Thursday, 18 June 2015

Việt Nam có phải là nước nhỏ yếu? (Trần Phan)





18.06.2015

Ngày 6/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đang ở thăm Trung Quốc đã nhận lời phỏng vấn của trang Hoàn Cầu… Ông nói, "với một nước nhỏ, nếu liên minh với nước khác để chống lại nước thứ ba chính là tự sát" (1).

Câu nói đó, vượt ra ngoài phong cách ngoại giao, mang lòng tự ti: Việt Nam là nước nhỏ, nước yếu. Tâm lí này cũng được thể hiện qua phát biểu, qua thái độ của các nhân vật cao nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam, như ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, và ông Phùng Quang Thanh, ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Lòng tự ti này đang ngự trị trong Bộ Chính Trị và có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các hoạt động của Việt Nam, nhất là trong các lãnh vực như ngoại giao, quân sự, kinh tế.

Bài viết này nhằm thảo luận xem Việt Nam có phải là nước “nhỏ yếu” không.

Định Nghĩa Yếu và Mạnh

Yếu hay mạnh được đo lường so với Trung Quốc, bởi vì hiện nay, Trung Quốc là nước đang lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, can thiệp vào việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, vào các chính sách ngoại giao, quốc phòng của Việt Nam. Hiện tại, ngoài Trung Quốc ra, không có nước nào vừa có khả năng vừa có tham vọng khống chế và lấn chiếm Việt Nam như thế.

Do đó, với nước Việt Nam hiện nay: yếu là không đủ sức giữ độc lập, tự chủ trước các đòi hỏi và các hoạt động của Trung Quốc nhằm xâm lấn, tiến chiếm lãnh thổ và lãnh hải của nước Việt Nam. Mạnh là có đủ sức giữ độc lập, tự chủ.

Tương Quan Lực Lượng Giữa Trung Quốc-Việt Nam Hiện Nay

Tương Quan Biểu Kiến
Hiện nay, ai cũng thấy, Việt Nam yếu so với Trung Quốc. Về quân sự, hải quân Trung Quốc áp đảo hải quân Việt Nam cả về chất lượng lẫn số lượng. Không quân Trung Quốc trội hơn hẳn Việt Nam. Về kinh tế, năm 2014, nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới, lớn gấp 52 lần kinh tế Việt Nam về GDP danh nghĩa.

Trong giao thương, kim ngạch buôn bán giữa Trung-Việt chiếm một phần rất nhỏ tổng kim ngạch của Trung Quốc (khoảng 1.2%), trong khi chiếm tới 15% tổng kim ngạch của Việt Nam. Nền sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu của Trung Quốc. Nhìn chung, về kinh tế, trong khi Trung Quốc không cần Việt Nam, Việt Nam rất cần Trung Quốc.

Tương Quan Thật Sự
Với dân số 90 triệu, lúc nào Việt Nam cũng “nhỏ” hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhỏ hơn cũng yếu hơn. Một ngàn năm lịch sử từ thời Ngô Quyền tới nay đã nhiều lần nêu gương nhỏ mạnh hơn lớn. Yếu hay mạnh trong chiến tranh không chỉ là con số tuyệt đối, mà phụ thuộc rất lớn vào mật độ, vào tỉ trọng, vào ý chí…

Hơn nữa, yếu hay mạnh không chỉ tùy vào sức mạnh quân sự và kinh tế, mà phụ thuộc rất lớn vào chính trị và ngoại giao. Trong thời đại hiện nay, chính trị và ngoại giao là ở mức độ toàn cầu. Trên mặt trận Biển Đông, Việt Nam đang được sự ủng hộ của đại đa số các nước trên thế giới, trong đó bao gồm tất cả các nước G-7, còn Trung Quốc đang bị chỉ trích vì chính sách và hành động bành trướng vô lí và bất chấp tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế. Về mặt này, Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc còn có một thế rất mạnh so với Việt Nam, đó là đảng cầm quyền, nhà cầm quyền của họ đã khống chế đảng cầm quyền, nhà cầm quyền Việt Nam. Đây là điểm mạnh tinh thần, chính trị rất lớn của họ mà nước Việt Nam cần thoát ra nếu không muốn bị yếu so với Trung Quốc.  

Tiềm Năng Của Việt Nam
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành một nước mạnh. Điều này không phải do chúng ta tự huyễn hoặc, mà do sự phân tích chi tiết và thấu đáo. Và chúng ta cũng hiểu điều đó qua quan sát thái độ của các quốc gia trên thế giới đối với ta, qua các bài phân tích chính trị-kinh tế của các nhà quan sát thời cuộc thế giới về tiềm năng của Việt Nam.

