Thursday, 4 June 2015

Tù nhân lương tâm bị sách nhiễu (Hoà Ái - RFA)





Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-06-02

Cô Phạm Thanh Nghiên hiện ở Hải Phòng

Trong bối cảnh thời gian vừa qua các phái đoàn Hoa Kỳ đến VN liên tiếp nêu vấn đề Hà Nội cần cải thiện tình hình dân chủ nhân quyền, đặc biệt đối với các tù nhân lương tâm nhưng chính phủ VN khẳng định tôn trọng tự do và quyền con người. Hòa Ái gửi đến thông tin cập nhật các trường hợp tù nhân lương tâm dù được trở lại xã hội nhưng vẫn bị sách nhiễu một cách nghiêm trọng ở VN hiện nay.

Án tù trong trại và án tù trong nhà

Hầu hết những tù nhân lương tâm sau khi mãn án tù giam được trở lại với gia đình và xã hội đều phải chịu thêm án lệnh quản chế. Theo luật quản chế, tù nhân lương tâm không được đi khỏi địa phương nơi cứ trú. Nhu cầu đi lại trong cuộc sống thường nhật ngoài phạm vi khu vực cấp phường, những tù nhân lương tâm chịu lệnh quản chế cần xin phép và phải có được sự đồng ý của chính quyền.

Trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng với bản án bốn năm tù giam, ba năm quản chế vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, gặp rất nhiều trở ngại kể từ khi được về nhà hồi tháng 12 năm 2012.  Cô Thanh Nghiên chia sẻ với đài ACTD:

“Bởi vì tôi không thấy mình làm gì sai và bản án dành cho tôi rất bất công cho nên tôi không tuân thủ án quản chế. Chính vì thế mà tôi đã bị trên dưới 30 lần triệu tập, 2 lần bị bắt cóc giữa đường và bị phạt tiền vì họ cho rằng vì tôi đã đi khỏi địa phương mà không xin phép. Ngay cả khi tôi làm đơn theo yêu cầu của họ để được đi khám chữa bệnh thì họ thì cũng không đồng ý cả 2 lần. Lần thứ nhất, họ nói rằng tôi không viết ‘Cộng hòa-Xã hội-Chủ nghĩa Việt Nam’ nên không cho đi. Lần thứ hai, họ hoạnh họe câu chữ phải là ‘Đơn xin đi khám bệnh’ chứ không thể nào là “Đơn yêu cầu đi khám bệnh’”.

Vì sức khỏe yếu kém do những năm tháng tù đày nhưng cô Thanh Nghiên vẫn không được chính quyền Thành phố Hải Phòng cho đi khám chữa bệnh ở phạm vi ngoài địa phương. Nữ tù nhân lương tâm này chỉ được đi khi có sự đồng ý của Giám đốc Công an Thành phố.  Kể cả những người quen biết đến thăm cũng bị chính quyền cản trở. Mới đây nhất, hôm mùng 2/6, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, đến gặp bị an ninh ngăn chận ngay trước ngõ nhà cô Thanh Nghiên. Blogger Mẹ Nấm kể lại vụ việc xảy ra:

“Bắt đầu ngay cái ngõ ngay khu nhà thì có rất đông an ninh thường phục đã chờ sẵn. Họ dừng xe không cho taxi cua vào đường đó và họ bảo chúng tôi phải đi khỏi khu vực này hoặc về phường làm việc. Tôi phản đối. Chị Phạm Thanh Nghiên ở trong nhà nghe được và đi ra khỏi nhà. Chị Nghiên nhận ra đó là những anh ninh đã bắt giữ, đã thường xuyên canh chừng nhà chị và chị phản ứng. Khi đó họ tách chúng tôi đứng yên ra 1 góc và đẩy chị Thanh Nghiên ra để đánh. Họ đánh đập chị Nghiên rất dã man. Có tới hơn 30 thanh niên đánh 3,4 chị em gái”.

Công an chìm và an ninh bao vây nhà cô Phan Thanh Nghiên hôm 2 tháng 6, 2015 sau đó tấn công đánh hội đồng cô Nghiên


Án lệnh quản chế

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù xin phép đúng theo thủ tục quy định của luật pháp VN nhưng tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định cho biết quyết định lý do hợp lý của chính quyền địa phương thật sự tùy tiện và theo cảm tính. Luật sư Lê Công Định nêu lên một tình huống ông xin đi ra khỏi địa phương để dự đám hỏi người cháu mà ông đại diện gia đình làm chủ hôn thì không được chuẩn thuận với lý do là “không hợp lý”trong khi trước đó ông xin đi đám cưới của 1 người bạn thì lại được đồng ý. Sau đó, Luật sư Lê Công Định mới tìm hiểu được lý do “không hợp lý” là vì ngày ông xin đi đám hỏi trùng hợp với ngày Blogger Nguyễn Ngọc Già bị bắt. Luật sư Lê Công Định cũng cho biết bản thân ông bị phạt vi phạm lệnh quản chế đã 3 lần với mức phạt cũng hết sức tùy tiện, không theo bất cứ quy định rõ ràng nào. Luật sư Lê Công Định nói:

“Lúc họ thích thì cho, lúc không thích thì họ không cho mà họ thích hay không thích thì tùy thuộc vào tháng đó tôi có viết bài gì, có trả lời phỏng vấn đài nước ngoài hay không, có làm họ mất lòng hay không. Hôm nào họ đã mất lòng thì lý do mình xin là hợp lý thì cũng trở thành vô lý. Ở đây không có luật lệ gì hết. Có một luật chung tổng quát là sự lượng định cái gọi là hợp lý hoàn toàn tùy thuộc vào sự quyết định của những người có chức quyền và cụ thể là an ninh chứ chẳng phải chính quyền địa phương nào hết”.

Tù nhân lương tâm Lê Công Định còn phải chịu hình thức kiểm tra việc thực thi lệnh quản chế bằng cách nhân viên đại diện chính quyền xông vô nhà vào lúc nửa đêm để kiểm tra.
Tù nhân lương lương tâm Trần Anh Kim ở Thái Bình vừa mãn hạn tù hơn 4 tháng qua không những gặp phải những hạn chế trong lệnh quản chế đi lại ở địa phương, bước chân ra đường là có người xuất hiện quanh quẩn bám theo canh chừng mà cuộc sống kinh tế của ông bị rơi vào khủng hoảng. Ông Trần Anh Kim trình bày hoàn cảnh của mình:

“Hơn 4 tháng ra rồi, tất cả tiền lương kể cả tiền xương máu của tôi đã bị nhà cầm quyền VN cắt không còn một xu. Thế nên cuộc sống của tôi bây giờ rất khó khăn, chủ yếu sống nhờ vợ, một tháng có 3 triệu ít ỏi cho vợ chồng sống thế thôi. Có 1 vấn đề là nhà tôi ngay ngã ba đường, khi tôi xây cái tường bao thì người ta gây khó khăn cho tôi suốt hàng tháng nay, không cho xây, cứ bắt đầu xây là ra phá. Cấp tỉnh thì họ rất quan tâm nhưng cấp phường, cấp thành phố lại gây rất nhiều khó khăn. Đã khó khăn thì lại chồng chất khó khăn. Đất của tôi là đất sinh lời, nếu họ cho tôi làm thì mỗi tháng tôi thu khoảng 7-8 triệu, có thể đủ sống nhưng họ không cho làm. Đây có thể coi như là hành vi tìm mọi cách triệt tiêu sự sống của tôi”.

Đài RFA liên lạc với người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu và được cho biết sau vụ việc ông từ chối số tiền chiêu dụ 25 ngàn đô la của một nhóm người tự xưng danh “Lực lượng hòa hợp hòa giải” để đánh đổi một tấm hình có chữ viết “hối hận đã sáng tác bài ‘Kinh giàn khoan’” được cộng đồng mạng chia sẻ hồi tháng 11 năm 2014 thì ông thường xuyên nhận các tin nhắn hăm dọa đánh, giết qua điện thoại. Cuộc trao đổi giữa cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu với Hòa Ái chưa kịp bắt đầu thì phải vội vàng tạm ngưng vì:

“Bây giờ tôi tạm dừng vì công an khu vực xuất hiện đứng cười cười. Ông Thiếu tá công an khu vực đang đứng mời tôi ra uống cà phê. Đây nè, ông đang đứng trước mặt nè”.

Án lệnh quản chế nhà cầm quyền VN áp dụng đối với tù nhân lương tâm cũng như những biện pháp sách nhiễu trên đời sống của họ như các trường hợp vừa nêu bị dư luận quốc tế và Hòa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền.

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm mùng 1 tháng 6 về chuyến viếng thăm và làm việc của Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ash Carter nhấn mạnh đến quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận về quyền chính trị và quyền làm người với giới chức lãnh đạo VN, cho rằng co thể ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương Việt-Mỹ.








No comments:

Post a Comment

View My Stats