Thụy My – RFI
Thứ bảy 08 Tháng Mười Hai 2012
Trước thái độ ngày càng hung hăng của nhà cầm quyền Trung
Quốc tại Biển Đông, từ việc thành lập thành phố Tam Sa trong đó gồm cả Hoàng Sa
và một phần Trường Sa của Việt Nam, cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu,
cho đến việc lại ngang nhiên cắt đứt cáp tàu thăm dò Bình Minh 2 của Việt Nam,
nhiều người dân Việt rất phẫn nộ.
Đặc biệt là mới đây chính quyền Bắc Kinh lại cấm đoán
Việt Nam thăm dò dầu khí, và yêu cầu Hà Nội “không quấy nhiễu” các tàu cá Trung
Quốc trên Biển Đông.
Trên mạng xã hội Facebook, trang Nhật ký yêu nước đã đưa
ra lời kêu gọi biểu tình phản kháng các hành động của Bắc Kinh, tại Hà Nội vào
sáng Chủ nhật 09/12/2012 tới. Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, bốn mươi hai
nhân sĩ trí thức đã từng kiến nghị biểu tình vào ngày 27/7 trước đây, cũng đã
chính thức kêu gọi mít-tinh phản đối những hành động gây hấn của nhà cầm quyền
Trung Quốc cũng vào sáng mai, trước Nhà hát Thành phố.
Có thể nói đây là lần đầu tiên một cuộc biểu tình lại
được công khai thông báo từ mấy tháng trước, với chữ ký của nhiều tên tuổi
trong đó có các khuôn mặt trong phong trào sinh viên học sinh trước 1975. Lời
kêu gọi của các nhân sĩ Sài Gòn được đăng lại trên các trang mạng đã được hưởng
ứng đông đảo. Chỉ riêng trên trang anhbasam, tính đến hai giờ chiều Việt Nam
hôm nay đã có trên 1.000 ý kiến phản hồi.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong các đại diện 42 nhân
sĩ trí thức Sài Gòn đã gởi kiến nghị.
Nghe
(14:05) : Luật gia Lê Hiếu Đằng - TP Hồ Chí Minh 08/12/2012
RFI : Kính
chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Như vậy là bốn tháng sau lần kiến nghị biểu tình
hôm 27/7 bây giờ các nhân sĩ trí thức Sài gòn quyết định mít-tinh phản đối
những hành động khiêu khích của nhà cầm quyền Trung Quốc?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Trong văn bản gởi cho Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố ngày 27/7, thì
chúng tôi cũng xác định là đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đứng ra tổ
chức biểu tình chống Trung Quốc khi có một sự kiện gì thấy rõ là Trung Quốc
ngang ngược tới xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, có thái độ khiêu
khích gây hấn. Trong trường hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không làm, thì
chúng tôi thực hiện quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp, và khi nào tổ
chức thì chúng tôi sẽ thông báo ngày giờ và địa điểm.
Những ngày vừa qua, với những hành động khiêu khích, chà
đạp lên luật pháp quốc tế và xem thường Việt Nam – tôi cho là kể cả xem thường
lãnh đạo Việt Nam nữa. Nhất là sau đại hội 18 của Trung Quốc, thì như tôi đã
từng nói, ông Tập Cận Bình bây giờ lại thấy là còn chơi những đòn hết sức là
trắng trợn nữa. Miệng thì cứ nói mười sáu chữ vàng bốn tốt, nhưng hành động
thực tế thì nó lại quá trắng trợn đi.
Thành ra những ngày này tôi thấy là báo chí của thành phố
cũng có những phản ứng thích đáng. Nhưng vấn đề ở chỗ là cần phải có những cuộc
mít-tinh, biểu tình, để biểu thị ý chí của nhân dân, và thái độ của nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhân dân cả nước, trước việc làm phi pháp và
trắng trợn của Trung Quốc.
Do đó chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh ngay trước
Nhà hát Thành phố. Chúng tôi cũng hy vọng rằng với việc làm công khai minh bạch
này, thì chúng tôi sẽ được các tầng lớp nhân dân thành phố hưởng ứng. Bởi vì
đây là lợi ích của đất nước, lợi ích của dân tộc. Và chúng ta sẽ chứng minh cho
nhà cầm quyền Trung Quốc biểt rằng nhân dân Việt Nam nói chung, trong đó có
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cương quyết không chịu bất cứ một áp lực nào,
và sẽ đứng lên chống Trung Quốc một khi có hành động xâm lược.
Vì vậy mà trong văn bản chúng tôi cũng đề nghị chính
quyền Thành phố Hồ Chí Minh giữ gìn an ninh trật tự cho cuộc mít-tinh này, và
tránh những việc đàn áp bắt bớ, không tốt đẹp gì cho hình ảnh của Đảng và chính
quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi hy vọng rằng lần này các vị sẽ thấy
nguyện vọng đó của người dân.
Tất nhiên đó chỉ là hy vọng thôi, còn thực tế diễn ra như
thế nào thì chúng ta sẽ chờ. Nhưng tôi nghĩ là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào
thì chúng tôi cũng không sợ gì cả, vì việc làm đó là việc làm chính nghĩa của
người dân thành phố. Và dù có bắt bớ đàn áp thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi
cũng không ngần ngại.
Bởi vì một khi mình đã ra những bản thông báo với tên tuổi
công khai như vậy, thì cũng có khả năng sẽ bị thế này thế kia. Nhưng mà làm
việc gì cũng phải hy sinh, chứ không thể là mình sợ rồi cuối cùng để cho nhà
cầm quyền Trung Quốc lấn chiếm. Và họ sẽ coi khinh dân tộc mình, sẽ coi khinh
nhân dân mình. Mà trong lịch sử thì dân tộc Việt Nam đã đấu tranh chống lại họ,
tổ tiên chúng ta đã đấu tranh thắng lợi qua nhiều thời kỳ, thì không lý gì bây
giờ ta lại khoanh tay ngồi nhìn họ làm càn làm bậy. Ít nữa là cũng phải có thái
độ, thông qua các cuộc mít-tinh và biểu tình.
RFI: Thưa ông từ lúc gởi kiến nghị đến giờ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có
phản hồi gì chưa, hay ngược lại có những động thái ngăn trở nào chưa ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Chưa. Cho đến bây giờ thì chúng tôi chưa thấy gì. Tình hình vẫn yên ắng, không
có vấn đề gì. Và tôi nghĩ đó là việc làm chính đáng thì chẳng lẽ chính quyền
lại có những biện pháp để ngăn trở. Như vậy chính quyền sẽ đi ngược lại nguyện
vọng và ý chí của nhân dân thành phố, sẽ mất lòng dân. Dân sẽ không còn tin
chính quyền nữa trong vấn đề có ý chí bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mà
Trung Quốc hiện nay đang đe dọa một cách nghiêm trọng hàng ngày hàng giờ: cấm
đi lại, rồi đe dọa bắt bớ tàu bè…một cách trắng trợn.
Có thể nói là những gây hấn có tính chất hết sức khiêu
khích, coi thường các nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Và tôi thấy là
phản ứng của Ấn Độ rồi Indonesia, Philippines – nhất là Philippines – như vậy
rất là thỏa đáng. Chúng tôi ủng hộ việc làm, hành động của nhân dân
Philippines. Đó là đất nước chịu rất nhiều thiên tai, vừa rồi họ bị cơn bão,
mấy trăm người đã mất, nhưng mà đứng về chống bá quyền Trung Quốc muốn độc
chiếm Biển Đông thì thái độ họ rất là quyết liệt, rất là rõ ràng. Thì chúng ta
ít nữa cũng phải như là người dân Philippines chứ không thể nào thụ động ngồi
chờ được.
RFI: Thưa ông, cũng biết là các nhân sĩ trí thức đã ký tên chấp nhận khi đấu
tranh cũng có thể bị áp bức, nhưng đó là lớp đàn anh giàu kinh nghiệm. Còn đối
với lớp trẻ như bạn Phương Uyên, là một thí dụ cho thấy khi thanh niên bức xúc
tham gia thì thường bị trấn áp.
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thì các em khi làm việc đó cũng có ý thức. Tôi nghĩ ví dụ Phương Uyên
chẳng hạn, cũng ý thức rằng sẽ bị công an bắt bớ, giam giữ. Các em cũng biết
chứ. Nhưng chính cái đáng quý của các em ở chỗ là tương lai như vậy, nhưng mà
các em hy sinh, dấn thân vào cuộc đấu tranh cùng với các giới khác để mà bảo vệ
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thành ra giới trẻ bây giờ không phải chỉ có ăn chơi, hát
nhạc rap, nhạc rock…mà có một bộ phận giới trẻ hết sức tiến bộ và rất dũng cảm.
Nhân đây qua đài RFI chúng tôi cũng xin nhiệt liệt hoan nghênh cái ý thức đó
của một bộ phận thanh niên hiện nay, nhất là trong số đó có sinh viên học sinh.
Các em đang học tập, và vì đất nước mà các em hy sinh tương lai của mình, chấp
nhận tù tội, chấp nhận mất học hành, mất việc làm. Đó là điều rất đáng quý ở
các em sinh viên học sinh hiện nay, đã biểu hiện qua thời gian vừa rồi.
Và tôi hy vọng trong cuộc mít-tinh sắp đến thì các em sẽ
tham gia một cách đông đảo, phối hợp với một số nhân sĩ trí thức và các giới
đồng bào khác.
RFI: Chỉ riêng vấn đề hộ chiếu “lưỡi
bò”, trong danh sách kiến nghị có những người chưa từng tham gia nhưng cũng ký
tên. Nay Trung Quốc lại khiêu khích một cách quá quắt hơn thì có lẽ người dân lại
càng bức xúc?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Vâng. Một mặt người dân phẫn nộ trước hành động khiêu khích của Trung
Quốc, nhưng cũng rất buồn vì Nhà nước Việt Nam không có những biện pháp hiệu
quả để bảo vệ ngư dân và những vùng lãnh hải của Việt Nam. Thành ra một trong
những khẩu hiệu mà chúng tôi có đưa ra trong cuộc mít-tinh là phải có biện
pháp. Đó là trách nhiệm của Nhà nước.
Quân đội ở đâu, công an ở đâu, chẳng lẽ công an chỉ để
đàn áp dân khi đi biểu tình, hay đàn áp dân oan khi người ta khiếu nại về đất
đai ? Trong khi đối với bọn giặc, bọn gây hấn với Việt Nam thì lại đành bất lực
à ? Nhìn ngư dân bị hành hạ, bị bắt bớ rồi bắt phải đền bù; hoặc gọi là “làm
đứt cáp” tàu Bình Minh 2 nhưng thực chất là nó cắt, chứ cái dây cáp chắc chắn
như vậy thì không thể nào đứt được nhưng mà nó cắt rồi nói trớ ra là đứt…Có thể
nói là nỗi buồn của người dân Việt Nam trước sự nhu nhược của Nhà nước, chưa có
những biện pháp để bảo vệ dân, bảo vệ đất nước của mình.
RFI: Dạ, đúng là trước đây trong lịch
sử Việt Nam đã nhiều lần đánh thắng Trung Quốc, nhưng không chỉ nhờ có lòng dân
mà còn do ý chí của những người lãnh đạo, mà bây giờ hình như còn thiếu…
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Đúng. Thật ra trước đây thì tình hình quốc tế đâu có thuận lợi như hiện
nay, mà cha ông ta vẫn đánh thắng bọn phong kiến phương Bắc, bọn Trung Quốc xâm
lược qua rất nhiều thời kỳ. Thế thì hiện nay tôi nghĩ là chúng ta có quá nhiều
thuận lợi. Ngoài lòng dân đang sôi sục ra thì rõ ràng quốc tế ủng hộ mình mà,
thì cớ gì mình lại sợ? Cớ gì mình cứ ôm bốn tốt mười sáu chữ vàng ?
Đã đến lúc Nhà nước Việt Nam phải có thái độ dứt khoát.
Mà tôi thấy là động thái ban tuyên huấn của đảng Cộng sản có thể nói là bật đèn
xanh để một số tờ báo nói mạnh mẽ như vậy, thì họ cũng thấy rằng, rõ ràng đứng
trước việc gây hấn trắng trợn của Trung Quốc như vậy, thì không thể không lên
tiếng được. Nhưng vấn đề ở chỗ là phải có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ
dân, bảo vệ vùng lãnh hải của Việt Nam.
RFI: Dạ có lẽ là Nhà nước không muốn người dân biểu tình chống Trung Quốc, một
là sợ Bắc Kinh nhân đó khiêu khích mạnh hơn thậm chí gây chiến, thứ hai là lo
ngại sẽ trở thành một cuộc biểu tình chống chính quyền ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ là tình hình hiện nay không cho phép Trung Quốc muốn làm gì thì
làm, hay gây hấn về mặt quân sự. Khả năng này có thể là rất ít, bởi vì quốc tế
hiện nay họ cũng có những tiếng nói, những biện pháp để ngăn cản việc này. Và
đối với Việt Nam thì Trung Quốc không thể tái diễn được cái hành động của năm
1979. Mà nếu có tái diễn thì nhân dân Việt Nam cũng sẵn sàng đánh thắng bọn xâm
lược Trung Quốc - và đã được chứng minh qua năm 1979, rất là bất ngờ nhưng mà
chúng ta vẫn đánh thắng.
Như vậy thái độ của người dân Việt Nam là rất rõ ràng
rồi. Bây giờ chúng ta cần – như là ông chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam đã phát
biểu, là cần phải có thái độ cứng rắn hơn nữa đối với Trung Quốc. Và nói như
chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu mà chúng ta càng nhân nhượng thì địch càng lấn tới –
mà địch ở đây có nghĩa là Trung Quốc. Tôi nghĩ chúng ta phải có những hành động
cứng rắn và có hiệu quả hơn nữa.
Chúng ta rất muốn hòa bình, hoàn toàn không muốn có chiến
tranh. Nhưng chúng ta cũng phải có thái độ cương quyết để mà bảo vệ chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, và nói lên cho được lòng tự tôn dân tộc. Không thể để cho
Trung Quốc coi thường mình được, coi thường Việt Nam được!
RFI: Thưa ông xin cho hỏi thêm, vì sao địa điểm được chọn lại là Nhà hát Thành
phố?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thật ra trước đây trong phong trào sinh viên học sinh, Nhà hát Thành phố
là một địa điểm rất thuận lợi trong việc tổ chức mít-tinh. Nơi đó có những bậc
tam cấp cao, và là bộ mặt của thành phố, thành ra cũng không thể nào chính
quyền thành phố lại ra tay, có những hành động làm xấu đi bộ mặt của chính
quyền. Sự lựa chọn địa điểm đó cũng có ý nghĩa của nó, cũng là kinh nghiệm đấu
tranh của anh em trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn trước đây.
RFI: Như vậy là bây giờ các cựu sinh viên trước 75 phải đi đấu tranh trở lại
giống như “anh thanh niên” Hồ Cương Quyết ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Đúng rồi, chúng tôi là U60, U70 cả rồi, mà vì tình hình đất nước mình phải
gác qua một bên. Có nhiều anh chị mà hoàn cảnh rất là khó khăn, nhưng cũng phải
dấn thân thôi, chứ không thể nào khác. Các anh Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận sức
khỏe đều yếu cả. Còn anh Huỳnh Tấn Mẫm thì hai người vợ đang bị bệnh - tức là
người vợ trước và người vợ hiện nay đều đang bị bệnh nặng, ảnh phải vào bệnh
viện chăm sóc, còn con anh thì cũng yếu. Nhưng mà anh vẫn quyết định tham gia,
thì đó là một thái độ hết sức là dũng cảm.
Chúng tôi cũng nói với anh Mẫm là chúng tôi cương quyết
bảo vệ anh, và chúng tôi rất tự hào về sự chọn lựa của anh. Chứ thật ra chúng
tôi cũng có khuyên anh là thôi, đợt này do hoàn cảnh quá khó khăn, anh đừng có
tham gia. Nhưng cuối cùng anh vẫn quyết định tham dự - một hành động hết sức
đáng quý.
RFI: Dạ, tuy kiến nghị do 42 nhân sĩ trí thức Sài Gòn ký tên, nhưng có lẽ lần
này không chỉ có 42 người tham gia…
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Lần này hy vọng chắc là đông. Nếu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không
có những biện pháp ngăn cản thì chắc chắn là đông. Rất nhiều người gởi mail
hoặc là điện thoại đến nói họ sẽ tham gia. Hoặc là trên mạng Ba Sàm đó, những
comment đều rất là tốt, nói là ủng hộ và sẽ đi tham gia.
RFI: RFI Việt ngữ xin chân thành cám ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ
tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng nhận trả
lời phỏng vấn của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment