Quỳnh
Giao
8-2-2015
Mùa Giáng sinh vừa đi qua như một đám rước rộn ràng
đã khuất ở cuối phố thì người ta liền chuẩn bị mừng Xuân. Phải chăng, nhạc
Giáng Sinh thường gây buồn man mác vì cũng gây niềm luyến tiếc không khí tưng bừng
đón Tết ngày xưa? Mùa Đông càng buốt giá thì nỗi nhớ lại như càng đậm…
Ngày xưa, ở quê nhà, thì cả tháng trước Tết chúng ta
vẫn nghe từ máy phát thanh, hoặc từ nhà mình, hoặc từ nhà… hàng xóm những ca
khúc vui tươi đặc biệt của mùa Xuân.
Chúng ta nhớ Phạm Đình Chương.
Chúng ta nhớ Phạm Đình Chương.
Nhớ trước hết và hơn cả, vì không có Tết nếu không
có Ly Rượu Mừng. Khởi đầu cho chương trình bao giờ cũng bằng ca khúc này. Không
có lời chúc tụng nào đầy đủ cho mọi ngành mọi giới bằng sáng tác bất hủ này. Nếu
Tây phương có bài Auld Lang Syne, được Pháp hóa thành Ce n’est qu’un au revoir,
là biểu tượng của giờ phút cuối của một năm, thì Ly Rượu Mừng đánh dấu một khời
đầu đầy hy vọng của năm mới với nét nhạc cung Fa trưởng tươi sáng, rộn rã.
Khi còn đủ cả năm người trình bầy ca khúc, Ban hợp
ca Thăng Long là một kết hợp tuyệt diệu. Ba giọng nữ Thái Thanh, Thái Hằng, và
Khánh Ngọc quyện nhau như một. Giọng cao nam của Hoài Trung vững vàng dũng mãnh
hòa với giọng Hoài Bắc tức tác giả giữ bè ba rất điêu luyện.
Đặc biệt hơn hết là lúc coda tức là đoạn kết, Hoài Trung hát ad lib câu “ước mơ hạnh phúc nơi nơi”… thật sung mãn và nghệ thuật. Những giọng kim nam dù có mạnh và điêu luyện đến đâu cũng không địch nổi một Hoài Trung ở câu này, như được viết cho riêng Hoài Trung. Cái chất giọng vang vang, ngời ngời tỏa sáng đó thật hợp với lời chúc hạnh phúc gửi đến mọi người…
Phạm Đình Chương còn một bài viết về Xuân vui tươi
là Đón Xuân nhịp Swing rất Mỹ. Lời ca trong bài là những ước vọng một mùa Xuân
thái hòa, tái dựng lại một cuộc sống vui tươi, xóa đi những đau thương buồn khổ.
Ngày nay, chúng ta thường nghe bài này trong khiêu vũ trường.
Nhưng, đã nhớ xuân xưa thì phải nhắc đến Xuân Tha Hương, cũng của Phạm Đình Chương.
Nhạc phẩm được viết trước di cư 54 mà đã mang tâm sự
kẻ tha hương thấy khao khát trở về đón Xuân nơi quê mẹ. Ca khúc được viết trên
nhịp Boston chậm buồn. Cung nhạc Ré trưởng làm nét buồn bâng khuâng luyến nhớ
chứ không ủ ê như trên cung thứ. Phạm Đình Chương viết bản nhạc rất công phu.
Bình thường, bản nhạc có một điệp khúc, mà trong bài này, ông viết hai điệp
khúc. Như Dương Thiệu Tước khi viết Ngọc Lan vậy. Vì thế ca khúc khá dài, ít
khi được hát nguyên bài hai lần mà chỉ một lần rưỡi là tối đa. Xuân Tha Hương
còn là nhạc đề của cuốn phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American Man) từ cốt
truyện của Graham Greene.
Ngoài ra Phạm đình Chương còn sáng tác một bài về Xuân mang tựa đề Lá Thư Mùa Xuân. Bài hát có lời ca hơi “chiến dịch” vì ông viết vào thời Đệ nhất Cộng hòa khi phong trào nhập ngũ được phát động. Lời ca diễn tả tâm trạng người vợ trẻ khi Xuân về nhớ đến chồng đang gìn giữ biên cương nơi xa xôi. Nàng ước mong Xuân về mang lại thanh bình yên ấm cho quê hương và nhắn nhủ ngừi yêu bền tâm chiến đấu. Như bài thơ xưa của Hoàng Cầm, nàng nhắc đến con thơ mới thôi bầu sữa (tức là còn bé lắm) để chồng thêm nhiệt huyết có ngày trở về…
Người nhạc sĩ đem cuộc đời mình hiến dâng cho âm nhạc
và đem âm nhạc gắn liền với quê hương như một định mệnh là Phạm Duy. Ông có nhiều
ca khúc trác tuyệt về Xuân. Phổ biến là Hoa Xuân, viết năm 1953 trên nhịp Slow
tha thiết. Lời ca xưng tụng mùa Xuân nơi thôn ổ. Có đàn em bé ngoài đê, có
chàng trai ngắt bông hoa biếu người thiếu nữ tuổi xuân thì. Xuân trong hồn người
tỏa hương với đất trời. Đây là một trong những ca khúc hát dễ hay, người dễ
nghe. Bài hát nào của Phạm Duy hát nghe cũng thuận, điều này dễ hiểu, vì ngoài
lãnh vực sáng tác ông là một ca sĩ.
Xuân Thì là bài Xuân ca đáng nhớ khác của Phạm Duy. Nhịp Luân vũ 3/4 chầm chậm, khoan thai dìu dặt rất thích hợp với cấu trúc lục bát của lời ca. Phạm Duy viết bài này năm 1952, có lẽ do chiến sự tạm lắng đọng trước khi kết thúc thảm khốc, nên lời ca về Xuân mà vẫn nặng không khí chiến tranh với hình ảnh hoa đào nở trên vết mòn chiến xa và nét nhạc mang âm hưởng Nhật Bản man mác.
Xuân Thì – Phạm Duy – Khánh Ly
Xuân Ca – Phạm Duy – Thái Hiền, Thái Thảo,
Thiên Phượng
Khi viết Xuân Ca thì tâm trạng tác giả đã khác. Ca
khúc là niềm vui trọn vẹn giữa Đất trời. Xuân từ trong lòng mẹ cha, và từ đó
góp chung lời kêu gào thiết tha cho một mùa Xuân vĩnh cửu. Xuân ca soạn theo
ngũ cung Việt Nam.
Có lẽ mùa Xuân của Phạm Duy đẹp nhất là… về đêm. Một bài Xuân ca rất sớm viết từ năm 1948 tại chợ Neo, Thanh Hóa, là để tặng Thái Hằng, người bạn trăm năm. Đó là Đêm Xuân, một bài ca xưng tụng tình yêu. Bàng bạc trong toàn bài là một xúc cảm chân thành, tha thiết và còn có ý vỗ về nữa. Từ hình ảnh đôi chim uyên đến báo tin Xuân đã về đến tiếng câu hát buồn và tiếng đàn ru hồn… tất cả đưa đến tình yêu, và yêu rồi thì xin đừng nhạt phai…
Không hiểu vì sao trong những ca khúc viết tặng vợ, nhạc sĩ Phạm Duy hay đề cập đến cây đàn. Từ cây đàn trong Đêm Xuân khiến lòng thiếu nữ xốn xang đến cây đàn dâng cho người yêu góa bơ vơ trong Tạ Ơn Đời… Chính Phạm Duy cũng không ngờ “nàng” lại đi trước. Hình ảnh góa phụ ôm cây đàn bơ vơ là hình ảnh của chính mình. Ngậm ngùi biết bao.
