sau khi bình thường hóa, quan hệ 2 nước khó trở lại ngay như những năm 50, 60. Cuộc đấu tranh tiếp tục dưới nhiều hình thức khác, không như tình trạng đối đầu như hiện nay… Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt về mọi mặt khi bước vào cuộc đấu tranh mới, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn xấu hòng làm suy yếu ta, “diễn biến hòa bình”, chia rẽ, phá hoại nội bộ, chia rẽ 3 nước VN, Lào, CPC“. Cần phòng ngừa, khắc phục những tư tưởng lệch lạc: chỉ thấy giới hạn TQ là bá quyền, không thấy TQ là XHCN hoặc chỉ thấy TQ là nước XHCN mà không thấy bá quyền, bành trướng.

Đối với Lào và CPC:Việc Lào và CPC sẽ đi lên CNXH hoặc phát triển theo con đường dân tộc, dân chủ nhân dân là do Đảng và nhân dân 2 nước đó quyết định, phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng nhân dân nước đó“… “Vấn đề CPC phải giải quyết với TQ nhưng cho đến nay TQ chưa muốn trực tiếp giải quyết với ta vấn đề CPC. Vì vậy, ta cần tiếp tục kiên trì mở ra nhiều hướng khác nhau (Hun Sen-Sihanouk, VN-Indonesia, VN-Thái Lan, ASEAN- Đông Dương, VN-Mỹ…) để thúc đẩy và kéo TQ vào giải quyết. Dù giải quyết trực tiếp với TQ hay với các đối tượng khác thì việc giải quyết vấn đề CPC cũng phục vụ mục tiêu bình thường hóa với TQ, không nhằm chống TQ“.
Thực hiện Nghị quyết 13 BCT, ta đã có một loạt hoạt động rất quan trọng để thúc đẩy giải quyết vấn đề CPC và phấn đấu bình thường hóa quan hệ với TQ.

Với Trung Quốc
Thực hiện Nghị quyết 32 và nghị quyết đại hội VI từ 1986, ta đã có nhiều hành động thiện chí để giảm căng thăng trong quan hệ Việt-Trung, thôi coi TQ “là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm“, có nhiều động tác quan trọng để chứng tỏ ta không tiếp tục chống TQ và phấn đấu bình thường hóa với TQ, kiên trì đề nghị đàm phán (từ khi TQ cắt vòng 2 đàm phán Việt-Trung ở Bắc Kinh 6/3/1980 đến cuối 1986 ta đã 16 lần gửi công hàm và thư đề nghị họp lại vòng 3 và đàm phán bí mật) nhưng TQ đều bác bỏ.

- Ngày 28/6/1988, Quốc hội có nghị quyết và ngày 27/12/1988, Quốc hội chính thức thông qua Lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi đoạn nói về TQ.

- Ngày 15/7/1988, Ngoại trưởng Nguyễn ‘Cơ Thạch gặp Đại sứ TQ nêu một loạt biện pháp để giảm căng thẳng quan hệ 2 nước; chấm dứt hoạt động vũ trang trên biên giới đất liền và hải đảo, không bên nào đóng ở điểm cao trên đường biên, giảm quân về phía sau để tránh xung đột, ở điểm nóng Vị Xuyên cũng làm như vậy, tạo điều kiện cho dân biên giới qua lại thăm họ hàng, hai bên chấm dứt tuyên truyền chống đối nhau, và đề nghị hai bên đàm phán bất cứ cấp nào kể cả cấp cao, bất cứ lúc nào, ở đâu, bí mật hoặc công khai. Và sau đó, ta đã đơn phương thực hiện những đề nghị nói trên (2/8/1988), Ban Tuyên huấn Trung ương ra thông tư 94 về hướng dẫn tuyên truyền với TQ; mở một số cửa khẩu cho dân biên giới qua lại thăm nhau và trao đổi hàng thiết yếu hàng ngày…

