Sunday, 26 June 2022

HẬU QUẢ của CHINH PHỤC (Brendan Rittenhouse Green & Caitlin Talmadge / Foreign Affairs)

 



Hậu quả của Chinh phục

Brendan Rittenhouse Green & Caitlin Talmadge  /  Foreign Affairs

Trà Mi dịch thuật

POSTED ON JUNE 25, 2022   

https://dcvonline.net/2022/06/25/hau-qua-cua-chinh-phuc/

 

Tại sao sức mạnh Ấn Độ-Thái Bình Dương phụ thuộc vào Đài Loan

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2022/06/12/8.%20Talmadge_Green.jpg.webp?itok=pmn61gVS

Chiến đấu cơ Trung Hoa cất cánh ở Hoàng Hải, tháng 12 năm 2016. Hình ảnh AFP / STR / Getty

 

Trong tất cả các vấn đề nan giải có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh nóng giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, thì Đài Loan đứng đầu danh sách. Và một cuộc chiến như vậy có thể có hậu quả địa chính trị rất sâu xa. Tướng Douglas MacArthur đã từng mô tả Đài Loan như “một hàng không mẫu hạm và tàu ngầm không thể đánh chìm”, có giá trị quân sự quan trọng, thường không được đánh giá cao như một cửa ngõ vào Biển Philippines, một chiến trường quan trọng để bảo vệ Nhật Bản, Philippines và Nam Hàn khỏi sự cưỡng bức hoặc tấn công của Trung Hoa. Không có gì bảo đảm rằng Trung Hoa sẽ thắng trong một cuộc chiến tranh giành đảo — hoặc một cuộc xung đột như vậy sẽ không kéo dài trong nhiều năm và làm suy yếu Trung Hoa. Nhưng nếu Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát Đài Loan và đặt căn cứ quân sự ở đó, vị thế quân sự của Trung Hoa rõ ràng sẽ cải thiện.

 

Đặc biệt, những cơ sở giám sát đại dương và tàu ngầm của Bắc Kinh có thể khiến việc kiểm soát Đài Loan trở thành một lợi ích đáng kể cho sức mạnh quân sự của Trung Hoa. Ngay cả khi không có bất kỳ bước nhảy vọt nào về kỹ thuật hoặc quân sự, việc làm chủ hòn đảo này sẽ nâng cao khả năng của Trung Hoa trong việc cản trở những hoạt động hải quân và không quân của Hoa Kỳ ở Biển Philippines và do đó hạn chế Hoa Kỳ trong việc có thể bảo vệ các đồng minh ở châu Á. Và nếu trong tương lai, Bắc Kinh phát triển một hạm đội lớn gồm các tàu ngầm tấn công với vũ khí hạch tâm chạy êm và tàu ngầm có hỏa tiễn đạn đạo, đặt ở Đài Loan sẽ cho phép Trung Hoa đe dọa những đường hàng hải ở biển Đông Bắc Á và củng cố lực hỏa lực hạch tâm trên biển.

 

Rõ ràng, giá trị quân sự của hòn đảo củng cố lập luận để giữ Đài Loan ngoài tầm kiểm soát của Trung Hoa. Tuy nhiên, sức mạnh của lập luận đó phụ thuộc vào một số yếu tố, kể cả việc liệu người ta có giả định rằng Trung Hoa sẽ theo đuổi việc mở rộng thêm lãnh thổ sau khi chiếm đóng Đài Loan và đầu tư dài hạn về quân sự và kỹ thuật cần thiết để tận dụng hết lợi thế của hòn đảo hay không. Nó cũng phụ thuộc vào tiến trình rộng lớn hơn của chính sách về Trung Hoa của Hoa Kỳ.

