Friday, 7 December 2012

NHỮNG NÔ LỆ NGƯỜI VIỆT TRỒNG CẦN SA TẠI ALSACE - PHÁP (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ – RFI
Thứ năm 06 Tháng Mười Hai 2012

Đầu tuần này cảnh sát vừa mới triệt phá một đường dây đưa người Việt nhập cư lậu vào châu Âu, mà trọng điểm là Pháp và Anh để trồng cần sa.Tới Pháp, những người Việt nhập cư lậu bị buộc phải làm việc trong những « trại » cần sa để có thể hoàn trả số tiền 15.000 euro chi phí cho chuyến vượt biên.

Phóng viên của báo Le Figaro được trực tiếp chứng kiến chiến dịch của cảnh sát Pháp hôm 3/12 tại Alsace đã kể lại chi tiết về đường dây phạm tội có tổ chức trên quy mô lớn do một nhóm người Việt Nam điều hành.

Le Figaro dành cả một trang báo cho bài phóng sự «Những nô lệ người Việt Nam trồng cần sa ở Alsace ». Phóng viên của tờ báo kể lại, 6 giờ sáng ngày 3/12, cảnh sát đã phá cửa xông vào một khu nhà tồi tàn nằm giữa Ingwiller, một ngôi làng nhỏ trong vùng Alsace thuộc miền đông bắc nước Pháp. Bên trong khu nhà đội đặc nhiệm chống ma túy của Pháp phát hiện một khu vườn lớn trồng hàng nghìn gốc cần sa với đầy đủ các phương tiện cần thiết như phân bón, hệ thống chiếu sáng, sưởi ấm, thông hơi.

Quan trọng hơn, cảnh sát đã bắt giữ tại chỗ hàng chục nhân viên của khu vườn cần sa này. Họ đều là những người Việt Nam vào khoảng hai chục tuổi, tới được khu trại này sau khi đã vượt qua hàng chục nghìn cây số vòng vèo theo một đường dây đưa người nhập cư lậu. Được hứa hẹn sang châu Âu làm vườn, hái hoa quả hay làm nghề sửa chữa điện, thế nhưng tới nơi họ đều bị giam lỏng và bị buộc phải làm việc trong các khu trại trồng cần sa như thế cho đến khi trả hết được món nợ 15 nghìn euro chi phí cho những kẻ tổ chức đường dây đưa người nhập cư lậu.
Theo Le Figaro, thì đường dây của người Việt này đã rơi vào tầm ngắm của cảnh sát Pháp từ 8 tháng nay. Tác giả bài báo phác họa hoạt động của tổ chức tội phạm này. Trung tâm của mạng lưới là một gia đình người Việt Nam điều hành hai cơ sở riêng biệt. Cơ sở thứ nhất cắm chân trong khu phố Tàu (Chinatown), quận 13 Paris và ở La Courneuve thuộc tỉnh Seine -Saint Denis ở ngoại ô. Cơ sở này phụ trách việc đưa người từ Hà Nội sang Pháp.
Hành trình của những người nhập cư lậu rất phức tạp. Có được visa Schenghen nhờ một đường dây ở Bangkok, từ đó họ được đưa qua các ngả Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ hay Bồ Đào Nha để rồi cuối cùng được đón về vùng phụ cận của Paris trước khi tiếp tục được đưa sang Anh hay chuyển đến miền đông nước Pháp làm việc như nô lệ trong các trại trồng cần sa, tức là cơ sở thứ hai của mạng lưới.

Sau khi nghiên cứu và nắm hoạt động của đường dây, Cơ quan trấn áp nhập cư lậu và lao động không phép của Pháp (Ocriest) đã mở chiến dịch mang tên « Bàn tay xanh » để phá vỡ mạng lưới này. Kết quả trong đợt tấn công chớp nhoáng tại Alsace, cảnh sát đã thu giữ 2.000 gốc cần sa, cùng nhiều bao tải sản phẩm vừa thu hoạch và 30 nghìn euro tiền mặt.

Tác giả bài phóng sự cho biết 6 người trong gia đình « bố già » trên đã bị bắt giữ. Họ đều là những người không việc làm, không khai thu nhập chính thức nhưng lại có tài sản không nhỏ gồm nhiều khu nhà trên đất Pháp.

Với cơ quan chức năng Pháp thì vụ việc này cho thấy mạng lưới buôn lậu ma túy quốc tế và đường dây đưa người nhập cư lậu có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Từ đầu năm nay cơ quan Ocriest đã phá vỡ gần 30 đường dây quốc tế đưa người nhập cư lậu vào Pháp. Theo Le Figaro, những người nhập cư lậu gồm đàn ông, đàn bà và trẻ lang thang bất chấp nguy hiểm tính mạng tin vào các đường dây mafia như vậy với hy vọng đến được miền đất hứa, đâu biết họ bị biến thành những nô lệ thời hiện đại. Đưa người nhập cư lậu cũng là một bộ phận của tệ buôn người, Liên Hiệp Quốc xếp loại tội phạm này đứng hàng thứ ba sau buôn vũ khí và ma túy, cần phải triệt phá.

Washington State hợp pháp hóa tiêu thụ cần sa
Trong khi Le Figaro đề cập đến việc trấn áp, triệt phá các vườn trồng cần sa thì nhật báo Libération lại khơi dậy cuộc tranh luận về cần sa nhân sự kiện hôm nay tại Hoa Kỳ, tiểu bang Washington chính thức cho hợp pháp hóa việc tiêu thụ cần sa. Quyết định này đã được thông qua trưng cầu dân ý ở tiểu bang với 56% ủng hộ và được giới cảnh sát tán đồng.
Libération cho biết, Washington là tiểu bang đầu tiên cho hợp pháp hóa sử dụng cần sa. Vài tuần nữa sẽ đến lượt tiểu bang Colorado cũng sẽ thông qua việc mở cửa cho người sử dụng loại ma túy gọi là nhẹ này. Như vậy từ giờ trở đi ở Washington, người sử dụng cá nhân sẽ không bị coi là phạm tội nữa khi tàng trữ 28,5 gram.
Nhân sự kiện này, Libération đặt vấn đề : « Trong khi hai tiểu bang ở Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho việc hợp pháp hóa việc tiêu thụ cần sa, thì ở Pháp cuộc tranh luận về đề tài này vẫn bị coi là điều cấm kỵ ». Trong bài viết « Châu Mỹ gỡ bỏ điều cấm kỵ », Libération đưa ra dẫn chứng, Uruguay đang cam kết hợp pháp hóa cần sa, còn Mêhicô và Colombia thì vẫn phản đối lại cuộc chiến chống ma túy.
Libération đưa ra lập trường khá rõ ràng về chuyện hợp thức hóa ma túy nhẹ. Tờ báo viết : « Trong lúc đó đây ở Hoa Kỳ , châu Mỹ La-tinh và châu Âu, nhiều nước đã cho hợp pháp hóa hoặc phi hình sự đối với các loại ma túy nhẹ, thì chúng ta ( tức nước Pháp) vẫn cứ ỷ vào cái thứ giáo điều cấm kỵ mà nghiêm trọng nữa là quan điểm này lại được cả cánh tả cũng như hữu chia sẻ ».
Libération cũng giải thích thêm về khái niệm hợp pháp hóa tức cho phép bán cần sa ở cửa hàng. Điều này thì phải đến năm 2014 hai tiểu bang Washington và Colorado mới áp dụng. Tuy nhiên, đến khi đó thị trường sẽ được « điều tiết » bằng những quy định chặt chẽ như cấm bán cho trẻ vị thành niên, quy định số lượng tối đa khách hàng được mua hay các cửa hàng phân phối phải được cấp phép theo những tiêu chuẩn chặt chẽ.
Còn phi hình sự hóa có nghĩa là luật pháp không coi những người sử dụng là phạm tội. Hiện tại ở châu Âu, năm nước trong đó có Pháp vẫn duy trì các biện pháp phạt hình sự với người sử dụng cần sa, bảy nước áp dụng các biện pháp phạt hành chính. Và 15 nước châu Âu khác thì sử dụng cần sa không bị truy tố nhưng có thể áo dụng hình phạt tạm giữ người.

Chính quyền Miến Điện thờ ơ với cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo
Nhìn sang châu Á, nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến tình hình nổi cộm diễn ra tại Miến Điện thời gian gần đây, đó là cuộc xung đột cộng đồng tôn giáo ở miền tây nước này. La Croix chạy dòng tựa khá bi quan: « Tại Miến Điện, không thể hòa hợp giữa người Phật giáo và người Hồi giáo ».
Cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo giữa người Rohingya theo Hồi giáo và người Arakan theo Phật giáo kéo dài gần nửa năm nay không chỉ làm hàng trăm người chết, nhiều nhà cửa làng mạc bị đốt phá mà còn làm cho hơn 100 nghìn người thuộc hai sắc tộc này phải bỏ chạy khỏi vùng xung đột.
Phóng viên của La Croix đã đến thăm một trại tị nạn của người Rohingyas ở Sittwe, thành phố lớn nhất của vùng Arakan. Ma Nu, cô gái trẻ 16 tuổi vừa nhập trại khẳng định cô đã chứng kiến cảnh lực lượng giữ gìn trật tự đánh đập người dân làng là người Hồi giáo. Cô nói sẽ không bao giờ về lại làng cũ « thà ở trại ăn đất ăn cát còn hơn quay về ». Quả đúng theo La Croix thì cuộc sống của những người chạy nạn trong trại tạm cư này không hề dễ dàng chút nào, nhưng không ai muốn quay trở lại làng cũ.
Căn nguyên của cuộc xung đột cộng đồng này là vì sắc tộc thiểu số Arakan vẫn coi những người theo Hồi giáo là dân nhập cư bất hợp pháp đến từ nước láng giềng Bangladesh. Người Arakan cảm thấy đe dọa vì dân số của người Rohingya tăng rất nhanh. Về phần mình, người Rohingya khẳng định họ đã có mặt ở đất Arakan này từ nhiều thế kỷ nay. Họ không được công nhận quốc tịch Miến Điện và hơn thế nữa còn bị chính quyền áp bức. Người Rohingya vẫn phải bỏ tiền ra như là mua chuộc các viên chức chính quyền để có giấy tờ, cưới xin hay đi lại.
Đại đa số người tị nạn là người Rohingya, nhưng ở trại Sittwe cũng có cả người Arakan chạy lánh nạn và học cũng là những người không muốn trở về làng cũ nếu phải sống bên cạnh những người Hồi giáo Rohingya.
Phóng viên của La Coix cho biết, trên thực tế ở Sittwe, cộng đồng người Arkan và Rohingya sống hoàn toàn biệt lập với nhau. Người Arakan chiếm hầu như toàn bộ thành phố, trừ có hai khu phố được quân đội quây lại dành cho người Rohingya.
Theo ghi nhận của La Croix, dường như giới chính trị Miến Điện không muốn chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử giữa hai sắc tộc này. Thậm chí nhiều người còn đưa ra những phát biểu kỳ thị càng làm đào sâu thêm mâu thuẫn giữa hai cộng đồng tôn giáo.
Như đã biết, từ một năm trở lại đây, Miến Điện đang trong cuộc chuyển tiếp chính trị. Sau một nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự, đất nước giờ đây do một chính phủ dân sự lãnh đạo. Chính phủ này đang tiến hành nhiều cải cách chính trị tích cực, nới dần các quyền tự do của dân chúng. Nhưng theo La Croix, chính sự mở cửa này đã mở rộng quyền của những nhóm người có đầu óc cực đoan trong cuộc xung đột sắc tộc, mà dưới chế độ độc tài họ không dám nói năng gì.
Chính quyền hiện nay hứa sẽ suy nghĩ về quyền của người Hồi giáo ở Arakan nhưng họ không đưa ra lịch trình cụ thể nào. Ủy ban điều tra về các vụ bạo lực xảy ra ở đây thì hoãn đi hoãn lại việc nộp báo cáo kết luận. Đối lập Miến Điện thì cũng không đưa ra một hướng nào để giải quyết lâu dài về mặt chính trị cho cuộc xung đột. Ngay cả nhà dân chủ nổi tiếng Aung San Suu Kyi cũng tỏ ra lúng túng không đưa ra được đề nghị nào cho quyền của người Hồi giáo Rohingya.

Bachar Al Assad chuẩn bị đất lưu vong ở Trung Mỹ ?
Trong khi cuộc nội chiến tại Syria vẫn diễn ra ác liệt, chế độ của Bachar Al Assad vẫn có gắng bằng mọi giá bấu víu quyền lực đang lung lay từng ngày, thì bên trong hậu trường chế độ này đang chuẩn bị đường thoái lui cho vị tổng thống độc tài.
Libération dẫn nguồn tin từ nhật báo Haaretz của Israel cho hay một quan chức của chính phủ Syria đã thực hiện một chuyến công du sang Cuba và Venezuela để chuẩn bị đất lưu vong cho Tổng thống Bachar Al Assad trong trường hợp chế độ Damas bị sụp đổ. Theo nguồn tin nói trên thì tuần qua Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faical Aeqdad trong chuyến công du Mỹ La-tinh có thể đã chuyển thư của ông Assad đến các lãnh đạo Cuba, Venezuela và Ecuador với nội dung ngỏ ý xin tị nạn trong trường hợp chế độ bị sụp đổ. Được hỏi về khả năng tị nạn của Tổng thống Syria, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon khẳng định Liên Hiệp Quốc không muốn Assad được « miễn trừng phạt ».





No comments:

Post a Comment

View My Stats