Monday, 31 October 2016

MÀN TUỒNG CHỢ VÃN (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
Posted by adminbasam on 31/10/2016

Từ 28 đến 30 tháng 10/ 2016 tại Hà Nội diễn ra cuộc họp của các ĐCS từ khắp các châu lục. Các cuộc họp như vậy bắt đầu từ năm 1998, vừa rồi là cuộc họp lần thứ 18. Trước đây, vào thời còn phe XHCN đã từng có những cuộc họp các ĐCS toàn thế giới tại Mạc Tư Khoa, bàn chuyện đào huyệt chôn vùi toàn bộ giai cấp tư sản và chủ nghĩa đế quốc để đưa giai cấp vô sản thống trị nhân loại, xây dựng thiên đường nơi hạ giới. Thế rồi ĐCS Liên xô tự sụp đổ, chỉ còn thoi thóp thở. Thế là ĐCS VN quyết nhảy ra, giành lấy và giương cao ngọn cờ tiên phong đã rách nát để tập hợp lực lượng CS.

Sau khi lên làm Tổng bí thư, ông Trọng vội vàng sang Cu Ba, đọc một bài diễn văn độc đáo, bộc lộ ý chí mãnh liệt: “Muốn tái dựng phong trào Cách mạng XHCN, ít nhất là ở quy mô các nước đang phát triển, mà Việt Nam là tấm gương chiếu sáng” (trích từ diễn văn). Trong khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc rời bỏ CNXH để trở thành chủ nghĩa bá quyền mèo trắng mèo đen, ông nuôi tham vọng đưa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông, sớm trở thành ngọn cờ đầu của phe XHCN tái lập, và ông trở thành nhà lý luận và vươn lên thành lãnh tụ của CS thế giới.

Cuộc họp thứ 18 lần này, theo công bố công khai, gồm trên 100 đại biểu của 85 đảng. Tôi không tìm được danh sách các đảng. Không biết có ĐCS Pháp, Nga và các nước khác trong phe XHCN cũ hay không.

Tôi quan tâm đến các đảng đó vì lý do sau:

1- ĐCS Pháp đã thay đổi cương lĩnh. Họ không còn giữ cả biểu tượng búa liềm và thay đổi hẳn quan niệm về sở hữu. Ở Đại hội gần nhất, Đại hội 36 (2/2013), họ tuyên bố chủ nghĩa Mác-Lênin không còn sức sống cả trong thực tế và lý luận, và giai cấp vô sản không còn giữ vai trò thúc đẩy xã hội nữa. Vai trò ấy bây giờ nằm trong tay tầng lớp trí thức trong một nền kinh tế tri thức hiện đại.   

2- ĐCS Nga và các nước từng là XHCN đã có kinh nghiệm cầm quyền và sụp đổ, họ đã từng “lên voi xuống chó”, biết rõ sự độc tài toàn tri của quyền lực, sự vinh hoa phú quý và nỗi nhục nhã của những người cầm đầu các ĐCS. Trừ ĐCS Nga có một vài hoạt động lẻ tẻ, còn tại các nước khác ĐCS chỉ như bóng ma vật vờ, những người lãnh đạo ngồi nhìn nhau, ôn lại và tiếc nuối thời vàng son đã thuộc về dĩ vãng .

Hội nghị 18 của ĐCS các châu lục là một hoạt động đối ngoại quan trọng đối với ĐCSVN. Tại Hà nội vào tháng 3 năm 2015 đã có Hội nghị của Hội đồng liên minh nghị viện các nước IPU 132. Theo quan điểm của ĐCSVN, xếp đảng cao hơn Quốc hội thì đáng ra HN18 của ĐCS phải hoành tráng hơn IPU 132, ít nhất cũng phải bằng nhau. Thế nhưng HN18 của ĐCS đã diễn ra một cách mờ nhạt, báo đài quốc doanh đưa tin một cách sơ lươc, hững hờ. Hội nghị giống như một màn tuồng đem diễn vào lúc chợ đã vãn người.

Không thấy công bố ĐCSVN đã chiêu đãi khách những món gì, dùng hết bao nhiêu tiền thuế của dân. Riêng về món lý luận chắc là không thiếu các vấn đề về xây dựng XHCN trong tình hình mới sau khi Liên xô sụp đổ, kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề tam quyền phân công chứ không phân lập và nhốt quyền lực vào cái lồng luật pháp, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, ta tự đánh ta v. v… Phải cho thế giới thấy rõ sự sáng tạo về mặt lý luận của VN trong thế ký 21.

Có một việc rất nên làm mà không biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ban đối ngoại TƯ có nghĩ ra không. Đó là mời các đại biểu đi thăm dinh thự của một số quan chức của Đảng, đã về hưu hoặc đang tại chức. Sau khi thấy được những dinh thự xa hoa, lộng lẫy của các vua chúa CS, thấy được ngai vàng ở nhà ông này, tượng vàng ở nhà ông kia v. v… thì sự cảm phục, kính trọng ĐCS VN được nâng lên tầm cao, có thể tinh thần và quyết tâm làm cách mạng vô sản của các đại biểu sẽ được nâng lên trong chốc lát. Sau đó, nghĩ tới thân phận mình các đại biểu lại cảm thấy tủi nhục vì đang chưa biết làm gì với tương lai đen tối của các ĐCS tại nước họ.

Dù sao, trước khi chia tay nhau ra về chắc các đại biểu cũng biết cám ơn ĐCS VN đã đón tiếp tử tế, cho ăn ngon, ở khách sạn sạch sẻ, đi du lịch miễn phí. Lại hẹn gặp nhau ở hội nghị 19 để tiếp tục diễn tuồng chợ vãn.




No comments:

Post a Comment

View My Stats