Một khối dân 90 triệu tự nó là khối dân lớn. Khối dân đó sống trên lãnh thổ 336 ngàn km vuông, nghĩa là có mật độ dân số 268 người/km vuông, khối dân đó đủ mạnh để bảo vệ lãnh thổ đó. Khối dân này, từ khi Ngô Quyền giành lại độc lập từ Trung Hoa cách nay hơn một ngàn năm, đã được trui rèn qua 9 cuộc chiến chống xâm lăng Trung Hoa, trong đó họ đã thắng tám cuộc, chỉ thua có một cuộc, vào năm 1400 khi đất nước được lãnh đạo bởi chính quyền nhà Hồ mà lòng dân chán ghét. Khối dân 90 triệu người đó, khi cần bảo vệ nền độc lập, đối với mục tiêu đẩy lùi quân xâm lược, không hề yếu trước Trung Quốc.

Về kinh tế, Việt Nam có tài nguyên, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người, đủ để phát triển thành quốc gia giàu có. Người viết không dùng khái niệm xưa về rừng vàng biển bạc, nhưng chắc chắn Việt Nam không ít tài nguyên thiên nhiên hơn Nhật Bản hay Hàn Quốc. Dân tộc Việt Nam, cần cù, hiếu học, có đầu óc biết tiếp thu, biết xoay sở, nếu nằm trong điều kiện thuận lợi, có khả năng phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng.

Hãy nhớ rằng 150 năm trước, Việt Nam cùng trình độ phát triển với Nhật và Hàn Quốc. 50 năm trước, Việt Nam cùng trình độ phát triển với Hàn Quốc.

Vị trí địa chính trị cũng là một tài nguyên rất lớn của Việt Nam. Là bao lơn nhìn ra Biển Đông. Nằm chắn trên con đường hàng hải Bắc Nam nối liền Đông Á, Bắc Á với Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Phi, châu Âu. Vị thế này, nếu được sử dụng một cách thông minh và hiệu quả, sẽ mang lại sự giàu mạnh lâu dài cho đất nước.

Tương Lai của Việt Nam: Yếu hay Mạnh?

Với tiềm năng được phân tích như trên, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thành mạnh, rất mạnh. Tuy nhiên, nếu ý chí và sự cố gắng của dân tộc không đủ, nguy cơ Việt Nam rơi vào vòng xoáy yếu hèn cũng không ít.

Nhiều người trong nước có vẻ bi quan về tương lai Việt Nam. Việt Nam đã thua xa Âu-Mỹ. Đã thua xa Nhật Bản. Đã thua xa Hàn Quốc. Tác giả muốn nhắc lại rằng cách nay chưa xa, năm 1960, GDP/đầu người của Việt Nam là 223 USD so với 149 USD của Hàn Quốc và 92 USD của Trung Quốc (2). Khi chiến tranh Nam-Bắc xảy ra, cùng với đà tăng cường độ chiến tranh, mức GDP đầu người của miền Nam giảm rất nhanh, xuống con số 123 USD vào năm 1970. Như vậy, miền Nam mất đà tăng trường kinh tế mạnh mẽ và nghèo đi nhanh chóng do chiến tranh. Lập luận tuyên truyền chống miền Nam lúc đó cho rằng rằng sự phồn vinh của miền Nam là giả tạo, là nhờ viện trợ của Mỹ. Thực ra viện trợ kinh tế chỉ chiếm dưới 5% tổng GDP miền Nam. Dân chúng cần biết điều này để tự tin rằng Việt Nam thực sự có tiềm năng phát triển. Hẳn nhiên chúng ta có thể tin rằng nếu không bị tàn phá bởi chiến tranh, miền Nam có đủ tiềm năng phát triển nhanh và trở thành cường quốc kinh tế như Hàn Quốc hiện nay. Miền Nam có tiềm năng đó thì cả nước Việt Nam cũng vậy.

Nâng Cao Dân Trí và Nâng Cao Dân Khí

Thời đại hiện nay là thời của khoa học, kỹ thuật. Cái vốn lớn nhất để phát triển là tri thức, là con người với tri thức cao. Nền kinh tế phát triển hiện nay là nền kinh tế dựa trên tri thức.

Con người có tri thức phải là con người tự do. Tự do thúc đẩy học hỏi, sáng tạo, phát triển tri thức. Xin đừng vin vào lập luận tự do phải có khuôn khổ để giới hạn tự do phát triển tri thức. Người có tri thức càng cao thì càng hiểu mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng, càng là một công dân có trách nhiệm, do đó càng là công dân tự giác có tính kỉ luật. Dân chủ và tự do không còn là lí tưởng xa vời, mà là điều kiện thực tế để phát triển. Dân chủ hóa đất nước càng sớm thì càng nâng tầm tri thức của xã hội nhanh hơn, do đó càng đưa đất nước tới chỗ giàu mạnh nhanh hơn.

Dân chủ hóa đất nước đem lại công bằng cho các tầng lớp dân chúng, các thành phần, đảng phái và khuynh hướng chính trị. Công bằng là nền tảng vững chắc cho hòa giải, hòa hợp dân tộc. Công bằng giảm thiểu các tệ nạn gây ra do tham nhũng, nhóm lợi ích… rất tai hại cho xã hội. Do đó, công bằng là nền tảng phát triển của cộng đồng. Dân chúng không thể yên tâm đổ công sức làm ăn trong môi trường không công bằng. Năm 1960 GDP/đầu người của miền Nam cao gấp 3 lần của miền Bắc (223 USD so với 73 USD) (3) một phần rất lớn do môi trường dân chủ tự do của miền Nam.

Trong môi trường dân chủ, tự do, công bằng, dân trí nâng cao nhanh, dân chúng giàu lên nhanh, và từ đó bừng khởi trong lòng mỗi người dân niềm tin vào xã hội, vào tổ quốc, vào truyền thống dân tộc, vào các giá trị sống tốt đẹp, vào chính bản thân mình. Đó là nguồn gốc của sức mạnh vô địch bảo vệ quyền tự chủ và độc lập của tổ quốc chung.  

Chế độ độc đảng nắm quyền lãnh đạo và toàn trị mang tính không dân chủ, không công bằng từ gốc rễ, nên Việt Nam cần thoát khỏi chế độ đó để cho đất nước tiến lên.  

Nâng Cao Sức Mạnh Quốc Phòng

Nền tảng lớn nhất của sức mạnh quốc phòng là tinh thần chiến đấu cao của chiến sĩ và toàn dân, đồng lòng chống kẻ thù chung để bảo vệ tổ quốc chung.

Rõ ràng nền tảng này không thể có khi quân đội thuộc về đảng và để bảo vệ đảng, chứ không thuộc về dân tộc và để bảo vệ tổ quốc chung. Rõ ràng nền tảng này không thể có khi dân chúng nhận thấy chính quyền không do họ bầu chọn, tiếng nói, ý nguyện của dân không được chính quyền lắng nghe, và rất nhiều chính sách gây tổn hại quyền lợi của họ được ban ra bất chấp lòng dân. Rõ ràng nền tảng này không thể có khi dân chúng nhận thấy chính quyền gồm những người rất rất giàu một cách bất minh trong khi đất nước chung còn nghèo đói. Rõ ràng, nền tảng này không thể có khi kẻ đang xâm lấn đất nước lại là kẻ được nhà cầm quyền xem là bạn, là đồng chí thân thiết chung chiến hào ý thức hệ! Dân chúng rất tinh tường, biết rõ ai là người ôn hòa khôn khéo nhưng quyết tâm bảo vệ tổ quốc, ai là người dâng quyền lợi chung cho kẻ xâm lấn để cầu lợi lộc riêng. Lòng dân, lòng quân đã không tin vào các nhà lãnh đạo chính trị và lãnh đạo quân đội thì đất nước tất phải rất yếu!

Dân chủ hóa đất nước là bước cần thiết khắc phục dần điểm yếu nói trên, đưa chính quyền về gần dân hơn để tạo nền tảng cho sức mạnh quốc phòng. Chính quyền đó phải thực do dân chúng bầu chọn ra, chịu sự kiểm soát thực sự của dân chúng, và do đó sẽ được dân chúng ủng hộ. Một nước Việt Nam 90 triệu dân đồng lòng dốc sức, nước Việt Nam đó phải rất mạnh.   

Một Quốc Gia cần chọn đối tác có lợi cho mình nhất. Trong hoàn cảnh hiện nay, liên minh với Mỹ, Nhật, Úc, Ấn, Tây Âu đem lợi lớn cho Việt Nam. Mỹ, Nhật, Anh, Pháp là các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiến bộ và mạnh nhất thế giới, Việt Nam cần chọn Mỹ, Nhật, Tây Âu làm các nhà cung cấp vũ khí chính. Các liên minh quân sự tay đôi (Mỹ-Nhật, Mỹ-Úc, Nhật-Úc…), tay ba (Mỹ-Nhật-Úc…) tạo thành thế trận liên hoàn trên Biển Đông, Việt Nam nên tìm vị trí thích hợp trên mạng lưới thế trận này để vừa có thực lực quốc phòng mạnh nhất, vừa có vị trí an toàn nhất. Xin đừng vin vào lập luận “Việt Nam không liên minh với ai để chống ai” để mà khước từ bắt lấy bàn tay chìa ra của Mỹ, bàn tay mà người bình thường nào cũng thấy sẽ góp phần lớn mang lại sức mạnh cho Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể liên minh với Mỹ không nhằm chống lại Trung Quốc, nhưng không để Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, và qua đó bảo vệ hòa bình hiệu quả nhất cho tổ quốc mà không phải mất thêm tấc đất nào.

Thoát Lệ Thuộc Kinh tế vào Trung Quốc

Đất nước không mạnh nếu lệ thuộc kinh tế. Trung Quốc đang xâm lấn Việt Nam, Việt Nam không thể cho phép mình lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tình trạng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đã ở mức độ báo động đỏ, khiến con dân nước Việt lo sợ cho tương lai nền độc lập của tổ quốc. Mở rộng giao thương kinh tế với các nước giàu mạnh như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, tái cấu trúc nền kinh tế tìm đường thoát lệ thuộc Trung Quốc là những việc cần tiến hành nhanh chóng. Trên con đường đi đến sự tự chủ hơn về kinh tế đối với Trung Quốc, cần xem việc gia nhập TPP là cột mốc quan trọng mà Việt Nam cần đạt được. Đạt được mục tiêu này, dân tộc Việt Nam sẽ có một nguồn sức mạnh rất lớn ngăn chặn tham vọng xâm lấn của Trung Quốc.

Kết luận về thế mạnh và yếu của Việt Nam

Thưa quí vị độc giả, quí vị có nghĩ rằng:

1) Ba mục tiêu chiến lược: dân chủ hóa đất nước, nâng cao khả năng quốc phòng, thoát lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc có quá khó đối với Việt Nam không?  

2) Nếu đạt được các mục tiêu chiến lược đó, Việt Nam sẽ có Dân Trí và Dân Khí cao, có sức mạnh quốc phòng, có nền kinh tế giàu mạnh và tự chủ, nước Việt Nam như vậy có đủ mạnh để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải không?

Tác giả bài viết này tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt các mục tiêu chiến lược nói trên. Tiềm năng Việt Nam lớn, điểm xuất phát hiện nay còn thấp, chắc chắn nếu đi đúng hướng Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong vài thập niên tới.

Theo các tính toán riêng, sau 15 năm đi đúng hướng, năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng GDP khoảng 700-800 tỉ USD, có dự trữ ngoại tệ khoảng 300 tỉ USD, sẽ nằm trong hệ thống các nước Tự Do Dân Chủ trên thế giới. Nước Việt Nam như vậy chắc chắn đủ mạnh để góp phần bảo vệ con đường hàng hải Biển Đông, bảo vệ hòa bình Biển Đông, bảo vệ cuộc sống thanh bình và ấm no cho dân tộc.

Việt Nam cần bắt đầu cuộc canh tân, mà nội dung chủ yếu là Dân Chủ hóa, ngay bây giờ. Lúc này, dù rất hung hăng, Trung Quốc cũng chưa đủ sức tấn công hệ thống liên kết và liên hoàn quốc tế chống lại sự độc chiếm Biển Đông. 15 năm trôi qua rất nhanh, khi đã đạt các mục tiêu nói trên, một Việt Nam Giàu Mạnh sẽ làm lệch cán cân tương quan lực lượng trên Biển Đông về phía hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Nếu không bắt đầu từ bây giờ, mọi việc e rằng sẽ quá trễ. Việt Nam ngày càng yếu hơn trong vòng kiềm tỏa ngày càng siết chặt của Trung Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1) Trang AnhBaSam, THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG VIỆT NAM PHỦ NHẬN LIÊN KẾT VỚI MỸ CHỐNG TRUNG QUỐC: NƯỚC NHỎ TÌM LIÊN MINH ĐỂ CHỐNG NƯỚC KHÁC LÀ TỰ SÁT, 

2) Wikipedia, List of countries by past and projected GDP (nominal) per capita.

3) Trần-Đăng Hồng, PhD – So sánh GDP đầu người của Việt Nam với vài nước Á Châu.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats