Monday 1 May 2023

TRIỆT TIÊU VĂN HÓA MIỀN NAM SAU NĂM 1975 : ĐỐT SÁCH, CẦM TÙ TRÍ THỨC, ĐỘC CHIẾM XUẤT BẢN (Nguyễn Hạnh / Luật Khoa TC)

 



Triệt tiêu văn hóa miền Nam sau năm 1975: Đốt sách, cầm tù trí thức, độc chiếm xuất bản

Nguyễn Hạnh  -  Luật Khoa Tạp Chí

April 28, 2023

https://www.luatkhoa.com/2023/04/triet-tieu-van-hoa-mien-nam-sau-nam-1975-dot-sach-cam-tu-tri-thuc-doc-chiem-xuat-ban/

 

Những thiệt hại không thể phục hồi, kéo lùi nền tri thức của đất nước.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/04/--t-s-ch-LG.jpg

Đồ họa: Luật Khoa.

 

Tại TP. Hồ Chí Minh, không xa dinh Độc Lập, ngay cạnh nhà thờ Đức Bà, bên trong đường sách Nguyễn Văn Bình, bạn sẽ tìm thấy những cuốn sách rất đắt tiền. Chúng đắt tiền không phải do chúng dày dặn, đẹp đẽ, mà vì một lẽ khác, bởi đó là những cuốn sách đã may mắn sống sót khỏi chảo lửa đốt sách điên cuồng tại miền Nam.

 

Năm 1977, một cán bộ tại TP. Hồ Chí Minh khoe với báo chí quốc tế rằng khoảng 700 tấn sách của miền Nam đã bị tịch thu và nghiền nát sau hai năm “giải phóng”. [1]

 

Trong cùng năm, một cán bộ ở Huế cho biết hàng chục nghìn cuốn sách và tranh ảnh “lạc hậu” về “tình yêu ủy mị” và “tìm kiếm niềm vui thể xác” đã bị đốt bỏ. [2]

 

Một cuốn sách xuất bản vào năm 1976 của một nhà báo ngoại quốc đã kể lại chuyện một nhóm học sinh, sinh viên ở Sài Gòn chủ động tổ chức đốt sách nhằm xóa bỏ “văn chương né tránh hiện thực”. [3]

 

Linh mục André Gelinas cho biết một số lượng lớn trong khoảng 80.000 cuốn sách của thư viện Trung tâm Giáo dục Alexandre de Rhodes tại Sài Gòn đã bị đốt bỏ theo chính sách tiêu diệt “văn hóa tư sản”. [4]

 

Nhà báo Richard Dudman, phóng viên kỳ cựu của báo St. Louis Post-Dispatch, cho rằng chính quyền miền Bắc có lẽ đã không ngờ chiến thắng tại miền Nam lại đến nhanh như vậy, và họ đã không chuẩn bị kế hoạch tiếp quản phù hợp. [5]

 

Một số hành động hấp tấp trên quy mô lớn để lại di chứng đời đời. Trong đó, sự kiện đốt sách đã mở đầu chiến dịch hủy diệt ngành xuất bản tư nhân đang phát triển ở miền Nam với kỹ thuật xuất bản hiện đại. Đau khổ hơn là những người cầm bút cũng có chung số phận với những cuốn sách.

 

Cho đến nay, sau 48 năm, Việt Nam vẫn chưa lấy lại được khí thế sôi động của ngành xuất bản tư nhân thời Việt Nam Cộng hòa.

 

 

Nền xuất bản rực rỡ của miền Nam

 

Trước năm 1975, miền Nam có 44 tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh An Xuyên (địa phận Cà Mau hiện nay) với Sài Gòn là thủ đô. Tổng dân số năm 1971 là khoảng 18,7 triệu người. [6]

 

Vào năm 1974, ông Lê Bá Kông, Chủ tịch Hội Các Nhà in và Xuất bản thời Việt Nam Cộng hòa cho biết miền Nam có khoảng 180 nhà xuất bản lớn nhỏ. [7] Trong khi đó, miền Bắc chỉ có 21 nhà xuất bản. [8]

 

Từ năm 1954 cho đến giữa năm 1972, trung bình mỗi năm miền Nam xuất bản hơn một nghìn tựa sách, tổng cộng 21.279 tựa sách đã được xuất bản. Một số tác giả dẫn số liệu năm 1972 của Ủy hội Quốc gia UNESCO Việt Nam thì có khoảng ba nghìn đầu sách được cấp phép xuất bản hàng năm. [9]

 

Năm 1963, Đoàn Thêm cho biết chỉ trong ba năm (từ 1961 đến 1963) đã thấy 2.624 nhan đề sách, nhiều nhất là tiểu thuyết và thơ. Ông nhận định, sau năm 1954, văn nghệ miền Nam đã sống động hơn rất nhiều, nhờ sự đóng góp của các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ di cư từ miền Bắc. [10]

 

Trong ba năm 1965, 1970 và 1973, miền Nam đã nhập về tổng cộng 96.392 tấn giấy. Giấy được dùng để in nhiều ấn phẩm khác nhau, trong đó có sách. [11]

 

Năm 1974, miền Nam có hơn 700 nhà in với 20 cơ sở có khả năng in một triệu cuốn sách mỗi năm. Các nhà in này đã in hơn 86 triệu cuốn sách của miền Nam, trung bình mỗi năm xuất bản khoảng 4,5 triệu cuốn sách. [12]

 

Ở Sài Gòn mỗi ngày có khoảng 3.000 cuốn sách được bán ra. Số nhà sách ở miền Nam là 2.500 cửa hàng, đa số tập trung tại Sài Gòn, chưa tính đến các nhà cho thuê sách. [13]

 

Những nhà xuất bản, nhà in, hiệu sách ở miền Nam này dù khác nhau như thế nào nhưng đều có chung một ngày khai tử là ngày 30/4/1975.

 

 

Đốt sách trước năm 1975, chuyển sách ngoài Bắc vào

 

Năm 1977, báo London Telegraph cho biết chính quyền đã chuyển hàng trăm tấn sách “hợp pháp” của miền Bắc vào miền Nam. [14]

 

Báo chí nhà nước cũng xác nhận “hàng trăm triệu bản sách” của miền Bắc đã được chuyển vào miền Nam ngay sau tháng 4/1975 để “phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tư tưởng, tình cảm mới - xã hội chủ nghĩa”. [15]

 

Điều nghịch lý là những cán bộ miền Bắc tại Sài Gòn đã không mặn mà với những cuốn sách từ miền Bắc, mà họ thích đọc và giữ lại những cuốn sách bị cấm ở miền Nam.

 

Theo Nguyễn Vy Khanh, ngay sau khi tiếp quản miền Nam, chính quyền quân quản đã ra chỉ thị cấm lưu hành và tàng trữ tất cả sách, báo trước ngày 30/4/1975. [16] Chỉ trong một tuần, số sách tịch thu được tại một quận của Sài Gòn là 482.460 cuốn, ba tấn báo chí. Một nhà sách ở Nha Trang phải nộp 35.530 cuốn sách. [17]

 

Năm 1976, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Việc xây dựng nền Văn Hóa mới được tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ Văn Hóa nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động […]” [18]

 

Đến tháng 1/1978, Bộ Văn hóa và Thông tin đã tổ chức “Hội nghị đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn-hóa thực dân mới” tại TP. Hồ Chí Minh. Hai tháng sau hội nghị, chính quyền TP. HCM đã mở chiến dịch hủy diệt sách lần thứ nhì. Lần này, chính quyền trung ương cho rằng việc tiêu hủy sách trước đó vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để nên lần này phải hủy diệt tất cả các cuốn sách từ tiểu thuyết, thơ văn đến chính trị, kinh tế, luật, chỉ cho phép giữ lại các sách về khoa học tự nhiên. [19]

 

Đến năm 1981, chính quyền trung ương đã công bố danh sách 122 tác giả có toàn bộ tác phẩm bị cấm lưu hành. Trong chiến dịch vào tháng 6/1981, chính quyền cho biết đã tịch thu khoảng 3 triệu ấn phẩm, trong đó tại Sài Gòn có khoảng 60 tấn sách, hàng chục nghìn cuộn băng nhạc, tranh ảnh và hơn 600 cuộn phim. [20]

 

Nhiều tác giả cho biết chính quyền đã huy động thanh niên, thậm chí là trẻ em mang băng đỏ vào nhà của người dân để lục soát, tịch thu các thể loại sách vở, báo chí, băng đĩa. Có người kể rằng một chủ tiệm cho thuê sách cạnh nhà thờ Ba Chuông (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đã cho nổ một quả lựu đạn khi các em nhỏ đeo băng đỏ xông vào nhà để tịch thu sách. [21]

 

Việc đốt sách không chỉ hủy hoại nền xuất bản, tài sản của người dân, mà còn là hủy hoại nền tảng tri thức được gây dựng hơn 20 năm ở miền Nam trên nhiều lĩnh vực.

