Friday 30 March 2018

THỜI ĐẠI NGƯỜI HÙNG (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
March 28, 2018

Năm 1813, ít lâu trước khi triều đại của ông bị sụp đổ, Hoàng Ðế Pháp Napoleon Bonaparte nói với ngoại trưởng đế quốc Áo, Bá Tước Metternich cái nhược điểm của một người hùng: “Triều đại của tôi không kéo dài hơn ngày mà tôi không còn mạnh và làm cho người ta sợ nữa. Hoàng đế của ông, vốn sinh ra để ngồi trên ngai vàng, có thể tự cho phép bị đánh bại đến 20 lần mà vẫn có thể trở lại ngai vàng.”

Napoleon biết hơn ai hết cái khó khăn trong việc giữ mãi được quyền lực đặc biệt là nếu mình không phải sinh ra để trị vì. Sau này, các chế độ dân chủ đã giải quyết nan đề này bằng cách cho phép một vị lãnh đạo thất bại có thể trở lại quyền lực qua lá phiếu. Chế độ dân chủ đã làm cho người ta thấy rõ rằng ngai vàng (quyền lực) không bao giờ là của riêng ai mà chỉ cho người ta mượn dùng trong một thời gian.

Nhưng dân chủ không phải chỉ giới hạn trong khái niệm rằng ý dân được thể hiện qua các cuộc đầu phiếu tự do và công bằng. Khái niệm rằng những người cai trị không thể nào ở lâu quá hạn kỳ của họ và quyền lực của họ phải luôn luôn bị giới hạn cũng đóng một vai trò then chốt trong việc quyết định thế nào là một chế độ dân chủ thực sự.

Và sau chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh, dân chủ đã trở thành thời thượng trong cái được giáo sư chính trị học Viện Ðại Học Stanford Ken Jowitt gọi là “hiệu ứng Versailles.” Nhìn vào lịch sử, Giáo Sư Jowitt đã chứng minh rằng quyền lực có thể đo được một cách tốt đẹp bằng sự sốt sắng của những người khác muốn bắt chước các định chế và lối sống của mình.

Theo ông Jowitt, trong thế kỷ thứ 17, vua Louis XIV của Pháp “đã tạo ra một chế độ hùng mạnh và huy hoàng, một chế độ mà đã được từ Ðức đến Nga bắt chước, nơi mà những Versailles tương tự được xây dựng, lối sống Pháp được thu nhập và tiếng Pháp được dùng bởi giới thượng lưu.”

Trong thế kỷ thứ 19, Quốc Hội Anh trở thành đối tượng của sự thán phục chính trị. Hungary trình bày tham vọng chính trị của mình bằng cách xây ở thủ đô một tòa nhà Quốc Hội tại Budapest kiểu Anh và cũng huy hoàng như tòa nhà Quốc Hội tại Luân Ðôn. Sau Thế Chiến Thứ Hai, các chế độ Cộng Sản tại Ðông Âu đều bị đánh dấu bởi những công trình kiến trúc đồng dạng kiểu Staline.

Sau Chiến Tranh Lạnh, bắt chước Mỹ có nghĩa là đứng vào phía của lịch sử. Tổ chức bầu cử và ban hành hiến pháp kiểu Mỹ cũng quan trọng cho hình ảnh của một quốc gia như là sở hữu một chiếc iPhone đối với một thiếu niên. Vì vậy theo Giáo Sư Jowitt, “trong giai đoạn hậu Chiến Tranh Lạnh, đánh golf đối với giới thượng lưu các nước không thuộc thế giới phương Tây cũng có tính cách như mặc ‘togas’ (chiếc áo kiểu La Mã của giới quý tộc La Mã) đối với giới thượng lưu không La Mã của thế giới cổ đại.”

Và giới hạn quyền lực của nhà lãnh đạo là một trong những cung cách then chốt mà các quốc gia không dân chủ thích ứng với thời đại của dân chủ.

Ðó là lý do nhiều chính quyền chuyên chế vẫn có gắng giữ cho được vỏ ngoài dân chủ đặc biệt là trong bầu cử và giới hạn nhiệm kỳ. Chẳng hạn như năm 2008, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã cưỡng lại cám dỗ sửa đổi Hiến Pháp để ra thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa bởi vì ông không muốn nước ông trông giống như một trong những nước Cộng Hòa Trung Á mà tổng thống không bao giờ rời bỏ cung điện của mình.

Tuy rằng không phải là dân chủ, các chính quyền chuyên chế đều biết là ít nhất cũng phải cho thấy ngoài mặt là dân chủ. Chính điều đó, thay vì “sự phổ biến của tinh thần dân chủ” là bằng chứng rõ rệt nhất của vai trò chi phối của dân chủ. Ngay cả Trung Quốc cũng phải đi theo.

Cho đến bây giờ.

Trong ý nghĩa này, quyết định của đảng Cộng Sản Trung Quốc hủy bỏ hạn kỳ giới hạn chủ tịch nước sẽ có ảnh hưởng vượt hơn là Trung Quốc. Chúng ta có thể tưởng tượng ông Putin vào năm 2024 khi nhiệm kỳ thứ hai lần này của ông chấm dứt, kết luận rằng việc rời khỏi điện Kremlin là không cần thiết nữa.

Hay Tổng Thống Recep Tayip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng ông cần phải ngồi ghế tổng thống mãn đời. Các nhà chuyên chế trên khắp thế giới chắc hẳn sẽ vội vã đổ ra trấn an các cử tri của họ rằng thay đổi lãnh đạo là một ý tưởng nguy hiểm. Người ta sẽ viết ra các Hiến Pháp mới hoặc là sửa đổi Hiến Pháp cũ để cho phù hợp với thời thượng chính trị mới.

Sự hình thành của một “thời đại hoàng đế mới” này là một tin xấu cho Châu Âu, nơi mà ý tưởng không có một hoàng đế vốn là trọng tâm của “dự án Châu Âu.” Ðối với Mỹ nó còn có thể có ảnh hưởng tệ hơn nữa. Nhưng nó có thể lại là một món quà cho Tổng Thống Donald Trump. Ông Trump có thể quyết định rằng, sau khi Mỹ đã dạy cho người Hoa làm sao chơi “golf” nay có thể đã đến lúc Mỹ nên học Trung Quốc về chính trị. Dù sao chăng nữa, hai nhiệm kỳ tổng thống có thể không đủ để “Make America Great Again.” (Lê Mạnh Hùng)








No comments:

Post a Comment

View My Stats