- Ngày 7/10/1989, Đặng Tiểu Bình tiếp đ/c Kaysone [Phomvihan], TBT Lào, sang thăm chính thức TQ để bình thường hóa quan hệ hai Đảng, hai nước khi đề cập vấn đề bình thường hóa quan hệ với VN, Đặng chỉ nêu điều kiện là VN rút hết quân. Ngày 6/11/1989, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gặp Đại sứ Trương Đức Duy24 chuyển thông điệp miệng của TBT Nguyễn Văn Linh gửi Đặng Tiểu Bình mong bình thường hóa quan hệ 2 Đảng, 2 nước, mong gặp Đặng. TQ không trả lời. Ngày 28/11/1989, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao [TQ] Tiền Kỳ Tham nhắc lại thông điệp miệng của TBT Nguyễn Văn Linh và khẳng định VN sẵn sàng gặp lại TQ cấp Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng trong tháng 12/1989. Ngày 12/12/1989, Đại sứ TQ Trương Đức Duy gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thông báo thông điệp miệng của Đặng Tiểu Bình gửi đ/c Nguyễn Văn Linh: “VN rút quân sạch sẽ, triệt để và lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu là hai vấn đề hạt nhân thiết thực cần đồng thời giải quyết. Phía TQ sẽ suy xét dề nghị của VN về mở vòng thương lượng ở cấp Thứ trưởng, nếu VN chấp nhận một cơ chế giám sát quốc tế do Liên hợp quốc chủ trì có 4 bên tham gia để kiểm chứng VN rút quân và lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu trong giai đoạn quá độ”.

Sau Nghị quyết 13 BCT và điều chỉnh của TQ ở Hội nghị BCT [ĐCS TQ tại] Bắc Đới Hà tháng 9/1988, ta và TQ đã tiến hành hai vòng đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao ở Bắc Kinh (16/1/1989; 8-10/5/1989). Trong 2 vòng đàm phán này, ta chủ trương chỉ bàn mặt quốc tế của vấn đề CPC còn TQ đòi phải bàn cả mặt nội bộ và đặt điều kiện có giải quyết xong vấn đề CPC mới bàn bình thường hóa quan hệ 2 nước. Đàm phán không kết quả. Như trên vừa nói, tháng 12/1989 ta đề nghị nối lại đàm phán, TQ đặt điều kiện VN rút quân “sạch sẽ”, lập chính phủ 4 bên do Sihanouk đứng đầu, nhận Liên hiệp quốc giám sát thì TQ “sẽ suy xét” đề nghị của VN về nối lại đàm phán cấp Thứ trưởng. Trong tình hình bế tắc đó, từ 3-9/5/1990, Thứ trưởng Đinh Nho Liêm đi Bắc Kinh “kiểm tra công tác sứ quán” và thực chất đã tiến hành vòng 3 đàm phán. Trong lần đàm phán này, ta tỏ mềm dẻo hơn là có thể trao đổi ý kiến về một giải pháp toàn diện nhưng không thể quyết định về vấn đề nội bộ CPC. Đàm phán vòng 3 có một số tiến triển, TQ đòi 4 bên nhưng không đòi ngang nhau, không đòi chính phủ lâm thời nhưng đòi Hội đồng tối cao mang tính chất chính phủ; về diệt chủng, ta tán thành không nói quá khứ nhưng phải đề cập về tương lai; hai bên hẹn gặp tiếp tháng 6/1990 ở Hà Nội.

Về vấn đề Campuchia
- Thực hiện Nghị quyết 13 của BCT, ta và bạn thoả thuận rút hết chuyên gia quân sự dân sự ở CPC về nước, tháng 5/1988 tuyên bố rút 5 vạn quân trong năm 1988 và ngày 5/4/1989 tuyên bố đơn phương rút hết quân vào tháng 9/1989.

Nhân đây cũng nói thêm rằng giữa đ/c TBT Nguyễn Văn.Linh và đ/c Nguyễn Cơ Thạch có ý kiến không hoàn toàn giống nhau về vấn đề rút quân: đ/c Thạch muốn rút quân gắn với giải pháp chính trị, ít nhất là có thỏa thuận quốc tế về chấm dứt viện trơ quân sự cho các bên CPC để làm con bài mặc cả, còn đ/c Nguyễn Văn Linh thấy không cần. Dịp đ/c Linh sang thăm Liên Xô ngày 20/7/1988, đ/c Linh đã nói với Liên Xô rằng VN sẽ rút hết quân vào tháng 9/1989 nhưng không nói điều kiện, Liên Xô đã đưa công khai điều này. Ngày 6/1/1989, sang CPC dự 10 năm giải phóng CPC, cùng đi có đ/c Trần Quang Cơ, đ/c Nguyễn Văn Linh phát biểu trong mít tinh ở Hội trường Bassac:
Hôm nay, VN tuyên bố hoàn toàn nhất trí với CHND CPC về quyết định rút toàn bộ số quân tình nguyện VN còn lại ra khỏi CPC vào tháng 9/1989.
Việc rút hết quân VN khỏi CPC phải đặt song song với việc chấm dứt viện trợ quân sự của nước ngoài cho tất cả các bên CPC, chấm dứt sử dụng lãnh thổ nước ngoài làm đất thánh chống lại nhân dân CPC. Những điều thoả thuận này phải được tiến hành dưới sự kiểm soát quốc tế có hiệu quả“.