 

Washington có thể vẫn cam kết với chính sách hiện tại trong việc kiềm chế sự bành trướng sức mạnh của Trung Hoa bằng sự kết hợp cam kết chính trị với đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á và sự hiện diện sức mạnh quân sự tấn công đáng kể. Hoặc nó có thể áp dụng một chính sách linh hoạt hơn, chỉ giữ lại các cam kết với các đồng minh hiệp ước cốt lõi và giảm điều động quân đội tấn công. Hoặc nó có thể làm giảm tất cả những cam kết như vậy như một phần của những chính sách hạn chế hơn. Tuy nhiên, bất kể Hoa Kỳ theo đuổi chiến lược nào trong ba chiến lược này, sự kiểm soát của Trung Hoa đối với Đài Loan sẽ hạn chế khả năng hoạt động của quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và có thể đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ ở đó.

 

Nhưng vấn đề không chỉ là giá trị quân sự rất lớn của Đài Loan đặt ra vấn đề cho bất kỳ chiến lược lớn nào của Hoa Kỳ. Đó là bất kể Washington làm gì — dù có cố gắng giữ Đài Loan ngoài tay Trung Hoa hay không — thì họ cũng buộc phải đối diện với rủi ro và gánh chịu phí tổn khi đối đầu với Bắc Kinh. Là nơi mà tất cả các tình trạng khó xử trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa đều va chạm, Đài Loan là một trong những vấn đề nan giải và nguy hiểm nhất trên thế giới. Nói một cách đơn giản, Washington có rất ít lựa chọn tốt ở đó và rất nhiều lựa chọn xấu có thể gây ra tai họa.

 

ĐÀI LOAN TRÊN BÀN CÂN

 

Một cuộc tấn công của Trung Hoa vào Đài Loan có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở châu Á theo bất kỳ cách nào. Nếu Trung Hoa chiếm hòn đảo này một cách nhanh chóng và dễ dàng, nhiều tài nguyên quân sự giành cho việc chiếm đóng Đài Loan có thể được dùng để theo đuổi các mục tiêu quân sự khác. Trung Hoa cũng có thể đồng hóa những nguồn tài nguyên chiến lược của Đài Loan, chẳng hạn như quân cụ, nhân viên và ngành kỹ nghệ bán dẫn của họ, tất cả đều sẽ củng cố sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Nhưng nếu Trung Hoa thấy bị sa lầy trong một cuộc chinh phục hoặc chiếm đóng Đài Loan kéo dài, nỗ lực thống nhất bằng bạo lực có thể trở thành một lực cản đáng kể đối với sức mạnh của Bắc Kinh.

 

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc hành quân nào giao Đài Loan cho Trung Hoa đều sẽ cho phép Bắc Kinh đặt vũ khí quân sự quan trọng ở đó — cụ thể là các dụng cụ giám sát dưới nước và tàu ngầm, cùng với vũ khí phòng không và ven biển. Đóng quân ở Đài Loan, những vũ khí và quân cụ này sẽ không chỉ đơn giản là mở rộng phạm vi xâm nhập của Trung Hoa về phía đông theo chiều dài của eo biển Đài Loan, như trường hợp hỏa tiễn, máy bay, máy bay không người lái hoặc các hệ thống vũ khí khác của Trung Hoa trên đảo. Ngược lại, giám sát dưới nước và tàu ngầm sẽ cải thiện khả năng của Bắc Kinh trong việc cản trở các hoạt động của Hoa Kỳ ở Biển Philippines, một khu vực có tầm quan trọng sống còn trong nhiều kịch bản xung đột có thể xảy ra trong tương lai liên quan đến Trung Hoa.

 

Những kịch bản có khả năng xảy ra nhất xoay quanh việc Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh của mình dọc theo cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên ngoài lục địa châu Á, bắt đầu từ phía bắc Nhật Bản và chạy về phía tây nam qua Đài Loan và Philippines trước khi cuộn về phía Việt Nam. Ví dụ, Các hoạt động của hải quân Hoa Kỳ tại các vùng biển này sẽ là điều cần thiết để bảo vệ Nhật Bản trước các mối đe dọa tiềm tàng của Trung Hoa ở Biển Hoa Đông và ở cuối phía nam của quần đảo Ryukyu. Những hoạt động như vậy của Hoa Kỳ cũng sẽ quan trọng trong hầu hết các kịch bản để bảo vệ Philippines và đối với bất kỳ kịch bản nào có thể dẫn đến các cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào lục địa Trung Hoa, chẳng hạn như một vụ hỏa hoạn lớn trên Bán đảo Đại Hàn. Các hoạt động hải quân của Mỹ ở Biển Philippines sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi khả năng về hỏa tiễn ngày càng tăng của Trung Hoa khiến các máy bay trên bộ và các căn cứ trong khu vực của họ ngày càng dễ bị tổn thương, buộc Mỹ phải phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay và hỏa tiễn phóng đi từ tàu.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/large_2x/public/images/2022/06/12/map_Green_Talmadge_2.jpg?itok=2M-syzMA

Bản Đồ Tây Thái-Bình-Dương

 

Nếu một cuộc chiến ở Thái Bình Dương bùng nổ vào ngày hôm nay, thì khả năng tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả trên đường chân trời của Trung Hoa — tức là các cuộc tấn công nhắm vào các tàu Mỹ ở khoảng cách vượt quá tầm nhìn đến đường chân trời — sẽ bị hạn chế hơn so với mức thông thường… Trung Hoa có thể nhắm mục tiêu vào những hàng không mẫu hạm tấn công của Hoa Kỳ và các tàu khác trong một cuộc tấn công đầu tiên bắt đầu chiến tranh. Nhưng một khi xung đột đang diễn ra, các quân cụ giám sát tốt nhất của Trung Hoa — các radar lớn đặt trên đất liền cho phép Trung Hoa “nhìn” qua đường chân trời — có thể sẽ nhanh chóng bị phá hủy. Điều này cũng đúng với các máy bay hoặc tàu giám sát của Trung Hoa trong vùng lân cận của hải quân Hoa Kỳ.

 

Vệ tinh của Trung Hoa khó có thể bù đắp được những tổn thất này. Sử dụng các kỹ thuật mà Hoa Kỳ đã mài dũa trong Chiến tranh Lạnh, hải quân Hoa Kỳ có thể sẽ kiểm soát được các tín hiệu radar và liên lạc của chính họ và do đó tránh bị các vệ tinh nghe phát thanh điện tử của Trung Hoa phát giác. Nếu không có thông tin tình báo từ các quân cụ đặc biệt để thu thập tín hiệu loại này, những vệ tinh hình ảnh của Trung Hoa sẽ phải tự tìm kiếm quân đội Hoa Kỳ một cách ngẫu nhiên ở những vùng biển rộng lớn. Trong những điều kiện này, quân đội Hoa Kỳ hoạt động ở Biển Philippines sẽ phải đối phó với những rủi ro thực sự nhưng có thể chấp nhận được về các cuộc tấn công tầm xa và giới lãnh đạo Hoa Kỳ có lẽ sẽ không cảm thấy bị áp lực ngay lập tức để leo thang xung đột bằng cách tấn công các vệ tinh của Trung Hoa.

 

Tuy nhiên, nếu Trung Hoa giành được quyền kiểm soát Đài Loan, tình hình sẽ hoàn toàn khác. Trung Hoa có thể đặt máy vi âm dưới nước ở ngoài khơi bờ biển phía đông của hòn đảo, sâu hơn nhiều so với vùng biển mà Bắc Kinh hiện đang kiểm soát bên trong chuỗi đảo đầu tiên. Đặt ở độ sâu thích hợp, những ống nghe dưới nước đặc biệt này có thể nghe và phát giác được âm thanh tần số thấp của các tàu trên mặt biển của Mỹ cách xa hàng nghìn dặm, cho phép Trung Hoa xác định vị trí chính xác hơn bằng vệ tinh và nhắm bắn chúng bằng hỏa tiễn. (Những tàu ngầm của Hoa Kỳ chạy quá êm để những ống nghe dưới nước này có thể phát giác được.) Những khả năng như vậy có thể buộc Hoa Kỳ hạn chế vùng hoạt động của tàu nổi chỉ ở khu vực ngoài phạm vi của những ống nghe dưới nước — hoặc mở những cuộc tấn công nguy hiểm và leo thang vào các vệ tinh của Trung Hoa. Cả hai lựa chọn này đều không hấp dẫn.

 

Washington có rất ít lựa chọn tốt đối với Đài Loan và rất nhiều lựa chọn xấu có thể gây ra tai họa.

 

Hoa Kỳ khó có thể phá hủy các máy nghe dưới nước của Trung Hoa ở ngoài khơi Đài Loan. Chỉ những tàu ngầm chuyên dụng cao hoặc các phương tiện không người lái dưới nước mới có thể vô hiệu hóa chúng, và Trung Hoa sẽ có thể bảo vệ chúng bằng nhiều loại phương tiện, kể cả mìn. Ngay cả khi Hoa Kỳ đã tìm cách làm hỏng dây cáp của những ống nghe dưới nước của Trung Hoa, tàu bảo trì của Trung Hoa có thể sửa chữa chúng dưới sự che chở của hệ thống phòng không mà Trung Hoa có thể đưa lên trên đảo.

 

Hy vọng tốt nhất để làm gián đoạn hoạt động giám sát bằng ống nghe dưới nước của Trung Hoa là tấn công các trạm phân tích dữ kiện dễ bị tấn công, nơi dữ liệu được đưa vào bờ bằng cáp quang. Nhưng những trạm đó có thể rất khó tìm thấy. Dây cáp có thể được chôn trên đất liền cũng như dưới biển, và không có gì phân biệt các tòa nhà  phân tích dữ liệu với các căn cứ quân sự tương tự. Những loạt mục tiêu của Hoa Kỳ có thể có cả hàng trăm tòa nhà khác nhau bên trong nhiều căn cứ quân sự được bảo vệ kiên cố trên khắp Đài Loan.

 

Tuy nhiên, việc kiểm soát được Đài Loan sẽ làm được nhiều việc hơn là chỉ tăng cường khả năng giám sát đại dương của Trung Hoa. Nó cũng sẽ mang lại cho Trung Hoa lợi thế trong chiến tranh tàu ngầm. Với Đài Loan ở phe bạn, Hoa Kỳ có thể đề phòng trước việc tàu ngầm của Trung Hoa tấn công bằng cách đặt những ống nghe dưới nước ở những vị trí quan trọng để thu nhận âm thanh mà tàu ngầm phát ra. Hoa Kỳ có khả năng đặt những ông nghe lén dưới nước hướng lên trên — để nghe ở khoảng cách ngắn hơn — dọc theo đáy của các điểm nghẽn hẹp ở các lối vào Biển Philippines, kể cả ở những khoảng trống giữa Philippines, Quần đảo Ryukyu và Đài Loan. Ở khoảng cách gần như vậy, những ống nghe dưới nước đó có thể  nhanh chóng phát giác được ngay cả những tàu ngầm chạy êm nhất, cho phép các đơn vị trên không và trên mặt nước của Hoa Kỳ theo dõi chúng. Trong một cuộc khủng hoảng, điều đó có thể ngăn các tàu ngầm Trung Hoa “bắn tự do” vào các tàu của Mỹ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi quân cụ và vũ khí tấn công của hải quân của Mỹ dễ bị tổn thương nhất.

 

Tuy nhiên, nếu Trung Hoa giành được quyền kiểm soát Đài Loan, họ sẽ có thể đặt các tàu ngầm và yểm trợ phòng không và ở ven biển của hòn đảo này. Tàu ngầm của Trung Hoa sau đó sẽ có thể từ bến ở các cảng nước sâu phía đông của Đài Loan vào thẳng Biển Philippines, vượt qua các điểm nghẽn nơi những ống nghe dưới biển của Hoa Kỳ sẽ phát giác được. Những biện pháp phòng thủ của Trung Hoa đối với Đài Loan cũng sẽ ngăn Hoa Kỳ và đồng minh sử dụng các quân cụ tốt nhất của họ để bám theo tàu ngầm — máy bay tuần duyên và tàu trang bị trực thăng — gần hòn đảo, giúp tàu ngầm Trung Hoa tấn công trước trong khủng hoảng và giảm tỷ lệ thiệt hại trong một cuộc chiến.

 

Việc kiểm soát Đài Loan sẽ có thêm lợi thế khi giảm khoảng cách giữa những căn cứ tàu ngầm của Trung Hoa và các khu vực tuần tiễu của họ từ trung bình 670 hải lý xuống 0, cho phép Trung Hoa dùng nhiều tàu ngầm hơn vào bất kỳ thời điểm nào và mở nhiều cuộc tấn công hơn chống lại hải quân Hoa Kỳ. Những tàu ngầm của Trung Hoa cũng có thể sử dụng dữ liệu bắn chính xác hơn do ông nghe dưới nước và và vệ tinh thu thập được, nâng hiệu quả của chúng một cách đáng kể chống những tàu nổi của Mỹ.

 

DƯỚI BIỂN

 

Theo thời gian, việc thống nhất với Đài Loan có thể đem đến cho Trung Hoa những lợi thế quân sự lớn hơn nữa nếu nước này đầu tư vào hạm đội tàu ngầm tấn công hạch tâm và hỏa tiễn đạn đạo chạy êm hơn. Hoạt động quanh bờ biển phía đông của Đài Loan, các tàu ngầm này sẽ tăng cường khả năng răn đe hạch tâm của Trung Hoa và cho phép nó đe dọa những con đường biển và hải quân Đông Bắc Á trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

 

Hiện tại, tàu ngầm của Trung Hoa trang bị kém cho cuộc hành quân chống lại thương mại dầu mỏ và hàng hải của những đồng minh của Hoa Kỳ. Vận tải toàn cầu trên biển từ trước đến nay tỏ ra kiên cường khi phải đối phó với những mối đe dọa như vậy vì có thể chuyển hướng tàu thuyền ra ngoài tầm hoạt động của các thế lực thù địch. Ngay cả việc đóng cửa Kênh đào Suez từ năm 1967 đến 1975 cũng không làm tê liệt thương mại toàn cầu, vì tàu có thể đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng, mặc dù phải trả thêm một số chi phí. Khả năng phục hồi này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ phải nhắm đến những con đường vận tải biển khi chúng di chuyển về phía bắc hoặc phía tây qua Thái Bình Dương, có thể gần những hải cảng ở Đông Bắc Á. Nhưng hầu hết các tàu ngầm tấn công hiện tại của Trung Hoa là các tàu chạy bằng động cơ dầu cặn có độ chịu đựng thấp sẽ gặp khó khăn nếu phải hoạt động ở khoảng xa như vậy, trong khi một số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạch tâm có độ chịu đựng lâu hơn thì lại ồn và do đó dễ bị những ống nghe dưới nước hướng ra bên ngoài của Mỹ đặt dọc theo cái gọi là chuỗi đảo thứ hai, trải dài về phía đông nam từ Nhật Bản qua Quần đảo Bắc Mariana và qua đảo Guam.

 

Tương tự như vậy, tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo hiện tại của Trung Hoa không giúp tăng cường khả năng răn đe hạch tâm của họ. Những hỏa tiễn đạn đạo mà chúng mang theo có thể nhắm mục tiêu xa nhất là đến Alaska và góc tây bắc của Hoa Kỳ khi được phóng đi trong chuỗi đảo đầu tiên. Và bởi vì tàu ngầm rất dễ bị phát giác, rất khó để xâm nhập một cách kín đáo trong khu vực đại dương rộng mở, nơi chúng có thể đe dọa phần còn lại của Hoa Kỳ.

 

Việc chiếm lấy Đài Loan sẽ  cho Bắc Kinh một loại lựa chọn quân sự mà các cường quốc trước đây cho là rất hữu ích.

 

Ngay cả một hạm đội tương lai của Trung Hoa gồm các tàu ngầm tấn công hạch tâm hoặc tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo êm hơn nhiều, có thể né tránh những ống nghe dưới nước hướng ra bên ngoài dọc theo chuỗi đảo thứ hai vẫn sẽ phải vượt qua những ống nghe dưới nước hướng lên trên của Hoa Kỳ nép mình ở các lối ra đến chuỗi đảo thứ nhất. Những rào cản này sẽ cho phép Hoa Kỳ gây tổn thất đáng kể đối với các tàu ngầm tấn công hạch tâm tiên tiến của Trung Hoa qua lại trên những đường hàng hải Đông Bắc Á và cản trở đáng kể nhiệm vụ của các tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo của Trung Hoa, gần như chắc chắn sẽ có ít hơn.

 

Nhưng nếu muốn chiếm được Đài Loan, Trung Hoa phải có thể tránh được những ống nghe dưới nước của Hoa Kỳ dọc theo chuỗi đảo đầu tiên, mở ra tiềm năng quân sự của các tàu ngầm chạy êm hơn. Những tàu ngầm này có thể vào thẳng Biển Philippines và được sự bảo vệ của những lực lượng phòng không và ven biển của Trung Hoa, vốn bám theo các tàu và máy bay của Mỹ. Một hạm đội tàu ngầm tấn công hạch tâm êm hơn xuất phát từ Đài Loan cũng sẽ có đủ sức chịu đựng cho một cuộc hành quân chống lại các đường vận tải biển Đông Bắc Á. Và một hạm đội tàu ngầm êm hơn mang hỏa tiễn đạn đạo có thể xâm nhập khi đại dương rộng mở sẽ cho phép Trung Hoa đe dọa lục địa Hoa Kỳ bằng một cách đáng tin cậy hơn bằng một cuộc tấn công hạch tâm từ biển.

 

Tất nhiên, vẫn còn phải xem liệu Trung Hoa có thể làm chủ các kỹ thuật yên tĩnh tiên tiến hơn hay giải quyết một số vấn đề đã gây ra cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạch tâm của họ hay không. Và tầm quan trọng của những khả năng chống hàng hải và hạch tâm trên biển vẫn còn là vấn đề tranh luận, vì ảnh hưởng tương đối của chúng sẽ phụ thuộc vào những khả năng khác mà Trung Hoa theo đuổi hoặc không phát triển và vào những mục tiêu chiến lược mà họ theo đuổi trong tương lai. Tuy nhiên, hành động của những cường quốc trong quá khứ là bảng chỉ đường. Đức Quốc xã và Liên Xô đều đầu tư mạnh vào các tàu ngầm tấn công, và các nước sau này cũng đầu tư tương tự vào các tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo.

 

Những nước  dân chủ đối thủ của những quốc gia đó cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn vì những khả năng dưới đáy biển này và đã nỗ lực rất lớn để vô hiệu hóa chúng. Do đó, việc Trung Hoa chiếm Đài Loan sẽ cho Bắc Kinh một loại lựa chọn quân sự mà các cường quốc trước đây cho là rất hữu ích.

 

KHÔNG CÓ LỰA CHỌN TỐT

 

Sự hiểu biết đầy đủ hơn về giá trị quân sự của Đài Loan rõ ràng củng cố lập luận ủng hộ việc giữ hòn đảo trong tay phe thân thiện. Tuy nhiên, lập luận đó phải quyết định đến mức nào, một phần phụ thuộc vào chiến lược tổng thể mà Hoa Kỳ theo đuổi ở châu Á. Và bất cứ cách giải quyết nào mà Washington áp dụng, nó sẽ phải đối phó với những thách thức và tình trạng khó xử bắt nguồn từ những lợi thế quân sự mà Đài Loan có tiềm năng trao cho bất kỳ ai kiểm soát nó.

 

Nếu Hoa Kỳ duy trì chiến lược hiện tại là be bờ Trung Hoa, duy trì mạng lưới liên minh và sự hiện diện quân sự lâu dài ở châu Á, thì việc bảo vệ Đài Loan có thể rất tốn kém. Xét cho cùng, giá trị quân sự của hòn đảo cho Trung Hoa một động cơ mạnh để thúc đẩy việc thống nhất, ngoài những thôi thúc dân tộc chủ nghĩa thường được viện dẫn nhất. Do đó, việc răn đe Bắc Kinh có lẽ sẽ đòi hỏi Mỹ phải từ bỏ chính sách mơ hồ chiến lược có từ lâu nay về việc liệu Washington có đến bảo vệ Đài Loan theo cam kết hỗ trợ quân sự rõ ràng hay không.

 

Nhưng việc chấm dứt sự mơ hồ chiến lược có thể gây ra khủng hoảng mà chính sách đã lập ra để ngăn chặn. Nó gần như chắc chắn sẽ làm tăng áp lực cho một cuộc chạy đua vũ trang giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa với dự đoán xảy ra xung đột, tăng cường sự cạnh tranh vốn đã nguy hiểm giữa hai cường quốc. Và ngay cả khi một chính sách rõ ràng về chiến lược thành công trong việc ngăn chặn nỗ lực của Trung Hoa đánh chiếm Đài Loan, nó có khả năng sẽ thúc đẩy Trung Hoa bù đắp những bất lợi quân sự của họ theo một cách nào đó, làm căng thẳng leo thang.

 

Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể theo đuổi một vành đai an ninh linh hoạt hơn nhằm loại bỏ cam kết với Đài Loan trong khi vẫn duy trì các liên minh hiệp ước và một số lực lượng quân sự triển khai ở châu Á. Cách giải quyết như vậy sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột vì Đài Loan, nhưng nó sẽ kéo theo các chi phí quân sự khác, một lần nữa do giá trị quân sự của hòn đảo. Quân đội Hoa Kỳ sẽ cần phải thực hiện các sứ mệnh của họ trên một chiến trường nguy hiểm hơn nhiều vì tàu ngầm và ống nghe dưới nước của Trung Hoa đặt ở ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan. Do đó, Mỹ có thể cần đưa ra mồi nhử để đánh lừa những ống nghe dưới nước của Trung Hoa, nghĩ ra cách hoạt động ngoài phạm vi bình thường của chúng hoặc chuẩn bị cắt dây nối những quân cụ loại này với những trung tâm phân tích trên đất liền trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Washington gần như chắc chắn muốn tăng cường nỗ lực phá vỡ các vệ tinh của Trung Hoa.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/large_2x/public/images/2022/06/12/Taiwan_air_force.jpg?itok=-Zk7AaWV

Phản lực cơ Đài Loan bay qua Đài Bắc, tháng 10 năm 2021. Chris Stowers / P anos Pictures / Redux

 

Nếu Hoa Kỳ đi theo con đường này, việc trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ trở thành một việc khó khăn hơn nhiều. Chính vì quyền kiểm soát Đài Loan sẽ mang lại cho Bắc Kinh những lợi thế quân sự đáng kể, Nhật Bản, Philippines và Nam Hàn có thể sẽ yêu cầu Hoa Kỳ thể hiện rõ ràng cam kết tiếp tục của họ. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ có khuynh hướng lo ngại khả năng hoạt động của Hoa Kỳ trên bề mặt Biển Philippines bị suy giảm sẽ chuyển thành khả năng cưỡng bức hoặc tấn công của Trung Hoa được nâng cao, đặc biệt là khi các đảo ở cực nam của Nhật Bản gần với Đài Loan.

 

Về lâu dài, đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực cũng có thể sẽ lo sợ về mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Hoa đối với những con đường vận chuyển và lo ngại rằng biện pháp răn đe hạt nhân trên biển mạnh hơn của Trung Hoa sẽ làm giảm độ tin cậy trong những cam kết của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ họ không bị tấn công. Dự đoán về những mối nguy hiểm này gần như chắc chắn sẽ thôi thúc đồng minh của Hoa Kỳ muốn có sự trấn an lớn hơn của Hoa Kỳ dưới hình thức các hiệp ước quốc phòng chặt chẽ hơn, viện trợ quân sự bổ túc và đưa quân của Hoa Kỳ vào trong khu vực một cách rõ ràng hơn, kể cả lực lượng hạch tâm trên hoặc gần lãnh thổ của các đồng minh và có thể hợp tác với chính phủ của họ trong việc lập kế hoạch hạch tâm. Đông Á có thể trông giống như Châu Âu đã làm trong giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, với việc những đồng minh của Hoa Kỳ yêu cầu họ thể hiện cam kết khi đối phó với những nghi ngờ về cán cân sức mạnh quân sự. Nếu Chiến tranh Lạnh là bất kỳ dấu hiệu nào, thì chính những bước đi như vậy có thể làm tăng nguy cơ leo thang hạch tâm trong một cuộc khủng hoảng hoặc chiến tranh.

 

Cuối cùng, Hoa Kỳ có thể theo đuổi một chiến lược chấm dứt cam kết với Đài Loan, đồng thời giảm sự hiện diện quân sự ở châu Á và các cam kết liên minh khác trong khu vực. Chính sách như vậy có thể hạn chế sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Nhật Bản hoặc thậm chí cắt giảm mọi cam kết của Hoa Kỳ ở Đông Á. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, giá trị quân sự tiềm tàng của Đài Loan đối với Trung Hoa vẫn sẽ có thể tạo ra những động lực nguy hiểm trong khu vực. Lo ngại số hòn đảo của họ có thể bị xâm chiếp tiếp theo, Nhật Bản có thể chiến đấu để bảo vệ Đài Loan, ngay cả khi Hoa Kỳ không làm vậy. Kết quả có thể là một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc ở châu Á có thể lôi kéo Hoa Kỳ, dù sẵn sàng hay không. Một cuộc chiến như vậy sẽ rất tàn khốc. Tuy nhiên, việc làm đảo lộn trạng thái cân bằng mong manh hiện tại bằng cách nhượng lại hòn đảo có giá trị quân sự này có thể khiến một cuộc chiến như vậy dễ xảy ra hơn, củng cố một lập luận cốt lõi ủng hộ chiến lược lớn hiện tại của Hoa Kỳ: rằng các cam kết liên minh của Hoa Kỳ và sự hiện diện quân đội tấn công có ảnh hưởng răn đe và hạn chế xung đột trong vùng đất.

 

Tuy nhiên, cuối cùng, giá trị quân sự độc đáo của Đài Loan đặt ra vấn đề cho cả ba chiến lược lớn của Hoa Kỳ. Cho dù Hoa Kỳ củng cố cam kết với Đài Loan và đồng minh ở châu Á hay đẩy lùi họ, toàn bộ hay một phần, tiềm năng của hòn đảo này trong việc thay đổi cán cân quân sự của khu vực sẽ buộc Washington phải đối phó với những đánh đổi khó khăn, nhường lại khả năng điều động quân sự trong khu vực hoặc bằng cách nào khác có nguy cơ chạy đua vũ trang hoặc thậm chí là xung đột công khai với Trung Hoa. Đó là bản chất xấu xa của vấn đề do Đài Loan đặt ra, vốn nằm ở mối liên hệ giữa quan hệ Mỹ-Trung, địa chính trị và cán cân quân sự ở châu Á. Bất kể chiến lược lớn mà Washington theo đuổi là gì, giá trị quân sự của hòn đảo sẽ thể hiện một số nguy cơ hoặc thiệt hại nào đó.

 

-----------

Tác giả:

 

BRENDAN RITTENHOUSE GREEN là Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Cincinnati.
CAITLIN TALMADGE là Phó Giáo sư Nghiên cứu An ninh tại Trường Công tác Ngoại giao Walsh thuộc Đại học Georgetown.

 

Luận văn này phỏng theo bài báo sắp xuất bản của họ trên Tạp chí An ninh Quốc tế (Mùa hè 2022).

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: 

 

The Consequences of Conquest | Brendan Rittenhouse Green and Caitlin Talmadge | Foreign Affairs | July/August 2022.





No comments:

Post a Comment

View My Stats