dimanche
21 février 2016
Hội
nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ tổ chức vừa qua (15,16-2-2016) tại Sunnylands,
California, báo chí (lẫn học giả) trong nước ca ngợi hết lời VN thắng lớn, mặc
dầu bản Tuyên bố chung không có một lời nhắc đến TQ. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng
thì đặc biệt được tán dương vì đã yêu cầu Mỹ "có tiếng nói mạnh mẽ và hành
động thiết thực hơn ở Biển Đông". Vấn đề là VN thắng cái gì và yêu cầu của
ông Dũng, Mỹ có thể nói (hay làm) được cái gì?
Về
chuyến đi của ông Dũng, một người bị "trợt đài" quyền lực trong Đại hội
12, đáng lẽ không còn tư cách để được đảng CSVN ủy nhiệm đi tham dự Hội nghị
Sunnylands. Có người nói rằng ông Dũng được đi là do vận động của cả hai phía,
Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu đọc nội dung Tuyên bố chung được công bố (khoản 17),
theo tôi, ông Dũng được đi là do áp lực của Hoa Kỳ chớ không do áp lực của phe
thân ông Dũng trong đảng.
Bởi
vì Hội nghị Sunnylands là hội nghị "cấp cao", ở cấp "lãnh đạo
nhà nước hay chính phủ". Ban đầu Phạm Bình Minh được đảng ủy nhiệm cầm đầu
phái đoàn đi tham dự. Nhưng ông này chỉ là "bộ trưởng bộ ngoại giao",
không phải là người đứng đầu nhà nước (hay chính phủ). Ông Dũng ở thời điểm này
tuy rớt đài quyền lực, nhưng danh nghĩa vẫn còn ở cương vị thủ tướng (cho đến hết
tháng 5-2016). Dĩ nhiên phía Hoa Kỳ không thể chấp nhận ông Minh, do nghi thức
ngoại giao, buộc VN phải cho ông Dũng đi tham dự.
Lời
lẽ của ông Dũng phát biểu trong hội nghị, hay trong buổi gặp mặt Obama, cũng
như nội dung bài viết của ông này được đưa lên báo chí, cho thấy việc thiếu chuẩn
bị của ông Dũng.
Trong
nước, hiện tượng "nhổ cỏ tận gốc" của phe Bắc kỳ do ông Trọng cầm đầu
đang có khuynh hướng trỗi lên. Cứ địa Phú Quốc mà con trai ông Dũng là lãnh
chúa, hiện đang bị "chiếu tướng". Các bài báo, phóng sự... có tầm ảnh
hưởng xuyên quốc gia như việc phá hoại môi trường, hay việc cẩu thả ở cách thức
nuôi thú làm hàng loạt cả ngàn con thú (hiếm) chết...
Rõ
ràng phe Bắc kỳ của ông Trọng muốn lấy lại miếng bánh đang ở trong miệng của
con trai ông Dũng.
Trong
khi phe thân ông Dũng (nếu còn lại một nhóm nào đó gọi là thân ông Dũng) thì
không thấy lên tiếng (hay có phản ứng đáp trả).
Vì
vậy khi nói rằng ông Dũng được tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa kỳ ở
Sunnylands là do áp lực của phe thân Dũng trong nước là không có cơ sở.
Về
nội dung Tuyên bố chung, nhà báo (và học giả) VN tán dương rằng VN "thắng
lớn".
Vấn
đề là Tuyên bố không đề cập một dòng về TQ.
Khoản
8 của Tuyên bố nói "mập mờ" về việc "cam kết duy trì hòa bình an
ninh và ổn định trong khu vực... phi quân sự hóa và tự kềm chế trong các hoạt động".
Vấn
đề là TQ đã quân sự hóa đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đã xây dựng các đảo nhân tạo ở
Trường Sa, tương lai gần sẽ củng cố các đảo nhân tạo này như các căn cứ quân sự
(hải và không quân). Các việc này đã làm thay đổi hiện trạng và đe dọa an ninh
khu vực.
Báo
chí nước ngoài cảnh báo rằng, một tình huống như chiếc MH 317 của hàng không Mã
Lai có thể sẽ xảy ra trên vùng trời Hoàng Sa.
Về
câu chữ, việc "tự kềm chế" không có ý nghĩa cụ thể, giải thích sao
cũng được. Lại còn không nói đến đối tượng là ai (phải phi quân sự hóa và tự kềm
chế?)
Vì
vậy người ta hiểu rằng nội dung tuyên bố là cam kết giữa HK và các nước ASEAN
hơn là có mục tiêu (hay ám chỉ) Trung Quốc.
Ngược
lại, theo tôi, Tuyên bố Sunnylands phần nhiều là ám chỉ cho Việt Nam.
Thật
vậy, mặc dầu trước khi Hội nghị khai mạc, báo chí Mỹ đã lên tiếng rằng Obama
đón tiếp 8 tên độc tài. Phê bình này thái quá vì dầu sao các nước Mã Lai, Phi,
Indonesia, Miến Điện... đã là các nước dân chủ. Mặc dầu không thể so sánh vởi Mỹ
hay các nước Châu Âu, nhưng thực chất chế độ các nước này có nền tảng dân chủ.
