Wednesday 24 February 2021

NGƯỜI THIÊN CHÚA GIÁO TẠI MỸ và MỘT TRIỆU OAN HỒN NGƯỜI DÂN IRAQ (Phạm Hồng Lam)

 



 

Người Thiên Chúa Giáo tại Mỹ và một triệu oan hồn người dân Iraq

Phạm Hồng-Lam

Posted on February 23, 2021   

http://54.213.87.54/2021/02/23/nguoi-thien-chua-giao-tai-my-va-mot-trieu-oan-hon-nguoi-dan-iraq/

 

Thế còn một triệu oan hồn người dân Iraq? Ai chịu trách nhiệm về những cái chết này?

 

 

Hơn một nửa số tín hữu trong giáo hội thiên chúa giáo ở Mỹ đã hồ hởi “quyết đánh” cùng với Tổng Thống của họ về một cuộc chiến bất chính. Họ có trách nhiệm nào không trước những cái chết kia? Những người Thiên Chúa giáo này rất lớn tiếng bảo vệ những bào thai chưa sinh ra. Nhưng với những sự sống đã chào đời rồi, đặc biệt những sự sống không thuộc quốc gia hay màu da với họ, họ chẳng màng. Tại sao?

 

http://blog.louielighting.com/wp-content/uploads/2015/09/9-11-lights-stephanie-fierman-1.jpg

September 11, 2015 | New York. http://blog.louielighting.com

 

Cuộc lên đồng tập thể của người dân nước Mỹ (từ gọi tắt của Hiệp chủng [chúng] quốc Hoa Kỳ, United States of America) đối với cựu tổng thống D. Trump làm tôi nhớ lại tâm trạng người dân nước này cách đây mười bảy năm, khi tổng thống G.W. Bush chuẩn bị đánh chiếm Iraq vào tháng Ba năm 2003.

 

Thời đó, một nửa dân số Mỹ, trong đó cũng có hơn một nửa tín đồ của giáo hội Thiên Chúa giáo tại đây, đã  đồng thanh với Tổng Thống của họ „quyết chiến“ đánh Iraq. Cuộc khủng bố „11/9“ đã gây cho người dân Mỹ một nỗi đau và nhục nhã quá lớn. Và tổng thống G.W. Bush lợi dụng cơ hội này để mở ra một cuộc chiến bất chính.

 

Ngày nay, trên dưới 74 triệu cử tri Mỹ, trong đó có gần một nửa lượng tín hữu trong giáo hội công giáo, cũng lại hồ hởi trước những kích động giả dối và đầy tính âm mưu của Donald Trump. Ông này đã làm họ tin rằng, cuộc chiến thắng ngày 03.11.2020 của mình đã bị Đảng Dân Chủ đánh cắp bằng gian lận bầu cử. Đồng thời, các phong trào tin giả cũng đã khiến cho một số lớn tín hữu Ki-tô giáo nước này tin rằng, Donald Trump là người của thiên chúa gởi xuống trần để giải cứu nước Mỹ và thế giới thoát khỏi nanh vuốt sự dữ “nhà nước ngầm” do đám đầu lãnh của Đảng Dân Chủ lãnh đạo. Và vì thế ngày 06.01.2021 họ đã cùng nhau kéo về Washington tấn công bạo loạn nhằm lật ngược kết quả bầu cử cho chủ mình.

 

Nhưng hãy trở lại với câu chuyện cũ.

 

Chiều ngày 20.03.2003 tất cả các nhà thờ công giáo trên nước Đức và trên nhiều nước Âu Châu đồng loạt đổ chuông. Tiếng chuông báo thức cuộc chiến bắt đầu. Trước đó, trong đêm 19 rạng ngày 20 những quả bom và hỏa tiễn tân tiến đầu tiên của Mỹ bắt đầu ào ạt đổ xuống lãnh thổ Iraq. Đó cũng là tiếng chuông gọi hồn cho trên dưới 1.000.000 sinh linh vô tội ở Iraq rồi đây sẽ phải chết vì chiến dịch „Iraqi Freedom“ trong những ngày tháng tới.

 

Giáo tông Gio-an Phao-lô II. đã làm hết sức mình, để ngăn chận cuộc chiến, nhưng đã thất bại. Hành động này trước hết là vì sứ mạng đương nhiên của một người lãnh đạo tôn giáo, thứ nữa, vì hơn ai hết Gio-an Phao-lô là người nắm vững nhất sự thật về chính trường của Iraq lúc đó.

 

Tôi quan tâm theo dõi tìm hiểu cuộc chiến. Và thấy chưa bao giờ sinh hoạt chính trị ở Roma nhộn nhịp như thế trong những ngày tháng này. Tariq Aziz, ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng của Iraq và là tín hữu Ki-tô giáo duy nhất trong chính phủ nước này, bay qua lại Roma nhiều lần, để nhờ Giáo Tông giúp tìm cách khai thông bế tắc và ngăn chận cuộc tấn công của Mỹ.

 

 

Nỗ lực vô vọng của giáo tông Gio-an Phao-lô II

 

Nỗ lực cuối cùng của Giáo Tông là bức thư đề ngày 3 tháng 3 năm 2003, mà Ông nhờ vị cựu sứ thần của mình tại Mỹ là giáo trụ Pio Laghi (1922-2009) đích thân mang tới cho tổng thống Bush. Thời đó người ta đã biết có bức thư này, nhưng không ai biết nội dung của nó. Bức thư được giữ kín từ đó và mới được cơ quan đặc trách văn khố NARA[1] trao cho ký giả Paul Moses một bản sao chụp vào cuối tháng 12 năm 2019, và được báo „Commonweal“ phổ biến sau đó (xem nội dung lá thư qua địa chỉ ghi dưới bài). Trong thư, Giáo Tông giới thiệu với G.W. Bush về vị đặc sứ của mình và vị này sẽ nói lên „tất cả những gì tôi ôm ấp trong lòng về hạnh phúc của mọi người“, đồng thời yêu cầu tổng thống G.W. Bush hãy dấn thân cho hòa bình và nên tránh chiến tranh vũ trang. „Tôi xác tín rằng, hòa bình là chuyện bao giờ cũng có thể có được, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.“ Đặc sứ Laghi có nhiệm vụ trao đổi với Bush, để xem có còn lối thoát nào ngăn chận được cuộc chiến tranh đang đe dọa hay không. Giáo Tông kết thúc lá thư:

 

„Tôi tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban cho Ông và cho tất cả những ai nắm giữ quyền lực cao nhất của quốc gia sự can đảm, để tìm ra lối thoát cho một nền hòa bình lâu dài, đó là cái cao quý nhất trong những nỗ lực của hết thảy mọi người.“ (Pope John Paul II)

 

Cuộc gặp đã không ngăn được chiến tranh. Ngày 16 tháng 3, trong buổi kinh truyền tin, Pope John Paul II khẩn thiết gởi tới thế giới hoàn vũ sứ điệp sau cùng này:

 

„Hãy còn thời gian để đàm phán. Còn có không gian cho hòa bình. Không bao giờ là quá trễ trong việc tiếp tục tìm hiểu nhau và đàm phán.“

 

Bốn ngày sau, G.W. Bush khai chiến.

 

Ngay sau cuộc gặp, đặc sứ Laghi cho phổ biến một bản thông cáo của mình. Trong đó ông không nói ra hết mọi điều, nhưng nhấn mạnh hai điểm:

 

1.    chính quyền Iraq có nhiệm vụ cắt giảm vũ trang và tôn trọng nhân quyền;

2.    theo Tòa Thánh, vẫn còn có thể có một lối giải quyết hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

 

Ngoài ra Đặc Sứ cũng cho biết nỗi quan tâm của Tòa Thánh: cuộc chiến tranh có thể sẽ làm rối loạn toàn vùng và có thể sẽ tạo ra một hố sâu phân rẽ giữa Ki-tô Giáo và Islam.

 

Điểm thứ ba này là cái ưu tư lớn nhất của các Giáo Hội tại Âu Châu lúc đó. Họ lo rằng, cái nôi kỳ cựu nhất còn lại của Ki-tô Giáo ở Trung Đông có nguy cơ sẽ mất; Iraq là vùng đất hiếm hoi, trong đó Ki-tô Giáo còn (được) sống hòa bình với các tôn giáo khác. Các tổ chức tôn giáo và xã hội có liên quan trong công tác tị nạn tại một số nước âu châu được thông báo chuẩn bị cho tình huống sẽ có những làm sóng tị nạn ào ạt từ Trung Đông vào Âu Châu.

 

Và tiên đoán của Vatican cũng như của các giáo hội Ki-tô giáo ở Âu Châu đã đúng: Ki-tô Giáo ở Iraq hiện nay coi như đã bị xóa sổ. Từ một triệu rưỡi tín hữu trước cuộc chiến nay chỉ còn khoảng 100 ngàn, và những người sống sót này cũng đang tìm mọi cách thoát khỏi nước.

 

Đặc sứ Laghi là người chẳng xa lạ gì với gia đình Bush. Ông là bạn đánh Golf của tổng thống Bush cha.

 

Bảy tháng sau cuộc gặp, Laghi cho biết thêm: TT. Bush xem qua lá thư, để nó qua một bên, và bắt đầu nói huyên thuyên về nhiều chuyện. Nhưng Laghi chận lại: „Tôi tới đây không chỉ để nghe, mà cả để yêu cầu Ông nghe.

 

Khi Bush nói tới việc (tổ chức khủng bố) al-Qaeda dùng đất Iraq để huấn luyện quân, Laghi hỏi lại: „Ông có chắc không? Ông có bằng chứng không?

 

Và rồi hai người nói nhiều về hậu quả của cuộc chiến. Laghi nói: „Tôi hỏi: Ông có nghĩ tới những gì sẽ xẩy ra khi chiếm đóng nước này không? Rối loạn, chống đối giữa tín hữu Shia, Sunni, và người Kurd – những điều này sau đó đã thực sự xẩy ra.“

 

Bush trả lời, hệ quả sẽ có cho Iraq là nền dân chủ. Rồi ông tìm cách kết thúc cuộc gặp bằng cách nói sang chuyện ông chống lại phá thai, chống lại việc nhân bản người (Cloning). Nhưng Laghi nói ngay: „Những đề tài này không phải là mục tiêu sứ mạng của tôi.“

 

https://media.gettyimages.com/photos/president-george-w-bush-right-meets-with-cardinal-pio-laghi-special-picture-id113098364?s=2048x2048

Tổng thống George W. Bush, bên phải, gặp gỡ Hồng y Pio Laghi, đặc sứ của Giáo hoàng của Giáo hoàng John Paul II, tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc vào Thứ Tư, ngày 5 tháng 3 năm 2003. Ảnh của George Bridges / MCT / Tribune News Service qua Getty Images

 

Khi trình bày quan điểm chống chiến tranh của giáo tông Gio-an Phao-lô II., Laghi cho Bush biết, đây là một quan điểm có sự đồng thuận với Hội Đồng Giám Mục Hoa-kỳ và các hội đồng giám mục khác. Quả thực, HĐGMHK có gởi cho tổng thống Bush một lá thư kêu gọi ông „hãy dừng lại trước bờ vực chiến tranh“, nhưng Bush chẳng coi ra gì. Ngay tiếng nói của các giám mục, lúc đó, cũng chẳng được nhiều tín hữu lắng nghe. Theo ký giả Paul Moses, một phần có lẽ là do hậu quả của việc lạm dụng tình dục của các giáo sĩ, một phần là vì đa số các giám mục đã thất bại trong việc trình bày với tín hữu mình về cuộc chiến này. Paul Moses đưa ra trường hợp giáo phận Brooklyn của ông. Giữa bao nhiêu bài viết ủng hộ Bush, ủng hộ chiến tranh trên tờ báo của giáo phận chỉ có một mình ông cô đơn tỏ bày sự đồng tình với quan điểm của Giáo Tông. Người ta hồ hởi về một cuộc chiến tranh mà họ coi là chính đáng; người ta coi Giáo Tông là người không đủ tư cách và khả năng để nhận định vấn đề chính trị trong cảnh dầu sôi lửa bỏng này.