 

Nguyễn Văn Lục cho rằng chính quyền đã đốt sạch các sách của miền Nam mà không phân biệt thể loại, nội dung, chính trị hay không chính trị, kể cả những sách thiếu nhi có tính chất giáo dục cao cũng bị đốt bỏ. Chính quyền đã nhắm vào quan điểm, thái độ chính trị của tác giả hơn là nội dung của những cuốn sách. [22]

 

Mãi đến năm 1985, chính quyền vẫn còn lo sợ về các loại sách, báo cũ của miền Nam, mặc dù vào lúc này, nhiều nhà văn, nhà thơ miền Nam vẫn còn bị giam giữ trong các trại cải tạo trên khắp đất nước. [23]

 

 

Đẩy người trí thức vào tình thế quẫn bách, vong mạng

 

Sự sụp đổ ngành xuất bản tư nhân ở miền Nam đã phủ một bóng đêm u ám, nặng nề lên các văn nghệ sĩ miền Nam. Việc bị cấm sáng tác, xuất bản sách đã sớm đẩy các tác giả vào hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn.

 

Nguyễn Hiến Lê từng nói rằng sau ngày 30/4/1975 ông và nhiều tác giả khác tại miền Nam sống cũng như chết trước sự thù hận, phân biệt đối xử của chính quyền mới. Bên cạnh sự bức bối trong việc sáng tác, họ hồi hộp chờ đợi không biết ngày nào chính quyền đến gõ cửa nhà. [24]

 

Tháng 4/1976, ngay trước cuộc bầu cử thống nhất hai miền Việt Nam, các nhà văn của phe chiến thắng như Vũ Hạnh, Sơn Nam đã liên tục đăng bài phỉ báng, kết tội các nhà văn miền Nam trên các mặt báo. Chính quyền đã lập ra một danh sách bắt giữ 44 nhà văn, nhà thơ, nhà báo miền Nam. [25]

 

Trong hai tuần đầu tháng 4/1976, chính quyền vây bắt khoảng 70 văn nghệ sĩ với tội danh “văn nghệ sĩ chống cộng [của] chế độ cũ”. [26]

 

Hàng loạt các nhà văn đã bị bắt như Vũ Hoàng Chương (5 tháng tù), Nguyễn Mạnh Côn (3 năm), Nhã Ca (2 năm), Trần Dạ Từ (12 năm), Mai Thảo (kịp trốn thoát), Duyên Anh (gần 6 năm), Dương Nghiễm Mậu (1 năm), Doãn Quốc Sĩ (5 năm), Nguyễn Sĩ Tế (11 năm), Thanh Thương Hoàng (8 năm), v.v. [27] [28] [29] [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36]

 

Một số nhà văn, nhà thơ khác có lẽ cũng đã bị bắt trước hay trong cùng khoảng thời gian này như Phạm Thành Tài (8 năm tù), Trần Tuấn Kiệt (10 năm), Lê Xuyên, v.v. Một năm sau, chính quyền bắt thêm các nhà văn khác như Hồ Hữu Tường (2 năm tù giam), Hoàng Hải Thủy (bị bắt hai lần, 8 năm), v.v. [37] [38] [39] [40] [41]

 

Những nhà văn, nhà thơ đã chết dưới điều kiện khắc nghiệt của trại cải tạo được biết đến là Vũ Hoàng Chương (qua đời tháng 9/1976), Ngọc Thứ Lang (1979), Nguyễn Mạnh Côn (tháng 6/1979), Hồ Hữu Tường (tháng 6/1980), Dương Hùng Cường (1987), Hiếu Chân (1986), v.v. [42] [43] [44]

 

 

Số phận của các nhà văn quân đội miền Nam

 

Một tháng sau ngày 30/4/1975, theo lệnh của Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, đã có hơn 44.000 cựu quân nhân, nhân viên và quan chức chế độ cũ ra trình diện chế độ mới. [45]

 

Trong số những quân nhân này có những văn nghệ sĩ thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa, trong đó có một số là sĩ quan của Cục Tâm lý chiến, một cơ quan thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

 

Những văn nghệ sĩ của quân đội Việt Nam Cộng hòa có các sáng tác với xu hướng đa dạng, đương nhiên có cả những sáng tác được cho là chống cộng sản và các sáng tác theo rung cảm cá nhân của họ.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc gần đây đã nhận xét về văn chương của quân nhân Việt Nam Cộng hòa: “Còn văn học miền Nam thì khác, họ viết thật về chiến tranh, về tâm trạng con người sống trong chiến tranh. Văn học miền Nam được đứng ngoài chính trị.” [46]

 

Tuy nhiên, sau 30/4/1975, những văn nghệ sĩ là quân nhân thường phải chịu những bản án tù rất nặng nề.