Nhưng phê bình lại đúng cho trường hợp VN.
VN
hiện nay là con "chiên ghẻ" trong bầy chiên ASEAN.
Khoản
4 của Tuyên bố hiển nhiên dành cho VN.
"4.
Chúng tôi cam kết đảm bảo cơ hội cho tất cả người dân chúng ta, thông qua tăng
cường dân chủ, quản trị tốt và tuân thủ các quy định của pháp luật, thúc đẩy và
bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản, khuyến khích tinh thần khoan dung, ôn
hòa, và bảo vệ môi trường;"
Các
nước ASEAN, ngoài Việt Nam (Brunei và Lào), đều ít nhiều tôn trọng khoản 4.
Về
dân chủ, VN là nước độc tài tệ hại nhứt, vì là nền độc tài cộng sản công an trị.
Người dân VN không có một cơ hội nào, vì pháp luật không bảo đảm sự công
bằng về quyền (tức mọi người bình đẳng trước pháp luật).
Đường
vào đồn công an là đường ngắn nhứt để vào nhà thương hay nghĩa địa.
Còn
về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ? VN luôn đứng đầu sổ trong các bản thống
kê của thế giới về chà đạp, vi phạm nhân quyền. Còn tự do, mỗi người VN đều ở
trong tù, khác biệt là tù nhỏ hay tù lớn.
Khoan
dung ? cuộc chiến đã qua gần 1/2 thế kỷ, đến nay việc phân biệt bắc-nam, phân
biệt hồ sơ lý lịch vẫn còn tồn tại trong các cách đối xử ở cấp lãnh đạo cao nhứt.
Cho
đến các bản nhạc (vốn vô tội) viết trước 75 đến nay vẫn còn cấm hát. Một cậu nhỏ
mặc quần áo "giống như" quần áo lính VNCH cũng bị kết án ở tù. Huống
chi đến các việc khác liên quan đến chế độ cũ...
Còn
về môi trường, trong khu vực chỉ có VN là nước mà môi trường bị tàn phá hơn hết.
Cái gì bán được là CSVN bán hết, từ rừng gỗ cho đến hầm mỏ, bất kể việc khai
thác có tác hại cho môi trường đến mức nào.
Vấn
đề đặt ra là VN có tôn trọng và thực thi Tuyên bố này hay không ?
Đây
là một tuyên bố về "ý định" hay một tuyên bố mang tính bó buộc pháp
lý ?
Người
ta sẽ xem xét thái độ của nhà nước CSVN đối với những người tự ứng cử quốc hội
vào tháng 5 tới để kết luận.
Những
nhà tranh đấu trong nước từ nay cảm thấy yên tâm khi dấn thân ra ứng cử.
Nếu
đây là một "tuyên bố" có giá trị pháp lý ràng buộc thì dĩ nhiên nó có
giá trị cao hơn là hiến pháp của VN.
Người
đã đặt số 4 cho khoản này là có thâm ý ám chỉ điều 4 của HP VN.
Khoản
2 và 3 bản Tuyên bố dĩ nhiên cũng ám chỉ VN. Nhưng hai khoản này chỉ là
"ghi nhận" mà không phải là "cam kết". Dầu vậy cũng nên nhắc
tới, nếu có dịp.
Về
yêu cầu của ông Dũng, Mỹ cần có "có tiếng nói mạnh mẽ và hành động thiết
thực hơn ở Biển Đông", cũng không có giá trị thực sự.
Những
gì Mỹ có thể nói (ở Biển Đông) Mỹ đã nói. Và Mỹ cũng đã làm những gì có thể
làm.
Nguyên
tắc cơ bản tạo thành nền tảng của luật lệ quốc tế (và nguyên tắc bang giao quốc
tế) là "bình đẳng về chủ quyền giữa các nước".
Hoa
Kỳ không thể cho tàu hải quân làm hơn các việc mà luật quốc tế cho phép.
Ông
Dũng muốn Mỹ can thiệp để TQ ngưng làm thay đổi hiện trạng cũng như ngưng việc
quân sự hóa Biển Đông.
Mỹ
chỉ có thể làm các việc này khi (các nước) chứng minh được các hành vi của TQ
là sai luật.
Mỹ
lên tiếng cảnh cáo TQ phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện
Phi-TQ. Đây là việc làm "tối đa" mà Mỹ có thể làm để giúp đồng minh
Phi của họ.
VN
là gì để Mỹ phải giúp ? Và TQ làm gì sai luật (với VN) để Mỹ có thể can thiệp ?
Câu
trả lời là không là gì cả (và không có gì cả).
Trước
luật quốc tế, các hành vi của TQ là phù hợp, ngoại trừ khi VN thuyết phục được
dư luận thế giới ủng hộ chủ quyền của mình ở HS và TS.
Nhà
nước CSVN hiện nay chỉ có thể thuyết phục được dân chúng và các học giả (dễ dạy)
của mình chớ không thuyết phục được ai.
Trong
khi HS và TS hiển nhiên là của VN. Lịch sử chủ quyền của VN, từ thời các chúa
Nguyễn cho tới thời bảo hộ Pháp, sang đến VNCH thì được chứng minh. Sự liên tục
chủ quyền của VN chỉ bị gián đoạn sau khi CSVN nắm quyền cả nước.
Tức
là VN hiện nay vẫn có thể thuyết phục được Mỹ (và dư luận quốc tế) ủng hộ VN nếu
vấn đề kế thừa VNCH được thể hiện. Điều này đã nói nhiều lần, không nhắc lại.
Tức
là Mỹ chỉ có thể can thiệp sâu xa hơn trong vấn đề HS và TS, như trường hợp Mỹ ủng
hộ vụ Phi kiện TQ, nếu vấn đề kế thừa kế VNCH được CSVN nghiêm túc thực hiện.
Về
nội dung bài viết của ông Dũng, rõ ràng đã nói lên việc thiếu chuẩn bị của ông
này. Tức là ông Dũng đi tham dự Hội nghị Sunnylands là do áp lực của Mỹ chớ
không phải áp lực của phe thân ông này trong nội bộ đảng.
Bài
viết có điều gì đáng chú ý?
Theo
tôi chỉ có hai điểm. Thứ nhứt là "hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo
nguồn nhân lực" để VN có thể "tự vệ" khi gia nhập TPP.
Điều
này tôi đã khuyến cáo, sau khi đọc tin "rò rỉ" của wikileaks về nội
dung hiệp định TPP. Ý kiến của tôi như sau:
"Về
phạm vi pháp quyền (juridiction – quyền xét xử, quyền tài phán), trước đây xí
nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ (do cán bộ lãnh đạo thiếu khả năng) thì "trời
mưa có đất chịu", theo luật rừng XHCN, người dân nai lưng trả nợ. Bây giờ,
xí nghiệp nhà nước làm ăn "cà chớn" (thí dụ vi phạm các điều khoản về
sở hữu trí tuệ, về "hàng nhái", về vệ sinh an toàn thực phẩm…) việc
phân xử sẽ do một "tòa án của TPP", tức là tòa án "tư nhân"
đảm trách. Tức là "chủ quyền" của quốc gia bị mất vào tay tập đoàn tư
nhân. Trong lâu dài, nếu VN vẫn không kịp đào tạo những chuyên gia luật học, chủ
quyền quốc gia sẽ chuyển sang các tập đoàn luật gia quốc tế."
Điều
thứ hai là "hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân và
thượng tôn luật pháp".
Điều
này tôi cũng đã khuyến cáo từ lâu "nhà nước pháp trị" và việc
"thượng tôn pháp luật".
Khi
ông Dũng nói "hoàn thiện nhà nước pháp quyền", tức là "nhà nước"
này có vấn đề. Và khi nói "thượng tôn pháp luật" là nói đến "nhà
nước pháp trị".
Tức
là, những điều quan trọng trong bài viết của ông Dũng đều lấy từ ý kiến của
tôi.
Không
phải nói điều này là chê trách ông Dũng, nhưng khen ngợi ông Dũng là người biết
nghe lời phải.
Vấn
đề là sự việc quá trễ để làm thay đổi hiện trạng.
Lúc
còn tại chức, quyền lực trong tay, nịnh thần chung quanh tung hô lên tận mây.
Ông Dũng đâu có ngó ngàng gì tới những ý kiến đúng đắn, có lợi cho đất nước.
Hồ
sơ Biển Đông, nếu ông nghe tôi thì vấn đề (Biển Đông) VN đã không bị lâm vào thế
tiến thoái lưỡng nan. (Mà số phận của ông cũng không đến đỗi). Ông chỉ nghe
gian thần và kẻ nịnh.
Như
là thói quen, các lãnh đạo VN chỉ "nói hay, nói đúng" khi không còn nắm
quyền lực.
Mà
tương lai ông Dũng thì bất định. Ra nước ngoài thì ông Hà Vũ, Điếu Cày, bà
Phong Tần có thể kiện ông vì những hành vi bức hại (thể xác và tinh thần). Kiện
nhà nước thì khó nhưng kiện ông Dũng thì dễ.
Trong
nước thì con cái ông thì đang bị phe Bắc Kỳ tìm cách bứng gốc.
Âu
đó cũng là do "tầm nhìn" mà thôi.
Ca
ngợi ông Dũng quá, hay đánh giá cao thực lực của ông Dũng còn mạnh trong đảng
là không đúng.
Ở
đời người ta phù thịnh chớ không ai phù suy. Ông Dũng qui tụ được quần hùng là
nhờ miếng mồi "quyền lợi và quyền lực", thì bây giờ cũng vì "quyền
lợi và quyền lực" mà những người này trở áo với ông.
Bài
học cho các lãnh tụ tương lai: hãy nghe lời đúng chớ đừng bao giờ nghe lời nịnh
bợ.
Publié
par Nhan Tuan Truong à 08:45
-----------------------------
Tin liên hệ :
No comments:
Post a Comment