Nét nhạc Vũ Thành bao giờ cũng rất Tây phương và đài các. Không lạ gì khi người thưởng ngoạn liệt ông vào ngôi vị sang cả của làng nhạc Việt Nam. Vũ Thành viết Tình Xuân khi còn ở Hà Nội. Vì thế, mùa Xuân trong bản nhạc mang hình ảnh của hoa đào, của cành mai, của mưa phùn xứ Bắc. Viết bằng nhịp Boston êm dịu, là một trong những tác phẩm dùng để hợp ca giọng nữ rất tuyệt. Người Hà Nội ngày nay nên tìm ca khúc này để trình bày trong dịp Xuân về.
Dương Thiệu Tước có bài Vui Xuân với lời ca của Minh Trang nhộn nhịp tươi sáng. Nét nhạc không hoàn toàn Tây phương như hầu hết các ca khúc của ông (ngoại trừ Đêm Tàn Bến Ngự, Tiếng Xưa và Hương Giang Mộng Khúc). Bài Vui Xuân có nét nhạc ngũ cung và lời ca giản dị và duyên dáng. Có câu trong bài là “bài ca này là để tặng thính giả Việt Nam” nghe thật dễ mến.
Tìm Xuân là một ca khúc khác Dương Thiệu Tước viết vào đầu thập niên 60. Tiết nhịp trong bài này rất đặc biệt vì dùng nhiều nhịp chõi (syncope) khiến ca sĩ phải vững lắm mới giữ được nhịp. Cũng vì thế mà ca khúc ít được phổ biến.
Bến Xuân Xanh – Dương Thiệu Tước – Thái Thanh
Nhưng tuyệt nhất trong những ca khúc về Xuân của Dương Thiệu Tước là Bến Xuân Xanh viết trên điệu Luân vũ. Toàn bài có tới bốn chuyển đoạn và hai điệp khúc. Ca khúc này xứng ngang với những bản luân vũ của Strauss, vậy mà ta cứ hát Dòng Sông Xanh làm gì khi mình có Bến Xuân Xanh! Trong một buổi tưởng niệm Dương Thiệu Tước, nhạc sư Nghiêm Phú Phi đã tuyên bố “Dương Thiệu Tước hơn xa nhiều nhạc sĩ tài danh thế giới ở chỗ khi Việt Nam thì ông Việt Nam nhất, mà khi Tây phương thì ông còn Tây hơn họ nữa!”
Xuân chưa đến, và còn dài, sẽ còn dịp trở lại những bản Xuân ca đáng nhớ từ một thời đã qua…
*
*
Quỳnh
Giao
Khi các nụ thủy tiên đầu tiên tỏa hương thơm trong
nhà thì dù chưa nghe được tiếng pháo, người người đã thấy rộn ràng trong tâm tưởng
những khúc nhạc Xuân của thời trước, nay đã thành Xuân ca của mọi thời.
Trong số này, có lẽ nên hồi tưởng lại La Hối và bài
Xuân và Tuổi Trẻ.
La Hối là nhạc sĩ có duy nhất một tác phẩm, nhưng lại
nổi tiếng nhờ ca khúc duy nhất ấy. “Xuân và Tuổi Trẻ” là bài hát không thể thiếu
mỗi độ Xuân về. Ông vốn là người Việt lai Hoa, nên dù viết bằng Việt ngữ, bài
hát có âm hưởng Trung Hoa rất đặc biệt. Ngay từ đầu thập niên 1950 thính giả đã
yêu thích bài hát vì ý nhạc phong phú, vi vút như những cánh bướm chập chờn.
Nhưng, trong nghề với nhau thì các ca sĩ thì thường
dễ hụt hơi vì đoạn chuyển khúc:
Vui hát đi cho lòng thêm sướng,
Vui hát đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng Xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái...
Mười trường canh hát liền một hơi không được ngắt!
Và “...hăng hái” phải được ngân khá dài.
Xuân Và Tuổi Trẻ
Khánh Ly
Rời xa chúng ta được ba năm, Nguyễn Hiền là tác giả
của những bài hát nhẹ nhàng đầm ấm cũng cống hiến một bản nhạc về Xuân rất đẹp,
phổ thơ Kim Tuấn. Ðó là “Anh Cho Em Mùa Xuân”, nổi tiếng trong thời kỳ
1960-1970. Ðây là một bài ca về Mùa Xuân mà cũng là một bài ngợi ca quê hương với
nét nhạc rất trữ tình.
Anh Cho Em Mùa Xuân
Duy Quang
Giữa hai tác giả ấy và cùng trong dòng nhạc nhẹ
nhàng, thanh cao, thích hợp với mọi thời kỳ, Tuấn Khanh, tác giả của “Hoa Soan
Bên Thềm Cũ” có tác phẩm “Mộng Ðêm Xuân” nhịp “Boston” tha thiết và êm đềm như
một bài thơ. Thế rồi, qua những năm dài chiến chinh, Xuân của người lính chiến
cũng trở thành Xuân của mọi người. Ngày nay dù chinh chiến đã tàn, ít ai quên
được những bài Xuân ca viết cho chiến sĩ. Tiêu biểu nhất có Nguyễn Văn Ðông với
“Phiên Gác Ðêm Xuân” và Trần Thiện Thanh với “Ðồn Vắng Chiều Xuân”...
Đồn Vắng Chiều Xuân
Duy Quang
.
Phiên Gác Đêm Xuân
Anh Khoa
.
Mộng Đêm Xuân
Sĩ Phú
Nói tới nhạc Xuân của Việt Nam, không thể không nhắc
tới Phạm Duy.
Ông đã soạn tám bài hát về Xuân: “Hoa Xuân”, “Ðêm
Xuân”, “Xuân Thì”, “Xuân Nồng”, “Xuân Ca”, “Xuân Hành”, “Tuổi Xuân”, “Xuân Hiền”.
Ðó là không kể tới “Bến Xuân” soạn chung với Văn Cao, hoặc “Xuân Trên Buôn” dân
ca cải tiến của sắc dân Ê Ðê và “Mùa Xuân Yêu Em”, phổ thơ Ðỗ Quý
Hoa Xuân
Hà Thanh
.
Xuân Ca
Đoan Trang
.
Đêm Xuân
Sĩ Phú
.
Xuân Hiền Thái Hiền
.
Xuân Nồng
Thanh Thú
Trong các ca khúc trên, bài “Hoa Xuân” được hát nhiều
nhất vào dịp Nguyên Ðán. Lời ca và nét nhạc bình dị, tươi tắn, diễn tả trạng
thái tâm hồn phơi phới trước thiên nhiên và đồng loại. Lãng mạn nhất thì có
“Ðêm Xuân”. Nghe “Ðêm Xuân”, ta hiểu thế nào và tại sao các cụ ta xưa thường
dùng chữ “Xuân” để tả những gì đẹp đẽ và thơ mộng.
Xuân Thì
Khánh Ly
Riêng với người viết, nhạc và lời của “Xuân Thì” là
một công phu trác tuyệt.
“Xuân Thì” không tả cảnh Xuân mà là tâm sự của tác
giả về mình, về nhân thế, với đặc tính cố hữu trong lời ca của Phạm Duy là lòng
nhân ái. Ông mong có một Mùa Xuân thái hòa cho nhân loại. Ông thương từ cây
súng cô đơn đến những nụ đào nở trên lối mòn chiến xa. Ông ôm nhân loại trong
mình, cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men. Cùng với lời ca súc tích và đầy
hình ảnh, Phạm Duy dùng cách chuyển khúc từ giai điệu “thứ” sang “trưởng” thật
thần tình để diễn tả nỗi hân hoan thăng hoa từ sự khổ đau.
Bản “Xuân Nồng” của ông hoàn toàn tả cảnh Xuân, mà
là mùa Xuân miền Nam. “Xuân về không có mưa phùn mà chỉ có bụi xe”... nhưng vẫn
là Xuân nên thơ. Nét nhạc Phạm Duy thường đi đôi với lời, nên tình và cảnh của
ngày Xuân trong Nam được diễn tả bằng nhịp ba linh hoạt với âm giai “Fa trưởng”
trong sáng.
“Xuân Ca” và “Xuân Hành” là hai ca khúc Phạm Duy soạn
theo khuynh hướng những bài hát tâm linh. Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở
về lòng người. Hãy hưởng Mùa Xuân trong từng chớp mắt trong cuộc sống ngắn ngủi
này. Mùa Xuân của Phạm Duy có từ trong đêm tân hôn của cha mẹ, và từ đó ông ra
đời góp chung câu gào thiết tha cho Mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu chết đi thì xin được
tái sinh nhiều lần để được tiếp tục đi mãi trong Mùa Xuân. Bài này soạn theo
giai điệu ngũ cung, rất Việt Nam.
Một bậc sư trong nghệ thuật dung hợp cái rất Tây và
rất Ðông trong tân nhạc là Dương Thiệu Tước. Ông vua của tiết điệu bán cổ điển
Tây phương trong nhạc Việt đã cống hiến cho chúng ta bản luân vũ được coi là
hay nhất của Việt Nam, ca khúc “Bến Xuân Xanh”.
Dương Thiệu Tước sáng tác “Bến Xuân Xanh” rất công
phu. Tác phẩm dài tổng cộng 180 trường canh (gấp ba một bài luân vũ trung bình
có 64 trường canh, như “Thu Vàng” của Cung Tiến) và được viết bằng âm giai “Do
trưởng”, loại âm giai được coi là “sáng”. (Xin có đôi lời về nhạc thuật ở đây:
giới sáng tác nhạc cho âm giai “Ré giáng trưởng” và “La giáng trưởng” là âm
giai “dịu” nhất. Âm giai “Sol thứ” và “Si thứ” là âm giai “buồn” nhất. Âm giai
“Do trưởng” và “Fa trưởng” là âm giai “sáng” nhất)
Bến Xuân Xanh
Quỳnh Giao
Vì thế, “Bến Xuân Xanh” đòi hòi ca sĩ phải trình bày
đúng âm giai nguyên thủy. Khi nghe một người trình bày không đúng “ton” (thí dụ
người hát không lên được những nốt cao nhất của bài hát, phải hạ xuống một hay
hai “cung”) thì ông hơi hơi buồn. Ðoạn biến khúc của “Bến Xuân Xanh” được Dương
Thiệu Tước chuyển sang âm giai “La giáng trưởng” trở nên êm dịu lạ thường trước
khi về lại cung “Do trưởng” trong sáng.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn soạn phần nhạc mở đầu
(introduction) và kết thúc (Coda) thật vi vút, du dương. Lời ca trong “Bến Xuân
Xanh” tràn đầy thơ, nhạc, hoa, nắng, gió và sóng nước: toàn những biểu tượng
lung linh rực rỡ của Mùa Xuân. Khi Dương Thiệu Tước vừa tạ thế ở trong nước,
trong dịp tưởng niệm ông ở hải ngoại, 12 năm về trước, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi
đã nhắc tới bản luân vũ này với lòng khâm phục. Không thua kém gì các nhạc khúc
về sông nước nổi tiếng của Tây phương!
Ngoài “Bến Xuân Xanh” độc đáo nói trên, Dương Thiệu
Tước có soạn ba bài khác về Mùa Xuân, là “Vui Xuân”, “Vườn Xuân Thắm Tươi”, và
“Tìm Xuân”. Nhưng chỉ cần viết một “Bến Xuân Xanh” thôi, Dương Thiệu Tước đã xứng
đáng với một chỗ đứng sáng chói trong nền tân nhạc Việt Nam.
Vườn Xuân Thắm Tươi
Mai Hương
Một nhạc sĩ khác cũng xứng đáng với ngôi vị trên mà
lại không được quần chúng để ý, và chỉ được giới thẩm âm biết tới, đó là Vũ
Thành. Người nghệ sĩ tài hoa này có ca khúc mang tựa đề về Mùa Xuân là “Tình
Xuân”. Cũng với âm giai sáng “Do trưởng”, ông dùng ý nhạc cao sang, thanh
thoát, cho ta nghe và thấy được một Mùa Xuân đầy sắc hương thi vị. Tuy nhiều
sáng tác khác của ông không có tựa đề về Mùa Xuân nhưng luôn luôn gợi nhớ tới
Xuân. Câu mở đầu của bản “Nhớ Bạn” là “Xuân vương trên ngàn hoa...” Bản “Say Nhạc
Canh Tàn” cũng mở đầu bằng “Gió Xuân đưa mây vật vờ...”
Nhạc Vũ Thành cũng như con người nghệ sĩ của ông:
già dặn, thanh cao mà ẩn dật như một cội mai...
Tình Xuân
Duy Trác
Sau cùng, nói về Mùa Xuân trong nhạc, xin nhắc tới
Phạm Ðình Chương, người được thính giả mang nợ nhiều nhất mỗi khi Xuân về. Ngày
Xuân có thể thiếu pháo mà không thể không có “Ly Rượu Mừng”! Có lần ông nói
đùa: “Nếu mọi người chỉ cần trả một đồng thôi mỗi khi hát ‘Ly Rượu Mừng’, thì
tôi đã thành triệu phú từ lâu”. Ngoài nét nhạc phơi phới hân hoan, dễ nghe dễ
hát, lời ca lại mang nội dung thích hợp với mọi tầng lớp thính giả. Vì thế “Ly
Rượu Mừng” không chỉ được cất lên mỗi dịp Tết Nguyên Ðán mà còn thường được mọi
người chung hát tại các buổi họp mặt, tiệc tùng, cưới hỏi...
Ly Rượu Mừng
Hợp Ca
Một bản nhạc Xuân khác của Phạm Ðình Chương cũng thường
được nghe trình bày hợp ca tại các đài phát thanh, hay đồng ca vào những dịp họp
mặt tất niên tại các trường học là bản “Ðón Xuân”. Nhưng thật ra, bài Xuân ca
tuyệt vời nhất của Phạm Ðình Chương chính là “Xuân Tha Hương”. Tác phẩm này được
viết với nhịp điệu Boston 3/4 chậm rãi, tha thiết. Âm giai “Ré trưởng” không
quá cao hoặc quá thấp nên thích hợp với mọi giọng hát. Ý nhạc nhẹ nhàng, uyển
chuyển, nhờ ông dùng nhiều chuyển âm. Gần như cứ hai trường canh ông lại thay đổi
hợp âm, mang lại cho “Xuân Tha Hương” sắc thái đặc biệt Phạm Ðình Chương.
Ðón Xuân Thanh
Lan
.
Xuân Tha Hương
Sĩ Phú
Bản nhạc còn tuyệt vời vì lời ca buồn man mác, nhẹ
nhàng kín đáo chứ không rũ rượi sầu thảm. Trong thập niên 60 khi bài hát được
thịnh hành, người ta yêu lời ca vì nhớ tới Hà Nội và những ngày Xuân êm đềm xa
xưa.
Ngày nay, người ta càng yêu lời ca hơn vì nỗi buồn
tư hương bao phủ lên cả quê hương yêu dấu.
Quỳnh
Giao
13-02-2008
No comments:
Post a Comment