Khi đưa tin, ta cố gắn vế rút quân với chấm dứt viện trợ quân sự, thực chất ý Anh Linh không gắn 2 vấn đề này; mãi đến 5/4/1989, Chính phủ ta mới ra tuyên bố rút quân đơn phương vào 9/1989.

Việc VN quyết định rút hết quân VN khỏi CPC đã có tác động thúc đẩy đàm phán, tiếp theo mở ra hàng loạt diễn đàn về giải pháp CPC: JIM-1 (7/1988), vòng 3 Hun Sen-Sihanouk (11/1988), Nhóm làm việc của JIM (l0/1988), JIM-2 (2/1989), vòng 4-5-6 Hun Sen- Sihanouk (4 và 7/1989, 2/1990), và các diễn đàn Việt-Mỹ, Việt- Thái, CPC-Thái.

Đỉnh cao của các diễn đàn là Hội nghị quốc tế Paris tháng 7/1989. Tại Hội nghị, phía bên kia đòi VN rút quân, xóa bỏ Nhà nước CPC; phía ta một mực đòi phải loại trừ vĩnh viễn bọn diệt chủng; phía bên kia lên án VN xâm lược CPC, đưa người VN định cư đến xâm chiếm CPC (colons vietnamiens), đòi giải tán nhà nước và quân đội CPC và Hội nghị không đi đến kết quả nào. Hội nghị quốc tế Paris kéo dài từ 30/7 đến 31/8/1989 nhưng không thành công là do nhiều nguyên nhân. TQ và 3 phái CPC chỉ muốn giải quyết vấn đề CPC trên cơ sở xoá bỏ Nhà nước CPC, mặt khác TQ còn hy vọng làm thay đổi tình hình sau khi VN rút hết quân tháng 9/1989. Về phía Nhà nước CPC, sau chuyến đi Thái Lan ngày 25/1/1989 của Hun Sen theo lời mời của Thủ tướng Chatichai và tiếp xúc với nhóm Chaovalít từ tháng 6/1988, CPC có phần ảo tưởng ở Thái Lan và đánh giá không đúng lực lượng của bản thân mình nên Hội nghị Trung ương lần thứ 9 từ 30/6 đến 5/7/1989 ngay trước Hội nghị quốc tế Paris tháng 7/1989 quyết tâm ăn cả bằng một giải pháp quân sự; Nghị quyết nói: “Đối với giải pháp chính trị cho vấn đề CPC, mọi cố gắng của ta đều đặt trong phạm vi không có giải pháp“. Ngày 12/7/1989, đ/c Trần Quang Cơ sang CPC thông báo gợi ý của ta về đấu tranh tới (vòng 5 Hun Sen-Sihanouk; Hội nghị quốc tế Paris), Hun Sen phát biểu trong cuộc họp BCT nghe đ/c Cơ trình bày: “Nghị quyết 9 đã hạ quyết tâm không có giải pháp chính trị nhưng bên ngoài vẫn phải tỏ thiện chí phấn đấu cho một giải pháp về mặt quốc tế. Không ngại nội chiến. Sẽ không nhắc lại việc mở rộng chính phủ mời Sihanouk trở về mà chỉ nêu phương án lập HĐ Hòa hợp Dân tộc và đề nghi lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp chuẩn bị cho Quốc hội tương lai để giữ cầu với Sihanouk trong cuộc gặp tới với Sihanouk“. Lúc này tình hình Đông Âu cũng bắt đầu diễn biến phức tạp mở đầu bằng việc Công đoàn Đoàn kết lên cầm quyền ở Ba Lan, đã làm tăng thêm lực cản của phía ta về việc đi vào giải pháp chính trị cho vấn đề CPC. Ngày 10/8/1989, Hun Sen (ở Phnom Penh) lại điện cho Anh Thạch ở Paris là: Vấn đề mở rộng chính phủ cho Sihanouk trở về là vấn đề sách lược đấu tranh để phân hoá kẻ thù. Nếu Sihanouk chấp nhận thảo luận, chúng ta sẽ đưa ra những đòi hỏi cao hơn nữa, trước hết là xoá Pol Pot và thậm chí đi đến đòi xoá lực lượng Sihanouk và nếu cần thiết sẽ đưa ra những đòi hỏi khác để ngăn chặn vai trò của Sihanouk hoặc ngăn không cho Sihanouk trở về.

