Tiễn
năm cũ, đón năm mới
1. Sáng hôm
qua 6/2/2016, tôi đến trụ sở Công an phường lúc 8 giờ, trình diện lần cuối theo
án lệnh quản chế từ 3 năm nay. Buổi trình diện diễn ra nhanh chóng rồi chuyển
ngay sang phần quan trọng hơn, đó là lễ trao Giấy chứng nhận chấp hành xong án
phạt quản chế cho tôi.
Thành phần tham dự, ngoài tôi, còn có ông Chủ tịch
phường, ông Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường, hai nhân viên an ninh thuộc Công
an TPHCM, một nhân viên an ninh thuộc Công an quận 7 TPHCM, một cảnh sát khu vực
và một đại diện Cơ quan thi hành án quận 7. Tại Việt Nam, các cơ quan thi hành
án là bộ phận của ngành công an.
Buổi lễ được ghi hình trực tiếp bởi nhân viên an
ninh thuộc Công an TPHCM, có lẽ để báo cáo cấp trên hoặc lưu làm tài liệu, chứ
không chiếu trên đài truyền hình như hồi tôi bị thẩm vấn lúc mới ở tù. Tôi tiếc
trong ngày quan trọng của cuộc đời mình nàng Phó Chủ tịch phường không đến như
đã hứa. Phải chăng nàng sợ bị ghi hình, tôi tự hỏi, vì biết đâu trong ánh mắt
nàng nhìn tôi có thể đọng lại một tia giống ánh mắt của Phó Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc nhìn nàng Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thì sao?
Khởi đầu, ông Chủ tịch phường công bố việc trao Giấy
chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế cho tôi. Ông nói rất chân thành, cởi
mở và duyên dáng. Trước tiên ông chúc mừng tôi trở lại đời sống bình thường của
một công dân. Sau đó, ông nhấn mạnh rằng tôi là một người ưu tú của xã hội. Tôi
giật mình, thót tim mạnh, nhìn ông kỹ hơn để xem có phải ông dùng nhầm từ ngữ,
nhưng ông vẫn nói lưu loát, không có vẻ gì cho thấy đã lỡ lời.
Trời ơi, lần đầu tiên một quan chức chính quyền gọi
tay phản động như tôi là người ưu tú. Từ nay, nếu báo chí của chính quyền và
trang mạng của dư luận viên còn tiếp tục gọi tôi là thằng phản động gì gì đó,
thì họ nên mượn cuốn băng ghi hình buổi lễ này nghe lại và tập cách ăn nói văn
minh như ông Chủ tịch phường khả kính.
Do ông Chủ tịch là một Thạc sĩ luật, nên ông nói xem
tôi như bạn đồng môn và mong tôi cũng xem ông như bạn, sau này ông sẽ tạo điều
kiện để tôi có thể đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương sở tại. Vị đại
diện Cơ quan thi hành án quận 7 tiếp lời, yêu cầu tôi tuân thủ đường lối chính
sách của đảng và nhà nước.
Đáp lời, tôi cám ơn chính quyền đã tổ chức buổi lễ
cho tôi tuy đơn sơ nhưng long trọng, điều đó thể hiện sự tôn trọng mà chính quyền
dành cho tôi. Tôi nhấn mạnh rằng tôi sẽ tuân thủ luật pháp (chứ không phải đường
lối chính sách của đảng và nhà nước) và hy vọng có thể đóng góp công sức vào sự
phát triển chung của địa phương.
Sau cùng, ông Chủ tịch phường trao Giấy chứng nhận
chấp hành xong án phạt quản chế và bắt tay chúc mừng tôi. Tôi chào mọi người rồi
ra về, trong lòng vẫn không có cảm giác mình là người tự do thật sự.
2. Buổi chiều,
tôi đến thăm thầy cũ của tôi là Tiến sĩ Võ Phúc Tùng, người đã truyền thụ kiến
thức luật pháp và tiếng Pháp cho tôi. Gần 8 năm chưa gặp thầy, lòng tôi thấy
rưng rưng khi bước vào con hẻm xưa và dừng lại trước cửa nhà thầy. Thầy vẫn
minh mẫn và lưu loát, dù đã bước sang tuổi 83, sức khỏe không còn nhiều. Thầy kể
cho tôi nghe vài chuyện quá khứ mà tôi chưa biết, trong đó có một câu chuyện lý
thú sau đây.
Vào khoảng giữa năm 2012, lúc tôi đang ở trại giam
Chí Hòa, một nhân viên an ninh thuộc Công an TPHCM, xưng là sinh viên luật từng
học với thầy, đến thăm và mang theo chút quà để lời đề nghị tiếp sau đó của anh
ta dễ được thầy chấp thuận. Anh ta nói với thầy tôi rằng ở trong tù tôi vẫn
luôn chống đối lại chính quyền và khi cơ quan an ninh yêu cầu tôi hợp tác thì
tôi chống lại quyết liệt, khiến họ rất đau đầu.
Đó chính là lần vào tháng 11/2011 Công an TPHCM muốn
tôi làm đơn bày tỏ ý định phục vụ đất nước sau khi đã được nhà nước “cải tạo và
khoan hồng”, và nếu đơn đó được viết theo nội dung ấn định trước như thế, thì
tôi đã được trả tự do sớm hơn từ Tết năm 2012, chứ không phải chờ đến một năm
sau, tức Tết 2013. Vì vậy, giữa năm 2012, anh nhân viên an ninh ấy đến gặp thầy
Võ Phúc Tùng, nhờ thầy khuyên tôi ngoan ngoãn chấp hành, vì không hiểu sao họ
biết rằng thầy là người có nhiều ảnh hưởng đối với tôi.
Thầy đáp lại anh ta, rằng thầy quan niệm công việc của
mình như một người đưa đò, chỉ giúp các sinh viên của mình đến một bến bờ tri
thức mới, còn việc nhận ra và bay lên bầu trời lý tưởng rộng mở hơn từ bến bờ
đó thì hoàn toàn là cơ hội và quyết định riêng mỗi người, thầy không thể và
không muốn khuyên răn ai phải làm gì, nhất là đối với một người đầy ý chí và
quyết tâm như tôi mà thầy từng biết.
Thầy bảo với anh ta rằng thầy tự hào về tôi và ủng hộ
việc tôi làm và nếu còn sức khỏe hẳn thầy đã đi theo trợ lực cho tôi, cho nên
thầy thẳng thừng bác bỏ đề nghị của anh. Thấy không thể thuyết phục được thầy,
anh ta ra về và không quay trở lại. Sau đó, thầy kể lại với con trai của mình
và bảo rằng: “Ba là thầy cũng như là cha của Định, nếu ba khuyên Định như họ đề
nghị, thì liệu sau này Định còn kính trọng ba nữa hay không.”
Khi tiễn tôi ra về chiều hôm qua, thầy nói: “Tôi tự
hào vì có học trò như anh. Anh từng có nhiều tiền bạc và địa vị, nhưng anh dám
bỏ lại sau lưng để theo đuổi điều mình tin là đúng. Người ta hại anh, nhưng anh
không chết, chắc chắc người ta sẽ tiếp tục hại anh, nhưng tôi tin anh sẽ không
chết dễ dàng, trái lại chế độ cộng sản này chắc chắn sẽ chết bởi những người
như anh. Mong anh giữ gìn sức khỏe. Tôi hy vọng còn sống để thấy ngày thế hệ
các anh dựng lại Việt Nam.”
3. Thời khắc
giao thừa sắp đến, đôi dòng hầu chuyện các bạn. Chúc mọi người hưởng Tết an
lành. Tôi luôn vững tin vào tiền đồ của dân tộc chúng ta và tương lai phát triển
xán lạn của đất nước Việt Nam. Xin gửi lời thăm và chúc Tết đến gia đình của
các tù nhân chính trị còn trong vòng lao lý hiện tại. Hãy vững tâm!
No comments:
Post a Comment