Monday 19 April 2021

ĐẤU TRANH CHỐNG TOÀN TRỊ TẠI VIỆT NAM THIẾU YẾU TỐ KINH TẾ, XÃ HỘI (Jackhammer Nguyễn)

 



Đấu tranh chống toàn trị tại Việt Nam thiếu yếu tố kinh tế, xã hội  

Jackhammer Nguyễn

20/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/20/dau-tranh-chong-toan-tri-tai-viet-nam-thieu-yeu-to-kinh-te-xa-hoi/

 

Ngày 9/1/2020 hàng ngàn công an có võ trang ập vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội đàn áp những người đòi đất. Cuộc đàn áp đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam hơn 30 năm qua, làm thiệt mạng một nông dân là ông Lê Đình Kình, cùng ba viên công an.

 

Theo dõi diễn biến của vụ Đồng Tâm liên quan đến đất đai diễn ra nhiều năm trước cho đến ngày 9/1/2020, sẽ thấy rằng, nguyên nhân quyền lợi đất đai có vẻ không phải là điều làm cho nhà cầm quyền, mà cụ thể ở đây là Bộ Công an ra tay đàn áp (có những thông tin cho biết, thành phố Hà Nội chống lại việc đàn áp), mà nguyên nhân chính là sự mất kiểm soát ở cấp thôn xã của nhà cầm quyền và việc kiểm soát này lọt vào tay gia đình ông Lê Đình Kình.

 

Dù nguyên nhân như thế nào, điều mọi người nhìn thấy là, sau đó không có việc chống đối nào từ phía dân chúng, ngoài những chỉ trích trên mạng xã hội, cùng một số ít từ các cơ quan nhân quyền quốc tế. Có thể sự việc diễn ra khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu, do các biện pháp cách ly gắt gao trong nước để chống dịch, góp phần dẫn tới việc không có một cuộc phản kháng nào, nên ít thu hút sự chú ý của công luận ngoài nước.

 

Nhưng với mức độ đẫm máu qua vụ Đồng Tâm và không khí yên lặng sau đó làm cho một số nhà quan sát trong và ngoài nước chú ý. Một số nhà bình luận nhận định rằng, phong trào đối kháng tại Việt Nam chống lại chế độ toàn trị kết thúc, ít nhất trong lúc này.

 

Tôi cũng chia sẻ quan điểm này. Vài tháng sau vụ Đồng Tâm, nhà hoạt động xã hội hàng đầu Việt Nam là Phạm Đoan Trang bị bắt. Cũng không có phản ứng nào đáng kể, ngoài các chỉ trích trên mạng xã hội và một vài lời kêu gọi từ quốc tế.

 

Những gương mặt ít gây chú ý hơn cũng lần lượt bị bắt. Người mới nhất vừa bị bắt là bà Nguyễn Thúy Hạnh. Cũng không có phản ứng nào quan trọng.

 

Theo ghi nhận của giáo sư Mạc Văn Trang, bà Nguyễn Thúy Hạnh là người có thể sống một cuộc sống trên mức trung lưu ở Việt Nam, nếu bà không dấn thân vào con đường đấu tranh. Tương tự như vậy, ta cũng có thể kết luận về các trường hợp nổi tiếng hơn như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng…

Một điểm chung của những người này là, họ xuất thân từ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam được hình thành trong hơn 30 năm qua, họ sống ở đô thị, và việc dấn thân của họ xuất phát từ tình cảm chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam, mà họ thấy các lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam không lên tiếng hay có hành động phản kháng nào đáng kể. Những ý thức về sự công bằng xã hội, bình đẳng chính trị, bảo vệ môi trường, chống toàn trị… đến với họ sau đó.

 

Bên cạnh việc đấu tranh của nhóm cư dân đô thị này, trong gần 20 năm qua cũng có các cuộc đình công có tổ chức của công nhân, các cuộc đấu tranh đòi đất của nông dân (thường không có tổ chức), các cuộc biểu tình lớn sau thảm họa môi trường Formosa. Trong các cuộc đấu tranh này, những cuộc đình công của công nhân, biểu tình của nông dân, không có yếu tố Trung Quốc.

 

Tình hình đã thay đổi khi nhà nước Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ hơn, cho phép báo chí chính thống lên án Trung Quốc, những hoạt động quân sự cũng dứt khoát hơn, như vụ tập trận ở Trường Sa đầu tháng 4/2021.

 

Bên cạnh đó, những cuộc biểu tình đòi đất cũng giảm do sự phối hợp giữa Hà Nội và địa phương, giải quyết bằng cách này hay cách khác. Các tổ chức nghiệp đoàn độc lập mới manh nha hình thành đã bị phá tan, các thủ lĩnh bị cầm tù, lưu vong, hay bỏ cuộc.

 

Tóm lại các lý do để phản kháng không còn nữa, đối với đại đa số dân chúng Việt Nam, một quốc gia đang thay đổi cơ cấu kinh tế xã hội, từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp gia công và chế tạo, thương mại. Một bộ phận dân chúng khá hơn, và họ hài lòng về điều đó.

 

Vẫn có các phàn nàn về văn hóa, giáo dục, tư pháp… nhưng nó không đủ mạnh để gây ra các cuộc phản kháng lớn như ở Hồng Kông, Miến Điện, Thái Lan, vì thiếu yếu tố kinh tế và xã hội (ngay cả cuộc phản kháng lớn ở Hồng Kông trong hai năm qua, với sự biểu hiện chính trị và văn hóa rất cao, cũng được cho là có nguyên nhân kinh tế và xã hội sâu xa).

 

Trong hoàn cảnh thiếu lý do kinh tế, xã hội; các lý do chính trị, văn hóa, thể chế không đủ mạnh để tạo nên một phong trào phản kháng. Một số người muốn dùng kiểu tuyên truyền về quyền tự do ứng cử của đảng Cộng sản để đấu tranh, bằng cách tự ra ứng cử cho cuộc bầu cử vào tháng 5/2021. Trong những người này, một số đã bị bắt, nhưng không gây hiệu ứng gì đáng kể.

 

Một số nghi ngờ về tham nhũng và chủ nghĩa tư bản thân hữu như vụ ký duyệt xây dựng sân golf trên đất rừng, chỉ gây ra chỉ trích trên mạng xã hội.

 

Các “đại án” tham nhũng vẫn còn đó, nhưng bị đa số dân chúng không xem là chuyện của họ, mà của những người có quyền và tiền với nhau.

 

Trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển tốt trong thời kỳ hậu Covid-19, việc đó sẽ giúp cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục khống chế được sự phản kháng chế độ toàn trị.

 

Nhưng các chế độ toàn trị sẽ gây ra những bất công về kinh tế và xã hội về lâu dài, mà cụ thể là nó sẽ không giải quyết được nạn chế độ tư bản thân hữu vô cùng độc hại.

 

Những người chủ trương thay đổi chế độ toàn trị, những người đấu tranh cho dân chủ và dân quyền ở Việt Nam (trong đó có người viết bài này) sẽ phải làm gì?

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats