Ngọc Việt - giaoduc.net.vn
09/02/16 05:49
Ngày 30/1 báo Independent của nước
Anh đưa tin, tháng 7/2016 chính quyền Thụy Sĩ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân
ý về việc công dân nước này sẽ được nhận 2.500 franc Thụy Sĩ (2250 euro)/tháng,
không phân biệt thu nhập của họ hoặc họ có làm việc hay không. Người chưa thành
niên sẽ nhận được 625 franc/tháng.
Ngay lập tức, sự kiện này đã khiến dư luận thế giới
hướng về Thụy Sĩ với những ánh mắt đầy ngưỡng mộ và thán phục. Thậm chí nhiều
người còn cho rằng, phải chăng xã hội mà người dân được "làm theo năng lực
hưởng theo nhu cầu"là đây. Tuy nhiên, đó chỉ mới là đề xuất, còn phải chờ
kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Song theo người viết thì ý nghĩa của vấn đề lớn lao
hơn, sâu sắc hơn rất nhiều. Nó không chỉ nằm ở việc toàn dân Thụy Sĩ được trả
lương tối thiểu hay được hưởng thụ nhu cầu vật chất mà không phụ thuộc vào năng
lực làm việc, cho dù việc đề xuất ý tưởng và được chính quyền Thụy Sĩ chấp nhận
xem xét đã trở thành một sự kiện đặc biệt trong lịch sử nhân loại.
Ý nghĩa nào mà lớn lao quá vậy ?
Gieo
hy vọng
Thật ra, dư luận thế giới không quá ngạc nhiên nếu
nhà nước Thụy Sĩ có thể thực hiện việc trả lương tối thiểu cho toàn dân bởi điều
đó không vượt quá khả năng của chính phủ nước này. Và có người cho rằng như thế
thì người dân ở những nước nghèo, những kém phát triển hay bị kìm hãm phát triển
làm sao mà dám hy vọng vào "thiên đường nơi hạ giới"như vậy được ?
Sự việc không hẳn như vậy, mà ngược lại đề xuất trả
"lương toàn dân" tại Thụy Sĩ đã gieo hy vọng cho nhân dân ở tất cả
các quốc gia thế giới về khả năng hiện thực hóa những nguyên lý bất biến trong
quá trình nhà nước thực hiện chức năng điều hành và quản lý xã hội của nó. Và từ
đó lợi ích của người dân sẽ dược đảm bảo tốt nhất bởi chính quyền.
"Nếu kế hoạch
được thông qua, Thụy Sĩ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp
thu nhập cơ bản hàng tháng một cách vô điều kiện cho người dân. Thụy Sĩ là quốc
gia đầu tiên bỏ phiếu về vấn đề này", theo
Independent.
Một trong những nguyên lý đó là mối quan hệ trao -
nhận giữa nhà nước và nhân dân là mối quan hệ tương đương chứ không phải là mối
quan hệ chính - phụ. Nghĩa là người dân trao cho nhà nước nước quyền lực thì
nhà nước phải trao lại cho người dân những gì tương xứng với những gì họ nhận từ
nhân dân.
Do đó, tất cả những gì mà nhà nước làm cho dân là
trách nhiệm của lực lượng đại diện quyền lực nhân dân chứ không phải đó là những
thứ chính quyền ban phát cho dân. Thực ra, nhà nước luôn luôn nợ nhân dân, bởi
lẽ khi một nhà nước ra đời là được nhân dân ủy nhiệm - tức là nhà nước đã
"ứng" trước lợi ích của nhân dân để làm nền tảng cho sức mạnh của
mình.
Vì vậy nhà nước luôn phải tìm những giải pháp tối ưu
nhất, những chính sách tốt nhất để đảm bảo đáp ứng tối đa lợi ích của nhân dân,
chứ không phải bắt người dân phải chấp nhận tất cả bất kể những gì họ nhận được
là nhiều hay ít, tốt hay xấu, phù hợp hay không phù hợp. Nhà nước có quyền từ
chối nhân dân nếu những đòi hỏi của họ vượt quá những gì mà họ trao cho nhà nước.
Và ngược lại, nhân dân cũng có quyền từ chối những
gì nhà nước trao cho họ mà họ nhận thấy không phải là những gì họ mà cần phải
được nhận, mà chỉ là những thứ, những điều không mang lại lợi ích cho họ. Nhân
dân và nhà nước ngang bằng nhau về vị thế trong quan hệ, chứ không phải nhân
dân phải chạy theo nhà nước để xin ban phát, ban ơn.
Có thể thấy rằng, trong niềm hy vọng này, nhà nước
thể hiện đúng với bản chất là cơ quan đại diện cho quyền lực nhân dân. Nhà nước
chỉ là đại diện chứ không phải là sở hữu quyền lực. Nhà nước chỉ là lực lượng
được ủy thác sử dụng các công cụ để phát huy sức dân vào việc phát triển đất nước.
Nhà nước được nhân dân ủy nhiệm khai thác những gì
thuộc về nguồn lực của quốc gia để phục vụ nhân dân thông qua cơ chế tối ưu hóa
lợi ích đôi bên : Nhà nước - Nhân dân. Vì vậy, những lực lượng tham gia cầm quyền
phải có khả năng vận hành cơ chế ấy và phải mong muốn cơ chế ấy vận hành tốt nhất
để tạo ra những kết quả tốt nhất cho lợi ích của nhân dân.
Từ đó đặt ra yêu cầu người lãnh đạo đất nước, lực
lượng nắm chính quyền phải là tập hợp những người có đủ Tâm và đủ Tầm trong việc
thực hiện những nhiệm vụ thuộc về chức năng của nhà nước, hiện thực hóa bản chất
của thực thể quan trọng nhất trong hệ thống chính trị. Vì vậy, nhà nước không
phải là nơi cho những lực lượng bất tài, kém đức phô diễn thủ đoạn.
Một nhà nước chỉ có thể đảm bảo và đảm bảo tốt nhất
quyền lợi cho nhân dân nếu nó được xây dựng trên một thể chế chính trị ưu việt
- một chế độ chính trị được vận hành quay quanh trục lợi ích nhân dân - chức
năng nhà nước. Mọi chức năng của nhà nước có nền tảng là ý nguyện của nhân dân
và được xác lập đều hướng về việc phục vụ lợi ích nhân dân.
Một nhà nước chỉ là đại diện và đại diện tốt nhất
cho quyền lực nhân dân nếu nó được hình thành và hoạt động theo đúng cơ chế ủy
nhiệm nhân dân. Nhà nước không phải là công cụ quyền lực của đảng phái chính trị.
Nhà nước luôn phải hoạt động xoay quanh trục quyền lực nhân dân, đó là bản chất
nhà nước.
Không một lực lượng nào có thể tạo ra bản chất, vẽ
ra chức năng cho nhà nước theo ý muốn nhằm phục vụ mưu đồ của họ. Bản chất và
chức năng của nhà nước được xác lập một cách hết sức tự nhiên trên nền tảng lợi
ích và quyền lực nhân dân.
Do vậy trong quá trình tồn tại của nhà nước, nhiệm vụ
của lực lượng cầm quyền là phải đảm bảo cho nhà nước hoạt động đúng với chức
năng và bản chất của nó.
Chính quyền càng bám sát chức năng và bản chất của
nhà nước thì chế độ chính trị càng ưu việt, nhà nước càng vững chắc và sức mạnh
của chính quyền luôn được củng cố. Nhà nước chỉ cần đảm bảo quyền lợi cho nhân
dân thì nhân dân sẽ đảm bảo sức mạnh cho nhà nước.
Việc đề xuất chế độ "tiền lương toàn dân"
tại Thụy Sĩ thể hiện rõ rệt nhất chức năng và bản chất của nhà nước trong mối
quan hệ : Nhà nước - Nhân dân.
Sáng
tương lai
Từ hy vọng dựa trên đề xuất và chấp nhận đề xuất trả
lương toàn dân tại Thụy Sĩ, nhân dân thế giới có thể nhìn thấy trong tương lai
từng đất nước, từng dân tộc, sự phát triển của xã hội đều sẽ phải vận hành theo
quy luật, những gì không theo quy luật hay phản quy luật đều sẽ dẫn đến sự cáo
chung.
Do chức năng và bản chất của nhà nước đều là thuộc
tính cố hữu của quyền lực nhân dân, nghĩa là nó hình thành và tồn tại một cách
tất nhiên và khách quan. Lực lượng nắm quyền là đại diện cho ý nguyện của nhân
dân, có nhiệm vụ tạo cơ chế để nhà nước vận hành dựa trên những thuộc tính cố hữu
ấy.
Biểu hiện của cơ chế là những chính sách của nhà nước
hướng tới người dân.
Khi những chính sách phù hợp - mà thể hiện ra là lợi
ích của nhân dân được đảm bảo - thì đất nước thanh bình, nhân dân yên bình, xã
hội thái bình, quốc gia phát triển hài hòa và bền vững.
Những chính sách ưu việt giúp cho quyền lợi của người
dân được đảm bảo thì cũng đồng thời sức mạnh nhà nước được tăng cường qua việc
người dân góp sức xây dựng và bảo vệ chính quyền.
Như vậy, nhà nước hướng tới việc nâng cao mức sống
cho người dân, đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể trong xã hội thì đương
nhiên người dân sẽ hướng tới việc tạo điều kiện cho hoạt động nhà nước được thực
tiễn hóa với việc khẳng định những giá trị ưu việt cũ, thẩm thấu những giá trị
mới trong quá trình khẳng định tính ưu việt của nó.
Nghĩa là sức mạnh nhà nước chỉ được thể hiện và khẳng
định bởi nhân dân chứ không phải bởi công cụ sức mạnh nhà nước. Về điều này,
trong lịch sử đã có những lực lượng cầm quyền nhận thức sai lầm, không hiểu
tính tất yếu của nguyên lý, tính khách quan của quy luật, từ đó có những hành động
cực đoan nhằm nắm giữ quyền lực một cách chủ quan.
Thoạt nhìn vào những hành động thể hiện quyền uy như
thực hiện thiết quân luật, ban bố tình trạng khẩn cấp hay ra sắc lệnh ngăn cấm,
nghiêm cấm những hành vi chống đối…, khiến nhiều người có thể cảm tưởng rằng
đó là sản phẩm xủa một chế độ có sức mạnh và đang được củng cố bằng công cụ
chuyên chính của nó.
Thực ra những hành động ấy chứng tỏ chính quyền đang
rất yếu và những biện pháp ấy sẽ đưa nhà nước đến chỗ suy yếu và có thể bị lật
nhào hoặc phải cáo chung, chấm dứt sự tồn tại. Phải thấy rằng, không có một biện
pháp nào bảo vệ sức mạnh và sự tồn tại của chế độ chính trị, của nhà nước hữu
hiệu bằng việc chăm lo đời sống cho người dân.
Chính quyền chỉ cần thực hiện những biện pháp đảm bảo
quyền lợi nhân dân thì đương nhiên sức mạnh nhà nước được khẳng định. Đó chính
là đảm bảo nhà nước vận hành theo nguyên lý, hoạt động theo quy luật.
Không thể dùng ý muốn chủ quan để phủ nhận giá trị
và sức mạnh của nguyên lý, của quy luật.
Vì vậy, nhìn vào việc chính phủ Thụy Sĩ chấp nhận
xem xét đề xuất trả lương tối thiểu cho toàn dân ai cũng cho rằng đó là nhà nước
lo cho lợi ích của nhân dân. Nhưng thực ra chính quyền Thụy Sĩ đang khẳng định
sức mạnh của mình bằng những biện pháp hết sức mềm nhưng cực kỳ hiệu quả.
Vì nhà nước là đại diện cho ý nguyện của nhân dân
nên những chính sách nhà nước đưa ra trước tiên phải thể hiện tính nhân văn của
nó.
Tóm lại, việc nhà nước lo cho dân là chức năng và bản
chất của nhà nước, là tất yếu chứ không phải là ân huệ dành cho nhân dân và điều
đó hết sức tự nhiên. Vì vậy, tâm lý của người dân Thụy Sĩ hết sức bình thường
khi tiếp nhận thông tin về việc chính phủ nước này có thể trả lương cho họ mà
không xem xét đến hoạt động của họ trong đời sống xã hội.
"Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Viện
Demoscope cho thấy, đa số người dân Thụy Sĩ sẽ tiếp tục làm việc, hoặc vẫn tìm
kiếm một công việc, ngay cả khi đề xuất đảm bảo thu nhập tối thiểu được phê duyệt.
Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có hai trăm người dân có thể ngừng làm việc", Independent cho
biết.
Qua việc chính phủ Thụy Sĩ xem xét đề xuất trả
"lương toàn dân", cho thấy mọi chế độ chính trị khi xem lợi ích của
nhân dân là đích hướng tới của mọi chính sách thì ở phía ngược lại, bảo vệ sức
mạnh cho chế độ, cho chính quyền cũng là ý nguyện của nhân dân. Nhân dân và nhà
nước hướng về nhau bằng những lợi ích tối ưu nhất - đó là nền tảng của một chế
độ chính trị ưu việt, một xã hội công bằng và văn minh.
Ngọc
Việt
---------------------------
CÁC
TIN KHÁC :
No comments:
Post a Comment