Wednesday 12 December 2012

BÊN THẮNG CUỘC của HUY ĐỨC (Kiến Lửa - TTX Vàng Anh)




Published on December 13, 2012   ·   13 Comments

Mình chỉ vừa mới đọc qua chương II về Cải Tạo trong cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Osin Huy Đức. Thú thật là với một người gần như đã đọc qua tất cả những quyển sách văn học miền Nam trước 75, hồi ký chiến tranh trước và sau 75 như mình….thì cuốn này của ông Huy Đức vẫn chỉ mới “kể” được cái vỏ chứ chưa trần thuật được cái ruột của phần này. Nhưng mình vẫn có cảm giác rất lạ và cảm kích, có thể vì nó là cái nhìn của một người phía “bên kia”? Phải nói đây là cuốn sách có lẽ là duy nhất mà mình có cảm giác muốn đọc của “bên kia”, không tính “Đỉnh Cao Chói Lọi” của Dương Thu Hương…

Lướt nhanh qua những phần khác về cải “đánh tư sản”, “ly hương”, đặc biệt cái mình ấn tượng nhất trong quyển I này là vụ “Đốt sách” “Đánh tư sản” “Ngụy Quân -Ngụy Quyền” – có quá nhiều chi tiết rất chính xác mà mình tin chắc là ông Osin đã gặp những người “thật sự” biết rõ…

Phải nói rằng Osin Huy Đức ngoài việc sử dụng những dữ kiện có thật và chính xác, ông ấy còn thể hiện sự trăn trở và chua xót trong ngôn từ.

Dự đoán là cuốn sách này sẽ gây ra sóng gió tư tưởng với các bé Hồng Vệ Binh và bút chiến trong phe còn lại.
P/S: Mình rất thích cái bìa sách =)) Thâm nho vãi lọ.

Một số đoạn trích:
—————————————————

“Chiều 30-4-1975, tại căn cứ Đồng Tâm, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, tư lệnh Sư đoàn 7 tự tử bằng thuốc độc39.
Sáu giờ 45 phút chiều, hai vị tướng chỉ huy lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở miền Tây vẫn trao đổi điện thoại với nhau. Tướng Nam cho đến lúc ấy vẫn định phát lời kêu gọi dân chúng Cần Thơ, nhưng cả hai đều biết là quá trễ. Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Do sức ép của ta ngày càng mạnh, các Trung đoàn 31, 32, 33 ngụy cùng phần lớn các cơ quan chỉ huy sư đoàn ngụy đã tự động vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ áo lính trở về nhà. Chỉ còn một số sĩ quan ngụy cao cấp ở lại để xin đầu hàng ta vào lúc 20 giờ cùng ngày”40.
Bảy giờ 30 phút tối 30-4-1975, Tướng Lê Văn Hưng về phòng nói lời từ biệt với thuộc cấp và vợ con. Tám giờ 45 phút, từ dưới nhà, vợ ông, bà Phạm Thị Kim Hoàng, nghe tiếng súng, chạy lên. Khi cùng người nhà cạy cửa phòng, bà Hoàng thấy Tướng Hưng đã chết với một phát súng tự bắn vào đầu. Mười một giờ đêm hôm đó, Tướng Nguyễn Khoa Nam gọi điện thoại cho bà Hoàng chia buồn. Sáng hôm sau, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 1-5-1975, Tư lệnh Quân đoàn IV, Quân đoàn cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát.
Trước đó, như một hành động nhận lãnh trách nhiệm của mình, ngày 29-4-1975, Tư lệnh Quân đoàn II, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, người đảm trách cuộc triệt thoái thất bại khỏi ba tỉnh Cao Nguyên, đã tự tử bằng một liều thuốc độc; gia đình đã đưa vào bệnh viện Grall, nhưng đến trưa 30-4-1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì tắt thở.
Cũng trưa 30-4, tại Lai Khê, Tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 sau khi cho binh lính rã ngũ. Vào lúc 2 giờ chiều ngày 30-04-1975, Ðại tá Đặng Sĩ Vinh cùng gia đình gồm vợ và bảy người con đã tự tử bằng súng lục.
Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.”
—————————————————

“Ở Sài Gòn, 443.360 người ra trình diện, trong đó có hai mươi tám viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sỹ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, 9.306 người trong các đảng phái được cách mạng coi là “phản động”. Chỉ 4.162 người phải truy bắt trong đó có một viên tướng và 281 sỹ quan cấp tá.”
—————————————————

“Cũng trong ngày hôm ấy, lệnh học tập cải tạo được thông báo đến các sỹ quan theo đó, “sỹ quan quân đội Nguỵ, cảnh sát, tình báo biệt phái từ thiếu uý đến đại uý” được hướng dẫn: “Phải mang giấy bút, quần áo, mùng màn, các vật dụng cá nhân, lương thực, thực phẩm [bằng tiền hoặc hiện vật] đủ dùng trong mười ngày kể từ ngày đến tập trung”. “Sỹ quan cấp tướng, tá”, được hướng dẫn mang theo “thực phẩm, lương thực đủ dùng trong một tháng”.”
—————————————————

“Không ai biết rằng, từ ngày 18-4-1975, Chỉ thị 218/CT-TW của Ban Bí thư đã quy định: “Đối với sỹ quan, tất cả đều phải tập trung giam giữ quản lý, giáo dục và lao động; sau này tùy sự tiến bộ của từng tên sẽ phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể. Những người có chuyên môn kỹ thuật [kể cả lính và sỹ quan] mà ta cần thì có thể dùng vào từng việc trong một thời gian nhất định, nhưng phải cảnh giác và phải quản lý chặt chẽ, sau này tuỳ theo yêu cầu của ta và tuỳ theo sự tiến bộ của từng người mà có thể tuyển dụng vào làm ở các ngành ngoài quân đội. Đối với những phần tử ác ôn, tình báo an ninh quân đội, sỹ quan tâm lý, bình định chiêu hồi, đầu sỏ đảng phái phản động trong quân đội, thì bất kể là lính, hạ sỹ quan hay sỹ quan đều phải tập trung cải tạo dài hạn, giam giữ riêng ở nơi an toàn và quản lý chặt chẽ”51.”
—————————————————

“Việc đưa vào tù hàng trăm nghìn con người đã buông súng hoặc không hề cầm súng, không bằng một bản án của tòa, sau ngày 30-4-1975, và đặc biệt, câu chuyện đưa 1.652 con người trên tàu Việt Nam Thương Tín vào tù được kể lại sau đây, thật khó để nói là may mắn.”
—————————————————

“Tối 10-9-1975, “tin chiến thắng” liên tục được báo về “Đại bản doanh” của Trung ương Cục đóng tại Dinh Độc Lập. Con số bị bắt cho đến khi ấy vẫn tăng lên. Các đoàn đưa ra những con số chi tiết: hàng chục triệu tiền mặt, hàng chục ký vàng, cả “kho” kim cương, hàng vạn mét vải và cả một cơ sở chăn nuôi gồm “7.000 con gà, thu hoạch 4.000 trứng mỗi ngày”120 ở Thủ Đức. Một nhà tư sản đang nằm viện bị yêu cầu kiểm tra xem ốm thật hay cáo bệnh, trong khi đó con trai ông ta bị bắt để buộc phải khai ra nơi cất giấu tiền, vàng. Do tin tức bị lọt ra, một số nhà tư sản đã kịp cao chạy xa bay, có người bị bắt khi đang chuẩn bị trốn.”
“Ông Mai Chí Thọ tuyên bố: “Một tên tư sản Hoa có thể có từ 500 đến 1 ngàn lượng vàng. Qua chiếm lĩnh và khai thác ta mới hỏi sơ chứ chưa lục xét, chưa truy sâu nên có thu được vàng và ngoại tệ, nhưng so với số chúng đã có thì chưa bao nhiêu. Vì vậy, các đoàn cần đi sâu lục soát hơn nữa trong nhà chúng để truy vàng bạc và ngoại tệ. Phải dựa vào quần chúng, người làm công ở mướn phát động họ để phát hiện nơi giấu cất”. Một tuần trước khi Chiến dịch X-2 diễn ra, do vật giá tăng quá cao, chính quyền đã “đánh” một số đối tượng bị quy là lũng đoạn thị trường, nhất là thị trường bột ngọt121.”
—————————————————

“Trước Chiến dịch X-2, chính quyền đã “bắt chín mươi hai tên tư sản mại bản đầu sỏ, đã mời ra làm việc bốn mươi bảy người. Đã có ba bỏ trốn và một tự sát”140. Những gì mà Cách mạng lấy được của “nhà giàu” trên toàn miền Nam được liệt kê: “Về tiền mặt ta thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam; 134.578 Mỹ Kim [trong đó có 55.370 USD gửi ở ngân hàng]; 61.121 đồng tiền miền Bắc; 1.200 đồng phrăng (tiền Pháp)…; vàng: 7.691 lượng; hạt xoàn: 4.040 hột; kim cương: 40 hột; cẩm thạch: 97 hột; nữ trang: 167 thứ; đồng hồ các loại: 701 cái. Trong các kho tàng ta thu được: 60 nghìn tấn phân; 8.000 tấn hoá chất; 3 triệu mét vải; 229 tấn nhôm; 2.500 tấn sắt vụn; 1.295 cặp vỏ ruột xe; 27.460 bao xi măng; 644 ô tô; 2 cao ốc; 96.604 chai rượu; 13.500 ký trà; 1000 máy cole; 20 tấn bánh qui; 24 tấn bơ; 2.000 kiếng đeo mắt; 457 căn nhà phố; 4 trại gà khoảng 30.000 con và một trại gà giá 800 triệu; 4.150 con heo; 10 con bò, 1.475.000 USD thiết bị tiêu dùng; 19 công ty; 6 kho; 65 xí nghiệp sản xuất; 4 rạp hát; 1 đồn điền cà phê, nho, táo rộng 170 hecta ở Đà Lạt”141.”
—————————————————

“Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị “đánh” ngay trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ “tư sản thương nghiệp”, 13.923 hộ “trung thương”. Những tháng sau đó có thêm 835 “con phe”, 3.300 “tiểu thương ba ngành hàng”, 4.600 “tiểu thương và trung thương chợ trời” bị truy quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên chiếu.”
—————————————————

Cải cách ruộng đất II xảy ra ở miền Nam:
Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: “Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn. Anh Đỗ Mười làm cải tạo cũng thành thật lắm. Giữa thập niên 1980, khi tôi ra Hà Nội vẫn thấy anh Đỗ Mười kêu những người buôn bán là bọn con buôn”.




No comments:

Post a Comment

View My Stats