Wednesday, 31 August 2022

GORBACHEV, YELTSIN, TẠI SAO DÂN CHỦ HÓA THẤT BẠI TẠI NGA? (Nguyễn Việt Anh)

 



Gorbachev, Yeltsin, Tại sao dân chủ hóa thất bại tại Nga?   

Nguyễn Việt Anh

31-08-2022  03:00  

https://www.facebook.com/thong.luan.1/posts/pfbid02QxAAtRwM2iVYuLSetfDCBPo6EMbhbu5WfNxfrNu7m6fgYJPFXvb4JEfytwuZNaSJl

 

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã đứng trước một cơ hội đổi đời, nhưng nó đã thất bại trong cuộc chuyển hóa về dân chủ, để rồi cuối cùng bị cai trị bởi một chế độ độc tài mafia của Putin. Có phải ngẫu nhiên mà nước Nga thất bại dân chủ hóa?

 

Để giải đáp câu hỏi này, đầu tiên chúng ta hãy cùng trở lại trường hợp Gorbachev, một nhân vật ít nhiều có yếu tố quyết định tới sự sụp đổ của Liên Xô và mở ra một kỷ nguyên mới cho thế giới. Nhiều người cho rằng chúng ta phải cảm ơn Gorbachev, vì ông là người chính thức khai tử chế độ cộng sản Xô Viết. Dù người ta có nhiều quan điểm khác nhau về ông, không thể phủ nhận rằng ông dũng cảm vì ông dám nói ra một phần sai lầm của mình trong khi giới chính trị gia thường hiếm khi thừa nhận lỗi lầm của họ. Gorbachev đã từng thừa nhận cộng sản là một thứ chủ nghĩa dối trá, bịp bợm và cả nửa đời ông đã phục vụ cho sự dối trá, bịp bợm ấy. Ông đã từng tuyên bố, đáng lẽ ra ông phải rời khỏi cái đảng ấy sớm hơn thế. Nhiều người từng chỉ trích Gorbachev là thành vẫn hữu khuynh trong đảng cộng sản, cho rằng ông là người đã phản bội lại lý tưởng của mình, để cho chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, Gorbachev không hề muốn Liên Xô sụp đổ, thậm chí ông còn là một trong những người cộng sản trung kiên nhất bảo vệ Đảng.

 

Gorbachev là một sản phẩm của chế độ, ông trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô không phải nhờ thân phương Tây, mà bằng cách thăng tiến trong bộ máy của Đảng. Gorbachev lên cầm quyền vào năm 1985, thời điểm Liên Xô và khối cộng sản gặp nhiều khó khăn lớn. Người tiền nhiệm của ông Leonid Brezhnev đã đánh đổi hết nguồn tiền mà Nga thu được từ thập kỉ vàng của dầu mỏ (1960-1970) để chi viện cho các cuộc chiến bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô tại chiến trường Trung Đông và chạy đua vũ trang với Hoa Kì. Khi giá dầu mỏ thế giới tụt dốc thì Liên Xô rơi vào tình trang chao đảo khó khăn về kinh tế và xã hội, nhà nước hoàn toàn kiệt quệ về tài chính. Trong khi đó, sự nhất trí trong nội bộ khối Cộng Sản đã suy yếu đi trông thấy, đảng cộng sản tại nhiều nước đều trên tâm thế rã hàng và Liên Xô không còn đủ sức can thiệp quân sự hay viện trợ để cứu các quốc gia vệ tinh Đông Âu của mình một khi cách mạng xảy ra. Bản thân đảng cộng sản Liên Xô cũng lung lay và tê liệt. Trước những tình hình đó, Gorbachev được chọn để tiến hành một cuộc cải tổ bắt buộc để cứu lấy một chế độ đang có nguy cơ sụp đổ.

