Tuesday, 2 May 2023

30 THÁNG TƯ : CÙNG LÊN TIẾNG NÓI LƯƠNG TÂM (Trực Đoàn)

 



30 Tháng Tư: Cùng lên tiếng nói lương tâm

Trực Đoàn

April 28, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/30-thang-tu-cung-len-tieng-noi-luong-tam/

 

“Từ nghìn trùng xa, Ai vẫn hát vang lời Việt Nam. Nhìn về đại dương, Ta nhớ hướng quê nhà ở đó.”

 

Sống dưới chế độ độc tài toàn trị, người dân Việt phải đối phó với dối trá, bạo lực, bất công, tham nhũng. Người dân trong nước lên tiếng thì sẽ bị đàn áp, tù đày. Nên rất mong tiếng nói của người Việt hải ngoại.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/Hue-Tet-Mau-Than-1968-1536x1013.jpg

Huế, Tết Mậu Thân, 1968. Người dân chạy nạn bên cầu Trường Tiền đổ sập. (Hình minh họa: Terry Fincher/Getty Images)

 

“Vậy mà nhiều bạn hải ngoại im lặng, thế mới đau!” Một bạn học cùng trường trung học với tôi nhận định. Dù sống ở Hoa Kỳ, xứ sở của tự do, nhân quyền, tại sao tôi im lặng trước nỗi đau của người Việt trong nước?

 

                                                               ***

Thuở lên bốn tuổi, thích xem hình, tôi lấy cuốn album từ kệ sách của bố, nào ngờ chỉ thấy những hình ảnh chết chóc kinh hãi.

 

“Em sợ!” Tôi khóc, nói với chị tôi, khi xem cuốn album về nạn nhân Tết Mậu Thân 1968.

“Việt Cộng vô sẽ cắt tay, cắt chân, cắt đầu bé,” chị tôi dọa.

 

Khi chiếm được cố đô Huế dịp Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng Việt Cộng đã thảm sát ước lượng 6,000 người kể cả phụ nữ và trẻ nhỏ.

 

Bác Sĩ Alje Vennema, người Canada, sống ở Huế vào thời điểm chiến trận và đã chứng kiến cuộc thảm sát. Trong cuốn “The Viet Cong Massacre at Hue,” ông Vennema đã kể về những nạn nhân và liệt kê 27 nấm mồ tập thể gồm 2,397 xác người mà đa số bị hành quyết.

 

Khi cuộc chiến “20 năm nội chiến từng ngày” kết thúc vào ngày 30 Tháng Tư, năm 1975, tôi nhớ rõ vẻ mặt lo lắng sợ hãi của người lớn khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn năm 1975.

 

Dì Nguyễn Kim Thư ngồi trong phòng, khóc cả ngày. Dì khóc cho số phận của mình, cho dân tộc, hay những năm tháng cay đắng trong tương lai?

 

“Chúng ác quá cho nên tôi bỏ về,” ông Lương Văn Cậy, người hàng xóm cạnh nhà tôi, kể về các cuộc hành hình nạn nhân mà ông thấy trong thời gian theo Việt Minh năm 1945.

 

Với não trạng bạo lực của chủ nghĩa Cộng Sản, các lãnh đạo Ba Đình xuống tay tàn sát bên thua cuộc không thương tiếc. Đầu tiên là bắt đi cải tạo các quân nhân cùng các đợt lùng bắt văn nghệ sĩ cùng những người tình nghi “phản cách mạng.”

 

Ông Tống Văn Sơn, cậu họ của bố tôi, chết trong trại cải tạo. Ông Sơn là sĩ quan VNCH, buông súng đầu hàng, đi cải tạo vì tin vào chính sách “nhân đạo, khoan hồng, hòa giải” của chính quyền. Nào ngờ, ông ở lại trại tù vĩnh viễn. Sau Thánh lễ cầu hồn cho ông, bố tôi cùng một số họ hàng ghé thăm an ủi bà.

 

“Chúng giết chồng tôi rồi!,” bà Sơn, mắt sưng húp đỏ hoe, thều thào nói. Tiếng khóc nức nở không thành tiếng, nấc nghẹn làm không khí gian phòng não nề, thê lương. Mọi người im lặng ngậm ngùi cho ông Sơn và số phận “cá nằm trên thớt” của chính mình.

 

Theo nhật báo Orange County Register, có đến 1 triệu người bị bắt đi cải tạo, và ít nhất 165 ngàn người đã chết trong trại tù.

 

Những người trở về từ trại cải tạo đều mang theo vết thương tinh thần lẫn thể xác.

 

“Mỗi khi trở trời, vết thương từ trận đòn báng súng trong trại lại đau thấu xương,” ông Trịnh Thanh Hoàng, cựu cải tạo, cư dân thành phố Lancing, Michigan, kể cho tôi về cơn ác mộng tù đày.

 

“Đừng đùa với Đảng! Sắt thép còn phải nung chảy. Cải tạo không được là cho đi!,” ông Đào Trọng Vinh, cựu tù phục quốc, cư dân Costa Mesa, California, thuật lại cho tôi lời nói đe dọa của một công an quản giáo trại tù Chí Hòa.

 

Khi nhà nước phát động chiến dịch đánh tư sản làm chấn động toàn miền Nam. Cả xóm xôn xao thì thầm về đánh tư sản.

 

“Nghe nói lấy được nhiều nồi cơm điện cùng vàng bạc,” bà Lương Văn Tròn, người hàng xóm, nói về việc khám nhà bà Kim Anh, chủ tiệm bán đồ điện gia dụng gần nhà.

 

Hiếu kỳ, tôi chạy ra nhà bà Kim Anh xem. Giữa vòng vây của công an và nhiều nhân viên dân sự, bà Kim Anh ngồi khép nép, mặt tái xanh. Sau đó gia đình bà Kim Anh bị tịch thu nhà, đưa đi vùng kinh tế mới.

 

Trong cuốn “Bên Thắng Cuộc,” tác giả Huy Đức cho biết ông Lê Duẩn, tổng bí thư, đã ra lệnh cho ông Đỗ Mười toàn quyền thực hiện Chiến Dịch X-2 tức đánh tư sản. Sau chiến dịch này, nhà nước thu được khoảng hơn năm tấn vàng, và nhiều kim cương cùng các loại đá quý.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/Bieu-Tinh-Chong-TQ-1536x1024.jpg

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền nhanh chóng bị chế độ toàn trị dập tắt tại Hà Nội hay Sài Gòn vào các năm 2011, 2014. (Hình minh họa: Mai Ky/AFP via Getty Images)

 

Chiến dịch đánh tư sản làm nhiều doanh gia bại sản, tan nát gia đình. Kinh tế miền Nam tê liệt, toàn xã hội đói nghèo.

 

“Hết sữa rồi con ạ,” mẹ âu sầu chỉ cho tôi hộp sữa trống rỗng.

 

Và rồi tôi cam chịu khẩu phần ăn ít dần, những buổi sáng nhịn đói đi học.

 

Do thiếu dinh dưỡng nên được đi ăn phở là một ngày huy hoàng. Tôi sửng sốt khi thấy các bạn cùng tuổi tôi húp sạch mấy tô phở cặn của thực khách để lại ở một quán phở đường Hiền Vương. Các bạn này thuộc gia đình kinh tế mới bỏ chạy về Sài Gòn sống ở các vỉa hè, chợ, gầm cầu, nghĩa địa.

 

Kinh tế mới là chính quyền: tịch thu nhà của thành phần liên quan đến chế độ VNCH, doanh gia và ép buộc đến sống ở các vùng đất hoang, hẻo lánh. Ước tính có 750 ngàn đến hơn 1 triệu người bị đi kinh tế mới.

 

“Nếu bị đẩy đi kinh tế mới, gia đình mình cũng thành vô gia cư như vậy!” tôi rùng mình lo sợ. Nhiều người nhận định rằng nhà nước quản lý bao tử của dân để triệt hạ ý thức phản kháng. Đói thì đầu gối phải bò! Nếu cái đói hành hạ thể xác, thì bố ráp, bắt bớ của chính quyền làm dân lành căng thẳng cực độ.

 

“Ai đó?” mẹ sợ hãi la lớn khi tiếng động ban đêm. Công an có thể khám nhà bắt người bất cứ lúc nào.

 

“Công an mang tiểu liên AK đứng gác ngoài đường,” bạn cùng xóm, Bùi Ngọc Hải, kể về việc vây bắt của công an.

 

Mỗi khi bắt ai đó là công an bao vây toàn khu phố.

 

“Cậu Đương bị bắt rồi,” bà Hạt hốt hoảng thì thầm báo tin.

 

“Thế hả dì,” bố tôi ngồi thừ người im lặng. Có lẽ bố đau xót số phận tù đày của ông Tống Đương. Họ hàng, bạn bè lần lượt vô khám.

 

“Chớ bao giờ nói chuyện chính trị,” chú Tống Văn Bính, em họ bố, luôn căn dặn chúng tôi. “Tai mắt của công an ở khắp nơi, kể cả ở trường học.”

 

Trong một xã hội không được tự do, đói khổ, không có tương lai, mọi người đều tính đến liều mình vượt biên bất chấp sóng gió, bão tố, cướp biển.

 

“Cô khóc cạn nước mắt,” cô ruột tôi Đoàn Thiên Oanh đau buồn về cái chết của con gái 11 tuổi Nguyễn Hoàng Anh trong chuyến vượt biên năm 1978.

 

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính 400 ngàn người chết trên đường vượt biên.

 

Gần nữa thế kỷ đã qua kể từ ngày chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Nỗi đau mất mát vì chiến tranh, tù đày, đánh tư sản, vượt biên cùng nỗi sợ cộng sản vẫn còn đó.

 

“Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trong thấy mà đau đớn lòng.”

 

Một dân tộc sẽ không có tương lai khi quên đi lịch sử của mình. Ngược lại, sẽ khó tồn tại nếu dân tộc ấy cứ bám vào quá khứ. Gần nửa  thế kỷ qua, cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng ta đã hiện diện ở quê hương thứ hai. Tuy nhiên, xây dựng một cộng đồng vững mạnh để bảo tồn văn hoá và quyền lợi dân tộc luôn là vấn đề vừa thách thức vừa cấp thiết.

 

Chúng ta là những người may mắn khi được sống trong môi trường tự do. Cùng dòng máu Việt, xin hãy cùng lên tiếng tranh đấu vì dân chủ tự do cho đồng bào quốc nội.

 

                                                          ***

 

Tôi im lặng trước những bất công của người Việt quốc nội là vì tôi sợ. Nghiệm lại chính mình, nỗi sợ cộng sản từ tuổi ấu thơ đã đi vào tâm thức và đã biến đổi hành động của tôi. Tôi tự ngụy biện cho sự im lặng của mình “chính trị bẩn thỉu” đừng đụng vào, không phải chuyện của mình đừng đụng đến, cộng sản mạnh lắm nói ra có ích gì đâu…

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/Cong-An-Chan-BieuTinh-1536x1001.jpg

Công an đàn áp một cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc bá quyền trên Biển Đông tại Hà Nội, Tháng Mười Hai, 2012. (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

 

Đến khi bố tôi bị bắt, tôi cũng im lặng, không hề tâm sự với bạn bè người thân vì sợ sệt. Thăm nuôi bố ở các trại tù ở Sài Gòn và Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, tôi thấy rõ chế độ tù khắc nghiệt. Lúc ấy tôi chỉ cầu mong sự giúp đỡ của quý nhân. Nhờ sự can thiệp của nhiều quốc gia, sự tranh đấu của nhiều cá nhân, hội đoàn, gia đình tôi đã may mắn thoát được ách cai trị của chế độ độc tài, sống trong một nước dân chủ, tự do. Tôi phải làm gì để giúp các nhà tranh đấu đang bị giam cầm, cho những người Việt quốc nội?

 

“Hãy thoát nỗi sợ hãi, hãy lên tiếng nói lương tâm tranh đấu cho dân chủ, tự do, nhân quyền cho Việt Nam,” tôi tự nhủ mình hàng ngày.

 

“Một ngày Việt Nam, ngày thoát bóng đêm dài lầm than. Ngày thế giới reo mừng hòa vang. Trong khúc hát: ‘Một ngày…Việt Nam’”- (Một Ngày Việt Nam – Trầm Tử Thiêng)





No comments:

Post a Comment

View My Stats