Hà Tường Cát/Người Việt
Thursday,
December 06, 2012 7:27:46 PM
Bình thường bây giờ không phải thời gian nói về chuyện bão tố
nhiệt đới ở vùng Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên trận bão Bopha vừa đi ngang
miền Nam Philippines trong tuần này đem đến gió mạnh, lũ lụt và đất chuồi làm
thiệt mạng ít nhất 350 người là một thiên tai nặng nề thu hút nhiều sự chú ý.
So
với trận bão Washi cũng quét qua vùng này hồi giữa tháng 12 năm ngoái làm gần
1,300 người chết, thì tổn thất do bão Bopha nhẹ hơn nhiều nhờ công cuộc phòng
chống được chuẩn bị kịp thời và đầy đủ hơn.
Hai
trận bão lớn xảy ra vào cuối mùa ấy đã dấy lên nghi vấn rằng phải chăng đó là
dấu hiệu về những biến chuyển của khí hậu Ðịa Cầu như các nhà khoa học đã lo
ngại.
Gần
1/3 các trận bão nhiệt đới trên toàn thế giới tập trung ở vùng Tây Thái Bình
Dương. Tại đây quanh năm đều có thể có bão; nhưng mùa bão chính là giữa tháng 6
và tháng 11, cao điểm từ tháng 8 đến tháng 10 và từ tháng 12 đến tháng 5 ít xảy
ra bão.
Joint
Typhoon Warning Center (JTWC) của Hải Quân và Không Quân đặt tại Pearl Harbor,
Hawaii, thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, là trung tâm hỗn hợp theo dõi bão tố, cung
cấp thông tin về bão ở Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương. Theo thống kê của JTWC
trong nửa thế kỷ vừa qua, có gần 1,600 trận bão ở vùng Tây Thái Bình Dương,
phía Tây Ðường Ðổi Ngày, trung bình mỗi năm 31.7. Trong những tháng 7, 8, 9, 10
trung bình mỗi tháng có trên 4.5 trận bão, nhiều nhất là tháng 8, trên 6.5 trận
bão. Tháng 12 chỉ có trung bình 1.6 trận bão và tháng 2 có 0.3 trận bão.
Các
nhà khí tượng gọi bão ở Tây Thái Bình Dương bằng tên “typhoon” thay vì
“hurricane” như bão ở Tây Ðại Tây Dương. Theo thói quen, sức mạnh của “typhoon”
được diễn tả bằng tốc độ gió (gút nghĩa là hải lý/giờ hoặc km/giờ ) trong khi
“hurricane” bằng thang bậc Saffir-Simpson theo cấp từ 1 đến 5. Cũng nên lưu ý
rằng bão nhiệt đới chưa tới cỡ hurricane cấp 1, sức gió dưới 74 dặm/giờ, được
phân loại sức mạnh bằng thang bậc Beaufort từ cấp 1 đến cấp 12, cấp 12 mới
ngang cấp 1 của thang Saffir-Simpson.
Sự
hình thành của các trận bão đều giống nhau và nguyên nhân bao gồm các yếu tố
chính: nhiệt độ nước biển đủ ấm - trên 27 độ C; có nhiều nhiễu loạn trong khí
quyển và độ ẩm cao ở tầng đối lưu; ngoài ra lực Coriolis do sự quay tròn của
Trái Ðất đủ mạnh để tạo nên một trung tâm áp suất không khí thấp.
Hầu
hết những trận bão lớn ở khu vực Tây Bình Dương đều phát xuất từ vùng biển ấm
giữa đại dương trong khoảng kinh tuyến 120 độ-180 độ Ðông, cách đường Xích Ðạo
khoảng 300 dặm về phía Bắc, ở khu vực quần đảo Marshall, Tây Nam Hawaii. Khởi
đầu có thể từ một áp thấp nhiệt đới, tăng dần thành bão nhiệt đới và mạnh thêm
trên đường di chuyển về hướng Tây hoặc Tây-Bắc.
Bão
Bopha là một trận bão rất mạnh, “super typhoon” tương đương hurricane cấp 5 với
sức gió tới 165 dặm/giờ xảy ra vào tháng 12 trong thời gian nhiệt độ nước biển
không còn quá ấm, và đấy chính là điều làm cho các khí tượng gia và khoa học
gia quan tâm.
Bão
ở Tây Thái Bình Dương đổ bộ nhiều nhất lên Philippines, rồi tới Trung Quốc và
Nhật Bản. Các trận bão sau khi đi ngang Philippines vào tới Biển Ðông và nếu đi
tới Việt Nam thì thường đã yếu, chỉ còn là bão nhiệt đới.
