Tuesday, 30 August 2022

THẮT CỔ CHAI (Nguyễn Sơn Thủy)

 



THẮT CỔ CHAI  

Nguyễn Sơn Thủy

Doanh nhân

Thứ ba, 30/8/2022, 00:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/that-co-chai-4505190.html

 

Tháng trước, trong số khách quốc tế của công ty chúng tôi có một vị quốc tịch Mỹ, từ Thái Lan sang du lịch Việt Nam.

 

Cả vị khách, đối tác lữ hành nước ngoài lẫn chúng tôi đều "căng như dây đàn" chờ đợi visa. Trong khi ngày khởi hành đã định, vé đã xuất, dịch vụ tour đã cọc, khách nộp e-visa hơn 10 ngày rồi, nhưng hệ thống không báo hạn phê duyệt và ngày trả. Ngày nào vào kiểm tra hệ thống, khách cũng chỉ thấy in processing (đang xử lý).

 

Cuối cùng, e-visa của ông cũng được phê duyệt vào phút chót trước ngày khởi hành.

 

Dù phải trải qua những căng thẳng không đáng có, du khách người Mỹ vẫn còn may mắn khi được đến Việt Nam như dự định. Tuần vừa rồi, chúng tôi phải từ chối một loạt đề xuất xin visa cho khách Trung Quốc, Iran, Pakistan... vì không đủ thời gian hoàn thiện những yêu cầu phức tạp về thủ tục mời, bảo lãnh du khách quốc tế.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 92,9% so với cùng kỳ 2019, năm chưa xảy ra Covid-19.

 

Bằng kinh nghiệm của người làm lâu năm trong ngành du lịch, với con số này, tôi đoán chắc, mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay sẽ khó trở thành hiện thực.

 

Nhìn vào lịch sử thị trường khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 năm gần đây (2010-2019) sẽ nhận thấy, khách từ các nước Đông Bắc Á đứng đầu 10 quốc tịch vào Việt Nam, chiếm gần 67% (gần 12 triệu, năm 2019), theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam.

 

Nhưng năm nay, con số về nguồn khách Đông Bắc Á của 10 năm trước không có ý nghĩa nhiều với ngành du lịch, vì nhiều nơi trong số này vẫn hạn chế người dân đi du lịch nước ngoài, ví dụ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

 

Nửa đầu năm, Hàn Quốc có tín hiệu tốt khi các chuyến bay triển khai nhộn nhịp, nhưng sau đó chính phủ nước này siết chặt kiểm dịch, hạn chế đi lại quốc tế do số ca Covid tăng, các biến chủng mới trở lại. Nhiều chuyến bay quốc tế, charters từ Hàn Quốc đi các tỉnh thành tại Việt Nam đã cắt giảm theo kế hoạch vào tháng 9 và 10.

 

Các thị trường lớn tiếp theo trong bảng tổng sắp khách quốc tế vào Việt Nam là Mỹ, Nga, Australia, Anh, Pháp đang bận rộn với chiến sự Nga - Ukraine, vật lộn với chiến tranh thương mại, xăng dầu, lạm phát... Du lịch không phải là ưu tiên lớn của người dân ở các quốc gia này thời điểm hiện tại.

 

Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á là lựa chọn ưu tiên, thị trường khách quốc tế tiềm năng nhất cho Việt Nam hiện nay. Trong đó Malaysia và Thái Lan là hai thị trường mạnh, tăng trưởng nhanh và đều trong nhiều năm gần đây. Hai thị trường này cũng khá tương đồng với Việt Nam về xu hướng, sở thích du lịch, văn hóa, ẩm thực, kinh tế, đời sống xã hội, chính sách mở cửa du lịch.

 

Theo Destination Insights, trong quý II/2022, nhu cầu tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng sáu lần sau khi mở cửa. Dữ liệu báo cáo của Google Insights cho thấy nhu cầu tìm hiểu du lịch Việt Nam của người dân Malaysia và Thái Lan là rất lớn, nằm trong top 10 quốc gia cao nhất.

 

Ngoài việc nhìn rõ tình hình và nhắm đúng thị trường mục tiêu giai đoạn trước mắt, tôi cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể và quyết liệt để cuối năm, du lịch Việt Nam không cách quá xa mục tiêu 5 triệu lượt khách nước ngoài.

 

Vấn đề quan trọng vẫn là visa, visa và visa. Hiện tại du lịch Việt Nam đang bị "thắt cổ chai" ngay chỗ đường vào, là visa. Trong lúc giới chức trong nước vẫn đang bàn để gia hạn visa tại Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, thì láng giềng Thái Lan đã nâng lên 45 ngày cho du khách quốc tế. Việc cởi mở chính sách visa đã được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.

Hiện tại e-visa là cách duy nhất khả dụng để xin thị thực vào Việt Nam. Nhưng nhiều du khách phải bỏ cuộc vì xét duyệt e-visa chập chờn, không có hạn hoàn trả. Kênh duyệt visa-on-arrival chưa thực sự kích hoạt. Nhiều doanh nghiệp muốn cố gắng xin visa theo kênh này nhưng đến bây giờ vẫn là cửa rất hẹp cho du khách. Vì vậy, trong thời gian sớm tôi kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành tìm cách tháo gỡ việc xét duyệt visa để du khách quốc tế vào Việt Nam rộng rãi và thuận lợi hơn.

 

Quảng bá xúc tiến tại nước ngoài là giải pháp nên được triển khai rốt ráo. Việt Nam đã có nhiều hoạt động xúc tiến trong nước, nhiều cuộc họp bàn giải pháp khai thác khách quốc tế, nhưng rất ít hoạt động xúc tiến ở nước ngoài. Trong khi các chiến dịch quảng bá xứng đáng được triển khai mạnh mẽ và đồng đều trên các thị trường trọng điểm một cách tập trung hơn. Ngoài ra, có thể tận dụng mạng lưới ngoại giao, hợp tác quốc tế, hệ thống nguồn lực của các đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước ngoài để chủ động hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam.

 

Các chính sách hỗ trợ kích cầu khách quốc tế cũng cần đồng đều hơn; hiện nay, có địa phương làm mạnh mẽ, có địa phương thì không.

 

Không tháo gỡ nút thắt cổ chai và mở rộng hoạt động quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng, du lịch Việt Nam sẽ không chỉ trải qua một năm chìm trong ảm đạm mà còn đánh mất cơ hội phục hồi ngành công nghiệp từng đóng góp 10,4% GDP trong giai đoạn hoàng kim ngay trước Covid-19.

 

Nguyễn Sơn Thủy

 

39 Ý KIẾN



 

No comments:

Post a Comment

View My Stats