Monday 1 February 2021

BẾ MẠC ĐẠI HỘI 13 (BTV Tiếng Dân)

 



Bế mạc Đại hội 13

BTV Tiếng Dân

01/02/2021

https://baotiengdan.com/2021/02/01/be-mac-dai-hoi-13/

 

Sau tám ngày trình diễn như các kịch bản đã tập dợt, hôm nay Đại hội 13 bế mạc, sớm hơn một ngày so với lịch trình. Chi tiết đáng lưu ý trong thủ tục bế mạc sáng nay: Đại hội Đảng XIII quyết nghị không sửa Điều lệ Đảng, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

 

Ông Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng TƯ đảng, thành viên Ban Bí thư khóa 13 cho biết, “đại hội thống nhất không sửa đổi Điều lệ Đảng, giao Ban chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét ban hành các quy định thi hành Điều lệ Đảng cho phù hợp”. Như vậy là toàn bộ đại biểu tham dự Đại hội 13 cố tình làm ngơ hành vi sai phạm nghiêm trọng điều lệ đảng: Tổng Bí thư không được làm quá 2 nhiệm kỳ, như được thể hiện trong chương III, điều 17 của điều lệ đảng CSVN.

 

Trước khi Đại hội diễn ra, có ý kiến cho rằng, khả năng vây cánh Tổng Trọng sẽ tìm cách sửa điều lệ, vì nếu không sửa mà cứ để ông Trọng làm tiếp nhiệm kỳ thứ 3 thì quá trơ trẽn. Nhưng hóa ra người đứng đầu chế độ trơ trẽn thật.

 

Sau bài phát biểu bế mạc Đại hội 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp báo sau ĐH Đảng XIII, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Buổi họp báo kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, PV báo “lề đảng” và báo chí nước ngoài đều đặt câu hỏi. Tổng Trọng tiếp tục thể hiện sự trơ trẽn của người đứng đầu. Buổi họp báo là cái cớ để ông ta tự tô vẽ hành vi “bám ghế” và thông báo kế hoạch “đốt lò” sắp tới.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/0-1.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi họp báo bế mạc Đại hội XIII, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng ngồi bên cạnh. Ảnh: TTXVN

 

Muốn “bám ghế” nhưng không sửa điều lệ, nên ông Trọng phải tận dụng buổi họp báo này. Báo Tiền phong dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tôi đã xin nghỉ, nhưng không được chấp nhận. Tổng Trọng nói: “Bản thân năm nay tuổi cao, sức khoẻ không được tốt như trước, bản thân đã xin nghỉ, nhưng không được chấp nhận, Đại hội vẫn bầu, nên vẫn phải hết sức cố gắng, phải làm”.

 

Ông Trọng đã tạo tiền lệ để các quan chức trong nhiệm kỳ tiếp theo, khi làm sai, làm trái điều lệ đảng, chỉ cần đưa ra lý do: Tôi đâu muốn làm nhưng người ta cứ bắt tôi làm; là có thể hợp thức hóa mọi điều sai trái. Người đứng đầu làm sai, ngụy biện để hợp thức hóa cái sai thì không thể trông chờ gì ở cấp dưới của ông.

 

TS Nguyễn Ngọc Chu đặt câu hỏi: Xin nghỉ mà không được nghỉ? Tác giả so sánh, ngay cả nhà độc tài Vladimir Putin của Nga, sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống đã phải tạm “lùi bước”, nhường cho ông Dmitry Medvedev làm Tổng thống nhiệm kỳ 2008-2012, trước khi ông Putin “danh chính ngôn thuận” ngồi lại cái ghế này. Kẻ tham quyền như Putin hóa ra vẫn còn chút ý thức tôn trọng luật lệ do chế độ ông ta đặt ra, nếu so với Tổng Trọng.

 

Vẫn lời hứa hẹn quen thuộc của Tổng Trọng: Phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, bất kể đó là ai, báo Giáo Dục Thời Đại ghi lại. Ông Trọng có thể thực hiện lời hứa này ngay lập tức bằng cách… tự phế truất và tống giam chính ông. Bởi vì không ai ở VN hiện nay có thể tham nhũng quyền lực được như ông Tổng, ngày nào ông còn ngồi trên “ngai vàng” thì ngày đó vấn nạn tham nhũng còn tồn tại ở tầng cao nhất của chế độ.

 

Zing dẫn lời Tổng bí thư: ‘Có người xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra biếu xén’. Ông Trọng kể chuyện, mà ông từng kể hồi tháng 12/2020, rằng có người hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra TƯ để biếu xén, lấp liếm. Ông đã yêu cầu cán bộ Ủy ban Kiểm tra mở ra xem là cái gì: “Mở vali ra thì thấy đó là tiền đô la. Tôi yêu cầu khóa lại, lập biên bản, yêu cầu ký vào”. Ông Trọng chỉ cần quyền hành, các nhu cầu khác của ông liên quan tới tiền bạc thì đã có đảng lo rồi.

 

Báo Quốc Tế dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tham nhũng ở nước nào cũng có và phải làm quyết liệt. Đúng như ông nói, tham nhũng có mặt ở hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngay cả nước Mỹ cũng vừa thoát khỏi chế độ “gia đình trị” và lạm dụng quyền lực kéo dài suốt 4 năm qua. Ông Donald Trump đến ngày cuối của nhiệm kỳ vẫn còn tranh thủ ra giá cho các lệnh ân xá.

 

Nhưng người Mỹ, cũng như người dân ở các nước dân chủ khác, có thể dùng lá phiếu của họ để buộc những kẻ không xứng đáng phải trao trả quyền lực cho người xứng đáng, sau 4 năm chờ đợi. Đó là “quyền lực mềm” của người dân Mỹ mà không ai có thể tước đoạt. Còn người dân VN, nhất là dân miền Nam, đã chờ đợi hơn 45 năm rồi nhưng vẫn chưa thể sở hữu quyền đó.

 

Trong buổi họp báo, ông Võ Văn Thưởng thừa nhận, bốn nguy cơ thách thức đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ, theo báo Công Lý. Các nguy cơ đó là: 1. Tụt hậu xa hơn về kinh tế; 2. Chệch hướng xã hội chủ nghĩa; 3. Nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; 4. Âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

 

Nền kinh tế của chế độ tuy ảm đạm nhưng chưa có dấu hiệu khủng hoảng, dù sự chệch hướng đã diễn ra từ năm 1991, khi lãnh đạo VN chấp nhận bắt tay với “bạn vàng” để duy trì chế độ. Nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng, người vừa đắc cử chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3 chính là biểu hiện của tham nhũng quyền lực. Hiện tượng “tự diễn biến” vẫn diễn ra khi luôn có người tuồn thông tin nội bộ ra ngoài.

 

Thông Tấn Xã VN có đồ họa, liệt kê thành viên cơ quan “đốt lò” khóa 13: 19 đồng chí trong Ủy ban Kiểm tra TW Đảng khóa XIII.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/0-2.jpg

 

Nhà báo Huy Đức viết về người sẽ thay ghế Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc: Nhân vật của năm, của Đại hội XIII: Phạm Minh Chính. Tác giả nói về ông Chính và sếp cũ của ông: “Ông Hoàng Ngọc Nhất hẳn đã rất tinh khi chọn ông Chính làm thư ký. Nhưng ít có một thư ký nào khi ‘sếp’ mình ‘rớt đài’ không những không ‘việt vị’ mà còn tiến rất xa hơn ‘sếp’. Phần sau trong sự nghiệp của ông có vai trò rất đáng kể của ông Nguyễn Tấn Dũng”.

 

VOA có bài tổng hợp nhận định của giới quan sát: Đảng Cộng sản VN có khủng hoảng về tìm lãnh đạo kế cận. TS Lê Hồng Hiệp bình luận: “Ở một nghĩa nào đó, có thể coi là có khủng hoảng ở mức độ nhất định trong việc tìm kiếm những nhân vật lãnh đạo phù hợp để thay thế những nhân vật đã quá giới hạn độ tuổi hoặc quá giới hạn nhiệm kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ có thể được coi là một giải pháp tình thế để ngăn khủng hoảng có thể xảy ra”.

 

Về tình hình người nhà “đồng chí X”: Con trai Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục ‘ở lại trung ương’ dù ‘bị kỷ luật’, theo báo Người Việt. Tin cho biết, trong cuộc bỏ phiếu bầu BCH TƯ Đại hội 13, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt số phiếu 87.8% trong lúc Tổng Trọng được cho là đạt 89%. “Với việc lọt vào Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 13, con trai cựu Thủ Tướng Dũng được cho là đủ điều kiện lên chức bộ trưởng Xây Dựng CSVN”.

 

______

 

Mời đọc thêm: 100% đại biểu đồng ý thông qua Nghị quyết Đại hội XIII (ĐT). – Bế mạc Đại hội XIII: Không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng (TN). – Đại hội XIII đồng ý không sửa đổi điều lệ Đảng (VNE).  – Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (TTXVN). – Việt Nam : Bế mạc Đại hội Đảng, công bố danh sách Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư (RFI). – Đại hội Đảng 13 kết thúc, không đổi điều lệ sau khi áp dụng “trường hợp đặc biệt” (RFA).

 

– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử với số phiếu gần như tuyệt đối (VTC). – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời tại họp báo sau Đại hội (PLTP). – Thông điệp của Tổng Bí thư: ‘Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt’ (VNF). – Ông Trọng: “Có người thấy tôi yếu yếu cũng lo!” (RFA).

– TBT Trọng tiếp tục ‘đốt lò’ và trấn áp tiếng nói bất đồng? (BBC). – Chùm ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi họp báo đầu tiên của Đại hội Đảng khóa XIII (VietTimes). – Bốn nguy cơ thách thức lớn được Đảng xác định gần 1/4 thế kỷ “vẫn còn tồn tại“ (PLVN).  – Những con số thú vị về Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (Zing).

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats