Monday 22 August 2022

NGA ĐANG LÀ ĐÀN EM CỦA TÀU (Châu Quang)

 



Nga đang là đàn em của Tàu

Tác Giả: Châu Quang

21/08/2022

https://www.danchimviet.info/nga-dang-la-dan-em-cua-tau/08/2022/26869/

 

Đảng ta có nguyên tắc gọi là “trách nhiệm tập thể”, có nghĩa là khi nào có đôla hột xoàn thì cá nhân bỏ túi, khi nào có tai họa ập xuống thì tập thể chịu trách nhiệm.

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/08/300598246_5177787792330389_4270190248362092437_n-696x458.jpeg

Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau hôm 4 tháng 2 tại Bắc Kinh (Ảnh Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP/Getty Images)


Các lý do đưa ra

 

Cuộc xâm lược Ukraine đã biến Tổng thống Putin trở thành người bị ruồng bỏ trên khắp châu Âu và Điện Kremlin đang bị cô lập tại hầu hết các thủ đô phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình hầu như không phải là người ngoại cuộc. Sự leo thang của các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, mở rộng lực lượng hải quân khắp Thái Bình Dương và các cuộc đàn áp tàn bạo ở Hồng Kông và Tân Cương đang đẩy Bắc Kinh vào con đường va chạm địa chính trị với Hoa Kỳ và đồng minh.

 

Hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga dường như đang từ từ lui về cùng một góc.

 

Vài tuần trước khi Nga phát động cuộc chiến, Putin và Tập đã gặp riêng nhau ở Bắc Kinh và tuyên bố quan hệ đối tác hai nước “không có giới hạn”. Giờ đây, sau một mùa hè đầy căng thẳng, hai nhà lãnh đạo siết tay chặt hơn, thề sẽ chung tay đối phó với thái độ bá quyền của Mỹ.

 

Tuần qua, Trương Hán Huy, đại sứ Trung Quốc tại Moscow, đã công kích Hoa Kỳ là kẻ đã châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine. Họ Trương nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass: “Với tư cách là người khởi xướng và chủ mưu chính của cuộc khủng hoảng Ukraine, Washington, trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện chưa từng có đối với Nga, vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine. Mục tiêu cuối cùng của họ là làm kiệt quệ và đè bẹp nước Nga bằng một cuộc chiến kéo dài và các lệnh trừng phạt.”

 

Trước đó, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Putin, đã phê phán chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Peskov nói: “Đây không phải là một cách ủng hộ tự do và dân chủ. Đây là sự khiêu khích thuần túy. Cần phải gọi các bước như vậy theo đúng thực chất của chúng.”

 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang chỉ ra mối quan hệ thực sự Trung-Nga. Putin có thể bị ám ảnh bởi những giấc mơ tân đế quốc của Nga ở châu Âu, nhưng các hành động ông đang dần dần tạo cho Bắc Kinh nhiều đòn bẩy hơn đối với Moscow. Khác xa với những ngày của Chiến tranh Lạnh khi Nga coi Trung Quốc cộng sản là “người em họ nghèo hèn hơn” giờ đây nước Nga bị cô lập, suy yếu và mỏi mệt, đang trượt xuống vai trò “đối tác đàn em” đối với
gã khổng lồ châu Á.

 

Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for
International Peace cho biết: cuộc chiến ở Ukraine khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, các lệnh trừng phạt đã hạn chế việc buôn bán của Nga, khiến cho hàng của
Trung Quốc mua của Nga tăng 80% trong tháng 5 so với năm ngoái, phần lớn dưới dạng dầu mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác. Thị trường Nga, đang thiếu sản phẩm châu Âu, có thể bị tràn ngập hơn bởi hàng hóa và công nghệ Trung Quốc trong những tháng và thậm chí nhiều năm tới.

 

Gabuev gợi ý rằng các xu hướng hiện tại có thể dẫn đến chuyện đồng Nhân dân tệ, vốn đã vượt trội hơn so với đồng Euro trên thị trường chứng khoán của Moscow, trở thành “đồng tiền dự trữ trong thực tế của Nga, ngay cả khi loại tiền này không có khả năng hoán đổi hoàn toàn” và do đó “làm tăng sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh”.

 

Sự mất cân bằng thương mại vốn đã tồn tại giữa cả hai quốc gia tiếp tục gia tăng. Trung Quốc đang gần bằng Nga với tư cách là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho các nước đang phát triển. Nga đang ở cái thế phải giảm giá dầu bán cho Trung Quốc, trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc – nắm tẩy người tiêu dùng Nga không còn nhiều lựa chọn như trước – đã tăng giá xe của họ ở Nga có khi đến 50%.

 

Gabuev còn đi xa hơn: “Để khỏi phật ý Trung Quốc, lãnh đạo Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các điều khoản bất lợi trong các cuộc đàm phán thương mại, ủng hộ vị thế của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc, và thậm chí Moscow còn cắt giảm quan hệ với các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam.”

 

Ngay cả trong viễn cảnh xa xôi khi mà chính Putin đi chỗ khác chơi, có nhiều phần chắc là Nga sẽ “biến thành một nước Iran trong khu vực Á-Âu khổng lồ: khá cô lập, có một nền kinh tế nhỏ hơn và lạc hậu hơn về mặt công nghệ do sự thù địch với phương Tây, nhưng vẫn quá lớn và quá quan trọng để bị coi thường.”

 

Gabuev kết luận, “tầng lớp cầm quyền già cỗi ở Điện Kremlin, vốn dĩ ám ảnh một cách thiển cận với Washington, sẽ càng mong muốn được phục vụ với tư cách là trợ lý của Trung Quốc khi nước này vươn lên trở thành đối thủ không đội trời chung của Hoa Kỳ”.

 

Trên tờ Defense One, Thomas Low và Peter Singer cho biết: How Pun’s Ukraine War Has Only Made Russia More Reliant on China – Defense One
cuộc chiến ở Ukraine đào sâu những bất bình đẳng kinh tế giữa Nga và Trung Quốc và khẳng định thái độ nhờ cậy của Nga trước Bắc Kinh. Trung Quốc, một mặt không muốn quay lưng với Nga nhưng mặt khác cũng không muốn nhẹ tay với Nga.

 

Đã qua rồi cái cụm từ “các nước XHCN anh em”, Trung Quốc bây giờ cũng xem lợi nhuận là chính. Justyna Szczudlik, chuyên viên về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Ba Lan, viết: “Cách tốt nhất để phương Tây đối phó với liên minh Trung – Nga là thừa nhận rằng liên minh này rất bền chặt, để rồi từ đó cải tiến năng lực kháng cự và răn đe của mình.”

 

Quay lại Nga-Việt

 

Trước mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Tàu, những người miền Bắc Việt~Nam đã từng hưởng ơn mưa móc của Nga, và trước đây là Liên Xô, không khỏi ngậm ngùi. 

 

Theo Wikipedia, “Sau khi hai miền Bắc Nam thống nhất thì cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ. Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm. Cuối năm 1991, Liên Xô tan vỡ; chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993. Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh nhưng chủ đích căn cứ này chuyển sang làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Quốc còn các chiến cụ và quân nhân được rút về Nga. Còn lại là nhân viên kỹ thuật tình báo.

Trong cuộc điều đình kéo dài thời hạn thuê quân cảng Cam Ranh thì Việt Nam đòi Nga phải trả tiền thuê hằng năm là 200 triệu Mỹ kim. Chính phủ Nga không chịu điều khoản này nên ngày 2 tháng 5 năm 2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh.”

 

Như vậy, Việt Nam đã cho Nga sử dụng Cam Ranh trong 24 năm nhưng cuối cùng Nga phải rút khỏi căn cứ quân sự này dù hợp đồng thuê chưa hết hạn. Ngoài mặt thì lý do đưa ra là Nga chê tiền thuê đắt; bên trong có thể là Việt Nam tuân thủ chính sách Bốn Không do cái loa Nguyễn Chí Vịnh hay phát, có thể là Bắc Kinh gây sức ép với Hà Nội vì rõ ràng là Nga đã dùng Cam Ranh “làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Quốc” thì đời nào Bắc Kinh để yên.

 

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh,  tháng 10 năm 1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tới Đông Berlin dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Theo ông Doanh, bấy giờ đi theo đoàn với tư cách thư ký cho ông Linh: mục đích chính đi dự 40 năm Quốc Khánh Đông Đức là ông Linh muốn triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Linh định thuyết phục Gorbachev để tổ chức một hội nghị phút chót mà không hề hay biết Gorbachev đã “thoái hóa, tự chuyển biến.” Kết quả chẳng những Gorbachev lắc đầu mà còn chọc quê, móc máy Linh một phát. Thất bại trước Gorbachev, giữa trời Berlin rét mướt, ông Linh đã quay sang tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản khác đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói: Phe ta đang diễn biến phức tạp.

 

Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ, đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết. Kết quả: đa số lãnh đạo các đảng cộng sản có mặt ở Berlin làm ngơ đề nghị của ông Linh, thế là giấc mộng của ông Linh – muốn Việt~Nam sau khi đóng vai anh hùng chống Mỹ bây giờ đóng vai trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội – rơi tỏm xuống hồ Hoàn Kiếm.

 

Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thúy, Khoa Lý luận Chính trị, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, uy tín và vị thế của Việt Nam đã được nâng cao, song với tư thế là người chiến thắng, Việt Nam đã thiếu tỉnh táo, đánh giá quá cao thời kỳ sau Việt Nam và tự nhận thấy đánh được Mỹ thì không có gì không làm được. Điều đó dẫn đến tư tưởng chủ quan, tư duy nôn nóng, phiêu lưu. Với những nhận thức chưa chuẩn xác thế và lực của đất nước, đánh giá chưa đúng những chuyển động của tình hình thế giới, thiếu nhạy bén, trong 10 năm đầu sau 75, Việt Nam đã nghiêng hẳn về phía Liên Xô, coi Liên Xô là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại. Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Liên Xô, tự đẩy đất nước vào thế đối đầu với Trung Quốc.

 

Là người sống trong nước, Thạc sĩ Thúy phải dùng lối viết vừa đấm vừa xoa cho nó “đúng quy trình”, nhưng nếu ta chịu khó đọc giữa hai hàng chữ thì rõ ràng là trong 10 năm đầu tiên chiếm được miền Nam, ngoài chuyện kéo lùi miền Nam cho bằng với miền Bắc, toàn dân ăn bo bo, lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, chà đồ nhôm, chôm đồ nhà… đảng CSVN còn chọn con đường ngoại giao sai lầm tai hại bạc tỷ.

 

Đường đường là tổng bí thư của một đảng duy nhất, cai trị lúc đó cũng khoảng bảy tám chục triệu dân chứ không ít, mà cứ tiếp tục kiêu ngạo, không nắm vững tình hình khu vực và thế giới thì cả nước không xuống hố mới lạ. Căn nhà đã cháy gần hết mà cứ cố chạy vào cứu mớ quần áo rách tả tơi, đem cho cũng không ai dám mặc.

 

Theo luật bây giờ thì ông Linh mang tội “buông lỏng lãnh đạo” dù ông chẳng nắm chắc được thứ gì như TBT Mạnh sau này. Vậy mà rút cục không sao hết, đảng ta vẫn tiếp tục ôm chặt quyền lãnh đạo, cương quyết không nhường cho ai, đứa nào lộn xộn thì đã có tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

 

Đảng ta có nguyên tắc gọi là “trách nhiệm tập thể”, có nghĩa là khi nào có đôla hột xoàn thì cá nhân bỏ túi, khi nào có tai họa ập xuống thì tập thể chịu trách nhiệm.

 

Ai lại bỏ tù một tập thể bao giờ nhỉ, bởi vì có biết nó tròn méo ra sao đâu?

 

Châu Quang

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats