Saturday, 20 February 2016

MỸ - ASEAN : HỘI NGHỊ HOÀNG HÔN (Vi Anh)





20/02/2016

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào ngày 15 và 16 tháng 2, 2016 tại Sunnylands, Nam California, vùng nắng ấm, trời xanh, mây trắng. Nhưng nhiều dấu chỉ cho thấy dù Mỹ chuẩn bị trước, vận động kỹ, nhưng kết quả không có gì trừ những lời tuyên bố sáo mòn mà không thấy “có hành động thực tiễn và hữu hiệu hơn, hầu đòi hỏi một sự chấm dứt mọi hoạt động nhằm thay đổi nguyên trạng” như lời của TT Nguyễn tấn Dũng nói với TT Obama trong cuộc gặp gỡ riêng bên lề hội nghị, khiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN có vẻ là một hội nghị hoàng hôn.

Cái bóng đè về kinh tế và an ninh của TC quá gần, quá lớn đối với 10 nước ASEAN. Quyền lợi của Mỹ đối với TC quá lớn so với ASEAN; các nước ASEAN lo ngại hai đại siêu cường Mỹ, Trung dễ giải quyết quyền lợi trên thiệt hại của các nước nhỏ ASEAN. Mỹ tuần tra Biển đảo ở Á châu Thái bình dương vì tự do hàng hải quốc tế, là quyền lợi cốt lõi tức quyền lợi quốc gia của Mỹ. Chớ Mỹ không hề đá động gì đến chủ quyền biển đảo của các nước nhỏ. Mỹ vẫn cứ tuyên bố lập trường không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp biển đảo - như thị thiềng cho TC tự tung, tự tác, xâm lấn. Và TC cũng biết điều, không xung đột võ trang với Mỹ khi Mỹ tuần tra bằng tàu chiến và máy bay trinh sát có khả năng diệt tàu lặn. Hỏi 10 nước ASEAN có lợi gì đi sát với Mỹ, chống TC để làm con dê tế thần cho chiến lược Mỹ chuyển trục quân sự về Á châu Thái bình dương, lôi kéo các nước Á châu Thái bình dương bao vây quân sự và kinh tế TC.

Nên thông cáo chung của 2 ngày hội nghị, có nói về sự tranh chấp Biển Đông nhưng nói theo kiểu quơ đũa cả nắm có VN, Mã Lai, Phi, Brunei, mà không có một chữ nào nói tới TQ, là tên cướp nhiều biển đảo nhứt của các nước. Điều đó cho thấy TT Obama cũng “cả nể” TC.

Tín nhiệm của Mỹ bây giờ không còn quan trọng bằng tính tiền. Ngoại Trưởng Kerry của Mỹ bôn ba qua Lào, Miên vận động hai nước này đoàn kết với ASEAN. Nhưng chính hai nước này nhận viện trợ và đầu tư của TC nhiều nên trong hội nghị triệt để binh vực lập trường của TC giải quyết song phương mọi tranh chấp.

Trong 10 lãnh đạo ASEAN, thì Tổng Thống Miến Thein Sein không đi hội nghị vì sắp hết nhiệm kỳ, Phó TT tham dự. TT Dũng về vườn vào tháng 5. TT Phi, Thủ Tướng Mã Lai cũng hết nhiệm kỳ trong vòng năm nay. Riêng TT Obama chủ toạ cũng sẽ về vườn vào cuối năm nay. Có thể nói hội nghị này là hội nghị đầu tiên và sau cùng TT Obama chủ toạ thượng đỉnh ASEAN.

Riêng VNCS, TT Dũng là người chủ trương xích lại gần Mỹ để thoát Trung về kinh tế phần nào và giải toả đà TC xâm lược biển đảo VN, thì bị phe Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng thần phục TC trong Đảng CSVN hạ bệ. Nhờ tháng 5 TT Dũng mới hết làm thủ tướng và nhờ Mỹ can thiệp, mời đích danh TT Dũng mới được đi dự hội nghị.

Qua đại hội 12, Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng cầm đầu phe thân TC từ năm 2007 đã độc diễn tái đắc cử Tổng Bí Thư Đảng CSVN. Dù có ngậm ngọc TT Obama, Ngoại Trưởng Kerry cũng đừng mong du thuyết tân lãnh đạo Đảng CSVN đang nằm dưới cái bóng đè quá lớn của TC về kinh tế, chánh tri, lẫn chủ nghĩa CS, theo lập trường thống nhất, để đối phó với những yêu sách chủ quyền của TC dù VNCS là nước mất biển đảo nhiều nhứt vào tay TC.

Còn ASEAN là một tổ chức có nhiều tương quan kinh tế, chánh trị chồng chéo, dính dán lớn lao với TC, nhưng hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, 1 nước không đồng ý là cả khối ASEAN 10 nước không được làm dưới danh nghĩa ASEAN. Ngay bên trong khối có những chia rẽ lớn trong quan điểm về Biển Đông. Một số quốc gia không trực tiếp tham gia tranh chấp như Lào, Campuchia và Myanmar không tỏ thái độ hoặc ngần ngại làm phật lòng Trung Quốc. Riêng Miên thì hành động như gia nô của TC. Thái Lan đang xích lại gần TC từ khi quân đội lên cầm quyền. Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei lâu nay vẫn tỏ ra tán thành giải pháp hòa bình, phi quân sự, nhưng bất động.

Chỉ có Phi luật tân đồng minh của Mỹ trực tiếp tham gia đối đầu với Trung Quốc qua vụ kiện lên Tòa Trọng tài quốc tế. VNCS không kiện nhưng thời TT Dũng công nhận thẩm quyền của toà này và yêu cầu xem xét quyền lợi VN khi phán quyết đơn kiện của Phi.

Các nước trong ASEAN đa số thờ ơ với vấn đề Biển Đông vì ngần ngại TC, không dại gì vì chuyện thiên hạ mà hại quyền lợi nước mình. Nội cái Bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông DOC, phải mất gần 10 năm mới được ký kết vào năm 2002 và mãi đến năm 2011 ASEAN phải tương nhượng cho TC một số điểm TC mới ký bản hướng dẫn thực thi. Giờ đây, ASEAN mới bắt đầu soạn thảo bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa các thành viên, giới phân tích tự hỏi là phải mất bao nhiêu thời gian nữa ASEAN mới làm xong, Và phải đàm phán với TC bao lâu nữa. Bất đồng ý kiến của các nước ASEAN về hồ sơ Biển Đông làm cho ASEAN gần như bị liệt bại trong việc giải quyết hồ sơ này với TQ.

Điều TT Obama kỳ vọng nhứt là nhơn hội nghị này vận động cho Hiệp Ước Đối Tác xuyên Thái bình dương TPP, gồm 12 nước, trong đó có 4 nước nằm trong ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Nhưng chính nước chủ nhà, TT Obama là người chủ trương, nước Mỹ vận động mạnh nhứt, các nước thấy TPP của TT Obama khó được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn trong năm 2016 bầu cử. Ngay Bà Hillary Clinton, cùng đảng Dân Chủ, từng là ngoại trưởng cho TT Obama và một số nghị sĩ, dân biểu Dân Chủ cũng chống cho rằng TPP sẽ cướp việc làm của người Mỹ.

Quan trọng nhưt là thái độ hành động của TT Obama không dấn thân nhập cuộc trong vấn đề Biển Đông đối với TC, mà thường đi nước đôi đối với TC. Theo thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, khi tiếp đón lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á, Washington một mực cam đoan rằng đây không phải là một cuộc họp thượng đỉnh «chống Trung Quốc». Thậm chí, tờ Global Times, được Le Figaro dẫn lời, còn nói: «ASEAN sẽ không trở thành đồng minh của Washington chống Trung Quốc», đồng thời nhấn mạnh các nước ASEAN «không dại dột chọn một bên và phá vỡ mối quan hệ với nhau để đi theo chiến lược của Mỹ».

Trong hội nghị, thông cáo chung, trả lời báo chí, TT Obama toàn khuyến cáo, tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế, Mỹ không đứng về phía bên nào trong các cuộc tranh chấp biển đảo. TC ngang nhiên, cướp biển đảo, xây cất thành huyện, thôn tính vào lãnh thổ của TQ, thì TT Obama tỏ ra công bằng và bất thiên vị, "kêu gọi tất cả các bên ngừng cơi nới, xây dựng đảo và quân sự hóa các điểm tiền tiêu ở Biển Đông". Khi Mỹ tuần tra vào bên trong 12 hải lý của các chuỗi đảo của TC bồi lắp thành khu quân sự, thì sợ phản ứng mạnh của TC, ngoại giao Mỹ tuyên bố là “đi qua vô hại”.

Khi TT Obama dùng lời hay ý đẹp với 10 nước ASEAN trong hội nghị, thì TC hành động và hành động, đưa hoả tiễn địa đối không, làm phi trường trực thăng, xây đảo nhân tạo, tung tàu chiến ra Hoàng sa, đài Fox của Mỹ công chiếu cho cả thế giới thấy.

Còn VNCS đối với hội nghị Mỹ-ASEAN không phải là hội nghị hoàng hôn, mà một hội nghị đi vào đêm tối trong tương quan với Mỹ. TT Obama, Ngoại Trưởng Kerry có ngậm ngọc cũng không thuyết phục được Đảng Nhà Nước CSVN sau đại hội đảng CS thứ 12. Phe thân TC do Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng độc diễn tái nhiệm 5 năm dưới cái bóng đè của TC, đã nắm cán lẫn lưỡi của chế độ cầm quyền của VNCS. Con đường Hà nội đi Washington phải qua Bắc Kinh, do cảnh sát giao thông TC kiểm soát, và bảng chỉ đường do TC ghi bằng chữ Tàu và gắn trên đường. Hy vọng xích lại gần Mỹ về kinh tế để thoát Trung, về quân sự để giải toả áp lực của TC ở Biển Đông đã thành ão vọng.(VA)

------------------------

LÊ VĂN DỊCH    20/02/2016   

BÁC SĨ MÃ XÁI   20/02/2016






No comments:

Post a Comment

View My Stats