Saturday 15 December 2012

GHI CHÉP VỀ CAMPUCHIA (1975-1991) – 3 (Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN tại Campuchia)




Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN tại Campuchia
Posted by vietsuky on 04/12/2012

 (Tiếp theo Phần 1, Phần 2)

II. diễn biến cuộc đấu tranh về CPC và một số quan hệ đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1979-1991

Cuộc đấu tranh về vấn đề CPC trong gần 13 năm (1979-1991) và những quyết sách của ta về CPC luôn luôn gắn liền với những biến đổi trong chiến lược của các nước lớn những biến đồi sâu sắc trên thế giới. CPC là trọng tâm của hoạt động ngoại giao của ta trong giai đoạn này. Có thể có nhiều cách chia giai đoạn khác nhau những để tiện trình bày được chi tiết, tôi phân chia làm 4 giai đoạn nhỏ:

2.1 Giai đoạn 1979 – 1981

a) Bối cảnh quốc tế:
Thắng lợi của VN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đưa đến sự suy yếu và khủng hoảng sâu sắc nhất của đế quốc Mỹ, kéo theo sự khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa đế quốc trong thời kỳ sau VN. Mỹ phải rút khỏi lục địa châu Á, chuyển sang chiến lược quần đảo tạo nên khoảng trống trong khu vực. Thất bại của Mỹ, thắng lợi cách mạng VN và các nước Đông Dương đã đưa tới sự khủng hoảng của các nước ở Đông-nam Á. Mỹ ra sức giải quyết khủng hoảng nội bộ bằng mọi cách khôi phục lại sức mạnh của Mỹ về quân sự, kinh tế và vị trí số một đối với đồng minh; đối phó với việc Liên Xô mở rộng ảnh hưởng và sự phát triển của cách mạng thế giới. Nhằm mục tiêu đó, từ cuối những năm 70, Mỹ đẩy mạnh chạy đua vũ trang, kiềm chế Liên Xô và quan hệ Đông-tây nhưng tránh không làm đổ vỡ quan hệ Xô-Mỹ; đồng thời đẩy mạnh hoà hoãn với TQ, từng bước chơi con bài TQ chống Liên Xô và cách mạng, nhất là từ sau chuyến đi TQ của Brezinski tháng 8/1978, khi TQ chuyển hẳn sang đi với Mỹ chống Liên Xô, phục vụ 4 hiện đại hóa. Trong vấn đề CPC, Mỹ lợi dụng chính sách chống Liên Xô của TQ, tuy nhiên tránh dính líu trực tiếp và điều Mỹ quan tâm nhất là bảo đảm an ninh cho các nước ASEAN nhất là Thái Lan.

Liên Xô triệt để khai thác cục diện quốc tế “sau VN”, sự suy yếu của Mỹ và khó khăn của TQ để mở rộng ảnh hưởng, bao vây, kiềm chế TQ và phá câu kết Mỹ-Trung. Đặc biệt Liên Xô đã lợi dụng thắng lợi của VN để tăng cường vị trí ở Đông-nam Á. Liên Xô đã ủng hộ ta đưa quân vào CPC, đồng thời thúc đẩy quan hệ với VN (ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị tháng 11/1978), với Lào, thiết lập quan hệ với CPC, mở rộng sự có mặt của Liên Xô cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự, tranh thủ VN và các nước Đông Dương đi với Liên Xô đối phó với câu kết Trung-Mỹ song tránh dính líu trực tiếp vào cuộc xung đột.

TQ coi Đông-nam Á là khu vực ảnh hưởng và là hướng bành trướng chủ yếu của TQ. Thắng lợi của VN, Đông Dương và sự phát triển của xu hướng hòa bình, ổn định ở Đông-nam Á làm cho TQ thất bại trong chính sách truyền thống lợi dụng và kiềm chế cuộc đấu tranh của 3 nước Đông Dương, phá hoại và chia rẽ các nước Đông-nam Á vì lợi ích chiến lược của TQ.

Thắng lợi của VN kéo theo việc Liên Xô tăng cường ảnh hưởng ở Đông Dương, Mỹ thất bại và bị đẩy ra khỏi lục địa Đông-nam Á tạo một khoảng trống chiến lược lớn. Các chính quyền của các nước ASEAN lâm vào khủng hoảng, trong khi TQ bị suy yếu nghiêm trọng sau cách mạng văn hoá và bè lũ 4 tên.

Trong tình hình đó, từ 1978 TQ triển khai mạnh mẽ kế hoạch 4 hiện đại [hóa] đi liền với sự chọn lựa “phương Tây hoá cả gói” đã quyết định bước ngoặt chiến lược đối ngoại của TQ đi với Mỹ dẫn đến đỉnh cao của câu kết Trung-Mỹ trong những năm 1978-1981. TQ triệt để lợi dụng sự suy yếu của Mỹ và yêu cầu của Mỹ ngăn chặn Liên Xô và cách mạng thế giới, khai thác mâu thuẫn Mỹ-Xô và giữa cách mạng với phản cách mạng, đưa ra khấu hiệu chống “đại bá” và “tiểu bá” tự xưng là “NATO phương Đông” phát triển mạnh quan hệ với Mỹ và phương Tây.

TQ cũng triệt để lợi dụng mối lo ngại của các nước ASEAN trước việc Mỹ rút lui và nguy Cơ Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở Đông-nam Á để lập mặt trận TQ-Mỹ-ASEAN-phương Tây chống Liên Xô, VN và cách mạng thế giới. Nhằm thực hiện mục tiêu tranh thủ Mỹ và phương Tây phục vụ 4 hiện đại hoá đồng thời chống lại sự bao vây, kiềm chế của Liên Xô, TQ đã có những bước đi rất quyết liệt về mặt đối ngoại, cắt viện trợ cho VN, Anbani (1978), khuyến khích, hỗ trợ cho bọn Pol Pot tiến đánh VN, trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược chống VN tháng 2/1979, và lôi kéo Mỹ, ASEAN, phương Tây bao vây cô lập VN, đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên Xô, VN trong khu vực. Việc TQ chuyển từ cách mạng sang đi với Mỹ chống cách mạng, dùng vấn đề CPC để chống Liên Xô và VN đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược của TQ trong hơn 40 năm qua.

b) Về CPC, ngày 7/1/1979 khi ta giải phóng CPC mặc dù ta dùng cả hải-lục-không quân; dùng lính dù nhảy xuống Siem Reap nhưng chủ yếu là lùa quân Pol Pot từ phía Đông sang phía Tây, do đó cơ bản lực lượng Pol Pot không bị tiêu hao lớn.

Về mặt đối ngoại, ta phải đối phó với tình hình rất khẩn trương. Ngày 6/1/1979, TQ cho máy bay đón Sihanouk sang Bắc Kinh và cũng trong những ngày này Cảnh Tiêu, Hàn Niệm Long21 bí mật sang Bangkok gặp Thủ tướng Kriangsak [Chomanan] bàn việc giúp Pol Pot ” đất thánh” và vận chuyển vũ khí của TQ cho Pol Pot (tài liệu ta bắt được ở căn cứ Tà Sanh – Battambang). HĐBA/LHQ họp ngày 10/1/1979 và ra dự thảo nghị quyết lên án VN xâm lược, đòi VN rút quân; Liên Xô đã phủ quyết dự thảo nghị quyết này. Ngày 9/1/1979, Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố kêu gọi rút ngay, rút hết quân nước ngoài khỏi CPC. Cũng ngày 9/1/1979, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance nói: cuộc nói chuyện giữa VN và Mỹ về bình thường hóa quan hệ đã đổ vỡ do cuộc xâm lăng của VN vào CPC. Từ lúc này sức ép đòi ta rút quân ngày càng mạnh và cũng từ 30/6/1979 dòng người VN di tản ngày càng tăng vọt trong khi kinh tế trong nước rất khó khăn làm xấu đi hình ảnh VN trên thế giới. Lập trường Cơ bản của chúng ta về CPC lúc này là tuyên bố “tình hình CPC là không thể đảo ngược” và quyết tâm “ăn cả” ở CPC. Tháng 7/1981, chúng ta tẩy chay không tham dự Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc về CPC (ICK).

Trong nội địa CPC, sau giải phóng 7/1/1979, ngoài việc bộ đội ta tiếp tục tiến công đánh vào 11 căn cứ lớn của Pol Pot, nhiệm vụ khẩn cấp là phải cứu đói cho dân, lo tổ chức toà án kết tội Pol Pot (8/1979) làm ngọn cờ chính trị cho chính quyền CPC, lo tổ chức bộ máy chính. quyền từ Trung ơng đến địa phương, tổ chức in và phát hành đồng tiền trở lại. Cần nói thêm rằng trong bối cảnh tình hình CPC lúc đó việc xây dựng Đảng và chính quyền đều làm từ trên xuống, lập chính quyền tỉnh rồi mới đến huyện, xã; phát triển đảng viên trong Bộ, Thứ trưởng trước rồi mới đến cán bộ… đây cũng là nguyên nhân tại sao CPC không thể có Cơ sở vững chắc. Ngày 1/5/1981, ta giúp tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội ở CPC; 26-29/5/1981, tổ chức Đại hội IV của Đảng [Nhaan dân Cách mạng CPC] và công bố Hiến pháp mới. Có thể nói tất cả mọi hoạt động của ta về đối ngoại và trên thực địa CPC lúc này là nhằm củng cố chính quyền CPC, giữ nguyên trạng ở CPC.

Từ giữa năm 1979, một vấn đề nữa mà ta phải đối phó là nhân việc dân CPC đói, các tổ chức quốc tế dùng chiêu bài “cứu trợ quốc tê” để mùa mưa kéo dân CPC tị nạn sang biên giới Thái và mùa khô thì đẩy trở lại vào nội địa CPC để giúp bảo tồn và cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bọn Pol Pot. Tiếp theo Hội nghị 3 Ngoại trưởng VN, Lào, CPC lần thứ nhất năm 1980 tại Phnom Penh nhân kỷ niệm một năm ngày giải phóng CPC (đ/c Nguyễn Duy Trinh dự Hội nghị này; sau Hội nghị, đ/c Nguyễn Cơ Thạch trở thành Bộ trưởng ngoại giao). Hội nghị 3 ngoại trưởng lần thứ 2 họp tháng 7/1980 ở Vientiane là nhằm đối phó với vấn đề tị nạn, cứu trợ quốc tế và từ đấy hình thành cuộc họp thường kỳ Ngoại trưởng ba nước.

Về Sihanouk, sau khi rời Phnom Penh 6/1/1979, Sihanouk được đưa đến New York để trình bày vấn dề CPC, đòi VN rút quân; trong tâm trạng vừa thoát khỏi tù Pol Pot nhưng phải bảo vệ Pol Pot, ngày 14/1/1979, Sihanouk xin tị nạn chính trị ở Mỹ nhưng TQ đã thuyết phục Mỹ không cho Sihanouk tị nạn. Trở về Bắc Kinh, Sihanouk 4 lần viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng (7, 23, 27/10/1979 và 11/11/1979), nội dung thư Sihanouk cám ơn đã giải phóng CPC khỏi diệt chủng nhưng đề nghị được đàm phán với VN để khôi phục chủ quyền CPC.

Ta không nhận và không trả lời [những] thư đó. Trong cuộc họp báo ở La Havana nhân dịp Hội nghị cấp cao 6 của Phong trào không liên kết (tháng 8/1979), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về Sihanouk như sau: “Qest ce qui est Sihanouk? C’est ùn homme fini”. Tình hình đó là do lợi ích của ta là giữ nguyên trạng ở CPC, còn những người lãnh đạo mới ở CPC rất sợ uy tín và ảnh hưởng của Sihanouk nên kiên quyết không muốn ta tiếp xúc với Sihanouk. Trong một cuộc gặp lãnh đạo ta năm 1979, để ngăn ta có thể có tiếp xúc với Sihanouk, Pen Sovan nói: giống như tục ngữ CPC, Sihanouk như con chó khi chui qua rào thì cụp đuôi, vượt qua rào nó sẽ vểnh đuôi trở lại.

c) Về quan hệ của ta với chính quyền CPC:
Cán bộ, chuyên gia “làm thay, làm thầy, làm tớ”, còn những người lãnh đạo, cán bộ CPC “hưởng thụ từ lúc còn thơ, quan liêu từ lúc bơ vơ mới về” lại sớm nảy sinh đầu óc hẹp hòi dân tộc. Điển hình là vụ Chea Sim22 và Pen Sovan. Chea Sim là đại biểu Quốc hội của Pol Pot, được coi là người mẫu mực của CPC Dân chủ và Chea Sim dẫn đầu đoàn ly khai chạy sang VN 1978 trong đoàn có Heng Somrin nhưng không được trọng dụng, được cử làm Bộ trưởng nội vụ một thời gian ngắn lại chuyển sang làm Mặt trận, Quốc hội. Vốn mặc cảm vì không được tin cậy nên Chea Sim tỏ ít nói, lầm lì và càng mặc cảm hơn khi bị khám nhà. Ngày 10/3/1979 một chiếc ca nô cặp bến Phnom Penh, có 47 người, có vũ trang và cờ Pol Pot, nói về để liên hệ với Chea Sim; tối 12/3/1979, quân quản Phnom Penh đem xe tăng đến khám nhà Chea Sim, chụp ảnh tài liệu, những người trong nhà và cho máy rà mìn tìm vũ khí quanh nhà Chea Sim. Cuối tháng 3/1979, Hun Sen nói với anh Ngô Điền về sự kiện này như sau: Sao lại khám nhà một đ/c Trung ương. Có địch mới làm như vậy. Nếu là tôi, tôi không cho phép làm thế, tôi bắn cả người khám và bắn cả tôi luôn. Còn Pen Sovan, vốn là trẻ mồ côi CPC do bộ đội ta nhặt được và được nuôi từ bé, trở thành đại uý quân đội ta, và thành Tổng Bí thư nhưng sớm trở mặt chống lại ta và tháng 7- 8/1981 làm găng về vấn đề người Việt ở CPC và đòi cử đoàn của Trung ương Đảng CPC sang đàm phán với Trung ương Đảng VN về vấn đề này. Trong nội bộ đảng CPC, Pen Sovan độc quyền, không tôn trọng tập thể. Tháng 12/1981, BCT CPC khai trừ Pen Sovan, nhờ ta bắt giam Pen Sovan ở Hà Nội và Heng Somrin trở thành Tổng Bí thư.

Đối với Bộ Ngoại giao, từ 3 đ/c chuyên gia đầu năm 1979, tháng 9/1979 theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao CPC ta đã cử sang 17 chuyên gia bố trí tới tất cả các Vụ của Bộ Ngoại giao CPC (như các đ/c Hoàng Đình Cầu – trưởng đoàn, Ngô Quý Cận, Ngô Viết Lũy, Đặng Đức Khôi, Châu Phong, Lê Đông, Trần Ngữ, Đỗ Ngọc Sơn, Nguyễn Huy Cẩm, Lê Quang (Tài vụ), Kim Lân (Cục) v.v…). Tháng 3/1981, Pen Sovan và Hun Sen gặp đ/c Nguyễn Cơ Thạch ở nhà khách góc đường Nguyễn Du ở Hà Nội có ý chê chuyên gia ta, cho rằng một số việc CPC tự làm tốt hơn chuyên gia VN như về lễ tân, báo chí… và yêu cầu ta rút chuyên gia khỏi Bộ Ngoại giao và chỉ cử một vài cố vấn giỏi. Theo yêu cầu của CPC, ta rút chuyên gia khỏi Bộ Ngoại giao và cử 5 cố vấn sang CPC giúp Bộ Ngoại giao CPC trong thời gian từ 1982 đến 1988 (các đ/c Vũ Toàn, Hoàng Đình Cầu, Khang, Trần Ngữ, Đoàn Trần Cảnh/Ban Đối ngoại, Phạm Công Bai…).

Cần phải nói rằng Bộ Ngoại giao ta có sự giúp đỡ rất to lớn đối với Bộ ngoại giao CPC, ngoài sự giúp đỡ trực tiếp rất tỉ mỉ hàng ngày của đ/c Ngô Điền với cá nhân Hun Sen và Bộ Ngoại giao CPC, những cuộc họp ba ngoại trưởng thường kỳ hoặc những dịp sang trao đổi tình hình với những bài phát biểu chuẩn bị công phu của đ/c Nguyễn Cơ Thạch thật sự là sự bồi dưỡng rất Cơ bản về đánh giá tình hình thế giới và khu vực cũng như phương pháp luận trong việc xem xét xử lý các vấn đề đối ngoại và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến Hun Sen. Không những thế, năm 1985 ta còn giúp mở lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao cho CPC, các đ/c Vũ Khoan, Lê Mai, Nguyễn Phượng Vũ đã từng sang CPC giới thiệu với lớp học này về chiến lược của Liên Xô, Mỹ, TQ.

2.2 Giai đoạn từ 1982-1986

a) Bối cảnh quốc tế:
Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc chạy đua toàn cầu về kinh tế và KHKT và do những khó khăn nội tại của mỗi nước, từ đầu những năm 1980 cả ba nước Mỹ, Xô, Trung đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược, tập trung phát triển sức mạnh bên trong, giảm bớt tình trạng căng mỏng ra nhiều địa bàn và nhiều mục tiêu, từ đó ở mức độ khác nhau buộc phải giảm bớt chạy đua vũ trang, giảm cam kết ở bên ngoài, tránh đụng độ trực tiếp với nhau và tránh bị sa lầy vào một cuộc xung đột quân sự kéo dài. Quan hệ 3 nước lớn đã vượt qua thời kỳ đối đầu căng thẳng của giai đoạn trước, chuyện sang hình thái cải thiện quan hệ từng đôi một. Xô- Mỹ đã đẩy nhanh việc cải thiện quan hệ (gặp gỡ cấp cao Genève 1985, ký INF 12/1985), củng cố thế 2 cực. TQ tiếp tục duy trì quan hệ với Mỹ trong khuôn khổ các thông cáo chung Trung-Mỹ từ 1972, đồng thời từng bước đi vào bình thường hóa với Liên Xô (nối lại đàm phán Thứ trưởng từ 1982, gặp gỡ 2 Ngoại trưởng tháng 9/1984, đón Phó Thủ tướng Liên Xô Arkhipov tháng 12/1984). Tuy nhiên, việc cải thiện từng cặp quan hệ các nước lớn chỉ đang ở bước đầu.

b) Cuộc đấu tranh về vấn đề CPC trong giai đoạn này về Cơ bản vẫn nằm trong khung cảnh tập hợp lực lượng.cho cuộc đối đầu giữa 2 phía, đồng thời xuất hiện nhân tố mới là các nước lớn bắt đầu sử dụng vấn đề CPC để dàn xếp quan hệ với nhau.