 

Những nhà thơ là quân nhân miền Nam bị bắt giữ ngay sau 30/4/1975 được biết đến là Thanh Tâm Tuyền (cấp bậc đại úy, nhà báo của Tập san Quốc phòng, 7 năm tù), Phan Lạc Phúc (trung tá, biên tập viên của Tập san Quốc phòng, 10 năm), Cung Trầm Tưởng (trung tá Không quân, 10 năm), Hoàng Anh Tuấn (2 năm, nhờ Pháp can thiệp), v.v. [47] [48] [49] [50]

 

Trong đó, nhà thơ Tô Thùy Yên, thiếu tá, trưởng phòng Văn nghệ của Cục Tâm lý chiến thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, đã bị giam giữ ba lần với tổng cộng 13 năm tù giam. [51]

 

Một số các nhà văn như Văn Quang (trung tá quản đốc Đài phát thanh Quân đội, 12 năm tù giam), Thế Uyên (trung úy, 3 năm), Phan Nhật Nam (đại úy Sư đoàn Nhảy dù, 14 năm), Thảo Trường (thiếu tá ngành chiến tranh chính trị thuộc Cục An ninh Quân đội, 17 năm), v.v. [52] [53] [54] [55]

 

Ông Đỗ Văn Phúc, quân nhân thuộc ngành chiến tranh chính trị, cựu tù cải tạo, cho biết sau năm 1975 những sĩ quan ngành chiến tranh chính trị là những người bị chính quyền cộng sản cầm tù lâu nhất rồi đến an ninh, tình báo, v.v. cùng với các yếu tố đi kèm khác như là người Công giáo, di cư từ miền Bắc, thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, v.v. [56]

 

Sau khi ra tù, những nhà văn, nhà thơ dù thuộc hay không thuộc quân đội đều không được phép sáng tác. Nếu muốn sống ở quê hương, cuộc sống của họ phải cắt đứt vĩnh viễn khỏi văn chương. Hầu hết các văn nghệ sĩ sau khi được trả tự do đã ra nước ngoài tị nạn.

 

 

Những nhà văn Việt Cộng nằm vùng

 

Sau năm 1975, một số ít nhà văn miền Nam vẫn tiếp tục được chính quyền mới cho phép sáng tác.

 

Những người này là các cán bộ cách mạng “nằm vùng”, đã sáng tác công khai ở Sài Gòn trước năm 1975. Trong đó, nổi bật có nhà văn Vũ Hạnh là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, trước năm 1975 đã viết cho tờ Tin Văn, Bách Khoa, Mai, v.v. [57] Hay Huỳnh Bá Thành, còn gọi là họa sĩ Ớt, là nhân viên tình báo, trước năm 1975 đã sáng tác cho tờ Điện Tín, Tin Sáng, Bút Thần, v.v. [58]

 

Bên cạnh đó là các nhà văn thân Việt Cộng như Sơn Nam, Lữ Phương, Thẩm Thệ Hà, Tô Nguyệt Đình, Cung Văn, Ngụy Ngữ, v.v. Những người này sau năm 1975 đã tham gia vào các cơ quan văn hóa, nghệ thuật của chính quyền. [59] [60] [61] [62] [63] [64]

 

Những nhà văn này không chỉ sáng tác tự do trước năm 1975 mà còn thành lập các nhà xuất bản, phát hành các tạp chí. Các sáng tác của họ có xu hướng thân cách mạng, chỉ trích chính quyền miền Nam, kêu gọi hòa bình thống nhất.

 

Một số tác phẩm của họ bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm duyệt, gây khó khăn. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt của chính quyền miền Nam không phân biệt, kỳ thị vào tác giả mà tập trung vào tác phẩm, kể cả văn nghệ sĩ là quân nhân Việt Nam Cộng hòa vẫn có tác phẩm bị kiểm duyệt.

 

Ở một mức độ nhất định, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do sáng tác, không có sự phân biệt, kỳ thị tác giả, cho phép tất cả các xu hướng sáng tác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi và tương đối an toàn cho các văn nghệ sĩ nói trên hoạt động.

 

Tuy nhiên, sau năm 1975, chính quyền cách mạng đã không làm điều tương tự với các nhà văn khác của miền Nam. Trái lại, một số nhà văn miền Nam còn bị chính quyền mới áp bức cho đến chết, hoặc phải bỏ đất nước ra đi.

 

 

Nhà nước chiếm nhà in

 

Từ 700 nhà in vào năm 1974, sau 30/4/1975, số nhà in lớn nhỏ chỉ tính riêng ở Sài Gòn đến kê khai với nhà nước là 932. [65] Nhà nước đã chiếm dụng ngay lập tức những nhà in này, rồi tịch thu, tiến tới quốc hữu hóa tất cả các nhà in ở miền Nam.

