Sunday, 28 August 2022

NHẬN XÉT VỀ THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC SAU NGÀY THỨ 185 CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA - ULRAINE : NGÀY 27/08/2022 (Phúc Lai)

 



Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 185 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (27/08/2022)

Phúc Lai

28/08/2022

https://thuymyrfi.blogspot.com/2022/08/phuc-lai-nhan-xet-ve-thong-tin-hong-uoc_28.html

 

Bản đồ chiến sự :

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjgbki161-6Viv447xo8tnvy7V1A-yWKDEzwfqjdQf1BAQFeSyZhknLPmx-1E9T6cM9PJ5oTfY_EIJb9zQDAolK7V_UudM6H3jvVuz6AsZOBOm6a9PuaP1B1iZ0u8PZ94rvTzqsGtLBF53wdkA3OO5uBfg1EIYzbSF8wbpJQqOcacaOURQn_Rs_dnQH9g/w242-h400/pl_280.jpg

 

1. Diễn biến các mặt trận

 

Trước tiên cho phép tui ngược dòng thời gian một ngày – bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày hôm trước có viết về ngày 26/07:

 

• Thiệt hại về nhân sự của đối phương ngày càng tăng.

 

Bình loạn :

Báo cáo về thiệt hại của quân Nga đến 6 giờ sáng ngày 26/08 ghi nhận là 400 binh sĩ, ngày 27/08 là 250 người và đến 6 giờ sáng ngày hôm nay (giờ Kyiv) 28/08 là 250 người.

 

Trong các báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì bao giờ cũng chỉ đề cập số lượng các đợt tấn công mà quân Nga tổ chức trong ngày qua, sau đó báo cáo sơ bộ về kết quả. Chẳng hạn trong 3 ngày chúng ta đang xem xét, chỉ ghi lại rằng “quân Nga tổ chức tấn công ở… nhưng bị Lực lượng phòng vệ chúng ta đẩy lùi, do tấn công không có kết quả nên phải rút lui…”

 

Tuy vậy thì các nguồn khác, ví dụ như đến hôm qua thì ISW có tổng kết xem Nga tiến được bao nhiêu và chiếm được bao nhiêu đất, cũng ghi nhận chỉ trong vài ngày quân Nga cố gắng tấn công nhưng không tiến được bao nhiêu và chịu tổn thất nhân mạng rất lớn.

 

Vậy thì câu chuyện ở đây là như thế nào? Trên hướng Izyum, quân Nga được cho là đã bắt đầu co cụm lại về hướng thành phố Izyum vì bị phía Ukraine đánh lấn, và đặc biệt là để tránh tác hại của M777 và HIMARS.

 

Trước thời điểm Ukraine tuyên bố phản công ở mặt trận miền Nam, quân Nga ở khu vực này được cho là có 25 cụm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) và ít nhất một đến một sư đoàn xe tăng rưỡi, khoảng 400 xe tăng nhưng sau khi bị thiệt hại nặng, người ta ước tính ở đây chỉ còn khoảng 250 xe tăng mà thôi. Sau khi mặt trận miền Nam bị đe dọa, Nga rút khoảng 10 BTG từ đây qua Kherson và vẫn giữ ở khu vực này từ hơn 10 đến dưới 15 BTG.

 

Để các bác tiện theo dõi, xin trích lại bài chém gió của tui ngày 05/05 về việc quân Ukraine có khả năng chiếm Vesele, trước hết xin các bác xem bản đồ ở đây:

 

Hình : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgsWKiwu4eU0vsz8hHQHfCjkBCjoQ4_L8iHiWdB65IKCJYIs8oX8sjeisYEaDp86jZqC7VQi0UKqCp5kVXwiBm3D8iC8uAc7FElkocYxp1s-viZBkNjR_CxOYhIZcGqS4U8YNWfgH4Mtm2CwkTVLZi2XedEKFz_erg13y_4_eCvjpkjEC_q_D5rwypmAw/w400-h284/pl_279.jpg

 

Trích :

