Monday, 29 August 2022

CÁC BIÊN PHÁP TRỪNG PHẠT CỦA PHƯƠNG TÂY CUỐI CÙNG SẼ LÀM SUY YẾU NỀN KINH TẾ CỦA NGA (The Economist)

 



 

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cuối cùng sẽ làm suy yếu nền kinh tế của Nga

Cù Tuấn dịch từ The Economist

Tháng Tám 29, 2022

https://nghiencuulichsu.com/2022/08/29/cac-bien-phap-trung-phat-cua-phuong-tay-cuoi-cung-se-lam-suy-yeu-nen-kinh-te-cua-nga/

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2022/08/299209775_5631940183511282_3040342314133972651_n.jpg?w=551&h=600

Tỷ giá USD/ruble trong thời gian qua.

 

Khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, “Oleg”, một giám đốc điều hành cấp cao của một hãng hàng không Nga, đã phải chuẩn bị cho sự hỗn loạn. Không mất nhiều thời gian để sự hỗn loạn này bắt đầu. Trong vòng vài ngày, các nước phương Tây đã cấm máy bay của công ty ông bay vào không phận của các nước này. Họ cũng cấm xuất khẩu các bộ phận máy bay và chất bán dẫn sang Nga: đây là một vấn đề lớn vì 3/4 đội bay thương mại của Nga là các máy bay của Mỹ, Châu Âu hoặc Canada và các bộ phận máy bay cần được bảo trì định kỳ. Nhiều nhà phân tích dự đoán ngành công nghiệp hàng không Nga sẽ sụp đổ trước mùa hè. Trên thực tế, các hãng hàng không đã xoay vòng máy bay của họ để giữ cho các đường bay khả thi vẫn hoạt động. Nhưng họ sẽ không thể bất chấp việc cấm vận mãi mãi. Một số đang bắt đầu mổ thịt các máy bay còn trên mặt đất để lấy phụ tùng. Oleg dự đoán nhiều máy bay Nga sẽ không còn đạt chuẩn an toàn để bay trong vòng một hoặc hai năm.

 

Việc công nghiệp hàng không Nga bị giảm chất lượng dần một cách nguy hiểm cho thấy sức mạnh ngấm ngầm của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Kể từ tháng 2, Mỹ và các đồng minh đã tung ra một loạt đòn tấn công chưa từng có để cố gắng bóp nghẹt nền kinh tế của Nga, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, với hy vọng ngăn chặn nỗ lực chiến tranh, thúc đẩy người dân và nhân viên chính quyền Nga phản đối chiến tranh, và ngăn chặn những kẻ thù khác (cụ thể là Trung Quốc) thực hiện những cuộc chiến tương tự. Một số biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như đóng băng tài sản của các tài phiệt thân cận với Điện Kremlin, là chiến thuật cũ trên quy mô mới. Những đòn trừng phạt này nhằm loại bỏ Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu — việc loại trừ các ngân hàng thương mại khỏi mạng lưới thanh toán SWIFT và đóng băng 300 tỷ đô la trong quỹ dự trữ của ngân hàng trung ương Nga — là những đòn kinh tế mới lạ. Loại đòn thứ ba, các lệnh cấm xuất khẩu, trước đây đã có, nhưng nhắm vào các công ty đơn lẻ, không phải toàn bộ quốc gia.

 