 

Ngay sau 30/4/1975, chính quyền mới đã chiếm kho giấy, dùng các nhà in để in hàng loạt các ấn phẩm như 300.000 tờ báo đầu tiên của báo Sài Gòn Giải Phóng, in màu hai triệu tấm ảnh chân dung Hồ Chí Minh, in 7 triệu cuốn sách giáo khoa của miền Bắc chỉ trong 45 ngày, v.v. [66]

 

Hai năm sau, số giấy trong kho ở miền Nam đã hết sạch, chính quyền thất bại trong việc nhập giấy từ nước ngoài. Việt Nam tập trung vào tự sản xuất giấy. [67]

 

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm xuất bản trong những năm 1980, 1990 dùng những loại giấy xấu hơn rất nhiều so với giấy in trước đó của miền Nam.

 

Những nhà in lớn được gộp lại thành các xí nghiệp công ty hợp doanh in từ số 1 đến số 7. Ví dụ như Xí nghiệp in số 1 gồm các nhà in mà nhà nước tịch thu như nhà in Tòng Bá, các cơ sở in Nam Đường, Huê Dương Ly Ky, Lương Hữu, Tân Đại Minh. Xí nghiệp in số 4 từ các nhà in đã tịch thu bao gồm Văn Hữu, Thanh niên, Trí Thức mới, Văn hóa Mỹ thuật. Các hộ in nhỏ khác được tập hợp lại rồi chia thành các xí nghiệp in tập thể từ số 1 đến số 10. [68]

 

Các máy móc in ấn hiện đại nhất trên cả nước khi đó tập trung tại Sài Gòn đã được chính quyền chuyển về Hà Nội và các tỉnh, thành khác. [69]

 

Sau 30/4/1975, ngành in trên cả nước đã bị nhà nước độc quyền kinh doanh, hoàn toàn kiểm soát. Không có in ấn tư nhân thì cũng không có xuất bản tư nhân.

 

 

Xuất bản tư nhân tuyệt chủng

 

Người dân miền Nam trước năm 1975 là những người sau cùng còn nhìn thấy, trải nghiệm việc xuất bản tư nhân trên đất nước Việt Nam.

 

Sau năm 1975, 180 nhà xuất bản, hầu hết là nhà xuất bản tư nhân của miền Nam đã bị chính quyền mới giải thể. Đến năm 1985, tổng số nhà xuất bản trên cả nước là 40. [70]

 

Theo Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, xuất bản tư nhân vẫn còn tồn tại sau năm 1954 ở miền Bắc, nhưng rất ít và hoạt động hạn chế, chủ yếu là các cơ sở in và buôn sách có từ thời Pháp thuộc. Xuất bản phục vụ sự phát triển của văn hóa cách mạng chiếm đa số. [71]

 

Về mặt luật pháp, Sắc lệnh 003/SLT do Hồ Chí Minh ký năm 1957 vẫn thừa nhận xuất bản tư nhân, và cá nhân cũng có thể tự xuất bản tác phẩm. [72]

 

Tuy nhiên, xuất bản tư nhân ở miền Bắc có lẽ đã teo tóp dần và đi vào ngõ cụt dưới bàn tay sắt của những người cộng sản. Điển hình như Nhà xuất bản Minh Đức đã xuất bản các tác phẩm của nhóm Nhân văn giai phẩm, bao gồm các trí thức nổi tiếng bị cầm tù, đàn áp vì chỉ trích nhà nước kiểm soát, chính trị hóa lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. [73]

 

Từ năm 1959, việc xuất bản đã bị chính trị hóa hoàn toàn. Nội dung xuất bản phải theo sát mục tiêu chính trị của đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và lật đổ chính quyền miền Nam. [74]

 

Từ năm 1993, chính quyền chính thức quy định rằng “nhà xuất bản là tổ chức thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội”, nói cách khác, nhà xuất bản phải thuộc hệ thống của nhà nước. Sau 30 năm, quy định này không có thay đổi nào đáng kể trong các lần sửa đổi luật về xuất bản. [75]

 

Đến năm 2022, cả nước chỉ có 57 nhà xuất bản. Chính quyền vẫn dùng các cơ quan của nhà nước, tổ chức hội đoàn thuộc hệ thống của Mặt trận Tổ quốc để thành lập các nhà xuất bản. Việc này nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình bổ nhiệm nhân sự, định hướng hoạt động hay loại bỏ người đứng đầu các nhà xuất bản nếu không làm theo yêu cầu của chính quyền. [76]

 

Một số nhà xuất bản hiện nay có xu hướng trở thành một cơ quan kiểm duyệt đơn thuần. Những nhà xuất bản này chịu trách nhiệm bán giấy phép xuất bản, kiểm duyệt tác phẩm của các công ty làm sách.

 

Từ sau ngày 30/4/1975, nền xuất bản tư nhân đã biến mất khỏi Việt Nam. Khí thế xuất bản sôi nổi một thời của Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa thể phục hồi. Nỗi sợ hãi của chính quyền về xuất bản tư nhân đã tạo thành nhiều rào cản ngăn cấm người dân thưởng thức những tác phẩm đa dạng, nhốt tư tưởng người viết vào trong những chiếc lồng ý thức hệ và kéo lùi nền tri thức của cả đất nước.

 

                                                       

                                                   *****

.

Tình thế chính trị của người dân Miền Nam Việt Nam sau năm 1975

Một sự thật lịch sử không thể bị lãng quên.

Luật Khoa tạp chí  Võ Văn Quản

 

.

5 điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về miền Nam

Vì sao người miền Nam rất nhạy cảm với một số diễn ngôn và cách hành xử từ miền Bắc?

Luật Khoa tạp chí     Trịnh Hữu Long

 

.

Thảm kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông

Một trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất trong lịch sử nhân loại.

Luật Khoa tạp chí     Nguyễn Hạnh

 

----------------

Chú thích

 

1. Vietnam faces problems, prosperity or bankruptcy. (1977, November 10). St. Louis Post-Dispatch/ Newspapers. https://www.newspapers.com/image/620956341/?terms=Vietnam&match=1

2. Xem [1].

3. Vietnam revisited: The reunions of former friends after Saigon finally falls. (1976, May 1). The Ithaca Journal/ Newspapers. https://www.newspapers.com/image/255219079/

4. Life in the New Vietnam. (1977, March 17). The New York Review/ Newspapers. https://www.nybooks.com/articles/1977/03/17/life-in-the-new-vietnam/

5. Xem [1].

6. Population Redistribution in the Socialist Republic of Vietnam. (1987, March). Jstor. https://www.jstor.org/stable/1972120?seq=4

7. Kỹ nghệ xuất bản sách tại Việt Nam Cộng hòa. (1974, November 30). HCMUS. http://www.nsl.hcmus.edu.vn/greenstone/collect/tapsantv/index/assoc/HASH7268.dir/5.pdf

8. 70 năm hình thành và phát triển của ngành Xuất bản Việt Nam. (2022, September 27). Pháp Luật Và Xã Hội. https://web.archive.org/web/20230317053135/https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/70-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-nganh-xuat-ban-viet-nam-306444.html

9. THÁNG TƯ NGHĨ VỀ SÁCH SÀI GÒN CŨ. (2021, April). Sông Thao/Web Archive. http://www.songthao.com/phiem-chu/thang-tu-nghi-ve-sach.htm

10. ‘Việc Từng Ngày’ và tác phẩm Ðoàn Thêm. (2017, April 10). Người Việt/Web Archive. https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/t4-viec-tung-ngay-va-tac-pham-doan/

11. Xem [7].

12. Xem [7].

13. Xem [7].

14. The new Vietnam: Communism and corruption co-exist. (n.d.). London Telegraph/ Newspapers. Retrieved September 10, 1977, from https://www.newspapers.com/image/481497071/?terms=books%2C%20south%20Vietnam%2C%20communism&match=1

15. Xem [8].

16. Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975 (Phần II). (2015, February 25). Tạp Chí Văn Chương Da Màu. https://damau.org/35752/van-hoc-mien-nam-tu-do-1954-1975-phan-ii

17. Xem [16].

18. Sách cũ miền nam 1954 -1975. (2013). Cái Đình. https://www.caidinh.com/trangluu/vanhocnghethuat/van/sachcumiennam.htm

19. Xem [16].

20. Xem [16].

21. https://vietluan.com.au/14843/nguyen-thuy-long-tu-loan-mat-nhung-den-hoi-ky-viet-tren-gac-but/. (n.d.). Việt Luận. https://vietluan.com.au/14843/nguyen-thuy-long-tu-loan-mat-nhung-den-hoi-ky-viet-tren-gac-but/

22. Xem [18].

23. Xem [22].

24. MAI THẢO - Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương. (2016, March 13). Du Tử Lê. https://web.archive.org/web/20220818112358/https://www.dutule.com/a7338/mai-thao-may-thang-cuoi-cung-voi-vu-hoang-chuong

25. Xem [24].

26. Xem [24].

27. Xem [24].

28. Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn can đảm chọn cái chết trong tù. (2018, November 18). Văn Việt/ Web Archive. https://web.archive.org/web/20190413052533/http://vanviet.info/tu-lieu/nguyen-manh-cn-nh-van-can-dam-chon-ci-chet-trong-t/

29. Nhã Ca. (n.d.). Tủ Sách Trẻ. https://tusachtre.com/team/nha-ca/

30. Nhà Thơ Bước Ra Từ Nhà Tù. (2018, November 16). Việt Báo/ Web Archive. https://web.archive.org/web/20230321034429/https://vietbao.com/a287641/nha-tho-buoc-ra-tu-nha-tu

31. Xem [24]

32. VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (118): Duyên Anh, anh là ai? (2015, July 8). Văn Việt/ Web Archive. https://web.archive.org/web/20230321034604/https://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/duyn-anh-anh-l-ai/

33. Dương Nghiễm Mậu Qua Cầu, Dương Nghiễm Mậu Còn Đó. (2017, February 22). Việt Báo. https://vietbao.com/a264361/duong-nghiem-mau-qua-cau-duong-nghiem-mau-con-do

34. Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ được chúc thọ 100 tuổi và trang trọng vinh danh. (2022, December 10). Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/giao-su-doan-quoc-sy-duoc-chuc-tho-100-tuoi-va-trang-trong-vinh-danh/

35. Văn học miền Nam 54-75 (562): Nguyễn Sỹ Tế (kỳ 1). (2019, May 19). Văn Việt. https://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-hoc-mien-nam-54-75-562-nguyen-sy-te-ky-1/

36. Ký Giả Thanh Thương Hoàng Đặt Chân Vào Hoa Kỳ. (1999, May 18). Thanh Thương Hoàng. https://www.thanhthuonghoang.com/

37. Một bài thơ cũ: Nhà thơ Phạm Thành Tài. (2022, September 13). Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/vuon-tho-nguoi-viet/mot-bai-tho-cu-nha-tho-pham-thanh-tai/

38. Tưởng nhớ nhà thơ Nam Kỳ Lục Tỉnh Trần Tuấn Kiệt. (2019, October 14). Văn Việt. https://vanviet.info/van/tuong-nho-nh-tho-nam-ky-luc-tinh-tran-tuan-kiet/

39. Nhà văn Lê Xuyên – Người muôn năm cũ. (2018, December 17). Dòng Sông Cũ. https://dongsongcu.wordpress.com/2018/12/17/nha-van-le-xuyen-nguoi-muon-nam-cu/

40. Hồ Hữu Tường: Những ngày cuối đời. (2009, May 28). Tạp Chí Văn Chương Da Màu. https://damau.org/6432/ho-huu-tuong-nhung-ngay-cuoi-doi

41. Bố già và bản dịch để đời của Ngọc Thứ Lang. (2022, March 10). Sài Gòn Nhỏ. https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/cao-thom-lan-gio/bo-gia-va-ban-dich-de-doi-cua-ngoc-thu-lang/

42. Xem [41].

43. Dương Hùng Cường: Người viết văn hài sinh nghề tử nghiệp. (2006). Tản Mạn Văn Chương. https://web.archive.org/web/20230323034924/https://tanmanvanchuongthephong.blogspot.com/2015/11/duong-hung-cuong-nguoi-viet-van-hai.html

44. Nhớ nơi kỳ ngộ : Hiếu Chân + Nguyễn Quý Hùng / Lãng Nhân. (2013). Tản Mạn Văn Chương. http://tanmanvanchuongthephong.blogspot.com/2013/09/nho-noi-ky-ngo-hieu-chan-nguyen-quy.html

45. Trại cải tạo sau 30-4-1975: Lục lại một báo cáo của Ân xá Quốc tế năm 1981. (2017, June 23). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2017/06/trai-cai-tao-sau-30-4-1975-luc-lai-mot-bao-cao-cua-xa-quoc-te-nam-1981/

46. Nhà văn Nguyên Ngọc: Văn chương về đề tài chiến tranh - trí nhớ của ngôn từ và sự độc đoán của văn học sử thi. (2023, March 19). Nguyen Hong Anh/ Facebook. https://www.facebook.com/photo/?fbid=1900952090256905&set=a.1882035698815211

47. Thanh Tâm Tuyền. (n.d.). Gio-O. http://www.gio-o.com/BB/ThanhTamTuyen.html

48. TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN PHAN LẠC PHÚC TỨC KÝ GIẢ LÔ-RĂNG (1928-2016). (2016). Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu. https://petruskyaus.net/tuong-niem-nha-van-phan-lac-phuc/

49. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả ‘Mùa Thu Paris,’ qua đời ở tuổi 90. (2022, October 9). Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/nha-tho-cung-tram-tuong-tac-gia-mua-thu-paris-qua-doi-o-tuoi-90/

50. Tưởng Nhớ Nhà Thơ Hoàng Anh Tuấn. (2016, September). Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/tuong-nho-nha-tho-hoang-anh-tuan/

51. Nhà Thơ Tô Thùy Yên Từ Trần. (2019, May 22). Văn Việt. https://vietbao.com/a294406/nha-tho-to-thuy-yen-tu-tran

52. Tưởng Niệm Nhà Văn Văn Quang (1933-2022). (22 C.E., March 15). Văn Việt. https://vietbao.com/a311465/tuong-niem-

53. Thế Uyên. (n.d.). Viet Messenger. https://vietmessenger.com/books/?author=the%20uyen

54. Phan Nhật Nam và những chấn thương không chảy máu. (2018, July 30). VOA. https://www.voatiengviet.com/a/phan-nhat-nam-mua-he-do-lua-ngo-the-vinh/4505848.html

55. Nhà Văn Thảo Trường Từ Trần. (2010, August). Du Tử Lê. https://www.dutule.com/a2709/nha-van-thao-truong-tu-tran

56. Ngành Chiến Tranh Chính Trị QL/VNCH. (2017, July). Bebeliem/ Youtube. https://www.youtube.com/watch?v=7R30Cixqf_Q&t=3101s

57. Vũ Hạnh – bút màu giữa lòng Sài Gòn. (2018). Văn Chương Việt. https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=24026

58. Họa sỹ Ớt. (2012). Văn Nghệ Đà Nẵng. https://vannghedanang.org.vn/my-thuat-hoa-sy-ot-4845.html

59. Sơn Nam - Nhà Nam bộ học. (2011, July). Nhân Dân. https://nhandan.vn/son-nam-nha-nam-bo-hoc-post549030.html

60. Vũ Hạnh, Chim Cút Hoạt Đầu Văn Nghệ. (2009). Chính Nghĩa. https://web.archive.org/web/20230323040817/https://www.chinhnghia.com/vu-hanh-chim-cut-hhoat-dau-van-nghe.asp

61. Thẩm Thệ Hà nhìn từ lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học. (2017). Khoa Văn Học, Trường ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, ĐHQG-HCM. https://web.archive.org/web/20210303013935/http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-vi%E1%BB%87t-nam/6461-th%E1%BA%A9m-th%E1%BB%87-h%C3%A0-nh%C3%ACn-t%E1%BB%AB-l%C4%A9nh-v%E1%BB%B1c-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u,-ph%C3%AA-b%C3%ACnh-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc.html

62. Danh nhân văn hóa Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhà văn, nhà báo yêu nước Tô Nguyệt Đình. (2019). Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. https://web.archive.org/web/20211231104111/https://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201911/danh-nhan-van-hoa-ba-ria-vung-tau-nha-van-nha-bao-yeu-nuoc-to-nguyet-dinh-881544/index.htm

63. Cung Văn, nhà báo chịu chơi. . . (2015). Quảng Nam Online. https://web.archive.org/web/20201128024439/http://baoquangnam.vn/tac-gia-tac-pham/cung-van-nha-bao-chiu-choi-34068.html

64. Nhà biên kịch Ngụy Ngữ qua đời. (2022, September). https://vnexpress.net/nha-bien-kich-nguy-ngu-qua-doi-4509450.html

65. Lịch sử ngành In ở Thành phố Hồ Chí Minh (phần 4). (n.d.). Hiệp Hội Ngành in HCM/ in Minh Quân. https://inminhquan.com/tim-hiểu-nganh-in-ở-thanh-phố-hồ-chi-minh-phần-4/

66. Xem [62].

67. Xem [62].

68. Xem [62].

69. Xem [62].

70. Xem [8]

71. Quá trình ra đời và phát triển của nền xuất bản cách mạng Việt Nam (P3: Thời kỳ 1954-1975). (2012). Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật. https://web.archive.org/web/20230320065859/https%3A%2F%2Fwww.nxbctqg.org.vn%2Fqua-trinh-ra-i-va-phat-trin-ca-nn-xut-bn-cach-mng-vit-nam-p3-thi-k-1954-1975.html

72. Sắc luật số 003-Slt ngày 18 tháng 6 năm 1957 quy định về chế độ xuất bản. (1957). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Sac-luat-003-SLT-quyen-tu-do-xuat-ban-36810.aspx

73. Xem [68].

74. Xem [68].

75. Luật Xuất bản năm 1993. (1993, July). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Xuat-ban-1993-22-L-CTN-38479.aspx

76. Những đóng góp quan trọng của hoạt động xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam. (2022, October). Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh. https://web.archive.org/web/20230321041824/https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhung-dong-gop-quan-trong-cua-hoat-dong-xuat-ban-in-va-phat-hanh-sach-viet-nam-1491899932

 

=========================================

XEM THÊM

Người miền Nam phải liều mạng bỏ nước ra đi

Luật Khoa Tạp Chí

https://www.youtube.com/shorts/ZHBr6v3zJhk

 

.

Thảm kịch thuyền nhân - Phần 1: Biển người giữa Biển Đông

.

Thảm kịch thuyền nhân - Phần 2: Hải tặc gieo rắc nỗi kinh hoàng cho thuyền nhân Việt Nam






No comments:

Post a Comment

View My Stats