“Xin xem bản đồ kèm theo, tui khoanh đỏ 2 thành phố Kupyansk và Izyum cho dễ theo dõi. Thông tin trên đây của ISW, và theo những bàn luận ở chỗ khác, lực lượng hậu cần Nga nếu sử dụng R07 (đường về Kharkiv) đã quá gần khu vực bị Ukraine chiếm lại, sau đó theo E40 để đến Izyum, nhưng kiểu gì cũng phải qua điểm nút giao thông Vesele. Đó là lý do đoàn xe bị tập kích ở đây vì điểm này đã nằm trong tầm trọng pháo của Ukraine và thậm chí, còn bị đe dọa bởi lực lượng mặt đất Ukraine vì họ đã tiến rất gần rồi.

Như vậy trước mắt hậu cần Nga sẽ buộc phải đi đường vòng theo đường R79, vượt sông Oskil (tiếng Nga: sông Oskol) ở Sen'kove sang Zahryzove, qua Borova và lại vượt sông trở lại Horokhovatka để đi Izyum, xa gần gấp đôi.

Như hôm nào đó chúng ta đã bàn luận về khả năng bị vây của cụm quân Nga ở Izyum, tuyến đường R79 hai lần vượt sông Oskil này có thể được quân Nga sử dụng để rút về Kupyansk hoặc về Borova sau đó theo các đường nhánh sang Luhansk nhập với cụm quân Nga rất lớn ở Donbas.

Nếu chỉ trong vài ngày tới (khéo là ngày mai, 06/05 luôn) mà lực lượng Ukraine tìm cách chiếm Vesele, sau đó tấn công dọc theo trục đường R79 đến Pidvysoke, Myrne sau đó đến đường Horokhovatka thì coi như xong phim cụm quân Nga ở Izyum (Mũi tên xanh thứ hai, bên phải tui vẽ trên bản đồ).”

 

Đến bây giờ thì không chỉ là Vesele nữa mà cả Karnaukhivka, ở tây nam cách Izyum 30 km cũng bị quân Ukraine, theo thông tin tui tìm hiểu thì ngay sau khi quân Nga chuyển quân, thì quân Ukraine đã “tiếp quản” rồi. Từ khi quân Ukraine tăng cường các hoạt động tấn công sâu vào hậu phương của Nga bằng các loại pháo binh và tên lửa phóng loạt tầm xa có độ chính xác cao, đồng nghĩa với việc cứ đường giao thông để rút quân nằm trong tầm pháo của Ukraine, thì coi như là quân Nga bị bao vây.

 

Xin các bác xem trên bản đồ tui vẽ đè lên bản đồ của ISW. Tại sao quân Nga ở Izyum đã coi như bị bao vây? – Vì các tuyến đường của họ để rút về Kupyansk tất cả đã nằm trong tầm pháo của Ukraine – cánh phải của họ là “quân địch” còn cách trái là… sông Oskil (Oskol trong tiếng Nga). Như vậy vô hình trung, quân Nga ở Izyum cũng đã nằm trong một cái “nồi hầm” – theo cách gọi ưa thích của các chuyên gia quân sự Pro-Putox nước Đại Lỗ.  

 

Như vậy, tình thế của quân Nga ở Izyum đã bị khép chặt trong hai gọng kìm từ Chuihiv cùng Vesele ở tây bắc và Karnaukhivka ở tây nam, chỉ cần một động thái rút quân về Kupyansk qua đường R79 là “ăn đòn đủ” ngay. Vì vậy trong ngày 26/08 quân Nga ở Izyum đã tổ chức tấn công theo hướng Karnaukhivka – thú thực để nhằm mục đích gì thì tui chưa hình dung ra được vì lúc này họ không có khả năng tổ chức tấn công đủ mạnh để tạo sự biến chuyển có tác động đáng kể đến tình thế chiến trường. Tui chỉ đủ sức đoán mò được rằng khi họ chuyển quân một phần về Izyum, một phần sang Kherson, quân Ukraine đã lợi dụng chiếm một số điểm dân cư và do đó cắt đứt hành lang nối hai cụm quân Nga ở Izyum và Donbas khỏi nhau.

 

Để khẳng định cú đoán mò này, tui đọc lại bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine sáng sớm ngày 27/06 thì họ viết:

 

• Trên hướng Slovyansk, kẻ thù cố gắng tiêu diệt các mục tiêu cơ sở hạ tầng dân sự gần Nortsivka, Rydny, Dmytrivka, Mazanivka, Kurulka, Petrivskyi và Cherkasskyi bằng hỏa lực của pháo binh và tên lửa phóng loạt. Chúng cũng cố gắng tấn công theo hướng Brazhkivka, không thành công, bị tổn thất và rút lui.

 

Đó – trúng phóc rồi nhé: Karnaukhivka và Brazhkivka nằm đúng trên trục tây – đông cách nhau 20 km, và cả hai đã bị quân Ukraine chiếm. Thế là đã rõ: quân Nga ngoài một mũi tấn công Karnaukhivka bằng lực lượng của cụm Izyum, còn một mũi nữa tấn công Brazhkivka bằng lực lượng ở Donetsk.

 

Đến đây thì chúng ta đã hiểu tại sao lại có ngày thiệt hại của họ tăng vọt lên về nhân mạng đến như vậy.

 

Trên mặt trận phía Nam, hai ngày liền quân Nga liên tục tổ chức tấn công về hướng Mykolaiv từ Kherson. Bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết về hôm qua như sau:

• Tại khu vực Nam Buh, quân chiếm đóng tiếp tục tấn công các khu vực Mykolaiv, Oleksandrivka, Stepova Dolyna, Prybuzke, Lupareve, Lymany, Posad – Pokrovske, Novogrigorivka, Shiroke, Pervomaiske, Partizanske, Kvitneve, Kisikeakkavka, Kobzike, Kobzartsi, Yak. Andriivka, Potemkine, Olgyne, Trudolyubivka, Knyazunka, Dobryanka và Topoline. Đối phương cũng sử dụng không quân để tấn công gần Andriivka.

Bình loạn :

 

Như vậy có thể nói một mặt quân Nga ở Kherson đã tổ chức tấn công trên diện rộng, mặt khác tiếp tục cố gắng sửa các cây cầu như Antonovsky và cầu thủy điện Nova Kakhovka để giải tỏa tình thế khó khăn về tiếp tế hậu cần cho nhóm quân trong khu vực. Chúng ta có thể nhận thấy Bộ chỉ huy Nga đã nhận ra tình thế là chỉ có tấn công mới có thể làm giảm áp lực của quân Ukraine đang ngày càng gia tăng. Chỉ hai ngày trước, Bộ Tổng tham mưu Ukraine vẫn còn thông báo là hoạt động của quân Nga trong khu vực mặt trận này chỉ ở mức ngăn chặn bước tiến của quân Ukraine.

 

Tình thế sẽ còn có những diễn biến phức tạp thêm nữa, chúng ta cần chờ theo dõi thêm.

 

2. Hôm qua có tin ở gần biên giới Nga – Ukraine, quân đội Nga đã tập trung lực lượng của Tập đoàn quân số 3 với nhiều trang thiết bị mới…

 

• Một Tập đoàn quân mới (sẽ được) triển khai tới Ukraine, được trang bị các vũ khí hiện đại – T-80BVM, T-90M, thiết giáp BMP-3 và một số hệ thống phòng không Buk (tin của “Conflict Intelligent Team”).

 

Ngay lập tức có nhiều ý kiến xôn xao lên rằng trước đây nói Nga “sắp hết trang bị”, “chỉ còn lại những chiếc T-62” rõ ràng là huyên thuyên. Lại có những ý kiến khác cho rằng lực lượng chiến đấu chính của Tập đoàn quân này hầu hết là những tù nhân vừa được thả ra, là bọn du thủ du thực cầm súng còn không được là dân thường cầm súng. Với bọn này thì vấn đề nghiêm trọng nhất là kỷ luật và lý tưởng chiến đấu.

 

Bình loạn :

Hồi đầu chiến tranh Nga đã từng quăng vào những lực lượng xịn nhất rồi mà còn bị đánh tơi tả, nữa là bây giờ. Khi bắt đầu “phase 2” The Battle of Donbas Hoa Kỳ đã tuyên bố viện trợ Javelin cho Ukraine theo tiêu chuẩn 1 xe tăng 1 tên lửa chống tăng mà từ hổi đến giờ đã bắn được mấy đâu. Vào đê, vào đê rồi nướng tiếp.

 

Đó là chưa nói đến bọn tù nhân Papillon mới được thả ra kia đó ạ.

 

Nhân tiện nói đến xe tăng, hôm trước có anh bạn bảo đấy, họ lại lôi cả T-80BVM ra… Tui bảo, trước đây tui đã tính rồi, cái T-80 này nó còn cao cấp hơn T-90, vì nó là thứ tấn công chủ lực, tốc độ nhanh lắm, chạy bằng động cơ tuốc-bin khí cùng loại trên trực thăng, nhưng có khả năng chạy đa nhiên liệu, tức là đổ dầu diesel vào cũng chạy được. Tuy nhiên nếu đổ diesel vào thì cả nó lẫn T-90M cải tiến với động cơ công suất lớn hơn đời trước, đều ăn lên đến 750 đến 800 lít dầu cho một giờ hoạt động – xe tăng tính bằng giờ hoạt động các bác nhé – không tính bằng lít trên 100 km như ô tô. Đó là điều kiện chiến đấu.

 

Thường đánh nhau ở Ukraine, mỗi xe tăng hoạt động cỡ 10 giờ/ngày, như thế một xe tăng có thể ngốn của hậu cần Nga cỡ 8 mét khối dầu 1 ngày, một sư đoàn xe tăng Nga đầy đủ khoảng 150 xe thì cần 1.200 mét khối dầu 1 ngày. Như vậy nếu dùng xe bồn KamaZ loại 12 khối, cần đúng 100 xe. Trong điều kiện hạ tầng giao thông như ở Donbas, xe bồn phải chạy ít nhất 100 km/ngày nên 1 ngày cũng chỉ chạy được 1 chuyến, và như vậy để phục vụ cho 1 sư đoàn xe tăng thì đúng là cần 100 xe bồn thật, thậm chí con số đó còn là khiêm tốn.

 

Để so sánh với xăng, thì trung bình diesel nặng hơn xăng từ 80 đến 120 kg cho 1 mét khối, cứ cho là 100 kg đi như thế để chở 12 mét khối dầu, xe bồn phải chở nặng thêm 1,2 tấn trên đường nhấp nhô, lổn nhổn ổ trâu ổ voi. Với chất lượng xe tải Nga chẳng hiểu chạy được bao nhiêu lâu như thế thì hỏng.

 

Đó là lý do trước sự phát triển của các vũ khí chống tăng cá nhân hiện đại ngày nay, sự phát triển của các loại vũ khí khí tài của thời đại đem lại sự thay đổi về chất trong chiến tranh, người ta nghiên cứu phát triển dần các loại xe tăng nhẹ về khối lượng có vỏ giáp mỏng, mạnh về vũ khí (vẫn giữ nguyên pháo 120 hoặc 125 mm) và đặc biệt mạnh về khả năng kết nối với các lực lượng khác trên chiến trường, với trung tâm chỉ huy và vệ tinh. Và quan trọng nhất là vì nó nhẹ nên hầu hết người ta trang bị cho nó động cơ xăng, chạy nhanh hơn, bốc hơn và giảm nhẹ gánh nặng hậu cần (gánh nặng này cũng được giảm nhờ giảm đáng kể số lượng xe tăng nữa chứ!). Hơn thế, nó dễ dàng qua các loại cầu phà cũng là một ưu điểm.

 

Nước đi đầu trong xu thế này là… Trung Quốc. PLA được cho là đã trang bị vài trăm xe tăng loại này, dần dần sẽ tiến tới cải tiến các loại cũ và giữ nguyên số lượng, phát triển thích đáng loại xe tăng nhẹ dễ chuyên chở đi khắp nơi. 

 

Một Tập đoàn quân của Nga thì chắc là có khoảng 1 sư đoàn xe tăng trong biên chế. Nếu như trước đây đã dùng T-62 – nghĩa là họ không muốn dùng tới một số của để dành và bây giờ lại lôi ra, nghĩa là đã đụng đến lực lượng dự bị chiến lược rồi.

 

3. Đôi nét về lực lượng tên lửa Nga

 

Vào tháng 10 năm 2011, có thông tin rằng lữ đoàn tên lửa đầu tiên được trang bị đầy đủ các hệ thống Iskander (Lữ đoàn tên lửa số 26) đã sẵn sàng hoạt động tại Luga, thuộc Quân khu phía Tây của Nga. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 20 tháng 10 năm 2011, lữ đoàn đã ở trạng thái đầy đủ nhất, nghĩa là có 12 hệ thống phóng.

 

Đầu tháng 11 năm 2011, Tiểu đoàn Tên lửa Huấn luyện 630 của lữ đoàn tên lửa số 26 đã thực hiện các vụ phóng tên lửa Iskander tại bãi thử tên lửa Kapustin Yar với mục đích thử nghiệm một hệ thống dẫn đường đầu cuối mới nhằm cải thiện đáng kể độ chính xác. Công nghệ này tương tự như công nghệ liên quan đến lập bản đồ kỹ thuật số khu vực Cor (DSMAC) được sử dụng bởi các tên lửa hành trình của Mỹ thời đại “trước (khi có) dẫn mục tiêu bằng GPS”.

 

Thiết bị dẫn đường đầu cuối mới của Nga đã giúp cải thiện độ chính xác của tên lửa Iskander lên gấp hai lần, lên chỉ trong phạm vi 5 mét. Các phiên bản được triển khai cho đến nay có khả năng xảy ra sai số tròn (CEP) là 10 mét. Độ chính xác được cải thiện giúp Iskander tiêu diệt mục tiêu hiệu quả hơn. Với độ chính xác cao như vậy với đầu đạn nặng 500 kg có nghĩa là đảm bảo tiêu diệt hầu hết mọi mục tiêu trên đất kẻ thù. Danh sách các đối tượng có thể được đảm bảo phá hủy đang mở rộng đáng kể.

 

Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, Nga chưa dùng nhiều tên lửa để bắn phá các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, tuy nhiên đến giai đoạn đệm (“phase 1.5”) giữa hai giai đoạn, họ bắn phá nhiều hẳn lên. “Kể từ ngày 24/03, hơn 1.950 tên lửa các loại đã được phóng vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine”, theo công bố của Lầu Năm Góc ngày 29/04.

Các cuộc tấn công vào những mục tiêu dân sự và quân sự Ukraine bởi các lực lượng vũ trang Nga sử dụng tên lửa hành trình và đạn đạo có độ chính xác cao phóng từ mặt đất, trên biển và trên không (BM và CM), bao gồm cả chiến thuật (TM, lên đến 150 km), tác chiến – chiến thuật (OTM, lên đến 500 km), tên lửa tầm ngắn (SRM, 500 – 1000 km) và tầm trung (MRM, 1.000 – 5.500 km). Ở thời điểm này, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính, Nga vẫn còn tới 50% số vũ khí mà nước này đã lưu trữ trước cuộc xâm lược trong tất cả các loại bom mìn tính đến ngày nay.

 

Cho đến đầu tháng Năm 2022, trước thời điểm Nga tổ chức mừng Lễ Chiến thắng 09/05. theo tính toán của Defense Express dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu nhiều nguồn, cũng như tham khảo ý kiến của hàng chục chuyên gia quân sự, Defense Express có thể khẳng định rằng việc sử dụng cường độ vũ khí tên lửa để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine đã làm kiệt quệ các kho dự trữ đến mức có thể nói rằng kho tên lửa đã được bắn gần hết.

Vào cuối tháng Tư, số lượng các loại tên lửa của Nga được đề cập trên đây đã giảm xuống mức nguy cấp và chỉ còn không quá 40% tổng số trước chiến tranh. Chính xác là quân đội Nga chỉ còn khoảng 200 tên lửa đạn đạo 9M723 “Iskander”. Trước thời điểm ngày 24 tháng Hai họ vẫn có khoảng 900 tên lửa loại này.

 

Đối với tên lửa 3M-54 trên biển “Calibr”, số lượng hiện tại đang được Nga nắm giữ là khoảng 350 quả trong tổng số 500 quả do ngành công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất và được cất giữ cho đến khi cuộc xâm lược bắt đầu. Căn cứ vào số lượng đã bắn cho đến thời điểm cuối tháng Tám 2022, người ta ước tính quân đội Nga còn khoảng 150 “Iskander” và 250 “Kalibr”.

 

Dựa trên tình trạng hiện tại của công nghiệp quốc phòng Nga trong hoàn cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, các chuyên gia dự đoán rằng Nga sẽ cần khoảng ba năm sản xuất thục mạng không nghỉ để đạt được số lượng trước chiến tranh của cả hai loại “Iskander” và “Calibr”.

 

Nguồn dự trữ các linh kiện nhập khẩu sẵn có cho phép ngành công nghiệp Nga tiếp tục sản xuất tên lửa trong thời gian đến khoảng tháng Tám đầu tháng Chín năm nay, và sau đó là dừng hẳn. Đồng thời người ta cũng nghi ngờ cả về sản lượng có thể xuất xưởng được, tức là trong 3 tháng này quân đội Nga chỉ có thể được bổ sung số tên lửa tính bằng con số “chục” chứ không phải là “trăm.”

 

Tuy nhiên, người Ukraine rất biết rằng ngay cả chỉ còn mười tên lửa trong kho vũ khí của Nga cũng là mối đe dọa cần được giảm thiểu bằng cách phát triển và tăng cường khả năng phòng không của mình. Đó là lý do mà vừa qua các nước phương Tây tăng cường viện trợ các hệ thống phòng không hiện đại để tăng cường năng lực phòng thủ tập kích đường không bằng tên lửa cho Ukraine.

 

4. Đoán mò

 

Cũng có thể do họ dự đoán rằng sắp tới Nga sẽ đánh một trận “tất tay” nên tập trung: (1) nhiều máy bay và (2) sẽ bắn nốt số tên lửa còn lại do vậy đã tăng cường viện trợ các hệ thống phòng không cho Ukraine. Về việc Nga thành lập những đơn vị mới, (cấp Tập đoàn quân) trang bị các vũ khí khí tài mới hơn nhiều so với giai đoạn hai lúc sa lầy, cho thấy họ rất muốn thủ thắng trong cú đánh này.

 

Trong lịch sử quân sự Xô-viết, chẳng hạn trong Chiến tranh Vệ quốc người ta đã từng nhắc nhau cần phải bỏ ngay lối suy nghĩ cho rằng “quân Đức thường tấn công vào mùa hè và Hồng quân thì thường phản công vào mùa đông.” Hôm vừa rồi tui cũng nghe một “chuyên gia quân sự Facebook” nói câu y hệt trên đây: quân Nga sẽ tấn công lớn vào mùa đông.

Mặc dù là tui là xe ôm, không chuyên ra chuyên riếc gì đâu nhưng cũng không đồng ý với ý kiến đó. Cái chuyên gia đó cho rằng mùa đông này người Ukraine bị rét, châu Âu cũng chết cóng, và nếu Nga đánh mạnh thì người phương Tây sẽ xuội lơ và ép người Ukraine đầu hàng hoặc ngồi vào bàn đàm phán với điều kiện có lợi cho Nga. Nghe thì hay nhưng quả thật hơi… thô thiển.

 

Tấn công vào mùa đông với quân đội viễn chinh, gánh nặng hậu cần lại tăng lên gấp bội. Các bác thử tưởng tượng quân lính không chỉ cần có áo bông không thôi đâu nhé, mà lúc không đánh nhau người ta cần sưởi ấm (thường dùng các máy phát điện diesel để chạy sưởi trong doanh trại và cả công sự) và cần ăn thức ăn nóng, không được ăn nóng mất sức rất nhanh. Hồi giai đoạn 1 của cuộc chiến tranh này, chúng ta đã chứng kiến quân Nga bị đói và bỏ ngoài công sự lạnh đầy tuyết và rồi chỉ còn nước bỏ chạy.

 

Tất nhiên với quân Ukraine thì không đỡ khó khăn hơn, nhưng dù sao cũng… gần nhà hơn. Và với chiến lược chủ yếu là du kích thi hành một cuộc chiến tranh “phi đối xứng” thì dùng lực lượng ít hơn, cũng giảm nhẹ được gánh nặng tiếp tế.

 

Tui sẽ không nhắc lại các gánh nặng về xăng dầu và đạn của quân Nga nữa.

 

Chúng ta cùng hình dung: Họ sẽ dồn vai trò lên (1) không quân (2) tên lửa và (3) lại sử dụng xe tăng. Việc cạn kiệt đạn pháo chắc chắn sẽ diễn ra, cùng với việc hỏng nhiều pháo cũng sẽ làm giảm vai trò của lực lượng này trong giai đoạn sắp tới.

 

Việc chuẩn bị tập trung nhiều máy bay cùng thông tin Thổ Nhĩ Kỳ cười đểu rồi từ chối bán TB-2 “Bayraktar” cho Nga dù với bất cứ giá nào, lại những thông tin về quan hệ Iran – Hoa Kỳ đang có những câu chuyện khả quan, cũng làm cho khả năng Nga có được UAV của Iran chỉ đánh giá được ở mức độ 50/50 thôi.

 

Về hướng đánh, tui không cho rằng họ khả năng tổ chức tấn công vào chiếm Kharkiv và Odesa, nhưng Mykolaiv thì có thể. Ngoài ra họ vẫn phải nỗ lực tấn công chiếm nốt 2 thành phố lớn còn lại của Donbas là Kramatorsk và Slovyansk. Thời gian nếu xét về việc phải chạy đua với mùa đông, thì chỉ trước giữa tháng Chín là phải tiến hành và làm thế nào trước đầu tháng 11 là phải xong, để lâu hơn nữa coi như là thua.

 

Cho đến nay, quân Ukraine đã cho chúng ta thấy được rõ ràng cách thi hành chiến tranh của họ: ngoài triệt phá hậu cần, họ tích cực lấn và đẩy quân Nga vào những tình thế rất khó khăn. Thực tế, ví dụ như 15 BTG của Nga ở Izyum rất nhiều đơn vị đã chỉ còn bộ khung, lực lượng suy giảm rất nhiều, đó là những nhóm quân không thể chiến đấu được tiếp mà chỉ có cho về nghỉ. Tình trạng cũng tương tự bên Donbas, những trận tấn công có chút kết quả của Nga chỉ còn trông cậy và lính đánh thuê phát-xít Wagner mà thôi.

 

Vì thế dù có một, hai Tập đoàn quân quẳng vào cũng chẳng nghĩa lý gì, Ukraine họ lại chống trả một trận kịch liệt đến khi Nga lại thiệt hại một trận nặng nề nữa, thì đến mùa đông là vừa. Lúc đó họ quật lại vẫn tiếp tục phá xăng dầu, đạn dược, gạo muối củi lửa, thì Nga buộc phải rút, mà lần này là rút hẳn.

 

Các bác có nhớ không ạ, tui đã từng nhận xét và đề nghị: cứ để Nga tấn công đi, tấn công bao nhiêu lần như thế cũng quen rồi, và bị đánh thiệt hại cũng… quen rồi.

 

PHÚC LAI 28.08.2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats