Ngô Văn
Cập nhật: 19/12/2012
Ngày 29/11/2012, đại học Johns Hopkins
ở tiểu bang Maryland (Hoa Kỳ) công bố một số không ảnh chụp dàn phóng tên lửa
của Bắc Triều Tiên từ vệ tinh dân sự. Các không ảnh cho thấy Bình Nhưỡng đang
chuẩn bị phóng tên lửa. Vì không thể giấu được nữa nên hai ngày sau Bình Nhưỡng
công bố trước thế giới trong năm nay sẽ phóng thử vệ tinh thêm một lần nữa,
thời điểm phóng sẽ từ ngày 10 đến 22 tháng 12.
Nhưng chỉ qua ngày hôm sau, nhà nước
Bắc Hàn thông báo sẽ triển hạn ngày phóng. Và sau hết, thế giới ngạc nhiên vào
lúc 9 giờ 49 phút (giờ Bắc Hàn) sáng ngày 12 tháng 12, Bình Nhưỡng khai hỏa tên
lửa phóng lên không trung.
Kiểu tuyên bố bất thường đó của Bắc Hàn
không phải là chuyện lạ. Chính vì thế mà ba nước Nam Hàn, Nhật Bản và cả
Philippines vẫn duy trì cảnh giác cao độ để đối phó nếu tên lửa Bắc Hàn rơi
xuống lãnh thổ của mình. Riêng Nam Hàn và Nhật Bản, tuy cả 2 chính phủ đều
chuẩn bị kỹ càng để đối phó, kể cả chuẩn bị loại hỏa tiễn chống hỏa tiễn để bắn
rơi hỏa tiễn Teapodong của Bắc Triều Tiên, nhưng vẫn bị truyền thông và dân
chúng phê phán. Phần lớn các phê phán nhắm vào sự yếu kém về mặt tình báo của 2
chính phủ.
Nhiều câu hỏi như: Tại sao khi nhìn các
không ảnh mới nhất chụp được từ vệ tinh thì cả Hàn lẫn Nhật đều tin là Bắc Hàn
đã gỡ hỏa tiến ra khỏi dàn phóng. Căn cứ vào đâu mà tình báo Nam Hàn còn phân
tích thêm rằng sở dĩ phải gỡ ra vì bị trục trặc kỹ thuật. Muốn sửa chữa phải
cần một thời gian dài. Họ còn cho rằng mùa đông ở Thướng Lý, nơi đặt dàn phóng,
khí hậu rất lạnh — đến âm 17 độ C. Với nhiệt độ đó thì nhiên liệu nạp vào hỏa
tiễn rất dễ đóng băng và không thể phóng đi. Giới khoa học gia Nam Hàn còn bị
dân chúng chê. Vì Nam Hàn còn đang cố gắng chế tạo loại hỏa tiễn 2 tầng thì lần
này Bắc Hàn đã phóng lên hỏa tiễn 3 tầng.
Trong khi đó, các chuyên gia phóng hỏa
tiễm thuộc bộ Tự vệ Nhật tuy cho rằng chỉ mất vài ngày là có thể thay thế một
vài bộ phận bị trục trặc và trên lý thuyết có thể phóng hỏa tiễn lên được. Tuy
nhiên, cách làm đó quá mạo hiểm; xác suất thất bại rất cao. Còn tình báo quân
sự của Hoa Kỳ, đồng minh quân sự của cả Nhật và Nam Hàn chẳng có nhận xét nào khác
và cũng nghĩ rằng Bình Nhưỡng đã tạm thời ngưng phóng cho đến mùa xuân 2013.
Thế giới đã phản ứng như thế nào trước việc phóng tên lửa
của Bắc Triều Tiên lần này? Trước hết, Tổng
thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki Moon, xác định chính quyền Bình Nhưỡng đã vi
phạm Quyết Nghị 1874 của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên phóng hỏa tiễn. Hội
đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở một cuộc họp khẩn cấp để lên án và áp dụng biện
pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên. Đại đa số tin rằng việc phóng vệ tinh chỉ
là lý cớ che đậy cho việc thử nghiệm khả năng mới của hỏa tiễn. Nga là nước
trước đây thường dùng quyền phủ quyết của mình để chận các nghị quyết trừng
phạt Bắc Hàn, nhưng lần này cũng phải lên tiếng chỉ trích mạnh chính quyền Bình
Nhưỡng và tuyên bố sẽ ngưng hiệp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh thì
nói rằng việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh vào lúc này chỉ gây thêm bất ổn cho
tình hình Đông Á; tuy nhiên, chỉ vì thế mà Liên Hiệp Quốc quyết định chế tài
Bắc Triều Tiên là quá đáng. Thế là nghị quyết chế tài lại bất thành vì có 1
trong 5 nước sáng lập phủ quyết.
Nay vấn đề tùy thuộc từng quốc gia ra
biện pháp chế tài của riêng mình đối với Bắc Hàn. Chắc chắn, ba quốc gia
Hàn-Mỹ-Nhật sẽ có những biện pháp chế tài mạnh hơn. Và lần này còn có thêm Nga
và Ấn Độ cùng ra tay trừng phạt, nên Bắc Triều Tiên sẽ gặp khó khăn hơn những
lần vi phạm trước.
Tại sao bị nhiều quốc gia phản đối mà Bắc Triều Tiên vẫn
quyết định phóng tên lửa vào lúc này?
Theo các bài bản tuyên truyền và lời bình của các nhà phân tích về tình hình
bán đảo Triều Tiên thì có hai lý do chính khiến Bình Nhưỡng cứ nhất quyết phóng
tên lửa vào lúc này. Thứ nhất, để kỷ niệm ngày giỗ đầu của cố Chủ tịch Kim
Chính Nhật cũng như biểu dương sức mạnh của tân lãnh tụ Kim Chính Ân. Thứ hai,
để uy hiếp và ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống tại Nam Hàn và cuộc bầu cử
quốc hội tại Nhật Bản.
Nhưng điều làm công luận thế giới đau lòng là tình cảnh chết
đói hàng loạt tiếp tục diễn ra ở nhiều vùng tại Bắc Triều Tiên. Năm nào Bình Nhưỡng cũng ngửa tay xin viện trợ nhân đạo của
nhiều quốc gia. Trong khi đó, các chương trình chế tạo tên lửa, vệ tinh và vũ
khí hạt nhân mà nhà nước cộng sản Bắc Hàn đeo đuổi tốn đến hàng trăm tỉ mỹ kim,
một con số mà nhiều nước giàu có hơn Bắc Hàn rất nhiều vẫn không dám nghĩ đến.
Rõ ràng cơm gạo của dân chúng Bắc Hàn tiếp tục bị đốt thành tro bụi trên các
giàn phóng như những đồ chơi mắc tiền của các lãnh tụ Bắc Hàn, từ đời ông, đời
cha, đến đời con hiện nay.
Trên đất Việt Nam, người ta cũng thấy hàng mấy chục tỉ mỹ
kim cũng bị ném vào các trò chơi Vinashin, Vinaline, và một mớ Vina khác, trong
lúc dân ngày càng đói vì vật giá tiếp tục leo thang, trẻ em còn lội sông hay đu
dây ròng rọc đi học mỗi ngày, hàng ngàn cô gái Việt phải bán thân sang nước
khác, hàng triệu những con người bất hạnh bị ném ra lề xã hội. Nhưng có lẽ còn tệ hơn cả Bắc Hàn, vì phần rất lớn số
tiền này đi vào túi riêng của các quan chức ở thượng tầng. Và nay những kẻ
hưởng lợi nhiều nhất từ những trò ma mãnh này đang lôi các con dê tế thần hạng
2 ra hành hạ cho dân hết giận.
Cùng tác giả:
No comments:
Post a Comment