Saturday, 6 June 2015

Thi sĩ Liệu Diệc Vũ — những hồi ức về Cuộc Thảm Sát tại quảng trường Thiên An Môn (Hoàng Ngọc Tuấn)





Sat, 06/06/2015 - 15:45 — hoangngoctuan

Để kỷ niệm 26 năm cuộc đàn áp tàn bạo phong trào sinh viên ở Thiên An Môn, chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả bài viết “Thi sĩ Liệu Diệc Vũ – Những hồi ức về ‘Cuộc Thảm Sát’ tại quảng trường Thiên An Môn” của nhà báo Bill Marx. Liệu Diệc Vũ là thi sĩ đã viết bài thơ “Thảm sát” được trích dịch dưới đây, bài thơ đã khiến nhà cầm quyền Trung Quốc bỏ tù ông, và sau đó là một đoạn đời kỳ dị của người nghệ sĩ can trường này. Những thể chế độc tài có thể đàn áp và giam tù, nhưng không thể nào triệt hạ được tinh thần khao khát tự do của con người.

***

THI SĨ LIỆU DIỆC VŨ – NHỮNG HỒI ỨC VỀ CUỘC THẢM SÁT TẠI QUẢNG TRƯỜNG THIÊN AN MÔN
(bản dịch của Thận Nhiên & Hoàng Ngọc-Tuấn)

Khi những chiếc xe tăng của chính quyền Trung Quốc lăn vào thủ đô Bắc Kinh trong đêm 3 tháng 6 năm 1989, và đàn áp dã man phong trào ủng hộ dân chủ của sinh viên, thì nhà thơ Liệu Diệc Vũ đang ở trong nhà tại tỉnh Tứ Xuyên. Tin này gây rúng động cả tâm can của ông. Suốt đêm đó, Liệu Diệc Vũ đã sáng tác một bài thơ dài, có nhan đề là “Thảm Sát,” với những hình ảnh ghê rợn, mô tả cảnh giết hại những sinh viên và cư dân vô tội, sinh động như hoạ sĩ Picasso đã mô tả cuộc thảm sát của phát-xít Đức ở thị trấn Guernica trong bức tranh nổi tiếng của ông.

Không có cơ hội để xuất bản bài thơ này ở Trung Quốc, Liệu Diệc Vũ thực hiện một cuốn băng ghi âm, trong đó ông tự đọc “Cuộc Thảm Sát” với giọng ngâm tụng và kêu gào như trong các lễ cầu vong của Trung Quốc để gọi hồn người chết. Cuốn băng ghi âm này được lưu hành rộng rãi qua các kênh ngầm ở Trung Quốc. Trong một bài thơ khác viết vào thời điểm đó, ông đã mô tả tâm trạng phẫn uất của mình khi không thể phản kháng bạo quyền.

“Mi ra đời với linh hồn của kẻ ám sát,
nhưng đến lúc cần ra tay,
thì mi luống cuống, chẳng làm gì cả
Mi chẳng có lưỡi gươm nào để rút ra
Thân xác mi một vỏ gươm rỉ sét
Hai tay mi run bần bật,
Xương cốt mi mục rữa,
Đôi mắt cận thị của mi không thể bắn ra như họng súng.”

Cuốn băng ghi âm “Thảm Sát” cùng với một cuốn phim với nhan đề “Cầu Hồn” mà ông đã cùng với bạn bè thực hiện sau đó đã bị công an Trung Quốc chú ý. Tháng 2 năm 1990, khi ông đang bước lên một chuyến tàu để đi đến Bắc Kinh, thì công an đã vồ lấy ông. Sáu người bạn thơ văn, cùng người vợ đang mang thai của ông, cũng bị bắt giam cùng lúc vì họ đã tham gia trong dự án làm phim của ông. Vì vai trò đầu tàu, Liệu Diệc Vũ bị kết án 4 năm tù.

Bản án tù năm 1990 đã trở thành một chương khẳng định trong cuộc đời của Liệu Diệc Vũ. Bị cách ly và trải qua những cơn trầm cảm trong 4 năm tù ngục, ông đã nổi loạn chống lại nội quy nhà tù, để rồi lại bị hành hạ tồi tệ hơn: ông bị đánh bằng dùi cui điện, bị treo lên, bị còng tay và bị phơi nhiều giờ dưới ánh nắng hè gay gắt. Có lần, ông bị trói quặt hai tay ra sau lưng suốt 23 ngày trong buồng biệt giam cho đến khi ung nhọt phủ đầy cả hai nách của ông. Ông bị suy sụp tinh thần trầm trọng và đã cố gắng tự sát hai lần. Ông nổi tiếng là “gã điên nặng” trong đám tù nhân.

Năm 1994, nhờ áp lực quốc tế, Liệu Diệc Vũ được phóng thích 50 ngày trước khi hết hạn tù (chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng ông đã được tưởng thưởng cho hành vi tốt). Ông về nhà thì mới biết rằng vợ ông đã bỏ đi, mang theo đứa con. Hộ khẩu của ông trong thành phố đã bị hủy bỏ, khiến ông không thể tìm việc làm và có nguy cơ bị trục xuất về nông thôn. Bạn bè văn nghệ cũ xa lánh ông vì sợ hãi. Tài sản duy nhất còn lại của ông là một cây sáo mà ông đã tập thổi ở trong tù. Liệu Diệc Vũ lang thang trên các đường phố náo nhiệt ở Thành Đô, và bắt đầu sống như một nhạc sĩ vỉa hè.

Để mưu sinh, Liệu Diệc Vũ nhận làm những việc lặt vặt trong những quán ăn, nightclub, tiệm trà và nhà sách. Nhưng cuộc sống dưới đáy xã hội đã mở rộng tầm nhìn để ông viết cuốn sách về những người ngoài lề xã hội mà ông quen biết. Các cuộc trò chuyện với những bạn tù và những người trên đường phố đã giúp ông hoàn thành cuốn 中國底層訪談 Trung Quốc để tằng phỏng đàm lục(“Bản ghi lại những cuộc hỏi chuyện dưới đáy xã hội Tàu”).

Trong số 60 bài phỏng đàm được chọn cho cuốn sách của ông, có một kẻ khóc mướn chuyên nghiệp, một tay buôn người, một kẻ sát nhân, một người ăn xin, một thầy bói, một kẻ trộm, một người bất đồng chính kiến, một người đồng tính luyến ái, một tên ma cô, một cựu địa chủ, một giáo viên và một người theo Pháp Luân Công. Cũng như bản thân tác giả, tất cả những người này, hoặc bị ném xuống đáy xã hội trong các cuộc thanh trừng chính trị vào thời của Mao Trạch Đông, hoặc bị chèn kẹt trong những đổi thay hỗn loạn của xã hội Trung Quốc ngày nay.

Các bài phỏng đàm này vừa mang tính văn học vừa mang tính báo chí – được tái dựng hơn là chép lại đúng theo nguyên văn những lời đối thoại. Vì những cuộc phỏng đàm đòi hỏi sự nhạy cảm và kiên nhẫn tối đa, nên đôi khi ông gạt bỏ những công cụ thường dùng như chiếc máy thu âm hay cuốn sổ ghi chép. Dù ở trong tù hay trên đường phố, Liệu Diệc Vũ luôn luôn dành khá nhiều thì giờ cho các đối tượng của ông, cố gắng thu phục sự tin cậy của họ trước khi bắt đầu bất cứ một cuộc phỏng đàm nào. Mỗi câu chuyện có thể cần ba hay bốn lần đối thoại ở những dịp khác nhau. Chẳng hạn, ông đã phỏng đàm với một người đạo tì bảy lần và sau đó tích hợp tất cả những mẩu đối thoại lại thành một bài.

Năm 2001, Dương Tử Xuất Bản Cục công bố một văn bản đã bị “sát trùng” (kiểm duyệt) và rút ngắn của cuốn sách này và ngay lập tức nó đã trở thành best seller. Dư Kiệt, một nhà phê bình văn học độc lập nổi tiếng ở Bắc Kinh đã gọi cuốn sách là “một bản tường thuật điều tra xã hội học, có thể xem như là một biên bản mang tính lịch sử của Trung Quốc đương đại.”

Kể từ khi Cộng Sản nắm chính quyền vào năm 1949, Liệu Diệc Vũ là người đầu tiên đã giới thiệu chữ “để tằng” (tầng đáy của xã hội) cho cả nước biết. Ý nghĩa của chữ “để tằng” là phản đề đối với phong trào Cộng Sản của Mao Trạch Đông, một phong trào rêu rao nỗ lực tạo nên một xã hội bình đẳng, không có đĩ điếm, ăn mày, các băng đảng xã hội đen và những kẻ nghiện ma tuý.

Vào mùa hè năm 2004, ba cuộc phỏng đàm từ cuốn sách của Liệu Diệc Vũ --kẻ khóc mướn chuyên nghiệp, tay buôn người và kẻ quản lý nhà vệ sinh công cộng -- đã xuất hiện lần đầu tiên bằng tiếng Anh trên tạp chí Paris Review, số báo đầu tiên dưới sự điều hành của chủ bút mới, Philip Gourevitch.

Sau số báo ra mắt của Paris Review, trong năm 2008 nhà xuất bản Pantheon chọn 27 câu chuyện và ấn hành dưới nhan đề The Corpse Walker, Real-Life Stories: China From the Bottom Up (“Xác chết biết đi, những câu chuyện có thật: Trung Quốc từ dưới đáy nhìn lên”).
Trong lúc đó, Liệu Diệc Vũ tiếp tục xuất bản các bài phỏng đàm, tiểu luận và thơ trên các trang mạng tiếng Hoa ở nước ngoài và tác phẩm của ông đã trở nên phổ biến trong giới độc giả trẻ tại Trung Quốc đại lục. Ông nói, “Tôi đang cố gắng vượt qua, dần dần từng chút một, nỗi sợ hãi đã ăn sâu trong tôi. Bằng cách đó, tôi cố gắng giữ gìn sự tỉnh táo và tự do nội tại của mình.”

***

Trích dịch từ bài thơ

THẢM SÁT
Kính tặng những người đã bị thảm sát vào ngày 4 tháng 6 năm 1989

Một cuộc thảm sát đang xảy ra
Trên quốc gia không tưởng này
Nơi ông thủ tướng bị cảm lạnh
Thì dân chúng phải hắt hơi theo
Lệnh thiết quân luật được ban hành và thực thi
Bộ máy nhà nước rụng răng già nua đang cán nát
Những người dám chống lại và từ chối hắt hơi
Bị đánh gục bởi đạo quân hàng ngàn tên
                   là những người tay không tấc sắt
Bọn sát nhân có vũ trang đang bơi trong máu
Đốt rụi những ngôi nhà mà cửa sổ và cửa lớn đều bị khoá kín
Hãy đánh bóng những đôi giày lính của các ngươi bằng tà váy của một thiếu nữ bị giết
Chủ nhân của những đôi giày lính ấy không hề run tay
Những gã người máy không tim không hề run tay
Não của chúng được lập trình với một chỉ lệnh
Một lệnh điều khiển sai lầm
Nhân danh quốc gia để chặt què hiến pháp
Nhân danh hiến pháp để làm thịt công lý
Nhân danh các bà mẹ để bóp mũi con cái
Nhân danh con cái để chơi vào lỗ đít của những người cha
Nhân danh vợ để giết chồng
Nhân danh công dân để đánh bom thành phố
Nổ súng, nổ súng, nổ súng
Bắn phụ nữ, bắn sinh viên và trẻ em
Bắn thợ thuyền, giáo viên và những người bán rong
Ria đạn cho nát thân thể họ
Nhắm vào những gương mặt tức giận, những gương mặt kinh hoàng, những gương mặt méo mó, những gương mặt chán chường và những gương mặt thanh thản
Bắn xả láng
Vẻ đẹp phù du của những khuôn mặt đó tiến về phía các ngươi như những ngọn triều dâng
Vẻ đẹp vĩnh cửu của những gương mặt đó hướng tới thiên đàng và địa ngục
Vẻ đẹp của việc biến con người thành loài dã thú
Vẻ đẹp của sự dụ dỗ, cưỡng hiếp và chà đạp lên những công dân của các ngươi
Loại trừ cái đẹp
Xoá bỏ hoa, rừng, trường học, tình yêu, và không khí tinh khiết
Bắn, bắn và bắn...
Tôi khoan khoái ngây ngất
Bắn nát cái đầu đó
Đốt rụi tóc và da
Cho phọt óc
Cho linh hồn tuôn ra
Tung toé trên cầu, trên hàng rào và đường phố
Tung toé lên trời
Máu trở thành những ngôi sao và những ngôi sao đang tuôn chạy
Trời và đất đảo ngược
Những chiếc mũ đồng sáng loé như sao
Những binh đoàn đang chạy ra khỏi mặt trăng
Bắn, bắn, bắn
Con người và các vì sao đang rơi xuống và chạy tán loạn
Không thể phân biệt được, đâu là con người và đâu là các vì sao
Bọn lính đuổi theo họ vào trong mây, vào các vết nứt trên mặt đất...

Chúng tôi sống dưới ánh mặt trời rạng rỡ
Nhưng mắt chúng tôi đã mù
Chúng tôi bắt gặp chính mình trên một đường phố, quá rộng
Nhưng không ai có thể sải bước
Chúng tôi đứng trong một đám đông, lẽ ra rất huyên náo
Nhưng người ta mở miệng mà không thốt nên lời
Chúng tôi bị cái khát hành hạ
Nhưng mọi người đều khước từ nước uống.

Cuộc thảm sát chưa từng có này
Bọn sống sót là những thằng chó đẻ.

--------------

Bản Việt ngữ được dịch từ bản Anh ngữ của Wen Huang.
Nguồn: World Books: Poet Liao Yiwu — Memories of the Tiananmen Square “Massacre”, trên tạp chí The Arts Fuse: http://artsfuse.org/874/poet-and-dissident-liao-yiwu-memories-of-the-tiananmen-square-massacre/








No comments:

Post a Comment

View My Stats