Tuesday, 9 February 2016

HÁM DANH & HAM HỌC (FB Nguyễn Văn Tuấn)







Tôi thấy khi bàn về sự mất cân đối trong phân bố các phẩm hàm giáo sư và tài trợ khoa học, có vài ý kiến cho rằng vì người Bắc ham học, nên ngoài đó có nhiều giáo sư là điều dễ hiểu. Đó là một ý kiến thú vị. Nhưng tôi nghĩ cần phải phân biệt giữa hám danh và ham học.

Hám danh dĩ nhiên có nghĩa là muốn có danh vọng bằng mọi giá và trong mọi tình huống. Họ là những người đi đâu cũng kè kè theo những danh xưng trước tên. Chẳng những thế, họ còn bắt buộc người khác phải xưng hô với họ bằng những danh xưng. Họ là những người bằng mọi cách và mọi giá để có phẩm hàm, kể cả mua. Ngày xưa Nguyễn Công Trứ từng nói “Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”, và cái câu đó gần như là kim chỉ nam cho người Việt, đặc biệt là người ngoài Bắc.

Ham học rất khác với hám danh, và điểm khác biệt cốt yếu là thực học. Người ham học mong muốn thu thập kiến thức cho thật nhiều, và dùng những kiến thức đó để đem lại phúc lợi cho xã hội và cộng đồng. Khác với kẻ hám danh quan tâm đến những danh xưng phù phiếm, người ham học quan tâm đến thực học và phụng sự xã hội. Những anh chàng "Hai Lúa" là một ví dụ của thực học, vì các anh ấy ham học đây đó và "chuyển giao" kiến thức thành sản phẩm, các anh ấy chẳng cần danh xưng sư sĩ gì cả.

Tôi nghĩ cái cơ chế và xã hội ngoài Bắc làm cho người ta hám danh. Trong cái môi trường chật hẹp đó, trong cái xã hội gọi là "xã hội chủ nghĩa" đó nơi mà thành tích được cân đo đong đếm, nơi mà nhu yếu phẩm cá nhân (cho ăn, uống, mặc) được định lượng từng kg và từng cm. Thậm chí khi chết, cái hòm cũng được định lượng theo chức vụ và chức danh. Những chỉ tiêu đó được định lượng hoá theo danh xưng của một cá nhân. Bệnh thành tích nảy sinh từ đây. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy người miền ngoài rất hám danh. Không thể trách họ, vì đó là một cách thức để tồn tại, hay ít ra là để "ngoi lên" mặt đất xã hội để "có danh gì với núi sông".

Ngược lại, trong Nam, môi trường sinh sống thoải mái hơn, kinh tế phát triển hơn so với ngoài Bắc. Trong cái môi trường đó, người ta nghĩ nhiền đến việc làm sao cho xã hội và kinh tế phát triển hơn nữa, hơn là nghĩ đến danh xưng. Một anh kĩ sư có danh xưng đó, nhưng về mặt thu nhập thì chắc gì đã bằng một người làm kinh doanh nhỏ. Nhưng để phát triển tốt hơn, họ cần phải học, và đó chính là lí do tại sao ngay sau 1954, chính quyền ông Diệm cho mở hàng loạt trường cao đẳng và đại học trên khắp miền Nam. Chẳng những thế, các đại học và cao đẳng còn liên kết và tìm sự hỗ trợ từ các cường quốc khoa học như Mĩ và Pháp. Họ quan tâm đến thực học hơn là danh lợi.

Dù là người Bắc, hay người Trung, hay người Nam thì cái học lúc nào cũng là ưu tiên hàng đầu. Đó là một chân lí. Đơn giản là vì chúng ta xuất phát từ một văn hoá và một nguồn tổ tiên. Hãy nhìn những người tị nạn ở Mĩ (đại đa số là từ miền Nam), họ ưu tiên cho cái gì trước, nếu không là đầu tư vào giáo dục. Và, họ rất quan tâm đến thực học. Con em họ chọn học các ngành nghề như y khoa, kĩ thuật, công nghệ, luật, thương mại, những ngành nghề mà các nước tiên tiến rất quan tâm. Do đó, tôi nghĩ cho rằng người Bắc ham học hơn các dân vùng khác thì tôi e rằng không phù hợp với thực tế.

Thế thì tại sao ở trong nước, người miền Nam lại vắng bóng trong các phẩm hàm khoa bảng? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa tính hám danh và ham học. Anh hám danh thì cứ chạy theo mấy phẩm hàm sư sĩ. Anh thực học thì chẳng bận tâm chuyện sư sĩ mà nghĩ đến chuyện sáng chế ra cái gì có ích cho đời và ... làm ra tiền. Tôi quen rất nhiều bác sĩ trong Nam, khi nói đến chuyện sư sĩ, họ chỉ cười; họ nói họ bận tâm đến bệnh nhân hơn là sư sĩ. Nhưng trong cái xã hội mà kẻ hám danh đề ra luật chơi thì anh thực học đương nhiên là kẻ bị loại.

Một câu trả lời đơn giản khác là di sản của lịch sử để lại. Chúng ta nên nhớ và cần phải nhớ rằng sau 1975, chính quyền mới áp dụng một chính sách kì thị người miền Nam, đặc biệt là qua phân chia lí lịch thành 17 nhóm. Con em của các quan chức VNCH dù học giỏi cỡ nào cũng không được vào đại học, vì lí lịch thuộc nhóm thấp nhất. Trong khi đó, những con em của cách mạng dù kém cỡ nào cũng được ưu tiên vào đại học. Còn các chuyên gia và trí thức thời VNCH hoặc là bị đày đoạ trong các trại cải tạo (một số thì bị đày cho đến chết), hoặc vượt biên ra nước ngoài. Hệ quả là một thế hệ học thuật mới (từ con em cách mạng) kém cỏi hơn ngoài Bắc, và tệ hơn nữa, họ bị tẩy não phải lệ thuộc vào miền Bắc.

Người ngoài đó đặt ra luật chơi, thì dĩ nhiên họ phải là người chiếm ưu thế. Hỏi các em du học sinh từ miền Nam thì sẽ rõ. Một ví dụ thực tế khác là qui định về chủ trì đề tài Nafosted là phải có bằng tiến sĩ, là do người ngoài đó đặt ra. Nhiều bác sĩ trong Nam có khả năng và lòng tự trọng, họ không muốn chịu nhục (và hối lộ) để học tiến sĩ, và thế là họ bị loại ra khỏi sân chơi. Thật ra, với qui định đó của Nafosted thì khối bác sĩ Mĩ và Úc cũng không xin được tài trợ! Đó là chưa nói đến những chiêu trò thấp (nhưng rất hiệu quả) để giảm tối đa những du học sinh từ miền Nam và miền Trung. Có thể nói rằng sự mất cân đối trong khoa bảng giữa các vùng miền là có tính hệ thống và có tổ chức -- một dạng systematic & organized discrimination, chứ chẳng dính dáng gì đến truyền thống ham học cả. Một cộng đồng dân tộc kì thị là một cộng đồng yếu.

Chúng ta biết rằng không chỉ trong học thuật và khoa học, hầu như tất cả các lĩnh vực khác đều có sự mất cân bằng. Từ chính trị, quân sự, đến kinh tế, có thể nói là người miền Nam đều bị thiệt thòi. Từ hải quan, dầu khí, hàng hải, đến hàng không, tất cả đều chịu sự thống trị của người miền ngoài. Và, họ làm ăn lỗ lã kinh niên. Rất khó lí giải tại sao miền Nam đóng góp phần lớn cho ngân sách nước nhà, mà 22/25 tập đoàn kinh tế đặt ngoài miền Bắc. Rất khó hiểu tại sao cái uỷ ban sông Mê Kông lại nằm ở ... Hà Nội. Sự vô lí nhiều khi nó nằm ngoài sự tưởng tượng của một người bình thường. Dĩ nhiên, lí giải dưới lăng kính chiến lợi phẩm thì có thể "make sense" hết.

Chúng ta là những người có học, chúng ta có nhiệm vụ phải nói ra sự thật, chứ không nên giấu giếm. Nói ra không phải để chỉ trích hằn học cho hả dạ, mà để tìm một phương cách để đem lại công bằng cho mọi người. Một giải pháp gần nhất là phải loại bỏ những qui định mang tính kì thị có tính tổ chức.






No comments:

Post a Comment

View My Stats