Bão
Bopha sau khi quét ngang đảo Mindanao và Palawan vào tới khu vực quần đảo
Trường Sa hôm Thứ Năm. Ở Việt Nam gọi là bão số 9 vì là cơn bão số 9 trong năm
nay ở Biển Ðông. JTWC cho biết lúc 18 Z (giờ quốc tế hay 1 giờ sáng Thứ Sáu giờ
VN - 10 giờ sáng Thứ Năm giờ California) trung tâm bão ở tọa độ 13.3 độ vĩ
Bắc-115.8 độ kinh Ðông. Sức gió của bão Bopha chỉ còn 50 gút (58/dặm giờ) nghĩa
là một bão nhiệt đới, nhưng có thể mạnh hơn trong mấy ngày tới. Bão di chuyển
chậm, 6 gút về hướng Bắc-Tây Bắc và có thể đổi hướng chưa thể dự đoán được.
Trung
Tâm Khí Tượng Thủy Văn Việt Nam nói rằng “đây là cơn bão mạnh và diễn biến phức
tạp,” nhưng dự đoán có khả năng sẽ suy yếu dần và “không đi vào khu vực Bắc
Trung bộ và Bắc bộ.”
Từ
trước đến nay và ở bất cứ nước nào, người ta thường châm biếm các dự báo thời
tiết vì không chính xác là chuyện thường xảy ra. Những nhà khí tượng không thể
biết rõ biến động ở các khối không khí khác nhau và có ảnh hưởng lẫn nhau. Phần
khác căn cứ theo kinh nghiệm và thống kê thì những cơn bão cuối mùa ở Biển Ðông
đều có khuynh hướng tiến về phía Nam, vào tới đất liền ở Nam bộ hoặc chỉ đi
ngoài bờ biển. Do đó JTWC dự đoán tới Thứ Bảy hay Chủ Nhật bão Bopha sẽ tiến về
hướng Tây-Nam, trong khi đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội loan tin theo Trung
Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương cho rằng bão số 9 sẽ đi về hướng
Ðông-Bắc.
Tình
thế khó hiểu ấy khiến nhà cầm quyền Việt Nam đã phải ban hành lệnh chuẩn bị
phòng chống bão trong suốt duyên hải miền Nam từ Ðà Nẵng đến Vũng Tàu, trong
khi đó Trung Quốc cũng ban hành lệnh báo động ở Hải Nam. Như vậy có một sự kiện
chắc chắn là trong mấy ngày tới Biển Ðông đang động mạnh do thiên nhiên chứ
không phải do con người và sẽ khó xảy ra thêm những chuyện va chạm gây hấn.
Tại
hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về khí hậu địa cầu đang họp tại Doha,
Qatar, bão Bopha được nhắc đến như là lời cảnh giác về nhu cầu đối phó với tình
trạng Ðịa Cầu có thể ấm dần. Các chuyên gia nghiên cứu vấn đề này nói rằng
Bopha là thiên tai thứ 16 liên quan đến thời tiết đã được ghi nhận riêng trong
năm nay. Hôm Thứ Tư các nước dự COP 18, hội nghị quốc tế lần thứ 18 về môi
trường, đều biểu lộ sự bất bình với Hoa Kỳ, Liên Âu và các quốc gia kỹ nghệ
phát triển về sự thoái thác giảm bớt lượng khí thải và tăng tài trợ cho những
quốc gia đang phát triển, ít gây ô nhiễm môi trường.
Ông
Victor Menotti, giám đốc tổ chức phi chính phủ Diễn Ðàn Quốc Tế Toàn Cầu Hóa
(IFG), phê phán: “Lý do khiến Hoa Kỳ không tỏ thiện chí trong việc này là do
anh em tỷ phú Charles và David Koch cùng các giới kỹ nghệ dầu lửa đã ngăn trở
bất cứ một chính sách nào về môi trường.” Những quốc gia phát triển kỹ nghệ trước
đây đã hứa hẹn đến 2020 mỗi năm đóng góp $100 tỷ cho quỹ Green Climate Fund;
các nước đang phát triển đề nghị để lấp khoảng trống chỉ đòi hỏi $60 tỷ tới năm
2015, nhưng tại hội nghị hiện nay chưa có dấu hiệu nào là sẽ có tiền trong thời
gian 2013-2015.
Nghĩ
đến thiên nhiên là một mặt nhưng lo lắng về tài chính vẫn là chuyện quan trọng
hơn đối với tất cả mọi quốc gia và dân tộc.
No comments:
Post a Comment