 

Có hai chính sách quan trọng mà Gorbachev đã thực hiện. Ngay khi lên cầm quyền Gorbachev đề xuất giảm 50% việc vận hành vũ khí hạt nhân và hướng về kết thúc chiến tranh lạnh dù không được chấp thuận hoàn toàn. Năm 1988, chính quyền Gorbachev đã cho phép các cá nhân được kinh doanh quy mô nhỏ như các cửa hàng và tiệm ăn, quán café dưới chính sách Perestroika (Tái Thiết). Theo nghĩa đó, tư nhân được phép hoạt động và thu về lợi nhuận dù nhà nước vẫn kiểm soát mức giá và phần lớn các phương tiện sản xuất. Các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu được phép hoạt động ở Liên Xô. Như năm 1990, người ta thấy cửa hàng Mc Donald đầu tiên được mở tại Moscow.

 

Glasnost (Mở/ Minh Bạch) cho phép đất nước tự do hơn về mặt chính trị, việc chỉ trích đảng cộng sản và các quan chức diễn ra công khai khiến nhiều quan chức phải từ chức. Vào đại hội thứ 19 của Đảng năm 1988, điều 6 Hiến Pháp quy định đảng cộng sản là lãnh đạo duy nhất của đất nước đã bị hủy bỏ. Các đảng phái bắt đầu được hoạt động tự do, mở rộng thảo luận và bầu cử. Và lần đầu tiên các đảng viên đảng cộng sản bội thất của tại địa phương.

Gorbachev đã được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình vì ông đã tạo điều kiện thuận lợi để bức tường Bá Linh sụp đổ trong hòa bình. Ông đại diện cho thế hệ lãnh đạo Liên Xô đầu tiên sinh ra sau thế chiến thứ nhất, trẻ trung và ít giáo điều. Gorbachev cũng được xem như một nhân vật thân thiện với phương Tây. Tuy nhiên, trong mọi phát ngôn trước công chúng và báo chí phương Tây Gorbachev đều “lên án mạnh mẽ” mọi âm mưu phá hoại sự ổn định và cầm quyền của đảng cộng sản và khối Liên Bang Xô Viết. Gorbachev chưa bao giờ có ý định dẹp bỏ đảng cộng sản và dân chủ hóa đất nước, cuộc cải tổ của ông được thực hiện nhằm mục đích cứu vớt đảng cộng sản. Các chính sách cải tổ như Glasnost hay Perestroika của Gorbachev hầu hết đều nửa vời nhằm giúp đảng cộng sản Liên Xô ứng phó với những tình huống khẩn cấp của thời đại. Nhưng thay vì cứu được Đảng Cộng Sản Liên Xô, các cải tổ trên góp phần đẩy nhanh mâu thuẫn và quá trình sụp đổ của nó.

 

Sau khi Gorbachev từ chức, đất nước Nga bước vào một giai đoạn chuyển tiếp cực kì quan trọng. Chính quyền mới một mặt phải giải quyết những hậu quả to lớn do chế độ cộng sản để lại, một mặt phải tiến hành công việc dân chủ hóa đất nước. Vào thời điểm này, không khí lạc quan dân chủ tràn ngập nước Nga bất chấp những khó khăn hiện tại về kinh tế, đại đa số dân chúng đều đồng thuận rằng nước Nga cần đi đến việc dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên, một điều nghịch lý là giới đối lập Nga hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào để đáp lại nguyện vọng dân chủ của nhân dân và cho cuộc chuyển hóa vĩ đại này.

 

Yeltsin là một cựu quan chức cộng sản sau trở thành một chính trị gia đối lập và được bầu là tổng thống đầu tiên của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Có lẽ thực tâm ông mong nước Nga có được dân chủ như phần lớn các nước phương Tây. Tuy nhiên, cũng như các lãnh đạo Nga thời hậu cộng sản khác khác, Yeltsin thuộc về một tầng lớp thế hệ cũ còn chưa dứt khoát được tâm lý độc tài. Ông không có một tư tưởng, một viễn kiến nào cho nước Nga dân chủ hết sức mới mẻ này, ông cũng không có một đội ngũ chính trị đủ để thực hiện cuộc chuyển hóa về dân chủ. Dưới sự lãnh đạo của mình, Yelstin có tới bốn lần thành lập các chính phủ. Các chính quyền này đều tồn tại trong ngắn hạn và thất bại.

 

Sau khi lên nắm quyền, Yeltsin cho mời một nhóm trí thức bởi Igor Timirovich Gaidar tham gia chính quyền để giải quyết bài toán kinh tế của Nga. Một thời gian không lâu sau đó, Yeltsin loại Gaidar khỏi chính quyền để liên minh với nhóm quan chức cựu cộng sản Viktor Chernomyrdin khi các chính sách cải tổ được đề xướng bởi Gaidar vẫn đang được tiến hành dang dở.

 

Năm 1993 chứng kiến những căng thẳng trong chính trường Nga. Các chương trình cải cách kinh tế nửa vời của Yeltsin làm tình hình kinh tế xấu đi (năm 1992 tăng trưởng kinh tế chạm đáy -19%). Nhiều chính trị gia ra mặt chống chính sách cải tổ nửa vời của Yeltsin, yêu cầu một cải tổ triệt để. Điều này dẫn đến một cuộc tranh chấp quyền lực giữa tổng thống và Quốc Hội và cuối cùng kết thúc bằng một cuộc bạo lực khiến tới hàng trăm người chết và bị thương. Để dàn xếp cuộc khủng hoảng năm 1993, Yeltsin mời Gaidar trở lại thành lập một chính quyền mới mà thực chất chỉ nhằm mục đích ổn định tình hình và bảo toàn hình ảnh của Yeltsin như một nhân vật cải tổ trong con mắt của nhân dân Nga và cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi tình hình ổn định, Gaidar bị buộc phải rời khỏi chính quyền.

 

Mùa hè năm 1997, Yeltsin thành lập một nhóm ‘những người cải tổ trẻ” gồm hai nhân vật tiêu biểu Anotoli và Boris Nemtsov. Nhóm này được thành lập để mang lại bộ mặt mới cho chính quyền Yeltsin, và một mặt vẫn tiếp tục thực hiện những chính sách cũ đã chứng tỏ thất bại từ những ngày đầu.

 

Vào tháng Ba năm 1998 khi thời điểm bầu cử bắt đầu đến gần, Yeltsin cho mời Sergei Kirienko về làm thủ tướng. Chính quyền Yeltsin-Kirienko cố gắng trong tuyệt vọng cải thiện tình hình và đối phó với sự bất mãn, chán nản của quần chúng ngày một dâng cao. Để rồi năm 2000, Yeltsin biết rõ là sẽ thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp đến nên đã “nhường ngôi” lại cho Putin. Cũng từ đây, nước Nga quay trở lại chế độ độc tài chống phương Tây.

 

Nước Nga tuột mất cơ hội chuyển hóa về dân chủ và quay trở lại thành một chế độ độc tài khác. Chúng ta có thể giải thích sự thất bại đó như thế nào? Vào thời điểm chín muồi của cuộc cách mạng dân chủ tại Nga, giới đối lập nước này hoàn toàn yếu ớt, họ hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự lẻ tẻ, không có năng lực tham gia vào tiếp quản đất nước Nga hậu cộng sản. Tại Nga thời điểm bấy giờ, hoàn toàn thiếu một tổ chức chính trị đối lập có uy tín và tầm vóc. Một điều nghịch lý là phần lớn những người tiếp quản nhà nước dân chủ mới thành lập là những cựu quan chức cộng sản, từ bỏ Đảng Cộng Sản để đứng về phía dân chủ đại diện bởi Yeltsin. Họ là những con người vụng về, thiếu viễn kiến và hoàn toàn không phù hợp để tiếp quản một đất nước chuyển tiếp lên dân chủ. Yeltsin không hề có lấy một đội ngũ, một tổ chức chính trị đàng hoàng, ông thành lập chính phủ bằng cách triệu tập những nhân vật cải cách vào chính quyền của mình, rồi lại sẵn sàng đuổi họ một cách tùy tiện. Chính quyền Yeltsin tiếp quản đất nước một cách vụng về và cẩu thả.

 

Yeltsin tiếp tục cho tư nhân hóa lĩnh vực công từ thời Gorbachev, với hy vọng sự phát triển của tư nhân sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng ông thậm chí còn không đưa ra một định nghĩa cụ thể về mặt luật pháp như “tư nhân hóa” hay “sở hữu” là gì và phải được tiến hành như thế nào? Quá trình tư nhân hóa này đã giải giáp toàn bộ hệ thống kinh tế chỉ huy dưới thời Liên Xô, nhưng sự cẩu thả của chính sách tư nhân hóa đã dẫn tới sự hình thành của một tầng lớp tư bản cơ hội, những kẻ nhanh chóng chiếm đoạt các khối tài sản mà trước đây thuộc về nhà nước. Giới tư bản này nhanh chóng bắt tay với quyền lực chính trị, trở thành cái móng vững chắc cho một chế độ độc tài mới của Nga.

 

Sự vụng về của Yeltsin còn vô tình gây ra những cuộc xung đột sắc tộc không đáng có. Nga vốn là một nước có tình hình khá phức tạp về sắc tộc, Stalin còn làm tình hình đó phức tạp hơn bằng cách lưu đầy những người thuộc cộng đồng thiểu số khỏi lãnh thổ của họ. Vào những năm đầu của thập niên 90 Yeltsin cho phép những dân tộc thiểu số trở về vùng đất của mình. Đây là một quyết định được chào đón, tuy nhiên ông đã không lường trước được hậu quả rằng tranh chấp lãnh thổ có thể xảy ra. Cụ thể, sau chiến tranh lạnh, người Inguish bị Liên Xô kết án “hợp tác với phát xít”. Vào năm 1944, quân đội được triển khai để tiến hành trục xuất những người thuộc cộng hòa Inguish, mọi cố gắng chống trả đều dẫn tới cái chết. Họ bị mang đi tới Kazakhstan, vùng đất xa lạ cách hàng ngàn cây số từ quê hương của mình. Những người Ossetian sau đó đến sinh sống trên vùng đất trống và trở thành chủ sở hữu của vùng đất này. Vì không có sự tính toán kĩ lưỡng, cho nên khi những người Ingush được trở về vùng đất của họ vào tháng mười năm 1992 thì bạo lực, xung đột tranh chấp đất ngay lập tức xảy ra.

 

Từ một viễn cảnh dân chủ với một tương lai tươi đẹp có được năm 1991, nước Nga kết thúc bởi chế độ độc tại mafia của Putin. Đây không phải một sự kiện diễn ra ngẫu nhiên, nó là kết quả của lối làm chính trị vụng về, vô tổ chức và thiếu một dự án chính trị nghiêm chỉnh. Hậu quả của tiến trình dân chủ hóa thất bại thì quá rõ. Nga là đất nước rộng nhất thế giới với 145 triệu dân. Nó có nguồn khoáng sản phong phú và có một nền văn minh tương đối. Ngày nay, Nga là một nước hầu như không biết sản xuất, chế tạo. Hoạt động kinh tế của Nga chủ yếu là khai thác dầu mỏ, than đá và khí đốt. Nga tụt hậu hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác và thế giới nói chung, đang không ngừng vươn lên về công nghệ-kĩ thuật.

 

Việt Anh (1/1/2019)

https://www.thongluan.blog/.../chung-ta-hoc-uoc-gi-tu-mot..

 

===============================

 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

31-08-2022  00:30   

GORBACHEV ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG NOBEL VỀ HOÀ BÌNH (Nguyễn Gia Kiểng)

Gorbachev, người đã giúp cho Liên Xô, một đế quốc sừng sỏ một thời, tan rã trong hoà bình, đã qua đời hôm qua. Nhân đây xin chia sẻ lại với các bạn đọc một bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng vào năm 1990. Trong bài viết này, tác giả đã mong rằng ĐCSVN, lực lượng đã noi gương Liên Xô trong mọi sai lầm, sẽ học theo Liên Xô trong chọn lựa đứng đắn vào phút cuối cùng. Nhưng không. Sự tăm tối và thiển cận của ĐCSVN …

Xem thêm

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats