Monday 29 February 2016

BẦU CỬ MỸ TRƯỚC NGÀY SUPER TUESDAY (Bùi Văn Phú)





Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
29 tháng 2 2016

Thứ Ba 1/3 được gọi là “Super Tuesday” trong lịch bầu cử tại Hoa Kỳ.

Cứ bốn năm một lần, ngày thứ Ba đầu tiên của tháng Ba có 11 tiểu bang tổ chức bầu sơ bộ để cử tri tiến cử ứng viên của hai chính đảng ra tranh chức tổng thống vào tháng Mười Một.

Trước ngày đó, vài tiểu bang đã tổ chức bầu sơ bộ để các ứng viên thử sức, nếu thấy không được nhiều ủng hộ thì rút lui.

Đảng Cộng hòa, từ cuối năm ngoái có tất cả 17 ứng viên ra tranh cử, đã tham gia nhiều cuộc tranh luận (debate) hay gặp gỡ cử tri (town hall meeting) được trực tiếp truyền hình. Một số ứng viên không được ủng hộ cao, trên 5%, qua các cuộc thăm dò ý kiến nên rút lui sau vài lần tranh luận.

Trong kỳ bầu chọn sơ bộ đầu tiên vào ngày 1/2 ở bang Iowa đảng Cộng hòa còn 11 ứng viên. Kết quả Thượng Nghị sĩ Ted Cruz về nhất, kế đến là Doanh gia tỉ phú Donald Trump, Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, Bác sĩ Ben Carson, Thượng Nghị sĩ Rand Paul, Thống đốc Jeb Bush, Doanh gia Carly Fiorina, Thống đốc John Kasich, cựu Thống đốc Mike Huckabee, Thống đốc Chris Christie và cựu Thống đốc Rick Santorum.

Những tuần tiếp theo là bầu sơ bộ ở bang New Hampshire, Nevada, South Carolina. Đến giờ đảng Cộng hòa chỉ còn năm ứng viên là Donald Trump, Ted Cruz, Marco Rubio, John Kasich và Ben Carson.

Dân chủ lật thế cờ

Phía đảng Dân chủ, ngay từ đầu giới quan sát chính trị tin tưởng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cầm chắc sẽ được tiến cử dễ dàng, nhưng đến nay bà đang phải đối đầu với Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders và đã gặp phải khó khăn ngay ở chặng đầu tiên ở Iowa, nơi bà chỉ thắng với tỉ số sít sao 49.86% so với 49.57%, một kết quả làm ngạc nhiên nhiều người. Sau đó bà lại thua Bernie Sanders ở bang New Hampshire với tỉ số 38% - 60%.

Hai tuần trước Hillary Clinton đã lật ngược thế cờ với chiến thắng ở bang Nevada và hôm 27/2 bà đã thắng ứng viên Bernie Sanders ở South Carolina với tỉ số áp đảo 73% - 26%.

Trong khi đó năm ứng viên Cộng hòa đang tấn công nhau dữ dội. Tranh luận trên truyền hình tối thứ Năm 25/2 vừa qua, ứng viên dẫn đầu Donald Trump đã bị Marco Rubio và Ted Cruz tấn công ào ạt, gọi Trump là kẻ lừa đảo, từng thuê mướn di dân bất hợp pháp để xây dựng các khu nhà cao tầng do ông làm chủ. Trump phản pháo gọi Rubio và Cruz là những kẻ nói láo.

Trump cũng đang được yêu cầu công bố hồ sơ thuế để xem trong quá khứ ông đã ủng hộ tài chánh cho những tổ chức nào, những ứng cử viên nào vì có dư luận cho rằng ông không có cảm tình với giới lãnh đạo Israel, một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông và ông cũng yểm trợ tài chánh cho cơ quan Planned Parenthood là nơi giúp phụ nữ nạo thai, tức đi ngược với quan điểm của đảng cộng hòa.

Hiện thời Trump từ chối minh bạch giấy tờ thuế với lý do còn đang bị sở thuế xem xét. Nhưng theo giới chức thẩm quyền về thuế thì cơ quan thuế vụ không ngăn cấm một người thọ thuế đưa ra công chúng hồ sơ thuế của mình dù có đang bị điều tra liên quan đến thuế.

Các ứng viên Ted Cruz, Marco Rubio, John Kasich đã ra tranh cử trong những năm gần đây nên hồ sơ thuế của họ hầu hết đã được minh bạch. Còn Donald Trump đang do dự và chắc chắn sẽ trì hoãn cho đến sau ngày bầu chọn Super Tuesday 1/3.

Là một tỉ phú, Donald Trump bỏ tiền riêng để chi cho cuộc vận động tranh cử vì thế ông mạnh mẽ chỉ trích các ứng viên khác từ phía Dân chủ là Hillary Clinton, cũng như phía Cộng hòa là Ted Cruz, Marco Rubio đã nhận tiền của giới tài phiệt và các nhóm vận động hành lang. Trump tin rằng các nhóm đó sẽ ảnh hưởng đến chính sách của ứng viên nếu thắng cử.

Hillary Clinton bị chỉ trích nhiều nhất vì có sự yểm trợ tài chánh từ những nhóm này và nhiều lần bà được trả tiền hàng trăm nghìn đô la cho một bài nói chuyện.

Đối thủ cùng đảng là Bernie Sanders thì khác với Clinton ở điểm ông không nhận tiền từ giới tài chánh và các nhóm vận động hành lang. Ông có nhiều triệu ủng hộ viên, đa số là thành phần trẻ, với số tiền ủng hộ trung bình là 27 đôla một người.

Gây tranh cãi

Bên đảng Cộng hòa Donald Trump đang dẫn đầu, dù trong thời gian qua ông đã gây sốc với những đề xuất về chính sách di dân và những phát biểu mang tính nhục mạ nhiều người.

Trump muốn xây tường thành ngăn chia biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico và bắt chính phủ Mexico trả chi phí. Ông gọi những người Mễ nhập cư bất hợp pháp là thành phần tội phạm, kẻ hiếp dâm. Ông muốn cấm người Muslim vào nước Mỹ.

Ai chỉ trích ông, Trump phản pháo lại bằng những lời nói ngạo mạn. Ông chê ứng viên Carly Fiorina không đẹp. Không thích giới truyền thông, như tờ New York Times, ông trù ẻo cho tờ báo này chết. Ông đuổi phóng viên của đài truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision là Jorge Ramos khỏi phòng họp báo vì đài này đã chỉ trích những phát biểu của ông mang tính kỳ thị chủng tộc.

Phong cách vận động của Donald Trump đã đưa đến nhận xét từ giới tâm lý học cho rằng ứng viên Trump có vấn đề về tâm thần.

Thế nhưng Donald Trump vẫn về nhất ở bang Nevada vào tuần trước với 46% phiếu, trong khi hai ứng viên có gốc Cuba, biết nói tiếng Tây Ban Nha, là Marco Rubio về nhì với 24% và Ted Cruz với 22%. Theo thăm dò sau bầu cử ở tiểu bang này, Trump được sự ủng hộ của 47% cử tri gốc Hispanic.

Về chính sách quốc gia, Donald Trump chỉ trích sự yếu kém, nhượng bộ quá nhiều của Tổng thống Barack Obama trong hiệp ước giải giới vũ khí nguyên tử đối với Iran. Nếu làm tổng thống, Trump sẽ tăng ngân sách quốc phòng, tiêu diệt ISIS, xét lại các chính sách giao thương để quân bình cán cân thương mại với Trung Quốc, Nhật, Mexico; đem các công ty Mỹ từ nước ngoài trở lại nội địa để dân Mỹ có nhiều việc làm tốt. Trump cũng nói Việt Nam đang “đánh cắp việc làm của Mỹ” và ông không ủng hộ Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

Các ứng viên Cộng hòa chủ trương chống lại việc phá thai, thay thế chính sách giáo dục toàn quốc Common Core và dành cho từng tiểu bang quyền tự đưa ra chính sách giáo dục riêng. Donald Trump cũng như Ted Cruz và Marco Rubio đều tuyên bố nếu thắng cử sẽ thu hồi Obamacare, ban hành chính sách mới về bảo hiểm y tế.

Trong hai ứng viên đảng Dân chủ, chủ trương của bà Clinton được xem là một phiên bản chính sách của Tổng thống Barack Obama. Bà muốn tăng lương tối thiểu, giữ chính sách y tế Obamacare nhưng mở rộng thêm, giữ chương trình giáo dục Common Core cũng như chính sách kiểm soát súng do Tổng thống Obama ban hành.

Bà Clinton đang bị điều tra trong vụ sử dụng máy điện toán cá nhân khi làm bộ trưởng ngoại giao để liên lạc công vụ, trong đó có những vấn đề cần bảo mật vì an ninh quốc gia.

Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders tự nhận là người dân chủ xã hội với chủ trương chính sách mang tính cực tả, gồm việc tăng thuế các công ty, những người thu nhập cao để có chính sách y tế bảo đảm cho mọi người dân, sinh viên không phải trả học phí.

Cả hai ứng viên Dân chủ đều ủng hộ quyền tự do lựa chọn của phụ nữ trong việc phá thai.

Super Tuesday

Chiến thắng áp đảo của Hillary Clinton ở bang South Carolina hôm 27/2, với 73% phiếu, đã giải toả được nhiều áp lực từ phía ứng viên Bernie Sanders để bà có thể giành thêm nhiều chiến thắng vào ngày Super Tuesday.

Bên Cộng hòa, trong cuộc bầu sơ bộ đầu tiên ở tiểu bang Iowa thì Donald Trump thua Ted Cruz, nhưng sau đó Trump đã lấy lại thế thượng phong ở New Hamsphire, Nevada và South Carolina.

Trump cũng đã chính thức nhận được sự ủng hộ của cựu ứng viên phó tổng thống Sarah Palin và của thống đốc đương nhiệm và cũng là ứng viên tổng thống mới rút lui Chris Christie.

Super Tuesday với bầu cử tại 11 tiểu bang sẽ chọn khoảng một phần tư của tổng số đại biểu của hai chính đảng, trong đó có 1000 đại biểu Dân chủ và gần 600 đại biểu Cộng hòa.

Để được đảng Dân chủ tiến cử, ứng viên phải đạt số 2382 đại biểu. Hiện nay Hillary Clinton đã có 544 đại biểu, Bernie Sanders 85 nên Clinton có nhiều hy vọng là ứng viên tổng thống của đảng.

Bên Cộng hòa, ứng viên được tiến cử cần có 1236 đại biểu. Donald Trumps hiện có 82 đại biểu, Ted Cruz 17 và Marco Rubio 16 nên chưa thể tiên đoán với xác suất cao ai trong ba người sẽ đại diện đảng.

Nếu ngày 1/3 Donald Trump thắng được ở bang nhà của Ted Cruz ở Texas, hay chỉ về nhất trong nửa số của 11 tiểu bang thì đường vào Bạch Ốc của Trump đang tiến gần lại hơn.

Như thế cũng sẽ cho thấy nhiều cử tri Mỹ đã chán ngán những chính sách xưa cũ và muốn có gì mới từ Donald Trump, một thương gia thành công, một người trước giờ đứng ngoài tổ chức công quyền.

Đường vào Bạch Ốc từ nay đến tháng Mười Một sẽ còn sôi nổi hơn nữa. Vì nếu theo dõi vận động tranh cử trong vài tháng qua thì đã thấy Donald Trump luôn tạo âm sóng dồn dập, bằng đủ loại ngôn từ, mọi cách ứng xử để liên tục gây ồn ào trong chính trường Mỹ.

------------------------------------------
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, là nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California





No comments:

Post a Comment

View My Stats