Saturday, 29 October 2016

NỢ NẦN BE BÉT, NGOẠI GIAO BUNG BÉT (Người Buôn Gió)




Thứ Bảy, ngày 29 tháng 10 năm 2016

Năm 2016 đánh dấu cho sự tồi tệ  của ngoại giao Việt Nam trên mọi phương diện, lớp lãnh đạo đảng mới không tạo được dấu ấn nào nổi trội trong ngoại giao khả dĩ mang lại tương lai sáng cho đất nước. Cho đến cuối tháng 10, tức chỉ còn 2 tháng nữa hết năm 2016 trong vài trò chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang chỉ đến những quốc gia nhỏ bé quanh khu vực châu Á như Sing, Brunei, Lào và không mang lại điều gì đáng kể trong những chuyến đi này.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc chính thức với Nga và Trung Quốc. Ông Phúc hơn ông Quang ở chỗ đi đến những cường quốc lớn có ảnh hưởng tại Việt Nam là Nga và Trung. Ở điểm này có thể ông Quang né tránh đến hai quốc gia nhạy cảm trên , hoặc có thể  do Ban bí thư sắp xếp để ông Quang phải đi những nước nhỏ hơn để làm giảm hình ảnh của ông trước vòng đua chức Tổng bí thư sắp tới. Nhưng cũng có thể ở khả năng chỉ đạo kinh tế, cần ông Phúc đến các cường quốc này hơn.

 Nhưng đến chuyến đi của Đinh Thế Huynh qua Trung Quốc nghe dặn dò của Tập, sau đó mới đến Hoa Kỳ gặp gỡ loanh quanh với những quan chức Hoa Kỳ, bàn những chuyện không đi đến đâu. Điều đó cho thấy có sự ngáng đường, ngăn cản chủ tịch nước Trần Đại Quang tạo dựng hình ảnh cho mình.

 Ban bí thư, bộ chính trị dưới quyền của Trọng và Huynh đang cố tình ngăn cản Trần Đại Quang thiết lập ảnh hưởng của mình, khi phân công các chuyến đi thăm và làm việc với các nước trên thế giới. Khả năng ông Quang né tránh không đi hai cường quốc Nga, Trung  điều hãn hữu, bởi ông Quang không thể có bản lĩnh khước từ những quốc gia có thể tạo dựng những ảnh hưởng có lợi cho bản thân ông. Việc ký kết hiệp định kinh tế , thương mại chỉ cần vai trò làm đại diện hình ảnh, những bàn thảo về hiệp định thương mại đã có những bộ phận đảm nhiệm. Với hình ảnh đại diện ký kết thương mại thì chủ tịch nước hay thủ tướng cũng như nhau. Nhưng người nào đi có nhiều hợp đồng thương mại, hợp đồng vay vốn người ấy có uy tín và ảnh hưởng lớn trong bộ máy chế độ cộng sản. Từ đó sẽ sản sinh ra quyền lực từ những đồng tiền vay được đó.

 Bài học xưa kia lúc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nhậm chức, ông Dũng đã có chuyến đi đầu tiên đến Nhật. Ngay tức khắc sau chuyến đi đó, năm 2007 Nhật đã nâng Việt Nam lên nước hàng đầu trong 30 nước nhận viện trợ vốn vay của Nhật. Giúp cho chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lúc đó có nguồn vốn dồi dào làm nên sức mạnh của ông Dũng, khiến ông Dũng có ảnh hưởng chính trường trong mấy năm sau đó.

 Việc sắp xếp các vị trí đi ngoại giao đến các cường quốc, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trần Đại Quang là chuyện đấu đá nhau tranh giành quyền lực của phe phái trong đảng. Chuyện đó đã đành.

 Tuy nhiên câu hỏi khác cần phải đặt ra rằng, những chuyến đi thăm và làm việc quốc tế kia có mang lại điều gì ích lợi cho đất nước Việt Nam không, cần phải xem xét.

 Nguyễn Xuân Phúc đến Nga trong lúc nước Nga đang khủng hoảng về kinh tế do đối chọi với nhiều vấn đề, bởi thế không có miếng bánh ngon nào Phúc đem về từ nước Nga, ngoài chuyện mua bán vũ khí, khí tài quân sự chỉ có lợi cho người Nga ra chỉ là những hứa hẹn chung chung của người Nga với Việt Nam. Chuyến đi của Phúc đến Trung Cộng khả dĩ hơn với màn chào đón hoành tráng như nguyên thủ đứng đầu Việt Nam. Sau chuyến đi của Phúc đến Trung Quốc, con số thống kê vay nợ nước ngoài được cho là thành công khi dự định của chính phủ vay 20 tỷ usd năm 2016 đã thành công khi đạt mức vay 16 tỷ usd vào cuối tháng 9.

 Trong 16 tỷ usd chính phủ Nguyễn Xuân Phúc huy động được tới tháng 9 năm 2016 này , có khoảng 8 tỷ usd từ 4 công ty chứng khoán, 15 ngân hàng, 2 đơn vị bảo hiểm trong nước trong việc bán trái phiếu chính phủ. Lãi suất của trái phiếu chính phủ lần này còn thấp hơn cả lãi suất các ngân hàng huy động tiền gửi. Có nghĩa 21 đơn vị này phải ngậm đắng , nuốt cay mua trái phiếu của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong tình trạng lỗ vốn ngay khi mua.

 Nực cười sau khi ép các đơn vị được chỉ định gọi tên trong nước mua trái phiếu của mình phát ra với lãi suất thấp hơn cả lãi các đơn vị này trả khi đi vay, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tự ca ngợi mình đạt được thành tích bán nhanh gọn trái phiếu với mức lãi suất có lợi cho chính phủ. Bù lại, một thông tin từ phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra sẽ giải thể một số ngân hàng yếu kém, như thế có nghĩa dòng tiền từ nhân dân buộc phải đổ về những ngân hàng còn lại, đó là những ngân hàng đã mua trái phiếu của chính phủ đợt vừa qua. Đến khi đó các ngân hàng này sẽ bàn nhau việc giảm lãi suất tiền gửi dễ dàng hơn để bù lại số tiền đã mua trái phiếu chính phủ.

Thế nhưng 21 đơn vị ấy chỉ mua 8 tỷ usd, vậy còn 8 tỷ usd còn lại trong số 16 tỷ usd kia chính phủ huy động từ đâu ra. Trong các quan hệ quốc tế mới đây, chỉ có Pháp cho vay vài chục triệu usd, con số bằng cái móng tay của 8 tỷ usd còn lại.

 Vậy gần 8 tỷ usd còn lại, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc huy động ở đâu.?

Già nửa số còn lại lấy từ quỹ bảo hiểm và tổng công ty đầu tư vốn nhà nước SCIC, non nửa từ ODA, một phần nhỏ từ trái phiếu quốc tế.

 Tổng số tiền Việt Nam phải trả nợ năm 2016 này là 12 tỷ usd. Số tiền 16 tỷ đã huy động trên phải cáng trả nợ 12 tỷ đó và chi trả cho chi tiêu công và các công trình ODA. Nhưng vấn đề ở chỗ tiền huy động này toàn là tiền dạng vay nóng từ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư trong nước. Làm thế nào để giải quyết cho những đơn vị này.?

 Với các ngân hàng đã có biện pháp tung tin giải thể một số ngân hàng khác, để dòng tiền nhân dân gửi đổ vào các ngân hàng đã mua trái phiếu, một sự bù đắp. Với bảo hiểm dự kiến tăng thêm thời gian tuổi hưu để cầm cự. Với quỹ dầu tư vốn nhà nước thì tính bán cho nước ngoài lại phần vốn quỹ này đang nắm, số lượng bán còn phải cáng thêm phần non nửa ODA trong 8 tỷ kia.

Đến nay thì phần vốn nhà nước bán cho nước ngoài này, người mua khả dĩ nhất không ai khác là Trung Cộng. Chuyến thăm Trung Quốc của Nguyễn Xuân Phúc dã nhận được lời đảm bảo của Trung Cộng sẽ giúp Việt Nam mua lại những phần vốn đó. Đổi lại Việt Nam cam kết gắn chặt với Trung Cộng bằng cách duy trì chế độ XHCN và nhân nhượng trong các cơ sở vốn của Trung Quốc tại Việt Nam,  và để Trung Cộng hoành hành trên biển Đông.

 Thực tế cho thấy, sau khi các uỷ viên BCT Việt Nam như  bộ trưởng quốc phòng, thủ tướng, thường trực ban bí thư  đến Trung Quốc,  trung ương 4 khoá 12 của ĐCSVN nhóm họp ngày sau đó  trọng tâm bàn đến chuyện giữ đường lối CNXH và chống những suy nghĩ lệch lạc khỏi đường lối này. Phong trào đấu tranh của người dân đối với Formosa bị đảng trấn áp bằng đủ mọi cách. Và ngoài biển Đông người Trung Cộng đã công khai đưa chiến đấu cơ ra các quần đảo ở Hoàng Sa thiết lập vùng giám sát bay.

 Nhìn tổng thể các quan hệ ngoại giao gần đây của Việt Nam, chế độ Việt Nam chỉ thành công khi được Trung Cộng bảo đảm cầm cố những tài sản quốc gia mà Việt Nam đem cầm. Đổi lại là những thiết chế  áp đặt khắt khe về độc lập ngoại giao, chính trị, chủ quyền ngày một lớn hơn.

 Lúc đất nước kiệt quệ và túng quẫn như bây giờ, đối sách ngoại giao để gỡ gạc tình thế ấy, chỉ tìm đến Trung Cộng.  Việc thất bại là điều đương nhiên, nhưng thất bại ấy là của dân tộc và đất nước Việt Nam. Còn về mặt chế độ cộng sản Việt Nam lại là một thành công khi có chỗ dựa về kinh tế, quân sự, chính trị để tồn tại thêm thời gian nữa.

 Trong lúc cùng quẫn ấy, đi đến một cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ là một thường trực ban bí thư của Đảng thì có nghĩa gì cơ chứ. Người Mỹ họ có thể ký kết được gì với một cán bộ đảng cộng sản khi danh chính ngôn thuận ông ta không có chức vụ gì trong bộ máy nhà nước, chính phủ. Nhất là trong lúc nước Mỹ đang vào thềm bầu cử tổng thống. Có chăng chỉ là trò đánh lừa nhân dân rằng Cộng sản Việt Nam chú trọng quan hệ đa phương, che đậy việc đang gắn bó tồi tệ với Trung Cộng mà thôi.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 01:28 






No comments:

Post a Comment

View My Stats