Monday 1 May 2023

VIỆT NAM CỘNG HÒA CHỈ TỒN TẠI TRONG 20 NĂM NHƯNG VÌ SAO TÔI TIẾP TỤC VIẾT VỀ NÓ? (Võ Văn Quản / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Việt Nam Cộng Hòa chỉ tồn tại trong 20 năm nhưng vì sao tôi tiếp tục viết về nó?

Võ Văn Quản  -  Luật Khoa Tạp Chí

April 30, 2023 . 11:17 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/04/viet-nam-cong-hoa-chi-ton-tai-trong-20-nam-nhung-vi-sao-toi-tiep-tuc-viet-ve-no/

 

Duy trì sức tưởng tượng của dân tộc về một tương lai khác, không nhất thiết phải là sự toàn trị.

 https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/04/Wire-2023-04-30-at-10-18-AM.png

Đồ họa: Luật Khoa.

 

Nếu xét theo chiều dài lịch sử Việt Nam, và cân nhắc sự tồn tại của các chính thể hiện đại Việt Nam thì Việt Nam Cộng hòa là một chính thể có lịch sử quá non trẻ. Thậm chí, quá trình tồn tại chỉ kéo dài khoảng 20 năm nhưng sự tồn tại cũng không hề trọn vẹn.

 

Tổng thống Ngô Đình Diệm mới vừa xây dựng nền Đệ nhất cộng hòa và nắm quyền vừa tròn tám năm, từ tháng 10 năm 1955 đến tháng 11 năm 1963, thì xảy ra đảo chính.

 

Khoảng thời gian từ cuối năm 1963 cho đến năm 1967 là quá trình tranh giành quyền lực của giới tướng lĩnh quân sự và các cuộc đảo chính lật đổ lẫn nhau không để lại được dấu ấn gì đẹp đẽ.

 

Từ năm 1967 đến năm 1975 (cũng đúng tám năm), thành tựu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có thể được ghi nhận ở một số lĩnh vực, đặc biệt là câu chuyện hoàn thành chương trình Người cày có ruộng và ổn định phần nào trật tự chính trị vĩ mô của miền Nam Việt Nam trước nhiều chiến dịch quân sự rộng khắp của phe Việt Cộng lẫn chính quyền Bắc Việt. [1] Tuy nhiên, ông cũng không thành công trong việc củng cố nội bộ và thống nhất nhân tâm.

 

Suốt hai mươi năm tồn tại ngắn ngủi, Việt Nam Cộng hòa là chuỗi nối dài của những xung đột, biểu tình, bê bối và bạo loạn, bởi tác động của cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Nói chính thể này là một chính thể sống thoi thóp, không phải là nói quá.

 

Vậy thì người viết (và những tác giả khác) còn viết về Việt Nam Cộng hòa làm gì, khi mà thời gian nó tồn tại (20 năm) còn không dài bằng thời gian nó đã chết (48 năm)?

 

Liệu đó có phải là hành động chống phá chế độ mới, hoặc bất mãn thời cuộc? Hay những tác giả này - trong đó có người viết bài - đang mong muốn làm sống lại một thực thể chính trị đã chết cả xác lẫn hồn?

 

“Hauntology” và nỗi ám ảnh của Chiến tranh Việt Nam

 

Khái niệm hauntology trên các diễn đàn Việt Nam bắt đầu xuất hiện khi tranh cãi liên quan đến ngôi sao K-pop gốc Việt Hanni trở thành một đề tài nóng hổi. [2] Dù có rất nhiều chỉ trích liên quan đến việc sử dụng khái niệm này cho câu chuyện Chiến tranh Việt Nam nhưng các thảo luận phổ biến mà người viết bài tìm được ít nhất cho thấy nỗi ám ảnh với “quá khứ đã biến mất” và với “một tương lai không bao giờ thành” là nền tảng cho sự phổ biến của lý thuyết này trong những năm trở lại đây.

 

Trong một lý giải đơn giản và dễ hiểu của giảng viên Alasdair Macintyre, trường Australian Catholic University trên trang The Conversation, “hauntology” mà triết gia Jacques Derrida phát kiến (tạm dịch là ám ảnh học) là một nền tảng triết học bao quát và được ông cho là có tầm ảnh hưởng không thua kém khi so với “ontology” (bản thể học) - một khái niệm với lịch sử hàng ngàn năm. [3]

 

Nếu bản thể học nói về bản tính của hiện hữu và tồn tại thì ám ảnh học nói về bản tính nền tảng của những thứ không tồn tại (non-being).

 

Hauntology từ đó dần phát triển và được mở rộng phạm vi áp dụng của mình sang việc giải thích vì sao các sản phẩm giải trí lại có vòng lặp, vì sao con người tiếc nuối các quyết định mà họ đã đưa ra, hay vĩ mô hơn là vì sao chủ nghĩa Marx lại tiếp tục bao trùm các thảo luận chính trị phương Tây.

 

Trong tác phẩm “An Event, Perhaps: A Biography of Jacques Derrida” của Peter Salmon, ám ảnh học được ghi nhận đang “hồi sinh” về mặt học thuật với hàng loạt các triết gia hậu hiện đại dùng nó để nói về nỗi niềm thương nhớ ngược (“reverse nostalgia”) - một nỗi niềm thương nhớ cho một tương lai không bao giờ có thể thành hình, một tương lai bị đánh mất - và từ đó ám ảnh người sống về sự “không tồn tại” của nó. [4] [5]

 

Đối với Việt Nam Cộng hòa, người viết nghĩ rằng mình và rất nhiều tác giả khác cũng đang trong vòng xoáy của thứ ám ảnh học hiện đại mà các học giả nói đến.

 

Hiển nhiên, sẽ là thật tốt (về mặt tinh thần) nếu một người có thể sinh ra tại Việt Nam với một niềm tin yêu tuyệt đối vào tương lai mà Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ dẫn dắt họ đến. Nhưng đối với những người không thể thì sao?

 

Liệu Việt Nam sẽ ra sao nếu quyền tự do lập hội, quyền tự do biểu tình vẫn tiếp tục được thừa nhận và tiếp tục phát triển trong lịch sử dân tộc?

 

Giáo dục Việt Nam sẽ ra sao nếu nền tảng giáo dục phi chính trị của Việt Nam Cộng hòa có không gian để hoàn thiện?

 

Liệu miền Nam Việt Nam có một tương lai tươi sáng hơn nếu chính quyền Việt Nam Cộng hòa được lịch sử cho phép tồn tại lâu hơn nữa?

 

Đây là những câu hỏi mà chúng tôi chưa bao giờ dừng hỏi…

 

Thứ mà những người viết, nghiên cứu, và tìm hiểu về Việt Nam Cộng hòa hướng tới, không phải sự “nhung nhớ” bản thân chính thể có tuổi đời ngắn ngủi này mà là “nhung nhớ” một tương lai nó dự kiến mang tới, một tương lai không nhất thiết phải là sự toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Tiếp tục viết, nói và duy trì sức sống của mảng nghiên cứu về Việt Nam Cộng hòa, dưới góc nhìn của ám ảnh học, thật ra không phải chỉ để tiếc thương chính chính quyền đó, mà là vừa tiếc thương vừa giữ lửa cho sức tưởng tượng của dân tộc về một tương lai khác.

 

Thực hành ghi chép lịch sử độc lập

 

“[Nếu một chính đảng] có thể thò tay vào quá khứ để quyết định một sự kiện chưa từng diễn ra, sự kinh khủng của tra tấn và chết chóc còn ý nghĩa gì nữa không?”

 

(Lược dịch từ tác phẩm “1984” - George Orwell)

 

Nếu sự gắn kết của một bộ phận nhà nghiên cứu với chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến từ cảm xúc “nhớ thương” một tương lai đã bị đánh mất thì có một lý do đơn giản và lý tính khác để chúng ta tiếp tục viết, thảo luận và lưu truyền một cách trung lập nhất về lịch sử của Việt Nam Cộng hòa. Đó là sự thật và kinh nghiệm thực hành chép sử độc lập.

 

Từ rất lâu, quá trình ghi chép và lưu trữ lịch sử tại Việt Nam được thực hiện dưới sự bảo trợ của các tập đoàn chính trị nắm quyền. Thói quen này được duy trì trong suốt thời kỳ phong kiến, kéo dài từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho đến sau ngày thống nhất đất nước và chỉ còn một chút không gian tự do ở miền Nam Việt Nam trong vài mươi năm.

 

Hiển nhiên, các quốc gia, mà đặc biệt là các quốc gia toàn trị, sẽ tiếp tục làm tất cả những gì họ có thể để nắm giữ quyền kiểm soát lịch sử. Như chính các sử gia thừa nhận, người nắm giữ quá khứ cũng là kẻ kiểm soát tương lai. [6] Song các nghiên cứu hiện đại cho chúng ta thấy, lịch sử không nhất thiết chỉ sống bằng “máy trợ thở” của chính quyền.

 

Nhưng dù khẳng định như thế, chúng ta cũng không thể nào tách biệt hoàn toàn lịch sử ra khỏi diễn ngôn của chính trị. Theo lý giải của sử gia người Hà Lan Wim van Meurs, ngay cả những thảo luận về việc sử dụng và lạm dụng lịch sử, giá trị của việc tách lịch sử khỏi quan điểm của các đảng phái, dùng lịch sử để đẩy mạnh giá trị dân chủ, quyền cá nhân và danh tính quốc gia thì tự thân việc này cũng đã có bản chất chính trị rồi. [7]

 

Vậy nên, chúng ta cần nhận thức đầy đủ rằng lịch sử mang bản chất chính trị không có nghĩa là lịch sử phải chịu sự chi phối tuyệt đối của các thế lực chính trị.

 

Đối với Việt Nam Cộng hòa, dù thoi thóp tồn tại, nó cũng là 20 năm của khoảng 20 triệu đời sống con người miền Nam Việt Nam với những sản phẩm pháp lý, văn hóa, chính trị khác nhau; là những nỗi niềm, những mất mát, và những ước vọng riêng tư. Nó thoi thóp không có nghĩa là nó chưa từng đáng sống và càng không có nghĩa là các thế hệ tương lai không cần phải biết về nó một cách công tâm và sòng phẳng.

 

Gần đây, khi nói chuyện với một vài nhóm bạn trẻ sinh sau năm 2000, người viết nhắc về lịch sử của những quán ăn của người Hoa ở Chợ Lớn hay Lái Thiêu (Bình Dương), có bạn hỏi tôi lịch sự nhưng đầy nghi vấn: “Trước bảy lăm (1975) ở miền Nam cũng có quán xá, ăn uống bình thường được ạ?”

 

Đối với họ, Việt Nam Cộng hòa được vẽ ra (và dần được tin) như thể nó thật sự chỉ là một cỗ máy chiến tranh và đàn áp, mà không có bất kỳ đời sống dân sự, không có văn hóa, không có ẩm thực, không có thơ ca, thậm chí không có tính người. Đây có thể nói là kết quả của gần nửa thế kỷ áp đặt lịch sử và gieo rắc những ám ảnh sai lệch về cuộc chiến.

 

                                                        ***

Thật ra, tôi chưa bao giờ xem việc viết về Việt Nam Cộng hòa là sự bày tỏ tình ý tha thiết với một chế độ đã chết. Tôi luôn xem việc này như một thực hành ghi chép lịch sử độc lập, duy trì sức sống của các thảo luận lịch sử liên quan đến Việt Nam Cộng hòa cho một tương lai mới, một tương lai khác mà tôi đã nhắc đến ở phần đầu bài viết.

 

Việt Nam Cộng hòa với tư cách là một chế độ chính trị, có sống thoi thóp hay không là câu chuyện lịch sử của riêng nó, nhưng một người viết, một người đọc sử như tôi không thể sống thoi thóp trong chính thời đại của mình.

 

================

 

Triệt tiêu văn hóa miền Nam sau năm 1975: Đốt sách, cầm tù trí thức, độc chiếm xuất bản

Những thiệt hại không thể phục hồi, kéo lùi nền tri thức của đất nước.

Luật Khoa tạp chí        Nguyễn Hạnh

 

----------------------------

 

Góc tiếp cận mới về Chiến tranh Việt Nam qua nét vẽ của họa sĩ Nhật

Cách chiến tranh vận hành cũng là một phần của lịch sử.

Luật Khoa tạp chí    Tâm Tâm

 

--------------------------------

 

Chú thích

 

1. Võ Văn Quản. (2023). Ba hiểu lầm phổ biến về tình hình đất đai và đời sống nông dân thời Việt Nam Cộng hòa. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2021/04/ba-hieu-lam-pho-bien-ve-tinh-hinh-dat-dai-va-doi-song-nong-dan-thoi-viet-nam-cong-hoa/

 

2. Nguyen Quoc Tan Trung. (n.d.). Backlash against K-pop star Hanni shows Vietnam still struggles with the legacy of the war. The Conversation. http://theconversation.com/backlash-against-k-pop-star-hanni-shows-vietnam-still-struggles-with-the-legacy-of-the-war-200493

 

3. Macintyre, A. (n.d.). Are you haunted by ghosts of the past and phantoms of your future? Welcome to the spooky realm of hauntology. The Conversation. http://theconversation.com/are-you-haunted-by-ghosts-of-the-past-and-phantoms-of-your-future-welcome-to-the-spooky-realm-of-hauntology-191843

 

4. Verso. (2021, October 19). An Event, Perhaps. https://www.versobooks.com/en-gb/products/825-an-event-perhaps

 

5. Jacques Derrida’s Defense of Marx and the Birth of Hauntology. (2021, October 7). https://jacobin.com/2021/10/jacques-derrida-defense-of-marxism-hauntology-specters-of-marx-deconstruction-postmodernism-post-structuralism

 

6. Gimson, S. (2018). Who controls the past controls the future. . .: Fall in line or be in the firing line is the message historians are receiving from governments around the world. Index on Censorship, 47(1), 11–13. https://doi.org/10.1177/0306422018770095

 

7. Socialist Group in the European Parliament & Renner Institut, Politics of the past : the use and abuse of History (2009), https://data.europa.eu/doi/10.2861/23116 (last visited Apr 26, 2023).





No comments:

Post a Comment

View My Stats