Tuesday 23 May 2023

MEDVEDEV THĂM HÀ NỘI : CÓ PHẦN "GƯỢNG GẠO" VÀO LÚC NGA CÒN LẠI "ÍT ĐỒNG MINH" (Quốc Phương, RFA)

 



 

Medvedev thăm Hà Nội: Có phần "gượng gạo" vào lúc Nga còn lại "ít đồng minh"

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.05.23

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/medvedev-s-visit-to-hanoi-2305-05232023055801.html

 

Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất tới Hà Nội, gặp gỡ ban lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính Phủ Việt Nam, để thảo luận về các vấn đề hợp tác khu vực và tình hình ở Ukraine, theo hãng tin nhà nước Tass của Cộng hòa Liên Bang Nga đưa tin về chuyến thăm của ông Dmitry Medvedev tới Việt Nam từ ngày 21-23/5/2023.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/medvedev-s-visit-to-hanoi-2305-05232023055801.html/@@images/d58486ee-d4dd-4974-a0a0-158f81db6f7d.jpeg

Ông Medvedev và ông Nguyễn Phú Trọng nắm tay nhau hôm 22/5/2023 tại Hà Nội

 putnik/Yekaterina Shtukina/Pool via REUTERS

 

“Trong số các vấn đề mà ông Medvedev… ​​thảo luận với lãnh đạo Việt Nam là hợp tác khu vực và tình hình ở Ukraine. Sự chú ý đặc biệt tập trung vào các vấn đề mở rộng hợp tác thương mại, kinh tế và nhân đạo. Phía Nga cũng hy vọng tăng cường quan hệ giữa các bên cả song phương và trong khuôn khổ đa phương. Ngoài ra, phía Nga hy vọng Việt Nam sẽ tham gia Diễn đàn các nhà vận động chống lại các thông lệ hiện đại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới,” trong bài viết với tựa đề ‘Medvedev đến Hà Nội hội đàm với lãnh đạo Việt Nam’, Tass cho biết thêm từ góc nhìn của truyền thông chính thống của Nga.

 

Các vấn đề về hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự trong các cuộc gặp của Thủ tướng Medvedev tại Việt Nam vẫn theo Tass, và hãng tin này thừa nhận:

 

“Do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, thương mại song phương đã giảm hơn một phần ba vào năm ngoái, từ 7 tỷ USD xuống còn 4,569 tỷ USD. Xuất khẩu giảm 42,7%, xuống 1,279 tỷ USD và nhập khẩu giảm 32,8%, xuống 3,290 tỷ USD.

 

Xu hướng tiêu cực tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Theo Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, thương mại Nga-Việt trong tháng 01/2023 là 304,6 triệu đô la Mỹ, giảm 44,7% so với tháng 01/ 2022. Xuất khẩu của Nga sang Việt Nam là 45 triệu đô la Mỹ (giảm 71,8%) và nhập khẩu từ Việt Nam là 259,6 triệu USD (giảm 33,6%).

 

Ông Medvedev, Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cựu Tổng thống, cựu Thủ tướng Nga, trong chuyến thăm đề cập các vấn đề về việc sử dụng đồng Rúp trong thương mại giữa hai nước, cũng như khả năng thanh toán dịch vụ và rút tiền mặt bằng thẻ Mir của Nga ngay tại Việt Nam.

 

Đặc biệt chú ý, vẫn theo Tass là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, dự án xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, các vấn đề liên quan giao thông vận tải, đặc biệt là nối lại dịch vụ hàng không trực tiếp thường lệ, ngoài ra việc thanh niên Việt Nam “thể hiện sự quan tâm lớn” đến học tập ở Nga cũng là vấn đề mà ông Medvedev thảo luận tại Hà Nội khi gặp giới chức cao cấp thuộc ban lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.

 

 

“Có phần gượng gạo”

 

Từ Hà Nội, hôm 23/5/2023, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ, người từng du học tại Nga và tu nghiệp ở thành phố Leningrad trong hai giai đoạn là sinh viên (1972- 1978) và nghiên cứu sinh (1989-1992) tại Viện và Đại học Tổng Hợp Kinh tế - Tài chính, đưa ra bình luận trên quan điểm riêng về chuyến thăm của người đứng đầu đảng cầm quyền Nga:

 

“Về cảm nhận chung và ban đầu về chuyến thăm này của ông Medvedev, tôi thấy rằng là có phần gượng gạo ít nhiều giữa hai bên, có vẻ đây là là cơ hội rất cần với Nga, do họ đang ở trong thế không có nhiều lựa chọn, song không hoàn toàn thuận với Việt Nam, nếu xét theo khía cạnh nào đó.

 

Còn về mục đích chuyến đi của ông Medvedev, tôi cho rằng ngoài mục đích chính trị, mà tuyên truyền, tuyên giáo sẽ đề cập tới tình bạn bè, tình hữu nghị truyền thống, thì việc hợp tác khai thác, xuất nhập khẩu dầu khí có thể đáp ứng nhu cầu bất thường mà hai bên quan tâm, trong bối cảnh thế giới căng thẳng, cũng nên nhắc là Nga cũng vẫn có hợp tác về năng lượng, hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam lâu nay, về thương mại, tôi nghĩ các vấn đề bán dầu khí là chủ đề nằm trong mục đích của phía Nga, nhưng hai bên cũng quan tâm về cách thức thanh toán, mua nhu yếu phẩm v.v..

 

Đối với phía Việt Nam, nếu nói về khó dễ trong giao thiệp, giao thương với Nga hiện nay và Hà Nội có thể tận dụng để làm lợi được gì trong quan hệ này vào bối cảnh này đối với Moscow, tôi cho rằng đối với nhiều sản phẩm liên quan đến chiến tranh, sẽ khó có thể làm ăn trên đó, vì phải coi chừng các lệnh trừng phạt từ phương Tây xem thế nào, cái đó không dễ, mặc dù trong mậu dịch, thương mại, xuất nhập khẩu Nga – Trung vừa qua, Trung Quốc được cho là đã tranh thủ kiếm được một số lợi ích.

 

Đối với những gì được các bên thông báo công khai, trong đó có những nội dung liên quan về hợp tác chẳng hạn như trong an ninh, quốc phòng, hay kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, trong đó có dầu khí, năng lượng và nhiều hợp tác khác, chỉ là hình thức, phía sau là gì cần theo dõi tiếp về mặt thực chất.

 

Còn về việc có cần phải thận trọng hay không trong quan hệ với Nga vào thời điểm này, tôi cho rằng Việt Nam cũng có phần cần thận trọng, và tôi đoán là Việt Nam vẫn sử dụng phương pháp ‘ngoại giao cây tre’ thôi, tuy nhiên cần ghi nhớ và lưu ý rằng hai nước là bạn bè cũ, theo nghĩa là bạn bè lâu năm rồi, về ý thức hệ và có quan hệ nhiều mặt, trong đó có kinh tế, quốc phòng, khoa học, giáo dục v.v…”

 

 

Nga chỉ còn ‘một vài đồng minh’

 

Cũng từ Hà Nội, hôm 23/5, nhà báo Trí Minh, một nhà bình luận và quan sát thời sự chính trị Việt Nam khác, cũng quan tâm tới quan hệ song phương giữa hai nươc trong bối cảnh chính trị quốc tế, và khu vực hiện nay, nêu bình luận với RFA Tiếng Việt đề cập một diễn biến quốc tế vừa diễn ra ở khu vực như một bối cảnh:

 

“Hội nghị G7 mở rộng vừa rồi, trong số các bên khác, Nhật Bản có mời Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Brazil tham dự. Trong đó, theo tôi Ấn Độ và Việt Nam là có thái độ “ngoại giao cây tre” giữa Nga và phương Tây. Có lẽ khối G7 muốn thuyết phục hai nước này ngã theo phương Tây (G7). Còn Brazil cũng là nước thuộc khối BRICS (có thêm Nga và Trung Quốc), còn Indonesia là nước có dân số lớn, có ảnh hưởng ở Đông Nam Á, đang là chủ tịch luân phiên, nên G7 cũng muốn lôi kéo.

 

Đứng trước động thái đó, Nga lập tức phải cử Medvedev từ ngày 21-23/5 sang Việt Nam, một ‘đồng minh’ truyền thống, để đàm phán kéo Việt Nam trở lại quỹ đạo truyền thống với mình. Lưu ý thêm là Việt Nam và Mỹ cũng đang tỏ ra là muốn nâng cấp quan hệ và có thể ông TBT Nguyễn Phú Trọng sắp thăm Mỹ. Đó là mối lo ngại cho Nga, vì Nga chỉ còn một vài ‘đồng minh’ mà thôi. Khả năng lớn là Nga cũng sẽ cho người tới Brazil, Ấn Độ, Indonesia… như tới Việt Nam.

 

Ông Medvedev sang Việt Nam lần này, theo tôi, có lẽ để khẳng định lại mối quan hệ bền chặt với Việt Nam, cụ thể cũng sẽ là những hứa hẹn và giao kèo về giao thương vũ khí, dầu khí (có giá rẻ hơn), vì là bạn hàng truyền thống. Việt Nam chỉ cần mua dầu cho Nga thì đã là cứu Nga rồi vì Nga không còn nhiều thị trường ở phương Tây.

 

Ngoài ra, Nga có thể cần Việt Nam hỗ trợ xuất khẩu sang những mặt hàng mà đang bị phương Tây cấm vận. Tôi nghĩ, Việt Nam bây giờ cũng rất khó xử vì ‘ngoại giao cây tre’ không bao giờ được sự tin cậy của các đối tác và dễ bị coi là ‘lá mặt, lá trái’. Nếu Việt Nam ngang nhiên hỗ trợ Nga, có thể bị phương Tây dè chừng. Vì thế khả năng lớn là Việt Nam vẫn bám theo cách hành xử của Trung Quốc cho an toàn với cả hai ‘đồng minh’. Tôi e là những thỏa thuận giữa hai bên Nga – Việt, Việt – Nga trong chuyến thăm này của ông Medvedev sẽ không được công khai tất cả.


Còn như mọi người thấy, việc ông Tổng thống Nga Vladimir Putin hạn chế các chuyến công du là dễ hiểu. Vì ông ta e ngại gặp vấn đề an ninh cá nhân, thậm chí có người trong giới quan sát nói là ông ‘e ngại bị ám sát’, còn việc tuân thủ lệnh bắt của Tòa Quốc tế (ICC) chỉ là lý do bề nổi thôi, nhưng cũng cần tránh để quốc gia đón tiếp gặp khó xử. Song cũng cần lưu ý, ông Medvedev là nhân vật số hai trong ban lãnh đạo nước Nga, nước đang mở cuộc chiến tranh với láng giềng Ukraine hơn một năm qua, giữa lòng châu Âu, và có lẽ ông ấy sẽ kế vị Tổng thống Putin sau này.”

 

Trên đây là hai ý kiến trên quan điểm riêng từ trong giới quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ Hà Nội bình luận chuyến thăm Việt Nam của ông Dmitry Medvedev, còn theo truyền thông chính thống tại Việt Nam, tại cuộc hội đàm ở Hà Nội giữa Tổng Bí thư ĐCSVN với Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Nguyễn Phú Trọng được dẫn lời khẳng định:

 

“Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện với Nga. Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng việc phát triển quan hệ với các chính đảng ở Nga, trong đó có Đảng “Nước Nga Thống nhất”, làm nền tảng chính trị cho quan hệ lâu dài và bền vững giữa hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng đề nghị Chủ tịch Đảng "Nước Nga Thống nhất" Medvedev chuyển lời thăm hỏi tới Tổng thống Putin và các Nhà Lãnh đạo Nga,” theo báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 22/5/2023.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

·        Quan hệ Việt – Nga: “Đối tác chiến lược” nhưng không phải "đồng minh”

·        Hậu Hội nghị G7 mở rộng: Việt-Nhật nên "liên kết nhằm ngăn chặn sự bành trướng" của Bắc Kinh

·        ĐCSVN không công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “xúc phạm Đảng viên và nhân dân”

·        Nhà quan sát: Nên ra Luật về Đảng, không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ!

·        Hội nghị TƯ giữa kỳ của Đảng bế mạc, ai có “tín nhiệm thấp” có thể bị xử lý ở Quốc Hội





No comments:

Post a Comment

View My Stats