 

Ở đây, tôi có một kinh nghiệm. Lúc đó, giữa không khí căng thẳng tiền chiến tranh, chúng tôi có một cuộc sinh hoạt trao đổi nhận thức. Trước sự giằng co lương tâm giữa một bên là yêu sách Ki-tô giáo biểu hiện qua thái độ của Giáo Tông và một bên là chủ trương chiến tranh „yêu nước“ của tổng thống Bush, Ki-tô hữu cần quyết định như thế nào? Các anh em ở Mỹ im lặng; rốt cuộc một người trong họ lên tiếng:

 

„Trong hoàn cảnh này thì tôi có bổn phận đối với đất nước tôi trước hết!“

 

Nghĩa là lòng yêu nước đòi buộc tôi phải „đánh“ theo Tổng Thống của tôi!

 

Dĩ nhiên đây là một chọn lựa chính trị, chứ không phải chuyện liên quan tới đức tin, nên theo hay không theo Giáo Tông là việc bình thường. Nhưng tôi ngạc nhiên trước quyết định dứt khoát của người bạn, vì liên tưởng tới một khái niệm mà mình đã học được về văn hóa Mỹ Quốc. Đó là khái niệm „Melting pot“ (nồi nấu chảy). Người ta nói, nước Mỹ mênh mông và gồm nhiều sắc dân, nhưng họ vẫn tạo được sự đồng thuận, là nhờ xã hội này mang một động lực văn hóa nào đó có khả năng làm tan chảy mọi dị biệt văn hóa, để rồi đưa mọi sắc dân trên vùng đất này hòa chung lại với nhau. Tôi vẫn tự hỏi, đó là động lực nào? Phải chăng là ước mơ tự do làm giàu? Tinh thần thực dụng? Tiếng gọi của lý tưởng tự do dân chủ? Niềm xác tín nước Mỹ là nhất và dân tộc này có sứ mạng dẫn đường thiên hạ?

 

Một người Mỹ da trắng phát biểu như trên thì không có gì lạ lắm. Nhưng một người Mỹ gốc Việt hay một gốc nào khác có một tuyên tín như thế, thì mức độ hóa lỏng quả thật đáng suy nghĩ.[2]

 

 

Một cuộc chiến chính đáng?

 

Gio-an Phao-lô II. đã thất bại. Liên Hiệp Quốc cũng đã không cản ngăn được cuộc chiến vì chính quyền Mỹ đã nhất quyết đánh Iraq lâu rồi. Chỉ vài ngày sau biến cố 11.09.2001, Bush và Dick Cheney — phó tổng thống và là một trong những con diều hâu hung hãn trong Nhà Trắng — đã quyết định tấn công cả Afghanistan lẫn Iraq. Lý do đánh Afghanistan tương đối dễ nêu: chính quyền Taliban nuôi dưỡng quân khủng bố! Còn đối với Iraq? Bush và các nhân vật quanh ông đưa ra những lý do như: vì nước này nuôi dưỡng khủng bố; phải triệt hạ tay độc tài khó bảo Saddam Hussein, để hồi phục nền dân chủ cho nước này và để tiêu hủy các vũ khí giết người hàng loạt (vũ khí sinh hóa học) đang được bí mật chế biến tại đây!

 

Theo tôi, có thể nêu ra những lý do cụ thể như sau:

 

1.    Lý do thực dụng: Thực dụng đi liền với quyền lợi[3]. Quyền lợi dầu hỏa. Xưa nay sự có mặt của Mỹ ở vùng này, ngoài lý do địa chính trị, luôn dính liền với dầu hỏa. Mỹ đã không còn nắm được nguồn dầu lớn tại Iran nữa, khi nước này trở thành nhà nước thần quyền và chống lại họ. Đại công ty dầu Halliburton của Cheney làm ăn lớn ở Iraq; và sau khi chiếm được Iraq, công ty này đã có được những hợp đồng rất béo ở đây.

 

2.    Lý do lý tưởng: Tuy cùng theo Islam, nhưng Iraq là một quốc gia đã có truyền thống dân chủ, trước khi Saddam Hussein lên nắm quyền. Một số chính khách ở Mỹ vẫn mang mộng đưa Dân Chủ vào vùng đất “trung cổ” Trung Đông. Và theo họ Iraq là nước dễ thực hiện lý tưởng này nhất, vì đây là khâu Islam yếu nhất trong các quốc gia Islam ở Trung Đông (bởi truyền thống dân chủ đã có trước đây).

 

3.    Lý do “chính trị”: Trước đó, Mỹ đã hỗ trợ Saddam, để ông này phát động một cuộc chiến 8 năm dài vô cùng tiêu hao chống lại Iran, kẻ thù số một của Mỹ tại vùng này. Iran khiếp sợ đặc biệt trước tiềm năng vũ khí hóa học của Iraq. Nhưng nay Saddam tỏ ra khó bảo, ngang ngạnh và ác độc. Ngoài ra, cho tới lúc đó, đồng minh làm ăn và cung ứng dầu trung thành nhất của Mỹ tại vùng này là Saudi Arabia. Nhưng sau biến cố 11/9 người ta mới ngã ngửa ra, hầu hết các tay khủng bố đều xuất thân từ nước này: Saudi Arabia là lò đào tạo và xuất cảng khủng bố hồi giáo. Vì thế Mỹ bắt đầu tìm cách xa dần ông vua dầu hỏa này và muốn biến Iraq thành đồng minh thay thế.

 

https://www.mtholyoke.edu/~giri22m/classweb/worldpolitics/suicideattacks/pictures/hijackers.jpg

20 tên khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001. Nguồn: https://www.mtholyoke.edu

 

Ba lý do trên đây xem ra cùng nặng ký như nhau. Nhưng tuỳ nhận định, người ta có thể xê dịch mức độ quan trọng của chúng.

 

Như đã nói, kế hoạch đánh chiếm Iraq đã được quyết định từ lâu rồi.

 

Giờ đây là lúc làm sao tìm được cớ để tạo dư luận trong nước và tìm đồng minh bên ngoài.

 

VIDEO :  Feb. 5, 2003: Colin Powell on WMD #TBT

https://www.youtube.com/watch?v=FTeJWQMpX0E&feature=emb_logo

ABC News: 5 tháng 2 năm 2003: Colin Powell nói (dối) về Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (WMD) của Iraq

 

Ngày 05/02/2003 ngoại trưởng Mỹ Powell xuất hiện trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Một tiếng rưỡi đồng hồ ông chứng minh cho thế giới thấy qua những hình ảnh vệ tinh, những sơ đồ tự vẽ về các chiếc xe lớn, trên đó là những phòng thí nghiệm vũ khí sinh hóa; đồng thời ông giơ lên một ống thủy tinh nhỏ, bảo rằng trong đó chứa chất hóa học gây hoại thư lá lách (Milzbrand), một thứ vũ khí sinh học đang được Saddam bí mật chế tạo.

 

Những thứ đó các chuyên viên điều tra của Cơ Quan Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) của LHQ, trong đó có cả người Mỹ, được gởi tới thanh soát tại Iraq từ tháng 11.2002, qua nghị quyết số 1441 của LHQ, đã không tìm thấy ở đâu cả.

 

Những thứ đó không có trong danh sách 12.000 trang kê khai loại và lượng vũ khí của quốc gia mà Iraq đã chấp nhận giao nộp cho LHQ.

 

Những thứ đó người con rể của Saddam là Hussein Kamel (Hussein Kamel Hassan al-Majid), người đã đào tẩu khỏi Iraq sang Jordan năm 1995, đã cho tây phương biết rằng, mọi thứ vũ khí hóa học của Iraq đã được tiêu hủy trước 1995 rồi.

 

Những thứ mà một bản tường trình của chính phủ Mỹ, được đúc kết một năm trước ngày Saddam bị treo cổ, đã khẳng định là toàn bộ vũ khí sinh hóa học của Iraq đã được tiêu hủy ngay sau cuộc chiến chống Iran kết thúc vào năm 1991; Saddam đã không nói ra công khai điều này, vì sợ Iran phản công.

 

Những thứ mà ủy ban điều tra của Quốc Hội Mỹ sau này đã phải thú nhận là hoàn toàn không có.

 

Nhưng những điều đó chẳng có nghĩa gì cả đối với chính quyền Bush. Họ chỉ muốn đánh Iraq “vì quyền lợi nước Mỹ” mà thôi.

 

Nhưng, từ đâu ra câu chuyện những chiếc xe hóa trang làm phòng thì nghiệm và chuyện ống thủy tinh chứa chất độc sinh học?

 

Cần quay về Đức, mùa đông năm 1999. Một thanh niên người Iraq, tên Rafed, tới Đức xin tị nạn. Anh khai, anh là một kỹ sư hóa học và cho tới năm 1998 anh đã làm việc tại Chemical Engineering and Design Center (CEDC) thuộc cơ quan gọi là Military Industrialisation Commission, một bộ phận nghiên cứu các loại vũ khí mới dưới thời Saddam Hussein. Anh cho biết, sở dĩ người ta không tìm thấy các trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa – sinh, là vì đó là những chiếc xe lưu động. Theo anh, đã có một chiếc hoạt động, còn sáu chiếc khác đang được chuẩn bị. Tình báo của Đức cho đây là một tin đáng chú ý, nên đã thông báo cho các đối tác ở Mỹ, Liên Hiệp Vương Quốc Britania (British United Kingdom) và Do Thái. Được tin, Mỹ cho U2 tới thám thính những nơi liên hệ; cho vệ tinh lưu động chụp hình, nhưng chẳng thấy gì. Từ năm 1991 LHQ đã lục lọi khắp nơi trên đất Iraq, để xem nước này còn giấu vũ khí sinh hóa nữa không, mà cũng chẳng thấy. Câu chuyện đi vào quên lãng.

 

Nhưng đùng một cái, xẩy ra vụ 11 tháng 9, 2001, câu chuyện lại được hâm nóng. Chính phủ Mỹ yêu cầu Đức chuyển toàn bộ tài liệu về Rafed cho họ, yêu cầu cho CIA được thẩm vấn trực tiếp Rafed và để cho Mỹ có thể đưa Rafed ra công khai. Đức tuy không tin lắm vào nguồn tin, nhưng không thể trả lời không với Mỹ. Cuối cùng, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia họp và đồng ý cho phép Mỹ sử dụng tùy nghi những lời khai đã có được, còn nhân chứng thì họ phải bảo vệ.

 

Những hình ảnh về phòng thí nghiệm lưu động và về lọ chất hóa học được Powell trình bày với thế giới được sáng chế ra từ đó.

 

Nhưng, toàn bộ câu chuyện rốt cuộc chỉ là giả dối. Mục đích của Rafed là tấm giấy công nhận tị nạn ở Đức. Đúng, Rafed có làm việc ở CEDC thật. Nhưng vì tội dối trá, biển thủ và lường gạt nhiều lần, anh đã bị đuổi việc vào năm 1995 (anh khai làm ở CEDC mãi tới 1998) và sau đó, vì một vụ ăn cắp lớn, anh đã phải ba chân bốn cẳng trốn khỏi nước năm 1998. Chỉ sau khi chiếm Iraq, tình báo Mỹ tiến hành điều tra tại chỗ, thì mới vỡ lẽ mọi chuyện. Mỹ xếp Rafed vào loại “kẻ lường gạt”. Nếu ở Mỹ, Rafed sẽ phải trả lại mọi khoản tiền thưởng, bị rút giấy tị nạn và có thể bị trục xuất. Nhưng ở Đức thì khác. Anh và gia đình anh được tiếp tục bảo vệ.

 

 

Đi loanh quanh lại về chốn cũ

 

Mỹ nhất quyết đánh Iraq, để mang Dân Chủ cho dân tộc này, nhưng kết quả là quốc gia này tan vỡ, dân tộc này phân liệt. Từ “cơn đau sinh nở của một Trung Đông mới”, như bà Condolezza Rice, cố vấn an ninh của Bush tiên đoán, đã sinh ra một quái thai Iraq.

 

Đánh Iraq để diệt vũ khí sinh hóa, nhưng chẳng thấy vũ khí này ở đâu cả. Số quân Mỹ hiện còn bám trụ ở nước này thì lại có nhiệm vụ bảo vệ mấy giếng dầu hỏa, như lời của tổng thống Trump cho biết.

 

Mỹ dùng Iraq để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Nhưng sự tan vỡ của Iraq khiến Nhà Nước Islam (ISIS) hình thành và đó cũng là cơ hội để Iran mở rộng thêm quyền lực và ảnh hưởng trên cả Iraq và Syria.

 

Sau 11/9, Bush và Obama tìm cách quay lưng lại Saudi Arabia, giờ đây Trump lại quay về với đám ông hoàng có máu lạnh ở Ryad. Cuộc thăm viếng nước ngoài đầu tiên của tổng thống Trump là Ả-rập Sau-đi. Ông hoàng máu lạnh Mohammed bin Salman (MbS) đã mua chuyến thăm này tới 400 tỉ đô-la (qua nhiều hợp đồng mua vũ khí, trang bị…). Và sau đó MbS cũng đã “lấy đầu” của Jeff Bezos (chủ nhân của Amazon và của The Washington Post, nhật báo nổi tiếng thường phê bình ông Trump) để dâng vua Trump, khi đánh cắp dữ liệu cá nhân từ máy điện thoại của Bezos rồi tán phát, làm bùng nổ một vụ tai tiếng lớn về đời tư của ông này.

 

Như vậy, cái chết của trên dưới 1.000.000 người dân vô tội Iraq – không kể 12.000 lính Iraq, 4.500 lính Mỹ, 318 lính các nước khác – là để làm gì?

 

Ai chịu trách nhiệm trước muôn vàn cái chết đó?

 

Ấy là chưa kể hàng triệu người chết khác nữa trong những cuộc chiến tiếp theo do phiến quân „Nhà Nước Hồi Giáo“ gây ra và của các nước chống lại phiến quân này ở Iraq và Syria.

 

CIA trách Đức làm ăn “không thành thật, thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm”. Cơ quan phản gián Đức chống trả: “Chúng tôi chỉ chuyển tin tức, chứ đâu có chuyển các nhận định của chúng tôi, cho các anh.” “Mà nếu chính quyền liên quốc châu Mỹ có xây nhà trên cát, thì chúng tôi cũng biết làm sao được.

 

Ngoại trưởng Colin Powell, khi nhìn lại bài thuyết trình ở Hội Đồng Bảo An LHQ của mình, cảm thấy vô cùng xấu hổ: đó là “thời khắc đau xót, rất đau xót, một vết nhơ trong đời tôi”. Ông từ giã chính trường.

 

https://i.insider.com/545248806bb3f7f83263f750?width=1100&format=jpeg&auto=webp

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush trao Huân chương Tự do Tổng thống cho cựu Giám đốc CIA George Tenet trong một buổi lễ ở Phòng Đông của Toàn Bạch Ốc, vào ngày 14 tháng 12 năm 2004. Reuters

 

Giám đốc CIA George Tenet, kẻ quyết liệt tin vào những tiết lộ của Rafed, từ chức về vườn. Rồi viết trong hồi ký:

 

“Chúng tôi đã cung cấp cho Quốc Hội, cho Tổng Thống, cho Liên Hiệp Quốc và cho toàn thế giới những tin tức thất thiệt. Điều này hẳn không bao giờ được phép xẩy ra.” George Tenet

 

Tội của Tenet là đã cung cấp cho chủ điều chủ muốn có.

 

Tony Blair, thủ tướng Liên Hiệp Vương Quốc Britania, kẻ đã đưa 40 ngàn quân vương quốc vào cuộc phiêu lưu bất chấp ý kiến chống đối của 90% người dân và của các dân biểu đảng mình, khiến Robin Cook chủ tịch trưởng khối dân biểu Labour phải từ chức, rốt cuộc đã bộc bạch: đúng thật, “chẳng có lý do gì để tấn công Iraq”.

 

Tổng thống Bush thì rơi vào trầm cảm gia trọng, sau khi đã có dấu hiệu loạn tâm (Paranoia) bởi chấn động tâm lý do biến cố 11/9. Một thời gian dài phải chữa trị tâm lý bằng hội họa. Trong tầng hầm căn nhà của ông hãy còn chất đầy những tranh ảnh sơn dầu và giá vẽ.

 

Xấu hổ. Về vườn. Rút lui. Trầm cảm. Hối hận. Chỉ có vậy là xong ư?

 

Thế còn một triệu oan hồn người dân Iraq? Ai chịu trách nhiệm về những cái chết này?

 

Hơn một nửa số tín hữu trong giáo hội thiên giáo ở Mỹ đã hồ hởi “quyết đánh” cùng với Tổng Thống của họ về một cuộc chiến bất chính. Họ có trách nhiệm nào không trước những cái chết kia? Những người thiên chúa giáo này rất lớn tiếng bảo vệ những bào thai chưa sinh ra. Nhưng với những sự sống đã chào đời rồi, đặc biệt những sự sống không thuộc quốc gia hay màu da với họ, họ chẳng màng. Tại sao?

 

Augsburg, ngày thứ Sáu tuần thánh 10.04.2020. Chỉnh lại 20.02.2021.

 

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


 

Nguồn: Bài do tác giả gởi riêng cho DCVOnline. BBT biên tập, minh họa và phụ chú

 

Tham khảo

— Paul Moses, Unheeded Warnings. Vatican Diplomacy & the Iraq War. Commonweal Magazine, Jan 13, 2020, https://www.commonwealmagazine.org/vatican-diplomacy-iraq-war


— Thư của giáo tông Gio-an Phao-lô II gởi tổng thống G.W. Bush. https://bit.ly/37AnEwM


— Thông cáo của sứ thần Pio Laghi. http://www.vatican.va/holy_father/ special_features/peace/documents/peace_20030306_card-laghi-usa-meeting_en.html


— Geheimer Brief von Johannes Paul II. an George W. Bush veröffentlicht. https://www.katholisch.de/artikel/24201-geheimer-brief-von-johannes-paul-ii-an-george-w-bush-veroeffentlicht


— Erich Follath, John Goetz, Marcel Rosenbach, Holger Stark. „Ihr tragt eine Mitschuld“. Der Spiegel 13/2008. Các số liệu đa phần lấy từ tài liệu này.


— Der Iraq-Krieg. https://de.wikipedia.org/wiki/Iraqkrieg

 

[1] Cơ quan Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia (The National Archives and Records Administration, NARA) là một cơ quan độc lập của chính phủ Hoa Kỳ chịu trách nhiệm bảo quản và lập hồ sơ của chính phủ và hồ sơ lịch sử. NARA cũng có nhiệm vụ giúp công chúng truy cập những tài liệu lưu giữ tại đây.

 

[2] Động lực hóa lỏng này thể hiện qua nhiều dạng. Một người bạn ở Hòa Lan kể: Anh có nhiều bạn bè ở Mỹ; trong thập niên 1980´ cho tới đầu những năm 90´, hễ mỗi khi anh gặp bạn nào, họ đều chân tình hối thúc anh: „Này, khi nào thì tính sang Mỹ ở?“ „Sao không sang Mỹ mà ở?“ „Thôi, sang đó đi, tội gì mà cứ phải ở đây (Hòa Lan)!“ Cũng như vừa rồi qua thái độ của những người Việt lớn tuổi ở Mỹ sẵn sàng sỉ vả những ai chỉ trích hay có quan điểm khác với ông Trump của họ. Cái gì đã khiến cho người ta mê say nước Mỹ và sẵn sàng tùng phục một kẻ lãnh đạo chính trị của họ đến như thế?

 

[3] Các nhà lãnh đạo Mỹ luôn luôn định nghĩa chính sách đối ngoại hay lý do chiến tranh của họ bằng „vì quyền lợi của nước Mỹ“! Lối suy nghĩ thực dụng vốn đơn giản, chẳng cần phải tế nhị đắn đo. Một nét văn hoá phản ảnh rõ nhất cho lối tư duy thực dụng của Mỹ là phim cao-bồi: bố cục và kết phim rõ ràng, đâu ra đó, chẳng cần phải suy nghĩ rắc rối. Ngoài ra tôi cứ bị hai chuyện sau đây ám ảnh mãi: Vì chính phủ Đức không ủng hộ cuộc chiến, Mỹ lúc đó đã quyết định từ nay không mua sơn vôi của Đức để sơn Toà Bạch Ốc nữa, thứ sơn vôi tốt quyét một lần cả chục năm vẫn không phai, mà từ bao nhiêu năm nay họ vẫn mua. Nơi thành phố tôi có một trường trung học từ lâu kết nghĩa với một trường trung học bên Mỹ. Cũng vì Đức không ủng hộ cuộc chiến, nhà trường bên Mỹ tuyên bố chấm dứt sự kết nghĩa cái rụp. Họ lấy quyết định đó rất dễ và nhanh.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats