Thursday, 27 October 2016

KHI ĂN NHẬU TRỞ THÀNH "VĂN HÓA" (Nguyễn Thanh Vũ)




Được đăng ngày Thứ tư, 26 Tháng 10 2016 18:23

Tại Hội thảo chia sẻ về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam diễn ra ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết : "Ở Việt Nam có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới nếu tính riêng nam giới".

Thật không có gì ngạc nhiên về chuyện ăn nhậu của đàn ông Việt Nam. Bởi đi đâu cũng thấy ăn nhậu, từ thành thị đến thôn quê, từ thanh niên cho đến người già, từ nghèo cho đến giàu. Nói không ngoa, cứ vào mỗi chiều, bước ra phố, hai bên vỉa hè được người ta tận dụng để mở quán nhậu, dù bị người bộ hành chỉ trích rất nhiều về việc lấn chiếm lòng lề đường. Người ta cứ cùng nhau hò hét "Dzô ! Dzô ! Dzô !", chén tạc chén thù, bất biết đường đi lối về. 

Nói chuyện ăn nhậu ở ta trở thành "văn hóa" chẳng sai tí nào. Đã nhiều thập kỷ qua, men bia rượu là người bạn không thể thiếu đối với dân văn phòng, công chức. Bia bọt như chiếc cầu nối trong quan hệ kinh doanh. Rượu bia cuốn giới trẻ vào các cuộc chơi vô độ trong nhà hàng, quán ăn, karaoke, vũ trường... Ban đầu, phụ nữ rất ít khi uống rượu bia vì cơ địa, vì gia phong lễ giáo, trừ một số vùng miền có tập tục riêng. Nhưng dần dần, họ tham gia vào chuyện ăn nhậu cũng vì tính cộng đồng, tạo mối quan hệ, xã giao. Không biết nhậu rất khó để có bạn, có công việc tốt, kinh doanh thuận chèo mát mái. Chuyện gì cũng đều phải dính dáng đến bia (rượu).

Sau nhiều cuộc họp quan trọng hay chỉ lấy lệ, người ta lại tổ chức một bữa tiệc thân mật. Tất nhiên ở đó điều có bia để sẵn. Muốn hợp đồng được ký trót lọt thì nhân viên được công ty giao nhiệm vụ quan trọng này phải biết uống bia để làm vui lòng đối tác. Nhiều hợp đồng được ký trên bàn nhậu hoặc cái gật đầu chiếu cố. Như hồi tôi mới ra trường, dù có người quen giới thiệu, hồ sơ rất tốt nhưng tay trưởng phòng nhân sự vẫn thòng thêm một câu : "Chú mày có biết uống bia, rượu không ?". Ông ta hỏi thế để biết mà sắp xếp cho tôi làm phòng ban nào. Nhưng rõ ràng uống ít là một điều tệ hại, theo cách nghĩ của ông và cũng theo thời cuộc. 

Uống rượu bia vô độ vô lượng, không biết điểm dừng sẽ dẫn đến những hệ lụy đau lòng như gây ra tai nạn giao thông, đâm chém, ảnh hưởng đến sức khỏe, lãng phí tiền bạc...

Nhà nước cần ban hành các quy định cấm các cơ quan địa phương nhậu nhẹt sau các cuộc họp, nhất là không dùng tiền công quỹ sử dụng vào mục đích ăn nhậu. Các cơ quan công quyền nên hạn chế tiệc tùng vào các ngày lễ lớn và không nên lấy "thước đo" ăn nhậu để đánh giá năng lực của một nhân viên. Quan trọng nhất, có hạn chế chuyện ăn nhậu không, vẫn phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người. Có quyết tâm, kiên trì thì lâu dần việc xóa bỏ ăn nhậu quá đà trở thành hệ thống, từ đấy sẽ thay đổi được văn hóa ăn nhậu trong tư tưởng của mọi người.

Nguyễn Thanh Vũ
Nguồn : Tin Tức, 20/10/2016

*
*
Gần 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại
(Tin Tức, 26/09/2016)
Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
Đây là con số được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam và Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức ngày 26/9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang là quốc gia uống rượu bia đứng hàng đầu khu vực và thế giới. Cụ thể: Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu là có liên quan đến rượu bia; gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia là 4,6%. Đối với Việt Nam, rượu bia luôn là một trong 10 nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long cho rằng, có một số điều luật ở nước ta mọi người cho là mới, nhưng thực tế trên thế giới đã thực hiện từ lâu và cho hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn, việc có nên cấm hay không cấm bán rượu bia sau 22h ; hoặc cấm bán rượu cho trẻ vị thành niên ở các nước đã áp dụng từ lâu; cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng, đặc biệt trong nhà trường…
"Có rất nhiều điều khoản như vậy nếu chúng ta không thực hiện quyết liệt thì sẽ không thành công và tốc độ gia tăng việc sử dụng rượu bia ở nước ta sẽ ngày một gia tăng hơn", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng, tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành rất cao, có tới 77% nam giới và 11% nữ giới hiện tại có uống rượu bia trong 30 ngày qua. Tuổi càng cao tình trạng sử dụng rượu bia càng tăng. Nhóm tuổi trẻ tần suất uống ít hơn nhưng lượng nhiều hơn trong mỗi lần uống so với nhóm tuổi già. Gần một nửa nam giới đã uống rượu bia ở mức nguy hại. Trong số người có uống rượu bia, khoảng 45% đã từng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trong vòng 2 giờ sau khi dùng. Kết quả điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam cho thấy 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ một tuần trở lên...
Bác sĩ Trần Quốc Bảo cho biết, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đến 21 tuổi mới uống. Đó là khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần ; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp 6 lần, khả năng bị chấn thương do uống rượu gấp gần 5 lần.
"Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, mức độ uống khác nhau ở từng người. Uống rượu bia ở bất kỳ mức độ nào cũng đều dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh", ông Trần Quốc Bảo thông tin.
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết, các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít… Thường gặp nhất và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác, nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam là bằng chứng khoa học và thực tiễn để Bộ Y tế nghiên cứu các chính sách pháp luật phù hợp đưa vào dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Hiện tại, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật và dự kiến tháng 5/2018 sẽ trình Quốc hội xem xét.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

*
*
4,6% người trẻ tuổi nghiện nặng rượu bia
(Tin Tức, 18/09/2016)
Ở mức độ nặng, con người không thể ngưng lại việc sử dụng rượu bia, kèm theo đó là những hành vi tiêu cực như cáu gắt khi không có bia rượu…
Ngày 18/9, tại Hội thảo về tình trạng sử dụng rượu bia trong thanh niên do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho thấy, có nhiều thông tin đáng lo ngại về thực trạng sử dụng rượu bia trong các đối tượng này trên địa bàn thành phố.
Kết quả khảo sát trên 670 nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi do Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mới đây cho thấy, có đến 21,3% người đang có xu hướng lạm dụng rượu bia, có nghĩa là bắt đầu có sự lệ thuộc trong sử dụng rượu bia và có khả năng dẫn đến nguy cơ nghiện rượu bia.
Về mức độ sử dụng, có 20% người trẻ tuổi bị nghiện rượu bia ở mức độ nhẹ, 16% nghiện ở mức độ vừa phải. Đáng chú ý, có 4,6% người được khảo sát đã rơi vào tình trạng nghiện rượu bia ở mức độ nặng. Ở mức độ này, con người không thể ngưng lại việc sử dụng rượu bia, kèm theo đó là những hành vi tiêu cực như cáu gắt khi không có bia rượu, sẵn sàng dùng bạo lực khi uống bia rượu… Về thời gian sử dụng rượu bia, trong số những người được khảo sát, có đến 60% người đã sử dụng rượu bia trên 48 tháng và 25,5% người uống rượu bia ở mức độ trên 3 lần một tuần.
Liên quan đến tác hại của việc sử dụng rượu bia thường xuyên, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh cho biết : Việc sử dụng rượu bia trên 3 lần/tuần, với số lượng trên 50ml rượu nguyên chất thì có thể coi như là nghiện rượu. Tác hại của rượu còn phụ thuộc vào độ tinh chất của rượu, chẳng hạn như trong rượu có chất methanol có thể gây mù mắt, vì chất này sẽ chuyển hóa thành formaldehyde là chất được dùng để ngâm tử thi. Tuy nhiên, nhìn chung, việc nghiện rượu sẽ dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm về mặt sức khỏe như : rối loạn lo âu, rối loạn chức năng tình dụng, trầm cảm, nhân cách phi xã hội…
Theo Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu hoặc trong hơi thở gây ra. Các vụ tai nạn này làm 42 người chết và 10 người bị thương. Ở Việt Nam, sau bữa sáng và bữa trưa, nhiều trường hợp bị tai nạn ngay trên đường đi làm hoặc quay lại cơ quan vì say xỉn.
Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo người trẻ tuổi cần ý thức về những tác hại của rượu bia trên cả hai phương diện tinh thần và thể chất. Khi bản thân có dấu hiệu nghiện rượu bia, cần đến các cơ sở y tế để trị liệu, tư vấn. Đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở bạn bè và đồng nghiệp về tác hại của nghiện rượu bia. Phía ngành chức năng cũng cần tăng cường các văn bản pháp luật, xử phạt hành vi sử dụng rượu bia... một cách rõ ràng…
H.Chung (TTXVN)






No comments:

Post a Comment

View My Stats