Khi nối lại đám phán Trung-Xô tháng 10/1982, ngay từ đầu TQ nêu “3 trở ngại”, trong đó có vấn đề CPC, đồng thời trao 5 điểm cho Liên Xô (VN tuyên bố rút hết quân và bắt đầu rút một bộ phận; đàm phán bình thường hóa Việt-Trung; cải thiện quan hệ Trung-Xô; lập Chính phủ liên hiệp ở CPC; bảo đảm quốc tế cho một nước CPC độc lập và không liên kết). Đến 1/3/1983, TQ đưa ra công khai 5 điểm, tháng 6/1983, TBT Triệu Tử Dương nhắc lại 5 điểm ở Quốc hội TQ, và 10/1983 TQ nhắc lại tại vòng 3 Xô-Trung. Lập trường của TQ về vấn đề CPC lúc này là không chấp nhận được đối với ta. Trong khi thương lượng với Liên Xô về CPC, TQ cương quyết bác bỏ đàm phán với ta, dùng việc TQ cải thiện quan hệ với Liên Xô, các nước XHCN để ép ta và gây xung đột lớn trên biên giới Việt-trung đầu năm 1984. Đi vào đàm phán với TQ từ tháng 10/1982, Liên Xô tiếp tục ủng hộ VN, CPC, chưa chịu bàn với TQ về 3 trở ngại. Cùng với việc điều chỉnh quan hệ với TQ, Mỹ coi trọng hơn vị trí của ASEAN. phó Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng quốc phòng, Tham mưu liên quân Mỹ lần lượt thăm Đông-nam Á (1983-1984). TQ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc lập “Chính phủ liên hiệp 3 phái” (6/1982) và Mỹ ủng hộ, và từ 1983 TQ bắt đầu đề cao vai trò Sihanouk phù hợp với yêu cầu của Mỹ và ASEAN hơn.

Từ năm 1985, khi các nước lớn đẩy mạnh quá trình cải thiện quan hệ từng cặp một, vấn đề CPC ngày càng trở thành một chủ đề quan trọng và trực tiếp trong đàm phán tay đôi giữa 3 nước lớn.

Từ giữa năm 1984, thái độ của Liên Xô trên vấn đề CPC đã bắt đầu thay đổi, Liên Xô thúc đẩy ta và CPC đi vào giải quyết vấn đề CPC bằng chính trị. Tháng 6/1984, lần đầu tiên gợi ý ta tiếp xúc với Sihanouk, đồng thời lấy vấn đề CPC làm một nội dung trong đàm phán tay đôi với Mỹ và TQ. Tháng 5/1985 vấn đề CPC đã được đặt vào chương trình nghị sự cuộc đàm phán cấp chuyên viên Xô-Mỹ bàn về các vấn đề khu vực. Từ vòng 9 đàm phán Xô-Trung tháng 10/1986, Liên Xô bắt đầu nhận bàn với TQ về vấn đề CPC, nêu lên khả năng sử dụng Khieu Samphan. Tháng 7/1986, TBT Gorbachov tuyên bố ở Vladivostok nêu vấn đề CPC phải giải quyết giữa VN và TQ là 2 nước XHCN. Tháng 3/1987, Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze thăm VN, CPC khuyên CPC nên đẩy mạnh hoà hợp dân tộc. Tháng 6/1987, đ/c Nguyễn Văn Linh thăm Liên Xô, Liên Xô gợi ý giải pháp về CPC theo công thức Afghanistan; sau chuyến đi này, đ/c Nguyễn Cơ Thạch sang CPC (2/6/1987) thông báo cho lãnh đạo CPC và phân tích sự khác nhau giữa CPC và Afghanistan… Tháng 7/1987, Gorbachov tuyên bố với báo Merdeka (Indonesia) Liên Xô ủng hộ việc lập Chính phủ liên hiệp ở CPC giống như ở Afghanistan; cuối 1987, Liên Xô lại gợi ý với ta về việc Hun Sen gặp Khieu Samphan. Khác với trước, Mỹ tăng cường hoạt động về vấn đề CPC, từ tháng 5/1985, cùng với Liên Xô đưa vấn đề CPC vào danh mục các vấn đề khu vực nhưng ưu tiên bàn về các khu vực khác quan trọng hơn đối với Mỹ, đồng thời Mỹ bắt đầu viện trợ công khai cho 2 phái không cộng sản CPC nhằm giúp 2 phái này tăng cường lực lượng, khẳng định vai trò của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề CPC. Tới tháng 9/1985 Mỹ cùng với Liên Xô đàm phán ở cấp Thứ trưởng về CPC và châu Á- Thái Bình Dương. Qua 8 vòng đàm phán Xô-Trung, TQ kiên trì đòi lấy vấn đề CPC làm một nội dung đàm phán về bình thường hóa quan hệ 2 nước, và trước bước phát triển nhanh của quan hệ Xô-Mỹ, TQ đã giảm yêu cầu, cố vượt qua “trở ngại” để thúc đẩy quan hệ Trung-Xô (tháng 4/1985, Đặng đặt vấn đề: nếu VN rút quân khỏi CPC, Liên Xô có thể duy trì căn cứ Cam Ranh và tháng 9/1986, Đặng tuyên bố sẵn sàng gặp Gorbachov nếu để giải quyết vấn đề CPC). Ngay trong khi sử dụng vấn đề CPC để thúc đẩy quan hệ với Liên Xô, TQ vẫn rất coi trọng việc tranh thủ Mỹ, phương Tây và ASEAN. Tháng 11/1986, Đặng tuyên bố một chính thể cộng sản không phù hợp với CPC, đồng thời TQ không chịu nói chuyện với VN.

Trước triển vọng Xô-Mỹ, Xô-Trung dùng vấn đề CPC để dàn xếp với nhau, ASEAN cũng điều chỉnh chính sách gia tăng đối thoại với VN về vấn đề CPC, trong đó Indonesia đi mạnh hơn cả do Indonesia muốn đề cao vai trò nước lớn trong khu vực, tạo thế đi vào bình thường hóa với TQ. Từ cuối 1987, Thái Lan cũng bắt đầu tìm kiếm quan hệ với ta và CPC. Một nhân tố không kém phần quan trọng là các nước Đông-nam Á cũng đi vào cuộc chạy đua về kinh tế và KHKT, từ đầu những năm 1980 do giá sản phẩm sơ cấp giảm mạnh, nhiều nước khó khăn lớn, phải điều chỉnh Cơ cấu để thích nghi với tình hình.

Nếu như trước đây các nước Tây Âu đứng về phía ASEAN trong giải pháp cho vấn đề CPC thì nay đã tích cực tham gia, từ năm 1984 Pháp đã gợi ý tổ chức cuộc gặp Hun Sen-Sihanouk nhưng không thành do TQ cản phá.

c) Từ 1982, với những chuyển biến mới trong tình hình quốc tế và sau Đại hội V của Đảng, chính sách của ta về CPC cũng từng bước điều chỉnh. Ngày 6/7/1982, Hội nghị 3 Ngoại trưởng VN, Lào CPC họp ở Vientiane tuyên bố đơn phương rút một bộ phận quân đội VN ở CPC. Ngày 1 8/9/1982, lần đầu tiên Hun Sen tuyên bố: nếu những người trong hàng ngũ Pol Pot tuyên bố ly khai chúng, tôn trọng Hiến pháp CHND CPC thì sẽ được hưởng quyền công dân trong bầu cử theo Hiên pháp qui định và sẽ mời người nước ngoài quan sát cuộc tổng tuyển cử tự do ở CPC.

Trong lúc này, ý định về việc phải rút quân tình nguyện VN ở CPC về nước là một ý định rõ ràng tuy nhiên việc rút quân đó phải trên Cơ sở giữ nguyên trạng ở CPC. Ngày 22/2/1983, Hội nghị cấp cao Đông Dương ở thủ đô Vientiane đã ra tuyên bố về vấn dề quân tình nguyện VN ở CPC, khẳng định hàng năm, một bộ phận quân đội VN sẽ rút quân tùy theo sự phát triển của tình hình CPC và Tuyên bố chung của Hội nghị tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa 3 nước, quyết định lập Ủy ban hợp tác kinh tế 3 nước và Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao 3 nước 6 tháng họp một lần là nằm trong Cơ chế tăng cường hợp tác kinh tế-văn hóa-KHKT giữa 3 nước. Đ/c Lê Duẩn trong hội đàm cấp cao ba nước đã phát biểu đại ý: chúng ta có SEV lớn ở Đông Âu còn ở Đông-nam Á, 3 nước chúng ta hình thành một SEV nhỏ .

Tháng 2/1983, BCT Đảng Nhân dân cách mạng (NDCM) CPC ra Nghị quyết đề ra 3 mục tiêu phấn đấu của cách mạng CPC: xây dựng thực lực cách mạng; làm cho địch suy tàn; xây dựng đoàn kết VN-CPC, CPC-Lào. Tháng 5/1983, BCT ta ra Nghị quyết 11 chỉ đạo các ngành, các tỉnh giúp CPC thực hiện 3 mục tiêu nói trên.

Ngày 3/2/1983, đ/c Nguyễn Cơ Thạch cùng đ/c Lê Đức Căng (Vụ trưởng Vụ châu Á 2), Trần Như Lịch (thư ký) đến thăm bí mật CPC. Ngày 4/2/1983, đ/c Thạch làm việc với BCT CPC có mặt: Heng Somrin, Sai Phuthong, Bouthong, Chao Si, Hun Sen, Chia Soth, Chea Sim. Phía ta có thêm đ/c Lê Đức Anh và đ/c Ngô Điền.

Đ/c Lê Đức Anh nói: Từ 1979 đến nay, hàng năm, tùy theo sự phát triển của tình hình CPC, sự suy yếu của địch mà một bộ phận quân đội VN rút bớt. Năm 1983, đề nghị rút thêm Bộ tư lệnh Quân đoàn, 1 sư đoàn và 5 trung đoàn trực thuộc binh đoàn. Từ 1981 ta rút không công khai, từ 1982 việc rút đó có kết hợp với tấn công ngoại giao và đã thu được kết quả tốt. Lần rút này, đề nghị kết hợp tốt với đấu tranh ngoại giao. TBT Heng Somrin phát biểu tán thành nhưng đề nghị VN tăng cường giúp quân đội CPC. Việc rút Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), đợt rút quân lớn nhất cho đến lúc này, được tiến hành vào tháng 5/1983, kết hợp với tuyên truyền đối ngoại, đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Cũng lúc này trên chiến trường CPC là bọn Pol Pot giảm hoạt động quân sự nhưng đẩy mạnh xây dựng chính quyền 2 mặt. Điển hình là vụ đánh địch “ngầm” ở Siem Reap tháng 5/1983, sai về phương pháp, phương châm, đánh vào cán bộ CPC. Ban lãnh đạo chuyên gia toàn CPC đã kiểm điểm và ta đã thi hành kỷ luật: cảnh cáo trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và rút về nước đ/c Bùi San (thường trực Ban Lãnh đạo Tổng đoàn chuyên gia ở CPC), kỷ luật lưu Đảng và hạ cấp đ/c Hồ Quang Hoá từ Thiếu tướng xuống Đại tá. Ngày 18-19/10/1983, nhân dự Hội nghị chủ nhiệm Tổng cục chính trị 3 nước, đ/c Chu Huy Mân và Trần Xuân Bách thay mặt BCT ta xin lỗi Bộ chính trị CPC về sự kiện Siem Reap và thông báo quyết định kỷ luật của phía ta.

Ngày 15/6/1984, Đại sứ Ngô Điền gặp TBT Heng Somrin thông báo việc Ngoại trưởng Pháp Claude Cheysson gửi thư cho Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đề nghị thu xếp cuộc gặp với Sihanouk nhưng VN không chấp nhận, chỉ có thể cùng Pháp thu xếp cuộc gặp CHND CPC với Sihanouk. Heng Somrin nói Sihanouk là kẻ thù trước mắt của CPC và là kẻ thù của 3 nước Đông Dương.

Ngày 24/9/1984, đ/c Lê Đức Anh gặp Bộ chính trị CPC tại Phnom Penh.

Đ/c Lê Đức Anh phát biểu đại ý: BCT VN hoàn toàn ủng hộ 3 mục tiêu mà BCT ra nghị quyết tháng 2/1983 nhằm xây dựng lực lượng cách mạng CPC. Qua thực hiện thấy CPC có nhiều tiến bộ. Cách mạng nước nào là sự nghiệp của bản thân nhân dân nước đó. Cuối 1978, đầu 1979 do hoàn cảnh rất đặc biệt của CPC, sự phản bội của chủ nghĩa bành trướng; nhân tố cách mạng, nhân tố những người cách mạng chân chính CPC bị tàn sát do đó lực lượng cách mạng VN phải tạo điều kiện cho nhân dân CPC đứng lên xây dựng lại lực lượng cách mạng, tạo điều kiện cho những người cách mạng chân chính thoát khỏi bàn tay giết người của Pol Pot.

Do hoàn cảnh đặc biệt đó, lúc đầu cách mạng CPC phải do 2 lực lượng VN- CPC quyết định nhưng lực lượng quyết định là cách mạng CPC, không ai có thể làm thay… BCT VN ủng hộ và sẽ giúp thực hiện 3 mục tiêu. Sau khi thực hiện được 3 mục tiêu đó, lúc bấy giờ mới tính giải pháp chính trị. Trong khi đẩy mạnh xây dựng thực lực cách mạng, hiểu bản chất kẻ thù, chúng ta có thể vận dụng sách lược để phân hoá hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ sự đồng tình của quốc tế đặc biệt sách lược đó phải làm cho cách mạng mạnh lên. Trên tinh thần đó BCT VN tán thành cuộc gặp gỡ CHND CPC với Sihanouk. Heng Somrin và Hun Sen phát biểu nhấn ý thúc đẩy để gặp Sihanouk chỉ dể tìm hiểu chứ chưa phải là để tìm giải pháp.

Cuối tháng 11 đầu tháng 12/1984, Hun Sen đi thăm Thụy Điển và đi thăm Pháp để gặp Sihanouk theo sự sắp xếp của Ngoại trưởng Pháp Claude Cheysson nhưng cuộc gặp không thành do TQ phá. Hun Sen chỉ gặp người bà con tên là Hun Yendi có quan hệ mật thiết với In Tam, nguyên Chủ tịch Quốc hội thời Lon Nol và từ đó Hun Sen thiết lập được quan hệ với In Tam.

Ngày 4/12/1984, anh Trần Xuân Bách gặp tay đôi với Heng Somrin và tôi đi dịch. Anh Bách thông báo Thủ tướng Chan Sy ốm phải điều trị lâu dài ở Liên Xô do đó CPC nên cử Quyền Thủ tướng. Anh Bách nói Chia Soth và Buthong bận quá nên để Hun Sen làm Quyền Thủ tướng. Heng Somrin nói Hun Sen có khả năng hơn, giải quyết việc nhanh hơn còn Chia Soth khi bận việc hay ngang ngạnh và hay quên. Ít lâu sau đó, Chan Sy23 chết vì ung thư và Hun Sen trở thành thủ tướng từ đó.

Năm 1984, ta và CPC tổng kết thành tựu 5 năm kể từ 1979), CPC rất phấn khởi, tự tin. Cuối năm 1984 đầu 1985, mặc dù rất gian khổ và chịu nhiều hy sinh, quân đội VN mở chiến dịch mùa khô tấn công đánh chiếm toàn bộ các căn cứ của cả 3 phái CPC phản động trên toàn bộ tuyến biên giới CPC-Thái Lan; đánh chiếm đến đâu ta xây dựng công trình kiên cố, rào lại toàn bộ biên giới và đưa lực lượng CPC chốt giữ – Lực lượng CPC này có tên gọi là A.3.
Trên cơ sở thắng lợi lớn về quân sự đó, Hội nghị 3 Ngoại trưởng lần thứ 11 tại Phnom Penh 16/8/1985 đã ra tuyên bố nêu nội dung mạnh mẽ nhất về giải pháp chính trị :
- VN sẽ đơn phương rút hết quân vào năm 1990.
- CHND CPC sẵn sàng nói chuyện với cá nhân và các nhóm Khmer đối lập bàn về vấn đề hoà hợp dân tộc trên Cơ sở loại trừ bọn diệt chủng Pol Pot.

Tuy nhiên, những cố gắng của ta về đàm phán với TQ, đàm phán về CPC vẫn bế tắc, TQ vẫn giữ đòi hỏi cao về vấn đề CPC. Trước Đại hội VI, BCT họp ngày 12/6/1986 đã thảo luận và ngày 8/7/1986 đã ra Nghị quyết 32 về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đánh dấu bước ngoặt trong đấu tranh của ta về CPC và quan hệ với TQ.

Nghị quyết 32 nhận định: “Trong cuộc đấu tranh hiện nay của nhân dân ta, đế quốc Mỹ là kẻ thù lâu dài và Cơ bản, bá quyền TQ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, TQ lại là đối tượng mà Liên Xô, các nước XHCN và lực lượng tiến bộ trên thê giới đang tranh thủ đồng thời có đấu tranh”… ” Trong 10 năm qua, chúng ta giành được những thắng lợi lớn trên mặt trận đối ngoại, đồng thời cũng có một số khuyết điểm và thiếu sót.
Nghị quyết đề ra nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới và chủ trương: “Ta phải chủ động tạo ra thế ổn định để tập trung vào xây dựng kinh tế. Nghị quyết nhận định, do thuận lợi trên thế giới và thắng lợi của cuộc đấu tranh của ta “đang mở ra khả năng mới cho phép chúng ta chủ động chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới dưới hình thức cùng tồn tại hòa bình giữa 3 nước Đông Dương với TQ, với các nước ASEAN, với đế quốc Mỹ, xây dựng Đông-nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc“. Tình hình CPC đang có thuận lợi, CPC lớn mạnh và có chỗ dựa là VN, Lào; …”tuy nhiên sự nghiệp cách mạng CPC phải do nhân dân CPC quyết định“.
Nghị quyết 32 chủ trương: “Để giải quyết hòa bình vấn đề CPC và Đông- nam Á, chúng ta cần phải đạt được một sự thoả thuận của các bên có liên quan trực tiếp ở Đông-nam Á, đồng thời chúng ta có thể và cần ra sức lợi dụng mâu thuẫn giữa bọn đế quốc và bá quyền để đạt một giải pháp có lợi nhất cho 3 nước Đông Dương. Một giải pháp về CPC phải bảo đảm giữ vững thành quả cách mạng CPC và cách mạng CPC phải tiến lên, tăng cường khối liên minh giữa 3 nước với nhau và giữa 3 nước với Liên Xô…” ...Ta cần tranh thủ Liên Xô ủng hộ một giải pháp về CPC có lợi cho cách mạng 3 nước Đông Dương. Mặt khác, một giải pháp về CPC mà không tính đến vai trò của TQ là không phù hợp với tình hình thực tế cuộc đấu tranh ở CPC và trong khu vực Đông-nam Á. Đồng thời chúng ta phải tính đến thực tế và kinh nghiệm của ông cha ta. Chúng ta kiên quyết chống chính sách bá quyền của. TQ đối với ta, đồng thời tranh thủ cùng tồn tại hòa bình với TQ ” ...ta có thể vận dụng sách lược linh hoạt với TQ để kéo TQ đi vào một giải pháp cùng tồn tại hòa bình. Làm được như vậy chúng ta chủ động tạo được thế mạnh và vững chắc cho cách mạng 3 nước tiếp tục tiến lên.”

(Còn tiếp)


Ghi chú:

17 Mr. Han Nianlong, born in Renhuai County of Guizhou Province in May 1910, served as vice minister of Foreign Affairs of the People’s Republic ofChinafrom April 1964 to April 1982.

18 Nay là Chủ tịch Đảng Nhân dân CPC (PCC).

19 Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng (thủ tướng) nước CHND Campuchia từ tháng 12.1981 cho tới ngày 31.12.1984, khi công bố tin mất tại Matxkva.





No comments:

Post a Comment

View My Stats