Về phía VN, mặc dù có Nghị quyết 13 BCT nhưng khi thực hiện có nhiều trục trặc, ý kiến khác nhau và chúng ta cũng còn ý muốn ăn cả ở CPC như Nghị quyết 13 nói: một giải pháp chính trị về CPC “phải bảo đảm thành quả cách mạng CPC”. Trong đàm phán về giải pháp CPC lúc này, chúng ta giữ 3 nguyên tắc: bảo vệ thành quả cách mạng CPC, kiên quyết loại diệt chủng Pol Pot; không chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình IPKF. Chúng ta chủ trương mềm dẻo trên 3 điểm: thành phần Chính phủ liên hiệp; giữ nguyên trạng; chấp nhận Uỷ ban quốc tế về kiểm soát giám sát. Mặt khác, trong lúc này chúng ta đánh giá quá cao thành tựu đạt được mỗi khi có những tiến triển nhất định về đàm phán, cụ thể như:

- Gặp gỡ đ/c Nguyện Cơ Thạch và Ngoại trưởng Indonesia ở thành phố HCM 29/7/1987 thoả thuận về “tiệc rượu”. Tại JIM-1 (7/1988), ta đạt được ghi vào Tuyên bố của Chủ tịch là không để diệt chủng trở lại. Chúng ta nhận định với việc rút 5 vạn quân tháng 5/1988, cuộc đấu tranh về CPC “đã thay đổi tính chất từ chỗ đòi VN rút quân sang đòi ngăn chặn nguy cơ diệt chủng trở lại CPC“… “đã đưa đến sự tập hợp lực lượng mới có lợi cho 3 nước“. Đề án đấu tranh từ tháng 9/1988 đến cuối năm 1988 nhận định “có 4 khả năng giải quyết vấn đề CPC: a) Một giải pháp toàn diện bao gồm mặt nội bộ và quốc tế; b) Một giải pháp bao gồm toàn bộ mặt quốc tế và chỉ một phần mặt nội bộ; c) Một giải pháp về mặt quốc tế, mặt nội bộ giải quyết sau; d) VN rút hết quân đơn phương vào năm 1990 và không có giải pháp chính trị. Khả năng nào cũng có mặt lợi, mặt phức tạp. Tuỳ tình hình sẽ tính.”… “Mục tiêu chính của ta là: vấn đề mấu chốt là tăng cường lực lượng cách mạng CPC… làm tan rã trên thực tế liên hiệp 3 phái, cô lập làm suy yếu lực lượng Khmer Đỏ” Ngày 16/10/1988, Đại sứ Nguyễn Xuân trao đổi với đ/c Kaysone Phomvihan về đề án này thì đ/c Kaysone nói: “Điều quyết định là lực lượng cách mạng CPC. Nếu VN rút quân mà CPC đứng vững được thì không cần giải pháp chính trị”.

Lúc này có nhân tố mới là Chatichai25 lên cầm quyền ở Thái, chủ trương biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường; ngày 28/10/1988, Lào thu xếp để Hun Sen bí mật gặp Tướng Chaovalít26 ở Vientiane (và Chaovalít cũng gặp đ/c Trần Văn Quang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Hun Sen-Chaovalít thoả thuận cơ chế giữ liên lạc 2 bên; tháng 1/1989, Chatichai mời Hun Sen thăm chính thức Thái; VN rút 5 vạn quân nhưng tình hình CPC không thay đổi lớn. Tình hình đó củng cố thêm ý định VN rút quân, không có giải pháp mà CPC vẫn đứng vững.

Ngày 11/2/1989, BCT họp cho ý kiến về đề án đấu tranh ngoại giao trong thời gian tới. Đề án nhận định “hiện nay mặt quốc tế của vấn đề CPC cơ bản đã được giải quyết đồng thời có nhiều thuận lợi gắn việc giải quyết vấn đề CPC với việc lập khu vực hòa bình, tự do, trung lập ở Đông-nam Á“, nhận định về 4 khả năng giải quyết vấn đề CPC (như đề án tháng l0/1988). Khi xin ý kiến, đ/c Phạm Văn Đồng phát biểu với đ/c Nguyễn Dy Niên ngày 10/2/1989 như sau: “Cần tính khả năng rút quân 9/1989. Trong tình hình này phải tính nói chuyện với TQ. Đàm phán VN-TQ lúc này là quan trọng. Ta đừng để nó mất thể diện. Xem có thể đi nhanh về bình thường hóa quan hệ. Ta hiểu TQ, biết họ là bành trướng, biết âm mưu ý đồ của họ. Đã biết thì không ngại“. Tuy nhiên ngày 16/2/1989, đ/c Nguyễn Cơ Thạch sang CPC họp 3 Bộ trưởng ngoại giao chuẩn bị cho JIM- 2, đ/c Thạch đã báo cáo với BCT CPC về chiến lược đấu tranh cho thời gian tới. Đ/c Thạch trình bày:
Tháng 7/1988, chúng ta đánh giá rằng có 4 khả năng, đồng thời nhất trí cho rằng khả năng thứ tư, không có giải pháp, là không có lợi cho chúng ta. Lúc đó cũng thấy rằng tốt nhất là giải quyết mặt quốc tế, còn mặt nội bộ thì giữ nguyên.
Bây giờ chúng tôi cũng nghĩ rằng tốt nhất là giải pháp bộ phận, nhưng so với tháng 7/1988 thì bây giờ tình hình có khác. Bây giờ không có giải pháp không phải là xấu. Vì trước kia Thái Lan là đất thánh, nay Thái Lan khác rồi, TQ cũng khác nên nếu không có giải pháp chúng ta vẫn sẽ rút quân mà không sợ. Không có giải pháp thì mình ăn cả. Cho nên bây giờ chúng tôi cho rằng giải pháp bộ phận là tốt, nhưng không có giải pháp cũng không phải là xấu… Sau khi VN rút hết quân mà không có giải pháp chính trị thì Sihanouk và Son San có thể phải xin về tham gia CHND CPC, chứ không phải đòi xóa CHND CPC nữa. Có thể các đ/c nên tính sau khi VN rút hết quân thì Quốc hội CHND CPC nên ra tuyên bố về nền trung lập vĩnh viễn của CPC“… “Hiện nay chúng ta đang chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới. Chúng ta phải tranh thủ những nhân tố, đồng thời phải củng cố lực lượng” … “Chúng ta đều hết sức phấn khởi trước những thắng lợi của cách mạng CPC. Một năm trước đây chúng ta không nghĩ được rằng tình hình sẽ thuận lợi như thế này.

Ngày 30/4/1989, Quốc hội CPC ra tuyên bố về nền trung lập vĩnh viễn của CPC và đổi tên từ CHND CPC thành Nhà nước CPC (Etat du Cambodge và State of Cambodia) theo yêu cầu của Sihanouk. Ngày 2/5/1989, tiến hành vòng 3 Hun Sen- Sihanouk tại Jakarta (Indonesia) đạt kết quả, Sihanouk hứa sẽ trở về CPC sau khi VN rút quân, thôi đòi giải tán CHND CPC.

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 9 Đảng CPC ra nghị quyết ăn cả bằng giải pháp quân sự (5/7/1989) và Hội nghị quốc tế Paris về CPC tháng 7/1989 thất bại.

- Sau thất bại ở Hội nghị quốc tế Paris, để tìm một giải pháp toàn bộ, những cố gắng để đạt giải pháp từng bước (sáng kiến của Chatichai về kiểm chứng rút quân VN (9/1989), nhân chuyến thăm Thái Lan lần thứ 2 của Hun Sen, tuyên bố của Ngoại trưởng Xô-Mỹ ngày 23/9/1989 về moratorium [đình hoãn] việc cung cấp viện trợ cho các bên CPC…) đều không đạt kết quả. Cuộc đọ sức trên chiến trường CPC cho thấy không bên nào ở CPC có thể giành thắng lợi hoàn toàn bằng quân sự. 4 ngày sau khi VN rút quân, lực lượng Son San đã đánh chiếm Thmar Pouk27; ngày 22/1 0/1989, Khmer Đỏ đánh chiếm Pailin28 và uy hiếp thị xã Battambang, ta đã phải đưa lực lượng đặc biệt lên giúp bạn.

Cũng từ thời gian này, nội bộ ta lại bộc lộ ra những khác biệt về nhận định đánh giá tình hình trước những chuyển biến nhanh chóng ở Đông Âu. Nghị quyết 13 chủ trương thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề CPC và bình thường hóa quan hệ với TQ được Nghị quyết Trung ương 6 khẳng định lại. Nhưng trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong thái độ xử lý quan hệ với TQ. Sau sự kiện Trường Sa (14/3/1988) và việc TQ tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ với ta, bác bỏ các đề nghị cải thiện quan hệ của ta, giữa các ngành đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, và không khí chung là không thuận lợi cho việc bình thường hóa quan hệ với TQ theo Nghị quyết 13 của BCT. Một số ý kiến cho rằng, trong khi TQ đang chống ta thông qua vấn đề CPC và tìm cách lấn chiếm biên giới 2 quần đảo của ta, việc ta rút quân khỏi CPC, sứa Điều lệ Đảng, sửa Hiến pháp… là sự hy sinh chủ quyền lãnh thổ của đất nước, chủ trương của BCT về giảm tuyên truyền chống đối nhau cũng không được thực hiện đầy đủ; thậm chí còn có ý kiến cho rằng ngoại giao hữu khuynh trong quan hệ với TQ.

Mặt khác, trong Trung ương, một số ngành và ngay trong BCT cũng đã bắt đầu xuất hiện một số ý kiến khác nhau về đánh giá sự kiện Thiên An Môn (6/1989), đánh giá TQ cũng như đánh giá Liên Xô-Đông Âu. Tại Hội nghị Trung ương 7, ý kiến rất khác nhau về thái độ của ta khi Công đoàn Đoàn kết lên cầm quyền ở Ba Lan (7/1989), báo Nhân dân có xã luận về sự kiện này. Trong hội nghị Trung ương 8 (27/3/1990), một số ý kiến đặt vấn đề về sự đúng đắn của Nghị quyết 13 và những bước đi của ta với TQ và trong vấn đề CPC. Tuy nhiên, sự khác nhau chưa bộc lộ rõ nét. Trung ương và BCT vẫn khẳng định Nghị quyết 13 là đúng đắn, đ/c TBT Nguyễn Văn Linh đã phát biểu về vấn đề này tại Hội nghị Trung ương 8 (26/3/1990) khi tiếp thu ý kiến phê bình của Trung ương đối với BCT.
Đến đầu năm 1990, những ý kiến khác nhau trong BCT từ giữa năm 1989 bộc lộ rõ nét hơn. Có ý kiến nhấn mạnh mặt XHCN của TQ và thấy cần phải hợp tác với TQ để bảo vệ XHCN chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác, nhất là từ sau sự kiện Thiên An Môn, sau khủng hoảng trầm trọng của Liên Xô, Ba Lan, Đức, Rumani và các nước Đông Âu khác. Từ những cách đánh giá đó đã dẫn đến ý kiến khác nhau về phương hướng đấu tranh cho một giải pháp chính trị về CPC. Sự thật là:

Ngày 11/11/1989, BCT họp bàn và thông qua đề án đấu tranh ngoại giao về vấn đề CPC. Trên cơ sở đánh giá tình hình quân sự, chính trị trên chiến trường và xu thế chung trên thế giới, ta chủ trương cần phấn đấu đạt một giải pháp chính trị về CPC, đề ra 3 phương án về Cơ quan quyền lực ở CPC trước tổng tuyển cử (thấp nhất là giữ nguyên bộ máy 2 chính phủ đang tồn tại, lập Chính phủ liên hiệp hai bên ở Trung ương để tổ chức tổng tuyển cử và thực hiện những điều thoả thuận).

Ngày 24/11/1989, Ngoại trưởng Australia Gareth Evans đưa ra sáng kiến dùng công thức Namibia để trống vấn đề quyền lực ở CPC trong thời kỳ quá độ, Liên hợp quốc kiểm soát và tổ chức tổng tuyên cử.

Ngày 2/12/1989, đ/c Nguyễn Cơ Thạch, theo chỉ thị của BCT, đã sang bàn với BCT CPC, phân tích cuộc chiến tranh ở CPC là một cuộc nội chiến, VN không thể đưa quân trở lại, tính chất quốc tế của vấn đề CPC, xu thế của thế giới và bàn với bạn cần đấu tranh để đạt một giải pháp chính trị để giành thắng lợi từng bước. BCT CPC hoàn toàn nhất trí với 3 phương án trên, đồng thời đồng ý với ý kiến đ/c Thạch cần nghiên cứu việc sử dụng vai trò Liên hợp quốc như sáng kiến của Ngoại trưởng Australia G. Evans ngày 24/11/1989. Phải nói thêm rằng đ/c Thạch khi trên máy bay sang Phnom Penh mới đọc thư của Evans về sáng kiến 24/11/1989 và đến nơi, đ/c Thạch sửa lại bản trình bày tinh thần như BCT cho ý kiến 11/11/1989 nhưng thêm phương án sử dụng vai trò Liên hợp quốc. Về phía những người CPC, khi thấy có phương án Liên hợp quốc thì họ bập ngay cho là Liên hợp quốc ít phức tạp và nguy hiểm hơn là liên minh với lực lượng CPC đối lập. Đ/c Thạch nói phương án Liên hợp quốc cần xin thêm ý kiến BCT VN.
Hội nghị BCT ta họp 14h30′ ngày 6/12/1989 có mặt Cố vấn Phạm Văn Đồng và 7 Uỷ viên BCT: Võ Chí Công, Đỗ Mười, Nguyễn Đức Tâm, Trần Xuân Bách, Đổng Sĩ Nguyên, Nguyễn Cơ Thạch và Đào Duy Tùng (lúc này đ/c Nguyễn Văn Linh đang nghỉ ốm do bị cảm lạnh khi đi dự Quốc khánh ở CHDC Đức tháng l0/1989) đã bàn về sáng kiến của Australia và nhất trí ngoài 3 phương án BCT cho ý kiến ngày 11/11/1989, thêm phương án sử dụng vai trò Liên hợp quốc thành 4 phương án. Ngày 9/12/1989, đ/c Lê Mai vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ ở Thái Lan về được uỷ nhiệm sang Phnom Penh trao đổi với BCT CPC và BCT CPC hoàn toàn đồng ý với ý kiến BCT ta. BCT CPC đã triệu tập kỳ họp Trung ương lần thứ 10 từ ngày 10-15/1/1990 để bàn đi vào giải pháp chính trị và ngày 18/1/1990, Quốc hội CPC đã họp thông qua việc để Liên hợp quốc tổ chức tổng tuyển cử và uỷ quyền cho Hun Sen đàm phán về vấn đề này.

- Với TQ: Bằng nghị quyết 13 BCT, với những động tác quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong quan hệ Việt-Trung (sửa lời nói đầu của Điều lệ Đảng (12/1986), sửa Hiến pháp (6/12/1988) không còn coi TQ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm, giảm tuyên truyền chống TQ, mở cửa biên giới, VN đơn phương rồi cả 2 bên chấm dứt hoạt động quân sự trên biên giới, tuyên bố nới lỏng trong việc sử dụng cảng Cam Ranh… trên thực tế ta đã đơn phương giải quyết hết những điều mà TQ cho ta là dùng để chống TQ. Có thể nói đến tháng 12/1988, TQ không còn lý do gì để nói VN có những chính sách và hành động chống TQ, một trong hai vấn đề TQ coi là VN chống TQ từ 10 năm qua không tồn tại nữa. Tồn tại là vấn đề CPC. Việc VN tuyên bố rút 5 vạn quân bằng 1/2 số quân còn lại ở CPC và rút Bộ Tư lệnh quân tình nguyện VN ở CPC (tháng 5/1988) đã làm tác động mạnh mẽ xu hướng thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề CPC, các nước lớn do lợi ích của mình không muốn VN rút quân mà không có giải pháp, duy trì nguyên trạng ở CPC, chính vì vậy phương Tây có thái độ mềm dẻo hơn, đáp ứng phần nào yêu cầu của phía ta trên vấn đề diệt chủng. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ ở Hội nghị PMC ASEAN 9/7/1988 ở Bangkok đã đưa đến kết quả cuộc gặp không chính thức về CPC ở Jakarta 25/7/1988 (JIM-1) khẳng định có 2 vấn đề trong giải pháp cho vấn đề CPC là rút quân VN đi đôi với việc ngăn chặn việc phục hồi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Chuyển biến của thế giới đối với vấn đề CPC, sự thay đổi trong quan hệ Xô-Mỹ trong quan hệ quốc tế và trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế đã đưa đến việc TQ điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình thể hiện ở Hội nghị BCT ở Bắc Đới Hà tháng 9/1988. Với VN, TQ đã từng bước hoà dịu trong quan hệ trên thực tế (giảm căng thẳng trên biên giới, trao đổi hàng hoá và đi lại thăm hỏi, làm ăn ở biên giới theo đề nghị của lãnh đạo ta qua tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ TQ ngày 15/7/1988) và chấp nhận đi vào đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao với ta để trao đổi về vấn đề CPC và quan hệ hai nước. Tuy nhiên TQ vẫn coi vấn đề CPC là điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ Việt-Trung. Một mặt TQ duy trì “3 trở ngại” để mặc cả trong cải thiện quan hệ với Liên Xô mặt khác TQ đặt thêm điều kiện về vấn đề CPC trong cải thiện quan hệ với VN. Cần nhắc lại rằng tháng 10/1982 trong đàm phán Xô- Trung và trong tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao TQ ngày 1/3/1983, TQ chỉ đặt điều kiện VN rút quân, thậm chí chỉ cần có lịch rút quân rõ ràng thì TQ sẽ tiến hành đàm phán để đi đến bình thường hóa quan hệ Việt- Trung. Từ 6/1988 khi VN rút 1/2 số quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện VN ở CPC, đặc biệt sau tuyên bố 5/4/1989 của VN, CPC đơn phương rút quân tình nguyện VN về nước vào tháng 9/1989, TQ lại đặt thêm điều kiện là VN “phải giải quyết hậu quả của VN đưa quân xâm lược CPC” không phải VN rút hết quân là xong trách nhiệm, đòi VN phải lập Chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk làm Chủ tịch và phải chấp nhận bộ máy giám sát của Liên Hợp quốc (trong khi Liên hợp quốc ủng hộ Khmer Đỏ giữ ghế ở Liên Hợp quốc và ra nhiều nghị quyết bất lợi cho VN) kiểm chứng VN rút “hết mọi loại lực lượng VN” ở CPC làm điều kiện để nối lại đàm phán đề bình thường hóa quan hệ với VN. Trong khi đàm phán TQ một mực đòi VN phải giải quyết vấn đề nội bộ CPC “hậu quả của VN xâm lược CPC” thì TQ mới bàn việc cải thiện quan hệ 2 nước. (Tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ ngày 1/7/1988 sau khi VN rút 5 vạn quân). Trong khi đó, cách xử sự của TQ với Liên Xô thì khác hơn. Tháng 5/1989, trong khi “3 trở ngại” trong quan hệ Trung-Xô chưa được giải quyết TQ vẫn đón TBT Gorbachov thăm chính thức TQ, cải thiện quan hệ cả về mặt Đảng và Nhà nước với Liên Xô. Tháng 10/1989, khi TBT Lào Kaysone Phomvihan thăm TQ, Đặng Tiểu Bình chuyển message oral cho TBT Nguyễn Văn Linh chỉ nêu yêu cầu VN rút quân nhưng ngày 6/11/1989 khi TBT Nguyễn Văn Linh gửi message oral bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ với TQ, đề nghị tiếp xúc cấp cao với TQ thì ngày 12/12/1989 trả lời message oral đó TQ lại đặt thêm điều kiện VN ép Phnom Penh lập Chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu và chấp nhận Liên Hợp quốc giám sát thi hành Hiệp định thì TQ mới “suy xét” việc đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao với VN.

(Còn tiếp)


Ghi chú:

24 張德偉/Zhang Dewei (1988.12-1993.02)

25 General Chatchai Choonhavan (Thai: ชาตชิ Minister of Thailand from 19881991. าย ชณุ หะวณั, 5 April 19206 May 1998) was the Prime

26 General Chavalit Yongchaiyudh (Thai , born May 15, 1932) is a Thai politician, General, Defence Minister, Deputy Prime Minister and Thailand’s 22nd Prime Minister from (1996-1997).

27 district in Banteay Meanchey

28 Pailin is a city (krong) in the west of Cambodia near the border of Thailand. Pailin is a major Khmer Rouge strongpoint and resource center.







No comments:

Post a Comment

View My Stats