Tuy nhiên, hết làn sóng trừng phạt này đến làn sóng trừng phạt khác – EU đã đưa ra gói trừng phạt thứ bảy vào tháng Bảy – đã không thể san bằng được Pháo đài Nga. Trong khi đó, với giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, chi phí chính trị của các lệnh trừng phạt đang tăng lên. Vậy có phải phương Tây đang thua trong cuộc chiến kinh tế? Không hẳn như vậy. Đối với ngành hàng không, thiệt hại sẽ mất nhiều thời gian để thể hiện ra trên thực tế. Nga, một quốc gia có nợ nước ngoài thấp và có nhiều dự trữ ngoại hối, có khả năng chống chọi lại các trừng phạt về tài chính. Ngay cả khi các biện pháp trừng phạt thành công nhất, chẳng hạn như khi các quốc gia buộc Libya từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 2003, đòn trừng phạt kinh tế đối với các chế độ trong quá khứ phải mất nhiều năm mới có tác dụng. Để đánh giá mức độ hiệu quả mà các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga, The Economist đã xếp hạng ba biện pháp — việc đóng băng tài sản của giới tài phiệt, các biện pháp trừng phạt tài chính và hạn chế thương mại — theo thang điểm từ khá vô dụng đến thực sự gây tổn hại. Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng theo thời gian, các đòn trừng phạt này sẽ bắt đầu làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế của Nga.

 

Các biện pháp trừng phạt kém hiệu quả nhất là những biện pháp gây được nhiều sự chú ý nhất của công chúng: đó là việc đưa các nhà tài phiệt được coi là thân cận với Điện Kremlin vào danh sách đen. World-Check, một công ty dữ liệu, tính toán rằng 1.455 thành viên của giới tinh hoa Nga hiện không thể đi đến một số hoặc tất cả các nước phương Tây, hoặc tiếp cận tài sản của họ ở đó, hoặc cả hai. Tài sản phong tỏa của các nhà tài phiệt này bao gồm tiền gửi ngân hàng và chứng khoán thị trường, được giữ trong tài khoản ký quỹ tại các ngân hàng phương Tây. Chúng cũng bao gồm những thú chơi phải có của các nhà tài phiệt này như nhà nghỉ ở nông thôn, câu lạc bộ bóng đá, đồ trang sức và du thuyền, được các đội quân cảnh sát phương Tây thu giữ ở các địa điểm trên khắp Trái Đất.

 

Nhắm mục tiêu vào các nhà tài phiệt là một cách tiếp cận hấp dẫn đối với các chính phủ vốn cần được công chúng các nước đó thấy rằng họ đang làm cái gì đó. Nó cũng khiến Nga có một số biện pháp trả đũa trực tiếp. Các ông trùm phương Tây sở hữu rất ít tài sản ở Nga; nhiều công ty Mỹ và châu Âu đã rút các khoản đầu tư vào Nga của họ. Theo đó, các nhà thực thi phương Tây đang tìm kiếm những quyền lực lớn hơn để lấy những quả trứng Fabergé (tài sản bị giấu kín). Bộ Tư pháp Mỹ muốn sử dụng luật chống mafia để thanh lý các tài sản của các tài phiệt Nga bị tịch thu và trao số tiền thu được cho Ukraine. EU đang đề xuất biến người vi phạm các lệnh trừng phạt trở thành các tội phạm, điều này sẽ làm tăng cường việc thực thi lệnh trừng phạt Nga trên toàn EU.

 

Tuy nhiên, hầu hết các tài sản của Nga mà phương Tây nhắm tới cuối cùng lại lọt lưới. Anders Aslund, cựu cố vấn của chính phủ Nga và Ukraine, tính toán rằng chỉ 50 tỷ USD, trong số 400 tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài bị phong tỏa trên giấy tờ, cho đến nay đã bị đóng băng. Các nhà tài phiệt Nga đã giấu một số tài sản của họ đằng sau 30 lớp công ty vỏ bọc được thành lập ở Quần đảo Cayman, Jersey và các thiên đường thuế khác, với các tài liệu của các tài sản này được biên soạn lại bằng nhiều ngôn ngữ. Những tài phiệt khác giữ quyền kiểm soát tài sản mà họ có vẻ như không còn kiểm soát bằng cách chuyển giao quyền sở hữu cho họ hàng hoặc giao cho những người đại diện mang tính bù nhìn.

 

Trong khi đó, việc thực thi các biện pháp trừng phạt này được giao cho những người giám sát tư nhân đối với các tài sản nói trên, từ các nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ đến các bến du thuyền ở St Tropez, vốn thường thiếu phương tiện hoặc động lực để tìm hiểu sâu xa tất cả những điều đó. Các ngân hàng lớn thường từ chối chuyển tiền thay mặt cho các thực thể doanh nghiệp đáng ngờ nếu các tổ chức đó bị phát hiện là do những người Nga được chỉ định kiểm soát ít nhất 25% (ngưỡng pháp lý là 50%). Tuy nhiên, các công ty fintech và tiền điện tử nhỏ hơn thì không kiểm soát kỹ như vậy; các công ty được cho là giám sát tài sản vật chất, chẳng hạn như các nhà quản lý các cảng biển, thường là không biết gì. Sự khác biệt tương tự tồn tại giữa các khu vực pháp lý. Mỹ gần đây đã trách mắng Thụy Sĩ và UAE, nơi có hàng chục máy bay phản lực tư nhân do Nga sở hữu đang hạ cánh trên sa mạc nước này, vì đã không nhiệt tình phát hiện ra những kẻ trốn tránh lệnh trừng phạt.

 

Không rõ rằng việc đóng băng những tài sản như vậy có ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Nga hay không. Hầu hết các nhà tài phiệt Nga ít nắm giữ ảnh hưởng chính trị. Một cựu giám đốc năng lượng của Ukraine cho rằng Vladimir Putin, tổng thống Nga, rất vui khi thấy các nhà tài phiệt bị phương Tây làm khó. Trong khi đó, nỗ lực tịch thu tài sản và gửi số tiền thu được cho Ukraine đã chẳng đi đến đâu.

 

Các biện pháp tài chính, loại trừng phạt thứ hai, nhắm vào các trung tâm chính của nền kinh tế Nga: các ngân hàng cho vay thương mại và ngân hàng trung ương. Những ngân hàng này trước đây đã phải đối mặt với một loạt các lệnh cấm kể từ cuộc xâm lược, tùy thuộc vào quy mô và mức độ thân cận của họ với Điện Kremlin. Các biện pháp trừng phạt thị trường vốn, xét từ loại nhẹ nhàng nhất, cấm các nhà đầu tư phương Tây mua hoặc bán trái phiếu hoặc cổ phiếu do 19 ngân hàng Nga phát hành. Mười công ty cho vay, bao gồm cả hai ngân hàng lớn nhất tính theo tài sản, đã nhanh chóng bị loại khỏi SWIFT, hệ thống có hơn 11.000 ngân hàng sử dụng trên toàn cầu để thanh toán xuyên biên giới. 26 ngân hàng Nga không còn có thể chuyển tiền quốc tế bằng đô la Mỹ nữa, sau khi Mỹ cấm các ngân hàng của Mỹ cung cấp dịch vụ “ngân hàng đại lý” cho các ngân hàng Nga.

 

Các biện pháp như vậy thực sự đã có tác dụng. Nghiên cứu của Stefan Goldbach và các đồng nghiệp tại Bundesbank cho thấy, từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 30 tháng 4, việc cấm sử dụng SWIFT đã gây ra sự sụp đổ gần như hoàn toàn việc chuyển tiền giữa các ngân hàng Nga bị SWIFT loại trừ và chi nhánh Target 2 của Đức, hệ thống thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng khu vực đồng euro. Các lựa chọn thay thế cho SWIFT, chẳng hạn như chuyển tiền dùng telex, rất khó và chậm. Các lệnh cấm đối với các ngân hàng đại lý cũng tỏ ra rất mạnh mẽ. Đô la Mỹ không chỉ được sử dụng trực tiếp để giải quyết khoảng 40% thương mại xuyên biên giới, mà nó còn đóng vai trò như một trụ cột trong nhiều giao dịch liên quan đến tiền tệ cấp hai. Giờ đây, Nga đôi khi phải dùng đến cách thanh toán dùng hàng đổi hàng, một lựa chọn rườm rà và rủi ro.

 

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt tài chính đã không thể ngăn chặn hầu hết các khoản thanh toán. Các ngân hàng xử lý lượng lớn nhiên liệu mua của châu Âu, đặc biệt là ngân hàng Gazprombank, vẫn được phép sử dụng SWIFT. Phần lớn phần tài chính còn lại đang được chuyển một cách hợp pháp thông qua các ngân hàng nhỏ hơn vẫn kết nối với mạng lưới. Kinh doanh mà không dùng đô la Mỹthì khó hơn. Ấn Độ, quốc gia đã thâu tóm dầu của Nga kể từ tháng Hai, vẫn đang tìm các cách khả thi để thanh toán dầu mỏ Nga bằng đồng rupee. Nhưng sự tăng vọt về khối lượng thanh toán thông qua hệ thống CISP, một hệ thống thanh toán tương tự SWIFT của Trung Quốc, từ tháng 5 đến tháng 7 cho thấy Trung Quốc đang gặp nhiều may mắn hơn. Khối lượng giao dịch bằng cặp tiền tệ nhân dân tệ-rúp trên sàn giao dịch Matxcơva đã đạt kỷ lục vào cuối năm nay.

 

Việc đóng băng dự trữ do Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ở phương Tây nắm giữ, tương đương với khoảng một nửa trong tổng số tiền dự trữ trị giá 600 tỷ đô la của ngân hàng này, cũng có kết quả trái chiều tương tự. Trong vòng vài giờ sau khi biện pháp trừng phạt được công bố, giá trị của đồng đô la Mỹ mà ngân hàng trung ương Nga không thể bảo vệ được nữa, đã tăng hơn 30% (xem biểu đồ). Khi CBR tăng lãi suất để ngăn đà giảm giá của đồng rúp, từ 9,5% xuống 20%, tín dụng trong nước Nga đã bị thắt chặt, làm ảnh hưởng đến nhu cầu và đẩy Nga vào suy thoái. Vào tháng 6, lệnh trừng phạt cũng đã buộc Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ nước ngoài lớn đầu tiên trong hơn một thế kỷ sau khi ngăn ngân hàng trung ương không thể thanh toán 100 triệu đô la Mỹ cho các chủ nợ.

 

Tuy nhiên, chỉ mất một vài tuần để đồng rúp tăng giá trở lại, cho phép CBR giảm lãi suất nhanh chóng, xuống còn 8% vào ngày 25 tháng 7. Tỷ giá hối đoái chính thức không phản ánh nhu cầu thực sự đối với tiền tệ: các biện pháp kiểm soát vốn, được áp đặt lần đầu tiên sau khi CBR bị đóng băng, vẫn được duy trì phần lớn. Nhưng nó vẫn chỉ ra một lỗ hổng trong kế hoạch ban đầu của phương Tây. Trong khi CBR vẫn không cách nào chạm đến kho đô la Mỹ và euro ở nước ngoài, Nga vẫn kiếm được tiền mặt hàng ngày nhờ xuất khẩu kho dầu và khí đốt khổng lồ của mình. Điều này có nghĩa là Nga không cần phải đi vay, khiến cho việc vỡ nợ của Nga không gây ra đổ vỡ dây chuyền nào.

 

Cuối cùng là đòn trừng phạt loại bỏ các hạn chế thương mại, một biện pháp con dao hai lưỡi khác. Các hành động nhằm hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga, với đóng góp 36% ngân sách liên bang vào năm ngoái, đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn những gì họ đáng có. Mỹ không còn nhập khẩu dầu của Nga nữa, nhưng ngay từ đầu họ đã mua rất ít dầu Nga. EU đã cam kết ngừng mua dầu thô đường biển từ Nga vào tháng 12 và dầu mỏ tinh chế vào tháng 2. EU đã mua ít hơn một chút: tổng cộng 2,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào tháng Bảy, so với 2,9 triệu thùng mỗi ngày trước chiến tranh. Tuy nhiên, hầu hết số dầu Nga đó đang được Ấn Độ và Trung Quốc thu mua, mặc dù với mức giá chiết khấu ít hơn khoảng 25 USD so với giá dầu thô Brent đang có mức giá 97 USD. Không có kế hoạch cấm vận nào đối với khí đốt của Nga, do khí đốt khó thay thế hơn và mang lại ít hơn 10% doanh thu của Điện Kremlin.

 

Liệu Nga có kiếm được số tiền ít hơn hiện tại nếu không có các biện pháp trừng phạt hay không là điều còn tranh cãi. Rystad Energy, một công ty tư vấn, tính toán rằng Nga sẽ mất 85 tỷ đô la thu nhập từ thuế dầu khí trong năm nay, so với doanh thu tiềm năng là 295 tỷ đô la, do Nga buộc phải bán dầu với giá chiết khấu. Một phần nữa là mối đe dọa từ lệnh cấm vận của phương Tây đã khiến giá dầu toàn cầu bị đẩy lên ở mức cao. Capital Economics, một công ty tư vấn khác, ước tính rằng Nga đã bán dầu của mình với giá trung bình 85 USD / thùng kể từ tháng 2, cao hơn 90% so với thời điểm kể từ năm 2014. Và trái với kỳ vọng ban đầu của phương Tây, Nga đang tiếp tục xuất khẩu xăng dầu với khối lượng nhiều không kém gì mức Nga đã xuất khẩu trong những năm gần đây.

 

Điều này có thể thay đổi khi lệnh cấm nhập khẩu của EU có hiệu lực trong vài tháng tới không? Việc tìm kiếm người mua mới để bán số dầu 2,4 triệu thùng mỗi ngày sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, từ ngày 31 tháng 12 EU và các công ty bảo hiểm của Anh, vốn thống trị thị trường vận chuyển dầu, sẽ bị cấm phục vụ các tàu chở dầu chở hàng của Nga. Điều đó có thể là một trở ngại lớn. Nhiều cảng và kênh đào có thể không cho phép tàu bè qua lại nếu không kiểm soát được nguy cơ tràn dầu. Reid l’Anson của công ty dữ liệu Kpler cho rằng những căng thẳng như vậy sẽ buộc Nga phải cắt giảm sản lượng chỉ còn 1,1 triệu thùng / ngày vào cuối năm 2022, tương đương khoảng 14% xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, đã có tin đồn rằng châu Âu sẽ trì hoãn lệnh cấm mua dầu của Nga nếu mùa đông sắp tới quá khắc nghiệt. Các nhà kinh doanh hàng hóa cho rằng, những đợt giảm giá của Nga sẽ luôn có người mua. Trung Quốc và Ấn Độ có thể tự bảo hiểm hàng hóa; Nga cho biết họ sẽ cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm. Nếu việc xuất khẩu dầu của Nga thực sự giảm sút, thị trường sẽ bị thắt chặt đến mức giá có thể tăng vọt, làm vô hiệu hóa tác động của các lệnh trừng phạt. Mỹ đã nhận ra điều này, và đang cố gắng thuyết phục các đồng minh của mình áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga – một điều có thể khó thực hiện. Các thương nhân gian xảo ở Bahrain hoặc Dubai có thể gian lận để mua được nhiều dầu Nga hơn. Nga có thể trả đũa bằng cách giữ lại dầu không bán trong thời gian ngắn, khiến giá cả tăng đột biến và gây áp lực buộc phương Tây phải chịu thua.

 

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt mạnh nhất lại ít được thảo luận nhất: đó là việc kiểm soát xuất khẩu. Trong các lần trừng phạt liên tiếp kể từ tháng 2, các chính phủ phương Tây đã yêu cầu một loạt ngành công nghiệp trong nước phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm cho Nga, và các giấy phép này hiếm khi được cấp. Các hạn chế không chỉ giới hạn ở các sản phẩm “sử dụng kép” — những sản phẩm có ứng dụng quân sự và thương mại, như máy bay không người lái và laser — mà còn bao gồm các bộ công cụ tiên tiến như chip, máy tính, phần mềm và thiết bị năng lượng. Các biện pháp hạn chế này cũng nhắm mục tiêu vào hàng hóa công nghệ thấp, chẳng hạn như hóa chất và hàng hóa, thường chỉ bị hạn chế nếu được bán cho Iran hoặc Bắc Triều Tiên.

 

Phạm vi của các biện pháp trừng phạt như vậy là đáng chú ý. Tuy nhiên, Mỹ đã trở nên đặc biệt hiểm ác với “Quy tắc về sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (FDPR), mở rộng các biện pháp kiểm soát không chỉ đối với các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ mà còn đối với các sản phẩm nước ngoài được sản xuất có chứa phần mềm và công cụ của Mỹ hoặc có chứa nguyên liệu đầu vào của Mỹ. Khi Mỹ đi tiên phong trong lĩnh vực FDPR vào năm 2020 để cấm cửa Huawei, một gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc mà họ nghi ngờ là do thám, mua lại chất bán dẫn tiên tiến, thì công ty này đã gần như phá sản, mặc dù các nhà máy ở Mỹ chỉ chiếm 15% công suất sản xuất chip toàn cầu. Lần này, Mỹ tuyên bố rằng xuất khẩu chip toàn cầu sang Nga đã giảm 90% so với năm ngoái.

 

Đó là tin xấu đối với lĩnh vực sản xuất của Nga, vốn cần đầu vào nhập khẩu. Ông Putin đã làm việc chăm chỉ kể từ năm 2014 để bảo vệ hệ thống tài chính của Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây – bằng cách loại bỏ thương mại, đa dạng hóa dự trữ ngân hàng trung ương và phát triển mạng lưới thanh toán trong nước – nhưng điều này không đúng với ngành công nghiệp nước này. Cho đến khi chiến tranh bắt đầu, ngành công nghiệp điện tử của Nga vẫn phải ràng buộc chặt chẽ vào quan hệ thương mại toàn cầu, dù rằng mức độ lệ thuộc ít hơn các quốc gia khác.

 

Chip và các linh kiện điện tử khác của 70 công ty khác nhau của Mỹ và châu Âu đã được tìm thấy trong các vũ khí của Nga. Các ngành công nghiệp khác, từ khai thác mỏ đến vận tải, yêu cầu các phụ tùng và chuyên gia nước ngoài để thực hiện việc bảo trì. Một nhà cung cấp của Đức cho tàu điện ngầm Matxcơva tính toán rằng, nếu họ ngừng cung cấp dịch vụ, mạng lưới tàu điện ngầm của Nga sẽ bị gián đoạn trong vòng một tháng và bị tê liệt sau ba tháng. Nga cũng cần phần mềm và phần cứng để phát triển các sản phẩm mới, từ điện tử tiêu dùng đến ô tô điện.

 

Một số hiệu ứng đã có thể nhìn thấy được, ngay cả khi các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu bắt đầu khá muộn (hầu hết đều có thời gian gia hạn từ một đến ba tháng). Sản lượng sản xuất của Nga giảm 7% từ tháng 12 đến tháng 6, dẫn đầu là ngành sản xuất ô tô (giảm 90%), dược phẩm (25%) và thiết bị điện (15%). Vào tháng 5, Nga đã nới lỏng các tiêu chuẩn an toàn để cho phép các công ty sản xuất ô tô không có túi khí và phanh chống bó cứng. Việc thiếu bộ chip công nghệ cao đã cản trở việc triển khai sản phẩm 5g của Nga. Các công ty đứng đầu về điện toán đám mây của quốc gia này, chẳng hạn như Yandex, một công ty internet và Sberbank, một ngân hàng cho vay, đang vất vả để có thể mở rộng các trung tâm dữ liệu. Sự thiếu hụt chip đang cản trở việc phát hành thẻ nhựa mới trên MIR, hệ thống thanh toán tài chính trong nước Nga. Việc thiếu tàu chuyên dụng có thể cản trở kế hoạch khoan băng ở Bắc Cực của Nga; Sự thiếu hụt công nghệ và bí quyết nước ngoài thậm chí có thể làm chậm quá trình khai thác dầu khí kiểu cũ. Các ngành công nghiệp cơ bản, chẳng hạn như khai thác và tinh chế kim loại, cũng bị sụt giảm.

 

Nga đang cố gắng chống trả lại. Trước đây, nước này đã khai thác thị trường chất xám trái phép để tìm nguồn cung cấp bộ công nghệ và quân sự nhạy cảm của phương Tây, thường là từ các đại lý ở châu Á và châu Phi. Vào tháng 6, Nga đã tiến xa hơn bằng cách hợp pháp hóa nhập khẩu “song song”, cho phép các công ty Nga nhập hàng hóa, chẳng hạn như máy chủ và điện thoại, mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu. Artem Starosiek của Molfar, một công ty tình báo Ukraine, cho biết đã có một sự bùng nổ việc “du lịch bằng thẻ tín dụng”, khi các công ty lữ hành từng tổ chức các chuyến đi tiêm vắc-xin covid cho người Nga giờ đây đã đưa họ đi mua thẻ Visa ở Uzbekistan. Thương mại giữa các nước phương Tây và các nước láng giềng của Nga, chẳng hạn như Georgia và Kazakhstan, đã phát triển nhanh chóng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

 

Tuy nhiên, thật khó để toàn bộ nền kinh tế hoạt động dựa trên hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là khi một số hàng hóa trong số đó cũng đang khan hiếm ở khắp mọi nơi. Các công ty Trung Quốc, thường cung cấp một phần tư hàng nhập khẩu của Nga, đã chậm chạp trong việc trợ giúp, vì họ sợ mất quyền tiếp cận các sản phẩm thiết yếu của phương Tây. Ngay cả Huawei cũng đã cắt giảm các liên kết của công ty này với Nga. Do đó, tình trạng thiếu hụt sản phẩm tại Nga sẽ kéo dài, với tác động của chúng tăng lên theo thời gian khi sự hao mòn xảy ra và sự đình trệ lan rộng từ ngành này sang ngành khác. Kết quả là nền kinh tế Nga sẽ suy thoái một cách chậm chạp và ngày càng trầm trọng hơn.

 

Sự suy thoái này sẽ được tăng thêm do các tác động ít hữu hình hơn của các biện pháp trừng phạt. Konstantin Sonin của Đại học Chicago tính toán rằng, có hàng trăm nghìn người Nga – nhiều người trong số họ có tay nghề cao – đã rời bỏ Nga kể từ cuộc xâm lược. Theo các học giả tại Đại học Yale, hơn 1.200 công ty nước ngoài cũng đã cam kết rời bỏ Nga. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Nga trong giai đoạn 2025-26 sẽ giảm khoảng một nửa, so với ước tính từ trước khi chiến tranh bùng nổ. Miễn là Mỹ và các đồng minh của họ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt, thì xương sống của nền công nghiệp, nền tảng trí tuệ và các liên kết quốc tế của Nga sẽ mất dần đi. Tương lai của nước này sẽ là một nền kinh tế có năng suất giảm dần, ít đổi mới và lạm phát cơ cấu. Các nhà kinh tế đã sai khi dự đoán kinh tế Nga sẽ sụp đổ tức thì. Thay vào đó, những gì Nga đang nhận được là tấm vé một chiều đi đến sự suy kiệt.





No comments:

Post a Comment

View My Stats