Saturday, 29 October 2016

MINH BẠCH VẪN LÀ THỨ "XA XÍ PHẨM" MÀ CHẾ ĐỘ KHÔNG THỂ "CHO" (Người Việt Online)





VIỆT NAM – Ông Trương Trọng Nghĩa, một đại biểu Quốc Hội Việt Nam vừa đề nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam yêu cầu chính phủ giải thích tại sao lại đóng dấu “Mật” lên các báo cáo.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì các báo cáo của chính phủ, Tòa Án Tối Cao, Viện Kiểm Sát Tối Cao,… gửi cho đại biểu Quốc Hội đều đóng dấu “Mật.” Theo quy định của luật pháp hiện hành thì điều đó đồng nghĩa với việc không được phổ biến những thông tin trong các báo cáo này.

Ông Nghĩa bảo rằng đây là hành động không chính đáng. Dân chúng có quyền và cần phải được biết tình hình Biển Đông ra sao, tham nhũng thế nào…

Ông Nghĩa nêu thêm nhận xét rằng, nếu so các báo cáo của chính phủ Việt Nam, của Tòa Án Tối Cao, của Viện Kiểm Sát Tối Cao,… với mong muốn của cử tri đã được Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tập hợp và công bố trước đó thì các báo cáo vừa kể không đạt yêu cầu.

Theo ông Nghĩa, tham nhũng, khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm,… đang là những vấn đề rất nóng, có nhiều chuyện phải bàn nhưng các báo cáo hoặc lờ đi, hoặc là chỉ đề cập rất chung chung. Chẳng hạn chính phủ Việt Nam không đả động gì đến phá rừng, khai thác cát tràn lan,… dù phá rừng đã và đang làm lũ lụt thường xuyên, khai thác cát gây sạt lở khắp nơi kèm nhiều hậu quả đáng ngại khác.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, vụ Formosa khiến vùng biển phía Bắc miền Trung bị ô nhiễm vốn hết sức nghiêm trọng nhưng báo cáo của chính phủ Việt Nam chỉ đề cập đến chuyện “kẻ xấu sách động dân chúng miền Trung” là không thỏa đáng. Cũng vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam yêu cầu chính phủ Việt Nam phải sọan lại các báo cáo, làm rõ các nguyên nhân khiến tham nhũng, khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm,… trở thành thảm trạng như hiện nay.

Cần nhắc lại rằng, minh bạch không chỉ là khuyến cáo của nhiều chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam mà còn là cam kết của chính quyền Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng như dân chúng Việt Nam.

Tuy nhiên tại Việt Nam, minh bạch vẫn chỉ xuất hiện trên giấy và trên miệng của các viên chức.

Hồi Tháng Ba năm ngoái, World Justice Project (WJP) công bố kết quả một cuộc khảo sát về mức độ minh bạch của 102 quốc gia. Dựa trên nhận định của 1,000 người, cư trú ở Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn về, mức độ công khai những thông tin liên quan đến chính quyền và luật pháp, sự đáp ứng quyền được cung cấp thông tin, sự tham gia của các tổ chức dân sự, cơ chế đáp ứng các khiếu nại của dân chúng, WJP xếp chính quyền Việt Nam hạng 86/102 ở bình diện toàn cầu và 11/15 ở bình diện Châu Á. Tại Châu Á, sự minh bạch của chính quyền Việt Nam chỉ hơn Trung Quốc, Mã Lai, Cambodia và Myanmar.

Trước nữa, hồi Tháng Mười Một năm 2014, sáu tổ chức tại Việt Nam từng gửi kiến nghị, yêu cầu minh bạch về ngân sách, đúng vào thời điểm Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận, chuẩn bị cho việc thông qua Luật Ngân Sách mới.

Ngoài việc yêu cầu minh bạch về ngân sách, kiến nghị nhấn mạnh rằng, chính quyền Việt Nam cần thực hiện nghĩa vụ giải trình và các biện pháp để dân chúng có thể tham gia vào tiến trình quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách.

Kiến nghị cho rằng, Luật Ngân Sách mới phải minh định về việc công khai ngân sách. Nội dung và cách thức công khai phải giúp dân chúng có thể hiểu để tham gia vào tiến trình quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách. Đặc biệt là phải bảo đảm sự thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin. Luật Ngân Sách mới cũng cần minh định quyền tham gia giám sát của dân chúng trong việc quản lý, sử dụng ngân sách. Đồng thời phải xác định các hình thức xử lý đối với việc vi phạm nghĩa vụ công khai ngân sách và trách nhiệm giải trình về ngân sách.
Những kiến nghị như thế đã vào sọt rác. Thông tin về quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách của tất cả các cấp trong chính quyền Việt Nam vẫn thiếu và hết sức khó hiểu. Kết quả là sự lãng phí trong sử dụng ngân sách vượt xa sự tưởng tượng của mọi người. (G.Đ)




No comments:

Post a Comment

View My Stats