Wednesday 12 October 2016

GOOD BYE THƯƠNG XÁ TAX (tin tổng hợp)




12-10-2016


TIN LIÊN QUAN :








*
*

Có thể nói là Good Bye Forever (vĩnh biệt) Thương xá Tax vì hôm nay nhà đầu tư bắt đầu phá bỏ công trình 130 năm tuổi gắn bó với tên tuổi Sài Gòn. Mấy năm trước (2010) là Givral café nổi tiếng đi vào cát bụi bởi Vincom.

So với Sài Gòn 300 năm tuổi thì những gì có tuổi hàng thế kỷ như Thương xá Tax lẽ ra phải trở thành một trong những điểm dừng chân của du khách để nhớ về Hòn ngọc Viễn đông trải qua mấy đời vua quan phong kiến, Pháp thuộc, Mỹ chiếm đóng và bây giờ là dưới chế độ cộng sản.

Tới thăm New York city, một thành phố cùng tuổi với Sài Gòn, nếu thấy số nhà có mầu vàng thì nơi đó thuộc về di tích đã được xếp hạng. Chủ nhà muốn sửa phải xin phép thành phố. Không có tiền thì cứ ngồi đó mà đợi hoặc phải bán đi cho người có đủ tiền bảo trì cho dáng vẻ xưa.

Mấy năm trước tôi sang Vientiane để tìm nơi mới cho Văn phòng World Bank cạnh bờ sông Mekong. Khi đào móng thì phát hiện có bức tường của ngôi nhà cổ cách đây một thế kỷ cùng những cây sến cao vút có lẽ cùng tuổi.

Phải mất mấy năm xin đủ loại giấy phép, tòa nhà mới được xây nhưng phải trên nền kiến trúc Lào cổ và bức tường được giữ nguyên cho du khách tới thăm. Mấy cây trăm năm tuổi được quây kín và bảo vệ như một thứ gia bảo.

Thế mà các quyết định đập cũ, xây mới của Sài Gòn và cả ở Hà Nội được ra một cách dễ dàng.

Có 10 nhà tù nổi tiếng thế giới được kể tên thì số 1 chính là Hỏa Lò do người Pháp xây để giam giữ các nhà hoạt động cách mạng. Sau này là nơi các tù binh phi công Mỹ gọi là Hilton Hà Nội.

Du khách thăm Hỏa Lò bị choáng hoàn toàn vì chỉ còn 1/12 phần được giữ lại, những phần kia biến thành cao ốc cho thuê.

Người ta tự hỏi, chỗ nào là nơi ông Đỗ Mười bị giam, chỗ nào là John McCain từng nằm bóc lịch. Tất cả chỉ còn lại là những lời thuyết minh trống rỗng, những cuốn phim tài liệu chứa rất ít sự thực.

Tower of London là một nhà tù khác thời trung cổ cũng nằm giữa London. Hiện là một trong những điểm ưa thích của du khách khắp thế giới. Giá vé mấy chục đô la vào cửa, nhà tù cổ này vẫn làm ra hàng triệu đô mỗi ngày cho nước Anh mà không cần một chung cư như Hỏa Lò Hà nội.

Người yêu Sài Gòn vẫn nhớ Givral café như một nơi gặp gỡ của giới báo chí trong và ngoài nước thời chiến tranh Mỹ Việt. Không thể không nhắc tới Phạm Xuân Ẩn, Peter Arnett, Larry Burrows… từng lê la ở quán này và dự đoán sự thay đổi của thời cuộc.

Dường như nhiều trang viết của tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” cũng được tác giả suy ngẫm  từ những ly café ở đây. Sau này các nhà làm phim đã quay một số cảnh ở Givral café. Chiến tranh không chỉ có trong trang sách, bài báo mà cả những điểm dừng chân của những chiến binh và người cầm bút.

Hồi tháng 5-2016, tôi có dịp thăm Rome và một số thành phố cổ ở Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, và Pháp. Châu Âu như một viện bảo tàng ngoài trời. Nhà nào cổ mới có giá, nhà mới thường giá rẻ. Đắt ở chỗ có tuổi.

Có câu nổi tiếng “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” ý nói về kiến trúc La Mã và đế chế từng ngự trị thế giới. Mọi cuộc chinh phục và xâm lăng của La Mã đều phục vụ cho Rome tỏa sáng.

Nhưng rồi La Mã lụi tàn nhưng cái cách mà người Italia bảo tồn kiến trúc cổ làm cho du khách khắp thế giới đều đổ về Rome. Đông cũng như Hè, lúc nào cũng đông nghịt. Họ chiêm ngưỡng La Mã cổ đại và…tiêu tiền. Thử tưởng tượng Rome toàn các tòa nhà kính váy đụp như Lotte thì ai sẽ đến thăm.

Xa xưa Cesar mang kiếm đi chinh phục thế giới để xây dựng Rome. Ngày nay con cháu chỉ bán vé cho người xem kiến trúc cổ cũng đủ dựng nên nước Italia giầu mạnh. Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome sẽ còn mãi với nhân loại bởi người Italia biết tôn trọng quá khứ.

Dù có cứu từng viên gạch cổ của Thương xá Tax thì shopping mall và khách sạn 40 tầng sắp xây chẳng nói được điều gì về quá khứ 300 năm của Sài Gòn. Đó chỉ là thứ kiến trúc nhôm kính tựa fast food – mỳ ăn liền.

Phá bỏ sự cổ kính không thể giữ tên tuổi Sài Gòn như Bí thư Đinh La Thăng từng mơ ước.

Mọi con đường đều dẫn đến tiền thì không thể có Hòn ngọc ở Viễn đông nổi tiếng cả thế kỷ.

Vĩnh biệt Thương xá Tax.

HM. 12-10-2016
---------------------------------

15 Responses to Good Bye Thương xá Tax


huu quan says:
Gửi các cụ một chút hoài niệm của thời đói khổ

“……Hòai niệm về một nơi có cái tên đậm chất…. Mậu dịch

Dù thương xá Tax là cái tên được gọi trong một thời gian dài cả mấy chục năm và tên Cửa hàng bách hóa tổng hợp chỉ được gọi trong một thời gian chừng hơn chục năm nhưng tôi vẫn thích cái tên cửa hàng hơn bởi lẽ nó đậm chất …. Mậu dịch, nặng tính tư duy của một thời bao cấp cấp. Nhớ thời đầu những năm 80, khi còn ở quê- Nơi mà cả huyện chỉ có một cái cửa hàng Bách hóa sơ sài trong căn nhà cấp 4, lèo tèo mấy món đồ trưng trong tủ kính cùng dòng chữ bất di bất dịch “Hàng mẫu không bán” và mấy cô bán hàng suốt ngày ngồi nặn mụn cho nhau, luôn cao ngạo cáu kỉnh với khách thì những hình ảnh của một cái cửa hàng Bách hóa mấy tầng lầu, đẹp lung linh giữa Sài Gòn được hiện diện trong các bộ phim như “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”…. quả là sức hút, là giấc mơ về sự sầm uất, xa hoa với những đứa trẻ quê nghèo như tôi.

Nên khi được đi Sài Gòn chơi, việc đầu tiên của tôi là đòi cho được ông anh chở ra cửa hàng Bách hóa tổng hợp TP, được nhìn những món hàng bày xếp lớp mà mê mẩn, mà thèm khát bởi chỉ xem chơi chớ tiền đâu mà mua. Ngày đó chả có máy ảnh, chả có bờ lốc bờ leo để mà khoe là mình đã tới trung tâm Sài Gòn, nhưng chỉ về kể thôi cũng đủ làm lũ trẻ trong xóm nuốt nước miếng thèm khát.

Dù rằng trong câu chuyện kể tôi cũng thêm thắt đôi chút, nào là được mời ăn cái bánh to bằng cái mâm hay là được gặp nguyên một đòan diễn viên nổi tiếng tới xoa đầu vỗ vai nhưng bọn trẻ vẫn tin sái cổ. Bởi đã đến được tận cửa hàng Bách hóa tổng hợp TP chơi thì chuyện gì chẳng có thể sảy ra. Với lũ trẻ que ngày đó, Trung tâm TP với cái cửa hàng Bách hóa xem ra còn xa quá, khó đến quá mà có lẽ đến như bây giờ đến New York hay là Pari vẫn còn dễ hơn.

Thế rồi cái nơi mà tôi ao ước và được đến một lần ngày xưa đột nhiên trở thành nơi tôi làm việc. Đó là đầu những năm 90, khi trường phân công đi kiến tập và tôi may mắn được chỉ đích danh nơi đến là cửa hàng Bách hóa tổng hợp TP. Mấy đứa dân Sài Gòn thì chả thèm để ý, nhưng lũ sinh viên dân tỉnh thì xem như tôi… trúng số, bởi dầu sao với chúng thì cửa hàng Bách hóa này đứa nào cũng đã một thời ao ước. Báo hại tôi phải mất chầu nhậu khao tụi nó vì cái chuyện… trúng số này.

Tôi vẫn nhớ ngày đâu tiên đi làm ở cửa hàng này. Tôi được bảo vệ cho phép gửi xe miễn phí ở khu vực nhân viên, được lên khu làm việc mà chẳng ai ngăn cản, được bố trí hẳn một bàn làm việc riêng. Rồi khi làm sổ sách, đi đến các quầy hàng thì các nhân viên bán hàng đứng lên khúm núm, bẩm bẩm thưa thưa. Có người còn gọi nước mời tôi uống, có người còn bảo nếu em mua hàng thì sẽ giảm giá cho…Dù sao tôi cũng là người của Ban quản lý nên có lẽ theo người bán hàng, tôi cũng có quyền hạn nhất định. Oai phết! Hãnh diện ra phết! Xem ra ông Tổng thống Mỹ ngày đầu tiên tiến vào Nhà trắng nhậm chức thì chắc cũng chỉ có cảm giác sung sướng tự hào đến như tôi là cùng.

Quản lý tôi trong công việc là ông kế tóan trưởng. Ông tên Tâm thì phải. Một người gốc miền Trung, đã từng làm kế toán vài chục năm và có một đức tính chỉnh chu, đạm bạc đến khó tin. Dù Sài Gòn nóng như đổ lửa và ngày đó cửa hàng chẳng có máy lạnh như bây giờ nhưng ngày nào ông cũng nghiêm chỉnh đóng bộ với comle cà vạt, đạp chiếc xe đạp cà tàng đến nhiệm sở. Ngay cả chiếc xe đạp cà tàng của ông cũng xứng đáng là một câu chuyện hay. Chiếc xe đó ông được phân phối từ những năm 75 khi ông mới vào Sài Gòn làm việc.

Theo thời gian, chiếc xe hư dần nhưng ông không có phụ tùng để sửa chữa bởi lẽ tiêu chuẩn phân phối của ông thì đã hết, mua hàng chợ thì ông không có tiền. Vì thế hư thì ông tự sửa, sửa tới mức 2 chiếc vỏ xe vá nhiều quá vẫn không thể xài được.

Thế là ông nghĩ ra cách nhét giẻ vào trong bánh xe để chạy. Nhưng ông gặp may mắn! 2 lần bị đụng xe (Một lần do một thằng thanh niên đâm vào và 1 lần do ô tô tải lùi phải) thì 2 lần bị hư đúng vào 2 cái bánh. Thế là họ đền nguyên bánh nên ông đã có được 2 cái bánh mới (Kể cả vỏ xe). Khoe với tôi, ông bảo như vậy là được rồi vì sườn xe còn tốt nên ông chỉ cần 2 cái bánh, chứ nếu mà nó tông vào cả nguyên xe thì có khi còn phải đền ông thêm tiền nữa.

Là kế toán trưởng của cửa hàng lớn nhất TP nhưng ông chỉ sống bằng cách suy nghĩ như những người Cách mạng chân chính khác, ngoài đồng lương ít ỏi mà ông phải tiết kiệm để gửi về cho vợ con ngòai quê thì ông chả biết làm thêm gì khác, chấp nhận cuộc sống tằn tiện đến mức kham khổ. Bởi thế dù được Nhà nước phân một căn biệt thự to đùng khi ông mới được nhận nhiệm sở nhưng ông từ chối, chỉ chọn cho mình một căn phòng con con trong cái chung cư cũ trên đường Trần Hưng Đạo. Lính của ông, người đã được ông nhường cho căn biệt thự sau này hóa giá kiếm mấy trăm cây vàng, còn căn chung cư của ông thì sau này bị đập đi xây lại, giá trị bồi thường nghe đâu có hơn chục cây vàng. Nhưng ông không tiếc mà chỉ cười khì: “Tại số cả”

Thời điểm của đầu những năm 90 thì kinh tế thị trường bắt đầu rục rịch phát triển. Ở cửa hàng Bách hóa tổng hợp cũng không nằm ngòai quy luật đó khi đã bắt đầu có những món hàng do tư nhân sản xuất được bày bán.

Trong số nhiều sản phẩm do các cơ sở sản xuất trưng hàng ở nơi đây, có một lần tôi gặp một người đàn ông tầm trung tuổi ăn mặc tuềnh tòang và đeo cái giỏ lác. Tưởng tôi là nhân viên quản lý, ông tới hỏi về số hàng mình gửi ở đây đã bán được chưa? Tôi đưa ông ra gặp mấy nhân viên bán hàng thì được biết hàng của ông có thương hiệu quá mới, lại chưa được đẹp và bắt mắt như hàng Trung Quốc nên bán rất chậm.

Thấy vậy ông buồn bã: “Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ có gắng để thay đổi.” Hỏi kỹ, tôi mới biết rằng ông có một cửa hàng cơ khí và ông đang sản xuất những món đồ thiết yếu như dao kéo, bấm món tay mang tên Kềm Nghĩa. Nhưng vốn ít lại chưa có kinh nghiệm nên hàng của ông đi ký gửi bán rất chậm. Thấy ông buồn bã ra về khi chưa thu được đồng nào, tôi cũng cảm thấy ái ngại cho ông.

Ấy vậy mà sau nhiều năm, khi đã đi nhiều nước, được dân người Việt làm nail khắp thế giới rỉ tay nhau về việc cứ về Việt Nam mua hàng thì 10 người có cả 10 đều chọn mua đồ của Kềm Nghĩa. “Hàng Kềm Nghĩa tuy đắt gấp đôi so với hàng Tàu nhưng bền thì gấp cả chục lần, tính ra rẻ hơn rất nhiều anh ạ”- Cô em họ, người làm chủ 3 tiệm nail ở Phila (Mỹ) nói với tôi như thế. Hóa ra cái ông trung niên khóac bị cói ngày xưa mà tôi gặp ở Của hàng bách hóa tổng hợp đã thành công, thương hiệu Kềm Nghĩa nhỏ nhoi ngày nào giờ đã đi khắp thế giới, phục vụ cho một công nghệ kinh doanh mang đậm chất Việt là… làm nail. Cái cửa hàng bách hóa mà ngày xưa ông ký gửi hàng không biết có ai còn nhớ đến lọai hàng Kềm Nghĩa mà ngày xưa đã từng chậm chững bước những bước đầu tiên ở đó?

Ở cửa hàng bách hóa ngày đó chưa có nhiều du khách Tây nên mỗi lần có ông bà mắt xanh mũi lõ nào bước vào thì cả cửa hàng xôn xao. Có lần có 2 ông Tây một già một trẻ bước vào xì xà xì xồ chi đó. Hỏi tiếng Anh thì ông ta lắc đầu rồi lại xí xồ. Cả đám nhân viên bán hàng chả biết là mấy ông này là ai? Muốn gì?

May mắn có một bác đã lớn tuổi đang phụ bán hàng cho con gái ở gian hàng phía sau cũng tò mò ra xem. Bác thốt lên: “Ồ! Họ nói tiếng Pháp, để tôi lo cho.” Hóa ra bác lớn tuổi ấy nguyên là một viên chức thời Pháp đã nghỉ hưu. Họ trò chuyện khá lâu, rồi bác lớn tuổi còn dắt họ đi dạo quanh cửa hàng. Những người Pháp mân mê cái tay vịu cầu thang, chụp hình mái vòng, lan can… Khi ra về, mấy người Pháp đó còn bắt tay từng người, cảm ơn rối rít.

Bác lớn tuổi giải thích, đó là một ông kiến trúc sư đưa con trai đi tìm bản sắc kiến trúc Pháp ở các nước Đông Dương. Nhờ ông Pháp kia mà bác mới biết rằng nơi đây mang đậm những dấu ấn của kiến trúc thời Phục Hưng như kính mái vòm, gạch Mosaic hay biểu tượng con gà trống… là đặc trưng kiến trúc 3 Thương xá cách đây cả trăm năm là Galeries Lafayette (Pari), Maison Godard (Hà Nội) và Grands Magasins Charner (Sài Gòn)…

Thì ra nhờ ông kiến trúc sư người Pháp nọ, chúng tôi mới biết đã may mắn được làm việc ở nơi lưu giữ những dấu ấn kiến trúc quý hiếm đến như thế. Và ông lão giỏi tiếng Pháp đã kể cho tôi nghe về một thời hòang kim của Thương xá Tax, nơi điểm đến hàng đầu của giới thương lưu. Nhưng đó chỉ là quá khứ.

Năm 1998, cửa hàng Bách hóa tổng hợp TP được lấy lại tên là Thương xá Tax. Điều đó là những người như tôi có chút cảm giác tiếc nuối bởi dầu sao, tôi đã quen thuộc với cái tên cũ, nó như một minh chứng cho một thời mậu dịch với sự kham khổ, thiếu thốn… Thế nhưng, đất nước đã bước vào thời hội nhập, dấu ấn mậu dịch sẽ phải thay đổi.

Thương xá Tax được chỉnh trang trở lại, nó trở thành điểm đến của nhiều du khách không hẳn để mua bán mà chỉ để được hòai niệm, được sống trong một không khí của những ngày xa xưa. Nhiều người quen của tôi ở nước ngòai về cũng đòi được đưa đến Thương xá Tax khi tôi chở đi dạo phố. Rồi những dịp cuối năm, điểm đến của nhiều gia đình cũng là Thương xá Tax bởi nơi đây luôn là nơi được trang hòang lộng lẫy nhất, sang trọng nhất và lung linh nhất cho mùa đón Noel, mùa đón năm mới. Hàng ngàn ngọn đèn trang trí, hàng trăm mô hình với những biểu tượng, những hình ảnh rạng rỡ sang rực góc trời mỗi dịp cuối năm.
Cùng với đường hoa Nguyễn Huệ, cùng với khách sạn Rex, dường như nơi đây là là minh chứng rõ rệt nhất của một Sài Gòn hoa lệ, của Hòn Ngọc Viễn Đông sầm uất đang ngày càng hòa nhập với thế giới trong sự phát triển. Và hàng năm, nơi đây thu hút hàng triệu người đến để đón mùa Xuân đất nước.

“Nhưng năm nay sẽ đi đâu?” Những ngày cuối năm nay, khi đứng trước công trình đang quây kín để làm cao ốc, tôi vẫn tự hỏi mình như thế. Đường hoa Nguyễn Huệ thì sẽ rời qua Đại lộ Hàm Nghi, thương xá Tax thì đã bị phá bỏ, chỉ còn Rex đứng chơ vơ một mình. Đã có ý kiến của những người có trách nhiệm về việc sẽ xây dựng phương án để bảo tồn Thương xá Tax.

Nhưng biết đến bao giờ? Và liệu một hình hài Thương xá ngày xưa có còn được nguyên vẹn hay không? Có đem lại cảm xúc cho mỗi người hay không? Tôi nghĩ là không! Tôi cũng có nhã ý đi tìm ông lão nói tiếng Pháp ngày xưa để chia sẻ về chút hòai niệm ngày xưa. Nhưng rồi chả biết là sẽ tìm ông ở đâu.

Không biết ông có còn đến nơi đây, giữa bộn bề của công trường xây dựng để luyến tiếc, để hòai niệm. Hy vọng sẽ gặp được ông như là sẽ gặp lại Thương xá của một thời.

Hữu Quân (tháng 12/2014)




No comments:

Post a Comment

View My Stats